Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

David Có Được Vương Quốc và Jerusalem

Scenic Road with Flowers Stock Photography
Đức Chúa Trời đã đem David qua nhiều kinh nghiệm học tập. David đã là một người chăn, được xức dầu và tự chứng minh  bởi việc đánh bại Goliath và “hàng vạn” quân của kẻ thù. Ông có sự chứng thực của dân chúng. Mặc dù ông dường như thích hợp làm vua trong mắt con người nhưng Đức Chúa Trời biết ông cần phải trải qua nhiều kinh nghiệm hơn như một người lánh nạn trong đồng vắng và thậm chí tại Philistine. Điều này đem David đến điểm sẵn sàng làm vua.

Tuy nhiên, việc trở nên vua không khiến cho mọi sự dễ dàng hơn đối với David. Ông trị vì trong bốn mươi năm, trước hết ở Hebron trong bảy năm rưỡi, rồi tại Jerusalem trong ba mươi ba năm (2 Sam. 5:5). Trong suốt bốn mươi năm này, ông vẫn đang trưởng thành. Ông đã đạt đến một tầm vóc như một vị vua nhưng khi cai trị, ông tiếp tục trưởng thành.
Trong nếp sống hội thánh, chúng ta đừng bao giờ xem rằng mình đã đạt đến sự đầy đủ của niềm ao ước Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Ngay cả khi dường như trưởng thành, chúng ta vẫn cần trưởng thành hơn nữa (Phil. 3:12-14). Khi chúng ta tăng trưởng đến mức có một chức vụ, thì việc thực hiện chức vụ đó khiến chúng ta tăng trưởng hơn nữa. Khi Paul được sai đi từ Antioch (Công 13: 1-3), ông đã tương đối trưởng thành rồi; nhưng khi ông thức hiện cuộc hành trình và lao tác để dấy lên các hội thánh và các tín đồ, ông càng trưởng thành hơn nữa. Chúng ta phải xem vương quyền của David chính yếu không phải là thời gian ông đã đạt đến mà là lúc ông tiếp tục trưởng thành.
ĐI LÊN HEBRON
Saul và ba con trai mình, bao gồm Jonathan, đã chết trong một cuộc chiến với quân Philistine (1 Sam. 31:1-6). David không lập tức chiếm vương quốc nhưng lại ờ trước mặt Chúa thật nhiều. Ông không xin Chúa dọn đường cho mình trở nên vua trên Israel. Ông chỉ hỏi Ngài xem ông có nên đi lên thành phố nào của Judah không. Chúa bảo ông: “Hãy đi lên” (2 Sam. 2:1). Khi đó, David hỏi là nên đi đến thành phố nào và Chúa bảo ông đến Hebron.
Herbon nghĩa là cộng đồng hoặc tình bạn (tự điển Hitchcock), ngụ ý sự tương giao. Chúa dự định rằng khi David cai trị, ông sẽ không bao giờ lìa khỏi sự hiện diện của Ngài. Bởi sai David đến Herbon, Chúa dường như đang nói: “Ta đã ở với ngươi và ngươi đã tìm kiếm mặt Ta. Bây giờ ngươi là vua và vương quyền của ngươi sẽ bắt đầu bằng một sự tương giao thân mật hơn giữa chúng ta.”
Mặc dù David có một đội quân mạnh mẽ gồm sáu trăm người nhưng ông vẫn hỏi Chúa: “tôi có nên đi không?” Dường như mọi sự bên ngoài rất rõ ràng, nhưng ông vẫn muốn một lời từ Chúa để bắt đầu sự cai trị của mình. Khi đó, ông có một sự xác nhận thêm nữa từ sự đáp lời của dân chúng: những người Judah đã lập ông làm vua của họ (2 Sam. 2:4).
