Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

THỰC TẠI CỦA DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG-1



BỨC TRANH VỀ DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG

Lời mở đầu

Đôi khi giữa vòng chúng ta có người nói rằng thực hành một điều gì đó là “ở trong dòng chảy”, trong khi một số sự thực hành khác có lẽ không ở trong dòng chảy. Kinh Thánh nói rõ ràng rằng Đức Chúa Trời là Linh (John 4: 24) và như vậy Ngài thực sự là dòng chảy. Trong Kinh Thánh, từ Sáng Thế Ký đến Khải Thị, Đức Chúa Trời được miêu tả như một con sông tuôn chảy. Vì vậy chúng ta phải nghiên cứu Kinh Thánh để thật sự hiểu được ý nghĩa và sự áp dụng của thực tại này. Theo Kinh Thánh, ở trong dòng chảy nghĩa là gì?

Có sự khó khăn với những thuật ngữ thuộc linh như “dòng chảy của Linh” hay “dòng chảy thần thượng” là vì chúng chỉ về những điều có phần trừu tượng mặc dù rất thật. Khi một từ chỉ về một điều gì đó không thật sự hiện hữu, chúng ta không bận tâm đến. Thí dụ, chúng ta biết rằng từ “ma” chỉ về một điều không có thật và vì vậy chúng ta không nói về ma cách nghiêm túc. Tuy nhiên, thuật ngữ “dòng chảy” chỉ về một thực tại thuộc linh trọng yếu nhưng cũng trừu tượng. Làm sao một người thật sự biết được khi nào mình ở trong dòng chảy của Linh? Khi nào một người có thể nói mình đang được dòng chảy cuốn đi hay đang được đem đến dòng chảy? Vì cớ nhiều ngụ ý như chúng ta dùng thuật ngữ “dòng chảy” nên chúng ta phải xác minh ý nghĩa của nó.


Xin nhận lấy lời tôi theo cách tích cực. Theo cùng một ý nghĩa, “Thân Thể Christ” và “chức vụ Tân Ước” chỉ về các thực tại, và “dòng chảy của Linh” cũng mô tả một thực tại vĩ đại. Nhưng mọi thuật ngữ này có thể bị lạm dụng nếu chúng ta không sáng tỏ ý nghĩa thật của chúng theo lời Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao chúng ta phải dành thời gian để xem xét vấn đề này.

Mặc dù dòng chảy thần thượng, hay dòng chảy của sự sống thần thượng, là hiển nhiên khi vận hành, nhưng làm thế nào để chúng ta có thể xác định từ Kinh Thánh rằng chúng ta thật sự ở trong dòng chảy này? Vấn đề đầu tiên phải được sáng tỏ là ngoài chính tố chất thì không thể có dòng chảy của tố chất đó. Nếu chúng ta không ở trong thực tại hay tố chất của dòng chảy thần thượng thì hiển nhiên chúng ta không thể nói mình ở trong dòng chảy, bất kể chúng ta có khăng khăng là mình ở trong dòng chảy bao nhiêu. Dòng chảy thần thượng không thể đến với anh em ngoài thực tại và tố chất của nó. Trong sứ điệp này, chúng ta sẽ bàn đến những điều cấu thành và thực thể hóa dòng chảy thần thượng, hay dòng chảy, theo Kinh Thánh.

ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẾN NHƯ DÒNG CHẢY TRONG SỰ VẬN HÀNH
CỦA NGÀI GIỮA VÒNG CON NGƯỜI

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng theo lời Ngài, Đức Chúa Trời thật sự vận hành như một dòng chảy. Đây là một sự khải thị vĩ đại biết bao! Việc Đức Chúa Trời công tác như một dòng chảy thần thượng là hiển nhiên từ Sáng Thế Ký đến Khải Thị. Sự vận hành thần thượng của Đức Chúa Trời ở trong nguyên tắc tuôn chảy. Nói cách khác, công tác của Đức Chúa Trời đầy dẫy sự vui hưởng và nuôi dưỡng. Đó không phải là một điều khô khan hay khắc nghiệt, cũng không phải là một điều gì đó bắt buộc hay áp đặt. Bất kể quan niệm của chúng ta là gì, phương tiện vận hành chính yếu của Đức Chúa Trời không phải là một điều gì đó đem chúng ta vào trong sự chịu khổ. Trái lại, sự vận hành của Đức Chúa Trời là một điều gì đó “đẫm nước” – điều đó đầy sự vui hưởng và nuôi dưỡng. Đây là điều đầu tiên được ngụ ý khi Đức Chúa Trời khải thị rằng sự vận hành của Ngài thì tuôn chảy như một dòng chảy thần thượng.

