Chương Bốn
SỰ VẬN HÀNH CỦA DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
TRONG EZEKIEL 47 (2)
Trong Ezekiel 47: 1-12, chúng ta có một bức tranh trọn vẹn về nếp sống hội thánh như nơi mà dòng chảy thần thượng tuôn chảy. Chúng ta đã bàn đến nhiều phương diện của dòng chảy thần thượng được khải thị trong phần kinh thánh này, nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải thấy.
CHẢY VỀ HƯỚNG ĐÔNG TỪ BÊN PHẢI CỦA ĐỀN THỜ
DỌC THEO PHÍA NAM CỦA BÀN THỜ
Khi con sông chảy ra từ kiến ốc, nó chảy về hướng đông từ bên phải của đền thờ dọc theo phía nam của bàn thờ (Ezekiel 74: 1). Việc nó chảy về hướng đông chỉ tỏ rằng con sông này nhận lấy vinh hiển của Đức Chúa Trời làm mục tiêu. Mỗi hội thánh địa phương phải nhận lấy vinh hiển của Đức Chúa Trời làm mục tiêu duy nhất. Việc con sông chảy từ bên phải hoặc bên cao nhất của đền thờ chỉ tỏ rằng Chúa phải có quyền ưu tiên nếu chúng ta ao ước ở trong dòng chảy của sự sống thần thượng. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta ở trong dòng chảy nếu Christ không có vị trí đầu nhất giữa vòng chúng ta.
Hơn nữa, con sông chảy dọc theo bàn thờ dâng của lễ thiêu là biểu thị cho thập tự giá. Trong nếp sống hội thánh, thập tự giá đồng hành với dòng chảy này. Nếp sống hội thánh là một nơi tốt để kinh nghiệm thập tự giá. Trong nếp sống hội thánh, chúng ta được xây dựng với các thánh đồ, và trong nếp sống hội thánh, các ý kiến của chúng ta và cuối cùng mọi sự của chúng ta đều bị đặt lên thập tự giá. Chính tại đây chúng ta có thể được đóng đinh với Christ. Trong các hội thánh địa phương, đây là định mệnh, kinh nghiệm và sự khoe khoang của chúng ta.
ĐƯỢC ĐO BỞI MỘT NGƯỜI BẰNG ĐỒNG
Khi con sông này chảy ra, nó được đo bởi một người bằng đồng, là người đang cầm cây sậy để đo và sợi chỉ lanh. Điều này chỉ tỏ rằng Chúa của chúng ta là người đo lường và thẩm phán. Trong nếp sống hội thánh, chúng ta không chỉ vui hưởng việc được xây dựng với người khác, cũng không chỉ kinh nghiệm sự vận hành của thập tự giá, mà còn kinh nghiệm việc được Christ thẩm phán. Chúa đến với chúng ta mọi lúc để tra xét, thử nghiệm và phơi bày chúng ta hầu Ngài có thể sở hữu chúng ta. Việc Ngài phơi bày không phải chỉ để phơi bày; đúng hơn, chủ đích của việc Ngài phơi bày là để có được chúng ta. Khi được phơi bày, chúng ta ở trong diễn trình mà qua đó Christ sở hữu và có được chúng ta.
Trong nếp sống hội thánh, tôi không lo ngại cho những người yếu đuối hoặc những người phạm sai lầm. Những người tôi lo ngại là những người khăng khăng làm mọi điều theo phương cách hoặc quan niệm riêng của họ. Các anh em như vậy không có sự giới hạn. Họ thiếu kinh nghiệm về bàn thờ được bao bọc bởi con sông về hướng nam. Họ ở trong nếp sống hội thánh nhưng họ từ chối việc đo của Chúa, vì vậy họ vẫn tự do làm điều họ muốn. Họ rất tự do thậm chí trong việc theo đuổi những điều thuộc linh, nhưng trong việc làm như vậy họ có thể gây tổn hại trong nếp sống hội thánh.
