Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

SAUL--- SỰ THIẾU HỤT CỦA TÔN GIÁO

 Original Watercolor - Flowers Stock Photography
Trong ba ngàn năm qua, Saul đã bị nêu ra như một “vị vua xấu” kế bên David là một “vị vua tốt”. Tuy nhiên, những người nghĩ Saul là xấu phải đọc ký thuật của Kinh Thánh vì Saul thật sự khá tốt. Phải, ông đã cố săn lùng và giết David, nhưng khi được xức dầu, ông có một khởi đầu rất tốt: ông được ban cho một tấm lòng mới, Đức Linh đến trên ông và ông dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù của Israel. Ông không phải là một người kinh khủng nhưng lại có một kết cuộc bi thảm. Làm thế nào ông đã thất bại trong việc thỏa mãn lòng Đức Chúa Trời

KHỞI ĐẦU KHIÊM NHƯỜNG CỦA SAUL
Ban đầu Saul không mong ước quyền lực. Mặc dù ông không hề muốn làm vua nhưng lại bị bắt buộc làm vua. Khi Samuel bảo Saul sẽ làm vua, Saul đáp lại rất khiêm nhường, nói rằng ông không đáng được vinh dự như vậy. Có lẽ ông biết rằng việc làm vua sẽ khiến đau đầu nhiều vì vậy không hứng thú. Tuy nhiên, bất luận thế nào Samel cũng xức dầu cho ông làm vua và Chúa ban cho ông một tấm lòng mới (1 Sam 10:9).
Một thời gian sau, khi vị vua được bắt thăm tuyển chọn cách công khai giữa vòng dân Đức Chúa Trời, dường như Saul vẫn hi vọng đó không phải là ông. Dù gì thì cơ hội bốc thăm trúng trong số nhiều người như vậy cũng rất ít. Nhưng một khi chi phái Benjamin được chọn và rồi thị tộc của ông được chọn từ giữa vòng Benjamin, Saul có lẽ bắt đầu nhận thức Samuel đã đúng. Do đó, vào lúc tên Saul được gọi, người ta không tìm thấy ông ở đâu cả. Dân chúng phải hỏi Đức Chúa Trời ông ở đâu và Đức Chúa Trời nói cho họ biết ông đang trốn trong đống hành lý (10:22). Không một ai có thể kiện cáo Saul về việc tham vọng vương quyền
Saul có lẽ rất cảm kích vì được ban cho một tấm lòng mới và được đầy dẫy Đức Linh (10:9-10). Có lẽ ông đã nói: “Cảm tạ Ngài vì mọi sự, đây là một vinh dự lớn…nhưng tôi nghĩ có lầm lẫn ở đây. Tôi không muốn làm vua!...Nhưng khi dân chúng nhìn thấy ông sau khi tìm thấy ông giữa đống lều trại và hành lý, họ thấy ông thật sự hấp dẫn và đứng cao hơn người khác một cái đầu và một đôi vai. Dường như không ai đủ phẩm chất bằng ông.
SAUL ĐƯỢC LẬP LÀM VUA ISRAEL
Vào thời điểm này, quân Ammorite xâm chiếm Israel và đóng trại đối diện Jabesh Gilead, một thành phố của Israel (1 sam 11:1). Dân của thành đó đã cầu xin có bảy ngày để tìm kiếm một người giải phóng trong Israel và thật ngạc nhiên là kẻ thù lại đồng ý. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy ai đánh bại được quân Ammorite thì dân chúng phải đầu hàng, họ phải bị móc mắt phải và phải phục vụ cho dân Ammorite như nô lệ. Nếu họ không đầu hàng, toàn bộ dân số sẽ bị đâm chết.
Khi Saul nghe về tình trạng, Linh của Đức Chúa Trời đến trên ông và ông sả thịt con bò ra từng miếng và gửi khắp Israel nói rằng ai không đáp ứng với lời triệu tập của ông thì bò của họ sẽ chịu cùng một số phận (11:6-7). Kết quả là 300.000 người nam nhóm lại trước mặt ông tại Mizpah với 30.000 người Judah, họ đã đánh bại quân Ammorite hoàn toàn và giải phóng Jabesh Gilead. Ngay sau đó, Saul đã được lập lên làm nhà lãnh đạo thật trong con mắt của dân chúng và đã được tất cả dân Israel tiếp nhận làm vua cách công khai tại Gilgal.