SỰ ÁP DỤNG DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG CHO CÁC
TÍN ĐỒ VÀ CHO HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY DỰNG

Có một điều được công nhận giữa vòng chúng ta là sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng này có một sự áp dụng cụ thể cho chúng ta, những người ở trong sự khôi phục của Chúa. Điều này rất quan trọng, vì chúng ta ngụ ý rằng những người ở ngoài sự khôi phục của Chúa đang bỏ lỡ dòng chảy này. Sự giải thích của chúng ta biện minh cho quan điểm này như thế nào?

Trước hết, trong Sáng Thế Ký 2, có một con sông tuôn chảy ra từ Eden (câu 10). Con sông này đại diện cho Đức Chúa Trời tam nhất. Nếu dòng chảy thần thượng chỉ về một mình Đức Chúa Trời thì mọi cơ đốc nhân trong mọi nhóm cơ đốc và giáo phái có thể tuyên bố có dòng chảy này. Những người Baptist hay Lutheran có thể nói: “Ngợi khen Chúa! Chúng tôi ở trong cùng một dòng chảy”. Nhưng có một điều gì đó được khải thị thêm nữa trong Kinh Thánh.
Trong Xuất Hành, quyển sách kế tiếp trong Kinh Thánh, Christ được tiêu biểu bởi vầng đá mà Moses đã đập vào, tuôn chảy ra dòng nước để làm dịu cơn khát của dân Đức Chúa Trời (Xuất 17: 6, I Cor 10: 4). Một lần nữa, bất kể có liên kết hay không, mỗi tín đồ đều tuyên bố rằng Chúa Jesus như phần hưởng chung cho mọi thánh đồ. Từ các câu Kinh Thánh này, dường như bất cứ ai nói: “Chúa Jesus đang tuôn chảy trong tôi” thì đều tự động ở trong dòng chảy. Hơn nữa, Chúa nói rằng mọi người tin Ngài sẽ kinh nghiệm các sông nước sự sống chảy ra từ bên trong họ (John 7: 38). Nói cách khác, nếu anh em muốn ở trong dòng chảy, anh em chỉ cần ở trong linh mình vì đó là nơi dòng chảy phun trào. Khi mọi dòng chảy của nước hằng sống này cùng tuôn chảy trong nếp sống hội thánh thì sẽ có một con sông làm vui thành Đức Chúa Trời (Thi 46: 4).

Tuy nhiên, khi chúng ta đến Ezekiel 47, có một sự phát triển hơn nữa. Bây giờ chúng ta thấy con sông đang tuôn chảy từ đền thờ Đức Chúa Trời. Theo Witness Lee, điều này chỉ tỏ rằng dòng chảy ra từ hội thánh địa phương được xây dựng hay các hội thánh địa phương. Bây giờ dòng chảy này trở nên cụ thể hơn nhiều. Khi những người trong chúng ta còn ở trong các giáo phái, chúng ta có ở trong hội thánh được xây dựng không? Chúng ta phải nói là không và chúng ta có thể làm chứng rằng khi chúng ta ở đó, thật sự không có dòng chảy như chúng ta nhận biết hiện nay, vì sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng ra từ một nhóm thánh đồ được xây dựng với nhau.

Hơn nữa, dòng chảy ra từ hội thánh được xây dựng thì tương đối. Một hội thánh địa phương càng được xây dựng thì càng có sự tuôn chảy phong phú; một hội thánh được xây dựng càng cao thì dòng chảy của hội thánh ấy càng mạnh mẽ. Theo bức tranh trong Ezekiel, một con sông ra từ hội thánh được xây dựng và tuôn chảy khắp miền đất để sản sinh sự sống, sự chữa lành, sự gia tăng và nuôi dưỡng. Nếu một hội thánh địa phương đang kinh nghiệm những điều này, thì hội thánh đó chắc chắn có thể nói rằng mình đang được dòng chảy cuốn đi hay đang đem đến dòng chảy thần thượng.

Tiếp theo chúng ta phải tiến lên để nhìn thấy dòng chảy này cũng vận hành qua chức vụ của các đầy tớ Chúa, bắt đầu từ Peter, Paul và John, trải suốt đến Margaret E.Barber, Watchman Nee và Witness Lee, và sẽ tiếp tục tuôn chảy cho đến sự hiện đến lần thứ hai của Ngài. Suốt các thế kỷ, đã có các tín đồ chuyển động trong và với dòng chảy thần thượng này, và ngày nay vẫn có nhiều người đang được cuốn đi bởi dòng chảy hay đang đem đến dòng chảy. Chúng ta công nhận rằng Watchman Nee và Witness Lee đã thực hiện sự chuyển động của Chúa trong cuộc Gia tể Ngài trong thời đại của chúng ta. Tuy nhiên, có phải vì họ đã qua đời nên chúng ta có thể nói rằng dòng chảy này đang tiến xa hơn nữa không? Theo sự hiểu biết Kinh Thánh của chúng ta, Chúa sẽ tiếp tục tuôn chảy, nâng cao và gia tăng dòng thủy triều của dòng chảy này vì sự chuyển động của Ngài trên đất cho đến khi Ngài trở lại. Chỉ Chúa mới biết Ngài có dấy lên một sấm ngôn khác giống như Witness Lee trước khi Ngài trở lại hay không. Chúng ta phải rất mở ra về điều này, nhận thức rằng Chúa có thể cung ứng nhiều sự phong phú, ánh sáng và sự khích lệ hơn nữa và nâng dòng thủy triều của dòng chảy sự sống lên một mức cao hơn điều chúng ta đã kinh nghiệm từ trước tới nay. Ngợi khen Chúa về điều này!

