Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

BẤT ÁI THẾ GIỚI - 1





LỜI NÓI ĐẦU DÀNH CHO TÁC PHẨM NGỒI ĐI ĐỨNG  ĐỪNG YÊU THẾ GIới TRONG BỘ SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA WATCHMAN NEE

Vào Tháng Bảy năm 1938, anh Watch man Nee đến Anh Quốc và lưu lại tại đó đến tháng Năm 1939. Trong thời gian ấy, anh đi khắp Âu Châu và giảng một số sứ điệptheo ánh sáng Chúa ban cho anh. Trong số những bài giảng này, nhiều bài được giảng bằng tiếng Anh và chưa được dịch sang tiếng Hoa.

Tuy nhiên, một vài quyển sách bao gồm nội dung những bài giảng ấy được xuất bản dưới quyền chủ bút của Angus Kinnear. Bản quyền của những quyển sách ấy thuộc về công ty xuất bản Kingsway Publishing của Ông Kinnear. Những quyển sách ấy, bao gồm Ngồi, Đi, Đứng và Đừng Yêu Thế Giới, được thừa nhận là các tác phẩm ưu tú tiêu biểu cho chức vụ của Nghê Thác Thanh trong tiếng Anh, và đã đem lại sự giúp đỡ thuộc linh cho vô số Cơ-đốc-nhân. Những quyển sách này được bao hàm trong Bộ Sưu Tập Các Tác Phẩm của anh là kết quả có được nhờ sự vui lòng giúp đỡ và cho phép của công ty xuất bản Kingsway Publishing. 
Tất cả những câu Kinh thánh (tiếng Anh) đều dựa trên bản Revised Standard, được sử dụng trong những đợt ấn hành đầu tiên của công ty xuất bản Kingsway. Chúng tôi hoàn toàn không tự ý sửa đổi nguyên bản ngoại trừ dàn trang và sắp xếp để hợp với thể thức nhất quán.

LỜI NÓI ĐẦU
Phần lớn nội dung quyển sách này là từ một loạt bài giảng về đề tài “thế giới” do Nghê Thác Thanh (Nee To-sheng), tức Watchman Nee, người tỉnh Phúc Châu chia sẻ cho các tín đồ Cơ-đốc tại thành phố Thượng Hải trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến Tranh Hoa-Nhật. Những bài giảng này có một chút màu sắc của áp lực kinh tế trong những ngày ấy. Các bài nói chuyện khác về cùng một đề tài trên, được chia sẻ tại nhiều nơi khác nhau, vào những thời điểm khác nhau trong giai đoạn từ năm 1938 đến 1941 đã được kết hiệp với những bài giảng ấy. Chẳng hạn như Chương Ba dựa trên một bài giảng trong dịp làm báp-têm vào tháng Năm, năm 1939. Tôi biết ơn một số bạn hữu đã ghi chép các bài giảng và cung cấp để làm tài liệu cho quyển sách này.
Tác giả nhìn thấy kosmos là một thực thể thuộc linh ẩn sau những điều mắt thấy được, là một thế lực chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến. Ông bàn về tác động của nó trên Cơ-đốc-nhân và tác động của Cơ-đốc-nhân trên nó, đề cập đến lời tuyên bố đầy tính xung đột về sự phân rẽ và dính dấp của Cơ-đốc-nhân, cùng nói đến phần định trước của một người trong Đấng Christ là có “quyền cai trị”. Như mọi khi, các bài nghiên cứu của Nghê Thác Thanh trình bày những suy nghĩ độc đáo, không sợ làm phiền lòng ai cả, khuấy động cả tấm lòng và tâm trí người đọc khiến họ đáp ứng. Tôi cầu nguyện rằng, mặc dầu cấu trúc của quyển sách không tránh khỏi sự phân chia thành từng phần, nhưng chủ đề của nó sẽ chứng minh tính mạch lạc, chặt chẽ về hình ảnh một con người của Đức Chúa Trời ở trong thế gian. Hơn nữa, nó có thể thách thức tất cả chúng ta, là những người mang danh của Đấng Christ, tiến lên cách can đảm và tích cực hơn trong tình hình hiện nay trên đất này, và luôn luôn suy nghĩ về vai trò của mình tại đây trong mục đích đời đời của Đức Chúa Trời liên quan đến Con yêu dấu của Ngài.
Angus I. Kinnear Luân-đôn, 1968


