Israel chiếm một mảnh đất rất nhỏ và trong
mảnh đất nhỏ bé đó, David và những người của ông ban đầu chỉ chiếm hang động
Adullam. Bắt đầu từ hang động này, Chúa đã phát triển điều mà sẽ trở nên vương
quốc của David. Khi David và đội quân của ông tiến lên từ hang động Adullam và
bắt đầu chuyển động đến Israel và các vùng phụ cận, phần nhiều trong các sự
chuyển động của họ chỉ là phản ứng lại với sự bắt bớ của Saul. Trong suốt thời
gian này, Chúa đã huấn luyện David không sợ hãi nhưng tin cậy Ngài cách vô điều
kiện. David đã trưởng thành đến mức ông không còn sợ Saul hay bất cứ mối đe dọa
nào khác. Ông thật sự nhận thức rằng ông ở trong tay Chúa và phải yên nghỉ
trong Ngài và vui hưởng sự cứu rỗi của Ngài.
CHẠY TRỐN ĐẾN
ĐỒNG VẮNG
Sau khi giải cứu Keilah và rồi chạy trốn khỏi
đó, David đã trốn thoát đến đồng vắng Ziph (1 Sam. 23:13–14). Ziph nghĩa là tuôn chảy (tự điển Strong); nói cách
khác, không định cư nhưng luôn chuyển động. Trong khi David ở đó, Saul săn tìm
ông mỗi ngày. Hãy nhớ, Saul đã bị tôn giáo bắt lấy. Những người bị tôn giáo bắt
lấy sẽ bắt bớ người khác cách không mệt mỏi so với bất cứ ai khác trên đất. Các
doanh nhân nhận thức rằng sự cạnh tranh là một điều tốt và các chính khách lợi
dụng lẫn nhau để đạt được mục đích của họ. Tuy nhiên, những người cuồng tín cố
gắng thanh trừng những người họ xem là mối đe dọa.
Điều lạ lùng là mặc dù Saul trong sự nhiệt
thành của mình không thể tìm thấy David, nhưng Jonathan lại có thể tìm được (1
Sam. 23:15-16). David đã trốn trong rừng và Jonathan đến với ông. Cuối cùng,
người Ziph bảo Saul rằng David đang trốn giữa vòng họ (c.19). Lúc Saul chuẩn bị
đến Ziph, David đã di chuyển đến đồng vắng Maon. Mặc dù ông đã đuổi theo David
và gần như gài bẫy được ông ở Maon, nhưng Saul nghe rằng quân Philistine đang
tấn công Israel
nên đành phải đi (cc. 25-28).
CƯ TRÚ Ở EN GEDI
David và người của ông đi lên từ Maon và cư
trú trong các đồn lũy ở En Gedi (1 Sam. 23:11). Địa danh En Gedi nghĩa là mạch nước của con trẻ (tự điển Strong).
Nó cũng ngụ ý những con cừu con.
Các thi thiên David viết trong suốt thời kỳ
này chỉ tỏ ông đánh giá cao Chúa của ông biết bao và nhận ra sự bất xứng của
chính mình (Thí dụ: Thi Thiên 31). Đối với David, Chúa giống như chiên con
thuần khiết trong khi chính ông lại là con dê xấu xí. Các Thi thiên của David
từ giai đoạn này khải thị rằng ông lệ thuộc Chúa về sự cứu rỗi hàng ngày của
mình (Thí dụ: Thi thiên 17:7; 54:1; 57:1). Chúa này không thể bị đánh bại. Kẻ
thù của David đầy quyền năng nhưng không có lý do gì để sợ hãi vì ông có một
Cứu Chúa như vậy.
Lần đầu tiên đến với Chúa, chúng ta kinh
nghiệm Ngài như Chiên Con của Đức Chúa Trời không tì vết (John 1:29; 1 Pet.
