Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Nhà Đức Chúa Trời – Các Vật liệu, Thợ xây và Vị trí

Spring  road Stock Photo
David làm vua khi ông ba mươi tuổi và cai trị bốn mươi năm. Trong bảy năm đầu, ông chỉ là vua trên Judah, cai trị từ Hebron. Ngay sau khi trở thành vua trên cả Israel, ông đã chiếm thành Jebus, đặt tên lại là Jerusalem, và cai trị từ đó. Đó là một vấn đề lớn vì thậm chí torng cõi đời đời, Đức Chúa Trời vẫn cai trị từ một thành phố tên là Jerusalem. Cuối cùng, David chuyển hòm của Chúa đến Jerusalem và đặt nó trong lều tạm. Điều được gọi là thành của David, thành của vua, bây giờ trở nên thành của Đức Chúa Trời.

NIỀM AO ƯỚC CỦA DAVID
LÀ XÂY DỰNG CHO ĐỨC CHÚA TRỜI MỘT NGÔI NHÀ
Một khi Daivd ổn định trong nhà mình và Chúa ban Israel yên nghỉ khỏi các kẻ thù của họ, David nói với tiên tri Nathan: “Bây giờ hãy xem, ta cư trú trong ngôi nhà bằng cây tuyết tùng, còn hòm của Đức Chúa Trời cư trú bên trong các bức màn của lều trại” (2. Sam. 7:2). Trong việc nói điều này, David ngụ ý niềm ao ước của ông là xây dựng cho Đức Chúa Trời một ngôi nhà. Đức Chúa Trời chưa từng ban cho David một lời gợi ý nào rằng Ngài ao ước một điều như vậy. Điều đó ra từ tấm lòng của David. Khi đang cư trú trong ngôi nhà bằng cây tuyết tùng, ông cảm thấy việc Đức Chúa Trời cư trú trong các bức màn của lều trại là không phù hợp – Ngài phải có điều tốt nhất. Tôi hi vọng tất cả các tín đồ có cảm nhận này: Đức Chúa Trời xứng đáng nhận điều tốt nhất.
SỰ ĐÁP LỜI ĐÁNH GIÁ CAO CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Vì David đã biểu hiện niềm ao ước này nên Đức Chúa Trời sai Nathan đến cùng ông với một lời (2 Sam. 7:4-17). Ngài nói với David: “ Ngươi sẽ xây dựng một ngôi nhà để Ta cư trú sao? (c.5). Dường như  Đức Chúa Trời đánh giá cao niềm ao ước của David, nhưng Đức Chúa Trời có thật sự cần một ngôi nhà vật lý không?
Trong Tân Ước, Stephen nói: “Đấng Chí Cao không cư trú trong các đền thờ được làm bằng tay như tiên tri nói: “Trời là ngai Ta và đất là bệ chân của Ta. Chúa nói: Ngươi sẽ xây dựng cho Ta ngôi nhà gì? Hoặc đâu là nơi yên nghỉ của Ta?” (Công 7:48-49). Đức Chúa Trời quá lớn đến nỗi David không thể xây bất cứ đền thờ nào cho Ngài. Tuy nhiên, Ngài đánh giá cao niềm ao ước của David là cung cấp cho Ngài một ngôi nhà giữa vòng dân Ngài tại Jerusalem. Dù David có xây dựng cho Đức Chúa Trời một nơi như vậy hay không, Ngài vẫn sẽ ở với dân Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời không cần một đền thờ, nhưng Ngài vẫn đánh giá cao rằng David sẵn sàng hành động ra từ tình yêu của ông dành cho Ngài. Điều này giống như một bé gái nói với cha mình: “Cha ơi, con sẽ mua cho cha một cây kem!” Người cha đánh giá cao rằng đứa con đang chú ý đến sự vui sướng của cha mình mặc dù sự cung cấp của nó không cần thiết. Việc yêu Chúa của chúng ta không bao giờ là thừa. Ngài vui sướng khi chúng ta dâng mình để làm vui lòng ngài mặc dù điều chúng ta làm cho Ngài có thể không cần thiết.