Chúa sửa phạt mọi người Ngài yêu (Heb 12: 6). Tất cả chúng ta đều cần Ngài đo. Chúng ta cần Ngài đo niềm ao ước, động cơ, tâm trí, tấm lòng, con người, sự vận hành của chúng ta và những gì chúng ta là. Khi Chúa đo chúng ta, chúng ta nhận thức mình nghèo nàn và yếu đuối biết bao, và chúng ta thấy mình cần sự thương xót và ân điển của Ngài biết bao. Khi một chị em cảnh báo Watchman Nee rằng người ta đang lan truyền các lời tường thuật độc ác về anh, anh đáp lại: “Chị ơi, tôi còn tệ hơn những gì họ nói”. Watchman Nee đã được Chúa đo cách triệt để, vì vậy anh có thể nói một điều như vậy. Khi chúng ta ở dưới bàn tay đo lường của Chúa, chúng ta không tranh đấu vì những điều riêng của mình nhưng vì vinh hiển của Chúa.
Nhiều lúc chúng ta nhìn thấy thánh đồ hành động theo cách nhã nhặn và dễ thương, chúng ta cảm thấy họ đang làm rất tốt. Thật ra, điều đó có thể có nghĩa là họ chưa kinh nghiệm nhiều về việc đo của Chúa, và bởi đó họ vẫn tự do sống theo ý thích của mình. Khi Chúa hoàn toàn đo chúng ta và chúng ta bắt đầu trôi theo dòng chảy thần thượng, chúng ta sẽ thật sự yên nghỉ, nhưng sự yên nghỉ này xảy đến vì mặt chúng ta hướng về cõi thiên thượng. Đây là chứng cớ của nếp sống hội thánh: khi chúng ta được xây dựng với nhau, thì có một dòng chảy thần thượng, và ra từ dòng chảy này, các thánh đồ và những người tiếp xúc với họ nhận được sự sống dư dật.
ĐEM ĐẾN SỰ SỐNG VÀ SẢN SINH CÁC CÂY CỐI
Sự tuôn chảy của con sông này đem đến sự sống bất cứ nơi nào nó chảy đến (Ezekiel 47: 9). Khi dòng chảy đạt đến mức lượng đầy đủ của nó, các cây cối được sản sinh (c 12). Các cây cối này đại diện cho các thánh đồ trưởng thành và được vững lập ra từ dòng chảy thần thượng. Cây cối cung cấp bóng mát để yên nghỉ, trái để nuôi dưỡng và lá để chữa lành người khác. Ngợi khen Chúa về các thánh đồ là các “cây cối ”. Khi nhìn thấy các cây cối như vậy trong một địa phương, anh em biết rằng các thánh đồ ở nơi đó có cách để được thỏa mãn, được chữa lành và tìm thấy sự yên nghỉ. Trong sự hiện diện của các cây cối như vậy, nếp sống hội thánh và dòng chảy được bảo vệ.
Đặc biệt, các cây cối sẽ sản sinh trái mới mỗi tháng (c 12). Nếu có một cây cối ở đó, một điều gì đó mới liên tục được sản sinh vì các thánh đồ xung quanh. Anh em không thể nuôi các thánh đồ bằng sự thâm niên của mình. Các trưởng lão cần được cung ứng cách tươi mới bằng “trái tươi mới” vì các thánh đồ.
Tôi ở trong nếp sống hội thánh đến nay đã được 50 năm, và trong suốt thời gian đó, tôi đã nhìn thấy nhiều điều xảy ra dưới danh nghĩa là ở trong dòng chảy. Đôi khi các hội thánh chịu tổn thất vì thiếu sự bảo vệ và sự cung ứng của một số cây cối.
Nếu ao ước nhìn thấy dòng chảy này trong địa phương của mình, trước hết anh em phải dâng mình để giúp các thánh đồ được xây dựng với nhau. Thứ hai, khi dòng chảy tuôn ra, anh em phải để Chúa đo anh em. Thứ ba, anh em phải học tập đứng vững như một cây cối trong hội thánh mà anh em phục vụ để làm thỏa mãn, cung ứng, chữa lành và bảo vệ người khác.
