CHƯƠNG HAI
BỨC TRANH VỀ DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG (2)
Một nan đề trong nếp sống hội thánh là nhiều thánh đồ biết rất nhiều nhưng kinh nghiệm rất ít. Thay vì bơi trong dòng chảy, họ bị chôn bởi tri thức. Đây là lý do đầu tiên tại sao chúng ta bàn đến vấn đề dòng chảy thần thượng này. Lý do thứ hai liên quan đến cách sử dụng thuật ngữ “dòng chảy” giữa dòng các thánh đồ trong các hội thánh ngày nay. Các sự suy xét về một điều gì đó có ở trong dòng chảy hay không thường là một vấn đề đáng lo ngại
.
Trong sự khôi phục của Chúa, chúng ta đã nhận được di sản phong phú từ các đầy tớ của Chúa là Watchman Nee và Witness Lee. Khi nói đến việc tiếp nhận sự phong phú thuộc linh, ít cơ đốc nhân nào được phước như chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng các sự phong phú này vẫn cần trở nên của chúng ta. Thí dụ, vấn đề về sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng phải trở nên kinh nghiệm của chúng ta; điều đó không nên vẫn chỉ là một chi tiết trong vốn từ vựng của chúng ta. Từ “dòng chảy” được dùng phổ biến giữa dòng chúng ta, nhưng thường thì cách áp dụng chỉ tỏ rằng chúng ta chưa sở hữu được những gì mà từ ngữ đó trình bày. Thí dụ, dòng chảy không phải để chúng ta nhảy vào mà để chúng ta vui hưởng, được cuốn đi và nhận lấy sức lực từ đó. Dòng chảy cung cấp cho chúng ta một con đường để ở trong những gì Chúa đang thực hiện trong sự vận hành và chuyển động của Ngài. “Dòng chảy” không phải là một thuật ngữ được tìm thấy trong Kinh Thánh theo ý nghĩa như nó được dùng giữa vòng chúng ta, vì vậy chúng ta phải cẩn thận. Thực tại mà từ ngữ dòng chảy trình bày thật sự ở trong Kinh Thánh, nhưng câu Kinh Thánh mà chính từ ngữ đó được dùng thì chỉ có liên quan đến những điều tuôn ra từ trong mỗi cá nhân tín đồ (John 7: 38). Để nghiên cứu thực tại của dòng chảy thần thượng là gì, chúng ta phải trở lại bức tranh của dòng chảy trong Sáng Thế Ký 2.
CON SÔNG TUÔN RA TỪ EDEN ĐẠI DIỆN CHO
CHÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG SỰ VẬN HÀNH CỦA NGÀI
Trong Sáng Thế Ký chương 2, con sông đại diện cho chính Đức Chúa Trời trong sự vận hành của Ngài cuối cùng chia thành bốn ngọn, hoặc bốn nhánh. Số bốn biểu thi cho cõi sáng tạo của Đức Chúa Trời. Vì vậy, từ bức tranh này, chúng ta có thể suy ra rằng Đức Chúa Trời trong sự vận hành của Ngài như dòng chảy đáp ứng nhu cầu của cả cõi sáng tạo của Ngài. Như con sông tuôn chảy, Đức Chúa Trời có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của nhân loại.
PISHON, NHÁNH THỨ NHẤT, BIỂU THỊ RẰNG LINH TUÔN CHẢY
TỰ DO TẠO RA SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ BIẾN ĐỔI THUỘC LINH
Ngọn thứ nhất được gọi là Pishon, nghĩa là “tự do tuôn chảy”. Vì vậy, dấu hiệu thứ nhất cho thấy rằng anh em ở trong dòng chảy này là có sự tự do trong Chúa. Những điều ở trong linh và trong lòng anh em đối với Chúa tự do bước ra để trở nên phước hạnh cho người khác. Hơn nữa, nhánh này bao quanh miền đất Havilah, nghĩa là “khiến cho tăng trưởng”. Vàng thuần khiết (đại diện cho bản chất của Cha), trân châu (đại diện cho công tác cứu chuộc của Con) và mã não (đại diện cho sự biến đổi của Linh) đều được sản sinh trong nhánh thứ nhất của dòng chảy thần thượng.
