Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI HAY KHÔNG?

Đức Chúa Trời sáng tạo trái đất


TÌM KIẾM ĐỨC CHÚA TRỜI

CÂU HỎI THỨ NHẤT

Chúng ta hãy xem xét đức tin Cơ-đốc từ chính nền tảng của
nó. Chủ đề đầu tiên chúng ta bàn đến là Đức Chúa Trời
(Thượng Đế).
Xin chúng ta đọc vài câu Kinh-thánh. Thi-thiên 14:1 trong
Cựu Ước chép: “Người ngu dại nói trong lòng rằng: Không có
Đức Chúa Trời”. Câu này cũng có thể được dịch là: “Trong lòng
mình, người ngu dại không muốn có Đức Chúa Trời”. Kết quả
của lời nói này được tìm thấy trong phần thứ hai của cùng một
câu Kinh-thánh ấy: “Chúng nó đều bại hoại; đã làm những việc
gớm ghiếc”.



Chúng ta cũng hãy đọc một đoạn trong Kinh-thánh phần
Tân Ước. Hê-bơ-rơ 11:6 chép: “Vì người đến cùng Đức Chúa
Trời cần phải tin rằng Ngài là [thực hữu]”.

BA LOẠI NGƯỜI
Dầu bạn tự xưng là một Cơ-đốc-nhân, một người vô tín hay
một người tìm kiếm chân lý, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem
xét đề tài về Đức Chúa Trời. Trên phương diện này, thế gian
được chia ra thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là những người vô
thần, tức những người không tin một Đức Chúa Trời. Nhóm thứ
hai gồm những người theo thuyết bất khả tri. Họ không biết
chắc chắn về Đức Chúa Trời. Một mặt, họ không dám nói là
không có Đức Chúa Trời, nhưng mặt khác, họ không rõ Đức
Chúa Trời có hiện hữu hay không. Chúng ta thuộc về loại thứ
ba, tức những người tin nơi Đức Chúa Trời.

SỰ TRUY TỐ
Có một Đức Chúa Trời hay không? Đối với câu hỏi này, tôi
sẽ không trả lời “có” hay “không”. Trái lại, tôi sẽ biến nơi này
thành một tòa án pháp luật. Tôi sẽ yêu cầu các bạn làm thẩm
phán, và tôi sẽ là công tố viên. Công việc của thẩm phán là
quyết định, chấp thuận hay bác bỏ tính chân thật của những
lời được trình bày; công việc của công tố viên là trình bày mọi
bằng chứng và lý lẽ mà người ấy có thể thu thập được.
Trước khi tiến hành, chúng ta phải được sáng tỏ về một sự
thật là tất cả những công tố viên đều không phải là những
người chứng kiến các tội ác. Họ không phải là cảnh sát. Cảnh
sát có thể đích thân chứng kiến một sự kiện, nhưng trái lại
công tố viên chỉ nhận được các thông tin cách gián tiếp. Người
ấy đặt mọi lời buộc tội, bằng chứng và lý lẽ thu thập được trước
mặt thẩm phán. Tương tự như vậy, tôi sẽ trình bày trước mặt
các bạn mọi điều tôi có thể tìm thấy. Nếu bạn hỏi tôi đã thấy
Đức Chúa Trời chưa thì tôi sẽ trả lời là “chưa”. Tôi đọc ra hay
bày tỏ những gì tôi đã thu thập. Công việc của tôi là tìm kiếm
những sự thật và trình diện các nhân chứng. Bạn phải tự kết
luận cho chính mình.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN
Nhiều người khẳng định rằng không có Đức Chúa Trời. Là
một công tố viên, tôi yêu cầu bạn trước hết hãy xác minh tư
cách của những người này. Họ có đủ điều kiện nêu lên những
lời tuyên bố như vậy không? Những người khẳng định rằng
không có Đức Chúa Trời là những người đạo đức hay đồi bại?
Đừng chỉ lắng nghe những lý luận của họ. Ngay cả những tên
cướp và kẻ lừa đảo cũng có những lý lẽ của chúng. Có thể đề tài
họ tranh luận rất cao quí; họ có thể nói về tình trạng quốc gia
và hạnh phúc của xã hội, nhưng những ý kiến của họ không
thể được xem xét cách nghiêm túc. Họ không xứng đáng nêu
lên những lời phán đoán như vậy. Nếu hành vi và phán đoán
đạo đức của một người là đúng đắn thì chúng ta có thể tín
nhiệm lời nói của người ấy, nhưng nếu không được như vậy thì
lời nói của người ấy không đáng tin. Điều này đặc biệt đúng
khi liên hệ đến vấn đề về Đức Chúa Trời. Thật thú vị khi để ý
thấy rằng tiêu chuẩn đạo đức của con người trực tiếp liên hệ
đến quan niệm của họ về Đức Chúa Trời. Những người thừa
nhận sự thiếu hiểu biết của mình có một tiêu chuẩn tạm được,
trong khi những người vô thần với thái độ khăng khăng thì
luôn luôn có tinh thần trách nhiệm đạo đức thấp kém. Tôi
không tuyên bố là biết tất cả những người vô thần, nhưng
trong một vài ngàn người mà tôi biết, không ai trong họ có
được một nền đạo đức đặc biệt đáng khen. Có thể bạn nói với
tôi rằng đã từng có một người vô thần đạo đức, nhưng nếu đã
có một người như vậy thì người ấy đã chết. Hay bạn có thể nói
với tôi rằng sẽ có một người vô thần đạo đức, nhưng bất cứ
người đó là ai, người ấy vẫn chưa có tại đây. Tối thiểu chúng ta
có thể nói rằng hiện tại chúng ta không biết có một người vô
thần nào như vậy.