CHỮA LÀNH BIỂN CHẾT
Khi chứng cớ của Chúa giữa dòng chúng ta được chống đỡ đến mức dòng chảy trở nên đầy quyền năng thì nó sẽ chảy về hướng đông thẳng ra biển. Theo phần lời này trong Ezekiel, con sông chảy thẳng ra Biển chết. Tuy nhiên, khi dòng chảy từ nhà Đức Chúa Trời chảy đến “nước biển được chữa lành” (Ezekiel 47: 8). Ngày nay “biển chết” này là gì? Một số người có thể cảm thấy rằng Hoa Kỳ và Canada tạo nên một biển chết như vậy, vì dường như ít có sự đáp ứng với lời của sự sống giữa vòng người Mỹ và người Canada so với người ở những nơi khác. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng, nếu thật sự có một dòng chảy sự sống ra từ nếp sống hội thánh thì ai là người Mỹ hoặc ai là người Canada cũng không thành vấn đề. Dòng chảy đến Biển chết và làm cho nó sống! Dòng chảy không quan tâm nó đương đầu với dân tộc nào; dòng chảy làm cho tất cả đều sống. Vấn đề chỉ là dòng chảy. Nếu trong hội thánh địa phương của anh em có một dòng chảy, thì dòng chảy đó sẽ làm cho biển chết trở nên sống. Nó sẽ sản sinh cá và làm cho nước mặn thành nước ngọt.
Vậy hội thánh ở chỗ anh em cần gì? Hội thánh ấy cần một con sông. Đừng nhìn vào tình trạng của dân chúng trong thành phố anh em. Nếu làm như vậy, anh em sẽ chán nản. Đừng quá bận tâm về tình trạng xung quanh anh em, bất kể điều đó có vẻ vô vọng đến đâu. Thay vì vậy, hãy cầu nguyện cho dòng chảy. Hãy ngưỡng trông Chúa để dòng chảy đến. Đừng đặt ra các vấn đề giữa dòng anh em. Thay vì vậy, hãy nhận lấy thập tự giá trong nếp sống hội thánh và gìn giữ sự hiệp nhất của Linh trong mối dây liên kết hòa bình. Khi anh em làm điều này thì sẽ có một dòng chảy, bất kể số lượng người của anh em. Và nếu anh em để cho Chúa đo anh em cho đến khi dòng chảy trở nên một con sông đại năng thì thậm chí biển chết cũng có thể được chữa lành và trở nên dịu ngọt. Những người anh em tiếp xúc cũng sẽ được làm cho trở nên mềm mại. Họ sẽ được hấp dẫn và họ sẽ sẵn lòng tiếp nhận từ anh em. Cho dù họ là biển chết, sự phong phú của Christ cũng sẽ vươn đến họ.
Khi nhận thức được điều này chúng ta yên nghỉ. Chúng ta không phải tranh đấu vì điều bất khả thi. Thay vì vậy, chúng ta đơn giản tập trung vào dòng chảy sự sống. Khi chúng ta không có dòng chảy sự sống thì đúng là mọi người chúng ta cố gắng vươn đến dường như đều chết chóc và không đáp ứng. Nhưng khi chúng ta quan tâm đến dòng chảy sự sống thì tình trạng được làm cho sống động. Khi dòng chảy đến, thậm chí tình trạng vô vọng cũng trở nên tình trạng của sự sống.
Chúng ta vẫn cần giảng phúc âm, mở tư gia của mình ra và lao tác vì sự cứu rỗi của người khác, nhưng hãy ghi nhớ tình trạng được mô tả ở đây trong Ezekiel. Theo điều được mô tả ở đây, điều chính yếu là một hội thánh địa phương phải sản sinh là một dòng chảy sống động. Và các anh em mà là các cây cối có hai chức năng: giúp đỡ các thánh đồ sản sinh dòng chảy và bảo vệ dòng chảy ấy.