1:19). Trong ánh sáng của sự thuần khiết và tình yêu của Chúa dành cho chúng
ta, chúng ta nhận thức mình vô dụng và kinh khủng biết bao. Khi xưng nhận tội
lỗi mình vào ngày đó, chúng ta đã sấp mặt xuống trước mặt Chúa trong sự hổ thẹn
và cảm thức về sự bất xứng cực độ của mình. Cuối cùng, chúng ta học tập không
tin cậy chính mình nhưng tin nơi Chúa phục sinh của chúng ta là Đấng có thể
chống đỡ, cứu rỗi và đem chúng ta vượt qua. Đây là kinh nghiệm của David tại En
Gedi. Ông đã học được rằng ông có thể tin cậy Chúa.
ĐỐI MẶT VỚI
SAUL TRONG HANG ĐỘNG
Sau khi nhận thức Chúa ở với chúng ta, chúng
ta sẽ bắt đầu nhìn thấy những người bắt bớ mình cách khác. Chúng ta sẽ không
còn sợ họ như trước nữa. Saul trở về tìm kiếm David ở En Gedi sau khi chiến đấu
với quân Philistine. Ông một mình đi vào hang động để giải quyết nhu cầu của
mình, không biết rằng David và người của ông đang trốn ở đó. Khi David thấy
ông, Saul trông không còn mạnh mẽ nữa. David đã chạy trốn Saul, sợ ông như một
vị vua mạnh mẽ. Tuy nhiên, bây giờ Saul trông yếu đuối và dễ tổn thương. Trong
khi Saul ở trong tình trạng đó thì David bí mật cắt một góc áo choàng của ông
(1 Sam. 24:1-4).
Cụm từ “góc áo choàng của ông” cũng có thể
dịch là “cánh áo choàng của ông”. Khi David nói với Saul điều ông đã làm, dường
như ông đang nói: “Hỡi Saul, hãy xem. Tôi đã cắt cánh cho ông. Ông không còn có
thể bay qua tôi như trước đây nữa. Ông đã rượt đuổi tôi nhưng bây giờ tôi đã
cắt cánh của ông.” Saul không còn kiểm soát nữa. Thay vì vậy, David có thể bắt
lấy Saul.
Khi David đưa góc áo choàng của Saul lên, ông
có thể nói: “Hỡi Saul, mọi chuyện đã xong rồi. Tôi đã chán cảnh ông quấy rầy
tôi mọi lúc. Bây giờ hãy ra khỏi Israel !” Thay vì vậy, lòng David quấy rầy ông và nói: “Chúa
cấm ta làm điều này với chủ mình, người Chúa xức dầu, đó là vươn tay mình ra
nghịch với người ấy! (1 Sam. 24:5-6).
Hầu hết chúng ta đều kinh nghiệm việc bị Chúa
quấy rầy trong lương tâm mình theo cách này. Khi cầu nguyện về một điều gì đó
hoặc làm một điều gì đó, chúng ta được Chúa kiểm tra. Ngài có thật sự là Chúa không?
Chúng ta thường đòi hỏi Ngài những điều mà Ngài không tìm kiếm cho chúng ta.
Bất cứ điều gì chúng ta tìm kiếm ngoài Ngài cuối cùng đều đem rắc rối đến cho
chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta làm theo Ngài đều trở nên phước hạnh đối với
chúng ta, làm cho chúng ta vui sướng vì Ngài vui sướng. Đây là lý do tại sao
Chúa cho phép chúng ta bị phơi bày qua các sự cố như việc David cắt góc áo
choàng của Saul.