GIHON, NHÁNH THỨ HAI, BIỂU THỊ CHO SỰ LAN TRÀN
CỦA DÒNG CHẢY BẤT CHẤP BẢN CHẤT SA NGÃ
KHÔNG THỂ TAY ĐỔI HIỆN NAY CỦA CHÚNG TA
Con sông thứ hai trong bốn con sông này được gọi là Gihon, nghĩa là “tuôn tràn”. Nhánh sông này không chỉ tự do chuyển động; bây giờ nó còn tuôn tràn hai bên bờ sông. Nhưng bất kể sự tuôn tràn này phong phú đến đâu, những người vui hưởng nó vẫn là dân Cush, vì Gihon bao quanh miền đất Cush. Trong Kinh Thánh, Cush đại diện cho bản chất tối tăm không thể thay đổi. Nói cách khác, có một điều gì đó bên trong chúng ta là độc ác không thể thay đổi được, bất kể dòng chảy chúng ta vui hưởng phong phú đến đâu. Điều đó chính là xác thịt sa ngã của chúng ta. Chúng ta cần được nhắc nhở về điều này. Bất kể chúng ta vui hưởng Chúa tuôn chảy trong mình bao nhiêu, bản thể sa ngã trong chúng ta vẫn sẽ không “trôi đi” và chúng ta vẫn không hoàn toàn được tái cấu tạo trong thời đại này. Chúng ta sẽ không hoàn toàn tự do khỏi bản chất sa ngã của mình cho đến thời điểm cứu chuộc thân thể. Tuy nhiên, bất chấp các sự thất bại do bản chất sa ngã của chúng ta, Chúa không ngừng tuôn chảy đến với chúng ta và tuôn tràn trong chúng ta. Hallelujah! Chúa vẫn có thể thực hiện công tác lạ lùng của Ngài trong và qua chúng ta bất kể tình trạng sa ngã và tội lỗi của chúng ta.
HIDDEKEL, NHÁNH THỨ BA, THÌ ĐẦY QUYỀN NĂNG,
MẠNH MẼ VÀ NHANH CHÓNG VÌ SỰ HOÀN THÀNH
CHỦ ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Bây giờ chúng ta đến nhánh thứ ba trong bốn nhánh này, được đặt trên là Hiddekel, nghĩa là “đầy quyền năng”, “mạnh mẽ”, hoặc “nhanh chóng”. Dòng chảy này chảy về hướng đông Assyria. Dòng chảy này không chỉ chảy tự do, cũng không chỉ tuôn tràn; bây giờ nó chảy theo một hướng rõ ràng và hướng đó là hoàn thành chủ đích của Đức Chúa Trời. Khi một người đạt đến giai đoạn này, người ấy không chỉ vui hưởng sự tự do của Linh và kinh nghiệm sự thương xót cũng như ân điển của Chúa, mà còn sống vì chủ đích của Đức Chúa Trời. Bản thể người ấy hướng về sự hoàn thành gia tể Đức Chúa Trời. Một người như vậy không còn sống vì sự vui hưởng riêng của mình nữa; bây giờ người ấy sống vì sự hoàn thành điều ở trong lòng Đức Chúa Trời. Nếp sống của người ấy tập trung vào Đức Chúa Trời và vinh quang của Đức Chúa Trời.
