Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

NHÃ CA 7- ĐỒNG VẮNG



“Người nữ này là ai mà đi lên từ đồng vắng giống như các trụ khói, đượm hương thơm một dược và nhũ hương, với mọi loại phấn thơm của thương nhân? Giường của Solomon có sáu mươi dũng sĩ vây quanh, thuộc các dũng dĩ của Israel. Tất cả đều dùng gươm và thiện chiến; mỗi người đeo gươm nơi đùi vì những tiếng báo động ban đêm. Vua Solomon tự làm cho mình một chiếc kiệu bằng gỗ Lebanon. Chàng làm các trụ bằng bạc, đáy bằng vàng, chỗ ngồi màu tía; ở giữa kiệu được dát bằng tình yêu từ các con gái Jeruslem. Hỡi các con gái Zion, hãy đi ra và nhìn xem Vua Solomon đội mão miện mà mẹ chàng đã đội cho chàng vào ngày chàng đính hôn, phải, vào ngày hoan hỉ của lòng chàng. Ô, người yêu của ta, nàng xinh đẹp thay! Ô, nàng xinh đẹp thay! Mắt nàng tựa như bồ câu sau tấm mạng che; tóc nàng như một bầy dê nằm nghỉ trên núi Gilead. Răng nàng như bầy chiên cái đã xén lông mới tắm rửa lên, tất cả đều sinh đôi, và không con nào trong số chúng bị bắt mất con. Môi nàng tựa sợi chỉ điều, còn miệng nàng thật đáng yêu; đôi má nàng như miếng thạch lựu sau tấm mạng che. Cổ nàng như ngọn tháp của David, được xây làm kho vũ khí; một ngàn cái khiên treo trên đó, toàn bộ mộc của các dũng sĩ. Đôi nhũ hoa nàng như hai con nai nhỏ, cặp linh dương sinh đôi, đang ăn giữa các hoa huệ. Cho đến khi bình minh ló dạng và bóng tối trốn đi, về phần tôi, tôi sẽ lên núi một dược và đến đồi nhũ hương.” (Nhã Ca 3:6 – 4:6)

CÁC KINH NGHIỆM CỦA GIAI ĐOẠN THỨ BA –
NÚI MỘT DƯỢC VÀ ĐỒI NHŨ HƯƠNG
Các kinh nghiệm thuộc linh của giai đoạn thứ nhất và thứ hai được tô tả trong sách Nhã Ca thì có mối tương quan; chúng không thể tách rời nhau. Khi đến giai đoạn thứ hai, anh em vẫn cảm thức rằng anh em cần trở lại với kinh nghiệm được Chúa hôn, ở với Ngài tại bàn Ngài, và ở dưới ngọn cờ là tình yêu của Ngài trong nhà yến tiệc. Hơn nữa, anh em sẽ cảm thức rằng mình cần thêm kinh nghiệm về sự chết và sự phục sinh của Chúa, tức là được tìm thấy trong các kẽ nứt của vầng đá và tại nơi ẩn náu trong vách núi. Anh chị em ơi, hai chương đầu của sách Nhã Ca là để chúng ta kinh nghiệm lặp lại lặp lại suốt cuộc đời chúng ta, vì chúng  hình thành nền tảng cho mọi sự theo đuổi thuộc linh của chúng ta. Nhưng bây giờ, trong sứ điệp này, chúng ta đến với các kinh nghiệm thuộc giai đoạn thứ ba trong sự theo đuổi của người tìm kiếm, ở đó nàng đã vượt xa các kinh nghiệm của mình trong các giai đoạn một và hai.
Trong giai đoạn thứ ba, kinh nghiệm quan trọng nhất là kinh nghiệm về núi một dược và đồi nhũ hương (4:6), vì những điều này chỉ về một mối liên hiệp đầy đủ hơn với Chúa trong sự chết và sự phục sinh của Ngài. Sau khi trải qua các kinh nghiệm của ba chương đầu, một sự thay đổi trọng đại đã xảy ra. Chúng ta trở nên hữu dụng hơn trong tay Chúa, và những người khác cũng nhận ra rằng một điều gì đó quý báu đã được truyền vào trong chúng ta. Sự cầu nguyện của chúng ta trong giai đoạn này là “Ô Chúa, tôi để cho thập tự giá của Ngài công tác trọn vẹn trong tôi; tôi khao khát sống một nếp sống hoàn toàn ở trong sự chết và sự phục sinh của Ngài.”
“NGƯỜI NỮ NÀY…ĐI LÊN TỪ ĐỒNG VẮNG”
Giai đoạn thứ ba bắt đầu kinh nghiệm việc đi lên từ đồng vắng. Trong câu 6, có người hỏi: “Người nữ này là ai mà đi lên từ đồng vắng như các trụ khói, đượm hương thơm một dược và nhũ hương, với mọi loại phấn thơm của thương nhân?” Đồng vắng là chốn lang thang. Đi lên từ đồng vắng có nghĩa là từ bỏ nếp sống lang thang và bước vào trong sự yên nghỉ của Chúa. Các lời trong phân đoạn này không phải do người nữ Shulammite nói, cũng không phải là do vua nói, mà là một người thứ ba. Điều này chỉ tỏ rằng khi chúng ta trở nên tan vỡ trước mặt Chúa, tình trạng tan vỡ của chúng ta được biểu lộ cho người khác, và Linh có thể làm chứng qua các thánh đồ: “đây là một người đã lìa khỏi Ai Cập và bước vào trong Canaan. Thế giới không thể chiếm hữu hay ảnh hưởng đến người ấy. Người ấy được phân rẽ khỏi thế giới. Bây giờ người ấy sống trong sự phong phú của Đấng Christ” Các thánh đồ sẽ nhận ra rằng đây là một người đi lên từ đồng vắng!
Một người đi lên từ đồng vắng thì có một chủ đích rõ ràng. Đời sống của người ấy là một cuộc hành trình có chủ đích, nhận lấy miền đất tốt lành làm mục đích. Mục tiêu của người ấy là có được mọi sự phong phú của Chúa. Người ấy sẽ tiếp tục tiến lên trong cuộc hành trình này bất chấp gian khổ, nước mắt hoặc những điều nỗ lực tác động hầu làm cho người ấy xoay qua hướng khác. Đối với một người như vậy, thế giới này không có lập trường nào cả.
Anh chị em ơi, kinh nghiệm về việc đi lên từ đồng vắng dường như thuộc linh đến nỗi chúng ta không thể đạt đến. Tuy nhiên, khi chúng ta phân rẽ khỏi thế giới và đang tìm kiếm duy mình Chúa, kinh nghiệm này tự phát trở nên của chúng ta. Một khi chúng ta đặt tương lai của mình qua một bên và không còn có bất cứ kế hoạch nào cho chính mình, chúng ta sẽ mang dấu vết của một người đang đi lên từ đồng vắng.
