Có hai địa điểm có tên là Bê-tên xuất hiện trong Kinh thánh.
Bê-tên có tầm quan trọng thấp hơn, là một ngôi làng ở vùng Nê- ghép, được nhắc
đến như một trong những nơi mà Đa-vít đã gửi chiến lợi phẩm cho bạn bè của
mình, những trưởng lão của Giu-đa (1 Samuen 30: 26 -27). Một Bê-tên khác, một
thành phố có tầm quan trọng hàng đầu trong Kinh Thánh, nằm khoảng 11 dặm về
phía bắc Jerusalem gần A-hi. Một trung tâm thương mại lớn, Bê-tên đứng ở ngã tư
đường, với con đường bắc-nam xuyên qua đất nước. Bê-tên ở trung tâm, có đường đến
Hếp-rôn ở phía nam, và đến Si-chem ở
phía bắc, và tại Bê-tên còn có tuyến đường đông-tây chính dẫn từ Giê-ri-cô,
phía đông đến biển Địa Trung Hải, ở phía tây. Trong Cựu Ước, chỉ có Jerusalem
được nhắc đến thường xuyên hơn Bê-tên.
Trong tiếng Hê-bơ-rơ (Beth-el), Bê-tên có nghĩa là “ngôi nhà
của Đức Chúa Trời”. Bê-tên tọa lạc ngay ranh giới giữa hai bộ tộc Ép-ra-im và
Bên-gia-min và cuối cùng là nơi phân định ranh giới giữa vương quốc phía bắc,
Israel và vương quốc miền nam, Giu đa. Mặc dù Bê-tên ở vùng núi đồi khô khan, nhưng
một số suối nước tự nhiên đã cung cấp nước dồi dào cho cư dân ở đó.
Bê-tên được nhắc đến lần đầu tiên trong Kinh thánh liên quan
đến Áp-ram, người đã xây dựng một bàn thờ cho Chúa ở đó: Từ đó Áp-ram đi về
phía những ngọn đồi phía đông Bê-tên và dựng lều, với Bê-tên ở phía tây và A-hi
ở phía đông. Ở đó, ông đã xây dựng một bàn thờ cho Đức Gia-vê và kêu cầu Danh của
Ngài (Sáng 12: 8). Sau khi viếng thăm Ai Cập, Áp-ra-ham trở về Bê-tên và tiếp tục
hiến tế cho Chúa tại đó (Sáng thế ký 13: 3 -4).
Ban đầu chỗ nầy được đặt tên là Lu-xơ (Sáng thế ký 28:19; Thẩm
phán 1:23), thành phố nầy được Gia-cốp đổi tên thành Bê-tên, sau khi ông trải
qua một giấc mơ đáng chú ý ở đó. Trong khi đi từ Bê-e-sê-ba đến Cha-ran để trốn
anh mình, Ê-sau, Gia-cốp dừng lại nghỉ đêm ở Lu-xơ. Khi ông ngủ, ông mơ thấy một
cầu thang kéo dài từ trái đất lên trời. Các thiên thần của Chúa đang lên xuống trên
thang, trong khi Chúa đứng trên đỉnh thang (Sáng thế ký 28: 10 -13). Chúa nói
và tiết lộ chính Ngài cho Gia-cốp rằng Ngài là Đức Chúa Trời của cha ông. Khi Gia-cốp
thức dậy, ông tuyên bố, “nơi này thật tuyệt vời biết bao!”. Đây chính là nhà của
Chúa; đây là cánh cổng thiên đàng (Sáng thế ký 28:17). Sau đó, Gia-cốp dựng một
trụ cột bằng đá, đặt tên là Bê-tên (câu 18 -19) và thánh hiến nơi này là nơi thờ
phượng Đức Chúa Trời (câu 21).
