Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

E-va, hình ảnh của Hội Thánh


ngayba0



(Sáng Thế Ký 2:18‐24)

Tối nay chúng con xin dâng lòng mình cho Chúa. Chúng con làm tâm linh mình trở nên trống rỗng để chúng con có thể nhận khải thị mới của Chúa. Chúa Jesus ơi, xin bày tỏ cho chúng con về Hội Thánh. Amen!

A. A-đam und E-va tượng trưng cho Đấng Christ và Hội Thánh

(Sáng Thế Ký 2:24; Ê-phê-sô 5:31-32)

Sau buổi nhóm sáng nay, anh em có hạnh phúc vì chúng ta là con người, được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời để biểu lộ Ngài không? Thật là tuyệt vời vì chúng ta là người. Chúng ta không chỉ là người mà còn là những người đã được cứu rỗi. Chúa muốn dùng chúng ta, những người đang sống trong thời đại này, để hoàn tất chương trình của Ngài. Loài người tồn tại để biểu lộ Đức Chúa Trời. Đó là ý định của Đức Chúa Trời khi tạo ra A-đam. Nhưng tiếc là A-đam đã bị sa ngã. Điều này không chỉ làm tội lỗi chui vào trong con người mà còn làm cho con người đánh mất sự ấn định của mình. Vì thế, Rô-ma 3:23 nói rằng “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Con người được tạo ra cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhưng bởi sự sa ngã, con người không biểu lộ Đức Chúa Trời được nữa. Câu chuyện của A-đam không liên quan nhiều đến việc con người được tạo thành như thế nào, mà qua đó Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta thấy Đấng Christ. Rô-ma 5:14 cho biết điều này “Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến”. A-đam chính là hình bóng của Đấng phải đến, đó là Đấng Christ. Ngợi khen Chúa vì Đấng Christ chính là A-đam thật! Như vậy, A-đam tuy được tạo nên cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời nhưng đã bị sa ngã. Vì thế, Jesus Christ đã đến để phục hồi lại sự ấn định này. Bây giờ, chúng ta có thể hiểu Cô-lô-se 1:27 “Đấng Christ trong anh em, niềm hy vọng của sự vinh hiển” tốt hơn, vì bây giờ nhờ Đấng Christ, chúng ta có một con đường để biểu lộ Đức Chúa Trời. Chúa không chỉ ban sự sống của Ngài cho chúng ta mà chúng ta nhờ Ngài mà chúng ta có thể quay trở lại với sự ấn định này.

Sáng Thế Ký 1:27 nói “...Ngài dựng nên người nam và người nữ”. Trong chương 2, chúng ta thấy rõ hơn cách Đức Chúa Trời tạo ra con người: Đức Chúa Trời không chỉ tạo ra A-đam, mà từ A-đam, Đức Chúa Trời tạo ra một người nữ, là E-va. Ngài không tạo E-va như đã tạo ra A-đam mà Ngài đã xây dựng E-va. E-va này đã được xây dựng từ A-đam như là một người tương xứng cho Đức Chúa Trời. Khi đọc Sáng Thế Ký 2, chúng ta phải đọc thêm Ê-phê-sô 5 vì hai đoạn này thuộc về nhau. Trong Ê-phê-sô 5, Phao-lô nói đến Đấng Christ và Hội Thánh. Mặc dù ông nói đến chồng và vợ, nhưng ông liên hệ đến Đấng Christ và Hội Thánh. “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Ðấng Christ đã yêu thương Hội Thánh...” (Ê-phê-sô 5:25). Sau đó trong câu 31, ông nói “Vì lý do đó, người nam phải lìa cha mẹ để kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt”. Đức Chúa Trời cũng nói chính xác như vậy trong Sáng Thế Ký 2:24. Câu 32 rất quan trọng vì Phao-lô giải thích Sáng Thế Ký 2 nói đến điều gì: “Điều huyền nhiệm này là vĩ đại, nhưng tôi nói đến Đấng Christ và Hội Thánh”. Chúng ta cần khải thị để thấy A-đam và E-va là hình ảnh của Đấng Christ và Hội Thánh. Cũng như A-đam là hình ảnh của Đấng Christ, thì E-va, được dựng nên từ A-đam, là hình ảnh cho Hội Thánh. Ở đây, Phao-lô nói “Điều huyền nhiệm này là vĩ đại”. Kinh Thánh có một số điều huyền nhiệm là những điều mà Chúa phải bày tỏ thì chúng ta mới thấy được. Ví dụ, Đấng Christ là điều huyền nhiệm của các thời đại (Cô-lô-se 1:26) và cũng là điều huyền nhiệm của Đức Chúa Trời. Vì Đấng Christ là điều huyền nhiệm, nên anh em cần nhận được khải thị để thấy được Chúa khi đọc Kinh Thánh. Nhưng điều huyền nhiệm trong Ê-phê-sô 5 là một điều huyền nhiệm vĩ đại. Có nghĩa thấy được Hội Thánh là một bước tiếp theo. Chúng ta phải thấy rằng mặc dù Đấng Christ thật giàu có, nhưng Đức Chúa Trời vẫn còn một điều cao hơn và giàu hơn, đó là Hội Thánh. Xin Chúa bày tỏ điều huyền nhiệm này cho chúng ta.

