Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

DAVID ĐƯỢC CHỨNG THỰC – ĐƯỢC LỰA CHỌN, XỨC DẦU, HUẤN LUYỆN VÀ THỬ NGHIỆM

Bees on spring flowers Royalty Free Stock Photos
Sau khi xem xét kinh nghiệm của Saul, chúng ta có thể cảm thấy rằng không có cách nào trốn thoát khỏi con dốc trơn trượt của tôn giáo. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một phương cách. Cuộc đời của Saul là một sự cảnh báo cho chúng ta. Bây giờ, một người khác khải thị điều Đức Chúa Trời theo đuổi. Trong David chúng ta nhìn thấy rằng chính Đức Chúa Trời là phương cách của chúng ta.

ĐƯỢC LỰA CHỌN CHO MỘT ĐỊNH MỆNH
Trước khi Đức Chúa Trời có thể có được David, David phải kinh nghiệm nhiều điều. Trước hết, ông được Đức Chúa Trời chọn từ giữa vòng các anh em mình, là điều được xác nhận qua Samuel (1 Sam 16:10-12)
Theo sứ đồ Paul, Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta trong Đấng Christ trước khi lập nền thế giới, vì đã tiền định chúng ta làm các con của Ngài (Eph.1:4-5). Trước khi bất cứ điều gì hiện hữu, chúng ta đã được chọn trong Đấng Christ rồi. Định mệnh được quyết định cho chúng ta từ trước là chúng ta sẽ làm con của Đức Chúa Trời. Nhận thức của Paul là ông đã được phân rẽ cho Chúa từ trong tử cung của mẹ ông (Gal. 1:15). Đây cũng phải là nhận thức của chúng ta.
Chúng ta khác với mọi người vì chúng đã được Đức Chúa Trời lựa chọn.
Không giống như việc lựa chọn của Đức Chúa Trời, việc được chọn trong sự sống loài người của chúng ta không tự động đảm bảo chúng ta sẽ đạt được mục đích mà chúng ta được chọn. Thí dụ, khi đến Đại học, tôi nằm trong số 180 sinh viên được chọn vì giỏi tiếng Anh. Một hội đồng tuyển chọn đã chọn chúng tôi nhưng không thể tiền định chúng tôi. Do đó, ít ai trong chúng tôi tạo nên tiếng tăm trong thế giới. Việc chúng tôi được chọn nghĩa là chúng tôi có thể bước vào trường đó, nhưng không có gì bảo đảm chúng tôi có thể đậu các kỳ thi, tốt nghiệp chương trình đó hoặc có một sự nghiệp thành công. Nhưng Đức Chúa Trời đã lựa chọn với một sự tiền định! Chúng ta có một định mệnh được quyết định trước là được đồng hóa với hình ảnh của Chúa Jesus Đấng Christ (Ro. 8:29). Chúng ta được tiền định cho quyền làm con thần thượng!
Tuy nhiên, việc đạt đến mục đích của Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho chúng ta cần sự dự phần của chúng ta. Được chọn là một chuyện, còn hoàn thành chủ đích cho sự tuyển chọn của chúng ta là chuyện khác. Vì vậy, như những người được Đức Chúa Trời  chọn, chúng ta không được để cho sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trở nên vô ích (Phil 2:12-13, 16; 2 Pet. 1:10). Như những người được Đức Chúa Trời tuyển chọn, chúng ta phải cầu nguyện: “Chúa ơi, tôi ở đây để dự phần vào bất cứ điều gì Ngài đã chuẩn bị cho tôi. Tôi ao ước trung tín với sự tuyển chọn của Ngài”.
ĐƯỢC LỰA CHỌN
Sau khi Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Samuel ngừng than khóc về Saul, là người Ngài đã từ chối, Ngài sai ông đến xức dầu cho một vị vua khác từ giữa vòng các con trai của Jesse người Bethlehem (1 sam 16:1). Samuel sợ Saul sẽ giết mình nếu phát hiện lý do của cuộc hành trình này. Vì vậy, Đức Chúa Trời bảo ông nói rằng ông đang đi để dâng một sinh tế. Sau khi đến nhà Jesse, ông đã mời Jesse và các con trai đến dâng sinh tế.