Cuối cùng, trong Jêrusalem mới trong Khải Thị 22, dòng sông sự sống như dòng chảy thần thượng tuôn chảy từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con. Bức tranh này phong phú biết bao! Trong các chương sau, chúng ta sẽ giải thích mọi phần lời này. Tuy nhiên, trong chương này, chúng ta sẽ bắt đầu xem xét dòng chảy tuôn ra từ Eden trong Sáng Thế Ký 2.

TRONG SÁNG THẾ KÝ, ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC KHẢI THỊ NHƯ
DÒNG SÔNG TUÔN CHẢY ĐỂ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH
CỦA NGÀI VÀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA CẢ NHÂN LOẠI

Theo Sáng Thế Ký chương 2, sau khi Đức Chúa Trời tạo nên con người, Ngài đặt người ấy trong một khu vườn với đặc điểm là có một con sông và nhiều cây cối, bao gồm cây sự sống. Rồi con sông này phân ra thành bốn nhánh. “Và một con sông ra từ Eden để tưới khu vườn, và từ đó nó chia thành bốn nhánh” (sáng 2: 10). Ý nghĩa của điều này là gì? Một con sông này chỉ về một Đức Chúa Trời tam nhất duy nhất, và có thể nói bốn nhánh chỉ tỏ rằng Đức Chúa Trời tam nhất như dòng chảy có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của cõi sáng tạo của Ngài, vì trong Kinh Thánh số bốn luôn biểu thị cho cõi sáng tạo. Mọi nhu cầu của nhân loại đều có thể được sự tuôn chảy của dòng sông thần thượng này đáp ứng.

Bốn nhánh ra từ một con sông này – Pishon, Gihon, Hiddekel, và Euphrates – được mô tả theo thứ tự. Chúng mô tả các giai đoạn thuộc linh để chúng ta kinh nghiệm. Sau khi vui hưởng kinh nghiệm giai đoạn đầu tiên là Pishon, chúng ta phải tiến đến giai đoạn kinh nghiệm thứ hai là Gihon, rồi đến giai đoạn thứ ba là Hiddekel cho đến khi chúng ta đến giai đoạn thứ tư là Euphrates. Như chúng ta sẽ thấy, nếu chúng ta mắc kẹt trong bất cứ phương diện nào của dòng chảy, điều đó có thể làm phát sinh nan đề. Chúng ta hãy tiến tiếp trong sự phát triển của dòng chảy này! Trong loạt sứ điệp này, chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết bốn nhánh của dòng chảy duy nhất và những điều chúng ngụ ý. Bốn tên gọi này rất có ý nghĩa.

Như chúng ta đã đề cập, khu vườn mà con người được đặt ở đó với đặc điểm là có nhiều cây cối và một con sông. Có thể nói rằng chi1nhkhu vườn đại diện cho nếp sống hội thánh. Trong mỗi hội thánh địa phương, phải có một dòng chảy ra từ mọi người được tái sanh như các con suối, là những người cũng tác nhiệm như những cái cây. Trong Kinh Thánh, một cái cây đúng đắn có ba chức năng chính: kết trái, cung cấp lá để chữa lành và cung cấp bóng mát vì sự thỏa mãn và yên nghỉ. Do đó, trong các hội thánh, dân chúng phải kinh nghiệm sự nuôi dưỡng, chữa lành và yên nghỉ, và họ cũng phải được đem đến với con sông.

PISHON, NHÁNH ĐẦU TIÊN CỦA CON SÔNG, TUÔN CHẢY
TỰ DO VÀ TẠO RA SỰ TĂNG TRƯỞNG

“Tên thứ nhất là Pishon; đó là nhánh chảy quanh khắp miền đất Havilal, là nơi có vàng, Và vàng của miền đất ấy rất tốt; có trân châu và đá mã não ở đó” (Sáng 2: 11-12). Khi con sông duy nhất này tuôn chảy từ khu vườn đến miền đất, nó vươn ra bốn hướng. Nhánh thứ nhất được đề cập đến là Pishon, nghĩa là “tự do tuôn chảy”. Con sông Pishon chảy khắp toàn bộ miền đất Havilal, là nơi có vàng.

