Các ân tứ được tìm thấy trong mỗi hội-thánh địa phương thì khác nhau. Đức Chúa Trời ban cho các địa phương nào đó ân tứ nói tiên tri, những lời khải thị và những sự dạy dỗ. Đôi khi Ngài thêm [cho ân tứ] nói các thứ tiếng [lạ] và thông dịch các thứ tiếng [lạ]. Tại một số địa phương, Đức Chúa Trời chỉ ban cho các ân tứ giảng dạy chứ không ban cho các ân tứ phép lạ. Tại những địa phương khác thì Ngài vừa ban cho các ân tứ phép lạ vừa ban cho lời dạy dỗ. Chúng ta không thể bắt buộc Đức Chúa Trời phải làm gì trong hội-thánh. Tuy nhiên, nguyên tắc nhóm họp luôn luôn như nhau
— Đức Chúa Trời muốn tất cả các con cái của Ngài vận dụng ân tứ của mình. Chúng ta không thể thi hành chức năng theo ân tứ mình không có; chúng ta chỉ có thể thi hành chức năng theo những ân tứ mình có. Vì lý do ấy, một địa phương không thể nhất định đòi có buổi nhóm để vận dụng ân tứ, cũng không thể bắt chước các hội-thánh khác về bất cứ mặt nào. Địa phương ấy chỉ có thể thi hành chức năng theo các ân tứ mà những anh em tại địa phương ấy sở hữu. Đó là loại buổi nhóm được đề cập đến trong 1 Cô-rin-tô chương 14. Chúng ta cần phải theo Kinh Thánh khi thực hiện loại buổi nhóm vận dụng các chức năng. Các chị em không được mở miệng (c. 34), còn các anh em phải được giới hạn (cc. 32-33). Nếu có ai nói tiên tri thì chỉ nên có hai ba người. Một vài người có thể nêu lên những câu hỏi và tìm sự gây dựng hỗ tương cùng sự soi sáng từ Chúa. Trong những buổi nhóm ấy, trừ phi có sự thông dịch các thứ tiếng [lạ], còn thì không được nói các thứ tiếng [lạ]. Các thứ tiếng [lạ] là để gây dựng các cá nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Nói các thứ tiếng [lạ] cộng với thông dịch các thứ tiếng [lạ] thì bằng với nói tiên tri. Nếu chỉ nói các thứ tiếng [lạ] mà không thông dịch các thứ tiếng ấy, thì tâm trí không được bổ ích, và hội-thánh sẽ không được xây dựng. Đó là lý do Phao-lô nói: “Nếu không có người thông dịch, hãy im lặng trong hội-thánh” (c. 28). Ông không cấm nói các thứ tiếng [lạ], nhưng ông cấm nói các thứ tiếng [lạ] khi thiếu sự thông dịch. Nói cách đơn giản là trong loại buổi nhóm ấy, ai có thi thiên, lời dạy dỗ, khải thị, tiếng [lạ] hay lời thông dịch, hãy làm mọi sự để gây dựng.
Trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta phải đặc biệt lưu ý nhắc nhở tất cả các anh em có ân tứ, tức những người phục vụ trong chức vụ lời, đừng thụ động trong buổi nhóm ấy. Những anh em có ân tứ trong chức vụ lời thường trở nên những khán giả trong buổi nhóm ấy. Họ trở nên thụ động và để những người khác phát biểu. Điều đó là sai trật. Không phải ai cũng có thể nói trong những buổi nhóm như vậy. Chỉ những người có ân tứ mới có thể nói. Chúng tôi không đồng ý là chỉ có một người nói, và chúng tôi cũng không đồng ý là mọi người đều nói. Cho phép chỉ một người nói là sai trật. Cho phép người nào cũng được nói cũng sai trật. Chỉ lời nói của những người có ân tứ mới cung ứng cho các anh chị em; không phải ai cũng có thể làm công việc ấy. Chỉ những người có lời mới có thể nói. Những người không có lời thì nên im lặng. Đáng tiếc là những anh em có ân tứ, tức những người có chức vụ [cung ứng] lời [Chúa], lại thường có thái độ không đúng đối với những buổi nhóm như vậy. Họ nghĩ rằng mọi anh chị em đều có thể mở miệng trong buổi nhóm ấy, và vì vậy mà họ ngồi yên lặng. Thật ra, buổi nhóm ấy dành cho chính anh em có ân tứ và có chức vụ đứng lên nói. Làm sao chúng ta có thể trông mong có một buổi nhóm tốt đẹp khi tất cả những người lẽ ra phải làm môi miệng lại không nói, mà hi vọng tay, chân và tai sẽ nói? Trong buổi nhóm ấy, tất cả những anh em có ân tứ phải gánh trách nhiệm tìm kiếm một lời gì trước mặt Chúa để nói. Một khi có lời thì họ phải nói.
Các buổi nhóm ấy làm nảy sinh nan đề cho những tín đồ mới; họ không biết là mình có ân tứ hay không. Họ liên hệ rất ít đến chức vụ lời. Họ chỉ vừa tin nhận Chúa, và họ chưa làm được bao nhiêu việc. Làm sao họ có thể tham gia buổi nhóm ấy? Tôi hi vọng những người trưởng thành sẽ không khóa miệng những người còn non trẻ. Chúng ta phải cho họ cơ hội nói. Chúng ta nên bảo họ rằng: “Chúng tôi không biết anh em có ân tứ hay không. Chúng tôi không biết Đức Chúa Trời có ban cho anh em chức vụ lời hay không. Vì vậy, lúc đầu, khi anh em tập nói, xin hãy nói cách đơn giản”. Anh em phải cho họ cơ hội, nhưng đừng cho họ quá nhiều cơ hội. Nếu không cho họ cơ hội, anh em sẽ chôn vùi ân tứ của họ. Nhưng nếu anh em cho họ quá nhiều cơ hội, thì họ sẽ làm hư buổi nhóm. Hãy để họ mở miệng nói, nhưng nhắc họ là phải nói ngắn gọn và đơn giản. Nếu họ có ân tứ, anh em phải nói với họ rằng: “Lần sau, anh em có thể nói lâu hơn”. Đối với một số người nào đó, anh em cần nói rằng: “Anh nói quá lâu. Lần sau xin rút ngắn lại”. Anh em phải khích lệ những người có ân tứ tiến lên, và phần nào giới hạn những người không có ân tứ. Nhờ cách ấy, buổi nhóm sẽ trở nên mạnh mẽ mà không phải khóa miệng anh em nào. Các tín đồ mới cần phải học tập trở nên khiêm nhường. Khi được khích lệ thì họ phải nói thường xuyên hơn, và khi được nhắc phải dừng lại thì họ phải nói ít hơn. Họ cần phải theo sự hướng dẫn của những anh em trưởng thành hơn.
Các anh em trách nhiệm trong hội-thánh không những phải làm hoàn hảo những người tiến bộ mà cũng phải liên tục tìm kiếm các ân tứ mới. Làm thế nào anh em tìm ra một ân tứ? Các ân tứ được biểu lộ trong buổi nhóm qua việc vận dụng các ân tứ. Trong buổi nhóm ấy, hãy mở mắt anh em ra để nhìn thấy những người có dấu hiệu được Chúa hành động. Anh em phải xem xét tình trạng của những người ấy. Hãy khích lệ họ nếu họ cần phải được khích lệ, và hãy giới hạn họ nếu họ cần phải được giới hạn. Kết quả là các tín đồ mới không những sẽ được giúp đỡ mà cũng có thể giúp đỡ những người khác trong một buổi nhóm như vậy. Khi ấy anh em sẽ hướng dẫn buổi nhóm theo chiều hướng đúng đắn.
Watchman Nee