Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Người Nô Lệ Tên Lu-ca

Andrea Mantegna 017.jpg
Bác sĩ Luke


Quý thính giả và độc giả đang đọc tựa đề của bài viết này đúng! Bác sĩ Luca, một trong những vị thánh đồ và tác giả hấp dẫn nhất và được thán phục trong Kinh Thánh, xuất thân từ gia đình nô-lệ. Ông ta hấp dẫn chính vì rất ít dữ kiện về ông ta cho nên cuộc đời của Luca còn lắm bí ẩn chưa tìm thấy. Dầu có ai muốn bài bác đi chăng nữa, ông thường được coi là tác giả của sách Tin Lành Luca và sách Công Vụ, người được sứ đồ Phao-lô gọi là "vị thầy thuốc đáng kính yêu" (Côlôse 4:14).





Các nhà thần học và các sử gia tranh luận rằng có lẽ cha mẹ Luca phục vụ với tư cách nô lệ cho một người có chức tước hoặc tiền của có tên là Theophilus. Cho nên chúng ta thấy Luca nhắc đến Theophilus với thái độ kính trọng trong sách Tin Lành Luca 1:3 và sách Công vụ đoạn 1 (the honorable Theophilus...) Cái tên Luca (Luke) trong tiếng Hy-lạp là Loukas hay Loukon và trong tiếng La-tin nghe có vẻ đầm thấm hơn, Lucious. Luca được nhắc đến 3 lần trong Kinh Thánh Tân Ước, trong sách Phi-lê-môn, Côlôse và sách II Timothê. Theo sử gia Eusebius vào thời hội thánh đầu tiên, Luca là người Hy-lạp có gốc gát ở thành phố cổ Antioch ở Syria, một thành phố quan trọng vào thời hội thánh đầu tiên, nằm dọc theo bờ biển Syria và Turkey. Người ta không biết rõ là Luca được đào tạo y-khoa ở đâu, nhưng ông là người ngoại không Do-Thái duy nhất viết một trong bốn sách Tin Lành và sách Công Vụ. Ông là người gốc Hy-Lạp, vào theo một chút hé mở trong sách Công Vụ đoạn 1, có lẽ ông làm nô lệ cho Theophilus.  Và do sự tò mò và sáng trí của Luca, ông được Theophilus gởi cho đi học y-khoa với dự tính Luca sẽ trở lại phục vụ cho ông sau khi Luca học y-khoa xong.  


img_sm9.jpg
Ngày nay vào thế kỷ thứ hai mươi mốt, chúng ta thường có ý nghĩ rằng hễ bất cứ ai là bác sĩ thì người đó tương đối có tiền của, có danh vọng. Nhưng đó không phải là điều xảy ra cho Luca. Vào những thế kỷ cuối trước Thiên Chúa, nghề bác sĩ chưa được kính trọng như ngày hôm nay. Cho đến khi Augustus đại đế lên làm Ceasar của La-mã, ông thấy tầm quan trọng của những bác sĩ để chăm sóc quân đội của ông, cho nên ông cho người làm bác sĩ thêm những lợi tức hầu thúc đẩy sự hăng hái tận tâm của những người theo nghề y-khoa. Chúng ta phải biết rằng người giàu có thời thế kỷ thứ nhất được đo lường qua việc họ có nhiều nô-lệ trong nhà hay không. Có một người chữa bệnh trong nhà mình là một điều tiện nghi và cần thiết vào thời đó vì đường xá xa xôi, bệnh viện lại thiếu thốn, và không những vị bác sĩ chăm sóc cho gia đình riêng của mình, mà còn chăm sóc cho các nhân viên người làm của mình lên đến hàng trăm người. Người ta không biết rõ Luke học ở trường nào và vì sao ông tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jêsus; nhưng, theo Tim La Hayes và Jerry Jenkins trong quyển sách "Luke Story", vừa tiểu thuyết vừa dựa trên sự thật của lịch sữ , có thể Luke học ở đại học Tarsus nơi chàng thanh niên quá khích Sao-lơ đã từng theo học để trở thành một Pha-ri-si cuồng tín. Nơi đó Luke gặp gỡ Sao-lơ và từ đó họ quen biết cho đến khi Sau-lơ trở thành Phao-lô. Qua việc làm chứng của Phao-lô và Luke chứng kiến cuộc đời thay đổi một cách kỳ lạ của Phao-lô, Luke tiếp nhận Chúa. Chúng ta thấy có một mối keo sơn giữa Phao-lô và Luke cho đến khi Phao-lô tuẩn đạo ở Rome. 

Phải nói, sự đóng góp của Luca cho đức tin trong Cơ-đốc-giáo thật là phi thường. Ông là tác giả sách Tin Lành Theo Thánh Luca đã được gửi đến đọc giả không phải là người Do Thái và hoàn toàn không quen thuộc với khái niệm độc thần (Chúa chỉ có một) và đời sống của Chúa Giêsu. Cuốn sách của Luke và được tiếp theo sau là sách Công Vụ cung cấp các chi tiết về Hội Thánh trong thời kỳ sơ khai lại bị đàn áp cai nghiệt và nổ lực của hội thánh đầu tiên đấu tranh trong nội bộ và ngoại cảnh. Nếu chỉ cứu xét về số lượng viết Kinh Thánh thôi, ông là tác giả sung mãn thứ hai hay thứ ba trong số các tác giả Tân Ước đàng sau Phao-lô và sứ đồ Giăng. 

Atlanta.jpg
Có người vẫn tiếp tục tranh luận rằng, Luca không thể nào là một người nô-lệ được vì văn tự ông dùng văn chương ông viết trong hai sách Luca và sách Công Vụ, chứng tỏ ông là một người có đầy kiến thức chớ không phải hạng nô lệ ngu dốc đần độn vào thời Lincoln ở thế kỷ 18, 19. Quý vị nói có lý nhưng đó là tâm trạng của một cái nhìn theo thế kỷ 20 và 21. Chúng ta phải hiểu là vào thế kỷ thứ Nhất vấn đề nô lệ ở vùng Trung Đông không phải là chủng tộc hay màu da nhưng là nạn kinh tế và sự thống trị của kẻ mạnh. Trong thế kỷ đầu tiên, nô lệ không bị phân biệt với người bình thường qua chủng tộc, hay qua lời nói hoặc bằng quần áo bề ngoài, họ đã đi học đôi khi còn cao hơn so với người chủ sở hữu của họ và giữ chức vụ chuyên nghiệp và có trách nhiệm; một số người bán mình làm nô lệ cho lợi ích kinh tế, xã hội, họ có lý do hy vọng sẽ được giải phóng sau mười đến hai mươi năm phục vụ hoặc chậm nhất là ba mươi năm, họ không bị từ chối có quyền hội họp công cộng và không bị xã hội tách biệt (ít nhất là ở các thành phố lớn), họ có thể tích lũy tiết kiệm để mua sự tự do của họ. 

 Anh Châu_TNPA