Bức tranh này phải gây ấn tượng cho chúng ta. Giống như David, chúng ta được kêu gọi cho một điều gì đó rất cao trọng, nhưng chúng ta cũng phải nhận thức rằng chúng ta được kêu gọi đến bàn thờ dâng sinh tế. Nếu ao ước hữu dụng cho Chúa, chúng ta phải được chuẩn bị để trở nên một sinh tế, không có quyền hay sự tự do để làm những điều riêng. Một khi chúng ta trở nên sinh tế, bất cứ điều gì chúng ta có như một nếp sống ngoài Đức Chúa Trời đều kết thúc.
Samuel có thể hi vọng là Đức Chúa Trời sẽ chọn Eliab, con trai trưởng, vì người nay trông rất có triển vọng. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời bảo Samel đừng ấn tượng với tầm vóc và diện mạo của Eliab vì Ngài không nhìn vào diện mạo bên ngoài, nhưng nhìn vào tấm lòng (1 Sam 16:7) Chúng ta phải khao khát có một tấm lòng để cho Đức Chúa Trời chọn chúng ta. Samuel gọi người con kế tiếp và kế tiếp cho đến khi ông đã nhìn thấy bảy người con của Jesse. Samuel nói: “Chúa không chọn những người này” (c.10) Jesse chỉ tỏ rằng còn một con trai nữa, người con út, nhưng người ấy đang trông coi chiên. Vì vậy, Jesse sai tìm David, chắc đang ở xa. Samuel nói rằng không một ai được ngồi xuống ăn cho đến khi vấn đề được hoàn thành vì vậy tất cả họ đều nghiêm trang chờ đợi.
ĐƯỢC XỨC DẦU
Cuối cùng khi David được đem đến trước mặt họ, Samuel nhìn thấy ông là một người “hồng hào, có mắt sáng và dung mạo xinh đẹp” (1 Sam 16:12). Chúa bảo Samuel: “Hãy chỗi dậy, xức dầu cho người ấy, vì đây là người được chọn!” Vì vậy, Samuel lấy sừng dầu mà ông đã được truyền bảo đem theo và xức dầu cho David giữa vòng các anh em người. Từ ngày trở đi, Kinh Thánh bảo chúng ta rằng David có Linh của Chúa ở trên ông (c.13).
David được lựa chọn và xức dầu. Có hai điều khác biệt. Là các tín đồ, chúng ta đã được chọn từ giữa vòng mọi người khác trước khi lập nền thế giới. Trước khi bất cứ điều gì khác hiện hữu, Đức Chúa Trời đã chọn và thậm chí đánh dấu chúng ta vì sự thỏa mãn của Ngài (Eph. 1:4-5). Sau đó chúng ta được xức dầu. Dầu xức mà David nhận được là bức tranh về kinh nghiệm Linh của các tín đồ Tân Ước (Công 10:38; 2 Cor 1:21). Vì vậy, chúng ta phải tìm cách để sống và bước đi trong Đức Linh liên tục (Gal 5:25). Nếu chúng ta trung tín bước theo Chúa Là đấng đã chọn chúng ta thì kinh nghiệm của chúng ta về Linh xức dầu sẽ trở nên có thực chất hơn. Sứ đồ John mô tả sự bảo đảm mà Linh đem đến: “Bởi điều này chúng ta biết rằng chúng ta cứ ở trong Ngài và Ngài trong chúng ta vì Ngài đã ban cho chúng ta từ Linh Ngài” (1 John 4:13)
Kinh nghiệm về Linh có thể là ở bên trong (John 20:22) hoặc bên ngoài (Công 10:45). Chúng ta có thể cầu nguyện đến mức chúng ta đầy dẫy Linh. Nhiều lúc khi các tín đồ cùng nhau cầu nguyện và tuyên bố hiệu lực của huyết Chúa, hát điệp khúc của một thánh ca, và tiếp tục cầu nguyện cho đến khi linh họ được phấn chấn, họ kinh nghiệm sự đổ đầy của Linh. Việc một người tìm kiếm điều này cách cá nhân là rất khó, nhưng tôi hi vọng nhiều người sẽ nhóm lại theo cách như vậy để thực hành việc bước vào trong sự hiện diện của Chúa.