Vào thời Chúa Giê-su khởi thi hành chức vụ, Ngài bày tỏ
Bê-tên thời xưa làm hình bóng cho Nhà mà Ngài sắp xây dựng. Vì sau khi Ngài có
được 5 môn đồ là Giăng, Anh-rê, Phi-e-rơ, Phi-líp và Na-tha-na-ên, Ngài phán, “Quả
thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và thiên sứ
của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con người” (Giăng 1:51). Chúa chứng minh
Bê-tên mà Gia cốp nhìn thấy là hội thánh Tân ước.
-
-Nhiều năm sau, Gia-cốp trở về Bê-tên, xây dựng một bàn thờ
cho Chúa ở đó và gọi nơi đó là Ên-Bê-tên, có nghĩa là Đức Chúa Trời của Bê-tên.
Sau hai mươi năm chịu khổ ở bên vợ, Gia cốp đã sâu nhiệm hơn. Ông đã tiến bộ
trong nhận thức từ nhà Chúa là hội thánh và đến chỗ biết Chủ Nhà là Đức Chúa Trời.
Ngày nay nhiều người coi hội thánh là nhà riêng của mình, chứ không thực sự nhận
biết Ên-Bê-tên là Ai. Vì Ên (El) có nghĩa là Đức Chúa Trời.
Bê-tên là một trung tâm thờ phượng chính yếu của Israel trước
khi có đền thờ ở Si-ôn. Sau khi chinh phục đất hứa, đền tạm và hòm giao ước lập
ở Si-lô, gần Bê-tên. Vào thời các quan xét, dường như có một thời gian đền tạm
và cái hòm dời về Bê-tên vì Kinh thánh ghi; “Bấy giờ, hết thảy người Y-sơ-ra-ên
và cả dân chúng đều đi lên Bê-tên, khóc và đứng tại đó trước mặt Đức Giê-hô-va,
cữ ăn trong ngày ấy cho đến chiều tối, rồi dâng của lễ thiêu và của lễ thù ân tại
trước mặt Đức Giê-hô-va. Đương khi ấy, hòm giao ước của Đức Chúa Trời ở tại đó,
có Phi-nê-a, con trai Ê-lê-a-sa, cháu A-rôn, phục sự trước mặt Đức Giê-hô-va”
(Quan xét 20:26-27). Như
vậy hòm giao ước được giữ tại Bê-tên một thời gian và dân chúng thường đến đó để
tìm kiếm Chúa trong những lúc khó khăn.
Khi Sa-mu-ên còn thơ ấu, ông tập sự hầu việc Chúa trong đền tạm
tại Si-lô, (1 Sa. 1: 3 ). Mấy chục năm sau, khi Sa-mu-ên sắp đặt cho Sau-lơ làm
vua Israel theo lệnh của Chúa, thì kinh thánh chép, “Từ đó ngươi (Sau-lơ) sẽ đi
tới, đến cây dẻ bộp Tha-bô, ngươi sẽ gặp ba người đi lên Bê-tên đặng thờ lạy Đức
Chúa Trời” (1 Sa 10:3).
Đê-bô-ra, thẩm phán nổi tiếng của Israel, đã lập toà án xét xử
tại một địa điểm giữa Ra-ma và Bê-tên (Thẩm phán 4: 5). Ra-ma là quê quán của
tiên tri Sa-mu-ên, và kinh thánh chép, “Mỗi năm người (Sa-mu-ên) tuần hành khắp
Bê-tên, Ghinh-ganh, và Mích-ba, mà đoán xét dân chúng trong các thành ấy. Đoạn, người trở về Ra-ma, là nơi có nhà người.
Ở Ra-ma người cũng đoán xét Y-sơ-ra-ên, và lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va tại
đó” (1 Sa-mu-ên 7: 16-17).