Sự phân rẽ của chúng ta nhờ vào sự vận hành của Linh, là điều làm cho chúng ta có khả năng mang một chứng cớ sống động như vậy trước mặt con người. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải mang một chứng cớ như vậy đối với chính mình; những người khác sẽ làm chứng rằng chúng ta đang đi lên từ đồng vắng. Điều thu hút chúng ta chỉ đơn giản là bước đi trọn con đường này. Nguyện chúng ta nhận được sự thương xót của Chúa để nhìn thấy thế giới là một đồng vắng, trong đó các nỗ lực của chúng ta sẽ chỉ dẫn đến sự lang thang vô ích. Dù ở trong thế giới, nhưng chúng ta không nên thuộc về nó; chúng ta phải là những người đang đi lên từ đồng vắng. Đức Chúa Trời phải là trung tâm duy nhất của đời sống chúng ta, mọi điều khác đều vô nghĩa.
Nếu đối với chúng ta, dường như thế giới không phải là một đồng vắng, thì chúng ta đang ở trong một tình trạng không lành mạnh. Nếu bị thế giới bắt lấy, chúng ta sẽ không thể tác nhiệm đúng đắn trước mặt Chúa. Một Cơ Đốc nhân bình thường cần phải luôn có cảm nhận thế giới là một đồng vắng. Dù giàu hay nghèo, dù vui mừng hay buồn rầu, chúng ta cũng đừng bao giờ để cho chính mình bị thế giới lừa dối. Mục đích của chúng ta là thành thánh, nơi chỉ có Chúa là Vua. Không điều gì khác được chiếm hữu tấm lòng chúng ta. Nếu anh em là một người đi lên từ đồng vắng thì không điều gì có thể chạm đến anh em, vì sự tập trung của anh em đặt nơi Chúa cách vững chắc.
Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đã hiến dâng mọi sự cho Chúa trong khi thật ra chúng ta đã giữ lại nhiều điều cho chính mình. Chúa càng công tác trên chúng ta, chúng ta sẽ càng được làm cho thuần khiết. Một khi chúng ta nhận thức rằng nếu không có Chúa thì chúng ta thật sự không có gì cả, chúng ta bắt đầu có được chứng cớ về việc đang đi lên từ đồng vắng.
Một hội thánh lành mạnh cần phải đi lên từ đồng vắng. Các thánh đồ cần nhận thức rằng chúng ta đang chờ đợi Chúa trở lại. Những người có cái nhìn về sự trở lại của Chúa không ao ước điều gì trong thế giới này. Nếu trong một hội thánh có nhiều người đang đi lên từ đồng vắng thì chắc chắn toàn thể hội thánh ấy sẽ đi lên từ đồng vắng. Nguyện Chúa chúc phước chúng ta để chúng ta có thể đi lên từ đồng vắng vào trong sự yên nghỉ của Ngài.---
“GIỐNG NHƯ CÁC TRỤ KHÓI”
Nếu anh em đi lên từ đồng vắng, điều đó sẽ biểu lộ rằng anh em đã trở nên giống như các trụ khói. Lời này chỉ về điều gì? Khi dân Israel đi lên từ đồng vắng, một trụ mây và trụ lửa đi trước họ. (Trụ này xuất hiện như trụ mây vào ban ngày và như trụ lửa vào ban đêm). Trụ này đã dẫn dắt dân Israel. Đến lúc này, người tìm kiếm của Chúa trong Nhã Ca đã kinh nghiệm sự vận hành của Chúa trong nghiều phương diện. Nàng cư trú trong tình yêu của Chúa, và nàng đã kinh nghiệm công tác của thập tự giá. Do đó, nàng đã trở nên một cột trụ như vậy.
Các trụ khói chỉ về quyền năng của Linh. Chúa sẽ công tác trên anh em cho đến khi anh em trở nên một người có khả năng chăn dắt và dẫn dắt người khác, một người có thể soi sáng và cung cấp sự giúp đỡ. Khi anh em trở nên một người như vậy thì hội thánh có thể tiến tới, vì anh em có khả năng dẫn dắt dân chúng qua đồng vắng giống như trụ mây và trụ lửa đã dẫn dắt Israel. Rồi khi anh em phát ngôn cho Chúa, những người khác sẽ bị tác động bởi sự phong phú mà anh em đã được cấu thành, và anh em sẽ là một phước hạnh cho hội thánh.
Nếu muốn trở nên một phước hạnh như vậy, chúng ta phải tìm cách để được đổ đầy bằng Linh thay vì trở nên bận rộn với công tác. Chúng ta phải để cho bàn tay của Chúa phá vỡ chúng ta. Rồi qua các vết sẹo được truyền vào, linh chúng ta có thể được giải phóng hầu cho chúng ta có thể cung ứng sự sống cho người khác. Một ngày kia chúng ta sẽ thấy rằng cả sự lao tác lẫn công tác của chúng ta đều không quan trọng nếu chúng ta chưa trở nên các trụ khói. Nguyện những người khác có thể làm chứng về chúng ta: “Anh em đã trở nên giống như trụ mây và trụ lửa giữa vòng chúng tôi. Nhờ anh mà hội thánh có thể tiến tới”
“ĐƯỢM HƯƠNG THƠM MỘT DƯỢC VÀ NHŨ HƯƠNG,
VỚI MỌI LOẠI PHẦN THƠM CỦA THƯƠNG NHÂN”
Sự tác động của các trụ khói đến từ đâu? Điều đó đến từ việc “đượm hương thơm một dược và nhũ hương, với mọi loại phấn thơm của thương nhân”. Theo Watchman Nee, “thương nhân” ở số ít, vì vậy điều đó chỉ về Chúa Jesus. Chúa như Thương nhân đang bán cho chúng ta một điều gì đó. Ngài đang nói cách dứt khoát: “Nếu muốn có các phước hạnh của giai đoạn này, ngươi phải trả một giá”
Chúng ta không bị đòi hỏi phải trả giá để có được các kinh nghiệm của giai đoạn thứ nhất. Thậm chí kinh nghiệm về việc có các bím tóc bằng vàng với đôi hoa tai bằng bạc cũng là một điều gì đó thực hiện cho chúng ta để làm đẹp chính chúng ta. Nhưng trong giai đoạn thứ hai này, người tìm kiếm nhận thức rằng nàng phải trả một giá nếu muốn đi theo Chúa. Tình yêu của nàng đối với Ngài sẽ không để cho nàng được yên ổn nữa, vì từ điểm này trở đi, Ngài sẽ không để cho nàng được yên ổn nữa, vì từ điểm này trở đi, Ngài sẽ chạm đến mỗi một phương diện trong cách sống của nàng.
