TÌM THẤY SỰ PHỤC SINH
TRONG CÁNH ĐỒNG CỦA CHÚA
Ruth 1 kết luận với việc Naomi và Ruth trở về Bethlehem từ miền đất Moab “vào đầu mùa gặt lúc mạch” (câu 22). Ý định của họ là trở về với sự cung cấp của Đức Chúa Trời (câu 6). Sau mọi kinh nghiệm bi thảm của bà trong miền đất Moab, Naomi trở nên nhạy bén đối với chính Đức Chúa Trời và hành động của Ngài. Trước lúc này, Bethlehem chỉ là kho thực phẩm trên danh nghĩa. Tuy nhiên, bây giờ Bethlehem là nơi chính Chúa đã thăm viếng bằng cách ban cho dân Ngài bánh (câu 6). Kinh nghiệm trước đây của Naomi tại Bethlehem là kinh nghiệm về nạn đói và thiếu sự chúc phước của Chúa. Bây giờ, bà nghe về sự chúc phước của Chúa tại Bethlehem và nhận thức rằng khi có Chúa, bà có thức ăn, và nếu thiếu thức ăn, thì bà thiếu chính Chúa. Khi thiếu vắng Chúa, thức ăn có thể có hoặc không, nhưng khi chúng ta có sự hiện diện của Chúa, chắc chắn chúng ta cũng có nguồn cung ứng của Chúa.
TRỞ VỀ VÌ THỨC ĂN VÀ TÌM THẤY MỘT BỮA TIỆC
Do đó, Ruth và Naomi trở về với ý định tìm thấy Đức Chúa Trời và thức ăn. Tuy nhiên, điều họ thực sự tìm thấy khi trở về là một bữa tiệc, một lễ kỉ niệm. Điều đó còn hơn cả việc chỉ tìm thấy thức ăn; đó là đầu mùa gặt lúa mạch. Ngày nay, những người đã kinh nghiệm nạn đói thuộc linh và trở về với nếp sống hội thánh đều tìm thấy một điều gì đó vượt hơn cả sự mong đợi của họ. Họ đang tìm kiếm thức ăn, nhưng lại tìm thấy một bữa tiệc! Họ không lường trước được rằng Christ mà họ đến để dự phần là một Christ dư dật như vậy.
BOAZ: MỘT NGƯỜI THÂN CÓ NGUỒN CUNG ỨNG PHONG PHÚ
Với mọi điều này làm bối cảnh, chương hai bắt đầu: “Có một người thân của chồng Naomi, một người rất giàu có thuộc gia đình Elimelech. Tên ông là Boaz”. Nói cách khác, Boaz là người có nguồn cung ứng phong phú. Ông có liên hệ với Đức Chúa Trời là Vua tôi (Elimelech), nhưng chính tên ông nghĩa là “trong người ấy có sức lực” (xem 1 Vua 7: 21, nơi Boaz là một trong hai cột trụ chống đỡ đền thờ của Chúa). Boaz rất phong phú và có thể đáp ứng bất cứ nhu cầu nào mà một người có thể có.
Có thể chúng ta cảm thấy mình quá yếu đuối không thể dự phần vào sự phong phú của Christ, Đấng là Boaz của chúng ta. Tuy nhiên, khi đến nhà của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy rằng Đấng này thậm chí có khả năng cung ứng cho chúng ta những gì cần thiết để dự phần vào sự phong phú của Ngài. Ngài có thể cung ứng cho chúng ta dù chúng ta mạnh hay yếu. Bất cứ điều gì chúng ta cần, Ngài là. Sự phong phú không dò lường được của Chúa trở nên nguồn cung ứng của chúng ta. Bất kể tình trạng của chúng ta ra sao, trong Ngài có sức lực. Cho dù chúng ta đau yếu về mặt thuộc linh và quá yếu đuối không thể ăn nỗi, nhưng chúng ta có một Boaz có thể chăm sóc chúng ta, vì trong Ngài có sức lực. Ngài phong phú không dò lường được.