Dòng chảy hướng về phía đông tương ứng với
hướng của đền tạm Đức Chúa Trời
Như được đề cập trước đây, dòng chảy này chảy về hướng đông, tương ứng với hướng của đền tạm, là điều đối mặt về hướng đông. Khi một người kinh nghiệm Hiddekel, người ấy được đem đi tới để biểu hiện Đức Chúa Trời, vì hướng đông đại diện cho vinh hiển của Đức Chúa Trời. Người ấy không chỉ được đem vào trong nếp sống hội thánh mà còn vào trong kinh nghiệm sự tăng trưởng được chỉ tỏ bởi bản thiết kế của đền tạm. Điều này nghĩa là cuối cùng dòng chảy đem chúng ta vào trong sự hiệp nhất với bản chất của Đức Chúa Trời, được tiêu biểu bởi hai bảng luật pháp; vào trong công tác phục sinh của Linh, được tiêu biểu bởi cây gậy trổ hoa của Aeron; và vào trong sự vui hưởng Christ như sự cung ứng thỏa mãn, được tiêu biểu bởi mana giấu kín. Mọi điều này được tìm thấy trong hòm chứng cớ, là điều được đặt trong nơi chí thánh. Vì một người kinh nghiệm Hiddekel có gia tể Đức Chúa Trời trong ý định nên khi vận hành người ấy làm một với Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Con và Đức Chúa Trời Linh.
Con sông đem chúng ta ra khỏi Nineveh, đại diện cho thế giới vật chất,
và ra khỏi Babel, đại diện cho thế giới tôn giáo
Với Hiddekel, còn có một phương diện ý nghĩa khác nữa. Con sông này chảy về hướng đông qua Assyria, nghĩa là nó chảy từ Nineveh ở phía bên này đến Babel ở phía bên kia (Sáng 10: 10 - 12). Ở Nineveh, người ta vui hưởng sự thịnh vượng và lộng lẫy, trong khi Babel có đặc điểm là thờ thần tượng và hư vinh loài người. Vì vậy, Nineveh phải đại diện cho thế giới vật chất, trong khi Babel phải đại diện cho thế giới tôn giáo. Theo hướng của dòng chảy, trước hết chúng ta được đem ra khỏi thế giới vật chất, được đại diện bởi Nineveh, và cuối cùng chúng ta cũng được đem ra khỏi thế giới tôn giáo, được đại diện bởi Babel.
Phương diện tôn giáo của thế giới cầm giữ dân chúng
mạnh mẽ hơn phương diện vật chất
Khi một người còn trẻ, người ấy có thể bị phương diện vật chất của thế giới gài bẫy nhiều hơn. Trước khi họ sở hữu một ngôi nhà, người ấy nghĩ ngôi nhà là điều người ấy cần. Nhưng sau khi mua được, người ấy nhận thức rằng mình không thỏa mãn và muốn một điều khác nữa. Những điều của thế giới để lại sự trống rỗng cho con người. Khi đó họ làm gì? Họ xoay qua tôn giáo, và thế giới cung cấp cho họ. Bất cứ điều gì người ta có thể làm trong thế giới tôn giáo, họ đều làm với hi vọng là có được một loại thỏa mãn hay phần thưởng đời đời nào đó. Vì nó không lộ rõ là trống rỗng và vô giá trị, nên phương diện tôn giáo của thế giới cầm giữ dân chúng mạnh mẽ hơn phương diện vật chất.
Trong nếp sống hội thánh, nhiều người trong chúng ta không ao ước theo đuổi những điều vật chất trong thế giới; nhưng chúng ta có thể nói giống nhau về phương diện của thế giới được đại diện bởi Babel không ? Đứng chỉ tay vào những người ở trong Cơ đốc giáo; thậm chí giữa vòng chúng ta, Babel cũng có chỗ. Ô, việc có một địa vị, hoặc danh tiếng, hay sức ảnh hưởng trong lĩnh vực tôn giáo thật hấp dẫn biết bao! Điều này thật sự nằm trong máu chúng ta. Mọi người đều đương đầu với hai phương diện này của thế giới: Nineveh ở hướng bắc và Babel ở hướng nam. Phương diện nào đáng sợ hơn? Chắc chắn là Babel. Người ta có một niềm ao ước thiên nhiên là muốn phục vụ Đức Chúa Trời, và một khi họ cảm thấy mình đang phục vụ Đức Chúa Trời và sống vì Ngài, họ cảm thấy đây là một điều vinh hiển cho họ. Đây là một cảm giác mạnh mẽ. Khi một người phục vụ Đức Chúa Trời, người ấy được tôn trọng và sùng kính, thậm chí bởi những người có địa vị cao trong thế giới vật chất. Có thể nói rằng việc anh em đại diện cho Đức Chúa Trời cung cấp cho anh em một địa vị cao nhất. Hãy xem xét mẹ của James và John. Bà đã nài xin một địa vị cho hai con trai mình và xin cho họ ngồi kế bên Chúa trong vương quốc Ngài. Jesus đáp: “Ngươi không biết điều ngươi đang cầu xin” và nói với các con bà: “Các ngươi có thể uống chén mà ta sắp uống không?” (Matt 20: 20-23). Nói cách khác, Jesus đang nói: “Để có một địa vị trong vương quốc của ta thì không phải là vấn đề các ngươi ngồi ở đâu, mà là các ngươi có sẵn lòng chết đối với bản ngã của mình không”.