Sau khi được xức dầu, David đã kinh nghiệm Linh ở với ông trọn đời mình. Tôi hi vọng rằng mọi người tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình đều sẽ tiến lên để kinh nghiệm Linh. Hãy đến trước mặt Đức Chúa Trời thậm chí nhiều giờ để xưng nhận bất kỳ tội hay sự thiếu hụt nào khi Ngài khải thị chúng cho anh em và xin Ngài đổ đầy anh em. Hãy nói với Ngài rằng anh em cần Linh của Ngài thấm nhuần anh em để anh em có thể trở nên một người được xức dầu. Tôi không muốn đơn cử một phương cách cụ thể nào nhưng mỗi Cơ Đốc nhân cần kinh nghiệm Linh. Kinh nghiệm việc được xức dầu là một điều gì đó thuộc sự vận hành của Linh trên anh em để biệt riêng anh em cho Đức Chúa Trời vì chủ đích của Ngài.
ĐƯỢC HUẤN LUYỆN
Mặc dù vào lúc đó David không nhận được, nhưng kinh nghiệm làm người chăn là một phần trong sự huấn luyện ông để làm vua. David là vị vua duy nhất của Israel được kêu gọi khi là một người chăn chiên. Ông đã dùng nhiều nguyên tắc ông học được như một người chăn để cai trị bầy của Đức Chúa Trời.
Khi di hành đến Nội Mông, tôi đã đến xem một đồng cỏ rộng lớn. Tôi đã thấy một bầy chiên lớn đang được cùng với chú chó của ông trông nom. Chú chó chăn chiên rất bận rộn, chạy tới chạy lui để giữ bầy chiên ở nơi mà người chăn muốn. Dần dần, khi bầy chiên đã ăn hết cỏ trong một khu vực, người đó di chuyển chúng đến một đồng cỏ mới. Tuy nhiên, hầu hết thời gian người chăn đơn giản ngồi và trông nom bầy chiên. David đã phát triển theo cách này. Ông được huấn luyện về mặt thực hành chứ không phải có lý thuyết. Ông đã phát triển khả năng kiên nhẫn trông nom bầy và môi trường xung quanh. Ông đã soạn Thi Thiên 8 dựa trên những đêm dài ông trông nom chiên, suy gẫm về cõi thiên thượng và tự hỏi về Đức Chúa Trời. Ngày đêm ông phải canh giữ chống lại những con thú cố cướp mất một trong số những con chiên. Điều này sẽ giải thích tại sao ông là một chuyên gia bắn ná khi đối diện với Rô ma (2 Sam 17:16). Vì ông chịu trách nhiệm về bầy nên ông không chạy trốn khỏi gấu hay sư tử. Ông đối diện với chúng ta và khi chiến thắng chúng, ông khám phá ra thể nào Đức Chúa Trời thành tín trông nom ông và chiên của ông (c.37). Sự huấn luyện này làm ông đủ phẩm chất cai trị Israel như bầy của Đức Chúa Trời. Trong Thi Thiên 23, ông ký thuật các bài học ông đã học được trong khi chăn chiên. Bất cứ điều gì thách thức bầy của ông, dù là thú dữ, người Philistine hay một cường quốc, ông đều đứng vững. Chúa là Người Chăn thật trên ông lẫn quốc gia Israel.
SẴN LÒNG CHỊU HUẤN LUYỆN
Chúng ta phải chịu huấn luyện như thế nào? Hãy bắt đầu bằng cách trung tín với những điều dường như nhỏ nhặt hiện đang ở trong tay anh em, bất kể đó là điều gì. Bầy mà cha của David giao cho ông trông nom thì nhỏ bé (1 Sam 17:28), nhưng David trung tín với trách nhiệm của mình. Chúng ta thích những nhiệm vụ có tiếng tăm nhưng nếu chúng ta không thể dâng mình cho những điều đã ở trong tay chúng ta rồi thì chúng ta sẽ không thể thực hiện bất cứ điều gì lớn hơn. David đảm trách việc trông nom  một vài con chiên; hễ còn là người chăn chiên thì cuộc đời ông gắn liền với cuộc đời của chúng. Đó là lý do tại sao ông mạnh mẽ để bảo vệ chúng. Nếu ông xem thường nhiệm vụ của mình hoặc bất cẩn trong việc thực hiện nhiệm vụ đó thì ông sẽ không dạn dĩ giao chiến với Goliath hoặc các kẻ thù khác đã đe dọa bầy của Đức Chúa Trời. Một người có một thái độ thờ ơ không thể hiện sự ủy thác của Đức Chúa Trời.