MỘT LỜI CHỨNG VỀ VIỆC HỌC TẬP
NHẬN BIẾT CHRIST LÀ BOAZ
Trong năm mươi năm kinh nghiệm theo Chúa của tôi, Ngài không bao giờ cạn kiệt. Tôi liên tục bất ngờ về Ngài. Chúng ta không thể nói hết về sự phong phú của Ngài. Chúng ta có điệp khúc của một bài hát nói rằng: “Ô Chúa, Ngài chính kho tàng thật, giàu có ngoài sức tưởng tượng!/ Và Chúa vẫn luôn gần gũi chúng tôi, mỗi ngày thêm thân mật hơn” (Hymns, #1152). Nhiều người phấn đấu chuyên cần nhiều năm trong một lĩnh vực cụ thể và cuối cùng trở nên một chuyên gia, nhưng đối với Christ, chúng ta không bao giờ có thể nói rằng chúng ta đã vượt qua được bề mặt. Cho dù đã theo đuổi Chúa trong nửa thế kỷ, tôi vẫn cảm thấy mình chỉ mới bước qua cổng. Chúa có sự phong phú đã chuẩn bị cho chúng ta để chúng ta tiếp nhận và đánh giá cao cả cõi đời đời.
Tôi thật kinh ngạc vì sau mọi điều tôi đương đầu trong suốt cuộc đời, tôi vẫn đang theo đuổi Christ. Khi mới bắt đầu theo Chúa lúc học trung học, tôi có nhiều kinh nghiệm trong đó sự cung ứng của Christ trở nên thực tế đối với tôi. Qua mọi tình huống này, tôi khám phá ra Chúa phong phú biết bao. Dường như ở bên ngoài những người khác được chúc phước nhiều hơn, nhưng qua những tình huống khốn cùng bên ngoài này, Chúa của tôi chứng tỏ chính Ngài cho tôi. Tôi phải nói rằng Ngài thực sự chính là Boaz của tôi – trong Ngài có sức lực. Đường lối của Ngài khác với đường lối của tôi và kế hoạch của Ngài cao hơn kế hoạch của tôi nhiều. Chuyện gì xảy ra với tôi! Tôi đã tìm thấy Boaz. Việc nhận biết Christ là Boaz của tôi trở nên sức lực để tôi đứng vững trong những năm sau đó. Khi bắt đầu bước theo Chúa, chúng ta không hề có ý tưởng về việc Chúa sẽ phong phú biết bao với chúng ta.
CHRIST LÀ NGUỒN CUNG ỨNG VÀ SỨC LỰC CỦA CHÚNG TA
Sự phong phú của Chúa vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Nếu chúng ta cần sức khỏe, Ngài có thể ban cho chúng ta sức khỏe. Nếu chúng ta cần sức lực, Ngài có thể cung ứng cho chúng ta sức lực. Bất cứ điều gì chúng ta xin, Ngài đủ giàu có để cung cấp, vì Ngài là Đấng Toàn Túc. Đừng lệ thuộc vào thu nhập, gia đình hay thậm chí chính anh em. Vào một lúc nào đó, mọi sự và mọi người chúng ta lệ thuộc đều thiếu hụt. Đối với mọi điều cần thiết trong cuộc sống, chúng ta phải học tập tin cậy Chúa. Ngài sẽ không bao giờ phá sản. Ngài không bao giờ thiếu hụt. Ngài thậm chí là sức lực mà chúng ta cần để theo Ngài. Một Đấng Christ như vậy có liên hệ với chúng ta.