Lòng David quấy rầy ông vì ông đã đụng đến
người Chúa xức dầu cách không đúng đắn. Vì Chúa dã xức dầu Saul nên ông là
trách nhiệm của Chúa, không phải của David. Nếu muốn có nếp sống hội thánh,
chúng ta cần học tập điều này. Hễ khi nào chúng ta chỉ trích các tín đồ đồng
bạn của mình hoặc đối xử với họ cách không đúng đắn trong mắt của người khác,
thì lòng chúng ta phải lập tức quấy rầy chúng ta. Chúa là Chúa của họ. Chúng ta
không có vị trí để chỉ trích họ (Rô ma 14: 10). Mỗi tín đồ đều ở trong lòng của
Chúa. Ngài ao ước dẫn dắt mỗi một người trong họ vào trong vinh hiển. Nếu chúng
ta không nhìn thấy điều này và không đối xử các tín đồ đồng bạn của mình với ân
điên thì lòng chúng ta phải quấy rầy chúng ta.
Đức Chúa Trời để cho Saul đi vào hang động và
David thấy ông theo như những gì ông là. David thậm chí cắt ‘cánh’ của ông.
Điều này cho Saul thấy rằng ông không còn có thể gây hại đến David nữa. Saul
cảm động khi David tiết lộ điều mình đã làm. Ông nhận thức rằng David, chứ
không phải Jonathan, sẽ có ngai vua. Tuy nhiên, Saul sớm bắt đầu săn lùng David
trở lại. Sự ăn năn của ông không kéo dài.
CÁI CHẾT CỦA SAMUEL
Samuel đã chết trong khi David và người của
ông ở đồn lũy En Gedi (1 Sam. 25:1). Nếu David không trải qua những gì En Gedi
đại diện thì ông sẽ không được chuẩn bị cho cái chết của Samuel. Trong khi
không ổn định tại Ziph, ông vẫn cảm thấy mình cần Samuel. Tuy nhiên, tại En
Gedi, ông đã đi đến chỗ nhận biết Chúa hơn nữa, như Đấng luôn luôn có khả năng
cung ứng cho ông trong sự phục sinh của Ngài. Dường như Chúa đang nói: “David
ơi, từ giờ trở đi, ngươi sẽ nương dựa nơi Ta.”
SỰ NGU DẠI CỦA NABAL
Sau khi cư trú tại En Gedi, David đi đến đồng
vắng Paran, ở cách xa về phía nam. Tại đây, David bảo người của mình bảo vệ các
bầy của một người tên là Nabal, nghĩa là ngu
dại (tự điển Strong). Dưới sự chăm sóc chu đáo của họ, Nabal không mất bất
cứ con chiên nào. Khi David nghe rằng Nabal hớt lông chiên mình tại Carmel, ông
đã sai một vài người trẻ của mình đến xin sự cung ứng, nhắc ông nhớ lại rằng họ
đã bảo vệ các bầy của ông (1 Sam. 25:2-9).
Nabal đáp lại cách bất cẩn và lăng nhục
David, gọi ông chỉ là một đầy tớ trốn khỏi chủ mình. Nabal ngu dại đến nỗi ông
không lường trước các hậu quả của loại nói chuyện này. Khi David nghe lời đáp
của Nabal, ông đã sai 400 người có vũ trang đến Carmel để giết chết ông ấy (cc.
10- 13).
SỰ CUNG ỨNG
CỦA ABIGAIL
Khi vợ của Nabal là Abigail nghe về cách nói
với những người của David, nàng đã nhanh chóng nhận thức mình phải làm một điều
gì đó để ngăn chặn cơn thịnh nộ của David. Nàng gom lại hai trăm ổ bánh, hai
bầu rượu, năm con chiên đã chế biến, năm đấu gạo rang, một trăm bánh nho khô và
hai trăm bánh trái vả và đem đến cho David. Nàng rất khôn ngoan, đã không nói
cho Nabal biết bất cứ điều gì.
Những gì Abigail đem đến cho David có thể
không đủ làm thỏa mãn cả đội quân của ông nhưng có lẽ là tất cả những gì nàng
có thể làm vào lúc đó. Khi nhìn thấy David nàng cúi thấp xuống trước mặt ông và
nói: “Chúa tôi ơi, lỗi nơi tôi, nơi tôi!:” (1. Sam. 25:24). Nàng nói rằng hành
động ngu dại của chồng mình là lỗi của mình và việc phạt ông ấy là bất công.
