1. Đời sống của Đấng Christ
Khi Đấng Christ còn sống ở thế gian, Ngài đã sống một đời sống hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời. Ngài chẳng hề yêu thế gian, không làm và nói theo ý riêng của mình. Không một cám dỗ nào có thể thắng được Ngài. Ngài đã hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết. Đó là cuộc đời của Đấng Christ.
Còn cuộc sống của chúng ta thì như thế nào? Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình rằng chúng ta có hoàn toàn vâng theo lời Đức Chúa Trời không? Không. Chúng ta có làm theo ý mình không? Có chứ. Chúng ta không hề phạm tội? Có, thậm chí nhiều lần. Chúng ta không yêu thế gian? Chúng ta không yêu thế gian lộ liễu nhưng lại kín đáo. Và ai không bao giờ bị lung lay bởi cám dỗ? Chẳng có ai cả. Tại sao vậy anh chị em? Theo Kinh Thánh thì một Cơ Đốc nhân không nên như thế! Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không làm được điều đó. Mặc dù đã trở thành Cơ Đốc nhân được nhiều năm rồi, chúng ta có đạt đến tiêu chuẩn này không? Chúng ta ăn năn thường xuyên và thậm chí khóc cho chính mình nhiều lần! Sự chiến thắng ở đâu?
Chúng ta biết Kinh Thánh qui định tiêu chuẩn cho Cơ Đốc nhân. Ví dụ, chúng ta không được làm theo ý riêng mình. Chúng ta phải công bình như Đức Chúa Trời. Chúng ta phải hết lòng theo đuổi Nước Trời. Nhưng sự thực ra sao? Chúng ta phạm tội thường xuyên, lòng chúng ta dơ bẩn, chúng ta thường xuyên cáu gắt, yêu thế gian một cách kín đáo, và bị tư dục của xác thịt cai trị; chúng ta chẳng thích đọc Kinh Thánh và cũng không thích cầu nguyện. Thậm chí có khi bạn nói rằng:"Nếu tôi không là Cơ Đốc nhân thì có lẽ tốt hơn. Tôi không thể đạt đến được những gì mô tả trong Kinh Thánh. Có lẽ người nào đó có thể yêu và vâng lời Chúa, bỏ được chính mình và sống thánh thiện. Nhưng cái chuẩn này không phải cho tôi, mà chỉ dành cho một số ít người được chọn đặc biệt thôi."
Này anh chị em, chúng ta không thể thực hiện được yêu cầu này, nhưng mặt khác tiêu chuẩn của lẽ thật cũng không được phép làm giảm bớt đi. Nhưng một người đã làm được chuyện đó, và chỉ có một người duy nhất có thể làm được: Chúa Cứu Thế Giê-su.
Tóm lại chúng ta có thể nói rằng:
1. Mọi Cơ Đốc nhân nên ngang bằng với tiêu chuẩn do Đức Chúa Trời đặt ra.
2.Chúng ta không thể đạt đến được một chuẩn như vậy.
3.Từ xưa đến nay chỉ có một người đã thực hiện được đòi hỏi này, đó chính là Chúa Cứu Thế Giê-su.
Chúng ta phải thừa nhận điều này là sự thực. Chỉ có một người duy nhất, cụ thể là chính Đức Chúa Trời mới có thể sống theo tiêu chuẩn này, bởi đó là tiêu chuẩn sống của riêng Ngài. Tôi phải sở hữu được một sự sống như Chúa, sau đó tôi mới có thể sống như Ngài. Loài chim sống theo đời sống của chim, cũng như mỗi loài thú có cách sống riêng. Tương tự, chỉ mình Đức Chúa Trời mới có thể sống theo cuộc sống của Đức Chúa Trời. Chúa Cứu Thế là Đức Chúa Trời. Chỉ mình Ngài mới có thể sống được cuộc đời của Đức Chúa Trời.