Là những người ở trong hội thánh, chúng ta phải cẩn thận để không sa vào bẫy lưới của Babel. Một số người có thể cho rằng các trưởng lão gần với Đức Chúa Trời hơn họ. Hãy cẩn thận! Một số người có thể dâng mình phục vụ Chúa với một động cơ kín giấu là được biểu lộ. Hãy cẩn thận! Một số người mơ về việc trở thành một anh em phát ngôn trong các buổi nhóm. Hãy cẩn thận! Thậm chí hãy cẩn thận với niềm ao ước hữu dụng cho Chúa. Khi chúng ta dâng mình cho Chúa, điều đó phải là vô điều kiện. Chúng ta phải rất cẩn thận khi sử dụng từ “nếu”. Chẳng hạn như “Chúa ơi, tôi sẽ phục vụ Ngài nếu Ngài làm cho tôi hữu dụng”. Một điều kiện như vậy bắt nguồn từ thế giới tôn giáo hư không. Nếu đây là trường hợp của anh em, anh em cần kinh nghiệm đích thực về dòng chảy để giải phóng mình, vì anh em thật sự không ở trong sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng.
Dòng chảy giải phóng chúng ta khỏi mọi điều khác hơn Christ
Điều gì còn lại sau khi anh em được giải phóng khỏi thế giới vật chất lẫn thế giới tôn giáo? Khi sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng thực hiện công việc của nó, không một điều gì còn lại cho chúng ta trừ ra Christ. Không có hi vọng nào khác! Không có mục đích nào khác! Không có gì ngoài vinh hiển của Đức Chúa Trời. Một người kinh nghiệm dòng chảy này đơn giản ao ước Christ được phóng đại. Nếu đây là trường hợp của anh em thì anh em thật sự kinh nghiệm sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng. Những người thật sự ở trong dòng chảy thần thượng có thể nói rằng họ không còn bị chiếm hữu bởi những điều của thế giới vật chất và tôn giáo.
Dòng chảy thần thượng không phải để tạo ra các đòi hỏi hoặc sản sinh các khẩu hiệu; dòng chảy thần thượng là để giải phóng chúng ta khỏi mọi điều khác hơn Christ. Khi dòng chảy cuốn chúng ta đi, thế giới ra đi. Nếu dòng chảy thật sự ở giữa vòng chúng ta, hết thánh đồ này đến thánh đồ khác trong hết hội thánh này đến hội thánh khác sẽ được giải phóng khỏi bất cứ ý tưởng nào về một tương lai thuộc thế giới vật chất hay tôn giáo. Nếu ở trong dòng chảy, chúng ta có thể hô la: “Hallelujah! Tôi không có tương lai trong thế giới và tôi không có tương lai trong tôn giáo. Tôi chỉ vì cuộc gia tể Đức Chúa Trời”.