KHÔNG NGƯỜI VÔ THẦN NÀO LÀ ĐẠO ĐỨC
Một lần kia, tại một buổi nhóm ở Trường Đại Học Nan king,
tôi bình luận rằng không người vô thần nào là đạo đức cả.
Trong trường có rất nhiều sinh viên không tin Đức Chúa Trời.
Những lời này làm cho họ rất bực dọc. Ngày hôm sau, trong khi
tôi đang giảng, họ lại đến kéo lê bước chân để làm cho tôi và
các thính giả phân tâm. Ngày tiếp theo, họ lại đến, tỏ điệu bộ
và nét mặt kỳ cục đối với tôi và tiếp tục làm như vậy trong
suốt buổi nhóm. Đến ngày thứ tư, hiệu phó của trường là Tiến
sĩ Wil liam đến nói với tôi rằng: “Chúng ta nên thay đổi phòng
nhóm. Những sinh viên này tức giận vì vào ngày đầu tiên anh
khẳng định rằng những người vô thần không đạo đức. Hôm
nay, chúng sẽ không chỉ dùng chân và miệng; chúng sẽ dùng
đến quả đấm. Tôi nghe rằng chúng sẽ đợi anh ở cửa dẫn vào
hành lang và sẽ xông vào đánh anh”. Tôi nghe theo sự sắp đặt
của ông và tổ chức buổi nhóm tại một nơi khác. Trên đường
đến buổi nhóm, tôi đi bên cạnh nhiều sinh viên và nghe những
lời đối thoại của họ. Mặc dầu nhiều người không đồng ý và cảm
thấy khó chịu về lời giảng của tôi, họ vẫn muốn trở lại. Một
người trong họ nhận xét: “Ông Nghê nói rằng người không có
Đức Chúa Trời thì không có ý thức về trách nhiệm đạo đức.
Điều này hoàn toàn đúng. Làm thế nào người có khuôn phép
đạo đức lại có thể chà lê bước chân và chế giễu trong khi người
khác đang giảng được? Hôm qua họ gây rối loạn như vậy trong
buổi nhóm, và hôm nay họ đến chuẩn bị đánh nhau. Đây không
phải là điều một người đáng tôn trọng nên làm. Chắc chắn
những người không tin Đức Chúa Trời thì không có cung cách
đạo đức. Chúng ta hãy đến buổi nhóm bất chấp họ định làm
gì”.

Lần nọ, một thanh niên nói với một nhà truyền giảng: “Khi
còn nhỏ, tôi chân thành tin Đức Chúa Trời. Nhưng nay, tôi đã
vào đại học, và không còn tin Ngài nữa”. Nhà truyền giảng
năm mươi tuổi ấy vỗ vai người thanh niên và nói: “Con ơi, con
không còn tin Đức Chúa Trời nữa à? Bác xin hỏi con một câu:
Từ khi đổi ý làm một người vô thần, con có tiến bộ về mặt đạo
đức không? Thuyết vô thần có làm cho con tốt hơn không?
Thuyết ấy có làm cho tư tưởng con trong sạch hơn hay lòng con
thuần khiết hơn không? Hay chỉ là ngược lại?” Thanh niên ấy
thấy xấu hổ, và thừa nhận rằng về mặt đạo đức, mình đã
xuống dốc từ khi phủ nhận Đức Chúa Trời. Người truyền giảng
ấy nói thêm: “Bác e rằng con không thật sự nói là mình không
tin có Đức Chúa Trời, mà con chỉ hi vọng là không có Đức Chúa
Trời thôi”.

ĐỪNG PHÁN ĐOÁN THEO ĐIỀU MÌNH HI VỌNG
Nhiều người không thực sự được thuyết phục là không có
Đức Chúa Trời; họ chỉ hi vọng như vậy. Họ muốn thấy là không
có Đức Chúa Trời trong vũ trụ. Đối với họ, trong nhiều phương
diện, sự kiện ấy sẽ thuận tiện hơn nhiều.
Chính tôi từng là một người như vậy. Khi còn là một học
sinh, tôi từng tuyên bố là không có Đức Chúa Trời. Mặc dầu tôi
rất mạnh mẽ tuyên bố như vậy, nhưng có điều gì đó bên trong
tôi dường như chống lại mà nói: “Có một Đức Chúa Trời”. Sâu
thẳm trong lòng, tôi biết Đức Chúa Trời hiện hữu. Nhưng môi
miệng tôi lại khước từ không chấp nhận điều này để tôi có thể
biện minh cho việc phạm tội của mình. Nhờ tuyên bố Đức Chúa
Trời không hiện hữu nên việc đi đến những nơi tội lỗi có thể
bào chữa được. Nếu không có Đức Chúa Trời, tôi sẽ mạnh dạn
phạm tội. Khi tin Đức Chúa Trời, bạn sẽ không dám làm một
số điều nào đó. Khi thoát khỏi Đức Chúa Trời, bạn sẽ cảm thấy
tự do phạm những tội lỗi xấu xa nhất mà không sợ gì cả. Nếu
bạn thành thật hi vọng nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của mình
bằng cách khẳng định Đức Chúa Trời không hiện hữu, thì lý lẽ
của bạn còn có thể tin tưởng được. Tuy nhiên, lý do duy nhất
con người tuyên bố rằng không có Đức Chúa Trời là để bào
chữa cho tình trạng vô luật pháp, vô luân, phóng túng và
không đứng đắn. Vì lý do này, toàn bộ lý lẽ của họ không đáng
xét đến. Câu hỏi đặt ra là: “Bạn có đủ điều kiện để tuyên bố là
không có Đức Chúa Trời không?” Nếu hi vọng của bạn chỉ là để
thoát khỏi công lý thì bạn đã đánh mất nền tảng của mình rồi.

CON NGƯỜI CÓ PHẢI VĨ ĐẠI NHẤT KHÔNG?
Ngày kia, một thanh niên đến nói với tôi rằng: “Tôi không
tin Đấng mệnh danh là Đức Chúa Trời. Con người là vĩ đại
nhất, và là loài cao quí nhất trong tất cả những tạo vật. Không
có Đức Chúa Trời trong vũ trụ này; chỉ con người là mọi sự”.
Lúc ấy, chúng tôi đang ngồi đối diện với nhau. Khi nghe anh
nói vậy, tôi đứng dậy, đến một góc phòng, khom xuống và
chăm chú nhìn anh ấy. Tôi nói: “Anh thật là vĩ đại!” Sau đó, tôi
bước đến một góc khác của căn phòng và ngắm anh từ một góc
cạnh khác. Tôi cố ý nói với anh: “Đúng vậy, anh thật vĩ đại!
Tại tỉnh Kaingsu có ba mươi triệu người giống anh. Ít nhất có
bốn trăm triệu người thuộc loại như anh tại Trung Quốc. Thế
giới chỉ có hai tỷ người giống như anh. Anh có biết là mấy hôm
trước có một trận lụt ở miền nam không? Con đê dọc theo bờ
sông ở trong tình trạng nguy ngập. Toàn thể dân chúng tại
Hsing Hwa với hai trăm ngàn người được tuyển mộ vội vã đến
con đê trong mối lo sợ. Họ khiêng đất để củng cố bờ đê. Công
tác sửa chữa vẫn còn đang diễn ra”.