Chúng ta phải giải thích điều này như thế nào? Pishon, “tự do tuôn chảy”, phải được xem là giai đoạn đầu của kinh nghiệm trong dòng chảy này của Đức Chúa Trời tam nhất trên đất. Khi dòng chảy mới bắt đầu trong Tân Ước, “tự do tuôn chảy” là đặc tính nổi tiếng nhất của dòng chảy. Đức Chúa Trời tự do tuôn chảy. Khi Peter đứng lên để phát ngôn vào ngày lễ Ngũ tuần, Linh đã tuôn chảy. Lập tức hàng ngàn người được cứu, và những người này bắt đầu tuôn chảy điều họ đã nhận được cho nhau. Không có sự ngăn trở. Trong giai đoạn đầu đó, đặc điểm độc đáo là mọi người vui hưởng Chúa cách rất đơn sơ.

Trong giai đoạn đầu của kinh nghiệm cá nhân chúng ta về dòng chảy này, điều này không đúng sao? Chúng ta đơn sơ tiếp nhận bất cứ điều gì Chúa đang làm và chúng ta vui hưởng Chúa cách tự do với bất cứ ai khác đang vui hưởng Linh. Chúng ta cần gìn giữ sự đơn sơ của mình. Tất cả chúng ta phải cảm thấy rất tự do tương giao với nhau. Không cần xem xét chúng ta có lạm dụng thời gian của nhau hay không. Chúng ta phải cảm thấy tự do với nhau về phương diện dòng chảy này. Nếu muốn ở trong dòng chảy này thì chúng ta phải để cho dòng chảy này tự do tuôn chảy. Đừng làm bất cứ điều gì gây ngăn trở hoặc chặn đứng dòng chảy! Khi chúng ta kinh nghiệm một sự tự do như vậy trong nếp sống hội thánh, Linh sẽ có một con đường để tuôn chảy giữa vòng chúng ta.

DÒNG CHẢY ĐÍCH THỰC TẠO RA
SỰ TĂNG TRƯỞNG THUỘC LINH

Pishon chảy quanh miền đất Havilal, trong tiếng Hebrew nghĩa là “tạo ra sự tăng trưởng”. Khi kinh nghiệm dòng chảy của Linh, chúng ta phải nhận thức rằng dòng chảy tự do này là vì sự tăng trưởng của chúng ta, không phải chỉ để chúng ta kinh nghiệm vui thỏa. Chúng ta có đang kinh nghiệm dòng chảy không? Chúng ta phải tự kiểm tra xem mình có đang tăng trưởng hay không. Nếu đang tăng trưởng về mặt thuộc linh, chúng ta chắc chắn đang kinh nghiệm dòng chảy thần thượng. Nếu không thể chỉ ra bất cứ kinh nghiệm tăng trưởng nào thì chúng ta không nên bị lừa dối để nghĩ rằng chúng ta đã ở trong dòng chảy đơn giản vì chúng ta sử dụng thuật ngữ.

Giả sử tôi kiểm tra một anh em xem anh ấy có ở trong dòng chảy thần thượng không bằng cách hỏi anh ấy về sự tăng trưởng trong sự sống của anh ấy và anh ấy đáp: “À, tôi tương giao với các anh em và vui hưởng việc ở với các thánh đồ”. Có phải như vậy là ở trong dòng chảy không? Có thể điều đó chỉ tỏ rằng người ấy ở trong dòng chảy hoặc cũng có thể điều đó không liên quan gì đến Đức Chúa Trời như dòng chảy. Thế giới nhan nhản những câu lạc bộ và các cuộc họp hội mang tính xã hội là nơi người ta dành thời gian bàn luận cùng nhau, và chúng ta không nên cho rằng “sự tương giao” của họ có liên hệ đến sự sống. Tuy nhiên, nếu anh em này bảo tôi rằng anh ấy được thu hút đến với Christ hơn, anh ấy bắt đầu chăn dắt người khác, những điều của thế giới đang được buông bỏ, anh ấy yêu Kinh Thánh hơn và bắt đầu nhận biết chính mình trong ánh sáng của Chúa, thì tôi sẽ nói đây là các bằng chứng mạnh mẽ rằng anh ấy đang kinh nghiệm dòng chảy của sự sống thần thượng. Những vấn đề như vậy khải thị rằng anh em này đang tăng trưởng. Ô, chúng ta phải vui sướng biết bao vì Đức Chúa Trời vận hành như một dòng sông! Như một dòng sông tự do tuôn chảy, Ngài khiến cho chúng ta tăng trưởng, làm cho chúng ta trở nên miền đất Havilal.

SỰ TĂNG TRƯỞNG TRONG DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
SẢN SINH SỰ THUẦN KHIẾT THEO BẢN CHẤT
THẦN THƯỢNG CỦA CHA

Miền đất Havilal này, miền đất của sự tăng trưởng này sản sinh ra điều gì? Trước hết, nó sản sinh vàng, biểu thi cho bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời Cha (Sáng 2: 12). Kinh Thánh nhấn mạnh rằng, vàng của miền đất này rất tốt, nghĩa là rất thuần khiết. Trong Kinh Thánh, vàng tượng trưng cho bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời. Khi dòng sông này tuôn chảy, một điều gì đó thuần khiết được sản sinh, điều đó thật ra là bản chất của chính Đức Chúa Trời.