Nhiều người kháng cự lại việc dâng mình để chịu huấn luyện. Tuy nhiên, nếu không được huấn luyện, cho dù chúng ta có thể rất có ân tứ nhưng chúng ta không thể hoàn thành cho Đức Chúa Trời điều mà lẽ ra chúng ta phải hoàn thành. Tôi luôn có ấn tượng với những người có tài năng âm nhạc. Một số người chỉ cần nghe là có thể chơi dương cầm mà không có bất cứ sự huấn luyện chính thức nào. Họ có thể chơi nhạc hay nhưng không có sự huấn luyện, khả năng, phát triển xa hơn của họ bị hạn chế. Nếu ao ước khám phá tiềm năng thật của mình, họ cần được huấn luyện.
Hai mươi năm sau, một người không được huấn luyện sẽ không trở nên hữu dụng cho Chúa. Họ có thể bị sự nghiệp hoặc gia đình bắt lấy hoặc có thể đi đến chỗ không là gì cả. Họ có thể trở nên những người đi lễ mà không có một tấm lòng thật sự vì điều Chức Chúa Trời theo đuổi. Tuy nhiên, những người sẵn lòng chịu huấn luyện bằng cách trung tín với điều Chúa đã ủy thác cho họ sẽ trở nên những người mà Đức Chúa Trời đang tìm kiếm, những người vừa lòng của Ngài.
Khi tôi bắt đầu yêu Chúa, điều đầu tiên Ngài bảo tôi làm là chăm sóc thiếu nhi trong hội thánh. Vì vậy, trong mười năm, khi đang học trung học, ở trong quân đội hay học đại học, tôi đã dạy thiếu nhi Kinh Thánh. Đây là lý do tôi biết rất rõ Cựu Ước. Tôi rất vui vì tôi có thể phục vụ trong dung lượng như vậy trong suốt những năm này. Khi là một tín đồ trẻ, tôi nhận được sự huấn luyện bởi phục vụ thiếu nhi. Ngày nay tôi đã ở tuổi bảy mươi, nhưng tôi không cảm thấy mình già vì tôi đã và vẫn đang gánh vác sự ủy thác của Chúa. Thậm chí ở tuổi tôi, ngày càng có nhiều điều được thực hiện vì mối quan tâm của Chúa. Sự lao tác của chúng ta có thể có giá trị đời đời. Một cuộc đời như vậy thật cao trọng biết bao!. Tôi hi vọng nhiều người đọc lời này sẽ quyết định: “Tôi có thể còn non trẻ trong Chúa nhưng một điều đó có giá trị đời đời sẽ được biểu lộ qua tôi! Điều tôi đang dâng mình sẽ được biểu lộ trong cõi đời đời! Tôi là một người trong cõi thời gian nhưng điều tôi đang làm dẫn đến cõi đời đời!”
ĐƯỢC THỬ NGHIỆM
Ngay sau khi được xức dầu, David bước vào trong một thời gian dài chịu thử nghiệm. Ông không lập tức được công nhận là vị vua mới. Saul vẫn làm vua. Tuy nhiên, Linh của Chúa đã lìa khỏi Saul và một linh làm phiền muộn quấy rầy ông. Các đầy tớ của Saul đề nghị rằng một người chơi đàn hạc lão luyện có thể khiến Saul khỏe khoắn vào những lúc như vậy, cho nên David được gọi đến để chơi đàn (1 Sam 16:14-23). Dù biết rằng ông đã được xức dầu để làm vua nhưng David vẫn phục vụ Saul và làm điều ông có thể làm cho Saul. Ông chơi đàn hạc để xoa dịu Saul và cũng trở nên người mang khí giáp của Saul. Một người ở địa vị David có thể bị cám dỗ để cho phép ác linh làm công tác của nó để dằn vặt Saul. Mặc dù David được xức dầu để làm vua sau Saul, nhưng ông không làm bất cứ điều gì để Saul mau chóng thoái vị; vì vậy, ông đã phục vụ và tôn trọng Saul.
Chúa để cho nhiều điều xảy đến với chúng ta hầu cho chúng ta có thể tăng trưởng. Nếu chúng ta chưa từng kinh nghiệm các khó khăn hoặc thất bại, sự huấn luyện của chúng ta có thể làm cho chúng ta có vẻ rất thắng thế trong khi thật ra chúng ta không kinh nghiệm được bất cứ điều gì thực tế. Vì vậy, không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng để cho sự việc trôi chảy đối với chúng ta. Khi các khó khăn đến với David, ông tin cậy Chúa và yên nghỉ trong Ngài. Khi David chơi đàn hạc để xoa dịu Saul, ông biết rằng Chúa đang công tác để thực hiện điều Ngài ao ước cho ông. Tất cả chúng ta phải có khả năng nói với Chúa: “Tôi biết mọi sự đều ở trong tay Ngài” và yên nghỉ.