“Giả sử thế giới được tuyển mộ để đào rỗng mặt trời. Một lỗ
thủng được khoan xuyên qua bề mặt mặt trời, và mỗi người
phải tải đi một khối chất liệu từ bên trong. Giả sử không ai bị
thiêu trụi ra tro, anh nghĩ họ có thể thực hiện công việc này
không? Dầu mọi người đều chui vào bên trong, họ cũng không
làm đầy được mặt trời. Điều ấy vẫn chưa hết. Nếu anh đặt vài
trăm hành tinh cỡ trái đất vào trong mặt trời và bắt đầu lắc
mặt trời, anh sẽ thấy mặt trời vẫn còn rất rỗng bên trong. Có
bao nhiêu mặt trời trong vũ trụ này? Anh có biết rằng số thái
dương hệ lên đến hàng trăm triệu không?

VŨ TRỤ RỘNG LỚN BAO NHIÊU?
Sau đó, tôi nói với người thanh niên ấy: “Và anh ở đây!
Thậm chí anh chưa từng đi khắp trái đất, mà anh còn tự xem
mình vĩ đại hơn cả vũ trụ. Để tôi hỏi anh một điều, anh có biết
vũ trụ rộng lớn bao nhiêu không? Hãy lấy ánh sáng làm ví dụ.
Ánh sáng di chuyển với vận tốc 300.000 kilomet mỗi giây. Hãy
thử tính xem ánh sáng di chuyển bao xa trong một phút, trong
một giờ, trong một ngày hay trong một năm. Có một vài ngôi
sao mà ánh sáng của chúng phải cần đến ba ngàn năm mới đến
với chúng ta. Hãy đi tính xem chúng cách chúng ta bao xa! Và
anh lại tưởng rằng mình rất vĩ đại sao? Vì vậy, tôi khuyên mọi
người vô thần và những thanh niên giống như vậy công nhận
sự bất lực của con người không những về mặt đạo đức, mà còn
về mặt trí năng và học vấn nữa”.

CON NGƯỜI CÓ THỂ VƯỢT QUA GIỚI HẠN
CỦA THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN KHÔNG?
Một lần khác, khi ở tại Kaifeng, tôi gặp một thanh niên
khác là một trong những người vô thần kiên cường. Tôi bước
đến vỗ vai anh và nói: “Hôm nay tôi gặp Đức Chúa Trời!” Anh
ngạc nhiên nhìn tôi chằm chằm và yêu cầu giải thích thêm. Tôi
trả lời: “Anh là Đức Chúa Trời! Nếu anh nhận biết rằng không
có Đức Chúa Trời thì anh phải là Đức Chúa Trời”. Anh xin tôi
giải thích. Tôi nói: “Vì anh được thuyết phục là không có Đức
Chúa Trời nên anh hẳn đã đi khắp trái đất. Nếu Đức Chúa
Trời không ở tại Thượng Hải thì Ngài có thể vẫn còn ở tại
Nan king. Anh hẳn đã ở cả hai nơi. Điều đó vẫn chưa hết. Nếu
Đức Chúa Trời không ở tại Nan king, Ngài có thể ở tại Tien -
tsin. Anh hẳn cũng đã đến Tien tsin. Nhưng anh không thể rút
ra kết luận đơn giản như vậy bởi vì mình đã ở nhiều nơi tại
Trung Quốc; có thể Đức Chúa Trời đang ở tại một quốc gia
khác. Vì vậy, anh hẳn đã đến mọi quốc gia trên trái đất này.
Nếu Đức Chúa Trời không ở tại nơi này, có thể Ngài đang ở tại
một nơi khác. Vì vậy, anh hẳn đã đi khắp thế giới. Biết đâu
Đức Chúa Trời đang ẩn núp ở Bắc Cực hay Nam Cực, hay đang
ở trong rừng sâu hoặc sa mạc nào đó. Vậy, anh hẳn cũng đã đi
khắp những vùng này. Nếu không tìm thấy Đức Chúa Trời trên
trái đất, Ngài có thể được tìm thấy trên mặt trăng. Vậy nên,
anh hẳn đã lên mặt trăng rồi. Cũng có thể Đức Chúa Trời đang
ở tại những hành tinh khác hay ngoài không gian. Điều này có
nghĩa là anh đã đi khắp không gian và tất cả những thiên hà
khác. Nếu anh có thể nói là không có Đức Chúa Trời thì đó
phải có nghĩa là anh đã đi khắp vũ trụ. Nếu như vậy thì anh
phải là chính Đức Chúa Trời”.

“Vẫn chưa hết. Dầu anh biết Đức Chúa Trời hôm nay không
hiện hữu tại Thượng Hải, còn hôm qua thì sao? Có lẽ ngày mai
Đức Chúa Trời sẽ đến. Anh nói là hôm nay không có Đức Chúa
Trời, nhưng còn năm ngoái thì sao? Và làm sao anh biết được
năm tới Đức Chúa Trời sẽ không đến? Anh nói năm nay không
có Đức Chúa Trời, nhưng còn một ngàn năm trước thì sao? Tốt
lắm, anh phải là một đấng vĩnh hằng biết mọi điều về quá khứ
lẫn tương lai. Anh phải là một đấng vượt trên thời gian và
không gian. Anh phải ở tại Tien tsin và một quốc gia khác cùng
một lúc; anh phải có mặt khắp nơi từ đông sang tây, từ Bắc
Cực đến Nam Cực. Có ai khác ngoài ra anh mới có thể là chính
Đức Chúa Trời? Nếu anh không phải là Đức Chúa Trời, anh
không bao giờ có đủ điều kiện nói rằng không có Đức Chúa
Trời”.