Thật ý nghĩa vì sự tăng trưởng mà dòng chảy này sản sinh có đặc tính là thuần khiết. Một lần nữa, vàng đặc trưng cho chính Đức Chúa Trời, và sự mô tả về Havilal nhấn mạnh sự thuần khiết của vàng này. Khi chúng ta mới trở nên các tín đồ và bước vào dòng chảy tự do tuôn chảy này, sự tăng trưởng ban đầu của chúng ta có đặc tính là thuần khiết. Ban đầu, những người kinh nghiệm sự sinh ra mới rất đơn sơ và tin cậy. Họ không phức tạp. Một sự thuần khiết như vậy phải được duy trì. Một điều nghịch lý là đôi khi các tín đồ đánh mất tính thuần khiết của họ khi đương đầu với một số loại nói chuyện về việc ai ở trong dòng chảy và ai không ở trong dòng chảy. Đôi khi các tín đồ thậm chí có thể đi đến một hội nghị và bị cướp mất sự thuần khiết của họ. Điều này có thể xảy ra cho dù nội dung của hội nghị rất lành mạnh. Khi tiếp nhận sự hiếu khách, họ có thể nghe những lời được nói trong “sự tương giao” về ai đang làm gì hoặc các loại tán gẫu khác. Một số thánh đồ sau khi đã nghe những điều như vậy đã đánh mất sự đơn nhất và đơn sơ của họ. Trước khi đi đến hội nghị, họ thuần khiết, nhưng sau đó rõ ràng là họ đã đánh mất sự đơn nhất và đơn sơ của mình. Họ bị tổn hại bởi “sư tương giao” về việc ai ở trong dòng chảy hoặc ai không ở trong dòng chảy.

Biểu hiện của sự thuần khiết là gì? Người thuần khiết chỉ quan tâm đến Christ. Đây là tình trạng của người mới được cứu. Người ấy yêu Jesus và nhận thức rằng Jesus yêu người ấy và đã chết cho người ấy. Một người như vậy thuộc về một mình Christ. Kinh Thánh bảo chúng ta rằng một người thuần khiết trong lòng sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời (Matt 5: 8). Những người thuần khiết trong lòng có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời trong mọi sự. Họ chỉ nhìn thấy Christ. Chúng ta phải nhận thức rằng bất cứ tiêu điểm nào khác cũng có thể khiến chúng ta đánh mất sự thuần khiết của mình đối với Christ. Thậm chí cụm từ “tôi làm một với chức vụ” nếu được áp dụng sai cũng có thể đem chúng ta ra khỏi sự thuần khiết của mình đối với Christ. Chắc chắn chúng ta phải làm một với chức vụ của Jesus Christ, nhưng việc để cho những điều như vậy trở thành các vấn đề giữa vòng chúng ta chỉ tỏ rằng chúng ta không còn thuần khiết nữa.
Khi một người nữ kết hôn với một người nam, nàng kết hôn với người ấy vì thân vị của người ấy chứ không phải vì tài sản của người ấy. Nếu một gười chồng tặng vợ một chiếc nhẫn kim cương lớn, và nếu nàng bắt đầu chú ý đến chiếc nhẫn đó hơn chồng mình thì điều đó chỉ tỏ rằng nàng đã phần nào đánh mất sự thuần khiết của mình. Chúa đã ban các ân tứ cho Thân Thể, nhưng không có ân tứ nào, dù lớn đến đâu, được phép thay thế chính Chúa trong lòng chúng ta.
Khi chúng ta nói: “Tôi vì Christ”, như vậy đủ rồi. Việc một số người cảm thấy họ phải nói thêm: “Tôi vì chức vụ” khiến tôi rất lo lắng. Trước hết, tôi lo vì nhiều người nói điều này thậm chí không biết theo lẽ thật “chức vụ” nói đến điều gì. Thứ hai, khi một người nói mình đang vì Christ, chẳng phải như vậy đủ rồi sao? Nếu tôi vui hưởng Christ, dâng mình cho Christ và nhận lấy Ngài làm cứu Chúa, người yêu, sự sống và mọi sự của tôi, chẳng phải như vậy là đủ rồi sao? Chúng ta có cần Christ cộng thêm một điều gì khác không? Trong sự khôi phục của Chúa, tất cả chúng ta phải có thể công bố: “Tôi không có gì ngoài Christ và tôi không quan tâm đến điều gì ngoài Christ!”. Chúng ta không nên có một nếp sống hội thánh “Christ cộng với một điều gì đó khác”.