EUPHRATES, NHÁNH THỨ TƯ CỦA CON SÔNG,
THÌ DỊU NGỌT VÀ NGÁT HƯƠNG VÌ CÁCH SỐNG,
SỰ THEO ĐUỔI VÀ VẬN HÀNH CỦA CHÚNG TA
Bây giờ chúng ta đến nhánh thứ tư của con sông duy nhất này. Nhánh thứ tư của con sông là Euphrates, nghĩa là “ngát hương, dịu ngọt”. Đó là nhánh cuối cùng trong bốn nhánh, điều này có nghĩa nó là sự tổng kết sau cùng của ba nhánh kia. Khi một người kinh nghiệm sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng, cuối cùng người ấy biểu lộ đôi điều ngát hương và dịu ngọt. Hương thơn, sự dịu ngọt này được biểu lộ trong cách sống, sự theo đuổi và vận hành của người ấy.
Để chúng ta có thể dịu ngọt và ngát hương trong cách sống của mình
Trước hết, một người đang vui hưởng dòng chảy thần thượng sẽ biểu lộ một loại dịu ngọt trong cách sống của mình. Thí dụ, những người phục vụ Chúa phải đưa ra bằng chứng về điều này tại tư gia của họ. Điều đó phải được nhìn thấy trong các thánh đồ sống trong gia đình và nơi cư trú của họ.
Để chúng ta có thể dịu ngọt và ngát hương trong sự theo đuổi của mình
Thứ hai, một người có đang vui hưởng dòng chảy thần thượng hay không sẽ được nhìn thấy trong sự theo đuổi của người ấy. Bất cứ sự theo đuổi nào dẫn đi xa khỏi Chúa đều sai trật đối với dòng chảy thần thượng. Thí dụ, nếu một anh em theo đuổi một công việc lương cao thì sự dịu ngọt và ngát hương vốn là đặc trưng của dòng chảy thần thượng sẽ không được tìm thấy nơi người ấy, vì một sự theo đuổi như vậy không theo Đức Chúa Trời và gia tể Ngài. Tuy nhiên, nếu anh em đó nhận được đề nghị về một công việc lương cao và nói: “Tôi không quan tâm đến công việc này, tôi vì Christ và hội thánh” thì sự theo đuổi của người ấy đúng đắn và là một điều gì đó dịu ngọt.
Thông thường chúng ta gặp những người bị chiếm hữu bởi một điều gì đó, và khi họ có cơ hội nói về điều đó, họ sẽ nói đến mức nhàm chán. Có thể một người thích nói về cách kiếm tiền. Điều đó bốc mùi lạ, thậm chí hôi thối. Tuy nhiên, những người ao ước nói về Christ thì có một mùi hương hoàn toàn khác. Nếu ai đó nói về cách mình vui hưởng Christ, theo đuổi Christ và có được Christ thì điều đó ngát hương và dịu ngọt. Tôi e rằng nhiều người trong chúng ta ở trong các hội thánh không phóng đại Christ theo cách này, nhưng thay vì vậy lại nấn ná nơi những điều cướp đoạt và lừa dối đế lấy mất mùi hương này của chúng ta. Trong các hội thánh chúng ta phải là những người theo đuổi Christ; đó là đặc điểm của chúng ta.
Để chúng ta có thể dịu ngọt và ngát hương trong sự vận hành mình
Sự dịu ngọt này không những được biểu lộ trong cách sống và sự theo đuổi của những người vui hưởng dòng chảy thần thượng mà còn trong sự vận hành của họ. Những người phục vụ trong hội thánh phải phục vụ theo cách làm cho Christ được biểu lộ. Chúng ta không nên đến với các thánh đồ theo cách luật pháp và quy định. Không điều gì giết chết sự dịu ngọt nhanh bằng việc giới thiệu luật pháp. Bất kể động cơ và ý định của chúng ta tốt đến đâu, nếu chúng ta thực hiện một điều gì đó theo cách hợp pháp, thì bầu không khí sẽ không dịu ngọt. Nếu chúng ta thật sự vui hưởng sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng, sự vận hành của chúng ta trong nếp sống hội thánh sẽ có đặc trưng là sự dịu ngọt. Trong nếp sống hội thánh dịu ngọt, các thánh đồ cảm thấy gần gũi với nhau và vui hưởng sự nuôi dưỡng và ấp ủ trong nếp sống Thân Thể.