DAVID CHÚC PHƯỚC
NHỮNG NGƯỜI NAM JABESH GILEAD
Điều đầu tiên David làm như một vị vua là chúc phước những người nam Jabesh Gilead là những người đã dũng cảm tìm lại được thân thể của Saul và các con ông (1 Sam 31:11-13; 2 Sam. 2:4-7). Jabesh Gilead là một thành phố Saul đã cứu khỏi tay dân Ammon khi mới lên làm vua. Những người này tốt với Saul hơn là những người Keilah đối với David. Khi Saul chết, những người của thành phố đó đã tìm lại được thân thể của ông và chôn trong thành phố của họ. David chúc phước họ về điều này. Dường như Chúa không hoàn toàn từ bỏ Saul. Việc ông được chôn ở Jabesh Gilead bày tỏ rằng ông yên nghỉ trên chiến thắng của mình tại đó và vua David, như một hình bóng về Đấng Christ, công nhận điều đó.
SỐNG VỚI CÁI NHÌN VỀ SỰ HIỆN ĐẾN CỦA CHÚA
Một ngày kia, tất cả chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa. Những gì chúng ta làm ngày nay là một sự chuẩn bị của chúng ta cho ngày đó. Mỗi chúng ta sẽ được hưởng theo những gì mình hoàn thành trong cuộc đời này. Tôi biết một đầy tớ của Chúa phát ngôn một lời của lẽ thật trong một hội nghị Cơ Đốc và sau đó bị chỉ trích nặng nề và thậm chí bị yêu cầu bước xuống. Tôi cảm thấy Chúa sẽ thưởng cho ông vì chỗ đứng trung tín mà ông đã nhận lấy trong việc phát ngôn lẽ thật. Chúng ta có thể không cảm thấy rằng chúng ta đã hoàn thành nhiều điều, nhưng Chúa có thể sử dụng điều chúng ta thực hiện vượt quá sự mong đợi của chúng ta. Có thể trong một trường hợp, anh em phát ngôn chỉ vài phút, nhưng nhờ những gì anh em phát ngôn, nhiều người trên khắp thế giới có thể được cứu. Lời Chúa rất vĩ đại. Ai sẽ được thưởng vào ngày đó? Có thể đó không phải là những người thực hiện một công tác lớn lao trong danh Chúa nhưng là những người trung tín với sự ủy thác nhỏ bé mà Chúa ban cho họ (Matt. 7:22; 25:21). Chúng ta phải quan tâm đến việc có được nụ cười của Chúa vào ngày đó nhiều hơn là sự náo động ra từ các hành động của chúng ta ngày nay. Chúa có nói: “Ta không biết ngươi; hãy lìa khỏi Ta” (Matt. 7:23) không? Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi thà có Chúa bảo vệ mình còn hơn phải tự bảo vệ mình trước mặt Ngài. Chúng ta phải đơn giản theo Chúa và có sự hòa bình rằng Ngài sẽ đền đáp cho chúng ta.
Saul bị thiêu nuốt bởi sự đố kỵ nhưng đây không phải là cách ông đã bắt đầu trong Chúa. Mặc dù David chịu khổ nhiều bởi Saul, nhưng ông vẫn chúc phước cho những người Jabesh Gileah, vì điều họ đã làm để tôn trọng Saul lúc ông chết. David công nhận rằng Saul vẫn có một điều gì đó trước mặt Đức Chúa Trời bởi sự trung tín của ông đối với những gì được ủy thác cho ông đang khi lòng ông đúng đắn.
Nguyện không ai trong chúng ta chỉ đơn thuần sống một nếp sống Cơ Đốc hay làm một công tác Cơ Đốc. Chúng ta không nên chỉ nhiệt thành về một điều gì đó. Chúng ta phải có cái nhìn về sự hiện đến của Chúa. Những gì chúng ta làm có đứng được tại ngai thẩm phán không? Watchman Nee đã viết một thánh ca bằng ý tưởng này. Anh nói rằng hằng ngày anh sống nếp sống của mình với cái nhìn về ngai thẩm phán của Đấng Christ để công tác của anh có hể trải qua lửa vào ngày đó. Paul bảo chúng ta rằng “lửa sẽ thử nghiệm công tác của mỗi người, xem nó thuộc loại nào” (1 Cor. 3:13).