Ở đây, trong kinh nghiệm của giai đoạn thứ ba, chúng ta bắt đầu nhận thức rằng Chúa là một Thương Nhân. Chúng ta không còn có thể mong mọi thứ sẽ có giá rẻ nữa. Chúa nói rõ rằng nếu anh em trả cho Ngài năm xu, Ngài sẽ ban cho anh em một điều gì đó đáng giá năm xu, và nếu anh em trả cho Ngài 100 dollars, Ngài sẽ ban cho anh em một điều gì đó đáng giá 100 dollars. Nếu anh em dâng cho Ngài một năm đổi lại Ngài sẽ ban cho anh em một điều gì đó đáng giá một năm, nếu anh em dâng cho Ngài mười năm, đổi lại Ngài sẽ ban cho anh em một điều gì đó đáng giá mười năm. Ngài ban cho anh em bao nhiêu phước hạnh tùy thuộc vào cái giá anh em sẵn lòng trả. Mỗi liên hệ của chúng ta với Chúa không còn là Ngài lôi cuốn chúng ta và chúng ta theo đuổi Ngài, hoặc Ngài cung ứng miễn phí cho chúng ta bởi chúng ta vui hưởng Ngài. Bây giờ Chúa đòi hỏi: “Người có thể trả giá không? Ta có thể chạm đến người trong cách sống của ngươi không?” Mặc dù anh em chịu khổ vì cái giá phải trả, nhưng sự trả giá của anh em sẽ dẫn đến việc anh em được đượm nhuần hương thơm một dược.
Được đượm nhuần hương thơm là hấp thụ hương thơm rồi sau đó lan tỏa ra. Việc đượm nhuần hương thơm cần phải có thời gian. Nếu là vấn đề nướng bánh trong lò thì có thể tốn ít thời gian hơn, nhưng anh em sẽ không thể chịu nổi. Việc được đượm nhuần hương thơm đòi hỏi một diễn trình dài. Nếu không muốn trả giá để được đượm hương thơm và chạy trốn diễn trình này thì anh em sẽ chỉ trì hoãn Chúa- cuối cùng Ngài cũng sẽ có được anh em. Ý định của Ngài là có được mỗi một chúng ta cách đầy đủ cho đến khi toàn bản thể chúng ta đượm nhuần bằng sự chết và sự phục sinh của Ngài.
Có thể anh em nghĩ rằng Linh công tác trong anh em cách miễn phí, không hề đòi hỏi anh em trả một giá nào. Tuy nhiên, khi anh em nói: “Chúa ôi, hãy chúc phước tôi”, Ngài sẽ đáp lại: “Ta sẽ chúc phước cho ngươi, nhưng với một giá” (Phước hạnh được nói đến ở đây không phải là sự cứu rỗi sơ khởi của anh em, vì Chúa cứu anh em cách nhưng không. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự cứu rỗi, anh em phải trả giá để tăng trưởng trong sự sống và trở nên trưởng thành trước mặt Chúa). Trong giai đoạn này, cách anh em sống là trả giá trước mặt Đức Chúa Trời. Anh em có thể nghĩ rằng xem tivi hay dọc tiểu thuyết thì không có vấn đề gì. Nhưng anh em có thể nhận thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ chỉ làm cho anh em đượm nhuần hương thơm qua việc anh em không đọc tiểu thuyết hay xem ti-vi. Nếu anh em sẵn lòng trả một giá, Đức Chúa Trời sẽ làm cho anh em ngát hương.
Làm thế nào chúng ta có thể trở nên ngát hương trước mặt các thánh đồ? Đó là bởi được được nhuần một dược, nhũ hương và mọi loại phấn thơm của thương nhân. Một dược chỉ về sự chịu khổ và sự chết của Đấng Christ, còn nhũ hương chỉ về sự phục sinh của Đấng Christ. Khi kinh nghiệm sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ, chúng ta sẽ trở nên ngát hương với sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ. Sự chết và sự phục sinh của Ngài thì ngát hương. Khi chúng ta trải qua nhiều loại môi trường trước mặt Chúa và trả giá để kinh nghiệm Ngài trong các môi trường đó, thì Ngài như một Thương Nhân sẽ cung ứng cho chúng ta các hương liệu quý của sự chết và sự phục sinh Ngài, làm cho chúng ta trở nên các trụ khói ngát hương trong nếp sống hội thánh.
Từ điểm này trở đi, nếu muốn được Đức Chúa Trời chúc phước, chúng ta phải trả giá. Nếu muốn Đức Chúa Trời chúc phước cho cuộc hôn nhân của mình, chúng ta phải trả giá. Nếu muốn Đức Chúa Trời chúc phước cho gia đình mình, chúng ta phải trả giá. Nếu muốn Đức Chúa Trời chúc phước cho công việc hoặc công tác thuộc linh của mình, chúng ta phải trả giá. Chúng ta phải trả giá để mua các hương liệu thơm ngát từ Thương Nhân. Theo cách này, chúng ta sẽ biểu lộ hương thơm của sự chết và sự phục sinh Đấng Christ; chúng ta sẽ mang một mùi hương. Chỉ khi trả giá để được Chúa làm cho đượm nhuần hương thơm, chúng ta mới có thể thật sự cung ứng cho người khác.
Chúng ta thường cho rằng mọi điều được Chúa ban cho đều theo nguyên tắc ân điển. Chúng ta cần nhận thức rằng chúng ta có được sự trưởng thành là bởi được đượm nhuần bằng mọi loại phấn thơm của Chúa. Trong một ý nghĩa, đúng là chúng ta không xứng đáng có được các yếu tố này, nhưng nếu không trả giá để mua những điều đó từ Chúa, chúng ta không thể có được sự trưởng thành trong giai đoạn này. Nếu không sẵn lòng trả giá, chúng ta không thể trưởng thành. Tuy nhiên, khi chúng ta trả giá, mọi phước hạnh trong Đấng Christ trở nên thực tại của chúng ta. Nguyện Chúa thương xót chúng ta để chúng ta có thể cầu nguyện: “Ô Chúa, hãy bảo đảm rằng tôi có thể trả cái giá cần thiết. Hãy bảo đảm rằng tôi có thể mua mọi sự Ngài có cho tôi.”