Trước trận chiến này, một số kẻ phản loạn không xứng đáng xem thường Saul và chất vấn khả năng của ông trong việc cứu Israel khỏi kẻ thù, nhưng Saul đã giữ mồm giữ miệng (10:27). Bây giờ vì Saul đã thắng lớn nên dân chúng nói với Samuel: “Ai là người nói: Saul sẽ cai trị chúng ta sao? Hãy đem những người đó ra để chúng tôi giết họ”. Tuy nhiên, Saul nói rằng không một ai sẽ bị giết và đó là chính Chúa đã hoàn thành sự cứu rỗi trong Israel (11:12:13). Vương quyền của Saul có một khởi đầu rất tốt. Ông có tiềm năng trở nên một vị vua vĩ đại. Nếu Saul được phép chết tại điểm này, ông sẽ được tưởng nhớ như một vị vua trẻ đầy hứa hẹn.
Israel đã ở trong một tình trạng tuyệt vọng, với quân Philistine chiếm đóng ở bờ biển Tây Bắc trong khi quân Ammorite đe dọa từ phía Đông. Nơi Saul, dân chúng nghĩ rằng họ đã tìm thấy một người đúng đắn để đối diện với tình trạng khó khăn này. Tuy nhiên, họ không quen với việc có một vị vua. Họ không hề có ý tưởng về những gì họ đang bước vào. Họ không có cách nào biết được có một vị vua sẽ như thế nào cho đến khi họ kinh nghiệm điều đó. Họ sống trong các cảm giác chứ không trong thực tại, và ý niệm bốc đồng về việc có một vị vua đã dẫn họ đến việc lập Saul làm vua. Khi thời gian trôi qua, họ nhận thấy rằng việc có một vị vua không như họ mơ tưởng. Đối với điều này, Đức Chúa Trời có thể nói: “Ta đã cố gắng cảnh báo các ngươi nhưng các ngươi cứ khăng khăng”.
TÔN GIÁO ĐƯỢC ĐỊNH NGHĨA
Chính Đức Chúa Trời lập Saul làm vua trên dân Ngài. Việc cai trị như một vị vua là sứ mệnh thần thường của Saul. Nhưng những năm còn lại trong sự cai trị của ông biểu minh rằng ông không làm thỏa mãn lòng Đức Chúa Trời. Như một vị vua được chỉ định cách thần thượng, Saul phải giải quyết nhiều tình trạng và ông đã làm điều đó bởi phương tiện là kẻ thù của Đức Chúa Trời – sự sống bản ngã.
Sau khi Saul được lập làm vua, ông cảm thấy có trách nhiệm chăm sóc dân Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vương quốc mà ông cai trị thật ra là của Đức Chúa Trời chứ không phải của riêng ông. Ý định của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ vận dụng vương quyền của Ngài qua Saul, là người đại diện cho Ngài trước dân chúng. Tuy nhiên, thay vì vậy Saul cố gắng tự mình chăm lo cho bất cứ điều gì cần thiết mà không có Đức Chúa Trời, vị Vua thật.
Nhu cầu của dân Đức Chúa Trời là thật và chúng ta phải được chăm lo. Lý do đó là đủ để hành động rồi sao? Không, vì chính Đức Chúa Trời ao ước trở nên Đấng đáp ứng các nhu cầu của dân Ngài. Vì vậy, chúng ta không nên đáp ứng với một nhu cầu nào ngoài Đức Chúa Trời, vì khi làm như vậy, chúng ta rơi vào tôn giao. Do sự đáp ứng tôn giáo của mình, Saul đã đánh mất giá trị trước mặt Đức Chúa Trời như một người có thể cai trị cho Ngài. Thay vì đáp ứng các nhu cầu cách trực tiếp như Saul đã làm, chúng ta hãy đến với Chúa để tìm kiếm lòng Ngài.