Chúng tôi không muốn giải thích từng điểm về Hội Thánh, mà gánh nặng của chúng tôi là anh em chạm được lòng của Chúa, để anh em nhận được khải thị về Hội Thánh từ Chúa. Đó cũng là cách mà Phao-lô thấy được điều huyền nhiệm này. Ông nói trong Ê-phê-sô 3:2-3 “chắc anh em đã nghe về chức quản gia của ân điển Đức Chúa Trời đã được ủy thác cho tôi vì anh em, bởi sự khải thị mà tôi được bày tỏ điều huyền nhiệm, như tôi vừa viết vắn tắt ở trên”. Chúng ta đừng nghĩ rằng Phao-lô thấy những điều đó vì ông giỏi và có năng lực. Không phải vậy, mà bởi khải thị mà Phao-lô được biết điều huyền nhiệm. Điều này rất tốt cho chúng ta, vì tất cả chúng ta cũng có thể nhận được khải thị. Chúng ta nên xin Chúa: “Chúa ơi, xin bày tỏ cho con thấy điều huyền nhiệm này. Xin ban cho con khải thị về Hội Thánh”. Sáng nay, khi nghe nói đến câu Ma-thi-ơ 16:18, một anh em đã không mở Kinh Thánh ra vì nghĩ mình đã biết câu đó rồi. Chúa đã chạm lòng anh em này, nên anh đã ăn năn và thưa với Chúa: “Có lẽ con đã biết nhiều điều, nhưng xin Chúa cho con thấy Hội Thánh một cách mới mẻ”. Tuy chúng ta đã nghe và biết nhiều về Hội Thánh, nhưng nếu việc xây dựng Hội Thánh không nóng cháy trong tim chúng ta, thì chúng ta có thể quên đi tất cả. Thà chúng ta chưa từng biết gì về Hội Thánh thì còn tốt hơn. Vì khi Chúa sẽ trở lại vào một ngày nào đó, Ngài sẽ phán với chúng ta: “Con đã biết tất cả về Hội Thánh nhưng con đã không làm. Lòng của con đã không nóng cháy vì Hội Thánh”. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa bày tỏ Hội Thánh cho chúng ta một cách mới mẻ. Rồi Phao-lô nói tiếp “Khi anh em đọc, anh em có thể nhận ra sự hiểu biết của tôi về điều nhiệm nhiệm của Đấng Christ, là điều huyền nhiệm chưa từng được bày tỏ cho con cái loài người trong các thế hệ trước, nhưng nay đã được khải thị trong tâm linh cho các sứ đồ thánh và tiên tri của Ngài” (câu 4,5). Điều huyền nhiệm này chưa từng được bày tỏ cho các thế hệ trước. Ông nhấn mạnh nhiều lần rằng anh em chỉ có thể thấy được điều huyền nhiệm này nhờ vào khải thị ở trong tâm linh. Ngợi khen Chúa vì chúng ta có tâm linh. Chúng ta có thể xin Chúa và đòi hỏi Ngài rằng “Chúa Jesus ơi, con có tâm linh. Xin hãy bày tỏ cho con!”.

B. Hội Thánh là người tương xứng và người giúp đỡ cho Đấng Christ

(Sáng Thế Ký 2:18, Khải Huyền 21:3, 1.Ti-mô-thê 3:15)
Có một thời kỳ mà điều huyền nhiệm này bị ẩn giấu. Khi đọc trong Cựu Ước, anh em có thể thấy rằng Hội Thánh mà chúng ta biết không được bày tỏ rõ ràng. Anh em có thể thấy nhiều về Đấng Christ nhưng Hội Thánh thực sự bị ẩn giấu. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã ám chỉ về Hội Thánh ở nhiều chỗ trong Cựu Ước. Chúng ta có thể thấy điều này qua các công trình xây dựng mà Đức Chúa Trời đã định. Tại sao Đức Chúa Trời luôn muốn xây một cái gì đó trong Cựu Ước? Trong Sáng Thế Ký 2, Ngài đã dựng nên E-va. Và bởi Nô-ê, Đức Chúa Trời đã xây dựng con thuyền. Con thuyền thì lớn hơn E-va. Kế đó thì có lều tạm, là điều mà Đức Chúa Trời muốn dân Ngài làm cho Ngài. Sau đó lâu hơn thì có đền thờ. Chúng ta có thể thấy những công trình này ngày càng vinh hiển hơn. Tất cả đều có cùng một mục đích: Đức Chúa Trời muốn sống ở giữa dân Ngài.

Chúng ta có thể thấy được điều này ở E-va qua lời nói của Ngài trong Sáng Thế Ký 2:18 “CHÚA Đức Chúa Trời phán rằng: Con người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm nên một người giúp đỡ tương xứng với nó”. Chúa muốn có một người tương xứng với mình. Chúa đã không tạo nên con người để con người làm cái gì đó ở trên trái đất, mà Ngài muốn ở gần con người. Ngài luôn muốn sống ở giữa dân của mình. Vì vậy, chúng ta luôn thấy Chúa phán trong Cựu Ước “Hãy xây cho Ta lều tạm... hãy xây đền thờ cho Ta”. Sau khi những công trình này vừa được hoàn tất thì Chúa luôn làm gì? Sự vinh hiển của Ngài đi vào bên trong. Qua đó, chúng ta thấy được lòng của Đức Chúa Trời. Ngài đã không tạo ra chúng ta rồi đặt chúng ta một mình trong thế giới mà Ngài muốn ở gần chúng ta, muốn có sự tương giao với con người. Chúng ta cần phải chạm được lòng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có một sự khao khát như thế. Có lẽ chúng ta tự hỏi rằng “Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, trọn vẹn và hoàn hảo. Ngài còn thiếu gì nữa?” Thật ra có một điều mà Ngài thiếu: Ngài luôn muốn gần gũi loài người, muốn có một sự tương giao với con người. Điều này đã được ẩn giấu trong Cựu Ước, nhưng hiện nay đã được bày tỏ trong tâm linh cho các sứ đồ thánh và các tiên tri. Ê-phê-sô 3:9-10 nói rằng “và mang ra ánh sáng sự quản gia của điều huyền nhiệm, đã được giấu kín từ cõi đời đời trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật, để giờ đây, nhờ Hội Thánh, sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Đức Chúa Trời được bày tỏ cho các quyền và các thế lực ở trong các tầng trời”. Toàn bộ sự phục vụ của Phao-lô nhằm mục đích để bày tỏ điều huyền nhiệm này, để mang nó ra ánh sáng. Ngợi khen Chúa! Ánh sáng này dùng để làm gì? Dùng để bày tỏ điều huyền nhiệm. Câu 9 nói rõ rằng điều huyền nhiệm này được giấu kín từ cõi đời đời trong Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã lập kế hoạch cho Hội Thánh trước khi Ngài làm tất cả mọi điều. Chúng ta đã biết rằng chúng ta được chọn trước khi sáng thế. Bây giờ, chúng ta phải nhận ra rằng Đức Chúa Trời không chọn chúng ta như từng cá nhân riêng lẻ mà chọn chúng ta là Hội Thánh của Ngài. Hội Thánh đã được Đức Chúa Trời định sẵn từ cõi đời đời. Nhiều câu trong sách Tân Ước cho biết nhà của Đức Chúa Trời trong thời đại của giao ước mới chính là Hội Thánh. Hội Thánh là điều mà Đức Chúa Trời muốn có. Hình ảnh A-đam và E-va cũng nói lên điều này.