“GIƯỜNG CỦA SOLOMON”
Trong 3:7, người quan sát cũng nói: “Giường của Solomon” Người đi lên từ đồng vắng trở nên chiếc giường của Solomon, là nơi Solomon có thể nghỉ ngơi. Là Solomon vĩ đại hơn, Chúa vui hưởng và có được sự yên nghỉ trong các tín đồ Ngài. Anh chị em ơi, chúng ta cần phải là những người mà Chúa có thể yên nghỉ vì chúng ta. Nhờ các kinh nghiệm của nàng trong giai đoạn thứ nhất và thứ hai, người yêu của Chúa đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa, chính Chúa, công tác của Chúa, thập tự giá và hội thánh. Bây giờ nàng sẵn lòng đi lên từ đồng vắng và trả giá. Linh đã công tác trong nàng, và bởi phương diện là công tác của thập tự giá, sự sống có thể tuôn chảy từ nàng. Nàng cũng đã trở nên ngát hương với các hương thơm của Đấng Christ. Ở điểm này, Chúa có thể nói: “Bây giờ trong người tìm kiếm của Ta, Ta đầy sự yên nghỉ”


“CÓ SÁU MƯƠI DŨNG SĨ VÂY QUANH”
Chúa không ở một mình lúc Ngài nghỉ ngơi mà có 60 dũng sĩ vây quanh (3:7). Sáu mươi là số chỉ về con người, được tạo dựng vào ngày thứ sáu. Bây giờ người tìm kiếm có khả năng liên hiệp với người khác, là những người đã đi lên từ đồng vắng, cũng là những trụ khói, đượm nhuần một dược, nhũ hương và mọi loại phấn thơm. Nàng không chỉ yêu Chúa cùng với những người tìm kiếm này mà thậm chí còn liên hiệp với họ như một quân đội. Chúa có thể yên nghỉ vì cớ quân đội này. Ở giai đoạn này, chúng ta sống trong nếp sống hội thánh và phối hợp với những người đã tự phân rẽ khỏi thế giới và dâng chính mình để kinh nghiệm Đấng Christ.
Chúa sẽ làm cho những người sa ngã trở nên chiếc giường của Ngài! Có 60 dũng sĩ vây quanh giường. Tất cả họ đều cầm gươm vì những tiếng báo động ban đêm. Trước khi Chúa trở lại, ai có thể đối phó với công tác và sự tấn công của Satan? Chỉ có những người đi lên từ đồng vắng. Họ đã kinh nghiệm sự chết và sự phục sinh, vì vậy không điều gì có thể chạm đến họ. Thậm chí ở giữa sự đe dọa của Satan, Chúa cũng có được sự yên nghỉ qua họ.
Solomon không thể ngủ ngon nếu không có các dũng sĩ vây quanh giường ông, vì một điều gì đó có thể xảy ra vào ban đêm. Làm cho Chúa yên nghỉ thì chưa đủ, vì chúng ta vẫn cần quan tâm đến hội thánh. Vì vậy, Chúa không chỉ cần một chiếc giường mà còn cần 60 dũng sĩ tự giữ mình tỉnh thức vào ban đêm và thức canh cho đến khi Chúa trở lại. Họ biết cách sử dụng gươm và thiện chiến trên sa trường. Khi Satan tấn công, họ biết phải phản ứng như thế nào. Khi một điều gì đó xảy ra trong nếp sống hội thánh, họ biết mình cần làm gì. Họ biết cách dẫn dắt hội thánh và giúp đỡ các anh chị em.
Vào lúc này, người nữ biểu lộ là nàng đang ở trong mối liên hiệp với Chúa. Đối với nàng thế giới là một đồng vắng. Không điều gì có thể chạm đến nàng hoặc chiếm giữ tấm lòng nàng. Nàng hoàn toàn vì Chúa, và nàng sống bởi sự thương xót của Ngài. Nàng liên hiệp với Chúa ở bên trong hầu cho không điều gì có thể lôi cuốn hoặc làm nàng xao lãng. Chỉ có một người như vậy mới có thể được Linh ban cho quyền năng và nhận thức được ý nghĩa của một dược, nhũ hương và các loại phấn thơm. Nàng có thể phối hợp và được xây dựng với người khác. Nhờ sự sẵn sàng của nàng cùng với những người giống hồn với nàng, Chúa được yên nghỉ.

Golden Palanquin Royalty Free Stock Photography
Chiếc Kiệu

SỰ BIỂU HIỆN CỦA ĐẤNG CHRIST-
CHIẾC KIỆU CỦA VUA SOLOMON
“Vua Solomon tự làm cho mình một chiếc kiệu bằng gỗ Lebanon”(3:9). Trước khi Chúa trở lại, trước hết Ngài cần một chiếc giường để nghỉ ngơi, và kế đến Ngài cần một chiếc kiệu mà bởi đó Ngài có thể di chuyển đến nơi Ngài muốn đi. Chiếc giường là vì sự yên nghỉ của Chúa vào ban đêm, trong khi chiếc kiệu là vì sự chuyển động của Ngài vào ban ngày.
Chúng ta có thể nghĩ rằng một ngày kia chúng ta sẽ được Chúa đem đi. Tuy nhiên, cuối cùng những người yêu Chúa sẽ đem Ngài đi. Nếu không có ai đem Chúa đi trên trái đất thì Ngài không thể chuyển động. Sự chuyển động của Chúa được thể hiện bởi những người yêu Ngài và tuyệt đối cho Ngài. Là những người yêu Chúa, chúng ta không những phải là chiếc giường mà còn phải là chiếc kiệu của Ngài để hoàn thành sự chuyển đổi của Ngài trên đất.
“MỘT CHIẾC KIỆU BẰNG GỖ LEBANON
Câu 9 cho chúng ta biết: “Vua Solomon tự làm cho mình một chiếc kiệu bằng gỗ Lebanon.” Gỗ Lebanon là gỗ hương nam, chỉ về nhân tính cao quý của Đấng Christ. Việc người yêu của Chúa được làm cho trở nên một chiếc kiệu bằng gỗ hương nam chỉ tỏ rằng nàng đã được cấu thành bằng nhân tính cao quý của Đấng Christ.
“CHÀNG LÀM CÁC TRỤ BẰNG BẠC”
Trong câu 10 chúng ta được cho biết thêm:“Chàng làm các trụ bằng bạc, đáy bằng vàng, chỗ ngồi màu tía; ở giữa kiệu được dát bằng tình yêu từ các con Jerusalem” Các trụ kiệu được làm bằng bạc, điều này có nghĩa là yếu tố chống đỡ trong người tìm kiếm cho sự chuyển động này là sự cứu chuộc của Đấng Christ. Nhờ sự cứu chuộc của Đấng Christ mà sự phát ngôn của người tìm kiếm trở nên khác hơn trước, hành vi của nàng khác trước, tư tưởng của nàng khác trước, và cách sống của nàng khác trước. Ban đầu nàng quan tâm đến chính mình rất nhiều, nhưng bây giờ nàng tiếp nhận công tác của thập tự giá để xử lý xác thịt mình. Ban đầu nàng tìm kiếm sự an ủi của Chúa khi buồn rầu, và nếu Chúa không bày tỏ cho nàng bất cứ sự cảm thông nào, nàng đổ nước mắt nhiều hơn. Bây giờ sự khóc lóc của nàng được trộn lẫn với các lời ngợi khen về công tác của Chúa trên thập tự giá Ngài. Nàng nói amen với sự xử lý của Chúa, vì nàng được làm bằng bạc. Về phương diện này, các cảm nhận của nàng tương xứng với các cảm nhận của Chúa.