SỰ CẠNH TRANH CỦA JOAB VÀ ABNER
Sau cái chết của Saul và ba con trai ông trong chiến trận, Abner tuyên bố rằng con trai duy nhất còn lại của Saul là Ishbosheth sẽ là vua trên cả dân Israel (2 Sam. 2:8-10). Chỉ có Judah là theo David. Một ngày kia, các vị chỉ huy của hai vua gặp nhau ở hai bên bờ hồ tại thị trấn Gibeon (2 Sam. 2:13). Abner, chỉ huy quân đội Ishbosheth, nói với Joabh, chỉ huy của David: “Bây giờ hãy để những người trẻ trỗi dậy so tài” (c.14). Joab và Abner có thể đã từng là bạn bè và khoe khoang với nhau về quân đội của họ.
“Vậy họ trỗi dậy và tuần tự băng qua, mười hai người từ Benjamin, những người theo Ishbosheth con trai Saul, và mười hai người từ các đầy tớ của David. Và mỗi người tóm lấy đầu đối thủ của mình và đâm gươm vào hông đối thủ mình” (2 Sam. 2:15-16). Điều bắt đầu như một sự cạnh tranh lại phát triển thành một trận chiến ác liệt giữa hai bên (c.17).  Cuối cùng những người của Abner lãnh hậu quả xấu nhất. Có thể người của David đơn giản nhận được sự huấn luyện tốt hơn và biết cách làm việc như một đội.
Loại cạnh tranh này vẫn xảy ra giữa vòng các Cơ Đốc nhân ngày nay. Người ta có xu hướng chọn phe phái và lập thành các bè đảng. Tất cả chúng ta phải công bố: “Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời! Chúng ta chỉ thuộc về Đấng Christ !” Chúng ta không được liên quan đến các bè đảng cạnh tranh. Tôi hi vọng không ai nói rằng họ đi theo tôi vì tôi không xứng đáng được đi theo. Tôi hi vọng mọi người sẽ đi theo Đấng Christ! Bất kể một người, một sự dạy dỗ hay một phương pháp tốt đến đâu, chúng ta vẫn phải nói: “Tôi vì Đấng Christ!” Nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến những thời kỳ bi kịch không cần thiết.
Abner và đội quân của ông phải bỏ chạy. Mặc dù Abner chắc hẳn là một chiến binh mạnh mẽ, nhưng ông không thể chạy nhanh hơn Asabel, em của Joab, là người quyết tâm bắt kịp ông. Abner bảo Asahel đừng rượt đuổi ông nhưng thay vì vậy hãy giết một trong những người trẻ của ông (c.21). Điều này khải thị rằng Abner ít quan tâm đến những người ở trong sự chăm sóc của mình. Tôi hi vọng không ai trong chúng ta giống như vậy. Abner dùng người khác làm con cờ để đạt đến thành công và tỏ vẻ tốt lành. Asahel thật ngu dại khi là người đầu tiên đuổi theo Abner. Có thể ông bị lòng nhiệt thành bắt lấy, là giết Abner để lập chiến công hàng đầu.
Abner lại nói với Asahel: “Hãy xoay khỏi việc đuổi theo ta. Tại sao ta phải đánh hạ ngươi xuống đất? Làm sao ta có thể đối mặt với anh ngươi là Joab” (c.22). Hai vị chỉ huy dường như đã là bạn tốt và cả hai đều sẵn lòng hi sinh những người ở dưới sự chỉ huy của họ. Họ đã bắt tay và những người ở dưới họ đã chết. Chúng ta đừng bao giờ xem những người ở dưới sự chăm sóc của chúng ta là cái vốn của mình. Chúng ta đừng bao giờ xem những người chúng ta phục vụ là sức lực của chúng ta. Họ thuộc về Đức Chúa Trời, không thuộc về chúng ta.
Asahel không đối chọi lại được với Abner là người đã giết ông bằng đuôi giáo. Tuy nhiên, hầu hết những người chết vào ngày hôm đó đều thuộc đội quân của Abner. Ba trăm sáu mươi người nam của ông đã chết trong khi chỉ có hai mươi người của Joab bị giết, bao gồm Asabel. Sau đó Joab đã giết Abner và bởi đó được David chú ý (2 Sam. 3:27-28, 39).
