Sách Đa-ni-ên này là một bằng chứng tuyệt vời, chứng tỏ Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng biết tất cả mọi việc sẽ xảy ra trong tương lai. Chỉ mình Đức Chúa Trời hằng sống mới có thể biết trước mọi sự. Ngoài Đức Chúa Trời hằng sống ra, ai có thể nói trước được thời gian từ vua Nê-bu-cát-nết-sa cho tới ngày nay, tức là lịch sử trong khoảng 2600 năm. Một số giai đoạn của lịch sử thậm chí được Đức Chúa Trời mô tả chi tiết, đã đưa đến nhiều tranh luận về sách Đa-ni-ên.

Thậm chí, một số người cho rằng, tất cả được viết sau khi đã xảy ra. Tuy nhiên, những điều tiên tri trong sách đã ứng nghiệm và sắp ứng nghiệm không phải là bí mật chính của sách Đa-ni-ên mà là sự trung tín của Đa-ni-ên. Bởi hết lòng trung tín với Đức Chúa Trời mà Ngài đã bày tỏ cho ông rất nhiều.


Bối cảnh của sách Đa-ni-ên là dân Israel bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Trong những tù nhân ấy, vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa cho chọn những người trẻ tuổi  khôi ngô, khỏe mạnh, khôn ngoan để hầu hạ vua trong cung điện và cho học hỏi sự khôn ngoan và ngôn ngữ của Ba-by-lôn, đế chế lớn nhất trong lịch sử. Họ được cho ăn thức ăn của vua và uống rượu của vua uống. Đối với nhiều người thì đây là cơ hội rất tốt: không những không bị bán làm nô lệ mà còn được cho học hỏi nền văn minh của Ba-by-lôn, được thưởng thức sơn hào hải vị của vua và hầu hạ vua trong cung điện.

h124
1)  Đa-ni-ên và ba người bạn quyết định giữ mình trong sạch cho Chúa (Đa-ni-ên chương 1)
Nhưng Đa-ni-ên và ba người bạn là Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria quyết định trong lòng là không để mình ô uế bởi thức ăn và đồ uống của vua nên xin được cho ăn rau và uống nước (Đa-ni-ên 1:10-12). Dù biết rõ quyết định có thể dẫn đến cái chết, nhưng những cậu bé này, khoảng từ 15 tuổi trở xuống, quyết định trung thành với Đức Chúa Trời và giữ mình trong sạch cho Chúa. Cũng có nhiều người Do Thái được đưa vào cung vua, nhưng chỉ có 4 cậu bé này quyết lòng trung tín với Chúa. Bởi quyết định này mà Đa-ni-ên và ba người bạn đã làm Đức Chúa Trời rất đẹp lòng nên đã ban cho họ tri thức và khả năng thấu hiểu mọi thứ học thức và khôn ngoan.

Hiện nay, chúng ta đang ở trong thời Tân Ước, không phải giữ gìn các luật lệ bề ngoài nữa, được ăn mọi thức ăn. Nhưng chúng ta có ý thức giữ mình trong sạch cho Đức Chúa Trời và không để bị ô uế bởi những sự vui thú của thế gian này không? Giữa chúng ta và dân ngoại có sự khác biệt nào không? Tiếc là ngoài việc đi lễ ngày Chúa Nhật, thì dân Chúa cũng như dân ngoại: thờ thần tượng, quan hệ ngoài hôn nhân, tham vật chất, chia rẽ, chạy theo danh vọng, yêu những điều của thế gian... và lòng thì xa cách Chúa. Chúng ta nên nhớ rằng tuy chúng ta sống trong thế gian nhưng chúng ta không thuộc về thế gian mà thuộc về Đức Chúa Trời (Giăng 17:14). Chúa đã cảnh báo về điều này trong các câu Kinh Thánh sau:

Đừng yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Cha chẳng ở trong người ấy“ (1.Giăng 2:15)
Hỡi bọn ngoại tình kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời vậy“ (Gia-cơ 4:4)

Chúng ta hãy học ở bốn cậu bé kia, giành trọn cả trái tim cho Chúa, quyết lòng giữ mình trong sạch cho Chúa chúng ta dầu phải trả bất kỳ giá nào. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ ở bên cạnh để giúp chúng ta trung tín với Ngài.

2) Sự trung tín của Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria (chương 3)
Trong sách Đa-ni-ên chương 3, vua Nê-bu-cát-nết-sa cho làm một bức tượng vàng lớn và bắt mọi người quỳ gối thờ lạy bức tượng này. Ai không sấp mình trước bức tượng thì bị quăng vào lò lửa hực. Lúc đó, Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria đang làm quan ở tỉnh Ba-by-lôn, bị người ta phát hiện là không chịu quỳ trước bức tượng nên bị điệu đến trước vua. Vua nói nếu họ không chịu quỳ thì cũng sẽ bị quăng vào lò lửa, xem thần nào có thể cứu họ được không.