Boaz không chỉ là người giàu có mà tên ông còn có nghĩa là “trong người ấy có sức lực”. Trong năm mươi năm theo Chúa của tôi, không điều gì dễ dàng. Gần đây tôi nói với vợ mình: “Khi anh xem xét năm mươi năm này…”, và tôi dừng lại; tôi rơi lệ. Tôi có nhiều cảm nhận đối với Chúa là Đấng mà tôi đang phục vụ. Cứ như thể tôi đang nói với Ngài: “Chúa ơi, nếu tôi biết gian khổ như vậy, có thể tôi đã không theo Ngài”. Vợ tôi ngạc nhiên vì tôi khóc. Nàng choàng tay ôm tôi và nói: “Mọi sự đều ổn”. Tại sao tôi vẫn ở đây phục vụ Chúa? Tôi cảm thấy nếu Chúa ban cho tôi thêm hai mươi năm nữa để sống, tôi sẽ dâng hai mươi năm đó cho Ngài. Ao ước của tôi là trong mỗi năm còn lại, tôi có thể hiệu quả hơn, có giá trị hơn, và là một phước hạnh hơn nữa đối với Thân Thể Christ. Tại sao lại như vậy? Đó là vì Christ là Boaz của tôi; trong Ngài có sức lực. Chúng ta là những người mỏng manh và có giới hạn. Chúa sẽ khích lệ chúng ta vì biết rằng đôi khi sự việc khó có thể chịu nỗi. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, là Đấng cảm thông với các sự yếu đuối của chúng ta (Heb 4: 15). Trong Ngài có sức lực!
RUTH MÓT LÚA TRONG CÁC CÁNH ĐỒNG
ĐỂ CHĂM LO CHO NAOMI VÀ CHÍNH MÌNH
“Vì vậy Ruth người Moab nói với Naomi: “Xin để con đi đến cánh đồng và mót lúa sau người nào mà trong cái nhìn của người ấy con có thể tìm thấy đặc ân”. Và bà nói với nàng: “Hãy đi, con gái ta ơi” (Ruth 2: 2). Ruth không chắc nàng sẽ được tiếp nhận trong cánh đồng nào. Nàng có thể cảm thấy rằng tại nhiều nơi nàng sẽ bị đuổi đi, vì nàng là người Moab. Tuy nhiên, luật pháp cho nàng một sự bảo vệ. Luật pháp đòi hỏi rằng những người gặt không gặt hết lúa, nhưng để lại lúa mót cho người nghèo, dù là người Israel hay là khách lạ (Levi 23: 22). Khi nói thêm: “sau người nào mà trong cái nhìn của người ấy con có thể tìm thấy đặc ân”, thật ra nàng muốn nói nàng đang sống cuộc đời của một kiều dân.
Nhiều lúc Chúa đem chúng ta vào trong những tình huống khó hiểu, nhưng đây là lúc chúng ta cần tìm kiếm Chúa về sự thương xót của Ngài. Khi không còn tin chắc về nguồn cung ứng của mình, chúng ta thật sự bắt đầu tìm kiếm Chúa. Thí dụ, mãi đến khi sinh viên đại học tốt nghiệp họ mới đối đầu với những điều thực tế. Trước đó, họ được bao bọc bởi tiền bạc và sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ. Họ nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp, họ sẽ tìm được cách. Họ sẽ tìm được, nhưng họ đừng bao giờ tin rằng bất cứ tình huống nào cũng vững như bàn thạch. Thậm chí các công ty có vẻ vững chắc nhất cũng có thể sụp đổ trong vài tháng. Có những lúc Chúa sẽ làm cho chúng ta thấy rõ ràng là mình phải tin cậy Chúa chứ không phải bất cứ điều gì khác.
Ở đây, trong Ruth 2, có một sự trao đổi dịu ngọt giữa mẹ chồng và nàng dâu. Ruth không nói: “Bà già, bà không có gì để ăn. Tôi đoán là tôi phải đi tìm thức ăn cho bà, để bà không chết đói”. Và Naomi không nói: “Được rồi, hãy bắt đầu đi! Ta sắp chết đói rồi đây”. Lời lẽ của họ dịu ngọt và đầy quan tâm, mặc dù chắc chắn cả hai đều thiếu thức ăn, vì đó là lý do họ trở về Bethlehem.