BÔNG TRÁI CỦA SỰ SỐNG BẢN NGÃ
Abner không thể chấp nhận David làm vị vua được Đức Chúa Trời xức dầu, và đây là nguồn của nhiều rắc rối. Bởi lập Ishbosheth làm vua, Abner có thể duy trì vị trí lãnh đạo đội quân của mình. Ông đơn giản đồng đi với những điều phù hợp với tư lợi của mình, là điều dẫn đến biến cố tại hồ Gibeon. Ba trăm sáu mươi mạng sống bị hi sinh cho sự sống bản ngã của người lãnh đạo. Khi các tín đồ bắt đầu tranh chiến, chính những người ở dưới sự chăm sóc của họ chịu khổ. Chúng ta là những người của Chúa đừng bao giờ dính líu đến những điều xấu xí như vậy.
Nếu anh em không biết cách yêu Chúa Jesus như Cứu Chúa của mình và cách đánh giá cao hội thánh mà Ngài đã đặt để anh em ở đó, anh em sẽ không bao giờ tăng trưởng đúng đắn. Thay vì vậy, anh em có thể yêu thế giới và trở nên một công nhân Cơ Đốc không quan tâm đến người khác. Tôi hi vọng tất cả những người đọc điều này sẽ chỉ quan tâm đến Đấng Christ!
Một lần kia tôi ở với các hội thánh đang trải qua một sự thử nghiệm lớn. Tôi được hỏi là tôi có nghĩ các hội thánh này sẽ bắt đầu phân rẽ với nhau không. Tôi thấy thật khó nhận biết ý tưởng đằng sau câu hỏi đó, vì cái nhìn theo Kinh thánh là các hội thánh địa phương không được nối kết với nhau theo tổ chức, vì vậy chúng không thể bị chia rẽ theo ý nghĩa đó. Nếu đầu hàng tổ chức, chúng ta sẽ sống vì một cơ chế chứ không phải vì Đấng Christ và hội thánh địa phương đều sẽ dẫn đến tổn thất, vì dân chúng sẽ chiến đấu về công tác Cơ Đốc và tính chính thống.
CAI TRỊ TẠI JERUSALEM
Sau bảy năm cai trị trên JudahHebron, con đường được mở ra cho David để cuối cùng được tôn làm vua của cả Israel (2 Sam. 5:1-3). Điều đầu tiên ông làm là chiếm thành Jerusalem từ dân Jebusite (5:6-7). Zion là tên được ban cho các nơi cao của Jerusalem. Nó còn được gọi là thành của David và cung điện của David được xây dựng tại đó. Trước David, các vua và thẩm phán cai trị từ quê nhà của họ. Thậm chí Samuel cũng làm như vậy khi ông cai trị từ Ramah. Tuy nhiên, David có được một thành tên là “Nền của sự Hòa Bình”  (theo Davis). Thành này trở nên trung tâm của công tác Đức Chúa Trời. Ngay cả trong thời đại Tân Ước, chúng ta cũng trông đợi Jerusaslem mới (Khải 21:2). Việc David nhìn thấy giá trị của Jerusalem làm chứng thể nào David là một người vừa lòng Đức Chúa Trời.
SỰ XÁC NHẬN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Khi Hiram tự ý gửi mọi vật liệu và thơ khéo đến xây dựng một cung điện cho David, David đã lĩnh hội được rằng Chúa thật sự lập ông làm vua (2 Sam. 5:11-12).
David không suy đoán. Dường như đối với chúng ta việc Đức Chúa Trời thật sự chọn David làm vua sau khi ông được lập làm vua trên Judah và rồi trên cả Israel là hiển nhiên. Tuy nhiên, David không giống như vậy; ông luôn luôn tìm kiếm sự phát ngôn và hiện diện của Chúa. Vì vậy, ông cần sự xác nhận rằng những điều xảy ra là từ Chúa không phải chỉ từ con người và hành động của Hiram đã cung cấp điều này.
CÁC SỰ THẤT BẠI CỦA DAVID
 Saukh i David chuyển đến Jerusalem, ông cưới thêm vợ và thê thiếp (2 Sam. 5:13). Ông đã có ba vợ - Michal, Ahinoam và Abigail. Cuối cùng ông đã có tám vợ. Trong Phục Truyền 17:14-17, Moses đã đặc biệt viết rằng các vua cai trị xoay khỏi Chúa. Trong vấn đề này, David đã thất bại.