C. Mối quan hệ tình yêu giữa Đấng Christ và Hội Thánh

(Ê-phê-sô 5:25; Ma-thi-ơ 22:36-38; Sáng Thế Ký 2:18; Khải Huyền 19:7-9; 21:2; 2:4)
Thứ tự các sách và chương trong Kinh Thánh cũng nói lên được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Trong hai chương đầu tiên của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời bày tỏ A-đam và E-va, còn qua hai chương cuối cùng, Ngài bày tỏ Đấng Christ và cô dâu của Đấng Christ. Như thế, Kinh Thánh bắt đầu với Đấng Christ và Hội Thánh và cũng kết thúc bằng Đấng Christ và Hội Thánh. Chúng ta hãy đọc Khải Huyền 21:2 “và tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem Mới, từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sẵn sàng như một cô dâu trang điểm cho chồng mình”. Ở đây Giăng cũng thấy một khải thị, đó là thành thánh, Giê-ru-sa-lem Mới, từ nơi Đức Chúa Trời xuống. Qua Hê-bơ-rơ 12:22, chúng ta biết được ngày nay thành Giê-ru-sa-lem Mới này chính là Hội Thánh. Hội Thánh không chỉ là nhà mà còn là thành của Đức Chúa Trời hằng sống và cũng là Giê-ru-sa-lem thuộc trời. Thành Giê-ru-sa-lem trong Cựu Ước cũng chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho Hội Thánh. Chúng ta phải chạm được lòng của Đức Chúa Trời, thấy được Hội Thánh đối với Ngài quan trọng như thế nào qua cụm từ “sẵn sàng như một cô dâu trang điểm cho chồng mình”. “Một trong bảy thiên sứ có bảy bát đựng đầy bảy tai họa cuối cùng, đến gần tôi, bảo rằng: Hãy đến, ta muốn chỉ cho ngươi thấy cô dâu, là vợ của Chiên Con. Và thiên sứ đó mang tôi trong tâm linh đến trên một ngọn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, từ Đức Chúa Trời, hạ xuống, thành có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời...” (câu 9-11). Câu 9 thật tuyệt! Thiên sứ nói: “hãy đến, ta muốn chỉ cho ngươi thấy cô dâu, vợ của Chiên Con”. Ở đây, chúng ta có thể thấy Hội Thánh thực sự là cô dâu của Chúa. Vì thế Chúa đã dùng hình ảnh A-đam và E-va để ám chỉ Đấng Christ và Hội Thánh.

Vào ngày thứ tư, Chúa đã bày tỏ Hội Thánh qua hình ảnh mặt trăng. Mặt trăng này thật tuyệt, vì nó tỏa sáng trong bóng tối. Đây là là một chức năng của Hội Thánh: Hội Thánh tỏa sáng trong thời kỳ đen tối hiện nay. Tuy nhiên, mặt trăng chỉ là một hình ảnh bị hạn chế cho Hội Thánh, vì mặt trăng chỉ là vật thể chết, chỉ tỏa sáng nhưng không sống động. Trong Sáng Thế Ký 2, Đức Chúa Trời lại bày tỏ tiếp về Hội Thánh. Việc Đức Chúa Trời đã bày tỏ Hội Thánh hai lần trong công trình phục hồi sáu ngày cho thấy Hội Thánh đối với Đức Chúa Trời quan trọng như thế nào. Trong lần thứ hai, Đức Chúa Trời bày tỏ Hội Thánh một cách phong phú hơn: Hội Thánh là người tương xứng với Đấng Christ. Vào cuối Kinh Thánh, Hội Thánh được bày tỏ là cô dâu của Đấng Christ. Ngợi khen Chúa! Một cô dâu dâu thì rất đặc biệt và sống động. Hình ảnh cô dâu nói lên mối quan hệ tình yêu. Nếu một người kết hôn thì anh ta sẽ chờ đợi điều gì từ cô dâu của mình? Điều quan trọng nhất ở đây là cô dâu yêu chú rể và chú rể yêu cô dâu. Hội Thánh không chỉ là một thân thể với một số chức năng nào đó mà Hội Thánh phải vinh hiển và tương xứng với Đấng Christ. Hội Thánh là một điều gì đó có mối quan hệ tình yêu với Đấng Christ. Điều huyền nhiệm vĩ đại trong Ê-phê-sô 5 đã được làm sáng tỏ trong Khải Huyền 21: Đấng Christ và cô dâu.

Vào cuối Kinh Thánh, điều quý báu nhất mà Đức Chúa Trời muốn bày tỏ là gì? Nếu chúng ta viết Kinh Thánh, chúng ta sẽ phải suy nghĩ xem mình sẽ bày tỏ điều gì trong phần kết. Chắc chắn chúng ta sẽ bày tỏ những gì quý nhất. Đối với Đức Chúa Trời cũng vậy. Trong phần kết, Đức Chúa Trời bày tỏ điều có ý nghĩa nhất đối với Ngài: đó là cô dâu. Trong câu 9 “hãy đến, ta muốn chỉ cho ngươi thấy cô dâu, vợ của Chiên Con” có ẩn chứa sự hãnh diện của Đức Chúa Trời. Ngài giới thiệu cô dâu của mình, là cô dâu đã chuẩn bị xong và từ trời hạ xuống. Đây là điều mà lòng Đức Chúa Trời mong muốn. Tiếc rằng ngày nay, tôn giáo đã làm đảo lộn mọi thứ. Đa số Cơ Đốc nhân đều tin rằng một lúc nào đó sẽ lên trời. Nhưng ở đây ghi rõ rằng thành thánh Giê-ru-sa-lem, là cô dâu, từ trên trời, từ Đức Chúa Trời, hạ xuống trái đất. Tuy nhiên, cô dâu đã được chuẩn bị sẵn trước đó ở trên trời rồi. Nhiều Cơ Đốc nhân sống trên trái đất này một cách trần tục rồi nghĩ một lúc nào đó sẽ lên trời. Trái lại, ngày nay cô dâu đang được chuẩn bị ở trên trời và sẽ xuống trái đất. Chúng ta phải thấy rõ rằng cô dâu đến từ trời, từ Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Hội Thánh được xây dựng một cách thực tiễn trên trái đất. Nhưng hiện thực thuộc linh là Hội Thánh được chuẩn bị ở trên trời. Chính vì vậy, chúng ta phải sống theo trời, sống bằng tâm linh chứ không sống theo thế giới.