Đức Chúa Trời bảo David: “Ta sẽ lập dòng dõi ngươi sau ngươi… và Ta sẽ thiết lập vương quốc ngươi. Người ấy sẽ xây dựng một ngôi nhà cho danh Ta và ta sẽ thiết lập ngai của vương quốc người ấy mãi mãi. Ta sẽ là Cha người ấy và người ấy sẽ là Con Ta…. Và nhà ngươi cùng với vương quốc ngươi sẽ được thiết lập mãi mãi » (2 Sam. 7 :12-14, 16). Đối với David, điều này nghe có vẻ kỳ diệu đến nỗi không thể trở thành sự thật.
MỘT CON TRAI XÂY DỰNG NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI
Sự đáp lời của Đức Chúa Trời với David đã được làm dịu đi. Ngài nói : «Ngươi đã làm đổ nhiều huyết và đã làm nên những trận chiến lớn; ngươi sẽ không xây dựng một ngôi nhà cho danh Ta vì ngươi đã làm đổ nhiều huyết trên đất trong cái nhìn của Ta. Kìa, một con trai sẽ được sinh bởi ngươi, sẽ là một người yên nghỉ ; và Ta sẽ ban cho người ấy sự yên nghỉ khỏi mọi kẻ thù mình ở khắp xung quanh. Tên của người ấy  là Solomon vì Ta sẽ ban hòa bình và yên tĩnh cho Israel trong các ngày của người ấy. Người ấy sẽ xây dựng một ngôi nhà cho danh Ta và người ấy sẽ là con Ta và Ta sẽ là Cha người ấy; và Ta sẽ thiết lập ngai của vương quốc người ấy trên Israel mãi mãi» (1 Sử 22 :8-10).
     Trong các câu này, Solomon tượng trưng cho Đấng Christ, «Con David» (Matt. 1:1), là người thật sự nhận biệt Đức Chúa Trời và Cha Ngài và ngai của Ngài là “mãi mãi” (Heb. 1 :8). David có một phước hạnh gấp đôi từ Đức Chúa trời. Trên đất, ông có Solomon như con mình, là người cai trị Israel và xây dựng đền thờ. Từ cõi thiên thượng, Đấng Christ đến như «dòng dõi David» (Rô ma 1 :13) khi Ngài trở nên một người và thiết lập vương quốc thiên thượng (John 18 :36). Vì vậy, David liên hệ đến cả vương quốc thuộc đất lẫn vương quốc thiên thượng.
THU GOM VẬT LIỆU CHO NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI
David đã thu gom vật liệu cho đền thờ mà con trai mình sẽ xây. Ông đã thu gom nhiều từ các dân mà ông đánh bại trong trận chiến và dâng điều đó cho sự xây dựng nhà Đức Chúa Trời. Ông đã tập trung gỗ và đá, đồng và sắt, một triệu talent bạc và một trăm ngàn talent vàng (1 Sử 22 :14). Trong suốt thời gian chiến tranh và hoạn nạn, David đã xoay xở để thu gom được một kho vật liệu khổng lồ. Có thể những người khác nghĩ rằng ông đã dự trữ các vật liệu này cho chính ông, nhưng thật ra chúng là vì nhà Chúa.
Tôi hi vọng tất cả những ai tìm cách phục vụ Chúa sẽ thu gom vật liệu cho kiến ốc của Chúa giống như David đã làm trong mọi rắc rối và hoạn nạn của ông. Khi đánh trận trước mặt Chúa, chúng ta cũng phải tích lũy các vật liệu thuộc linh được tượng trưng bởi sắt, đồng, vàng và bạc. Bên ngoài chúng ta có thể kinh nghiệm rắc rối và hoạn nạn nhưng bên trong chúng ta phải thu gom các vật liệu quý cho kiến ốc của Đức Chúa Trời (1 Cor. 3 :12).
SẮT, ĐỒNG, BẠC VÀ VÀNG
Sắt và đồng biểu thị cho sự cai trị và thẩm phán Đức Chúa Trời. Trong sách Khải thị, Chúa cai trị bằng một cây gậy sắt và đứng trên chân bằng đồng (19 :15 ; 1 :15). Khi Ngài cai trị và thẩm phán chúng ta, sắt và đồng được sản sinh trong chúng ta vì kiến ốc của Đức Chúa Trời. Dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời, chúng ta được thẩm phán, kỷ luật và điều chỉnh. Một ngày kia, sắt và đồng lắng đọng trong chúng ta sẽ làm cho chúng ta đủ phẩm chất cùng trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm (Khải 20 : 6).