Vì vậy, khi thời kỳ thử nghiệm đến, đừng chán nản vì không có gì phải chán nản. Chúa đang công tác. Tất cả chúng ta phải đánh giá cao những thời kỳ thử nghiệm vì chúng quý báu.
SỰ THUẦN KHIẾT VÀ CÁI NHÌN
Chúa thử nghiệm chúng ta vì hai điều chính yếu là sự thuần khiết và cái nhìn của chúng ta. Đây là kinh nghiệm của David. Ông trở nên một chiến binh thắng thế trong vương quốc, sáng chói hơn Saul, nhưng ông đã mang vác khí giáp của Saul. David vẫn tôn trọng Saul như người được Đức Chúa Trời xức dầu. Cái nhìn của David là vì Đức Chúa Trời đã xức dầu Saul nên ông sẽ đứng với Saul. Nếu có một cái nhìn thiên nhiên, David sẽ tìm cách khiến Saul chết sớm để làm rõ ai là người được Chúa xức dầu. Dường như David chỉ cần từ chối chơi đàn hạc cho Saul thôi thì khi đó ác linh có thể làm Saul điên lên và khiến  ông tự vẫn. Nếu David có ý định giành ngôi thì ông có thể làm một điều như vậy, nhưng David rất thuần khiết. Trong cái nhìn của ông, vì Đức Chúa Trời đã xức dầu ông nên Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm về việc biểu lộ vương quyền của ông. David không phải làm bất cứ điều gì vì chính mình. Đây không phải là một bài học dễ học.
Chúng ta sống trước mặt Đức Chúa Trời theo sự thuần khiết của chúng ta và chúng ta sống giữa vòng con người theo cái nhìn của chúng ta. Sự thuần khiết của chúng ta quyết định chúng ta tăng trưởng tốt như thế nào trước mặt Đức Chúa Trời và chúng ta có thể hiểu rõ những điều thuộc linh đến đâu. Cái nhìn của chúng ta quyết định lối sống của chúng ta giữa vòng con người và cách chúng ta vận hành trong sự sống này (Châm 23:7). Khi chúng ta làm một với Đức Chúa Trời, cái nhìn của chúng ta sẽ trở nên một với cái nhìn của Đức Chúa Trời. Nếu có cùng một cách nghĩ với Đức Chúa Trời thì chúng ta là những người đụng chạm lòng Đức Chúa Trời.
ĐƯỢC BIỂU LỘ QUA SỰ THỬ NGHIỆM
Chúng ta thường thấy khó trải qua những thời kỳ thử nghiệm vì những sự thử nghiệm như vậy dường như rất vô lý. Chúng ta có thể thấy mình bị đặt qua một bên và thậm chí bị một ai đó phong tỏa. Thay vì có cơ hội bày tỏ điều chúng ta có khả năng làm, thì dường như chúng ta bị mắc kẹt tại một nơi mà chúng ta phải trải qua những thời kỳ thử nghiệm này trước khi có thể được chứng thực (1 Thes. 2:4; 1 Pet. 1:7).
Thay vì phàn nàn về các trưởng lão, cảm thấy họ kém cỏi vì không sử dụng tài năng của chúng ta, chúng ta phải nhận thức rằng Chúa không phạm sai lầm. Mọi điều thuộc linh chúng ta nghĩ mình sở hữu phải được thử nghiệm để xem nó có thật không. Vì vậy, chúng ta không chỉ phải được lựa chọn, xức dầu và huấn luyện mà còn phải chịu thử nghiệm. Nhiều người yêu Chúa đơn giản không thể vượt qua giai đoạn thử nghiệm để dẫn đến sự chứng thực.