Chúng ta phải biết xúc động khi đọc Sáng Thế Ký 2:18 “CHÚA Đức Chúa Trời phán rằng: Con người ở một mình thì không tốt”. Trong chương 1, Đức Chúa Trời luôn nói “điều đó là tốt”. Sau khi đã làm xong tất cả, Ngài nhìn lại mọi việc mình đã làm và thấy nó rất tốt. Tuy nhiên, trong chương 2 lại có chỗ Đức Chúa Trời nói rằng “nó không tốt”, nghĩa là còn thiếu một điều gì đó. Người ở một mình ở đây là A-đam, là Đấng Christ. Có nghĩa là Đấng Christ một mình thì không tốt. Điều này không đáng ngạc nhiên sao? Sau khi thấy được Chúa chúng ta giàu có như thế nào thì chúng ta có nghĩ như vậy không? Sự giàu có của Ngài là không thể dò thấu được và Ngài là tất cả đối với chúng ta. Qua các lễ vật, chúng ta thấy Ngài đã chuẩn bị sẵn cho mọi nhu cầu của chúng ta. Ngài thật trọn vẹn. Ở đây Đức Chúa Trời nói là “Đấng Christ ở một mình thì không tốt. Ta muốn làm cho Đấng Christ một người giúp đỡ tương xứng”. Nhiều tín đồ nói họ chỉ sống vì Đấng Christ thôi. Nghe có lý và có vẻ rất thuộc linh. Nhưng Đức Chúa Trời nói rằng “Không tốt! Chỉ có mình Đấng Christ thì không tốt mà cần phải có E-va, nghĩa là phải có Hội Thánh”. Vì thế, câu Kinh Thánh này rất quý vì nó cho chúng ta thấy rằng đối với Đức Chúa Trời, chỉ mình Đấng Christ thì không đủ tốt. Ngài muốn có Hội Thánh. Trong công trình sáu ngày này, Đấng Christ và Hội Thánh chính là tột đỉnh của công trình Đức Chúa Trời. E-va chính là điều mà Đức Chúa Trời tạo ra cuối cùng. Sau đó, Ngài yên nghỉ vì mọi thứ đều hoàn tất và Đức Chúa Trời thỏa lòng hoàn toàn. Nhưng bây giờ Đức Chúa Trời không thỏa lòng vì ngày nay vẫn còn việc để làm, đó là xây dựng Hội Thánh. Thời đại này sẽ chấm dứt khi Hội Thánh được xây dựng xong.

Ngoài ra, Si-ôn cũng là một hình ảnh của Hội Thánh cũng như E-va là hình ảnh của Hội Thánh. Như vậy câu Thi thiên 102:16 cũng có thể chuyển thành “Khi CHÚA xây dựng xong E-va (đổi chữ Si-ôn thành E-va), Ngài sẽ hiện ra trong sự vinh hiển của Ngài”. Đức Chúa Trời muốn chấm dứt thời đại đen tối này, nhưng nó có một điều kiện là Hội Thánh (Si-ôn, E-va) phải được xây dựng xong. Khải Huyền 21 cũng nói là nếu cô dâu được chuẩn bị xong thì nàng sẽ xuống trái đất. Hình ảnh cô dâu này cho thấy một mặt chúng ta xây dựng Hội Thánh, mặt khác nó cũng là một sự chuẩn bị như sự chuẩn bị của cô dâu. Cô dâu từ trên trời xuống khi nàng được chuẩn bị xong. Đây là một việc vĩ đại! Chúa phải thức tỉnh tâm linh chúng ta để lòng chúng ta nóng cháy. Điều mà chúng ta làm ngày nay trong Hội Thánh là điều lớn nhất trong vũ trụ. Nếu Chúa mở mắt chúng ta, chúng ta sẽ vui mừng hân hoan vì Hội Thánh và lúc đó chúng ta không cần ai giải thích cho chúng ta biết tại sao Hội Thánh đúng.

Nếu chỉ thấy Hội Thánh qua vẻ bề ngoài, đặc biệt là các Hội Thánh nhỏ, chúng ta sẽ nghĩ Hội Thánh không có gì đặc biệt. Lý do ở đây là chúng ta cần khải thị về Hội Thánh. Nếu Chúa cho chúng ta thấy Hội Thánh là gì và chúng ta chạm được lòng của Chúa, chúng ta sẽ nóng cháy vì Hội Thánh. Lúc đó, Hội Thánh sẽ định hướng cuộc đời của chúng ta, làm cuộc sống chúng ta thay đổi. Hội Thánh là điều quý nhất trong lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta được Chúa chọn vì Hội Thánh. Một số anh em khi mới đến Hội Thánh, đã nếm được mùi vị gì đó, đã chạm được Chúa nên quyết định ở lại. Có lẽ anh em nghĩ mình đã chọn Hội Thánh. Nhưng tôi muốn nói với anh em rằng đó không phải là sự lựa chọn của chúng ta mà Chúa đã chọn chúng ta cho Hội Thánh. Ngợi khen Chúa! Chúa đã tạo nên chúng ta không chỉ để chúng ta biểu lộ Đấng Christ hay chỉ là một hình ảnh của Đức Chúa Trời mà chúng ta được tạo nên cho Hội Thánh. Chúng ta có ý thức được như vậy không? Khi đi nhóm, chúng ta chỉ nghĩ mình đi nhóm thôi hay chúng ta đi với ý thức là chúng ta đang ở trong trung tâm của vũ trụ, là trọng tâm của chương trình Đức Chúa Trời. Anh em ơi, nếu anh em thấy được như vậy thì chúng ta sẽ không muốn đi bất cứ nơi nào khác. Anh em sẽ không có vấn đề gì với sự lôi cuốn của thế giới này. Anh em cũng sẽ không có vấn đề gì trong việc dâng mình cho Hội Thánh mà chúng ta sẽ hiến dâng mình hoàn toàn.

D. Xây dựng Hội Thánh vinh hiển

(Ê-phê-sô 5:27; 1.Cô-rinh-tô 12:7-27; 14:26; Ê-phê-sô 4:7-16; 1.Tê-sa-lô-ni-ca 5:11; 1.Phi-e-rơ 4:10-11)