Khi chúng ta được Đức Chúa Trời tôn trọng với một số trách nhiệm như Saul, phản ứng tức thì của chúng ta thường là cố gắng trung tín với điều được ủy thác cho mình. Điều này thường có hình thức là làm điều gì đúng, điều gì cần thiết hoặc điều gì được mong đợi. Tuy nhiên, khi chúng ta làm cho Đức Chúa Trời theo các này, chúng ta trở nên tôn giáo vì chúng ta thực hiện những điều đó ngoài Đức Chúa Trời. Thậm chí sách này có thể khiến anh em thực hiện một điều gì đó chỉ là tôn giáo nếu đó không phải là chính Đức Chúa Trời. Hễ khi nào chúng ta nghĩ: “Đúng vậy!” hoặc “Đây là phương cách!” thì chúng ta phải nhận thức rằng mình cần dừng chính mình lại và kiểm tra với Chúa. Mọi điều như vậy có thể dẫn chúng ta vào trong tôn giáo nếu chúng trở nên phương tiện cho chúng ta thực hiện một điều gì đó cho Đức Chúa Trời, nhưng lại độc lập với Ngài trong sự sống bản ngã của chúng ta.
Saul rất tốt theo nhiều cách, nhưng ông thất bại trong việc làm thỏa mãn Đức Chúa Trời, không phải vì ông độc ác mà vì ông tôn giáo. Bản chất tôn giáo xúc phạm Chúa.
DÂNG HIẾN MÀ KHÔNG TÌM KIẾM ĐỨC CHÚA TRỜI
Israel bị đe dọa bởi quân đội Philistine đông “như cát bờ biển” (1 Sam 13:5). Trước khi khai chiến chống lại đội quân này, Saul muốn Samuel dâng một của lễ thiêu và của lễ hòa bình cho Israel. Tuy nhiên, Sammuel chưa đến. Saul đợi ông không chỉ một hai ngày mà bảy ngày, theo thời gian Samuel chỉ định. Nhiều người giữa vòng Israel đã chạy trốn và dân chúng ở với Saul  tại Gilgal bắt đầu lìa bỏ ông. Là một vị vua, Saul cảm thấy mình phải hành động. Vì không muốn đi đánh trận mà không dâng sinh tế trước cho Chúa nên ông tiến hành dâng của lễ thiêu mà không có Samuel. Tuy nhiên, ngay khi ông hoàn tất thì Samuel đến.
Nếu Kinh Thánh không ký thuật rằng về sau Samuel than khóc cho Saul (16:1) thì chúng ta sẽ bị cám dỗ để tin rằng Samuel cố tình canh giờ đó để đến. Samuel không xin lỗi cũng không giải thích tại sao ông đến trễ. Ông đơn giản nói: “Ngươi đã làm một điều ngu dại. Ngươi không giữ điều răn của Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, là điều Ngài đã truyền lệnh cho ngươi. Cho đến bây giờ Chúa đã thiết lập vương quốc ngươi trên Israel mãi mãi. Nhưng bây giờ vương quốc ngươi sẽ không còn tiếp tục nữa. Chúa đã tìm kiếm cho chính Ngài một người vừa lòng Ngài, và Chúa đã truyền bảo người ấy làm người chỉ huy dân Ngài, vì ngươi không giữ điều Chúa truyền lệnh cho ngươi” (13:13-14)
Saul chắc hẳn đã bị lời này làm tan nát. Dường như ông sẽ được biện minh khi nói rằng ban đầu ông chưa từng tìm cách làm vua. Bất luận thế nào, chẳng phải sự ban cho của Chúa không thể thu hồi được sao (Rome 11:29)? Và vì Samuel và Đức Chúa Trời đã đặt vương quyền trên ông nên chẳng phải ít nhất Samuel phải ở với ông thay vì bỏ mặc ông tự mình cố gắng chăm lo cho các sự việc sao? Và chẳng phải toàn bộ lý do khiến ông buộc phải dâng sinh tế là vì Samuel đã đến muộn sao? Rồi chẳng phải Samuel là người chịu trách nhiệm về mọi gian khổ của ông sao?