BẰNG CHỨNG
Lập tức vài người sẽ lùi lại và nói: “Tôi chưa từng nói là
mình biết không có Đức Chúa Trời. Không ai có thể xác định là
có Đức Chúa Trời hay không”. Tốt, nếu bạn không thể kết luận
thì tôi sẽ yêu cầu những nhân chứng mà tôi xét thấy xứng đáng
để trình bày những lý lẽ cho bạn và chứng minh Đức Chúa Trời
hiện hữu. Tôi xin nhắc lại một điều, bạn là thẩm phán, còn tôi
là công tố viên. Tôi chỉ trình bày bằng chứng trước mặt bạn.
Có Đức Chúa Trời hay không, bạn hãy tự quyết định.

VŨ TRỤ
Trước hết, hãy nhìn xem thiên nhiên; thế giới và mỗi hiện
tượng trong đó đều ở trước mắt chúng ta. Tất cả chúng ta đều
biết rằng kiến thức khoa học là sự giải thích duy lý về những
hiện tượng thiên nhiên. Chẳng hạn như quan sát độ hạ thân
nhiệt của một bệnh nhân. Giảm thân nhiệt là một hiện tượng,
và sự giải thích về điều này là kiến thức khoa học. Khi một trái
táo từ trên cây rơi xuống, đó cũng là một hiện tượng. Tại sao
trái táo không bay trong không trung? Sự giải thích hiện tượng
này tạo nên kiến thức. Người có kiến thức là một người có
những sự giải thích phù hợp.

CHỈ CÓ HAI CÁCH GIẢI THÍCH
Vũ trụ cho thấy vô số những hiện tượng với những trạng
thái, màu sắc, hình dạng và bản chất khác biệt. Chúng ta
không thể không lưu ý đến những hiện tượng này ở trước mắt
mình. Sự giải thích tất cả những hiện tượng này được xem là
kiến thức. Tất cả những người sâu sắc đều chỉ có hai cách giải
thích về nguồn gốc của vũ trụ, chứ không có cách giải thích thứ
ba. Bạn phải chấp nhận một trong hai cách giải thích này.
Hai cách giải thích ấy là gì? Cách giải thích thứ nhất nói
rằng vũ trụ được hình thành nhờ sự tiến hóa tự nhiên hay tự
tương tác; cách giải thích thứ hai coi nguồn gốc của vũ trụ là
một Đấng được nhân cách hóa có trí tuệ và mục đích. Đây là
hai cách giải thích duy nhất được mọi triết gia trên thế giới
trình bày. Không có cách giải thích thứ ba.

Vũ trụ phát xuất từ đâu? Vũ trụ tự hình thành hay nhờ sự
ngẫu nhiên? Hay có phải vũ trụ được thiết kế bởi Đấng mà từ
đó chúng ta nhận được quan niệm về Đức Chúa Trời? Bạn phải
suy nghĩ và quyết định về điều này. Mọi điều ra từ sự ngẫu
nhiên đều có những đặc tính nào đó. Tôi đề nghị bạn liệt kê
tất cả những điều này một cách tường tận, càng tường tận càng
tốt, và sau đó so sánh tất cả những hiện tượng của vũ trụ với
bản liệt kê của bạn. Cùng với việc ấy, hãy lập nên một bản liệt
kê khác về những đặc điểm mà theo ý kiến của bạn là những
điểm đáng chú ý nếu vũ trụ được một Đấng thông minh sáng
tạo. Bây giờ, nhờ so sánh giữa thiên nhiên và hai bản liệt kê
của mình, bạn sẽ dễ dàng rút ra được một kết luận hợp lý.

NHỮNG SỰ KIỆN NGẪU NHIÊN
Đặc tính của những điều xảy ra cách ngẫu nhiên là gì?
Trước hết, như chúng ta biết, chúng không được tổ chức. Cùng
lắm là chúng có thể hòa nhập với nhau một phần nào. Chúng
không bao giờ có thể hoàn toàn được tổ chức. Một người có thể
ngẫu nhiên thực hiện được một mục tiêu cụ thể chỉ một lần,
nhưng không bao giờ có thể luôn luôn thực hiện một mục tiêu
cụ thể cách ngẫu nhiên. Bất cứ điều gì hình thành cách ngẫu
nhiên đều chỉ có thể hòa nhập với nhau một phần nào thôi, chứ
không bao giờ trọn vẹn được. Chẳng hạn nếu tôi quăng cái ghế
này sang bên kia phòng, nó có thể ngẫu nhiên dừng lại ở một
góc độ hoàn chỉnh. Nếu tôi cũng làm như vậy với chiếc ghế thứ
hai, có thể nó cũng nằm gọn gàng kế bên chiếc ghế đầu tiên.
Nhưng điều này sẽ không thể tiếp tục xảy ra lần thứ ba, thứ tư
và những lần sau đó. Sự ngẫu nhiên chỉ tạo nên một tổ chức
không hoàn chỉnh, chứ không bảo đảm đưa đến một tình trạng
hòa nhập trọn vẹn. Hơn nữa, tất cả những sự tương tác ngẫu
nhiên đều không có cùng đích, vô tổ chức và vô mục đích.
Chúng không có trật tự và cấu trúc nào cả; chúng rời rạc,
không có hình dạng rõ rệt, rối loạn và không hướng về bất cứ
mục đích có ý nghĩa nào. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng các
đặc điểm của những sự kiện có tính ngẫu nhiên là không hòa
hợp, bất thường, không nhất quán, vô mục đích và tầm thường.