Để trở nên chiếc kiệu của Chúa, chúng ta cần kinh nghiệm sự cứu chuộc của Chúa, được đại diện bởi bạc. Nếu không có bạc thì không có chiếc kiệu. Nếu các ý tưởng của chúng ta đầy dẫy những điều thấp hèn thì chúng ta không thể là chiếc kiệu của Chúa. Nếu lười biếng, chúng ta không thể là chiếc kiệu của Chúa. Nếu có một tính khí không thể kiểm soát, chúng ta không thể là chiếc kiệu. Các ý tưởng, ý muốn và tính cách của chúng ta cần phải trải qua kinh nghiệm được cứu chuộc. Khi thật sự kinh nghiệm sự cứu chuộc của Chúa, chúng ta sẽ có thể đem Đấng Christ đến cho người khác.
“ĐÁY BẰNG VÀNG”
Đáy kiệu được làm bằng vàng, nghĩa là nguồn sự chuyển động của Chúa ra từ Đức Chúa Trời. Anh chị em ơi, chúng ta phải nhớ rằng nếu Đức Chúa Trời không phải là nền tảng thì công tác của chúng ta vô ích, bất kể chúng ta dùng phương pháp gì. Đức Chúa Trời sẽ không ủy thác sự chuyển động của Ngài cho những người không đang hấp thụ sự sống của Ngài. Chúng ta phải trả một giá trước mặt Đức Chúa Trời. Tính cách, tính khí, thói quen và tư tưởng của chúng ta phải mang dấu vết của thập tự giá, và chúng ta phải là những người sống ra sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời như nền tảng của công tác chúng ta. Nếu đã kinh nghiệm bạc, chúng ta cũng sẽ có vàng. Sự cứu chuộc của Đấng Christ làm cho chúng ta có khả năng kinh nghiệm sự sống và bản chất của Đức Chúa Trời, chiếc kiệu sẽ càng được trang bị cho sự chuyển động của Chúa.
“CHỖ NGỜI MÀU TÍA”
Chỗ ngồi trong kiệu màu tía, nói về sự cao quý và vương quyền. Chúng ta sẽ biểu lộ vương quyền theo mức độ chúng ta kinh nghiệm sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời và nhận được bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời.
“Ở GIỮA ĐƯỢC DÁT BẰNG TÌNH YÊU
TỪ CÁC CON GÁI JERUSALEM
Chiếc kiệu của Chúa được dát bằng tình yêu từ các con gái Jerusalem. Ban đầu, tất cả các trinh nữ chỉ yêu duy Chúa. Khi anh em trở nên một chiếc kiệu, tất cả các trinh nữ cũng sẽ yêu anh em. Anh em có nhận thấy khi tình yêu của anh em dành cho Chúa nguội lạnh, dường như các thánh đồ cũng yêu anh em ít đi không? Anh em càng yêu Chúa, những người yêu của Chúa sẽ càng thấy anh em đáng yêu.
SỰ HOAN HỈ CỦA VUA SOLOMON
Vào lúc này, có sự đính hôn giữa Shulammite và Solomon!. Dù nàng chưa trưởng thành đầy đủ, nhưng nàng tự đính ước với Solomon để trở nên cô dâu của chàng. Những người đang quan sát nói: “Hỡi các con gái Zion, hãy đi ra và nhìn xem Vua Solomon đội mão miện mà mẹ chàng đã đội cho chàng vào ngày chàng đính hôn, phải, và ngày hoan hỉ của lòng chàng.” Ở đây tác giả không nói “các con gái Jerusalem”, mà nói “các con gái Si-ôn” Si-ôn chỉ về đỉnh cao nhất trong Jerusalem, chỉ về những người đắc thắng trong nếp sống hội thánh.
“Đính hôn” trong câu này có thể được dịch là “đính ước”. Trước khi đính ước, anh em vẫn có thể hẹn hò hay chọn một người khác. Tuy nhiên, một khi đính ước, anh em phải giữ cam kết của mình. Tình yêu của một người dành cho bạn trai hoặc bạn gái của mình thì không đáng tin cậy.Trong một ý nghĩa, trước sự đính ước này, có thể chúng ta lìa bỏ Chúa để đến với những điều khác, nhưng bây giờ thì không thể nữa.
Ở đây, tất cả những người đắc thắng đi ra để nhìn xem Vua Solomon đội mão miện. Mão miện mà mẹ của Solomon đã đội cho chàng vào ngày đính hôn là gì? Mão miện này chỉ về chính Shulammite. Bất cứ người nào yêu Chúa sẽ trở nên mão miện của Ngài. Những người đính ước với Chúa là sự khoe khoang của Ngài, và họ trở nên mão miện của Ngài.
Các con gái Zion– những người đắc thắng trong hội thánh– là những người giúp chúng ta trở nên mão miện của Chúa. Những người mạnh mẽ hơn chăm sóc và chúng ta nâng đỡ chúng ta có thể trở nên một mão miện như vậy cho Chúa. Vào ngày Chúa đính hôn, những người chịu vận dụng này, tức là những yêu Christ, sẽ đội mão miện cho Chúa. Mão miện này sẽ bao gồm những mà họ giúp đỡ đi theo Chúa và phó thác chính mình cho Ngài trong tình yêu.
“Ô, NGƯỜI YÊU CỦA TA, NÀNG XINH ĐẸP THAY!”
Trong các câu 1-5 của chương 4, vua khen ngợi: “Ô, người yêu của ta, nàng xinh đẹp thay!” Trong phần này, lời khen ngợi của vua bao gồm bảy chi tiết.


“MẮT NÀNG TỰA NHƯ BỒ CÂU SAU TẤM MẠNG CHE”
Thứ nhất, Chúa tuyên bố: “Mắt nàng tựa như bồ câu sau tấm mạng che” (4:1). Mạng che là một điều gì đó bao phủ và che khuất. Ở phía sau tấm mạng che có nghĩa là nàng được giấu kín trong Chúa và không để cho người khác nhìn thấy trong chính nàng có điều gì. Đối với Chúa, mắt nàng xinh đẹp vì chúng ở phía sau tấm mạng che. Và nàng đơn nhất như chim bồ câu khi nàng nhìn xem Chúa.