Tôi biết một anh em Cơ Đốc chuyển đến Hoa Kỳ và được lập làm trưởng lão trong một hội thánh lớn. Những người khác nghe về người ấy đã chuyển đến cùng một khu vực, nghĩ rằng họ cũng được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo. Khi điều này không xảy ra, họ thất vọng và cuối cùng chuyển về. Sự thử nghiệm không dễ! Nếu Chúa dẫn dắt anh em chuyển đến một nơi nào đó, hãy đi nhưng đừng mong đợi bất cứ điều gì khác hơn chính Chúa. Nhiều người nghĩ rằng họ có một điều gì đó đáng được đánh giá cao và đáng được sử dụng để làm những điều vĩ đại. Họ cảm thấy mình sẵn sàng và nghĩ: “Chẳng phải tôi có năng lực hơn những người đang phục vụ sao? Tại sao không nhận ra tôi là ai và tôi có thể làm gì? Ô, ước gì những kẻ chặn đường tôi tránh qua một bên và cho tôi một cơ hội!” Chúa dường như không hợp tác; Ngài cho phép tình trạng này xảy ra để biểu lộ những điều trong lòng anh em.
Nếu anh em cảm thấy người khác đang nhìn sự việc như thể anh em ở trong một cơ chế chứ không phải trong Thân Thể hữu cơ của Chúa. Đúng hơn, anh em phải đứng với những người anh em nghĩ là họ cản đường anh em. Hãy phục vụ với họ và giúp đỡ họ!. Hãy làm điều này và anh em sẽ kết trái. Anh em sẽ nhận thấy mình sở hữu sự chứng thực. Tuy nhiên, nếu anh em cảm thấy bị ngăn chặn, anh em sẽ không tìm thấy sự chứng thực bất kể anh em được huấn luyện bao nhiêu. Anh em sẽ tự hỏi tại sao người khác dường như lạnh lùng đối với anh em. Thật ra họ không phải là nan đề. Toàn bộ tình trạng là để thử nghiệm anh em. Chỉ qua sự thử nghiệm như vậy, anh em mới tìm thấy cơ hội để được chứng thực.
ĐƯỢC CHỨNG THỰC
Saul và các đội quân Israel bao gồm ba người anh lớn của David đang dàn trận chống lại quân Philistine đang tấn công. Goliath, một người khổng lồ giữa vòng dân Philistine, đã thách thức bất kỳ người Israel nào chiến đấu với hắn. Tại điểm này, David được cha sai ra mặt trận để tiếp tế cho các anh mình và trở về thuật lại tình hình (1 Sam 17:17-18). Khi đến nơi, ông thấy Goliath nhạo báng Israel và Saul trốn trong lều của mình, xem xét cách cứu chính mình, quân đội và đất nước của mình. Tại sao Saul ít nhất không ra lệnh cho các cung thủ của mình bắn hạ Goliath? Nếu David có thể giết chết hắn bằng cách bắn một viên đá trúng ngay trán của hắn thì một cung thủ không thể bắn hạ hắn đang khi hắn nhạo báng Đức Chúa Trời và dân Ngài sao? Nhưng dường như giữa vòng tất cả dân Israel, chỉ có David bực tức về việc Goliath xem thường các đội quân của Đức Chúa Trời hằng sống (c.26) Đối với David, dân Israel không chỉ là dân Israel; họ là dân của Đức Chúa Trời, Đấng là Đức Chúa Trời hằng sống. Những người giữa vòng dân Ngài thách thức những kẻ thờ thần tượng này vì cớ Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống ở đâu?
David được Đức Chúa Trời xức dầu. Tuy nhiên, đối với các anh mình, ông chỉ là một cậu bé trốn việc nhà để ra xem đánh nhau. Các anh của David có lẽ không vui khi Sammuel xức dầu cho ông thay vì cho một trong số họ. Hơn nữa, có lẽ họ bực mình khi David hỏi tại sao không có ai đi ra đánh bại Goliath. Người anh cả nói: “Tao biết tại sao mày ở đây. Mày chỉ muốn ở nơi náo nhiệt thôi”. Nhưng David trả lời: “chẳng phải có nguyên nhân sau?” (1 Sam 17:29) David biết có một lý do cho việc ông đến đúng vào thời điểm đó. Ông là người được Đức Chúa Trời xức dầu và việc ông ở đó có một ý nghĩa nào đó. Ông có một nhận thức bên trong rằng Đức Chúa Trời đã sai ông đến vì chính chủ đích này.