TÍNH NHẤT QUÁN VÀ TỔ CHỨC
Bây giờ, chúng ta hãy so sánh những sự vật trong vũ trụ với
những đặc điểm ấy. Hãy lấy con người làm ví dụ. Con người
được cưu mang trong tử cung người mẹ chín tháng rồi được sinh
ra; con người lớn lên và cuối cùng chết đi. Chu kỳ này được lặp
lại với mỗi cá nhân. Tính nhất quán có thể thấy được. Đó
không phải là một trò chơi lộn xộn có tính ngẫu nhiên. Một lần
nữa, hãy nhìn lên mặt trời ở trên đầu bạn. Mặt trời không
hiện hữu cách vô mục đích, mà có mục đích và ý nghĩa của nó.
Hãy nhìn xem mặt trăng, các ngôi sao và vô số những thiên hà
qua viễn vọng kính của bạn. Những ngôi sao có các hành tinh
riêng của nó. Tất cả đều chuyển theo những quỹ đạo và mẫu
hình nhất định. Chúng đều được tổ chức. Cách chuyển động của
chúng có thể được tính toán và dự đoán. Lịch mà bạn đang
dùng được rút ra từ đó. Thậm chí lịch cho năm tới có thể được
in ra trước khi năm nay đã qua. Tất cả những điều này cho
thấy vũ trụ được tổ chức, có tính nhất quán và đầy mục đích.

NHỮNG VI SINH VẬT
Chúng ta hãy chuyển sang thế giới vi mô. Hãy lấy một lát
cây mỏng, và đặt nó dưới kính hiển vi quan sát đường vân cùng
cấu trúc của nó; tất cả đều cân đối một cách chi tiết và hài hòa.
Thậm chí một cọng cỏ hay một cánh hoa đều được cấu thành
một cách tinh tế. Không gì là thiếu tổ chức và hỗn loạn. Mọi sự
đều ở trong kỷ luật và chức năng. Tất cả những điều này làm
chứng cho bạn một sự thật: về mặt vĩ mô và vi mô, vũ trụ đầy
mục đích và đầy ý nghĩa. Bạn có thể nói rằng tất cả những
điều này được hình thành bởi sự ngẫu nhiên không? Chắc chắn
bạn không thể nói như vậy được.

NÓ CÓ ĐƯỢC CHIẾM CỨ KHÔNG?
Lần kia tôi rao giảng phúc-âm với một anh em đồng công
của tôi tại một làng nọ. Trên đường về, chúng tôi khát nước vô
cùng. Không có quán giải khát hay dòng suối nào để chúng tôi
có thể kiếm được nước uống. Thật ra toàn khu vực ấy không có
người ở. Sau khi đi bộ một lúc, chúng tôi thấy một túp lều
tranh, thì liền bước đến gõ cửa. Một hồi lâu không ai ra trả lời
nên chúng tôi nghĩ đó là nơi không người ở. Khi mở cửa bước
vào, chúng tôi thấy sàn nhà được quét dọn sạch sẽ. Một trong
những căn phòng còn có giường với chăn gối được xếp gọn
gàng. Lại có một bình trà trên bàn, và nước trà trong bình vẫn
còn ấm. Tôi nói: “Chắc chắn nơi này phải có người ở. Không
nghi ngờ gì nữa, mọi sự sắp đặt cho thấy nhà này có người ở.
Chúng ta phải đi ra ngay, kẻo người ta tưởng mình là những
tên trộm”. Chúng tôi bước ra ngoài và đợi chủ nhà trở về.
Nhờ quan sát sự sắp đặt của căn nhà, chúng tôi kết luận là
có người đang sống tại đó, dầu chưa từng thấy chủ nhà. Tương
tự như vậy, chúng ta biết Đức Chúa Trời đang hiện hữu nhờ
thấy việc sắp đặt mọi sự trong vũ trụ, mặc dầu chúng ta không
thể nhìn thấy Ngài. Mỗi một hiện tượng trong thiên nhiên đều
rất quân bình, có tổ chức, đầy ý nghĩa và có chức năng. Có lẽ
anh nói chúng ngẫu nhiên xuất hiện, nhưng tôi lại không thể
tin rằng sự ngẫu nhiên là nguyên nhân duy nhất của vũ trụ.
Kinh-thánh nói: : “Người ngu dại nói trong lòng rằng: Không có
Đức Chúa Trời”. Chỉ những người ngu dại mới có thể nói trong
lòng rằng không có Đức Chúa Trời.

NGẪU NHIÊN HAY ĐƯỢC THIẾT KẾ
Vũ trụ phải được sáng tạo bởi một Đấng nào đó với sự khôn
ngoan sâu sắc, kiến thức rộng lớn và thiết kế phức tạp. Nếu
không thể chấp nhận quan niệm về sự ngẫu nhiên hình thành
của vũ trụ thì bạn phải công nhận là vũ trụ được một Đức Chúa
Trời như vậy tạo dựng. Không thể có một sự giải thích thứ ba.
Bạn được quyền lựa chọn. Bạn phải quyết định là vũ trụ được
hình thành bởi sự ngẫu nhiên hay được tạo dựng bởi Đức Chúa
Trời.

NHU CẦU VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA NÓ
Một nhân chứng có thể không đủ. Tôi sẽ gọi một nhân
chứng khác. Lần này, chúng ta sẽ xét đến lòng người. Trước
khi bắt đầu, chúng ta cũng nên quan sát một sự kiện: nếu có
một nỗi khao khát nào đó thì trước hết phải có một đối tượng
cho nỗi khao khát ấy. Chẳng hạn như một đứa trẻ mồ côi cha,
tự nhiên nó khao khát tình yêu của người cha. Tôi đã hỏi nhiều
người từng là trẻ mồ côi, tất cả đều cảm thấy một nỗi khao
khát cha mẹ không thể nào kềm chế được. Nhờ đó, chúng ta có
thể thấy rằng mỗi nỗi khao khát của tấm lòng đều ra từ một
đối tượng trong thế giới.