2. Kinh Thánh nói gì về cuộc sống của Cơ Đốc Nhân
"Đấng Christ là sự sống của tôi...". Phải câu này có nghĩa là chúng ta nên cố gắng để sống như Chúa Cứu Thế không? Không phải. Vậy nó có nghĩa là chúng ta phải bắt chước Chúa? Cũng không. Hay nó có nghĩa rằng Chúa là tấm gương của chúng ta? Cũng không. Nó có nghĩa là: "Đấng Christ là sự sống của tôi". Sự bắt chước và theo đuổi để mình trở nên tốt không mang lại ích lợi gì. Không có sự sống tương tự như vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được một cuộc sống thực của Cơ Đốc nhân mặc dầu chúng ta thường tìm cách để tự cải thiện mình nhiều hơn khi đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện. Điều này không sai khi bạn khóc, ăn năn, và thưa rằng: "Lạy Chúa, con muốn thực sự vâng theo Ngài!". Nhưng nếu bạn không có sự sống biết vâng phục, thì lời cầu nguyện như vậy không có hiệu quả nào cả.
Đấng Christ chịu chết ở Gô-gô-tha không chỉ vì tội lỗi của chúng ta, mà ở đó Ngài đã trở thành sự sống của chúng ta. Đức Chúa Trời không có ý định rằng bạn sống một đời sống Cơ Đốc khổ sở. Ngài không hề có ý muốn giáo dục Cơ Đốc nhân theo cách như khi người ta dạy cho con khỉ bận quần áo và ăn uống lịch sự. Loài khỉ gặp nhiều khó khăn khi chúng phải bắt chước loài người. Tốt hơn là chúng vẫn là khỉ; chúng cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Chúa không muốn chúng ta nỗ lực như con khỉ để bắt chước theo một đời sống lạ.
Bạn không thích đọc Kinh Thánh trong vòng năm phút; trong khi bạn rất thích đọc quyển sách khác. Bạn không thích cầu nguyện; nhưng khi bạn không cầu nguyện thì lương tâm cắn rứt. Bạn không thể bỏ được tình yêu thế gian; nhưng mặt khác bạn cũng không có bình yên khi bạn yêu thế gian. Là một Cơ Đốc nhân thật là khó. Chúng ta không thể sống như Đức Chúa Trời vì nó là cực hình đối với chúng ta. Điều này thực ra cũng không phải là xấu khi bạn có cảm giác như vậy. Nó chỉ ra rằng bạn vẫn còn đi đúng đường. Thậm chí tôi còn lo lắng hơn khi bạn không có kinh nghiệm này, vì như vậy có lẽ bạn đang ở cách xa con đường thực.
Thỉnh thoảng chúng ta gặp được những người không quan tâm đến việc của thế gian, hướng mình lên Chúa và hoàn toàn tuân theo Ngài. Sau đó lòng chúng ta tràn đầy khâm phục và muốn bắt chước theo họ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta đã nỗ lực một cách vô ích. Anh chị em ơi, điều này quả là một cực hình nếu Chúa muốn Cơ Đốc nhân chúng ta sống theo cách này. Tiêu chuẩn thật là cao! Làm thế nào mà ta có thể đạt đến được? Thật dã man nếu chúng ta bắt một đứa bé năm tuổi mang một vật 30 kg. Cái gánh mà chúng ta là những Cơ Đốc nhân muốn cố gắng để sống như Đức Chúa Trời cũng đè nặng chúng ta như vậy. Chúng ta thường xuyên cố gắng với nhiều nỗ lực và thậm chí dằn xé để giữ mình không phạm tội. Nhưng chúng ta vẫn phạm hết tội lỗi này lại đến tội lỗi khác, và chúng ta không thể thoát ra khỏi vòng ân hận và than khóc. Anh chị em ơi, đáng lẽ ngay từ đầu nếu chúng ta thừa nhận mình bất lực thì tốt hơn. Chúa hoàn toàn không muốn chúng ta thử trước. Ngài hoàn toàn không có ý định để chúng ta bị thất bại khi cố gắng và ăn năn. Ngài muốn chúng ta nói được rằng: "Đấng Christ là sự sống của tôi". Điều này có nghĩa rằng Chúa Giê-su sống cuộc sống của chính Ngài trong chúng ta.