David và người của ông cũng lấy đi các thần tượng mà dân Philistine bỏ lại phía sau trong khi chạy trốn đội quân của ông (2 Sam. 5:21). Có thể các chiến sĩ của David đã xem chúng là vật lưu niệm hay chiến lợi phẩm và đặt chúng trong chính nhà mình. Ngoài việc thất bại bởi có nhiều vợ và thê thiếp, David còn thất bại bởi không giữ vững lập trường đối với các thần tượng. Điều này dường như là một nan đề cũ với David. Trước đây rất lâu, khi David chạy khỏi Saul, vợ ông đã dùng một hình tượng trong nhà để đánh lừa những người tìm giết ông (1 Sam. 19:13).
ĐỨC CHÚA TRỜI BỎ QUA SỰ THẤT BẠI  CỦA DAVID
Chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa phải thẩm phán David vì hai điều ác này, nhưng thay vì vậy Chúa dường như rất vui sướng với David. Thật ra, khi David cầu hỏi về việc tấn công Philistine, Chúa đã đề xuất rằng David và Ngài cùng nhau chiến đấu chống lại họ (2 Sam. 5:23-15). Chúa nói: “Khi ngươi nghe tiếng hành quân trên ngọn các cây dâu tằm thì ngươi sẽ tiến nhanh. Vì khi đó Chúa sẽ đi ra trước ngươi để đánh hạ trại quân Philistine” (c. 24) Daivd và Chúa cùng nhau đánh bại quân Philistine.
Chúng ta có thể nghĩ David phải sợ Đức Chúa Trời đang dẫn ông vào một cái bẫy, vì ông đã làm nhiều điều bị Đức Chúa Trời kết án. Đôi khi đây là cảm nhận của chúng ta. Có nhiều lần khi Chúa yêu cầu chúng ta làm một điều gì đó cho Ngài, sau khi chúng ta vừa mới bị đánh bại. Chúng ta có thể cảm thấy phải nói: “Chúa ơi, hãy làm điều đó vào ngày mai, đừng làm ngày hôm nay. Tôi e rằng nếu tôi làm điều đó ngay bây giờ, thì sẽ thất bại vì Ngài đang trừng phạt tôi.” Nhưng Đức Chúa Trời công tác với những người bất xứng. Bất chấp các lỗi lầm của ông, David vẫn là một người vừa lòng Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã công tác với ông.
CỐ GẮNG ĐEM HÒM CHỨNG CỚ LÊN
Sau khi David chiếm Jerusalem, ông đã tìm kiếm để đem hòm chứng cớ của Đức Chúa Trời vào trong thành. Hòm chứng cớ ở tại nhà Abinadab từ khi Philistine trả lại (1 Sam. 6:1; 7:1). David nhận thức  rằng vương quyền  và chức tế lễ cần công tác với nhau vì hòm chứng cớ phải được đem lên để dân chúng có một quyền lãnh đạo lành mạnh.
David bảo đóng một chiếc xe chở hòm chứng cớ và tụ họp ba mươi ngàn người được chọn để đem hòm chứng cớ vào trong Jerusalem với một sự tôn trọng lớn. Đó chắc hẳn là một chiếc xe bò thật đẹp. Hòm chứng cớ chỉ được khiêng bởi người Levi (Dân 4:15; 1 Sử 15:2). Điều đó dường như quá đơn sơ đối với David. Tuy nhiên, những gì Đức Chúa trời chỉ định thì Đức Chúa Trời đã chỉ định và chúng ta không nên tìm cách cải tiến.
Khi hòm chứng cớ đến gần Jerusalem, con bò kéo xe bị vấp. Uzzah nắm lấy hòm chứng cớ để giữ vững nó. Vì điều này, Đức Chúa Trời đã đánh hạ Uzzah và ông chết (2 Sam. 6:6-7). Điều này khiến David sợ những gì có thể xảy ra nếu ông đem hòm chứng cớ vào trong Jerusalem. Ông dừng đám rước lại và cho đặt hòm tại nhà Obed- Edom. Hòm ở tại nhà Obed- Edom trong ba tháng; trong suốt thời gian đó, ông và gia đình ông đều được Chúa chúc phước (c.11). Có thể các sự giao dịch thương mại của ông đột ngột đem lại cho ông một gia sản lớn.