Là con người, chúng ta đều cần được chấp nhận trong một
xã hội. Chúng ta cần tình bè bạn và tình tương thân. Nếu anh
bỏ một cậu bé trên một hoang đảo và nó lớn lên một mình, thì
nó vẫn mong mỏi có bạn là những người giống mình, mặc dầu
nó chưa từng thấy một người nào. Sự mong mỏi và nỗi khao
khát này chính là bằng chứng bày tỏ rằng tại một nơi nào đó
trên thế giới có một hữu thể được gọi là là “con người”. Đến
một tuổi nào đó, con người bắt đầu suy nghĩ về thế hệ mai sau,
và bắt đầu muốn có con cái và cháu chắt. Đây không chỉ là mơ
mộng. Sự khao khát này xuất phát từ sự hiện hữu và khả năng
có con cái. Do đó, ở đâu có nỗi khao khát thì ở đó có một đối
tượng phù hợp với nỗi khao khát ấy.

CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG LÒNG
Chúng ta còn có nỗi khao khát nào khác ngoại trừ sự chấp
nhận của xã hội và sự tự lưu truyền dòng giống không? Những
ước muốn khác là gì? Sâu thẳm trong lòng mỗi người đều có
một nỗi khao khát về Đức Chúa Trời. Dầu họ là những dân tộc
có nền văn minh cao như các chủng tộc người da trắng, hay có
nền văn minh cổ xưa như nền văn minh Trung Hoa, hay những
người bản xứ tại Châu Phi và những thổ dân không có văn hóa,
tất cả đều có một nỗi khao khát về Đức Chúa Trời. Hễ là con
người thì ai cũng đều khao khát Đức Chúa Trời, bất kể thuộc
chủng tộc hay quốc gia nào. Đây là một sự thật. Anh không thể
bác bỏ điều này. Mọi người đều đang tìm kiếm Đức Chúa Trời.
Khắp nơi, con người đang khao khát Đức Chúa Trời. Đây là
điều rất rõ ràng.

Nhờ áp dụng nguyên tắc mà chúng tôi vừa nêu lên, chúng ta
có thể thấy rằng vì lòng chúng ta cảm thấy cần Đức Chúa Trời
nên nhất định phải có một Đức Chúa Trời trong vũ trụ. Vì lòng
người cần Đức Chúa Trời, nên phải có Đức Chúa Trời hiện hữu
trong vũ trụ. Nếu Đức Chúa Trời không hiện hữu thì chúng ta
sẽ không bao giờ có một ước muốn như vậy trong lòng mình.
Tất cả chúng ta đều thèm thức ăn. Tương tự như vậy, tất cả
chúng ta đều khao khát Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể
sống nếu chỉ thèm khát thức ăn mà không ăn thức ăn. Cũng
vậy, chúng ta không thể sống nếu chỉ có khoảng trống dành
cho Đức Chúa Trời mà không có Đức Chúa Trời.

CHƯA BAO GIỜ NGHĨ VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI?
Lần kia, một người vô thần lớn tiếng cộc cằn phản ứng với
tôi rằng: “Anh nói về phương diện tâm lý con người có nhu cầu
về Đức Chúa Trời. Nhưng không có chuyện đó đâu, và tôi
không tin điều đó”. Tôi nói: “Được, có phải ý anh muốn nói là
anh chưa bao giờ nghĩ về Đức Chúa Trời không? Thật ra, thậm
chí trong khi đang nói, anh đã nghĩ về Ngài. Điều này cho
thấy anh có thể chứa đựng Đức Chúa Trời. Không có người nào
mà chẳng bao giờ nghĩ về Đức Chúa Trời. Một người có thể cố
gắng không suy nghĩ nhiều về Ngài. Vì ý tưởng này ở trong
anh nên phải có một đối tượng ở ngoài anh”.

LỜI NÓI VÀ TẤM LÒNG
Lần nọ, một thanh niên kia đến tranh luận với tôi về Đức
Chúa Trời. Anh ấy quyết liệt bác bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa
Trời. Anh đưa ra hết lý do này đến lý do khác để nói không có
Đức Chúa Trời. Trong khi anh liệt kê nhiều lý do nói lên tại sao
Đức Chúa Trời không nên hiện hữu, tôi im lặng lắng nghe mà
không nói một lời. Rồi tôi bảo: “Mặc dầu anh khẳng định là
không có Đức Chúa Trời và viện dẫn rất nhiều lý lẽ, nhưng anh
đã thua cuộc tranh luận này rồi”. Anh ấy nói: “Ý anh muốn nói
gì?” Tôi tiếp tục giải thích rằng: “Miệng anh có thể nói nhiều
đến đâu đi nữa tùy thích về việc không có Đức Chúa Trời, nhưng
lòng anh thế nào cũng đứng về phía tôi”. Anh đã phải đồng ý
với tôi về điều đó. Mặc dầu một người có thể đưa ra mọi lý do
trong đầu, nhưng có một đức tin trong lòng mà không lý lẽ nào
có thể đánh bại. Một người bướng bỉnh có thể nêu lên một ngàn
lẻ một lý do, nhưng bạn có thể mạnh dạn nói với người ấy rằng:
“Trong lòng, anh biết có Đức Chúa Trời. Tại sao anh lại khổ
công tìm kiếm bằng chứng ở bên ngoài?”

KÊU CẦU ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG HIỂM NGUY
Có lần một giáo sĩ tại Nam Mỹ trông thấy một người rao
giảng trước một đám đông tại khu đất trống trong rừng. Người
ấy phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời một cách mạnh
mẽ và quyết liệt. Anh hăng hái đưa ra hơn mười lý do, hết lý
do này đến lý do kia, để chứng minh Đức Chúa Trời không hiện
hữu. Sau khi giảng xong, người ấy hỏi: “Quí vị nào muốn phản
đối, xin lên đây”.