Chúa đã bày tỏ sự sống thiên thượng trong thân xác con người. Vậy chúng ta cũng nên dâng chính chúng ta cho Ngài để Ngài có thể bày tỏ sự sống của Ngài qua chúng ta.
Anh chị em phải thừa nhận điều này, giá trị của cuộc sống Cơ Đốc, ví dụ như không theo ý riêng của mình, yêu mến Chúa và vâng lời Ngài v.v., không phụ thuộc vào sự cố gắng cũng như sự bắt chước của chúng ta. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn sàng Chúa Cứu Thế cho chúng ta. Đó là sự cứu rỗi trọn vẹn. Sự cứu rỗi này có thể được xét về hai phương diện sau. Một mặt Chúa đã làm trọn luật pháp cho chúng ta; mặt khác Ngài ở trong chúng ta để chúng ta cũng làm trọn luật pháp. Một mặt Ngài đã chết cho chúng ta; mặt khác Ngài sống trong chúng ta. Những điều Chúa đã làm trọn ở Gô-gô-tha, Ngài cũng đồng thời làm trọn vẹn trong tôi. Ngài đã làm tôi trở nên công chính ở Gô-gô-tha, và Ngài cũng là sự công chính ở trong tôi. Các anh chị em phải nhận biết được sự quan trọng của sự phục sinh: "Và nếu Ðấng Christ đã chẳng sống lại, thì...anh em còn ở trong tội lỗi mình" (1. Cô-rinh-tô 15:17). Tội lỗi của chúng ta được chuộc bằng sự chết của Đấng Christ. Nếu Chúa không phục sinh, thì chúng ta vẫn còn trong tội lỗi và như thế chúng ta chỉ có phân nửa của sự cứu rỗi. Sự so sánh giữa tội lỗi và nợ nần thường được đưa ra làm ví dụ khi giảng Phúc Âm. Chúa Cứu Thế là Đấng giàu có, đã trả nợ cho chúng ta bởi cái chết của Ngài. Điều này đúng, và cũng là Phúc Âm. Nhưng như thế chúng ta mới giảng một nửa của Phúc Âm. Chúa đã trả nợ cho chúng ta, điều này đúng. Nhưng điều này có nghĩa là sau đó chúng ta có chất thêm nợ mới vào mình không? Ví dụ một người bạn trả nợ cho tôi, nhưng một thời gian sau, tôi lại mắc nợ khác. Như thế sự cứu rỗi không có trọn vẹn vì tôi lại mắc nợ khác. Mặc dù Chúa Cứu Thế đã chết cho tôi, nhưng tôi vẫn ở trong tội lỗi. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là như vậy sao?
Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không chỉ ở chỗ Chúa Cứu Thế đã chết cho chúng ta, mà còn quan trọng hơn nữa là Chúa Cứu Thế cũng phải sống trong chúng ta! Ngài đã trả hết mọi nợ nần cho chúng ta và Ngài sống trong chúng ta để chúng ta không bị mắc thêm nợ trong tương lai. Chúa không chỉ muốn cứu chúng ta khỏi hỏa ngục; mà Ngài còn muốn rằng bởi sự cứu rỗi, Chúa Cứu Thế trở thành sự sống của chúng ta. Bạn sẽ chịu đựng sự khó nhọc và không kinh nghiệm được sự cứu rỗi nếu bạn chỉ nhận được một nửa của sự cứu rỗi. Chúa Cứu Thế là sự sống của chúng ta. Đức Chúa Trời chẳng hề đặt ra luật lệ cho Cơ Đốc nhân chúng ta. Ngược lại, Phao-lô nói rằng: "Đấng Christ là sự sống của chúng ta". Phao-lô đã bị đánh đập, bắt bớ, bị tống vào ngục và bị đầy đến Rôm trong bao khó khăn gian khổ. Phao-lô có thể kiên trì vượt qua mọi điều này một cách thắng lợi vì Đấng Christ đã sống trong ông. Ông không chỉ có bắt chước Chúa, mà Chúa sống trong ông. Cũng như con khỉ không thể bắt chước để trở thành con người thì một người cũng không thể trở nên giống Chúa Cứu Thế bằng cách bắt chước được.