Đôi khi một anh em có gánh nặng là các thánh đồ phải đi vào trong một chủ đề cụ thể hoặc sử dụng một loại tài liệu nào đó. Thậm chí anh ấy có thể nói rằng điều này ở trong dòng chảy. Tuy nhiên, nếu gánh nặng này được thực hiện bằng cách cưỡng bách hoặc đòi hỏi thì nó không thể được gọi là dòng chảy. Nếu anh em này chăn dắt các thánh đồ trong tình yêu, anh ấy phải hiểu các nguyên tắc của dòng chảy thần thượng với bốn nhánh của nó. Trước hết các thánh đồ phải có sự tự do trong Linh. Thứ hai, các thánh đồ cũng có sự yếu đuối và thất bại. Thứ ba, mọi sự phải được thực hiện với gia tể của Đức Chúa Trời trong ý định. Vì nhận thức các nguyên tắc này nên anh vận hành theo cách biểu lộ sự ấp ủ dịu ngọt của Christ và gánh nặng của anh có thể được thực hiện theo cách đáp ứng các nhu cầu của các thánh đồ.
Kinh nghệm về sự dịu ngọt và hương thơm là kết quả
của các kinh nghiệm và các sự nhận thức trước đó
trong dòng chảy duy nhất này
Nếu chúng ta vui hưởng sự tăng trưởng trong sự sống qua sự vận hành bên trong của Đức Chúa Trời tam nhất (Pishon), nếu chúng ta biết mình thật sự là ai, biết rằng chúng ta có một bản chất tối tăm không thể thay đổi và vì vậy không có sự mong đợi về chính mình (Gihon), nếu chúng ta liên hệ đúng đắn với gia tể Đức Chúa Trời và sống cho vinh hiển Đức Chúa Trời (Hiddekel), thì chúng ta sẽ biểu lộ hương thơm và sự dịu ngọt trong cách sống, sự theo đuổi và sự vận hành của chúng ta, được biểu thị bởi con sông biểu lộ sau cùng này (Euphrates).
CÁC NGUYÊN TẮC VỀ DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
Dòng chảy thần thượng thì chủ quan chứ không khách quan,
để chúng ta kinh nghiệm chứ không phải để tuân thủ bên ngoài
Tôi muốn chia sẻ một số nguyên tắc từ bức tranh về dòng chảy thần thượng này. Trước hết, chúng ta phải nhận thức rằng dòng chảy thần thượng là một điều gì đó chủ quan chứ không phải khách quan. Hơn nữa, dòng chảy mà chúng ta nói đến là một điều gì đó thuộc kinh nghiệm chứ không phải giáo lý. Nói cách khác, chúng ta không nên nói rằng, nếu chúng ta ở trong sự dạy dỗ nào đó thì chúng ta đang ở trong dòng chảy. Để ở trong sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng, chúng ta phải ở trong thực tại hoặc kinh nghiệm của những gì mà điều đó tiêu biểu.
Dòng chảy thần thượng sản sinh những người thuộc linh,
là những người được cảm thúc cách thuộc linh
Dòng chảy thần thượng này là dành cho cảm xúc của Linh. Một lần kia tôi xin lời khuyên của anh Witness Lee về một số vấn đề thực tiễn, và anh ấy trả lời: “Hễ một người thuộc linh đi đến bất cứ nơi đâu, người ấy cũng thuộc linh”. Nói cách khác, vấn đề không phải là làm gì mà là ai đang làm điều đó. Không có sự thực hành cụ thể nào thuộc dòng chảy và chúng ta không nên nói như vậy. Khi chúng ta xem xét ý nghĩa của việc ở trong dòng chảy thần thượng thì chính con người mới là quan trọng.