Những người ít ỏi chúng ta cũng không có khả năng gì đặc biệt, nhưng chúng ta thực sự có một cách để đem Đức Chúa Trời trở lại trái đất này. Ngày nay, nhiều chính trị gia cho rằng họ có nhiều quyền lực và có quyền quyết định những gì xảy ra trên thế giới. Nhưng anh em phải thấy rằng chúng ta đã nhận được quyền năng để trở thành con của Đức Chúa Trời. Đây cũng là một quyền lực theo một nghĩa nào đó, vì thời điểm mà Chúa trở lại là phụ thuộc vào chúng ta. Đây cũng là một trách nhiệm lớn. Hội Thánh không phải là một chuyện nhỏ, chúng ta không được xem nhẹ Hội Thánh. Được ở trong Hội Thánh là một ân điển lớn cho mỗi người chúng ta. Chúng ta phải biết cám ơn Chúa mỗi ngày và dâng cho Chúa một của lễ cảm tạ “Chúa Jesus ơi, cám ơn Chúa vì con được ở trong Hội Thánh! Con ngợi khen Chúa vì Hội Thánh”. Trên trái đất này không có gì lớn hơn Hội Thánh cả. Loài người thì nghĩ rằng Hội Thánh không có ý nghĩa gì, nhưng các quyền và các thế lực, các thiên sứ đang nhìn vào Hội Thánh. Chúng ta chỉ nghĩ mình nhóm lại nhưng họ đang theo dõi xem chúng ta làm gì mỗi ngày. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng sốt sắng, nhưng họ không làm được gì nhiều vì Đức Chúa Trời đã chọn loài người chúng ta xây dựng Hội Thánh. Tôi tin thỉnh thoảng các thiên sứ nghĩ rằng “Tại sao các anh em chậm chạp thế? Tại sao lại chỉ dâng mình có một nửa thôi?”. Chúa đã phán thật nhiều với chúng ta trong hội nghị vì Ngài muốn chinh phục cả trái tim của chúng ta, để chúng ta dâng mình hoàn toàn cho Hội Thánh. Nếu sau hội nghị, lòng chúng ta nóng cháy vì Hội Thánh thì hội nghị cũng đạt được mục đích. Chúng ta cần lửa của Đức Chúa Trời trong lòng để chúng ta không thờ ơ với chương trình của Ngài. Được ở trong Hội Thánh không phải là một điều hiển nhiên đâu.

1. Nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký 2

Sáng Thế Ký 2 cũng nói rằng Đức Chúa Trời chỉ dựng nên một E-va. Đó cũng là một nguyên lý trong toàn bộ Kinh Thánh: Đức Chúa Trời chỉ muốn có một Hội Thánh. Chỉ có một mặt trời và chỉ có một mặt trăng. Các vì sao thì có nhiều, chúng ta đã thấy rằng các vì sao là các tín đồ. Nhưng chỉ có một Hội Thánh. Đức Chúa Trời chỉ tạo ra một E-va. Đối với đa số, đặc biệt là ở Đức, việc một người đàn ông chỉ có một vợ là chuyện rất bình thường, không ai nghi ngờ cả. Nếu tôi nói tôi đi với vợ tôi thì không ai hỏi là “Với người vợ nào?”, vì đó là điều rõ ràng. Ở đây chúng ta thấy một A-đam và một E-va. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời cũng nói rất rõ rằng có một nơi mà Ngài chọn (Thi Thiên 132, Phục Truyền Luật Lệ Ký 12). Mỗi khi dân Do Thái chọn thêm nhiều nơi khác để thờ phượng thì Đức Chúa Trời rất giận dữ. Chúng ta có thể thấy nguyên lý này trong Cựu Ước dù lúc đó Hội Thánh đang bị ẩn giấu. Trong sách Tân Ước, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng chỉ có một Hội Thánh. Chúng ta hãy nhìn vào lẽ thật trong Kinh Thánh, chứ đừng nhìn vào tình hình bây giờ. Nếu anh em nhìn hoàn cảnh bây giờ rồi xem Kinh Thánh thì anh em sẽ bị rối loạn. Nhưng nếu anh em đọc Kinh Thánh với một tấm lòng trong sạch và một tâm linh rõ ràng thì anh em sẽ thấy rõ rằng chỉ có một Đấng Christ và một Hội Thánh. Đó là lý do mà Đức Chúa Trời đã không dựng nên ba E-va cho A-đam rồi bảo A-đam chọn một trong ba mà Ngài chỉ dựng nên một E-va thôi.

Mặc dù có nhiều loài thú và loài chim, nhưng không có gì tương xứng với A-đam cả. Sự đa dạng của các loài thú và loại chim cũng là hình ảnh cho vô số các sự chia rẽ và các hệ phái Cơ Đốc. Loài người đã làm rất nhiều để cố gắng xây dựng Hội Thánh. Ngày nay, nếu anh em nói “chỉ có một Hội Thánh” thì đa số Cơ Đốc nhân không thể hiểu được vì Cơ Đốc giáo đã rất xa vời với nguyên tắc của Đức Chúa Trời là chỉ có một Hội Thánh trong sự hiệp một. Ngày nay có vô số các nhóm, các hệ phái, các hướng khác nhau mà các Cơ Đốc nhân đã bị chia rẽ theo đó. Chúng ta phải rõ rằng Kinh Thánh chỉ chấp nhận một lý do duy nhất để phân tách Hội Thánh: đó là địa phương và mỗi địa phương chỉ có một Hội Thánh. Ngoài ra chúng ta không thể tìm thấy bất kỳ lý do nào khác trong Tân Ước. Ví dụ trong Khải Huyền 1 có bảy thư gửi cho bảy Hội Thánh ở bảy địa phương, và bảy Hội Thánh này là bảy cây đèn vàng. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, việc chỉ có một Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem là điều hoàn toàn bình thường. Chúng ta phải thấy rằng đó là nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh: chỉ có một Hội Thánh. Vì chúng ta không thể tập trung tất cả tại một nơi nên địa phương được dùng làm ranh giới cho Hội Thánh. Trong toàn bộ sách Tân Ước, anh em có thể thấy rằng một địa phương chỉ có một Hội Thánh. Không có địa phương nào có hai Hội Thánh cả. Càng không thể có địa phương nào như Stuttgart đến trên 100 Hội Thánh. Thậm chí các Hội Thánh ở các địa phương khác nhau cũng không bị cách ly với nhau. Trong các thư của Phao-lô, chúng ta thấy có nhiều sự thông công ở giữa các Hội Thánh. Lý do là vì thực ra chỉ có một Hội Thánh, người ta chỉ nhóm lại ở các địa phương khác nhau thôi. Chúng ta không được phép nghĩ rằng vì bây giờ có vô số nhóm khác nhau nên nguyên tắc này của Kinh Thánh không còn đúng với chúng ta nữa. Không phải vậy, ngày nay nó vẫn còn đúng. Chúa chỉ muốn xây dựng một Hội Thánh thôi.