Sự im lặng bao trùm bầu không khí. Vị giáo sĩ quyết định là
mình phải nói một điều gì đó. Ông đứng lên và bảo đám đông:
“Thưa các bạn, tôi không thể nêu lên nhiều lý do. Tôi chỉ có thể
đưa ra những sự kiện và xin kể cho các bạn một câu chuyện.
Hôm qua, tôi đi dọc theo bờ con sông lớn, mà như các bạn đều
biết, con sông ấy chảy rất nhanh và dẫn đến một thác nước
nguy hiểm. Tôi ở trên bờ sông và nghe một người cầu cứu.
Người ấy kêu lên rõ ràng: ‘Trời ơi! Xin cứu con!’ Tôi chạy về
hướng có tiếng động và thấy một người ở giữa dòng sông đang
bị cuốn về phía thác nước. Không do dự hay suy nghĩ về hiểm
nguy, tôi nhảy xuống sông. Dòng nước chảy xiết, và tôi phải
chật vật cố gắng giữ chính mình để khỏi bị nước cuốn. May là
tôi khá mạnh. Với một cánh tay choàng quanh người ấy và tay
kia bơi, tôi xoay xở kéo được anh ấy vào bờ. Sau khi thực hiện
điều ấy, tôi cảm thấy rất sung sướng. Các bạn có biết ai là
người đã cầu cứu Đức Chúa Trời không? Tôi xin giới thiệu
người ấy cho các bạn”. Đến đây, vị giáo sĩ chỉ tay hướng về
người vừa mới thuyết giảng. Ông kết luận: “Người hôm qua kêu
cầu Đức Chúa Trời cũng chính là người phủ nhận Ngài hôm
nay. Đây là người mà các bạn gọi là người vô thần!”
Mọi nan đề đều xuất phát từ bên trong. Khi một người ở
trên ranh giới giữa sống và chết, người ấy kêu cầu Đức Chúa
Trời. Khi mối nguy hiểm đã qua, người ấy lại tranh luận và phủ
nhận Đức Chúa Trời. Trong lòng của mình, tất cả đều biết có
một Đức Chúa Trời; chúng ta không còn thắc mắc gì nữa về
điều này. Chúng ta biết thế vì có một chỗ chứa Đức Chúa Trời.
Khả năng chứa đựng Đức Chúa Trời chứng minh là có Đức
Chúa Trời.

LỜI CẦU NGUYỆN CÓ ĐƯỢC TRẢ LỜI KHÔNG?
Chúng ta không nên chỉ nhìn đến những hiện tượng khách
quan mà không đếm xỉa gì đến kinh nghiệm chủ quan của riêng
mình. Chúng ta biết Đức Chúa Trời đáp lại những lời cầu
nguyện. Một lần kia, tôi nói chuyện với một người cương quyết
phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Tôi bảo người ấy là
đừng quá táo bạo và tự phụ. Lịch sử nhân loại có từ năm đến
sáu ngàn năm. Trong suốt thời gian này, vô số người ở trong
lẫn ở ngoài Cơ-đốc giáo đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Anh
có thể chứng minh rằng không có lời cầu nguyện nào trong
những lời cầu nguyện đã được thốt lên trải qua nhiều năm
tháng và giữa vòng nhiều dân tộc đã được trả lời sao? Thẳng
tay gạt bỏ bằng chứng vững chắc về những lời cầu nguyện đã
được đáp ứng, như vậy anh có quá táo bạo không? Những người
ấy cầu nguyện với trời. Anh có thể nói rằng không một lời cầu
nguyện nào của họ được trả lời sao? Tôi xin làm chứng rằng
không chỉ có một hai lời cầu nguyện được đáp ứng, mà đã có vô
số lời cầu nguyện được trả lời. Tất nhiên, một sự đáp lời cầu
nguyện cũng đủ chứng minh sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.
Bạn ơi, bạn nghĩ là chưa bao giờ cầu nguyện mà được đáp ứng
sao? Anh muốn nói là mọi sự đáp ứng lời cầu nguyện đều giả
tạo phải không? Riêng tôi đã có ít nhất hai ba ngàn lời cầu
nguyện được trả lời. Anh có thể tưởng tượng được rằng mọi sự
đáp lời cầu nguyện chỉ là những chuyện tình cờ sao? Nhiều
người khác cũng có những lời cầu nguyện được trả lời. Tất cả
những sự đáp ứng ấy cũng chỉ là tình cờ sao?

Lần kia, một nhà truyền đạo đang vượt qua Đại Tây Dương
thì một làn sương dày đặc thình lình bao phủ con tàu. Chiếc
tàu ấy không thể tiếp tục cuộc hành trình và phải bỏ neo ở
giữa biển. Nhà truyền đạo ấy đến nói với viên thuyền trưởng:
“Ông phải nhổ neo ngay; tôi sắp xếp chương trình để rao giảng
tại Que bec vào thứ ba này”. Vị thuyền trưởng trả lời: “Ông có
thấy sương mù dày đặc không? Con tàu không thể tiếp tục cuộc
hành trình được. Nếu ông có thể cầu nguyện làm xua tan làn
sương mù thì chắc chắn tôi sẽ nhổ neo”. Nhà truyền đạo ấy trả
lời: “Hãy tiến hành đi. Tôi sẽ cầu nguyện ngay tại đây trong
khi ông nhổ neo. Không nên để mất thì giờ”. Ông bắt đầu cầu
nguyện. Vị thuyền trưởng bắt đầu nhổ neo trong khi người
truyền đạo cầu nguyện. Khi neo được nhổ thì sương mù không
còn nữa. Chiếc tàu ấy đến nơi đúng giờ. Đó có phải là một sự
tình cờ không?

ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN THẬT TRẢ LỜI
NHỮNG SỰ CẦU NGUYỆN
Lần kia, tôi cùng với một vài anh em đến một làng nọ rao
giảng. Nhiều người tại đó nói: “Thần của chúng tôi là mạnh mẽ
nhất; ngài được gọi là Đại Vương. Mỗi năm một lần chúng tôi
tổ chức lễ rước kiệu cho ngài, và trong nhiều năm, ngày đó luôn
luôn có thời tiết tốt. Vào ngày ấy, chúng tôi chưa bao giờ gặp
thời tiết xấu”. Được Đức Chúa Trời thúc giục, một người trong
chúng tôi nói: “Ngày mai khi lễ rước kiệu tiến hành, chắc chắn
trời sẽ mưa”. Hôm sau, lễ rước kiệu được cử hành lúc mười giờ.
Nhưng từ chín giờ sáng đã có một trận mưa to; vị “Đại Vương”
không thể xuất hiện, và lễ rước kiệu đã dự tính phải bị hoãn
lại. Sau khi thảo luận hồi lâu, họ công bố rằng theo kết quả có
được nhờ tính toán cẩn thận thì họ đã chọn lầm ngày rước
kiệu; lẽ ra phải là ngày mười bốn thay vì ngày mười một.
Chúng tôi mạnh dạn tuyên bố rằng chắc chắn trời lại sẽ mưa
vào ngày mười bốn. Ngày ấy đến, và trời lại mưa. Không còn
lựa chọn nào khác, người ta khiêng tượng Đại Vương ra để rước
kiệu. Trên đường đi, những người khiêng bị trợt ngã nhiều lần,
và Đại Vương bị rơi xuống và vỡ ra thành nhiều mảnh. Đó có
phải là một sự tình cờ không? Có vô số sự việc xảy ra có đồng
một bản chất với sự kiện trên. Chúng chỉ là một phần rất nhỏ
của kinh nghiệm Cơ-đốc. Nếu mọi câu trả lời cho sự cầu nguyện
được liệt kê, thì không ai biết phải cần đến một quyển sách bao
lớn. Những lời cầu nguyện được trả lời này là một bằng chứng
mạnh mẽ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.