Thật khó mà không cảm thông với Saul trong tình trạng này. Thật không dễ để nhìn thấy điều ông làm là sai. Đức Chúa trời đã ban cho ông vương quyền, một trách nhiệm mà Saul thậm chí không muốn, nhưng vẫn cố gắng thực hiện trung tín. Khi ông chờ đợi Samuel, kẻ thù đã có được sức lực trong khi số người của ông bị ít dần. Chẳng phải Đức Chúa Trời mong ông giải cứu Israel sao?
Saul sẽ ra phải hỏi chính Đức Chúa Trời xem nên làm gì. Nếu ông cầu hỏi, Đức Chúa Trời có thể bảo ông dâng sinh tế. Khi đó, Samuel sẽ không có gì để nói. Nhưng cảm nhận của Saul là: “Tất cả đều đặt trên vai tôi. Tôi phải làm công việc mà tôi được chọn để làm”. Ông tìm cách giải quyết các tình trạng theo các hoàn cảnh chứ không tìm kiếm sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời.
Câu chuyện này phải khiến chúng ta tự hỏi Chúa muốn gì từ chúng ta. Là các tín đồ, chúng ta đừng bao giờ tuyên bố: “Tôi phải làm điều này” hoặc “tôi không có sự lựa chọn” thay vì vậy, chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm Chúa cho đến khi chúng ta có thể nói: “Chúa bảo tôi”.
Điều chính yếu chúng ta phải thấy là Saul không hề liên hệ với Đức Chúa Trời trong quyết định của mình. Vì vậy, Saul đã hành động theo cách tôn giáo. Đức Chúa Trời muốn dẫn dắt Saul trong các quyết định của mình và Ngài muốn hiện diện trong các kết quả. Thay vì vậy, Saul chỉ làm điều ông cho là nên làm. Đây là tôn giáo: làm mọi sự chúng ta nghĩ Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm, nhưng chính Đức Chúa Trời không liên quan đến.
LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỐI KHÁNG TÔN GIÁO
Kẻ thù lớn nhất mà các tín đồ chúng ta phải đối mặt không phải là tội hay thế giới mà là tôn giáo. Tôn giáo là sự ngăn trở lớn nhất cho sự tăng trưởng cá nhân của chúng ta trong việc theo Chúa và là sự ngăn trở lớn nhất cho sự xây dựng Thân Thể Đấng Christ, hội thánh. Thay vì sống một nếp sống tôn giáo, chúng ta hãy sống bởi Đấng Christ và nhận lấy Ngài trong mọi sự.
Lòng Đức Chúa Trời là chúng ta sẽ làm mọi điều với Ngài, trong Ngài và theo Ngài. Đây là cách Ngài muốn chúng ta làm mọi điều cho Ngài. Vì Saul không tìm kiếm Chúa theo cách này nên ông không thể cai trị như vua của Đức Chúa Trời trên dân Ngài. Điều này dường như rất khắc nghiệt nhưng Saul không phải là một người vừa lòng Đức Chúa Trời; ông chỉ là một người tôn giáo tốt làm điều ông nghĩ một vị vua tốt phải làm. Các hành động của ông không bắt nguồn từ Chúa. Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Trời, đây là điều đáng kể. Nếu Saul thực hiện vương quyền của mình bằng cách giao thác mình cho Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời sẽ thiết lập vương quốc của ông (1 Sam 13:13) Tuy nhiên, Saul không phải là một người vừa lòng Đức Chúa Trời; ông chỉ là một người tốt cố gắng làm điều đúng.
Điều gì làm thỏa mãn Đức Chúa Trời? Đấng Christ. Khi chúng ta có Đấng Christ, kinh nghiệm Ngài và cung phụng cho Ngài, Đức Chúa Trời được thỏa mãn. Nhưng có bao nhiêu Cơ Đốc nhân ngày nay – và thậm chí có bao nhiêu hội thánh – cảm thấy họ phải làm điều này hay điều kia vì điều đó cần phải làm, chứ không phải vì Chúa dẫn dắt họ làm?