Từ chương 1, chúng ta nhận thức rằng mắt của một Cơ Đốc nhân bình thường cần phải giống như bồ câu (1:15). Bây giờ người tìm kiếm đã tiến bộ, vì mắt nàng ở phía sau tấm mạng che, nghĩa là nàng không mở ra cho người khác điều nàng nhìn thấy. Nàng không cố gắng bày tỏ cho người khác thị lực và khả năng biện biệt thuộc linh của mình. Mắt nàng không chỉ giống như bồ câu mà còn ở phía sau tấm mạng che. Nếu có kinh nghiệm, chúng ta sẽ che khuất thị lực thuộc linh của mình trong nếp sống hội thánh. Chúa muốn việc chúng ta sống trước mặt Ngài được giấu khỏi người ta, và Ngài ao ước mắt chúng ta không nhìn thấy bất cứ điều gì ngoài Ngài.
“TÓC NÀNG NHƯ MỘT BẦY DÊ NẰM NGHỈ TRÊN NÚI GILEAD
Thứ hai, Chúa khen mái tóc của nàng: “Tóc nàng như một bầy dê nằm nghỉ trên núi Gilead”. Tóc nàng chỉ về quyền năng, như được minh họa bởi Samson. Tóc cũng biểu thị chi sự hiến dâng và vâng phục. Ở đây, bầy dê ăn cỏ trên núi Gilead nói về sự thỏa mãn của nàng với Chúa như đồng cỏ của nàng. Điều đó cũng chỉ tỏ rằng nàng sẵn lòng dâng chính mình cho Chúa. Nàng hoàn toàn thuận phục Chúa, giống như một người Nazarite (xem Dân số ký 6)
Ngay cả khi đã có đôi mắt như bồ câu, chúng ta vẫn cần có mái tóc giống như bầy dê. Ngoài sự thuần khiết và đơn nhất, chúng ta cũng cần sự vâng phục và quyền năng. Quyền năng đích thực không đến từ sự vận dụng ý chí của chính chúng ta nhưng đến từ việc vâng phục ý muốn của Chúa. Nàng Shulammite không còn lang thang hoặc cố làm một điều gì đó tách rời khỏi ý muốn Chúa. Bây giờ nàng đã là một người hiến dâng, được Chúa ban cho quyền năng.
Khi chúng ta đã tăng trưởng trong Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng để sự phát ngôn và vận dụng của chúng ta có thể đáp ứng các nhu cầu của hội thánh. Nếu thật sự thuận phục Chúa, chúng ta sẽ nhận được một điều gì đó từ Chúa để cung ứng cho người khác. Trước mặt con người, chúng ta có quyền, nhưng ở bên trong, chúng ta sẽ kinh nghiệm việc yên nghỉ và ăn uống Đấng Christ trên Núi Gilead.
Tuy nhiên, chúng ta không nên tập trung vào quyền năng; thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào sự vâng phục. Mối quan tâm của chúng ta phải là vâng phục, không phải trở nên đầy quyền năng. Chúng ta phải quan tâm đến việc sống trước mặt Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài hơn là biểu lộ quyền năng. Nếu có gánh nặng và khả năng để thực hiện một điều gì đó, chúng ta không nên nôn nóng về điều đó. Nếu có tài hùng hiện và khả năng thuyết phục, chúng ta không nên cảm thấy mình phải nói. Thay vì vậy, chúng ta nên yên nghỉ trước mặt Đức Chúa Trời và tác nhiệm theo sự dẫn dắt của Ngài.
“RĂNG NÀNG NHƯ BẦY CHIÊN CÁI ĐÃ XÉN LÔNG”
Thứ ba, Chúa khen hàm răng của nàng: “Răng nàng như bầy chiên cái đã xén lông mới tắm rửa lên, tất cả đều sinh đôi, và không con nào trong số chúng bị bắt mất con” Lông chiên chỉ về một nếp sống đầy xác thịt. Áo của thầy tế lễ được làm bằng vải lanh trắng, không phải bằng lông chiên, vì lông chiên có liên hệ đến mồ hôi, và tội lỗi. Đã xén lông có nghĩa là xác thịt của nàng đã bị lột bỏ và xử lý.
Hơn nữa, nàng có một “hàm” răng. Răng chỉ về khả năng tiếp nhận của một người, vì chúng chuyển tải ý tưởng nhai thức ăn. Người tìm kiếm của Chúa có một hàm răng, vì vậy khả năng tiếp nhận của nàng thật đáng kể. Nàng biết cách vui hưởng việc ăn và tiếp nhận thức ăn cách đầy đủ. Điều này cho thấy chúng ta cần phải có khả năng tiếp nhận sự giúp đỡ từ bất cứ tín đồ nào, ngay cả một người mới được cứu. Bất cứ điều gì tươi mới trong sự sống và trong Linh cần phải trở nên thức ăn của chúng ta. Các thánh đồ trưởng thành là những người có hàm răng giống như một bầy chiên cái đã xén lông. Nói cách khác, sự vui hưởng của họ trước mặt Chúa và trong nếp sống hội thánh là thuần khiết và triệt để.
Chúng ta không nên có tính chọn lọc trong việc tiếp nhận sự sống và lẽ thật. Nếu chúng ta chọn lọc thì răng của chúng ta không giống như bầy chiên cái đã xén lông. Thay vì tắm rửa sạch sẽ đi lên, chúng ta đem một điều gì đó không thuần khiết vào trong sự theo đuổi thuộc linh của mình. Ở đây, bây giờ người nữ này có thể tiếp nhận và có được sự giúp đỡ từ Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nàng không có tính chọn lọc. Xát thịt của nàng đã bị lột bỏ, và nàng có khả năng tiếp nhận sự nuôi dưỡng từ bất cứ phương diện nào mà Chúa chọn. Hơn nữa, khả năng nhai và tiếp nhận của nàng tương đồng với nhau, như được chỉ tỏ bởi cụm từ “tất cả đều sinh đôi, và không con nào trong số chúng bị bắt mất con”. Nàng có khả năng nhai và tiếp nhận thật tốt.