Càng kinh nghiệm sự cai trị của Đức Chúa Trời (sắt) và sự thẩm phán của Đức Chúa Trời (đồng), chúng ta càng nhận thức nhu cầu về sự cứu rỗi qua sự cứu chuộc của Đấng Christ (bạc) và bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời (vàng). Chúng ta bắt đầu nhận thức rằng chúng ta cần sự cứu rỗi trong các tư tưởng, quyết định, tình cảm và hành động của mình – kể cả cách chúng ta ăn mặc. Cuối cùng, sự cứu rỗi của Chúa phải vươn lên đến mọi chỗ trong đời sống chúng ta.
CÁC SỰ THẤT BẠI CỦA DAVID
Những người ở vị trí quyền bính trở nên dễ bị tấn công trong một số vấn đề. David có nan đề này trước khi trở nên vua. Thứ nhất, ông hành động như thể ông vượt trên luật pháp; thứ hai, ông không kháng cự nổi sự thiên vị; thứ ba, ông trở nên kiêu ngạo trong sự thành công của mình.
HÀNH ĐỘNG DƯỜNG NHƯ VƯỢT TRÊN LUẬT PHÁP – DAVID VÀ BATHSHEBA
Sau khi David trở nên vua trong một thời gian, ông bắt đầu hành động như thể ông vượt trên luật pháp. Điều này đem ông vào trong một rắc rối nghiêm trọng, như được nhìn thấy trong 2 Samuel 11- 12. Một ngày kia khi ông đang đi trên mái nhà mình tại Jerusalem, ông đã nhìn xuống và thấy Bathsheba đang tắm. Một số người có thể tự hỏi không biết Bathsheba có dàn dựng chuyện này không, nhưng cho dù đây là sự thật đi nữa thì David vẫn là người lợi dụng điều đó và không vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời. Ông cho mời nàng đến và phạm tội ngoại tình với nàng. Khi khám phá ra nàng đã có thai, ông cố gắng sắp xếp để chồng nàng ngủ với nàng và bởi đó sẽ che đậy hành vi của mình.
Chồng Bathsheba là Uriah, một trong những chiến binh mạnh mẽ của David (1 Sử 11 :26, 41). Vì là một chiến sĩ trung thành như vậy nên ông tư chối dành thời gian ở với vợ mình trong khi các chiến sĩ đồng bạn của mình đang chịu khổ trên chiến trường, vì vậy âm mưu che đậy của David không thành. Sau đó David bày mưu để giết Uriah bằng cách ra lệnh cho Joab sai ông ra tiền tuyến, rồi rút quân xung quanh ông về cho đến khi ông lộ ra và bị giết. Thật khó tin là David có thể làm một điều kinh khủng như vậy, nhưng ông đã làm. Bởi đó Uriah bị giết và David cưới Bthsheba làm vợ mình. Nàng sinh cho ông một con trai mà nàng đã thụ thai với ông.
PHẢN  ỨNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI QUA NATHAN
Sau khi mọi điều này xảy ra, Đức Chúa trời sai Nathan đến với David để chạm đến lương tâm của ông bằng một ẩn dụ. Nathan kể cho David về hai người nam– một người giàu và một người nghèo. Người nghèo không có gì ngoài một chiên con nhỏ bé mà người ấy rất quý báu. Người giàu có nhiều bầy đàn súc vật. Một đêm kia có khách đến thăm, người giàu không muốn giết một trong các chiên con của mình nên ông đã ăn cắp chiên của người nghèo và chuẩn bị nó cho khách của mình. Khi David nghe điều này, ông rất giận dữ và tuyên bố : « Như Chúa sống, người làm điều này chắc chắn sẽ chết !» (2 Sam. 12 :5). Khi đó, Nathan nói những lời không thể quên được : «Ngài chính là người đó » (c.7). Ông nói với David rằng lưỡi gươm sẽ không bao giờ lìa khỏi nhà David và đứa con được sinh bởi Bathsheba qua tội ngoại tình của ông sẽ chết. Mặc dù David xưng nhận tội mình nhưng đứa con thật sự đã chết và gươm không bao giờ hoàn toàn lìa khỏi nhà David trong Israel, thậm chí cho đến ngày nay.