TÌNH CỜ ĐẾN CÁNH ĐỒNG CỦA BOAZ
Ruth “tình cờ đến phần cánh đồng thuộc về Boaz” (Ruth 2: 3). Tôi thích chữ “tình cờ”. Điều đó có thể chỉ về những việc xảy đến vừa ý chúng ta, lẫn những điều dường như chống lại chúng ta. Các Cơ Đốc nhân chúng ta đừng bao giờ phàn nàn, vì mọi sự trong đời sống chúng ta đều “tình cờ” cùng vận hành vì ích lợi (Rome 8: 28). Trong trường hợp của Ruth, nàng tình cờ tìm thấy cánh đồng mà nàng cần phải ở đó.
Việc tìm thấy cánh đồng này là một trong những vấn đề trọng yếu trong nếp sống Cơ Đốc của chúng ta. Việc nếp sống Cơ Đốc của chúng ta thắng thế hay không phần lớn được quyết định bởi việc chúng ta tìm thấy cánh đồng nào. Cánh đồng của chúng ta là gì? Đó là nếp sống hội thánh địa phương. Chúng ta phải nhận thức rằng cánh đồng này thật quan trọng, vì nó được đề cập bởi ba nhân vật chính trong chương hai: bởi Ruth khi nàng xin phép Naomi đi mót lúa trong cánh đồng (câu 2), bởi Boaz khi ông bảo Ruth đừng đến cánh đồng khác (câu 8), và bởi Naomi khi bà xác nhận lại rằng Ruth không nên đi mót lúa trong cánh đồng khác (câu 22). Sự đề cập đầu tiên đến cánh đồng này là sự công nhận của chúng ta về sự sắp xếp của Chúa đã đem chúng ta đến cánh đồng. Sự đề cập thứ hai là sự xác nhận của Chúa rằng đây là cánh đồng đúng đắn cho chúng ta. Sự đề cập cuối cùng là từ những người chăn dắt chúng ta; họ xác nhận lại rằng đây là cánh đồng mà Chúa muốn chúng ta ở. Cánh đồng này là nếp sống hội thánh.
MỘT CÁNH ĐỒNG LÚA MẠCH – SỰ PHỤC SINH
Cánh đồng Ruth mót lúa là cánh đồng lúa mạch. Trong Kinh Thánh, lúa mạch biểu thị cho sự phục sinh. Cánh đồng này đại diện cho nếp sống hội thánh, là điều đầy dẫy sự phục sinh. Trong nếp sống hội thánh, chúng ta sống một nếp sống trong sự phục sinh. Điều này thật đáng kinh ngạc. Nếp sống hội thánh có thể là nếp sống khó khăn nhất và thậm chí bất khả thi nhất trên đất này. Đó không phải là con đường bằng phẳng. Nơi đó giống như một gia đình thân mật, nhưng không có sự ràng buộc của thịt và huyết. Có các khó khăn bất tận. Hết lần này đến lần khác, dường như chúng ta lẽ ra đã từ bỏ, nhưng vì một lý do nào đó, chúng ta có thể tha thứ và yêu thương lẫn nhau. Mọi người can thiệp vào chuyện của nhau, nhưng không biết làm sao chúng ta vẫn có thể tiến lên với nhau. Anh em có thể thành thật nói rằng mình đã có nhiều ngày tốt đẹp trong nếp sống hội thánh không? Nói về mặt loài người, tôi dường như khuyên người ta chạy trốn khỏi nếp sống hội thánh, vì đó là nếp sống khó khăn nhất. Tại sao chúng ta không lìa khỏi? Vì ở đây chúng ta có Boaz. Trong Ngài có sức lực. Và ở đây chúng ta có kinh nghiệm sự phục sinh, vì hội thánh là cánh đồng lúa mạch tăng trưởng.