Kinh thánh cho biết cái hòm giao ước đã ra khỏi đền tạm Si-lô
và lưu lạc đến thị trấn Ki-ri-át Giê-a-rim khoảng một trăm năm. Còn đền tạm
không có hòm giao ước, vào thời Sa-mu-ên thì có lẽ tọa lạc ở Bê-tên, vào thời Sau-lơ
thì lập tại Nóp, nơi Đa-vít xin bánh ăn (1 Sa 21:1). Sau khi vua Sau-lơ tàn sát
85 thầy tế lễ tại đền tạm Nóp, thì đền tạm lại được dời về Ga-ba-ôn (1 Các vua
3:4-5, 1 Sử 16:39). Sau đó Sa-lô-môn xây đền thờ.
Tất cả những sự kiện trên cho thấy Bê-tên đóng một vai trò rất
quan trọng, (dù thua kém Si-ôn) trong sinh hoạt tôn giáo của dân Israel kéo dài
khoảng 4 thế kỉ, từ khi chiếm đất Ca-na-an cho đến khi xây đền thờ thời vua
Sa-lô-môn. Bê tên tượng trương nếp sống hội thánh trong mọi tình trạng thăng trầm
trong suốt gần 2000 năm qua, cho đến ngày vương quốc ngàn năm hiện ra, mà nước
của vua Sa-lô-môn làm tượng trương.
Trước khi nước Đấng Christ xuất hiện, Bê-tên, nếp sống hội
thánh lại còn bị Giê-rô-bô am phá hoại gần tận diệt.
Theo Quan xét 18: 22 Bê-tên nằm trên đường ranh giới của chi
phái Ép-ra-im (bắc) và Bên- gia- min (Nam), nhưng Bê tên thuộc về Bên-gia min.
Vua Giê-rô-bô-am, người Ép-ra-im, đã chiếm đoạt Bê-tên và đúc hai tượng bê vàng,
làm đền thờ cho thần giả tạo tại đó, là ranh giới phía nam của Bắc quốc và tại
Đan, ở cực Bắc.đất nước (1 Vua 12).
Chúa thường sai các tiên tri đến rao giảng tại Bê-tên (1 Vua
13: 1 -10). Nhiều nhà tiên tri đã tuyên bố sự phán xét và lên án Bê-tên cách nặng
nề, coi nó là một trung tâm thờ thần tượng ghê tởm (A-mốt 3:14; 5: 5 ; Ô-sê
10:15).
Từ ngày Hội thánh đầu tiên trở thành quốc giáo, hay thành
Công giáo (đạo công cộng) năm 313 SCN, Chúa thường xuyên sai các nhà tiên tri,
sứ đồ, những người minh triết, những nhà cải chánh đến rao giảng lên án giáo hội
bội đạo. Rồi khi có các loại hội thánh như: Cải chánh, Anh em, Phục hồi, Về nguồn,…v..v..
ra đời, Chúa vẫn còn sai nhiều sứ giả dấy lên phán xét, định tội mọi loại hệ
phái nầy mãi cho đến ngày nay.
Nhìn chung, hội thánh Chúa ngày nay rất hỗn tạp. Kẻ thờ phượng
tại Đan, người tại Bê tên, Si-lô, Ghinh ganh, Mích ba, Ra ma, Ê-bên-ê-xe, Nóp, hay
Ga-ba-ôn.. v..v. Ai cũng cho là mình đúng.
Trước ngày vương quốc Đấng Christ xuất hiện, bạn thờ phương
Chúa ở đâu? Ê-xê-chi-ên 40-48 tiên báo sẽ có một đền thờ Jerusalem thứ tư tại
núi Si-ôn, cho dân Israel phục hồi và các dân tộc trong vương quốc Chúa thờ phượng
hầu việc Ngài.
Cầu mong bạn tìm được Bê-tên trong thời kì hỗn tạp nầy, và
sau đó bạn chi nên tríu mến và vâng phục El-Bê-tên, chứ đừng vâng phục Bê-tên,
cho dù nó là hội thánh đúng đắn.
MK. 25-7-2019