NHỮNG NGƯỜI ĐÁNH CÁ, GIĂNG LƯỚI
GIỮA EN-GEDI VÀ EN-EGLAIM
Một vấn đề khác được đề cập trong Ezekiel 47:10a “Và những người đánh cá sẽ đứng ở bờ biển En-gedi, thậm chí đến En-eglaim; đó sẽ là nơi giăng lưới”. Trong câu này, “từ” nơi này “đến” nơi kia chứng tỏ rằng sự tổng cộng của nếp sống hội thánh phải có đặc tính là đánh cá giữa En-gedi, nghĩa là “mạch nước của các chiên con (con trẻ)” và En-eglaim, nghĩa là “mạch nước của hai con bê”. Điều này chỉ tỏ rằng sự vận hành của chúng ta trong nếp sống hội thánh phải luôn tập trung vào những người mới.
Các thánh đồ phải quăng lưới bên trong dòng chảy đang tuôn chảy để bắt mọi loại “cá” (Ezekiel 47: 10b). Trong bức tranh này, không chỉ có các cây cối sản sinh mọi loại trái mà còn có những người đánh cá đánh bắt mọi loại cá. Nếp sống hội thánh của chúng ta phải là một nếp sống hội thánh “giăng lưới”. Trong nếp sống hội thánh chúng ta phải luôn giăng lưới và thả lưới và chúng ta phải luôn luôn có những người mới ở dưới sự chăm sóc của chúng ta. Tại sao một đầu của con sông là En-gedi nói về chiên con hay con trẻ, còn đầu kia là En-eglaim nói về những con bê? Đó là vì trong nếp sống hội thánh chúng ta phải bắt đầu với những người trẻ và kết thúc với những người trẻ. Những người lớn tuổi hơn phải là “những người đánh cá” và “cây cối” để mang vác và dưỡng dục những người mới. Theo câu này, dường như nếp sống hội thánh không chăm sóc điều gì khác ngoài những người trẻ. Các câu này ngụ ý rằng những người trưởng thành vận hành trong sự sống để đánh bắt và nuôi dưỡng bầy, và họ tác nhiệm như những các cây cối để cung cấp yếu tố cung ứng, bảo vệ và chữa lành trong nếp sống hội thánh.
Tôi lo ngại rằng ở một số nơi các thánh đồ đã quên mất cách dưỡng dục những người trẻ. Thay vì chỉ gìn giữ hoặc duy trì các tín đồ trẻ, chúng ta phải chiến đấu vì những người ở dưới sự chăm sóc của chúng ta để họ tăng trưởng đến tầm vóc đầy đủ của điều Chúa đã đo cho họ. Chúng ta không nên dưỡng dục mọi thánh đồ theo cùng một cách và với cùng một sự mong đợi. Một số trưởng lão dường như cố gắng hết sức để đem mọi thánh đồ đến cùng một tiêu chuẩn thấp kém. Trong cái nhìn của họ, nếu các thánh đồ có thể đi nhóm vào ngày của Chúa thì tốt rồi. Các anh em ơi, một sự chăm sóc như vậy sẽ không bao giờ sản sinh sự tăng trưởng thật. Chúng ta phải công tác, chiến đấu, trả giá và tranh đấu để con cái thuộc linh của chúng ta có thể được dưỡng dục cách đầy hy vọng. Các thánh đồ ở với chúng ta phải được dưỡng dục để họ trở nên hữu dụng cho Chúa theo mọi điều Ngài dự định cho họ. Chúng ta đừng nên thỏa mãn nếu họ chỉ phát triển thành “các anh em tốt” hay chỉ “sống tốt”.
Trong nếp sống hội thánh trải dài từ En-gedi đến En-eglaim, mọi cá nhân đều cần được nuôi dưỡng, huấn luyện, có mối liên hệ, dưỡng dục và làm hoàn hảo cách đúng đắn.
Khi mọi người đều được dưỡng dục theo những gì họ là, nếp sống hội thánh sẽ kì diệu biết bao!