"...lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì Ðức Chúa Trời là Đấng đang tác động trong lòng anh chị em để anh chị em vừa muốn vừa hành động theo ý chỉ tốt lành của Ngài." (Phi-líp 2:12-13). Những gì Phao-lô mô tả ở đây phải trở thành kinh nghiệm của mọi Cơ Đốc nhân. "Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình". Nhiều người đọc câu này đã nghĩ rằng họ phải làm thêm điều gì đó nữa mới để làm nên sự cứu rỗi của mình. Từ đó họ kiên quyết dậy sớm để đọc Kinh Thánh và sốt sắng làm chứng. Nhưng họ không thực hiện được vì đã quên câu 13: "Vì Ðức Chúa Trời là Đấng đang tác động trong lòng anh chị em để anh chị em vừa muốn vừa hành động theo ý chỉ tốt lành của Ngài". Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình phải nên là kết quả của câu 13. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta chỉ bao gồm hai sự việc: thứ nhất là mong muốn (là ý định bên trong), thứ hai là hành động (sự thể hiện ra bên ngoài). Cả hai phải nên đến từ sự tác động của Đức Chúa Trời. Sự mong muốn và hành động của bạn phải hình thành từ việc làm của Đức Chúa Trời ở trong lòng bạn.
Chúng ta thường nhận biết rằng mình không có khả năng để vâng lời Đức Chúa Trời cũng như từ bỏ thế gian và ý riêng của mình. Nhưng Chúa tác động đến chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng. Đó là sự cứu rỗi trọn vẹn.
Sự cứu rỗi trọn vẹn không có nghĩa rằng hôm nay Đấng Christ chấm dứt một tội, rồi hôm sau tội khác. Sự cứu rỗi trọn vẹn có nghĩa là chúng ta tiếp nhận một Đấng Christ toàn diện và đầy đủ. Sẽ không có sự cứu rỗi toàn diện nếu không có Đấng Christ. Những Cơ Đốc nhân mà không chú ý Đấng Christ sẽ khó thấy được điều này. Họ chỉ nhìn vào sự thuận lợi hay sự thiếu thốn của mình. Họ nhìn vào tội lỗi hoặc nan đề và cố gắng để vượt qua những điều này. Nhưng qua đó họ mắc một sai lầm lớn. Đức Chúa Trời hoàn toàn không có ý định là chúng ta vượt qua hoặc cải tiến điều này hay điều nọ. Ngài muốn chúng ta tiếp nhận một Đấng Christ toàn diện.
Chúng ta hãy quan sát một đứa bé thích ăn trái cây. Một ngày nọ đứa bé thèm ăn lê nên đi đến vườn cây ăn trái để mua lê. Vào ngày khác, em thèm một quả táo hay đào nên lại đi đến vườn cây ăn trái để mua những gì em muốn. Nhưng sau đó em nhận ra rằng cả cái vườn thuộc về cha em. Không chỉ có thế thôi mà cha em đã tặng em luôn cả cái vườn. Bấy giờ cách ăn của đứa bé này hoàn toàn khác trước vì tất cả trái cây thuộc về em. Nhiều Cơ Đốc nhân cũng có thái độ như vậy. Hôm nay họ cần sự nhẫn nại nên cầu xin Chúa cho sự nhẫn nại. Hôm sau họ cần tình yêu, nên lại xin tình yêu. Thế nhưng, Đức Chúa Trời muốn họ nhận một Đấng Christ trọn vẹn, có nghĩa là cả vườn trái cây thuộc về họ! Khi bạn cần điều gì đó và muốn đạt được từ từ, và lại luôn phải mua tiếp, thì chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự thiếu thốn. Ví dụ nếu bạn cần sự nhẫn nại hay lòng yêu thương chỉ tùy thuộc vào hoàn cảnh thì chẳng bao giờ bạn đạt được mục tiêu, vì dần dần bạn lại yêu thế gian, làm theo ý riêng của mình và trở nên kiêu hãnh. Bạn phải biết rằng là cả cái vườn thuộc về bạn. Đức Chúa Trời muốn chúng ta sở hữu một Đấng Christ trọn vẹn. Và qua Đấng Christ, Ngài tác động đến chúng ta để chúng ta muốn và hành động theo ý chỉ tốt lành của Ngài.