Câu trả lời của họ làm chúng ta phải khâm phục: „Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, chúng tôi không cần gì phải biện minh với vua về vấn đề này. Nầy, hỡi vua! Nếu Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực và thoát khỏi tay vua thì Ngài sẽ cứu . Nếu Ngài không cứu, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng“ (Đa-ni-ên 3:16-18). Câu này có nghĩa là nếu Đức Chúa Trời  muốn cứu thì Ngài sẽ cứu họ, nhưng nếu Ngài không cứu thì họ vẫn trung tín với Chúa, không quỳ trước bức tượng cho dù họ sẽ bị chết. Chúng ta có thể thấy là họ hoàn toàn vâng lời và trung tín với Chúa một cách vô điều kiện. Còn chúng ta thì đòi hỏi Chúa làm cái gì trước rồi mới nghe theo. Không phải trong Khải Huyền 2:10, Chúa đã nói „Hãy trung tín cho đến chết, rồi Ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống“ sao?

3) Đa-ni-ên bị ném vào chuồng sư tử (chương 6)
Ở đầu chương 6, vua lập một trăm hai mươi quan trấn thủ, để chia nhau trị cả nước, và trên các quan này là ba quan thượng thư, trong đó có Đa-ni-ên. Vì trội hơn hai người kia, nên vua định lập Đa-ni-ên trên cả nước. Các quan ganh tỵ tìm cách kiện Đa-ni-ên nhưng không tìm thấy bất kỳ lỗi gì ở ông cả vì ông trung thành với vua, siêng năng và tận tâm với công việc. Nên họ mới bày mưu kế để hãm hại ông. Họ nói vua làm một chiếu chỉ là nếu trong ba mươi ngày nếu người nào cầu xin thần của mình thì bị ném vào chuồng sư tử (Đa-ni-ên 6:7)

Nếu nghe chiếu chỉ như vậy thì phản ứng của chúng ta sẽ ra sao? Ở câu 10, sau khi nghe chiếu chỉ xong, Đa-ni-ên về nhà vẫn như thường lệ một ngày ba lần quỳ gối, cầu nguyện tạ ơn Đức Chúa Trời và các cửa sổ thì mở hướng về Giê-ru-sa-lem. Thậm chí Đa-ni-ên cũng không cần phải đóng cửa sổ. Tuy trọng trách cao, tận tụy với công việc, nhưng ngày nào Đa-ni-ên cũng biệt riêng thời gian cho Chúa và cầu nguyện cho chương trình của Chúa, xin Chúa thương xót xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, hình ảnh của Hội Thánh, và giải thoát dân Ngài khỏi cảnh tù đày. Sau khi chiếu chỉ thì lòng của Đa-ni-ên với Đức Chúa Trời và Giê-ru-sa-lem vẫn không đổi, các cánh cửa sổ vẫn mở hướng về Giê-ru-sa-lem.  Vì vậy các quan có chứng cớ để kiện cáo Đa-ni-ên trước mặt vua, và ông đã bị ném vào chuồng sư tử. Nhưng Đức Chúa Trời đã giải cứu ông.

4) Đa-ni-ên kiêng ăn, nài xin Chúa thương xót dân của Ngài (chương 9)
Qua sách Giê-rê-mi, Đa-ni-ên nhận biết được thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hoang vu 70 năm (câu 2). Khi khoảng thời gian này sắp hết, Đa-ni-ên kiêng ăn, mặc áo gai, đội tro và hết lòng nài xin Chúa thương xót và tha thứ những tội lỗi và bất trung mà dân Chúa đã phạm, mở đường cho dân sự trở về xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem, để danh Đức Chúa Trời được vẻ vang tại đó.

Trong cả cuộc đời, từ lúc nhỏ tuổi đến lúc cao tuổi, Đa-ni-ên luôn trung thành với Đức Chúa Trời và hết lòng vì dân của Đức Chúa Trời. Qua đời sống của Đa-ni-ên và ba người bạn, Đức Chúa Trời đã được vinh hiển, danh Ngài được bày tỏ ra trong thế gian. Chính các vua lúc đó cũng nhận ra rằng Đức Chúa Trời của họ là Đức Chúa Trời của các thần, là Vua của các vua (Đa-ni-ên 2:47, 3:29, 4:34-37,...). Ngợi khen Chúa!

Các bạn trẻ, hãy như Đa-ni-ên và ba người  bạn, hãy làm một quyết định là trung thành với Chúa, giữ mình trong sạch cho Chúa, không để mình bị vẩn đục bởi thế gian này. Ai quyết lòng trung tín với Chúa thì Chúa sẽ ở bên cạnh để giúp người đó trung tín với Chúa. Không lẽ ở Việt Nam, Chúa không tìm được những người như họ sao?
Lạy Chúa, xin Chúa hãy vực dậy những người như Đa-ni-ên ở Việt Nam để danh Chúa được vinh hiển ở Việt Nam, để nước Chúa mau đến trên trái đất này và để ý muốn Ngài được nên. Amen.

Sưu tầm