CHƯƠNG MỘT

TÂM TRÍ ẨN SAU HỆ THỐNG
“Bây giờ có sự phán xét thế giới này, bây giờ kẻ cai trị của thế gian này bị quăng ra. Còn Ta, nếu Ta được treo lên khỏi đất, thì sẽ thu hút mọi người đến cùng Ta” (Giăng 12:31, 32).
Chúa Giê-su của chúng ta nói lên những lời này vào thời điểm trọng yếu trong chức vụ của Ngài. Ngài đã vào Giê-ru-sa-lem, với những đám đông nhiệt thành vây quanh; nhưng hầu như ngay lúc ấy, Ngài nói về sự từ bỏ mạng sống Ngài với những từ ngữ tiềm ẩn, và từng trời đã công khai bày tỏ sự tán đồng. Bây giờ Ngài phát biểu lời tuyên bố quan trọng bao gồm hai phương diện này. Chúng ta tự hỏi những lời ấy có thể truyền đạt gì cho những người vừa mới hoan nghênh Ngài, ra chào đón Ngài và đồng đi với Ngài trên đường Ngài cỡi lừa về nhà? Đối với hầu hết mọi người giữa vòng họ, những lời nói ấy của Ngài, nếu có một ý nghĩa nào, thì ý nghĩa ấy chắc hẳn trái ngược với hi vọng của họ. Thật vậy, những người sâu sắc thấy trong những lời ấy sự báo trước các tình cảnh đích thực về cái chết như một tên tội phạm của Ngài (c. 33).
Tuy nhiên, nếu lời nói của Ngài đã hủy diệt hàng loạt những ảo tưởng, thì thay vào đó, cũng đem lại hi vọng kỳ diệu, vững chắc và bảo đảm. Vì lời ấy tuyên bố một sự hoán đổi quyền cai trị cách triệt để hơn cả những gì mà các nhà ái quốc Do-thái trông mong. “Còn Ta...” lời nói này tương phản gay gắt với những gì được nói trước đó, thậm chí giống như Đấng mà lời ấy chứng minh, đang đứng đối đầu với đối thủ của mình là vua chúa của thế gian. Nhờ thập tự giá, nhờ sự vâng phục cho đến chết của Ngài, tức Đấng vốn là hạt lúa mì của Đức Chúa Trời, sự cai trị đầy áp bức và sợ hãi của thế gian phải bị chấm dứt với sự sụp đổ của kẻ lãnh đạo kiêu căng của nó. Và với sự kiện Ngài đột nhiên sống lại, một sự trị vì mới của sự công chính sẽ xuất hiện, được đánh dấu bởi sự tự nguyện trung thành của loài người đối với Ngài, sẽ thế chỗ cho sự cai trị ấy. Với những sợi dây yêu thương, lòng họ sẽ được kéo khỏi một thế gian bị phán xét để đến với Giê-su, Con Loài Người, là Đấng mặc dầu bị treo lên để chết, nhưng cũng bởi chính bị treo lên mà Ngài được nâng cao để trị vì.
Trái đất là sân khấu của cuộc khủng hoảng này cùng kết quả vô cùng lớn lao của nó. Chúng ta có thể nói “thế gian” này là điểm đụng độ. Chúng ta sẽ lấy điểm ấy làm chủ đề nghiên cứu của mình, và sẽ bắt đầu bằng cách xem xét các ý tưởng của Tân Ước liên quan đến từ ngữ Hi-lạp quan trọng kosmos. Trong các bản Kinh-thánh tiếng Anh, ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ duy nhất mà chúng ta cần lưu ý một chút, từ ngữ này luôn luôn được dịch là “thế giới”. (Từ ngữ Hi-lạp khác, là aion, cũng dịch như vậy, thể hiện ý tưởng về thời gian, nên được dịch cách thích đáng hơn là “thời đại”).