Bởi kết án người giàu trong ẩn dụ, David đã kết án chính các hành động của minh. Ông đã giết một người đi theo mình để lấy vợ của người ấy, khi ông đã có một nhà đầy vợ và thiếp. Bởi sự thú nhận  của mình, David đáng chết vì những gì ông đã làm. Tại sao trước đây ông không cảm thấy như vậy ? Là một vị vua, ông vô thức cảm thấy rằng mình không bị ràng buộc bởi các sự giới han giống như những người khác. Ông nghĩ rằng ông vượt trên luật pháp .Đây là thất bại đầu tiên của David như một vị vua  không tự giới hạn mình do cảm nhận về địa vị.
Chúng ta phải cẩn thận, vì nếu nhận thấy mình đang nghĩ mình đã có được một địa vị nào đó giữa vòng con cái Chúa thì chúng ta cũng có thể cảm thấy mình có thể nói và làm điều mà người khác không thể. Những người khác phải đọc Kinh Thánh, còn chúng ta thì không. Những người khác phải có thời gian cầu nguyện còn chúng ta thì không có một nhu cầu như vậy nữa. Những người khác phải dậy sớm để đụng chạm Chúa vào buổi sáng nhưng điều này không còn áp dụng cho chúng ta là những người thâm niên hơn. Điều này là sai trật. Bất kể thuộc linh đến đâu, chúng ta cũng đừng bao giờ xem thường điều răn của Chúa (2 Sam 12 :9). Càng trưởng thành, chúng ta phải càng quý báu các sự thực hành dẫn đến một nếp sống Cơ Đốc và nếp sống lành mạnh. Chúng ta đừng bao giờ cảm thấy mình vượt trên những điều như vậy.
SỰ ĂN NĂN CỦA DAVID: THI THIÊN 51
Sự ăn năn của David được tìm thấy trong Thi Thiên 51. Lời bắt đầu: “Ô Đức Chúa Trời, xin thương xót tôi, theo lòng trìu mến của Ngài; theo sự thương xót dịu dàng nhiều vô kể của Ngài, xin hãy xóa sạch các sự quá phạm của tôi” (c.1). David nhận thức ông cần sự thương xót của Chúa dư dật biết bao. Trong câu 5, ông nói rằng ông là một tội nhân từ trong tử cung của mẹ mình. David đã diễn đạt sự kính sợ của mình khi kêu la: “Đừng đuổi tôi khỏi sự hiện diện của Ngài và đừng cất Thánh Linh Ngài khỏi tôi” (c.11) Điều ông đã làm rất kinh khiếp; ông nhận thức rằng chỉ đơn giản dâng sinh tế cho Chúa thì không đủ. Bất chấp sự bất xứng của mình, David thỉnh cầu: “Hãy làm lành cho Zion trong niềm vui thích tốt lành của Ngài; hãy xây các tường thành Jerusalem” (c.18). Dường như David đang nói: “Mặc dù tôi thất bại nhưng đừng để cho chứng cớ của Ngài thất bại. Bất kể tôi ra sao, hãy làm lành cho Zion”. Niềm ao ước của ông vẫn là vì sự hoàn thành niềm ao ước của Đức Chúa Trời. Tôi cảm thấy rằng lúc ông viết xong thi thiên này, nhiều tội lỗi của ông đã được tẩy sạch.
KHÔNG KHÁNG CỰ NỔI SỰ THIÊN VỊ-
DAVID VÀ ABSALOM
Sự thử nghiệm thứ hai cho những người ở trong cương vị lãnh đạo là họ có kháng cự nổi sự thiên vị hay không. Những người dẫn dắt luôn luôn vận dụng một lượng thiên vị nào đó. Khi  những người có quyền bính không dẫn dắt cách công bằng theo công lao, thì có thể dẫn đến các bè đảng náo động và cạnh tranh. Bất chấp mọi điều này, những người dẫn dắt thật khó mà không yêu người này hơn người kia.