Sản phẩm đầu tiên của dòng chảy thần thượng này – sự thuần khiết – thật lạ lùng. Chỉ những ai thuần khiết mới có thể làm chứng rằng họ có thực tại của dòng chảy. Tuy nhiên, những người ao ước duy trì sự thuần khiết phải sẵn sàng chịu đựng gian khổ và hiểu lầm, vì cuối cùng một số người sẽ nói rằng chúng ta phải vì Christ cộng với một điều gì đó khác. Chúng ta rất yêu Watchman Nee và Withness Lee, và chúng ta công nhận rằng chúng ta là con cái thuộc linh của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhận thức rằng tiêu điểm và trung tâm của nếp sống hội thán cũng như nếp sống hàng ngày của chúng ta là Christ và chỉ một mình Christ.

SỰ TĂNG TRƯỞNG TRONG DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
ĐEM CHÚNG TA VÀO TRONG CÔNG TÁC CỨU RỖI CỦA CON

Thứ hai, dòng chảy này sản sin trân châu (Sáng 2: 12) biểu thị cho công tác của Đức Chúa Trời Con. Trân châu là một loại nhựa cây màu trắng trong suốt. Nó tương đương với ngọc trai, chỉ tỏ Christ Con mở ra con đường để chúng ta bước vào trong Đức Chúa Trời qua việc Ngài bị gây thương tích trên thập tự giá vì cớ chúng ta. Mười hai cổng làm bằng ngọc trai biểu thị cho công tác cứu chuộc của Christ cung cấp cho chúng ta lối vào trong Jerusalem Mới. Tất cả những ai muốn kinh nghiệm sự tăng trưởng trong sự sống ra từ dòng chảy này phải kinh nghiệm sự cứu rỗi hữu cơ của sự sống chảy đến chúng ta qua phương tiện là sự chết và sự phục sinh của Christ. Trân châu (ngọc trai) được sản sinh bởi sông Pishon biểu thị rằng dòng chảy này được sản sinh bởi sự chết của Christ nhưng là một điều gì đó hữu cơ.

Trong Tân Ước, chúng ta được cho biết rằng dòng chảy này ra từ hông của Christ như huyết và nước (John 19: 34). Nó không còn được mô tả bằng hình bóng và biểu tượng (như trong Cựu Ước) nữa, mà bằng thực tại hữu cơ. Dòng chảy được mô tả trong Tân Ước là một dòng chảy sự sống hữu cơ. Trong sự phục sinh, Christ trở nên Linh ban sự sống (1 Cor 15: 45). Bây giờ, dòng chảy này không chỉ hữu cơ mà còn ở thể hơi. Dòng chảy thần thượng này ngày nay đang tuôn chảy tự do và đầy quyền năng biết bao! Nó vừa tuôn chảy bên trong các chi thể của Thân Thể Christ cách hữu cơ, vừa chuyển động trên các thánh đồ vì sự chuyển động của Đức Chúa Trời theo cách ở thể hơi. Điều này đặc biệt được khải thị trong sách Công Vụ.

Vì bức tranh trong Sáng Thế Ký 2 mô tả con người trước sự sa ngã, nên trân châu được đề cập đến thay cho ngọc trai. Trân châu ra từ sự sống thực vật, trong khi ngọc trai ra từ sự sống động vật và ngụ ý sự cứu chuộc. Trân châu cũng liên hệ đến mana, thức ăn thiên thượng mà con cái Israel ăn trong đồng vắng. Mana có vẻ bên ngoài của trân châu (Dân 11: 7). Điều này chỉ tỏ rằng Đức Chúa Trời Con cũng là thức ăn cho chúng ta. Christ với sự cứu chuộc của Ngài và với dòng chảy hữu cơ cũng như ở thể hơi của Linh bây giờ là thức ăn để đáp ứng nhu cầu của cả nhân loại.

SỰ TĂNG TRƯỞNG TRONG DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
SẢN SINH SỰ BIẾN ĐỔI QUA SỰ VẬN HÀNH CỦA LINH

Thứ ba, đá mã não được sản sinh, đó là một loại đá quý (Sáng 2: 12). Sự nhấn mạnh ở đây là Đức Chúa Trời Linh, Đấng thực hiện công tác biến đổi bên trong các tín đồ ở torng dòng chảy này (2 Cor 3: 18). Trong sự tuôn chảy tự do của dòng chảy thần thượng này, chúng ta kinh nghiệm thực tại sự vận hành của cả Đức Chúa Trời tam nhất. Chúng ta trở nên thuần khiết theo bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời, chúng ta vui hưởng công tác cứu rỗi của Christ trên thập tự giá và chúng ta kinh nghiệm công tác biến đổi của Linh. Halelujah!