2. Hội Thánh chỉ được xây trong linh (Giăng 4:23-24; 2.Cô-rinh-tô 3:17; 1.Cô-rinh-tô 6:17; Ga-la-ti 5:22-25; Ê-phê-sô 2:22; 1.Phi-e-rơ 2:5)

2000 năm đã qua kể từ khi Chúa bắt đầu xây dựng Hội Thánh, đã có nhiều điều xảy ra đối với Hội Thánh. Chúng ta phải hỏi rằng tại sao Chúa vẫn chưa trở lại? Trong buổi nhóm đầu tiên chúng ta đã nghe rằng Chúa sắp trở lại và nhiều người trong chúng ta có cảm nhận như vậy. Câu hỏi là còn thiếu điều gì? Có phải lý do là có quá ít Cơ Đốc nhân không? Tôi không tin. Ngày nay có hàng triệu Cơ Đốc nhân. 2000 năm qua luôn có các tín đồ, như vậy con số không phải là lý do. Vậy lý do là gì? Những câu trong Sáng Thế Ký 2 rất quan trọng vì chúng cho chúng ta thấy một số nguyên lý để xây dựng E-va để có thể làm Chúa thỏa lòng. Nếu nhìn toàn cảnh hiện nay thì chúng ta phải nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn không hài lòng. Đáng lẽ mục đích tồn tại của E-va là làm Đức Chúa Trời và Đấng Christ thỏa lòng hoàn toàn. Vậy chúng ta còn thiếu gì nữa? Sau A-đam xem vô số loài thú và loài chim thì A-đam không tìm thấy gì tương xứng với mình cả. Ngày nay cũng vậy, nếu chúng ta cho Chúa xem vô số các nhóm và các hệ phái, Chúa sẽ nói như A-đam “Xin lỗi! Ta chẳng tìm được gì tương xứng với Ta cả”. Vậy, Chúa có được người tương xứng này như thế nào?

Câu 21 cho biết câu trả lời “CHÚA Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn của ông, rồi lấp thịt thế vào. Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam”. “CHÚA Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê” là hình ảnh nói đến lúc Chúa Jesus chết vì Hội Thánh trên thập tự giá như Ê-phê-sô 5:25 đã nói. Khi nghĩ đến thập giá, chúng ta chỉ nghĩ đến việc Chúa đã chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Điều đó cũng đúng. Nhưng lý do đích thực là Chúa đã lên thập giá vì Hội Thánh. Ngài yêu Hội Thánh nhiều đến nỗi Ngài đã hy sinh chính mình vì Hội Thánh. Đức Chúa Trời đã dùng đất để tạo ra các con thú, còn lúc tạo E-va Đức Chúa Trời chỉ dùng nguyên liệu xuất phát từ A-đam, đó là cái xương sườn. Cái xương sườn này chính là sự sống được giải phóng bởi sự chết của Chúa. Trong tiếng Hê-bơ-rơ thì từ xương trong câu 23 cũng có nghĩa là “sự sống”. Khi lính La Mã đâm vào sườn của Chúa thì nước và máu chảy ra. Hình ảnh này rất có ý nghĩa. Huyết không chỉ chảy ra để chuộc tội cho chúng ta mà còn có nước chảy ra nữa. Nước này chính là sống mà Chúa đã giải phóng trên thập giá. Sự sống này dùng để làm gì? Sự sống này không chỉ cho riêng chúng ta mà cho Hội Thánh. Cái xương sườn của A-đam tượng trưng cho sự sống của Chúa và cho chất liệu của Ngài. Nguyên liệu để làm E-va hoàn toàn đến từ A-đam. Nếu A-đam là hình ảnh của Đấng Christ thì chất liệu của Đấng Christ là gì? 2.Cô-rinh-tô 3:17 cho biết chất liệu này chính là Thánh Linh: “Chúa là Thánh Linh; Thánh Linh của Chúa ở đâu thì sự tự do cũng ở đó”. Đấng Christ là Thánh Linh đang ở trong tâm linh chúng ta. Chúng ta phải thấy tâm linh chính là nguyên vật liệu để xây dựng E-va, là Hội Thánh. Giăng 4:23-24 cho thấy Đức Chúa Trời dùng gì để xây dựng E-va “Nhưng giờ sắp đến, và nay đã đến rồi, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Cha trong tâm linh và lẽ thật, vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Cha như vậy. Đức Chúa Trời là Thánh Linh, nên ai thờ lạy Ngài thì phải thờ phượng trong tâm linh và lẽ thật”. Ở đây cũng ghi rất rõ là “Đức Chúa Trời là Thánh Linh”. Như E-va chỉ được làm từ A-đam, thì Hội Thánh cũng chỉ được xây dựng bằng Đấng Christ. Anh em không thể xây dựng Hội Thánh bằng nguyên liệu của trái đất được. Nếu chúng ta làm thế thì Chúa sẽ nói “Ta không chấp nhận”. Nếu chúng ta không dùng tâm linh mà dùng tâm hồn và thân thể để xây thì lúc đó chúng ta dùng đất để dựng nên E-va, là Hội Thánh. Ngày nay, Đức Chúa Trời tìm kiếm những người xây dựng Hội Thánh ở trong tâm linh. Câu Kinh Thánh này cũng trả lời cho câu hỏi “Ngày nay Đức Chúa Trời còn thiếu điều gì nữa?”. Ở đây ghi rõ “Cha tìm kiếm những người thờ phượng Cha như vậy”. Mặc dù có hàng triệu Cơ Đốc nhân nhưng Đức Chúa Trời phải tìm kiếm thì có nghĩa là không có nhiều và cũng không phải là chuyện hiển nhiên. Câu hỏi là chúng ta sống trong tâm linh nhiều như thế nào? Nếu chúng ta nhận được sự sống từ Thánh Linh và được Chúa đổ đầy bằng sự sống của Ngài thì chúng ta cũng hãy bước đi bằng tâm linh. Chúng ta phải học để sống và bước đi bằng tâm linh.