Có lẽ bạn biết Đấng Christ sống trong bạn và muốn thể hiện sự sống của Ngài qua bạn. Nhưng điều này thể hiện trong thực tiễn như thế nào? Bạn vẫn luôn nỗ lực để đạt được bằng sức của mình, và bạn không bao giờ đạt được.
"Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Ðức Chúa Giê-su Christ, là Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta" (1 Cô-rinh-tô 1:30). Chúng ta phải đọc câu này một cách kỹ lưỡng. Ngay lúc bạn được cứu, nhờ Đức Chúa Trời mà Đấng Christ trở nên sự cứu chuộc và sự nên Thánh của bạn. Khi ai đó hỏi bạn sự nên Thánh là gì, bạn nên trả lời là Đấng Christ! Sự chiến thắng là gì? Là Đấng Christ! Sự nhẫn nại và khiêm nhường là gì? Là Đấng Christ! Thật tuyệt vời nếu bạn có thể trả lời như sau: "Tôi theo xác thịt và xấu xa. Nhưng Đấng Christ là sự nên Thánh và sự thánh thiện của tôi". Không ai thánh thiện và toàn thắng cả, trừ khi người đó nói rằng: "Lạy Đức Chúa Trời, con xin tiếp nhận Con của Ngài."
3. Đấng Christ sống trong chúng ta từ khi nào?
Chỉ có một người duy nhất là Đấng Christ mới có được đời sống đắc thắng. Và chính Đấng Christ này đang sống trong chúng ta. Chúng ta đã sở hữu Ngài từ khi được cứu rỗi. "Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống..." (1 Giăng 5:12). "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài" (Giăng 1:12). Từ khi tin Chúa, chúng ta đã nhận Đấng Christ. "Anh em há không nhận biết rằng có Ðức Chúa Giê-su Christ ở trong anh em sao? " (2 Cô-rinh-tô 13:5). Đấng Christ đã ở trong chúng ta. Thật là một sai lầm lớn nếu ai đó nói rằng: "Bạn đã tin, nhưng Đấng Christ chưa có sống trong bạn, bạn phải tiếp nhận Ngài nữa". Đấng Christ đã sống trong bạn ngay khi bạn được cứu.