David yêu con trai mình là Absalom. Kinh Thánh nói rằng từ đầu đến chân, Absalom đều không có tì vết và đặc biệt có lớp tóc rất dầy (2 sam 14 :25-26). Một ngày kia, ông đã giết chết một trong các anh em cùng cha khác mẹ của mình vì đã lợi dụng em gái mình. Sau đó, ông đã chạy trốn và «David than khóc cho con trai mình mỗi ngày» và « mong mỏi đi đến với Absalom» (13 :37, 39). Sau ba năm, Joab tìm được cách để đem Absalom trở về Jerusalem, mặc dù Jerusalem, mặc dù David không tìm thấy ông (2 Sam. 14). Tuy nhiên, cuối cùng David đã tiếp nhận ông trở lại. Absalom nhanh chóng sử dụng cương vị hoàng tử được phục hồi của mình để công tác chống lại cha mình (2 Sam.15). Ông ngồi nơi cổng và gặp dân chúng trước khi họ đến gặp David và bảo họ : «Ô, ước chi ta được lập làm thẩm phán trong miền đất và mọi người có thỉnh cầu hay trường hợp gì sẽ đến với ta; khi đó ta sẽ cho người ấy sự công bằng» (c.4). Absalom đã cướp lòng dân khỏi vua cha mình.
Cuối cùng, Absalom xin David được phép đi đến Hebron để hoàn thành một lời hứa nguyện, và David cho phép ông đi. Tuy nhiên, ý muốn thật sự của ông là được tôn làm vua tại Hebron, là nơi David cũng được tôn trên Judah. Khi David nghe rằng dân chúng yêu thích Absalonm, ông biết rằng nếu Absalom bắt lấy họ, hắn sẽ giết họ và có thể bắt đầu một sự tàn sát trong chính Jerusalem.
Điều gì đem đến điều này trên David ? Sự thiên vị của ông. Lẽ ra ông phải để Absalom bị lưu đày thay vì chấp nhận biện pháp khắc phục của Joab, Joab đại diện cho xác thịt với các kế hoạch tốt lành của nó. Cuối cùng, Absalom bị quân của Joab dồn vào đường cùng và phải trốn chạy bằng một con la, nhưng đầu ông bị mắc kẹt vào một nhành cây và bị để treo lơ lửng. Điều này khiến cho ông trở nên một mục tiêu dễ dàng cho ngọn giáo của Joab. Khi David nghe rằng con trai mình đã chết, ông than khóc rất nhiều về nó : «Ơ, con trai ta Absalm – con trai ta, con trai ta Absalom – ước gì ta chết cho nó ! » (2 Sam, 18 :33). Ông không thể được an ủi. Toàn thể quốc gia bị quấy rầy bởi điều này. Họ đã đứng cùng với David để chống lại Absalom và bây giờ ông rên rỉ không nguôi vào ngày họ thành công trong việc giết chết Absalom vì cớ ông. Ô, sự thiên vị là một điều thật khó vượt qua!
Vì David không thể hành động vì cớ vương quốc nên Joab quở trách ông : «Ngài đã ruồng bỏ mọi đầy tớ ngài là những người ngày hôm nay đã cứu mạng ngài… trong việc ngài yêu các kẻ thù của mình và ghét bạn hữu của ngài… tôi nhận thấy rằng nếu ngày hôm nay Absalom sống và tất cả chúng tôi đều chết thì điều đó sẽ làm đẹp lòng ngài» (2 Sam. 19 : 5-6). Đó là một lời quở trách tốt. Sau đó, ông đã hướng dẫn David: «Hãy chỗi dậy, hãy đi ra và nói lời an ủi cho các đầy tớ ngài. Vì tôi bởi Chúa mà thể rằng nếu ngài không đi ra thì đêm nay không ai ở lại với ngài» (c.7). David bị tiêu nuốt bởi nỗi thương tiếc Absalom, ông quên đi trách nhiệm đối với dân mình. Lời thẳng thắn của Joab đã đem ông trở lại thực tế. Ông đã gặp dân chúng tại cổng và họ được khích lệ. Toàn bộ tình trạng này sẽ được ngăn chặn nếu David không vận dụng sự thiên vị đối với Absalom.