KHÔNG HỦY DIỆT AMALEK HOÀN TOÀN
Không lâu sau đó, Saul lại phô bày nan đề cơ bản này. Đức Chúa Trời muốn dân Amalek bị diệt hoàn toàn (1 sam 15:3), nhưng Saul vẫn giữ vua và những súc vật tốt nhất còn sống (c.9) Ông có thể nghĩ rằng bầy súc vật tốt như vậy không nên bị lãng phí, nhưng nên được dùng làm của lễ cho các sự thất bại trước đó của ông.
Khi Saul tấn công quân Amalek, có lẽ ông dự định thực hiện lệnh truyền của Đức Chúa Trời là hủy diệt họ hoàn toàn khỏi mặt đất, nhưng ông khi ông nhìn thấy chiên và dê của họ quá tốt, ông động lòng và bảo tồn mạng sống cho những gì ông thấy là tốt nhất, nghĩ rằng điều đó sẽ làm vui lòng Samuel khi có những súc vật tốt như vậy làm của lễ (c.15).
Bất kỳ thần tượng nào mà một tín đồ sở hữu đều phải bị hủy diệt. Tuy nhiên, nếu thần tượng có giá trị lớn thì sao? Một số thần tượng là quý báu như một tác phẩm nghệ thuật và được các nhà sưu tầm đánh giá cao. Chẳng phải sẽ rất hợp lý nếu bán một thần tượng có giá trị hàng ngàn dollar cho một nhà sưu tầm rồi cống hiến số tiền cho công tác của Chúa sao? Chúng ta dễ dàng hủy diệt một thần tượng rẻ tiền, nhưng còn về thần tượng có giá trị cao thì sao? Tôi hi vọng anh em sẽ hủy diệt nó! Đức Chúa Trời không cần những của lễ như vậy. Ngài có thể cung cấp bất cứ điều gì dân Ngài cần.
BẢO VỆ NGAI CỦA MÌNH CÁCH ĐỐ KỴ
Như chúng ta sẽ thấy sau này, Saul đã lập David làm nhạc sĩ riêng của mình, và cuối cùng lập ông làm người lãnh đạo các quân đội của Saul. David trở nên nổi tiếng là một chiến binh vĩ đại và những người nữ bắt đầu hát về nhiều chiến thắng của ông (1 Sam 18:7). Những hàng dài các người nữ ăn mặc đầy màu sắc, chơi trống lục lạc và ca hát theo cách này chắc hẳn phải là một điều gì đó thật sự gây chú ý. Nhưng sự khoe khoang của họ về David khiến Saul cảm thấy ngai của mình bị đe dọa. Vì vậy, khi David chơi đàn hạc để xoa dịu ông, Saul đã ném cây giáo vào David, nghĩ đến việc giết ông bằng cách ghim ông vô tường! Thật ra ông đã thử làm như vậy hai lần (c.11). Ông biết Chúa ở với David nhưng ông tìm cách giết David để bảo vệ ngai của mình. Những người nữ ngưỡng mộ và ủng hộ David hơn chính ông đã khơi dậy sự đố kỵ.
Có lẽ Saul cảm thấy được biện minh khi săn tìm mạng sống của David vì nếu David đã được xức dầu thì Saul sẽ phải chết trước khi David có thể ngôi. Đối với Saul, dường như Đức Chúa Trời đang dùng David để đem ông đến chỗ chết. Vì vậy, đối với Saul, có David thì không có ông. Saul có thể tranh luận với Đức Chúa Trời: “Tôi không chọn lựa để được xức dầu làm vua. Ngài đã sắp xếp để tôi được bốc thăm trúng và Ngài thậm chí chỉ dân chúng nơi tôi trốn và đem tôi ra. Và bây giờ Ngài muốn kết liễu tôi ư? Chẳng phải các ân tứ của Ngài không thể thay đổi sao?” Chắc chắn Saul có quyền tôn trọng vương quyền của chính mình, vì điều đó được Chúa ban cho; nhưng ông không nên cố giết chết David. Lẽ ra ông phải đơn giản thực hiện vương quyền của mình bằng cách làm tăng thêm lợi ích của Chúa. Dầu vậy, Chúa không thể sử dụng Saul làm vua cai trị dân Ngài vừa lòngNgài.