Chúng ta phải học tập từ Abigail và che phủ lỗi lầm của người khác trong tình
yêu (1 Pet. 4:8; James 5:20). Nếu có thể, hãy làm lệch hình phạt khỏi những
người kém khả năng chịu đựng hơn.
Abigail thừa nhận rằng chồng nàng thật ngu
dại: “Xin chúa tôi đừng chấp nhất tên Nabal vô lại này. Vì tên của hắn thể nào
thì hắn ra thể ấy” (1 Sam.25:250. Nàng tiếp tục chỉ tỏ rằng mọi việc sẽ khác
nếu David sai người của mình đến với nàng thay vì chồng nàng. Rồi nàng nói: “Vì
Chúa đã cầm giữ ông lại để khỏi làm đổ huyết và tự báo thù cho mình bằng chính
tay mình, vậy thì bây giờ hãy để các kẻ thù của ông và những người tìm cách hãm
hại chúa tôi đều giống như Nabal” (c. 26). Sự hiểu biết của nàng thật lạ lùng.
Mặc dù David vẫn dốc lòng giết Nabal nhưng Abigail đã tuyên bố rằng Chúa đã cầm
giữ ông lại để khỏi làm đổ huyết bằng cách sai nàng đến với ông. Sau đó nàng
dâng cho David lương thực nàng đã đem theo và nói: “Chúa chắc chắn sẽ lập một
ngôi nhà bền lâu cho chúa tôi, vì Chúa tôi đánh trận của Chúa…Điều đó sẽ xảy ra
như dự định, khi Chúa…chỉ định ông cai trị trên Israel, thì nguyện Chúa tôi sẽ
không đau buồn hay bị vấp phạm trong lòng vì đã vô cớ làm đổ huyết hay tự báo
thù cho mình” (c. 28, 30, 31)
Dựa trên sự cung ứng của nàng, David đã dịu
bớt và thậm chí chúc tụng Chúa vì đã sai nàng đến: “Chúc tụng Đức Chúa Trời của
Israel ,
là Đấng đã sai nàng gặp tan gay hôm nay! Và phước hạnh cho lời khuyên của ngươi
và cho chính ngươi vì ngày hôm nay ngươi đã gìn giữ ta khỏi việc đi đến làm đổ
huyết và tự báo thù bằng chính tay mình” (1 Sam. 25:32-33). Lời nói của nàng đã
nhắc nhở ông về thân vị ông là và điều ông đang đại diện trước mặt Chúa.
Lời đáp của David rất thẳng thắn; ông không
cố gắng tránh mất mặt. Ông là một người thuộc linh nói với một người nữ thuộc
linh. Ông có thể nói: “Quá muộn rồi. Chúng tôi đã giơ lưỡi gươm lên.” Thay vì
vậy, ông bảo nàng hãy đi về nhà mình trong bình an.
Abigail trở về nhà với Nabal, là người đang
dự tiệc như một vị vua và rất say. Tuy nhiên, sang hôm sau, khi Abigail kể cho
Nabal nghe những gì gần đã xảy ra, “lòng ông đã chết bên trong ông và ông trở
nên giống như một viên đá” (c. 37). Nabal có lẽ đã bị béo phì và khi nghe mình
gần như đã bị David giết, có vẻ ông đã bị đột quỵ. Mười ngày sau, Chúa đánh ngã
ông và ông đã chết.
DAVID KẾT HÔN VỚI ABIGAIL
Qua các sự kiện này, David gặp Abigail, Nabal
chết, và Abigail trở nên tự do để kết hôn với David. Có lẽ đây là một sự khích
lệ cho David rằng Chúa vẫn ở với ông, mặc dù ông là một vị vua chưa có vương
quốc. Trong chương mười của sách này, chúng ta sẽ thấy thể nào những người vợ
của David đại diện cho chúng ta như một bức tranh về hội thánh trong diễn trình
trở nên một điều gì đó vinh hiển. Abigail trở nên người vợ thứ ba trong tám
người vọ của David theo thứ tự này.