Chúng ta đáng phải dành chút ít thì giờ xem qua một quyển Tự điển Hi-văn Tân Ước, chẳng hạn như quyển của Grimm. Quyển sách này sẽ cho thấy phạm vi ý nghĩa của từ ngữ kosmos trong Kinh-thánh rộng lớn như thế nào. Nhưng trước hết, chúng ta hãy xem sơ qua nguồn gốc của nó trong tiếng Hi-lạp cổ điển. Chúng ta sẽ thấy từ ngữ này ngụ ý hai điều trong nguyên nghĩa: trước hết là một trật tự hay một sự sắp đặt hài hòa, và thứ hai là sự trang điểm hay trang hoàng. Ý sau xuất hiện trong động từkosmeo chép trong Tân Ước, được dùng với ý nghĩa “trang hoàng”, như nói về đền thờ với những viên đá đẹp đẽ, hay về một cô dâu được trang điểm đợi chồng (Lu 21:5; Khải 21:2). Trong 1 Phi-e-rơ 3:3, là trường hợp ngoại lệ vừa nói đến ở trên, kosmos tự nó được dịch là “trang sức” cho phù hợp với cùng một động từ kosmeo trong câu 5.
(1) Khi rời khỏi các tác phẩm cổ điển [tiếng Hi-lạp] mà quay sang các tác giả Tân Ước, chúng ta thấy họ dùng từ ngữ kosmos theo ba nhóm chính. Trước hết, nó được dùng với ý nghĩa vũ trụ vật chất, quả địa cầu, là trái đất. Thí dụ: Công-vụ 17:24: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế gian và mọi vật trong đó”; Ma-thi-ơ 13:35 (và những chỗ khác), “khi tạo lập thế giới”; Giăng 1:10: “Ngài ở trong thế gian, và thế giới bởi Ngài dựng nên”; Mác 16:15: “Hãy đi khắp thế giới”.
                        (2) Cách dùng thứ hai của từ ngữ kosmos có hai phương diện. Từ ngữ này được dùng (a) để chỉ dân cư trên thế giới trong những nhóm chữ như Giăng 1:10: “thế gian không nhận biết Ngài”; 3:16 “Đức Chúa Trời thương yêu thế giới”; 12:19: “Cả thế giới đều kéo theo người”; 17:21: “hầu thế giới tin”. (b) Sự mở rộng của cách dùng này dẫn đến ý tưởng về cả dòng giống loài người xa lạ với Đức Chúa Trời và thù nghịch với mục tiêu của Đấng Christ. Thí dụ: Hê-bơ-rơ 11:38: “Thế giới không xứng đáng cho họ”; Giăng 14:17: “mà thế gian không thể nhận lãnh được”; 14:27: “Ta cho các ngươi không như thế giới cho”; 15:18: “Nếu thế giới ghét các ngươi...”
                        (3) Thứ ba, chúng ta tìm thấy từ ngữ kosmos được dùng trong Kinh-thánh chỉ về các việc thuộc về thế giới: toàn bộ hàng hóa thế giới, của cải thế giới, sự giàu có thế giới, lợi lộc, niềm vui, mặc dầu trống rỗng và chóng qua, vẫn khuấy động lòng ao ước và cám dỗ chúng ta xa khỏi Đức Chúa Trời, để rồi chúng trở nên những chướng ngại vật cho mục tiêu của Đấng Christ. Chẳng hạn: 1 Giăng 2:15: “những điều ở trong thế giới”; 3:17: “của cải thế giới”; Ma-thi-ơ 16:26: “Nếu ai được cả thế giới, mà mất sự sống mình”; 1 Cô-rin-tô 7:31: “người nào dùng thế giới nên như người không lạm dụng nó”. Cách dùng chữ kosmos ở đây không những áp dụng cho vật chất mà còn cho những điều trừu tượng, có giá trị thuộc linh và đạo đức (hay vô đạo đức). Thí dụ: 1 Cô-rin-tô 2:12: “linh của thế giới”; 3:19: “sự khôn ngoan của thế giới này”; 7:31: “thời trang của thế giới”; Tít 2:12: “tư dục của thế giới” (tĩnh từ kosmikos); 2 Phi-e-rơ 1:4: “sự hư nát ở trong thế giới”; 2:20: “sự ô uế của thế giới”; 1 Giăng 2:16, 17: “mọi sự trong thế giới, tư dục... hư vinh... qua đi”. Cơ-đốc-nhân phải “giữ mình khỏi tiêm nhiễm thế giới” (Gia 1:27).