CÁC BẰNG CHỨNG CỦA VIỆC CHÚNG TA ĐANG CỨ Ở
TRONG DÒNG CHẢY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Làm thế nào anh em biết mình có đang ở trong dòng chảy thần thượng hay không? Hãy tự hỏi: “Tôi có tự do không? Đức Chúa Trời tam nhất có đang tăng trưởng bên trong tôi không? Bông trái của Linh có được sản sinh không? Tôi có nhận thức mình là ai và Christ là ai bất kể tôi là ai không? Tôi có đang sống với ý định vì mục đích và gia tể của Đức Chúa Trời không? Tôi có đang theo đuổi Christ thay vì những điều của thế giới không? Sự dịu ngọt của thân vị Christ có được biểu lộ trong tôi không? Nếu câu trả lời của anh em là có và kinh nghiệm của anh em ở trong lĩnh vực này thì anh em có thể biết chắc rằng mình ở trong sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng.
Do đó, sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng được chứng thực bởi sự tăng trưởng, vui hưởng, biến đổi của chúng ta và cuối cùng là bởi việc chúng ta trở nên một người dịu ngọt và ngát hương. Mọi điều này diễn ra từ sự vận hành của Đức Chúa Trời tam nhất, vì dòng chảy thần thượng này là sự tuôn chảy của chính Đức Chúa Trời tam nhất. Hơn nữa, sự tập trung của dòng chảy này không thể là gì khác hơn Christ, vì Đức Chúa Trời tam nhất tập trung vào Christ. Khi chúng ta nói: “Chúng tôi đang ở trong dòng chảy”, chúng ta thật sự đang nói: “Chúng tôi đang ở trog Christ”.
CÁC TÀI LIỆU VÀ CÁC SỰ THỰC HÀNH CÓ THỂ
GIÚP CHÚNG TA Ở TRONG DÒNG CHẢY,
NHƯNG CHÚNG KHÔNG PHẢI LÀ CHÍNH DÒNG CHẢY
Sự tập trung của dòng chảy thần thượng không phải là một phương cách theo đuổi, một sự thực hành hay việc sử dụng một loại tài liệu thuộc linh nào đó. Những điều như vậy có thể giúp chúng ta kinh nghiệm dòng chảy thần thượng và ở trong dòng chảy. Chúng có thể giúp đem chúng ta đến với dòng chảy thần thượng, nhưng chúng không phải là chính dòng chảy thần thượng.
TRONG KINH THÁNH, THUẬT NGỮ “DÒNG CHẢY”
KHÔNG ĐƯỢC DÙNG ĐỂ MÔ TẢ
SỰ CHUYỂN ĐỘNG TẬP THỂ CỦA CHÚA
Vì dòng chảy thần thượng là một điều gì đó chúng ta kinh nghiệm cách chủ quan nên chúng ta phải cẩn thận về cách chúng ta tuyên bố dòng chảy đang chuyển động. Không có sự dạy dỗ rõ ràng nào trong Kinh Thánh bảo chúng ta phải nỗ lực để tìm ra dòng chảy. Các tín đồ khác là người cũng có dòng chảy của Linh phun lên bên trong họ, cũng có thể dùng từ “dòng chảy” cách bình đẳng. Trong Kinh Thánh, thuật ngữ này không được dùng để mô tả một phong trào tập thể, đặc biệt.