SỰ TĂNG TRƯỞNG CƠ ĐỐC
Chúng ta cho rằng sự tăng trưởng Cơ Đốc lôn
tiến triển đi lên theo đường thẳng nhưng kinh nghiệm của chúng ta đầy những
thăng trầm. Khi ở chỗ khó khăn, anh em phải được khích lệ vì điều đó nghĩa là
anh em sẽ sớm đi lên. Cũng vậy, khi nếp sống Cơ Đốc của anh em lên cao hơn bao
giờ hết, hãy chuẩn bị, vì anh em sẽ sớm kinh nghiệm việc hạ xuống sâu hơn. Theo thời gian anh em sẽ khám phá ra
rằng kinh nghiệm thăng trầm là bình thường, vì qua mọi điều đó, anh em kinh
nghiệm việc hiệp làm một với Đấng Christ. Trong kinh nghiệm của David, những sự
thăng trầm này có thể được thấy rõ. Khi ông đến hang động Adullam, rõ ràng có
một kinh nghiệm về việc hạ xuống. Khi tái chiếm thành Keilah, đó là một kinh
nghiệm về việc nâng lên. Ông cảm thấy Keilah có thể là căn cứ của mình nhưng
sau khi Saul xuất hiện và ông được cho biết rằng dân của thị trấn này sẽ phản
bội ông. Đó chắc chắn là một kinh nghiệm về việc hạ xuống. David kinh nghiệm sự
tăng trưởng theo cách này và chúng ta cũng kinh nghiệm sự tăng trưởng theo cách
này.
Sự chuyển động lần đầu của David đến Ziph, En
Gedi và sau đó đến Paran thật ra là ba bước đi xuống. nhìn bên ngoài, mọi sự
đều cắt đứt. Ông hiếm có sự an toàn hay an ủi. Tuy nhiên, bên trong ông đang
học tập tin cậy Chúa cho sự cứu rỗi của ông. Một khi học được bài học này, Chúa
đã đem ông đến Ziph một lần nữa (1 Sam. 26:1-2). Lần đầu David đi vào Ziph, ông
là một kẻ lánh nạn. Bây giờ ông đã khác. Ông có sự tin chắc trong Chúa. Tôi hi
vọng tất cả chúng ta sẽ kinh nghiệm sự tăng trưởng Cơ Đốc theo cách này.
DAVID THA CHO SAUL LẦN THỨ HAI
Saul lại bắt đầu đuổi theo David. Ông và ba
ngàn người của mình đóng trại ở Ziph. David đi thẳng vào trại của Saul vào ban
đêm cùng với Abisahi, một trong những người nam của ông. Họ thấy rằng Chúa đã
khiến Saul và những người xung quanh ông ngủ thật say (1 Sam. 26:5-7, 12).
Abisahi nói với David: “Hôm nay, Đức Chúa Trời đã phó kẻ thù của ông vào tay
ông. Vì vậy bây giờ xin để tôi lập tức đâm ông ấy dính xuống đất bằng ngọn
giáo” (c.8)
Đức Chúa Trời đã đặt để cơ hội giết Saul vào
tay David. Trong tình huống này, nhiều người rất bị cám dỗ để hạ gục Saul hầu
để thúc toàn bộ tình trạng khó chịu. Việc Saul liên tục rượt đuổi David từ nơi
này đến nơi khác là một cơn đau đầu dai dẳng. Bất cứ ai khác cũng đều cảm thấy:
“Dù đúng hay sai, tôi sẽ giết hắn và bất chấp hậu quả; dù gì cũng tốt hơn là
loại đời sống mà tôi phải trải qua vì cớ hắn!” Tuy nhiên, đó không phải là phản
ứng của David.