BẮT CÁ THEO LOẠI CỦA CHÚNG
Trong nếp sống hội thánh này, có nhiều loại cá “theo loại của chúng” (Ezekiel 47: 10). Điều này nghĩa là dù tất cả đều có chung một sự sống, nhưng các tín đồ khác nhau theo ân tứ và chức năng của mình. Thánh đồ này có thể được ban cho ân tứ làm người giảng tin lành trong khi thánh đồ kia có thể được ban cho ân tứ bày tỏ sự thương xót, một ngưởi khác có ân tứ bày tỏ lòng hiếu khách … Mọi “loại” như vậy đều cần cho chứng cớ Chúa.
Nếp sống hội thánh cũng phải có thể hấp dẫn và làm thỏa mãn mọi loại người, dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, có học vấn hay không. Nếu một sinh viên đại học đến buổi nhóm, người ấy phải thấy buổi nhóm thú vị, và nếu một doanh nhân đến buổi nhóm, người ấy cũng phải thấy buổi nhóm thú vị. Nếu một cụ bà đến buổi nhóm, bà phải cảm thấy như ở nhà, và nếu một quý ông lớn tuổi đến buổi nhóm, ông cũng phải cảm thấy như ở nhà. Nếu một người gốc Châu Âu đến, người ấy cũng cảm thấy được chào đón, và nếu có người gốc Phi đến, người ấy cũng phải cảm thấy được chào đón. Nếu một người chuộng thể thao đến, người ấy phải được tiếp nhận, và nếu một thư sinh đến, người ấy cũng phải được tiếp nhận và đánh giá cao như vậy. Nếp sống hội thánh trong dòng chảy này thì tổng bao hàm. Mọi loại người phải có thể nói rằng hội thánh địa phương của mình thật lạ lùng. Loại nếp sống này được sản sinh từ sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng.
CÁC ĐẦM LẦY VÀ VÙNG LẦY BỊ ĐỂ LẠI CHO MUỐI
Mặc dù dòng chảy thần thượng có khả năng chữa lành các dòng nước biển mặn, nhưng “các đầm lầy và vũng lầy sẽ không được chữa lành; chúng sẽ bị để lại cho muối” (Ezekiel 47: 11). Bất kể biển mặn lớn đến đâu, sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng cũng có thể chữa lành. Tuy nhiên, dòng chảy không thể chữa lành tình trạng đầm lầy, là không ướt cũng không khô, giống như Chúa không thể công tác với một hội thánh không nóng cũng không lạnh (Khải 3: 15-16). Ở trong tình trạng đầm lầy là ở trong một tình trạng thỏa hiệp. Đây là dấu hiệu của Cơ Đốc Giáo, và là dấu hiệu của một hội thánh địa phương suy thoái. Trong một hội thánh như vậy, mọi loại tình trạng đều có chỗ và tiêu chuẩn của chứng cớ Chúa biến mất. Nếu một anh em làm một điều gì đó sai trật hay phạm sai lầm trong một nơi như vậy thì điều đó được khoan dung, vì không có chỗ đứng vững chắc cho Chúa. Dòng chảy không chảy ở một nơi như vậy.
Khi dòng chảy thần thượng đến, chúng ta phải hợp tác với dòng chảy cách tuyệt đối, không thỏa hiệp, và đứng trên lập trường hội thánh địa phương như những người vì cuộc gia tể Đức Chúa Trời và chứng cớ của Chúa. Muối có thể tốt để bảo tồn nhưng không tương đương với sự sống. Đôi khi các anh em dẫn dắt quá nghiêm khắc, và họ “muối” các thánh đồ. Các thánh đồ ở một nơi như vậy có thể được bảo tồn, nhưng không tươi mới trong sự sống. Vợ của Lót biết rất nhiều, nhưng ngoài sự sống bà đã không thể từ bỏ thế giới. Hiệu lực của muối tùy thuộc vào dòng chảy thần thượng. Khi dòng chảy đến thì có một ngày hiện tại tươi mới, và không cần nhớ lại “những ngày xưa tốt đẹp”. Chúng ta yêu những ngày hiện tại tươi mới. Nguyện Chúa thương xót chúng ta! Nguyện chúng ta lao tác để sản sinh dòng chảy và lao tác trong dòng chảy để sản sinh và chăm sóc nhiều người mới vì vinh hiển của Chúa!