TUY NHIÊN, THỰC TẠI CỦA DÒNG CHẢY ĐÃ ĐƯỢC
CÁC ĐẦY TỚ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI NHẬN BIẾT
Dù vậy, chúng ta vẫn phải nhận biết rằng một thực tại như vậy có hiện hữu, và những người thuộc linh trải suốt các thời đại đã nhận biết điều đó. Thí dụ, Watchman Nee nói rằng nếu chúng ta sống trong thời của Luther và ao ước ở trong sự chuyển động của Chúa, tất cả chúng ta đều phải đi theo Luther. Tuy nhiên, ngày nay nếu chúng ta nhóm với những người thuộc hội Luther, chúng ta không còn ở trong dòng chảy hiện tại của Chúa nữa, vì trong sự khôi phục của Ngài, Chúa đã chuyển động tiến tới. Anh em ơi, chúng ta đáng phải vui mừng biết bao vì chúng ta ở trong dòng chảy thần thượng trong thời đại này! Làm sao chúng ta biết được điều này? Chúng ta được bảo đảm bởi sự phong phú mà Chúa đã phân phát cho anh Witness Lee của chúng ta. Không phải chúng ta quá đề cao anh em mình; đúng hơn, chúng ta công nhận sự phong phú mà Đức Chúa Trời đã phân phát cho dân Ngài qua đầy tớ Ngài cho thế hệ này. Khi ở trong các sự phong phú này, chúng ta có thể nói: “Chúa ơi, cảm tạ Ngài vì chúng tôi ở trong dòng chảy hiện tại của Ngài trên đất”. Chúng ta thật sự được phước. Ngợi khen Chúa!
DÒNG CHẢY VƯƠN ĐẾN CON NGƯỜI,
NHƯNG CON NGƯỜI KHÔNG TẠO RA DÒNG CHẢY
Là những người ở trong dòng chảy này, chúng ta phải nhận biết một số nguyên tắc trong việc theo sát bản chất của dòng chảy này. Trước hết, chính dòng chảy vươn đến chúng ta; không phải chúng ta vươn đến, tìm thấy hay tạo ra dòng chảy. Chúng ta không thể thiết lập một dòng chảy ngoài nững gì dòng chảy thần thượng đang làm. Có lần, tôi nhìn thấy một người cha với con trai bước đi với nhau, và bước đi của họ gần giống y như nhau. Đối với tôi điều đó mô tả cách dòng chảy vận hành. Cả hai người đều bước đi như vậy là do họ thuộc cùng một dòng chảy. Họ không cần bắt chước nhau. Người này không phải áp đặt cách đi của mình cho người kia. Nếu tất cả chúng ta đều dự phần vào một dòng chảy này thì dòng chảy sẽ tự phát được biểu lộ trong chúng ta. Chúng ta sẽ không cần nỗ lực sản xuất ra dòng chảy.
Chúng ta có một bài hát: “Chúng ta đã nhìn thấy một con sông tuôn chảy, và chúng ta đã nhảy ngay vào”. Tuy nhiên, trong thực tế, dòng sông vươn đến chúng ta va cuốn chúng ta đi. Không phải chúng ta tìm ra và nhảy vào. Khi dòng chẩy đến với chúng ta, chúng ta trở nên một phần của dòng chảy. Có thể đối với cảm nhận của một người, người ấy đã nhảy vào, nhưng thực tế, dòng chảy đã vươn đến người ấy. Nếu dòng chảy chưa đến thì sẽ không có chuyện “nhảy vào”.
DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG THỰC HIỆN
CÔNG TÁC THẦN THƯỢNG
Một người ở trong dòng chảy thì yên nghỉ và hòa bình, vì người ấy nhận thức rằng dòng chảy sẽ làm công tác nếu người ấy không làm gì khác ngoài việc để cho dòng chảy cuốn mình đi. Dòng chảy đến nơi nào thì đến. Những người lao tác với Chúa phải hiểu nguyên tắc này của dòng chảy thần thượng.
NHỮNG NGƯỜI Ở TRONG DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG CÓ KHẢ NĂNG ĐEM NGƯỜI KHÁC VÀO TRONG ĐÓ
Nếu ở trong dòng chảy thần thượng, chúng ta sẽ có khả năng đem người khác vào trong dòng chảy thần thượng. Đây là sự lao tác của một người thuộc linh: người ấy đem người khác đến chỗ vui hưởng những gì mình vui hưởng. Nguyện Chúa có được một sự lao tác như vậy từ tất cả chúng ta, và nguyện tất cả thánh đồ được đem vào trong thực tại của sự tuôn chảy của dòng chảy thần thượng để biểu lộ Christ như thân vị dịu ngọt và ngát hương của họ trong nếp sống hội thánh!