David trả lời Abisahi: “Đừng hủy diệt người
ấy; vì ai có thể vươn tay ra chống lại người được Chúa xức dầu mà vẫn vô tôi?”
(c.9). Sự nhận thức của David là vì Đức Chúa Trời đã xức dầu Saul làm vua nên
Saul là trách nhiệm của Đức Chúa Trời. Tôi hi vọng không một ai nói: “Những
người dẫn dắt hội thánh của chúng ta chẳng tốt lành gì”. Vì trên khắp thế giới,
không một ai là tốt. David công nhận sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời trong việc
xức dầu Saul làm vua và công nhận Saul là người được Đức Chúa Trời chỉ định để
dẫn dắt tất cả dân Israel
trước ông. Tất cả chúng ta phải nhận thức rằng Đức Chúa Trời ở trên mọi sự
tuyển chọn như vậy.
Thay vì giết Saul, David lấy giáo và bình
nước của Saul. Một khi David đã ở cách xa trại của Saul, ông gọi Abner, chỉ huy
đội quân của Saul, nói: “Sao….ngươi không canh giữ nhà vua, là chúa của
ngươi?...Ngươi đáng chết vì ngươi không canh giữ chủ mình, là người được Chúa
xức dầu. Và bây giờ hãy xem ngọn giáo của vua và bình nước nơi đầu nằm của vua
ở đâu? (cc. 15-16). David quở trách Abner chứ không quở trách Saul. Ông có thể
cười nhạo Saul và bảo ông bỏ cuộc, vì Chúa không ở với ông. Bởi việc lấy đi
giáo và bình nước của Saul, David đã chạm đến nguồn cung ứng và sự bảo vệ của
Saul. David có thể nói: “Saul, hãy xem. Ngươi không thể chiến đấu và thậm chí
không thể sống. Mọi sự đều ở trong tay ta. Bây giờ hãy về nhà đi!” Thay vì vậy,
ông đã quở trách Abner vì không bảo vệ chủ mình là vị vua được xức dầu.
SAUL LẠI ĂN NĂN
David bảo Saul rằng Saul đã đuổi ông khỏi
miền đất là di sản của Chúa để ông phải cư trú trong miền đất của các thần giả
dối. Nhưng ông không trực tiếp đổ lỗi cho Saul. Ông đơn giản nói: “Nếu Chúa
khuấy động ông chống lại tôi, Ngài hãy chấp nhận một của lễ. Nhưng nếu đó là
con cái loài người, nguyện họ bị rủa sả trước mặt Chúa” (1 Sam. 26:19). Một lần
nữa, Saul được cảm động bởi hành động của David. Lần thứ hai, ông khiến Saul
thương xót và lần thứ hai ông để Saul đi. Saul nói: “David con trai ta, nguyện
ngươi được phước! Ngươi sẽ vừa làm những việc lớn vừa thắng thế” (c.25)
Cuối cùng điều đó có kết thúc không? Không.
Saul bị bắt lấy trong một điều gì đó mà ông không còn có thể kiểm soát được
nữa. Lịch sử hội thánh chứng minh thể nào những người bị bắt lấy bởi ý thức hệ
và tôn giáo không thể dừng lại cho đến khi họ thực hiện được ý định của mình.
Thí dụ, trong lịch sử Hội Anh Em Plymouth ở Anh, không một ai trung tín với
John Nelson Darby hơn William Kelly,
nhưng những người đi theo Darby cuối cùng đã loại Kelly ra. Khi tôn giáo trở
nên ý thức hệ và ý thức hệ thay thế Đấng Christ thì người ta sẽ làm mọi sự
trong quyền lợi của mình để bảo tồn ý thức hệ đó. Khi một người bị bắt lấy
trong một ý thức hệ, Đấng Christ dường như không còn kể đến nữa.