DAVID MẶC EPHOD BẰNG VẢI LANH MỊN NHẢY MÚA
Khi David nghe rằng gia đình Obed- Edom được chúc phước, ông được khích lệ để đem hòm chứng cớ vào Jerusalem. Tuy nhiên, lần này hòm không được đặt trên xe bò nhưng được khiêng.
David mặc ephod bằng vải lanh mịn giống như các thầy tế lễ, đồng hành với chiếc hòm. Cứ như thể ông đang nói: “Ta là vua nhưng cũng muốn làm một thầy tế lễ. Ta có thể chia sẻ đặc ân này để đồng hành với hòm chứng cớ không?” David lột bỏ trang phục vương giả của mình và đổi chúng để lấy trang phục thầy tế lễ. Đây là cách ông phục vụ Chúa vào thời đó.
Mỗi sáu bước từ nhà Obed-Edom đến Jerusalem, David đều dâng sinh tế là bò và súc vật vỗ béo. David nhảy múa trước mặt Chúa với cả sức lực của mình. Thật tốt đẹp biết bao tất cả chúng ta có thể tự do trước mặt Chúa như  vậy! Khi chúng ta phát ngôn cho Chúa, thì không nên phát ngôn với sự sợ sệt nhưng cách dạn dĩ với cả sức lực của chúng ta. Nếu là như vậy, chúng ta sẽ thắng thế biết bao! Toàn bộ bức tranh ở đây là một bức tranh vui mừng về David, Chúa và dân Israel cùng nhau vui hưởng một thời gian kỳ diệu.
MICHAL KHINH MIỆT SỰ VUI MỪNG CỦA DAVID
Michal, người vợ đầu tiên của David và cũng là con gái Saul, đã nhìn ra từ cửa sổ mỉnh và tự hỏi: “Kẻ điên cuồng đang nhảy múa dưới kia là ai?” Có lẽ có người nói với bà: “Đó là chồng bà, David”. Michal nhạo báng David và nói với ông: “Ngày nay, vua dân Israel vinh hiển biết bao, hôm nay tự lột trần mình trong những đồng bạn hèn hạ tự lột trần mình cách vô liêm sỉ!” (2. Sam. 6:20). Tôi nghĩ bà có ý nói rằng ông đã đi lại mà không mặc trang phục vương giả. Đối với bà, khi ông bước đi, ông phải có thể được nhận ra là một vị vua chừ không phải một trong nhiều thầy tế lễ.
Câu trả lời của David rất tốt: “Điều đó là trước mặt Chúa, Đấng đã chọn tôi….chỉ định tôi làm người cai trị trên dân của Chúa, trên Israel. Vì vậy tôi sẽ chơi nhạc trước mặt Chúa” (c.21). Chắc hẳn David đã chịu đựng biết bao! Ông là vua trên một dân kỳ diệu nhất trên đất, với Đức Chúa Trời như Vua ông. Vì vậy, ông đã nhảy múa trước mặt Đức Chúa Trời, nhảy lên và quay cuồng. Hơn nữa, ông nói: “Thậm chí tôi sẽ tỏ ra không đàng hoàng hơn như vậy nữa và sẽ hạ mình hơn trong cái nhìn của chính tôi” (c. 22) . David có một sự nhận thức sâu xa rằng mọi sự trong đời sống ông đều theo sự thương xót của Đức Chúa Trời. Vì điều này, ông không tự xem thường mình nhưng tôn trọng điều Đức Chúa Trời đã làm cho ông. Mặt khác, Michal khinh miệt sự vui mừng của David trong Chúa và vì vậy “không có con cái cho đến ngày bà chết” (c.23).

Tôi hi vọng tất cả chúng ta có thể công bố: “Chúa ơi, tôi muốn giống như David và nhảy múa trước mặt Ngài với cả sức lực của tôi để làm thỏa mãn lòng Ngài.”