Những người ở trong nếp sống hội thánh có được sự đồng hành của các tín đồ. Khi họ chăm sóc nhau, nhiều sự hiểu lầm xảy ra. Trong một trường hợp thái quá, giả sử một người để ý thấy vợ của người kia dường như đã khóc. Người ấy hỏi chị có gì không ổn và chị không trả lời. Vì e sợ điều tệ hại nhất, người ấy vội vàng kết luận rằng chồng chị đã ngược đãi chị. Người ấy bắt đầu hỏi người khác có phải như vậy không, và kết quả là tin đồn bắt đầu lan truyền rằng chồng chị em ấy đã đánh đập chị. Không ai biết rằng thật ra chị ấy chỉ bị bụi vô mắt thôi. Khi người chồng gặp những người khác trong nếp sống hội thánh, người ấy được chào với sự soi mói. Cuối cùng, một người quan tâm đến người ấy nói: “Anh không nên đánh vợ”. Khi người chồng phủ nhận điều đó, những người khác không tin. Làm thế nào người ấy có thể chịu đựng loại hiểu lầm này? Người ấy phải tìm thấy Christ như sự phục sinh của mình trong nếp sống hội thánh. Chính những tình huống này mà chúng ta khám phá ra sự phục sinh là gì.
Sự phục sinh là dấu ấn của nếp sống hội thánh. Sự phục sinh là gì? Trước hết, sự phục sinh là sự đánh bại mọi điều thuộc về sự chết. Thứ hai, sự phục sinh vượt lên khỏi mọi loại môi trường. Thứ ba, sự phục sinh là lĩnh vực thần thượng và huyền nhiệm. Khi ở trong sự phục sinh, chúng ta kinh nghiệm ba điều này. Bất kể mọi sự tán gẫu, sự nhiệt thành tôn giáo và sự không khoan dung của người khác, chúng ta nhận thấy rằng mình không thể từ bỏ. Chúng ta được chống đỡ và được đem vào trong một lĩnh vực khác. Một khi được đem vào trong sự phục sinh, chúng ta ở trên mọi sự ngăn trở. Sự phục sinh đưa chúng ta qua hết biến cố này đến biến cố khác, hết hoàn cảnh này đến hoàn cảnh khác, cho đến khi chúng ta ở trên các từng trời vượt trên mọi cơn bão. Sự phục sinh là quyền năng nâng chúng ta lên vào trong lĩnh vực thần thượng. Lĩnh vực này là chính Christ.
Cánh đồng lúa mạch là hội thánh, vốn đầy dẫy sự phục sinh. Sự phục sinh này chỉ là Christ, Đầu của hội thánh (John 11: 25; Col 1: 18). Không một ai khác có thể hoặc được thay thế Ngài. Toàn bộ lĩnh vực, bầu không khí và phạm vi của hội thánh không được là gì và là ai ngoài Christ (Col 3: 11). Tất cả chúng ta phải yêu cánh đồng này. Về một mặt, nếp sống hội thánh địa phương đầy ngăn trở, nhưng mặt khác, chúng ta phải nói: “Ngợi khen Chúa! Trong nếp sống hội thánh có Christ như sự phục sinh”. Thực tại, yếu tố và sự vận hành của sự phục sinh thấm nhuần nếp sống hội thánh. Chính ở đây mọi phương diện của sự phục sinh được thực tại hóa.
MÓT LÚA TỪNG CHÚT MỘT
Khi Ruth đến cánh đồng của Boaz, nàng bắt đầu mót lúa, tức là lượm từng chút một. Theo bức tranh này, chúng ta phải mót lúa trong cánh đồng của mình, nếp sống hội thánh. Nếu không thể nhận lấy nhiều thì chúng ta phải nhận lấy một ít. Chúng ta phải nhận lấy từ cánh đồng này theo dung lượng của mình. Chúng ta phải ở giữa vòng những thợ gặt trong cánh đồng này. Một số người cắt lúa, một số khác gom lại và một số phối hợp để chăm sóc và cho các nhân công ăn. Cánh đồng này là nếp sống hội thánh, nơi tất cả chúng ta lao tác với nhau theo chức năng của mình như các chi thể trong Thân Thể./.