Chúng ta phải ý thức rằng Hội Thánh không chỉ được xây dựng khi chúng ta ngồi trong buổi nhóm. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng tôi làm những việc của tôi như đi học, đi làm, xây dựng gia đình của tôi, rồi tôi đi nhóm để xây dựng Hội Thánh. Khi đến buổi nhóm thì nhiều người trong chúng ta biết hướng đến tâm linh và nói với Chúa “Chúa ơi, con xoay đến tâm linh con. Con muốn chạm Chúa ở trong buổi nhóm”. Điều này là tốt, vì trong buổi nhóm chúng ta phải ở trong tâm linh. Nếu anh em dự buổi nhóm mà không ở trong tâm linh mình thì lúc đó anh em dùng đất để xây dựng E-va. Tất cả chúng ta đều thuộc về Hội Thánh nên tất cả chúng ta đều cùng xây. Khi cầu nguyện, làm chứng, ngợi khen hay đề nghị hát một bài hát thì chúng ta nói với Chúa “Chúa Jesus ơi, điều này phải đến từ tâm linh”. Chúng ta đừng chọn một bài hát để Hội Thánh hát trong buổi nhóm chỉ vì chúng ta thích giai điệu của bài đó. Vì như vậy, chúng ta có thể ở trong tâm hồn và thân xác, nghĩa là thuộc về đất. Trước khi làm chứng, anh em nên nói với Chúa “Chúa ơi, con làm chứng chỉ ở trong tâm linh thôi. Trong nhà của Ngài, con không muốn nói một lời nào đó xuất phát từ con”. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng ở một cực khác là giữ im lặng hoàn toàn. Chúng ta có thể xin Chúa cho chúng ta điều gì đó và tin tưởng Ngài. Nếu chúng ta có thái độ là muốn nói ở trong tâm linh thì Chúa sẽ ban gì cho chúng ta. Dù chỉ là một câu Kinh Thánh thôi nhưng cũng không sao. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta phải ở trong tâm linh khi đến với nhau vì E-va chỉ được xây dựng ở trong tâm linh.

Nhưng buổi nhóm không phải là tất cả. Nó sẽ rất nghèo nàn nếu Hội Thánh chỉ được xây dựng trong buổi nhóm vì thời gian chúng ta nhóm lại chưa bằng 1/10 thời gian tuần. Trong thời gian còn lại, chúng ta thường sống cuộc sống riêng. Vì thế, Phao-lô nói trong Ga-la-ti 5:16 là “hãy bước đi bằng tâm linh”. Chúng ta phải sử dụng tâm linh trong mọi lúc, chứ không chỉ ở trong buổi nhóm. Điều kỳ cục là dù tâm linh là phần gần chúng ta nhất, là phân sâu nhất trong và cũng là phần tuyệt vời nhất, nhưng chúng ta lại gần gũi với xác thịt và tâm hồn hơn. Chúng ta biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, thường làm theo cảm xúc và sống theo lý trí. Nhưng chúng ta có tâm linh để chúng ta sống bằng tâm linh. Chúng ta đừng nghĩ rằng những gì mình làm trong cuộc sống cá nhân không liên quan gì đến Hội Thánh. Điều đó không đúng. Cách chúng ta sống bằng tâm linh có ảnh hưởng trực tiếp đến Hội Thánh. Anh em hãy nói với Chúa rằng “Chúa ơi, mọi điều con làm, con muốn làm bằng tâm linh”. Chúng ta có thể làm mọi việc như học hành, làm việc, việc nhà,.. cùng với Chúa. Anh em đừng nghĩ rằng các buổi nhóm và đời sống cá nhân là hai việc tách biệt, và anh em phải không ý thức bước đi bằng tâm linh trong mọi việc. Đó chính là điều còn thiếu để E-va được xây dựng xong. Chúa cần những người biết bước đi bằng tâm linh trong mọi lúc. Khi thức dậy, anh em hãy nói với Chúa rằng “Chúa Jesus, hôm nay con muốn bước đi bằng tâm linh”. Trên đường đi học hay đi làm, anh em hãy tập thói quen nói với Chúa rằng “Chúa Jesus! Con bước đi bằng tâm linh”. Điều này rất có liên quan đến Hội Thánh. Nếu trong đời sống thường ngày, anh em không tập để bước đi bằng tâm linh thì làm sao trong buổi nhóm hay phục vụ trong Hội Thánh, anh em có thể đầy dẫy Thánh Linh và sự sống được. Vì vậy, chúng ta cần nhiều dịp trong đời sống để luyện tập tâm linh. Đó là lý do mà chúng ta có tâm linh.

Còn trong cuộc sống gia đình thì sao? Chúng ta thường có kinh nghiệm sau: khi thông công trong với các anh em, chúng ta ở trong tâm linh, như khi về nhà thì đột nhiên chúng ta lại ở trong cái tôi của mình. Lý do là không ai gần gũi với xác thịt của anh em bằng chính gia đình. Vì cả cuộc đời, chúng ta đã biết họ theo xác thịt. Cho nên chúng ta cần 2.Cô-rinh-tô 5:16 “Bởi đó, từ này về sau, chúng tôi không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa”. Đối với gia đình chúng ta cũng vậy. Khi ở trong gia đình, anh em có thể nói với Chúa “Chúa Jesus! Con không theo xác thịt mà nhận biết mẹ con nữa”. Ngợi khen Chúa! Nếu chúng ta làm như vậy, Chúa sẽ tác động một các mới mẻ. Anh em hãy nói với Chúa “Chúa ơi, con muốn đối xử với ba mẹ bằng tâm linh”. Trong gia đình, anh em hãy bước đi bằng tâm linh vì gia đình cũng thuộc về Hội Thánh. Nếu chúng ta không được xây dựng trong gia đình, thì việc xây dựng trong Hội Thánh cũng khó khăn. Chúng ta đừng tách biệt gia đình với Hội Thánh. Nếu chúng ta không chịu học để bước đi bằng tâm linh, thì bảo đảm chúng ta sẽ không thể xây dựng hoàn tất Hội Thánh được. Vì Đức Chúa Trời tìm kiếm những người thờ phượng trong tâm linh và Ngài đang chờ đợi.

3. Trong sự hiệp một của tất cả các thánh đồ (Thi Thiên 133; Mác 10:1-9; Giăng 17:20-23; 1.Cô-rinh-tô 1:10; Ê-phê-sô 2:14-22; 4:3-6)