TRỞ VỀ GATH
NHƯ MỘT NGƯỜI KHÁC
David nhận ra là không thể thuyết phục Saul
rằng ông không phải là một mối đe dọa. Vì nhận thức rằng một ngày nào đó Saul
sẽ giết ông nếu ông ở lại Israel (1 Sam. 27:1), ông lại trốn đến miền đất
Philistine. Tuy nhiên, lần này ông đi với đội quân sáu trăm người của mình. Một
lần nữa, ông đến với Achish, vua của Gath, và cư trú giữa vòng dân Philistin
trong một năm bốn tháng, Những người còn lại của ông cư trú trong các ngôi nhà
ở đó.
Lần đầu đến Gath , David cảm thấy ông phải giả điên để có
thể trốn thoát, vì có người nói cho Achish biết ông là ai. Sau khi trốn khỏi Gath , ông đã cư trú trong
hang động Adullam, là nơi ông nhận thấy Chúa là sức lực của ông. Đó là nơi ông đã viết Thi Thiên 34,
có chứa các lời: “Hãy nếm và thấy Chúa thật tốt lành” (c.8). Sau điều này, ông
trải qua các kinh nghiệm về Keilah, Ziph, En Gedi, Paran và đến Ziph một lần
nữa. Bây giờ ông đến với vua Achish như một David khác- thay vì giả điên, ông
đến như vị chỉ huy đội quân sáu trăm người.
Cuối cùng, David xin Achish ban cho ông một
nơi để sống bên ngoài thành phố của vua, và Achish đã ban cho ông Ziklag (c.6).
Về mặt danh nghĩa, David vẫn là một người lánh nạn nhưng bây giờ ông hành động
như một vị vua. Anh em có nghĩ rằng đối với ai Achish cũng ban cho một thành
phố không? Ông nhận thức người của David là một lực lượng mạnh mẽ cho nên ông
đã đồng ý ban Ziklag cho David. David bị tôn giáo ném ra ngoài nhưng những
người Ngoại Bang lại tôn trọng ông.
Khi David đến Gath lần thứ nhất, ông đã giả điên vì sự sống
còn của chính mình. Khi là Cơ Đốc nhân non trẻ, chúng ta cũng cảm thấy bị áp
lực xã hội trong công việc phải đi đến các buổi tiệc để được chấp nhận. Tuy
nhiên, sau nhiều năm theo Chúa và tăng trưởng như các Cơ Đốc nhân, chúng ta sẽ
không còn cảm thấy phải cư xử theo cách làm hài lòng người ta. Chúng ta giống
như David khi trở về Gath .
Ban đầu, thế giới lợi dụng chúng ta. Bây giờ, thế giới ở dưới chúng ta. Sau khi
trải qua một số kinh nghiệm về việc nhận biết và tin cậy Chúa, chúng ta không
còn giống như xưa. Thay vì lo lắng hoặc bị áp lực trong tình trạng của mình,
chúng ta cai trị như các vua.
Sau mọi kinh nghiệm của David về việc bị rút
lui và chạy trốn, cuối cùng ông trở lại nơi mà ông đã tìm kiếm chỗ trú ẩn bên
ngoài Israel
lần đầu. Tuy nhiên, lần này kết quả rất khác. Ông xin một thành phố và nhận
được Ziklag và từ đó trở đi thành ấy vẫn thuộc về Judah . Chẳng phải chúng ta nên dạn
dĩ như vậy sao? Chúng ta phải nói với Chúa: “Tôi không muốn sống một cuộc đời
tầm thường. Tôi thích nếp sống Cơ Đốc của tôi đầy tính phiêu lưu mạo hiểm. Khi
phục vụ Ngài, tôi biết có nhiều thăng trầm. Tôi sẽ bị bắt bớ nhưng tôi cũng có
nhiều sự khích lệ. Khi trải qua những điều này, tôi sẽ trở nên khác, thậm chí
trở nên một vị vua trị vì.”