4. Làm thế nào tôi để Đấng Christ, là Đấng ở trong tôi, thể hiện sự sống Ngài thông qua tôi?
Sau khi nhận ra rằng Đấng Christ sống trong chúng ta và ngay từ sự cứu chuộc Ngài đã ở trong chúng ta, bạn nói: Nhưng ngày qua ngày tôi vẫn như vậy! Làm thế nào mà tôi để Ngài thể hiện sự sống của Ngài qua tôi? Có hai điều cần phải làm:
1. Sự phó thác
Trước hết chúng ta phải biết dâng chính mình, có nghĩa là từ bỏ cái tôi của mình. Đúng là Đấng Christ sống trong chúng ta, nhưng nếu ta không để Ngài tác động, thì Ngài không thể làm gì được. "Từ bỏ cái tôi của mình và dâng mình cho Đức Chúa Trời" có nghĩa là gì? Điều này không có nghĩa là chúng ta hứa hẹn hay cam kết với Ngài một điều gì đó, hay nói rằng sẽ làm theo ý của Ngài hoặc cố gắng làm mọi thứ, mặc dù chúng ta không có khả năng. Từ bỏ mình và dâng mình cho Ngài có nghĩa là chúng ta phó thác trọn vẹn mặt tốt, mặt xấu, quá khứ, cũng như hiện tại của chúng ta, và dâng mình trọn vẹn mình trong tay Đức Chúa Trời và để Ngài tác động. Nếu không thì Ngài không thể sống cuộc sống của Ngài thông qua chúng ta được. Hãy nghĩ xem nếu bạn tặng ai đó một quyển sách mà không đưa quyển sách đó ra. Như thế người đó không bao giờ nhận được quyển sách cả. Bạn có muốn dâng trọn vẹn bạn và mọi việc làm của bạn cho Đức Chúa Trời không? Bạn đã sẵn lòng dâng sự không muốn lên bàn tay của Đức Chúa Trời không? Sự phó thác bao gồm hai mặt: Đầu tiên chúng ta dâng mình để Đức Chúa Trời sử dụng. Thứ hai là dâng mình để Đức Chúa Trời tác động lên chúng ta. Nhiều người chỉ biết có mặt thứ nhất. Anh chị em ơi, Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng trọn vẹn chúng ta cho Ngài. Điều này có nghĩa là cái tôi của bạn bị chết, và bạn từ bỏ chính mình. Khi bạn làm được điều này, thì bạn đạt được tất cả.
Đức Chúa Trời không muốn sự tự cải thiện của bạn, mà Ngài muốn sự phó thác. Tôi phạm một tội mà tôi không thể vượt qua được trong vài tháng. Tôi đã thiếu lòng tin để đặt tội này lên bàn tay của Chúa. Tôi phạm một tội này nhiều lần. Cuối cùng tôi phó thác cho Chúa, và tôi đã từ bỏ được tội đó. Điều quan trọng duy nhất ở đây là bạn đã sẵn lòng để thưa với Chúa một cách giản đơn như vầy hay chưa: "Lạy Chúa, con không thể từ bỏ được tội này; nhưng xin hãy tác động đến con cho đến khi con có thể bỏ được". Như thế là đủ! Sự yếu đuối và sự thất bại của bạn không phải là trở ngại. Nó chỉ tùy thuộc vào sự phó thác của bạn, cho đến khi bạn sẵn lòng thưa rằng: "Lạy Đức Chúa Trời, con xin phó thác con cho Ngài". Cho sự phó thác này, chúng ta không cần phải làm hay phải đạt bất cứ điều gì cả, mà chúng ta chỉ cần một sự mong muốn biết vâng lời.
2. Lòng tin
Sau khi đã từ bỏ và phó thác chính mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải tin. "Hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và tin cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy" (Thi-thiên 37:5). Phó thác đường lối bạn cho Chúa có nghĩa là sự giao phó và tin cậy nơi Ngài có nghĩa là lòng tin. Tôi phải tin rằng tôi có sự chiến thắng hay sao? Tôi tin vì Kinh Thánh đã nói điều này. Thỉnh thoảng lòng tin của chúng ta nhỏ hơn hạt cải, thậm chí như một hại bụi, thật đáng thương! Cách đây vài tuần, một người anh em đến với