Giống như David, chúng ta cũng phải nhận ra khi nào một thời điểm như vậy đến. Cũng chẳng lạ gì khi người ta hành động cách hèn nhát, như dân Israel trong tình huống này. Tuy nhiên, nếu Chúa khải thị một điều gì đó cho chúng ta, chẳng phải chúng ta nên dạn dĩ như David sao? Chúng ta phải có thể nói: “Chẳng phải có một nguyên nhân cho việc chúng ta ở đây vào lúc này sao? Chúng ta ở đây vì chứng cớ của Chúa Jesus Christ!” David đã làm chứng với Saul rằng Chúa đã giải cứu ông khỏi móng vuốt của gấu và sư tử và Chúa sẽ giải cứu ông khỏi tay của người khổng lồ Philistine (1 Sam 17:36-37). Trong quá khứ, David đã nhìn thấy thể nào Chúa là sự bảo vệ của ông và nhận thức rằng Chúa vẫn là sự bảo vệ của ông. David tin chắc rằng Chúa sẽ ở với ông trong cuộc chiến này.
DÙNG NÁ CỦA MÌNH
CHỨ KHÔNG DÙNG KHÍ GIÁP CỦA SAUL
Saul cung cấp cho David khí giáp của mình nhưng cuối cùng David từ chối (1 Sam 17:38-39). Ông đã chiến đấu như một người chăn dùng ná và đá mà ông biết. Bí quyết chiến đấu là không vay mượn từ người khác nhưng sử dụng điều chính chúng ta đã từng học tập và áp dụng. Anh em có thể lặp lại sự dạy dỗ của ai đó – không có gì sai – nhưng nếu anh em muốn đánh trận đính thực, điều anh em sử dụng phải là một điều gì đó ra từ anh em. Khí giáp của Saul có thể hữu ích nếu David chỉ quan tâm đến việc bảo vệ mình nhưng ý định của ông là tấn công kẻ thù, không phải phòng thủ. Khi David đi ra gặp Goliath, ông không mang theo bất cứ sự bảo vệ nào; ông chỉ đi ra. Trong tâm trí ông chỉ có: “Hoặc hắn chết, hoặc ta chết”. David không hứng thú với việc tự bảo toàn mạng sống; niềm ao ước của ông là nhìn thấy chứng cớ của Đức Chúa Trời được nâng cao trên đất.
Nếu chúng ta vừa lòng của Chúa thì khi đến thời điểm chiến đấu, chúng ta sẽ không xem xét cách bảo vệ chính mình hoặc mối quan tâm của mình; niềm ao ước duy nhất của chúng ta sẽ là nhìn thấy mối quan tâm của Chúa được chăm lo. Tất cả chúng ta phải vững vàng về vấn đề này.
CHÀNG TRAI CHĂN CHIÊN
GIẾT CHẾT CON CHÓ PHILISTINE
Goliath nhạo báng khi nhìn thấy David cầm gậy và ná: “Ta là chó sao mà ngươi cầm gậy đến với Ta?” (1 Sam 17:43). David có lẽ đã quen chiến đấu với chó hoang và chó rừng khi canh giữ chiên của cha mình. Vì những động vật như vậy tấn công theo bầy, nên David đã học được cách tấn công chúng trước khi chúng hợp thành bầy. Có lẽ David thầm nghĩ: “Ngươi nói đúng. Ta thường hay xử lý với những con chó như ngươi”. Khi đó ông đã giết hắn bằng một viên đá từ ná của mình, thu đoạt một chiến thắng lớn cho Israel. Vào lúc đó Saul đánh giá rất cao David và cuối cùng lập ông lên trên đất tất cả chiến sĩ của mình (1 Sam 18:5). Tuy nhiên, sự chứng thực của David giữa vòng dân chúng khiến Sauld nghi ngờ. Sau khi Saul nghe thể nào những người nữ khen ngợi David nhiều hơn khen ngợi ông, Saul bắt đầu xem David như một mối đe dọa (1 Sam 18:6-9).

Sự chứng thực của David mở đầu một cuộc đời ở dưới sự bắt bớ. Saul cố gắng giết, cướp vợ ông và thậm chí săn lùng ông sau khi ông chạy trốn vào đồng vắng. Trong suốt những năm David chạy trốn Saul, nhiều người bị tịch biên gia sản và tuyệt vọng đã đến với ông. Ông đã công tác với họ và lập thành một lực lượng chiến đấu trung thành và hiệu quả. David cung cấp cho chúng ta một trong những gương mẫu tốt nhất trong Kinh Thánh về ý nghĩa của việc được lựa chọn, huấn luyện, thử nghiệm và cuối cùng là được chứng thực.