“MÔI NÀNG TỰA SỢI CHỈ ĐIỀU,
CÒN MIỆNG NÀNG THẬT ĐÁNG YÊU”
Thứ tư, Chúa khen ngợi đôi môi nàng: “Môi nàng tựa sợi chỉ điều, còn miệng nàng thật đáng yêu” Chỉ điều biểu thị cho sự cứu chuộc. Việc nàng phát ngôn cho Chúa là qua sự cứu chuộc, nhưng không theo cách bất cẩn. Sợi chỉ điều cũng biểu thị cho quyền bính. Điều này chỉ tỏ rằng việc nàng phát ngôn cho Chúa không chỉ là sự cứu chuộc mà còn với quyền bính. Miệng nàng đáng yêu có nghĩa là các lời của nàng có ân điển (Col 4.6). Các lời của chúng ta phải tưới nước người khác. Hơn nữa, các lời của nàng được luyện lọc qua sự xử lý của Chúa. Chúng không phải là ý kiến hay sự tán gẫu. Các lời của nàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của người nghe trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Các lời của nàng thật dịu ngọt và làm tươi mới vì chúng đem đến sự sống và sự nuôi dưỡng
Trong nếp sống hội thánh, mọi sự phân phối của chúng ta đều ở trong hình thức là lời. Nếu các lời của anh em không trải qua sự cứu chuộc thì anh em không thể phối hợp với người khác cách dịu ngọt. Nếu chúng ta đều đến với nhau và các lời của chúng ta trở thành sự tán gẫu thì không thể có bất cứ sự phối hợp chân thật nào. Chỉ khi chúng ta có sự phát ngôn đúng đắn thì hội thánh mới có thể được xây dựng.
“ĐÔI MÁ NÀNG NHƯ MIẾNG THẠCH LỰU
SAU TẤM MẠNG CHE”
Điều thứ năm Vua Solomon khen ngợi Shulammite là đôi má nàng, chàng nói: “Đôi má nàng như miếng thạch lựu sau tấm mạng che” (4:3). Ban đầu, đôi má nàng xinh đẹp với những bím tóc có các đồ trang sức (1:10). Bây giờ đôi má nàng xinh đẹp sau tấm mạng che. Trong quá khứ, nàng đã cố gắng tỏ ra xinh đẹp. Bây giờ vẻ đẹp của nàng ở phía sau tấm mạng che, chỉ tỏ rằng điều đó không phải để người khác ngắm nhìn
Đôi má nàng cũng giống một miếng thạch lựu. Đó không phải là một trái thạch lựu nguyên vẹn mà là một miếng bẻ ra từ trái, đầy hạt. Điều này cho chúng ta biết rằng ở giai đoạn này, người tìm kiếm đầy dẫy sự dư dật của sự sống, nhưng điều đó ở phía sau tấm mạng che. Vẻ đẹp của nàng là để Đức Chúa Trời thưởng thức, không phải con người. Vẻ đẹp của nàng nằm ở chỗ nàng phong phú trong sự cung ứng sự sống.
“CỔ NÀNG NHƯ NGỌN THÁP CỦA DAVID,
ĐƯỢC XÂY LÀM KHO VŨ KHÍ”
Chi tiết thứ sáu Chúa khen ngợi là cổ nàng: “Cổ nàng như ngọn tháp của David, được xây làm kho vũ khí: một ngàn cái khiên treo trên đó, toàn bộ mộc của các dũng sĩ”. Trong kinh thánh, cổ chỉ về ý chí của con người. Trong chương 1, Chúa nói: “Cổ nàng xinh đẹp với những chuỗi ngọc châu” (1:10). Bây giờ Ngài nói “Cổ nàng giống như ngọn tháp của David, được xây làm kho vũ khí” Như một ngọn tháp, nàng không bị uốn cong với đôi mắt nhìn xuống đất như một người bị Satan buộc trói. Ý chí của nàng  đã được làm cho vững mạnh để nàng không còn bị nô lệ cho thế giới hay bị ảnh hưởng bởi Satan nữa.
Lời khen ngợi của Chúa về chiếc cổ của Shulammite chỉ tỏ rằng nàng thuận phục đối với quyền bính của Ngài. Vẻ đẹp của cổ nàng chỉ tỏ sự thuận phục của ý chí nàng. Như một ngọn tháp, nàng không đối mặt với đất nhưng với trời. Tuy nhiên, nàng không cứng cổ. Nàng thuận phục Đấng Christ như Vua và hợp tác với ý muốn của Chúa. David như vị vua đã xây cho Chúa một ngọn tháp. Điều đó là vì mối quan tâm của Đức Chúa Trời. Việc người nữ này giống như một ngọn tháp đứng trước mặt Đức Chúa Trời chứng tỏ rằng nàng không cứng cổ nhưng vâng phục.
Hơn nữa, cổ nàng như ngọn tháp cũng là một kho vũ khí. Nàng vận dụng ý chí của mình để chuẩn bị cho chiến trận thuộc linh. Câu 4 cho chúng ta biết: “Một ngàn cái khiên treo trên đó, toàn bộ mộc (thuẫn) của các dũng sĩ.” Điều này chỉ về tình trạng được chuẩn bị của nàng trước sự tấn công của Satan. Anh chị em ơi, Satan thường không tấn công chúng ta bởi phương tiện là tội lỗi, vì chúng ta nhạy cảm về tội. Satan cố gắng làm cho chúng ta lìa khỏi chỗ đứng đúng đắn của mình dưới quyền bính của Chúa, vì khi ấy hẳn chắc chắn có thể đánh bại chúng ta. Vì vậy, điều đầu tiên Satan tấn công là cổ chúng ta. Dù là qua tội lỗi, qua thế giới độc ác hay thế giới độc ác, hay thế giới “tốt lành”, Satan sẽ thành công nếu chúng ta lìa bỏ chỗ đứng thuận phục của mình dưới quyền bính của Chúa
Việc đề cập đến 1000 cái khiên bên trong ngọn tháp chỉ tỏ rằng bất cứ khi nào có một mũi tên lửa đến từ Satan chúng ta cũng có thể dập tắt nó, bất kể nó đến từ hướng nào. Dù sự tấn công của Satan đến qua tình cảm, ý muốn hay tâm trí của chúng ta, chúng ta cũng biết cách chống cự và lưu lại dưới quyền bính của Đức Chúa Trời. Thậm chí nếu Satan tấn công ở lĩnh vực mà chúng ta yếu đuối nhất, chúng ta cũng có thể duy trì sự chống cự của mình, vì chúng ta đã kinh nghiệm công tác của Đức Chúa Trời và đã tích trữ đủ những chiếc khiên
Sự vâng phục của chúng ta sẽ đem đến cho chúng ta những cái khiên cần thiết. Đôi khi vào lúc cảm thức được sự hiện diện của Chúa trong sự cầu nguyện của mình, chúng ta cảm thấy rất thắng thế; chúng ta nghĩ rằng theo cách này chúng ta có thể chống cự ma quỷ. Thật ra, một kinh nghiệm như vậy chỉ cung cấp một ít sự bảo vệ. Trong thực tế, càng vâng phục Chúa, chúng ta càng có những chiếc khiên. Chúng ta cần phải tập trung vào sự vâng phục của mình hơn là vào những chiếc khiên. Chính qua sự vâng phục của mình mà chúng ta đạt đến chỗ sở hữu 1000 chiếc khiên của các dũng sĩ. Nếu đây là kinh nghiệm của chúng ta thì chúng ta có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời như các dũng sĩ của Ngài.