Anh em có biết tại sao bây giờ có quá nhiều sự chia rẽ không? Bởi vì Cơ Đốc nhân chúng ta quen sống theo xác thịt. Nếu người ta không hợp với những người khác trong nhóm thì người ta lập nên một nhóm mới. Thực vậy, lịch sử của giáo hội cho biết sự phân rẽ đến từ xác thịt: có nhiều sự dạy dỗ khác nhau, người ta chạy theo những người lãnh đạo khác nhau,.. Sau 2000 năm mà Chúa vẫn chưa có E-va là bởi vì cho đến bây giờ vẫn chưa có một nhóm người nào tuyệt đối dùng tâm linh để xây dựng Hội Thánh. Mỗi ngày, anh em hãy nói với Chúa “Chúa Jesus! Xin dạy con bước đi bằng tâm linh”. Anh em cũng đừng hỏi người khác về cách để bước đi trong tâm linh là như thế nào, vì người thầy tốt nhất đang ở trong mỗi người chúng ta. Anh em hãy đến với Chúa và thưa rằng “Chúa ơi! Chúa là Thánh Linh, Chúa đang sống trong con! Xin hãy dạy con bước đi bằng tâm linh”. Chắc chắn Chúa sẽ chỉ anh em. Ngoài ra cũng có một số điều giúp chúng ta bước đi trong tâm linh như nguồn cung cấp lương thực, mỗi ngày anh em hãy ăn Chúa và thưởng thức Lời Ngài, gọi tên của Chúa. Chúa đã ban cho chúng ta nhiều cách để làm vững mạnh tâm linh. Ngay sau khi Phao-lô bày tỏ về điều huyền nhiệm của Hội Thánh, ông đã cầu nguyện trong Ê-phê-sô 3:16 “tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có của vinh hiển Ngài, nhờ vào quyền năng của Thánh Linh, làm cho con người bề trong của anh em được mạnh mẽ”. Đó là điều chúng ta cần. Chúng ta hãy xin Chúa làm cho con người bề trong của mình được mạnh mẽ. Khi cảm thấy mình yếu đuối, hãy nói với Chúa “Chúa ơi, xin làm mạnh mẽ tâm linh con”. Chúng ta có thể gọi tên Chúa. Hãy gọi tên Chúa thật nhiều như có thể. Như vậy tâm linh của anh em sẽ được thêm sức. Khi anh em một mình trong chỗ làm, chỗ học, hay trong gia đình thì hãy gọi tên Chúa. Tất cả chúng tôi có thể làm chứng rằng đó là một cách nhanh chóng để bước vào trong tâm linh và để cho tâm linh được thêm sức. Anh em cũng có thể lấy vài câu Kinh Thánh để ăn. Hoặc anh em tìm kiếm sự thông công với các thánh đồ khác. Bước đi bằng tâm lình chính là gánh nặng của chúng ta trong buổi nhóm tối nay. Tất cả những điểm khác cần chia sẻ về Hội Thánh thì Chúa sẽ chỉ cho anh em khi anh em học bước đi bằng tâm linh.

Sự hiệp một rất quan trọng, nhưng sự hiệp một chỉ có ở trong linh. Ở trong xác thịt thì luôn có sự chia rẽ. Nếu chúng ta đối xử với nhau bằng xác thịt thì sớm hay muộn sẽ có chia rẽ. Vậy chúng ta hãy tập đối xử với nhau bằng tâm linh. Người ta có thể nói nhiều điều về sự hiệp một, nhưng sự hiệp một chỉ có bởi linh thôi. Anh em có thể đọc thêm những câu Kinh Thánh về sự hiệp một ở trong phần dàn ý. Trong đó, Giăng 17 rất quan trọng. Chúa cầu nguyện rằng “Và con không cầu xin cho mình họ, mà cũng cho những người nghe lời họ mà tin đến Con , để cho tất cả họ là một...” (Giăng 17:20-21). Giăng 17 là lời cầu nguyện của Chúa trước khi bị bắt và đóng đinh. Qua đó, chúng ta có thể thấy điều nào là quan trọng nhất trong lòng của Chúa. Đó là sự hiệp một của các tín đồ. Chúa không chỉ cầu nguyện nhiều cho các môn đồ lúc đó mà còn cho tất cả các tín đồ để tất cả hiệp một. Sự hiệp một này như thế nào? “...như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến” (câu 21). “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ được hoàn tất trong sự hiệp một...” (câu 23). Ở đây có từ “hoàn tất”. Chúa sẽ hoàn tất E-va như thế nào? Khi tất cả chúng ta được xây dựng trong linh vào trong sự hiệp một này. “Như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha”. Sự hiệp một này thật tuyệt. Chúa luôn hiệp một với Cha. Khi anh em thấy Chúa, anh em cũng thấy Cha. Chúa cũng luôn làm việc của Cha và Cha được vinh hiển qua Ngài. Đấng Christ và Cha luôn là một. Chúa cũng cầu xin cho sự hiệp một này cũng là sự hiệp một của chúng ta. Sự hiệp một này vĩ đại. Nó cho chúng ta thấy rằng sự hiệp một này không phải do chúng ta có cùng sở thích, hiểu nhau tốt, hay có cùng suy nghĩ, mà sự hiệp một này là sự hiệp một toàn vẹn ở trong linh. “Để cho họ cũng ở trong chúng ta” có nghĩa là anh em và anh em khác cũng phải ở trong Chúa để kinh nghiệm sự hiệp một này. Cách duy nhất để kinh nghiệm sự hiệp một là chúng ta sống trong tâm linh và đối xử với nhau bằng tâm linh. Qua đó “thế gian sẽ tin”. Chứng cớ của Hội Thánh chính là bằng chứng của sự hiệp một. Nhiều người đã làm chứng như vậy khi họ đến Hội Thánh, sau thời gian dài tìm kiếm sự hiệp một. Trong Hội Thánh họ đã tìm thấy được sự hiệp một mà họ đã không thể thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Sự hiệp một này thật quý giá. Trong Ê-phê-sô 4:3-6 , Chúa đã chuẩn bị tất cả để chúng ta có thể hoàn toàn hiệp một. Nhưng anh em phải sống bằng tâm linh. Chúng ta hãy xin Chúa mang chúng ta đến sự hiệp một trọn vẹn “Chúa ơi, con muốn hoàn toàn hiệp một với tất cả anh em ở địa phương con”.

Ở cuối Kinh Thánh, chúng ta thấy Thánh Linh và cô dâu hoàn toàn hiệp một. Cô dâu đã thực sự chuẩn bị xong ở trong linh, đã học hiệp một với Chúa. Thật là tuyệt vời! “Thánh Linh và cô dâu nói: Hãy đến” (Khải Huyền 22:17). Ngày nay chúng ta chính là cô dâu của Chúa. Chúng ta sống trên trái đất này để chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa. Hãy nói với Chúa “Con muốn là một với Thánh Linh”. Khi trở về địa phương mình, dù anh em là nhiều người hay ít, anh em hãy nói với Chúa “Hãy cùng xây Hội Thánh với chúng con mỗi ngày, hãy cùng chúng con xây E-va, người tương xứng với Chúa”. Chúng ta thực sự được chúc phước, chúng ta có thể mang Chúa trở lại được. Ngợi khen Chúa! Amen.