Nhiều người có được một địa vị mang tầm ảnh hưởng cố gắng nắm giữ địa vị đó; mặc dù làm điều đó có nghĩa là hi sinh người khác. Thậm chí trong lĩnh vực công tác Cơ Đốc, chúng ta có thể thấy thể nào nhiều lần một số người sẵn lòng hi sinh người khác để bảo vệ điều họ cảm thấy là vị trí của họ. Khi chúng ta phục vụ Chúa, thật dễ để cảm thấy rằng sự việc sẽ tốt hơn nếu một số người không ở đó. Nếu cuối cùng họ bị hất cẳng hoặc đặt qua một bên, chúng ta vẫn bình an về điều đó, nghĩ rằng bây giờ chúng ta sẽ dễ tiến lên hơn. Tuy nhiên nếu một điều gì đó thật sự được Chúa ban cho chúng ta, chúng ta không phải lo về việc ai đó sẽ lấy mất. Thay vì vậy, chúng ta phải quan tâm đến ích lợi của những người ở với chúng ta và tin cậy Chúa thực hiện điều Ngài muốn làm vì đó là công tác của Ngài, không phải của chúng ta.
Watchman Nee đã viết một thánh ca nói rằng khi người khác vươn tay ra chống lại anh và bắt đầu tranh đấu với nhau, anh đóng cửa và hát thánh ca với Chúa. Anh đã nhận thức rằng chính Chúa chịu khổ nhiều nhất. Chúa không vui khi có các sự chiến đấu giữa vòng Cơ Đốc nhân về việc ai phải thuận phục ai và những điều sẽ xảy ra nếu họ không thuận phục.
TỰ LẬP NGƯỜI KẾ VỊ
Trong 1 Samuel 20:31, Saul nói với con trai ông là Jonathan rằng nếu đứng về phía David, Jonathan đang để mất vương quốc mà Saul đang tìm cách giao lại cho ông. Trong cái nhìn của Saul, Jonathan là người kế thừa vương quốc của ông. Phải có ai đó hỏi Saul: “Anh quyết định ai sẽ làm vua Israel sao? Vương quốc là của Đức Chúa Trời, không phải của anh, và chính Ngài mới có quyền quyết định ai sẽ cai trị!” Bất kể Saul có muốn Jonathan tiếp tục cai trị như thế nào đi nữa, ông vẫn không phải là người quyết định. Ý định này của Saul – dùng vũ lực thiết lập chế độ quân chủ của Israel bằng các hậu duệ của mình – rất xúc phạm đến Đức Chúa Trời. Thay vì vậy, dòng dõi của David được chọn. về sau, khi David đưa con trai mình lên ngai, điều đó được thực hiện theo sự khải thị của Đức Chúa Trời, không phải sự tiếp nối của chính ông xếp đặt (1 Sử 28:5-7).
Trong tôn giáo, người ta thường cho rằng những điều thuộc linh có thể được truyền lại theo cách thừa hưởng. Nếu không thì nhiều người thuộc linh cũng tìm cách để có một vị trí cho con cái họ trong những điều Chúa ban cho họ. Eli để cho con trai mình phục vụ như các thầy tế lễ khi họ không xứng đáng (1 Sam 2:22) và thậm chí Samuel cố gắng lập các con trai mình lên cai trị Israel sau ông, dù họ không biết Chúa và thậm chí nhận của hối lộ (1 Sam. 8:1-3). Samuel dường như hoàn hảo trong mọi cách ngoại trừ điều này. Thật khó để một người cha không muốn nhìn thấy con mình đi theo dấu chân của mình!