tôi và kể rằng anh ta không thể vượt qua một số tội lỗi, và vì thế đã nghĩ đến chuyện tự tử. Tôi hỏi anh ta: "Anh có tin là Đấng Christ có thể cứu anh khỏi những tội lỗi này không?" Anh trả lời: "Có. Tôi có thể thắng được một vài tội lỗi, nhưng với những tội lỗi nhất định thì không". Ngay lúc đó tôi yêu cầu anh ta cùng đọc với tôi câu 1 trong Rô-ma 8: "Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Giê-su Christ" (Rô-ma 8). Tôi hỏi anh có ở trong Đức Chúa Giê-su Christ hay không? Anh trả lời: "Có!". Tôi chỉ anh tiếp câu 2: "Vì trong Đức Chúa Giê-su Christ luật của Thánh Linh sự sống đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và của sự chết". Bấy giờ tôi hỏi anh: "Anh có được giải thoát rồi hay chưa?" Anh trả lời: "Tôi không dám thừa nhận điều này". Tôi phải nói với anh: "Đức tin của anh ở đâu?" Không tin vào lời Chúa thì tệ hơn nhiều so với một yếu đuối hay bất kỳ tội lỗi nào. Từ "giải thoát" thật quý giá làm sao! Không phải trong tương lai chúng ta được giải thoát, mà điều này đã xảy ra rồi. Bạn đã nhận được sự sống vĩnh hằng khi bạn tin Chúa Cứu Thế đã chết cho bạn. Từ đâu mà bạn biết điều đó? Vì Kinh Thánh nói! Và Kinh Thánh cũng nói "trong Đức Chúa Giê-su Christ luật của Thánh Linh sự sống đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và của sự chết". Chúng ta đã được giải thoát khỏi mọi tội lỗi và sự chết tâm linh. Anh chị em có tin không? Các bạn không thể thắng được tội lỗi hay suy nghĩ dơ bẩn? Tôi xin giảng cho bạn Phúc Âm: Luật của Thánh Linh và của sự sống đã giải thoát bạn khỏi những tội lỗi đó.
Hỡi anh chị em, chúng ta phải thấy rằng sự phó thác và đức tin phụ thuộc lẫn nhau. Khi bạn kết hợp cả hai điều này lại với nhau, chắc chắn bạn sẽ thắng. Bạn không thể thắng khi bạn chỉ tin mà không từ bỏ cái tôi của chính mình và dâng mình cho Đức Chúa Trời. Khi được tái sinh, chúng ta đã nhận được tất cả, nhưng chúng ta phải sẵn lòng để dâng chính mình để Đấng Christ thể hiện sự sống của Ngài qua chúng ta. Mặt khác sự phó thác mà không có đức tin chỉ là một hành động chết. Vì thế chúng ta phải làm cả hai: thứ nhất, phó thác tất cả cho Chúa để Ngài tác động đến chúng ta, thứ hai tin rằng Đức Chúa Trời đã làm trọn vẹn tất cả theo lời của Ngài.
Anh chị em, chúng ta hãy mạnh dạn lên và tin hoàn toàn vào những gì Chúa nói. Đừng để lệ thuộc vào cảm giác của chúng ta. Chúng ta chưa từng thấy thiên đàng hay hỏa ngục; dựa vào lời Chúa mà chúng ta tin là có thiên đàng và hỏa ngục. Ngoài lời Chúa ra, chúng ta không cần bất cứ bằng chứng nào cả.
Khi Chúa Giê-su cùng môn đệ của Ngài đi thuyền qua bên kia bờ hồ, giông bão nổi lên và sóng gió vồ vập, đánh bạt con thuyền. Các môn đồ của Ngài thấy thế nên rất sợ hãi bèn đánh thức Ngài dậy: "Thầy ơi, Thầy ơi, chúng ta chết!" Ngài thức dậy, khiến gió yên sóng lặn và mặt hồ tĩnh lại như thể không có gì xảy ra. Và Ngài hỏi họ: "Đức tin các ngươi ở đâu?" (xem Lu-ka 8:22-25). Chúa đã nói: "Qua bên kia bờ hồ." Họ không cần phải nghi ngờ gì cả vì Ngài đã nói điều đó. Tuy có bão tố nhưng Ngài vẫn mang họ qua được bên kia hồ. Anh chị em ơi, chúng ta chỉ nên tin vào lời Chúa mà thôi. Đừng lo quan tâm đến các việc khác. Lời Chúa là hoàn toàn trọn vẹn.
Watchman Nee