“ĐÔI NHŨ HOA NÀNG NHƯ HAI CON NAI NHỎ,
CẶP LINH DƯƠNG SINH ĐÔI, ĐANG ĂN GIỮA CÁC HOA HUỆ”
Cuối cùng, trong câu 5 Chúa nói: “Đôi nhũ hoa nàng như hai con nai nhỏ, cặp linh dương sinh đôi, đang ăn giữa các hoa huệ”. Đây là chi tiết thứ bảy và cũng là chi tiết cuối cùng trong sự khen ngợi của Chúa. Ban đầu nàng nói” “Đối với tôi, người yêu dấu của tôi là bó một dược nằm giữa ngực tôi lúc ban đêm” (1:13”. Bây giờ Chúa nói: “Đôi nhũ hoa nàng như hai con nai nhỏ”. Nai nhỏ thì rụt rè và nhút nhát. Chúng dễ bị làm kinh động, và chúng ta cảm nhận nhạy bén. Ở đây, này đầy cảm thức sự sống. Nàng cũng bảo tồn những tình cảm thánh khiết của nàng đối với Chúa cách cẩn thận, ấp ủ chúng trong lòng nàng.
“Đôi nhũ hoa” chỉ về đức tin và tình yêu của anh em. Đôi nhũ hoa là gì? Đó là cặp linh dương sinh đôi, chỉ về một sự hài hòa ra từ việc có cùng một sự sống. Tình yêu và đức tin có liên hệ đến sự sống. Kinh nghiệm sự sống càng phong phú thì đức tin càng mạnh mẽ. Sự sống càng phong phú thì đức tin càng mạnh mẽ. Sự sống càng phong phú thì tình yêu càng lớn. Nếu là một người đầy dẫy sự sống thì anh em là một người có đầy đức tin và tình yêu. Càng tăng trưởng trong sự sống, anh em càng có khả năng vui mừng với những người vui mừng và khóc với những người khóc. Và với tình yêu này, anh em có đức tin đối với Chúa. Anh em rất sáng tỏ rằng khi anh em ở với Chúa, mọi sự sẽ ổn. Chúa là Đấng anh em lệ thuộc. Nếp sống của anh em phải biểu lộ một đức tin và tình yêu cân xứng với nhau theo sự sống mà anh em đã nhận được.
Bảy chi tiết trong sự khen ngợi của Chúa– mắt, tóc, răng, môi, má, cổ và đôi nhũ hoa của nàng– chỉ ra các kinh nghiệm mà chúng ta cần phải có khi đi theo Chúa cách lành mạnh. Chúng ta cần kiểm tra chính mình trong ánh sáng của bảy chi tiết này
SỰ THEO ĐUỔI SÂU HƠN– ĐI ĐẾN
NÚI MỘT DƯỢC VÀ ĐỒI NHŨ HƯƠNG
Vào lúc này, người nữ kinh nghiệm một mối liên hiệp đầy đủ với Chúa. Nàng là sự thỏa mãn của Chúa, và vẻ đẹp của nàng giành được sự khen ngợi của Ngài. Nàng không còn thỏa mãn với các kinh nghiệm riêng của mình nữa, cũng không chỉ tập trung vào sự tương giao riêng tư của nàng với Chúa. Vì đã kinh nghiệm công tác của thập tự giá nên nàng có thể nhận được sự khen ngợi của Chúa mà không trở nên phấn khích hay kiêu ngạo. Nàng biết rằng kinh nghiệm trước đó của nàng, “Người yêu dấu của tôi thuộc về tôi, và tôi thuộc về Chàng” rất dịu ngọt, và nhà yến tiệc rất phong phú. Tuy nhiên, nàng cũng nhận thức rằng nếu không có các kinh nghiệm về một dược và nhũ hương thì nàng không thể trưởng thành.
Sau khi Chúa khen ngợi nàng, nàng có một sự đói khát sâu bên trong, vì vậy nàng nói: “Cho đến khi bình minh ló dạng và bóng tối trốn đi, về phần tôi, tôi sẽ lên núi một dược và đến đồi nhũ hương” (4:6). Nàng nhận thức rằng nàng chưa hoàn hảo. Nàng ao ước tiến lên trong kinh nghiệm của mình, vì vậy nàng sẵn lòng đi đến núi một dược và đồi nhũ hương. Nói cách khác, nàng sẵn lòng đi con đường thập tự, để bởi đó nàng có thể có một mối liên hiệp sâu hơn với Chúa.
Bây giờ nàng có cảm nhận rằng, là một người được Chúa khen ngợi, một người được biểu lộ trong hội thánh, nàng cần phải đi đến núi một dược và đồi nhũ hương để cư trú ở đó. Nàng ao ước rằng một dược, sự chết của Christ, sẽ đượm nhuần nàng, để nàng có thể biểu hiện sự phục sinh của Ngài, được đại diện bởi nhũ hương. Mặc dù nàng không luôn luôn vâng phục khi thập tự giá công tác trên nàng, nhưng cuối cùng nàng trở nên đầy dẫy dự phong phú của sự sống. Bây giờ nàng sẵn lòng trỗi dậy và bước đi với Chúa
Nàng đã đi đến chỗ nhận thức chỉ bởi phương tiện là sự tương giao trong sự chết và sự phục sinh của Chúa nàng mới có thể trải qua mọi khó khăn, và chỉ bởi phương tiện là công tác của thập tự giá nàng mới có thể trở nên sự thỏa mãn của Đức Chúa Trời. Mãi đến lúc đó nàng mới trở nên một chứng cớ trong hội thánh và một người yêu trước mặt Chúa. Nàng nhận thức rằng mối liên hệ của nàng với Chúa không còn chủ yếu dựa vào việc đọc Kinh Thánh, tham dự một số buổi nhóm, hay chỉ cầu nguyện vài lời cầu nguyện dịu ngọt nữa. Bây giờ nàng thấy rằng cần trả giá để tiếp tục tiến lên trong mối liên hệ yêu thương của nàng với Chúa. Chính bởi điều này mà nàng muốn đi đến núi một dược và đồi nhũ hương.
Niềm ao ước chính yếu của chúng ta phải là kinh nghiệm Chúa trong sự chết và sự phục sinh của Ngài. Nguyện tất cả chúng ta cầu nguyện: “Chúa ôi, tôi cũng muốn đi đến núi một dược. Tôi không muốn quý báu ân tứ của tôi. Tôi từ bỏ các phước hạnh mà trước đây tôi nắm giữ. Tôi ao ước đi đến núi một dược.” Chỉ những người cứ ở trên núi một dược mới được thật sự kinh nghiệm sự phong phú của Đức Chúa Trời và biểu hiện sư sống phục sinh của Christ, như được đại diện bởi đồi nhũ hương.
Sưu tầm