Rất dễ nghĩ rằng chức vụ của Chúa có thể được thừa hưởng. Chức vụ mà Chúa ủy thác cho một người vận hành chừng nào người ấy còn hiện diện, nhưng khi người đó chết, chức vụ đó dừng lại. Cho dù người ấy có muốn truyền lại thì cũng không thể. Việc dấy lên một người cung phụng khác để công tác cho Ngài là tùy ở Ngài. Trong quyển Bàn ăn trong đồng vắng (31/12), Watchman Nee nói về điều này rằng một khi một đầy tớ của Chúa phục vụ thế hệ của mình và truyền lại, Chúa phải cày xới mọi thứ để mở ra lập trưởng cho bất cứ điều gì Ngài sẽ thực hiện kế tiếp. Có thể quan niệm của chúng ta, điều đó phải được hiện bằng đường lối thừa hưởng, như sự tiếp tục trực tiếp. Một ý niệm như vậy là một điều gì đó của tôn giáo và cản trở Đức Chúa Trời trong việc trở nên Đấng ưu việt giữa vòng chúng ta.
TRIỆU HỒI SAMUEL QUA ĐỒNG BÓNG
Dân Philistine đến chống lại Israel và Saul đã đem quân đội của mình chống lại họ (1 Sam 28:1,4). Lòng Saul “rất run rẩy” khi đối mặt với đội quân của họ. Samuel, người mà ông lệ thuộc vào để tiếp xúc với Đức Chúa Trời, đã qua đời (c.3). Vậy Saul đã làm gì? Ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ của một phù thủy để đem Samuel trở về từ cõi chết! Saul đơn giản không nhận biết Đức Chúa Trời, mặc dù chính Đức Chúa Trời là Đấng lập ông làm vua. Ông đã có sự hiểu biết đầy đủ để ra lệnh trừ khử tất cả những nhà duy linh trong Israel, nhưng khi ở trong tình huống này, chính ông lại sử dụng một trong số họ! Dường như ông bị bao quanh bởi những người đã quen thuộc với những điều độc ác như vậy, vì một trong các đầy tớ của ông biết một người đàn bà ở En Dor là đồng bóng hay phù thủy. Saul cải trang và di hành ban đêm với hai người khác để hỏi ý kiến đồng bóng này. Saul đã suy sụp biết bao! Khi ông gặp bà, bà không dễ dàng bị thuyết phục để làm điều ông muốn bà làm, vì chính ông đã ra lệnh rằng tất cả những ai thực hành những điều như vậy phải bị giết chết. Làm sao bà biết được họ có phải là thám tử của Saul hay không?
Saul thậm chí chỉ Chúa mà thề với bà rằng bà sẽ không bị phương hại gì nếu làm điều ông yêu cầu. Trong danh Chúa, ông, vị vua của dân Đức Chúa Trời, đã có một hiệp ước với một phù thủy là người làm việc cho kẻ thù của Đức Chúa Trời! Vì vậy người đàn bà này làm điều ông yêu cầu và triệu hồi Samuel. Khi Samuel thật sự hiện ra, bà rất sốc, vì vào lúc đó bà nhận thức rằng người yêu cầu bà làm điều này không thể là ai khác ngoài Saul.
Khi Saul hỏi bà nhìn thấy gì, bà đáp rằng bà thấy một linh từ dưới đất đi lên. Đó chắc hẳn là một điều gây ngạc nhiên. Bà mô tả diện mạo của nó như một ông già khoác một chiếc áo choàng. Saul lĩnh hội rằng đó chắc chắn phải là Samuel và ông sấp mình xuống đất.
Tuy nhiên, Samuel quở trách Saul: “Tại sao ngươi làm phiền ta bằng cách đem ta lên?” (c.15). Saul đáp lại rằng ông sầu não vì có quân Philistine và cần sự giúp đỡ của Samuel. Saul đang ở trong tình trạng tuyệt vọng và bất lực – ông có một kẻ thù nhưng không có Đức Chúa Trời và không một ai có thể thông công với Đức Chúa Trời cho ông. Vì vậy, ông cảm thấy bị buộc phải tìm đến một con ma!