GÓI HÀNG TỪ HOA KỲ
Khi còn trẻ, tôi có một tâm trí cứng cỏi và bướng bỉnh.
Không những tôi không chịu tin có một Đức Chúa Trời, mà
thậm chí không chịu tin có nước Hoa Kỳ ở Châu Mỹ. Sau khi
nhìn bản đồ Hoa Kỳ, tôi vẫn không tin là có một nơi như vậy.
Một ngày kia, khi ba tôi đặt mua vài món hàng ở bên Mỹ, tôi
hững hờ đặt mua một đôi giày và một chiếc tàu đồ chơi. Ít lâu
sau, khi ba tôi mang về một gói hàng từ bưu điện và đưa cho tôi
đôi giày cùng chiếc tàu đồ chơi, tôi mới bắt đầu tin Hoa Kỳ có
thật vì tôi đã thấy tận mắt gói hàng từ Mỹ. Nhiều năm sau,
khi đến tại Chi cago, tôi cố ý thăm viếng cửa hàng bách hóa là
nơi gởi món đồ chơi ấy cho tôi. Chỉ vào ngôi nhà ấy, tôi tự nhủ
rằng đó là điều làm cho tôi tin có nước Hoa Kỳ.
Tôi không thể cung cấp cho bạn bằng chứng hay câu trả lời
trực tiếp cho vấn nạn về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.
Nhưng tôi đang trình bày tất cả những bằng chứng về sự trả
lời những lời cầu nguyện. Bạn không nên mạnh bạo phủ nhận
Đức Chúa Trời một cách nhanh chóng và không nên dứt khoát
bác bỏ sự đáng tin của những lời cầu nguyện.

TIẾP XÚC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ CẦU NGUYỆN
Một lần kia, tôi gặp một sinh viên tại trường đại học
Yenching. Anh thú nhận với tôi như thế này: “Khi còn ở trung
học, vị tuyên úy và các thầy giáo đều dạy tôi là có một Đức
Chúa Trời, và tôi đã tin Ngài. Về sau, khi lên đại học, mọi
người đều nói là không có Đức Chúa Trời. Họ nói thế giới hiện
hữu nhờ sự tiến hóa tự nhiên, và vũ trụ hình thành nhờ sự
ngẫu nhiên. Vì quá nhiều người cùng nói một điều, nên tôi trở
nên rối trí. Nan đề này gây phiền phức cho tôi trong nhiều
tháng. Tôi đã phải lựa chọn một trong hai điều có thể xảy ra.
Có một Đức Chúa Trời, hay không có một Đức Chúa Trời?
Thoạt tiên, tôi suy gẫm về thuyết ngẫu nhiên. Nếu có một vài
điều được gom lại với nhau, khuấy lên và trộn lẫn với nhau,
liệu có thể sinh ra một con người sống động không? Liệu cả thế
giới và thậm chí toàn vũ trụ có phải được cấu tạo theo cùng
một kiểu như vậy không? Tôi không thể đi đến kết luận bằng
loại phỏng đoán này. Cuối cùng, tôi không thể không quỳ gối
xuống mà nói: ‘Đức Chúa Trời ơi, con không biết Ngài có thật
hiện hữu không. Càng suy nghĩ về điều này thì con càng bị rối
trí. Xin cho con thấy chính Ngài’. Hai tuần sau khi cầu nguyện
như vậy, tôi phủ nhận thuyết ngẫu nhiên và tin là có một Đấng
Tạo Hóa. Tôi không thể nói cho anh biết tại sao tôi quyết định
như vậy. Nhưng tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã đáp lại lời cầu
nguyện của tôi và dẫn tôi đến chỗ tin Ngài”. Đây là một trường
hợp khác về lời cầu nguyện được trả lời. Tôi biết Đức Chúa
Trời quá rõ. Tôi đã tiếp xúc với Ngài nhiều lần, và rất nhiều
vấn đề liên hệ đã được giải quyết giữa Ngài và tôi. Tôi biết
mình đang nói gì. Nếu bạn đã từng chạm đến Đức Chúa Trời
thì bạn cũng biết tôi đang nói gì.

SỰ PHÁN ĐOÁN CẨN TRỌNG
Bây giờ bạn sẽ phải nói gì? Sau khi quan sát thiên nhiên và
vũ trụ, sau khi kiểm tra lại cảm nhận bên trong của mình, và
sau khi nghe lời của các nhân chứng, tùy bạn quyết định xem
thật có một Đức Chúa Trời hay không. Bạn không nên thiếu
tinh thần trách nhiệm; thái độ chúng ta cần phải chín chắn, vì
chẳng bao lâu mọi người đều sẽ phải đối diện với Đức Chúa
Trời. Một ngày kia, tất cả đều sẽ phải đứng trước mặt Ngài.
Mọi điều liên quan đến chính bạn sẽ được phơi bày. Ngày đó,
bạn sẽ biết Đức Chúa Trời. Nhưng bây giờ là thời điểm để bạn
chuẩn bị. Tất cả chúng ta nên chuẩn bị gặp Đức Chúa Trời của

mình.
W.N.