GIHON, NHÁNH THỨ HAI CỦA CON SÔNG:
TUÔN TRÀN BẢN CHẤT SA NGÃ

“Và tên của con sông thứ hai là Gihon; đó là nhánh chảy quanh khắp miền đất Cush” (Sáng 2: 13). Nhánh thứ hai của con sông này được gọi là Gihon, nghĩa là “tuôn tràn”. Kinh Thánh bảo chúng ta rằng Gihon bao quanh khắp miền đất Cush, biểu thị cho bản chất độc ác, không thể thay đổi của các tội nhân (đối chiếu Jer 13: 28). Con sông Gihon bây giờ đang tuôn tràn, nhưng nan đề là nó đương đầu với một bản chất tối tăm và không thể thay đổi.
Nhiều người trong chúng ta đã được cứu nhiều năm. Khi còn trẻ, chúng ta cho rằng bản chất độc ác của mình dần dần sẽ biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng bản chất độc ác của chúng ta vẫn còn ở với chúng ta rất nhiều, thậm chí sau nhiều năm Chúa công tác biến đổi. Vì vậy, mặc dù chúng ta nói rằng mình ở trong dòng chảy nhưng chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta vẫn sa ngã. Dòng chảy chúng ta đang vui hưởng là một điều gì đó lạ lùng, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta vẫn sở hữu một điều gì đó kinh khủng. Khi đang vui hưởng dòng chảy với người khác trong nếp sống hội thánh, chúng ta phải ý thức rằng bản chất độc ác của mình có thể nhảy ra bất cứ lúc nào, bất kể chúng ta vui hưởng sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng này bao lâu. Chúng ta đừng bao giờ tự lừa dối mình mà nghĩ rằng theo một cách nào đó chúng ta đã trở nên vô tội. Bản chất sa ngã của chúng ta vẫn còn ở với chúng ta cho đến khi chúng ta kinh nghiệm sự biến hóa thân thể của chúng ta vào lúc Chúa trở lại.

HIDDEKEL, NHÁNH THỨ BA CỦA CON SÔNG:
CHUYỂN ĐỘNG NHANH VÀ ĐẦY QUYỀN NĂNG
ĐỂ DẪN ĐẾN VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

“Và tên của con sông thứ ba là Heddekel; đó là nhánh chảy về phía đông Assyria” (Sáng 2: 14a). Hiddekel nghĩa là “đầy quyền năng”, “mạnh mẽ” hoặc “nhanh chóng”. Dòng chảy đầy quyền năng này chảy về phía đông Assyria, nghĩa là “đồng bằng có dân cư”. Việc con sông chảy về hướng đông, hướng mặt trời mọc, chỉ tỏ rằng con sông này đang vận hành và tuôn chảy để dẫn đến vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Các nhà chiêm tinh đến và tìm thấy Christ không lâu sau khi Ngài được sinh ra, trước hết đã nhìn thấy ngôi sao của Ngài ở phương đông (Matt 2: 1-2). Trong tiếng Hy Lạp, từ “mọc lên” trong Matthew 2: 2 là anatole, cũng có thể được dịch là “phương đông” (như torng Matt 2: 1). Điều này thật ý nghĩa: “phương đông” nghĩa là “mọc lên”. Chính ở phương đông, sự sinh ra của Christ, Đức Chúa Trời nhục hóa được loan báo. Vinh hiển thật của Đức Chúa Trời là Christ, Đấng ở “phương đông”. Nguyện tất cả chúng ta để cho dòng chảy thần thượng đem chúng ta đi về hướng đông hầu chúng ta trở nên sự biểu hiện của Christ trên đất! Dòng chảy đầy quyền năng, mạnh mẽ, nhanh chóng đang dâng trào hướng về vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Hơn nữa, chúng ta có thể kết nối dòng chảy này với kinh nghiệm về đền tạm, là điều luôn mở ra về hướng đông (Xuất 38: 13-16; đối chiếu 36: 27). Khi chúng ta nhận lấy Đức Chúa Trời làm mục đích của mình và bắt đầu kinh nghiệm dòng chảy này, nó không chỉ đem chúng ta đến lối vào đền tạm (tức là vào trong nếp sống hội thánh), mà còn khiến chúng ta tăng trưởng đến mức kinh nghiệm hòm chứng cớ bên trong đền tạm.

Trong hòm chứng cớ có hai bảng chứng cớ, mana trong hũ vàng và cây gậy trổ hoa của Aron. Các bảng chứng cớ đại diện cho bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời Cha (cũng được đại diện bởi vàng thuần khiết của Havilah) và biểu thị rằng chúng ta phải vận hành và phục vụ trong nếp sống hội thánh theo bản chất thần thượng. Khi hàh động trong nếp sống hội thánh, ngoài bản chất thần thượng chúng ta có thể trở nên nguồn của mọi loại nan đề. Chi tiết kế tiếp, mana giấu kín, đại diện cho kinh nghiệm sâu nhiệm của chúng ta về Christ. Đức Chúa Trời Con cung ứng cho chúng ta chính Ngài như mana giấu kín, ban cho chúng ta sự phong phú thần thượng (còn được nhìn thấy torng trân châu, là điều liên hệ đến mana). Chi tiết thứ ba trong hòm là cây gậy của Aron. Đức Chúa Trời Linh công tác qua kinh nghiệm của chúng ta về sự phục sinh để đem chúng ta vào trong sự biến đổi, được tượng trưng bởi việc cây gậy bằng gỗ khô của Aron trở nên xanh tươi và trổ hoa bằng sự sống. Do đó công tác biến đổi của Linh không chỉ sản sinh chúng ta thành đá quý, như được đại diện bởi mã não, mà còn sản sinh một điều gì đó của quyền bính bên trong chúng ta, ra từ sự phục sinh, vì sự vận hành của chúng ta trong nếp sống hội thánh.