Kinh nghiệm của Saul có thể áp dụng  cho chúng ta ngày này. Nếu chúng ta không kinh nghiệm một Đấng Christ sống động, một ngày kia chúng ta có thể thấy chính mình đứng bên mộ của một Cơ Đốc nhân mà chúng ta từng ngưỡng trông. Một số người viếng mộ của những người thuộc linh và mặc dù họ không thể gọi những người này lên nhưng họ cảm thấy được an ủi khi nói với người chết một nan đề mà dường như họ không thể nói với Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa bảo tồn chúng ta khỏi một kết cuộc như vậy. Chúng ta cần nhận biết Đấng Đấng Christ sống động ngày nay biết bao!
Chúng ta phải thực hành nhận biết Chúa và có sự hiện diện của Ngài trong những vấn đề lớn nhỏ - học vấn, công việc, nghề nghiệp, hôn nhân, gia đình của chúng ta, bất cứ điều gì chúng ta đối mặt. Hãy nói với Chúa: “Tôi không muốn kết thúc trong việc cầu nguyện tại một ngôi mộ của ai đó; tôi muốn học tập nhận biết Ngài là Chúa của tôi trong mọi sự. Chúa ơi, tôi muốn có sự phát ngôn của Ngài trong suốt phần đời còn lại của mình”. Mỗi chúng ta phải kinh nghiệm Jesus như Chúa sống động của chúng ta.
PHẢN ỨNG CỦA SAMUEL
Samuel bảo Saul mình không thể làm gì cho ông: “Chúa đã lìa khỏi ngươi và trở nên kẻ thù của ngươi…Chúa đã giật vương quốc ra khỏi tay ngươi và ban cho người lân cận ngươi là David” (1 sam 28:16-17). Samuel đã yêu mến và thậm chí than khóc về Saul, nhưng vì ông không thể giúp Saul trong khi ông còn sống, nên bây giờ Samuel chắc chắn không thể làm gì hơn cho Saul khi ông đã chết.
CON DỐC TRƠN TRƯỢT CỦA TÔN GIÁO

Vì bản chất tôn giáo của mình, Saul ngày càng trượt xuống thấp hơn. Bản chất tôn giáo của ông khiến ông dâng sinh tế mà không có Đức Chúa Trời (1 Sam 13). Kế đến, bản chất tôn giáo của ông khiến ông cảm thấy mình có thể đền bù cho điều đó bằng cách dâng hiến điều Đức Chúa Trời kết án (1 Sam 15). Rồi bản chất tôn giáo của Saul đem ông đến điểm ông chỉ quan tâm đến sự tiếp tục chế độ quân chủ của chính mình (1 Sam 18,20) cuối cùng, bản chất tôn giáo của ông đem Saul đến điểm ông tìm kiếm lời khuyên từ một con ma qua một phù thủy (1 Sam 28)! Bây giờ chúng ta nhìn thấy một người cách xa sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tôn giáo có thể làm chúng ta suy thoái đến mức chúng ta thậm chí dính líu vào những điều như vậy. Một khi dính líu đến tôn giáo, chúng ta không hề có ý tưởng về việc cuối cùng nó dẫn chúng ta đi xa khỏi Đức Chúa Trời đến mức nào. Đây là lý do tại sao tôi từ chối thỏa hiệp khi nhìn thấy bất cứ điều gì bước vào có thể trở nên một sự thay thế cho Đấng Christ, bất kể điều đó có vẻ tốt hay cần thiết đến đâu. Cho dù điều đó có thể được gọi là “lẽ thật hàng đầu”, “chức vụ hàng đầu” hay thậm chí “sự hiệp nhất hàng đầu” đi nữa, nếu các tín đồ không được đem đến với chính Đấng Christ thì cũng vô ích thôi. Bất cứ điều gì ngoài Đấng Christ đều không thể dẫn đến những điều vừa lòng Đức Chúa Trời. Ra từ những điều như vậy, điều duy nhất sẽ được sản sinh là một giáo phái khác.