TRỞ NÊN KIÊU NGẠO TRONG SỰ THÀNH CÔNG –
THỐNG KÊ DÂN SỐ
Những người dẫn dắt cũng vị vấp ngã bởi việc trở nên kiêu ngạo về các sự hoàn thành của họ và cố gắng đo sự thành công của mình bằng cách kiểm kê. Doanh nhân có thể làm điều này nhưng những người thuộc linh thì không. David đã phạm tội bởi việc thống kê dân số để đo sức lực của mình. Khi làm một điều như vậy, chúng ta đang tìm kiếm sức lực trong một điều gì đó khác hơn Đức Chúa trời. Thật dễ để trở nên kiêu ngạo trong những điều khác hơn chính Chúa.
Nếu có người tiếp nhận Chúa qua chúng ta, hoặc nếu Chúa chúc phước người khác qua chúng ta, chúng ta phải vui mừng về điều đó nhưng không phải vì vinh hiển riêng của chúng ta. Sự tăng trưởng của hội thánh phải là mối quan tâm của chúng ta. Chúng ta thường trở nên kiêu ngạo sau khi dẫn ai đó đến với Đấng Christ; điều này trở nên sự khoe khoang cho chúng ta. Khi các đồng bạn của tôi và tôi mới phục vụ Chúa khi đang học trung học, hơn một trăm người được cứu qua sự rao giảng của chúng tôi. Tôi bị cám dỗ để khoe khoang về số người đó, mặc dù điều đó đã xảy ra hơn năm mươi năm trước! Điều này đơn giản ở trong máu huyết chúng ta.
David nhận thức rằng ông đã phạm tội trong việc thống kê dân số. Ông nói với Chúa : «Tôi đã phạm tôi lớn trong điều đã làm; nhưng bây giờ tôi cầu nguyện, Ô Chúa, hãy cất đi sự sai trật của đầy tớ Ngài, vì tôi đã làm cách rất ngu dại» (2 Sam. 14 :10). Ông đã quên rằng từ ban đầu, Chúa bảo ông rằng chính ngài là Vua thật.
Đức Chúa Trời đã ban cho David ba quyền lựa chọn hình phạt,- bảy năm đói kém, ba tháng trốn chạy kẻ thù hoặc ba ngày dịch bệnh. David đơn giản nói: «xin hãy để chúng tôi rơi vào tay Chúa vì sự thương xót của Ngài là lớn ; nhưng đừng để tôi rơi vào tay con người» (c. 14). Vì vậy, Đức Chúa Trời khiến dịch bệnh giữa vòng dân chúng, cuối cùng giết bảy mươi ngàn người. Một thiên sứ hiện ra tại sân đập lúa của Ornan. David vội vã mua sân đập lúa đó, xây dựng một bàn thờ ở đó, và dâng của lễ thiêu và của lễ hòa bình cho Chúa. Chúa lưu ý hành động của David và rút bệnh dịch khỏi miền đất.
Sân đập lúa đó trở nên vị trí của đền thờ. Ra từ sự thất bại của David, một điều gì đó đã được thu đoạt cho Chúa. Chúa công tác với những người bất xứng vì chứng cớ của Ngài. Theo ý tưởng của chúng ta, Đức Chúa Trời không nên công tác với một người làm Ngài thất bại, nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn sử dụng những người có lòng vì Ngài, bất kể họ đã làm Ngài thất bại thảm hại đến đâu. Ra từ tội của David liên quan đến Bathsheba và Uriah, Solomon, người xây dựng đền thờ, được thu đoạt và ra từ tội thống kê dân số của ông, vị trí cho đền thờ được thu đoạt.

Sau mọi thất bại này, chúng ta vẫn phải đánh giá cao David. Tấm lòng của ông đối với Đức Chúa Trời cho phép Đức Chúa trời có được một điều gì đó cho chủ đích của Ngài qua ông, mặc dù các hành động của ông chắc hẳn đã làm cho ông không đủ phẩm chất. Đức Chúa trời có thể sử dụng David bất chấp các sự thất bại của ông vì David là một người vừa lòng Đức Chúa trời và tìm cách phục vụ thế hệ mình như một vị vua như vậy.