Vinh hiển của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời được biểu lộ, Đức Chúa Trời được biểu hiện. Làm sao anh em có thể biết rằng anh em đang kinh nghiệm vinh hiển của Đức Chúa Trời? Có ít nhất ba dấu chỉ. Thứ nhất, anh em biết rằng anh em đang kinh nghiệm vinh hiển của Đức Chúa Trời khi anh em đang bám chặt và dự phần vào bản chất thần thượng. Thứ hai, anh em biết mình đang kinh nghiệm vinh hiển của Đức Chúa Trời khi sự phong phú của Christ trở nên sự vui hưởng hàng ngày của anh em. Thứ ba, anh em biết mình đang kinh nghiệm vinh hiển của Đức Chúa Trời khi anh em kinh nghiệm bàn tay biến đổi và kỷ luật của Linh trong sự phục sinh. Nếu kinh nghiệm những điều này, chắc chắn anh em là một người vì Đức Chúa Trời và vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Nhiều lần các cơ đốc nhân góp nhặt các hoạt động thuộc linh như những món đồ chơi vì sự giải trí thuộc linh. Một số người thậm chí sử dụng Kinh Thánh để khiến mình bận rộn theo cách này. Khi họ tìm thấy đôi điều họ có hứng thú, họ gọi đó là “gánh nặng” của họ. Anh Witness Lee của chúng ta đôi khi nói: “Đó không phải là gánh nặng của anh em; đó là đồ chơi của anh em, vì sự giải trí thuộc linh của anh em. Anh em chỉ thích nó vì nó phù hợp với anh em”. Các anh chị em ơi, chúng ta phải cẩn thận. Nếp sống và hoạt động cơ đốc phải vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Anh em có thể có sự phong phú và thật sự yêu Chúa. Nhưng nếu anh em không kinh nghiệm việc được điều chỉnh bởi bản chất thần thượng, anh em có thể trở nên nhân tố gây tổn hại trong nếp sống hội thánh. Những anh chị em như vậy tán gẫu về ai đúng ai sai, những điều cần phải làm trong nếp sống hội thánh và thậm chí ai ở trong dòng chảy. Mọi điều này đối nghịch bản chất thần thượng. Anh em nghĩ Chúa Jesus có làm những điều như vậy không? Có đầy tớ đích thực nào của Chúa làm như vậy không? Tôi đã ở với Witness Lee nhiều năm, và đôi khi anh tương giao các vấn đề ra từ mối quan tâm về một tình trạng, nhưng anh không bao giờ ở trong một linh chỉ trích. Anh thật sự là một người được điều chỉnh bởi bản chất thần thượng. Hơn nữa, nếu anh em ao ước là một người hướng về gia tể Đức Chúa Trời vì vinh hiển Ngài, hãy ở trong sự vui hưởng phong phú về Christ mỗi ngày, hằng ngày. Hãy vui hưởng Christ! Hãy vui hưởng sự hiện diện của Ngài! Khi ấy một điều gì đó sẽ được biểu lộ ra từ anh em do sự vui hưởng kín giấu của anh em về Ngài. Điều gì sẽ được biểu lộ? Vinh hiển của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, hãy vui hưởng công tác của Linh trên anh em. Hãy tự đặt mình vào bàn tay của Chúa. Hãy xin Ngài công tác trên anh em. Hãy nói với Ngài: “Chúa ơi tôi có thể là một khúc gỗ chết, nhưng hãy làm cho tôi trổ hoa bởi quyền năng phục sinh của Ngài!”. Khi đó anh em sẽ dâng cho Đức Chúa Trời một con đường để sản sinh vinh hiển của Ngài qua anh em.

KẾT LUẬN

Làm thế nào chúng ta có thể biết mình đang ở trong dòng chảy? Chúng ta phải quan tâm đến những điều được đề cập đến trong chương này. Nếu có thực tại của những điều này, chúng ta đang ở trong thực tại của dòng chảy, trong thực chất của dòng chảy thần thượng. Khi đó,chúng ta có thể tuyên bố: “Cảm tạ Ngài Chúa ơi. Tôi đang kinh nghiệm và vui hưởng dòng chảy của Ngài”. Nguyện chúa thương xót để tất cả chúng ta đều có thể ở trong dòng chảy của Ngài vì vinh hiển Ngài!