Như đoạn trên đã gợi ý, những người nghiên cứu Kinh-thánh sẽ sớm khám phá ra rằng kosmos là một từ ngữ sứ đồ Giăng thích sử dụng, và bây giờ ông là người chính yếu giúp chúng ta đi đến một kết luận sâu xa hơn.
Mặc dầu đúng là “thế gian” có ba định nghĩa, đó là (1) trái đất hay vũ trụ vật chất, (2) loài người trên trái đất, (3) những điều thuộc về trái đất, mà mỗi định nghĩa đều đóng góp phần nào cho toàn bộ bức tranh, nhưng rõ ràng rằng đằng sau tất cả những điều được định nghĩa ấy, còn có một điều gì hơn thế nữa. Ý kiến [của các tác phẩm Hi-lạp] cổ điển [nói kosmos là] sự sắp đặt hay tổ chức có trật tự giúp chúng ta nắm bắt được điều này là gì. Phía sau tất cả những gì hữu hình, chúng ta gặp một điều gì đó vô hình, chúng ta gặp một hệ thống có quy hoạch, và trong hệ thống này, có một sự vận hành hài hòa, một trật tự hoàn chỉnh.
Có hai điều về hệ thống này cần được nhấn mạnh. Trước hết, kể từ ngày A-đam mở cửa cho sự gian ác bước vào cõi sáng tạo của Đức Chúa Trời, trật tự thế giới đã tự bày tỏ là thù nghịch với Đức Chúa Trời. Thế gian “không biết Đức Chúa Trời” (1 Côr. 1:21), “ghét” Đấng Christ (Giăng 15:18) và “không thể nhận lãnh” Linh của lẽ thật (14:17). “Công việc của nó là ác” (Giăng 7:7) và “làm bạn với thế giới là thù nghịch với Đức Chúa Trời” (Gia 4:4). Vì vậy, Giê-su phán: “Vương quốc Ta không thuộc về thế giới này” (Giăng 18:36). Ngài đã “thắng thế giới” (16:33) và “sự thắng thế giới, ấy là đức tin của chúng ta nơi Ngài” (1 Giăng 5:4). Vì như câu Kinh-thánh trong Giăng chương 12 là phần mở đầu bài nghiên cứu này đã khẳng định, thế giới ở dưới sự phán xét. Thái độ của Đức Chúa Trời là không thỏa hiệp với thế giới.
Thứ hai, bởi vì như chính câu này đã làm sáng tỏ, có một tâm trí ẩn sau hệ thống. Giăng nhiều lần viết về “vua chúa của thế giới này” (12:31; 14:30; 16:11). Trong Thư-tín của mình, ông mô tả vua chúa ấy là “kẻ ở trong thế giới” (1 Giăng 4:4) và đối thủ của kẻ ấy là Linh của lẽ thật, là Đấng ở trong các tín đồ. Giăng nói: “Cả thế giới đều nằm trong tay kẻ ác” (5:19). Hắn là kosmokrator phản loạn, là kẻ cai trị thế giới này — tuy nhiên đây là từ ngữ chỉ xuất hiện một lần, được dùng dưới hình thức số nhiều, chỉ về những viên chức ở ngay dưới quyền hắn, “các bá chủ của đời tối tăm này” (Êph. 6:12).
Như vậy, có một hệ thống trật tự, là “thế giới”, do một kẻ cai trị, là Sa-tan, điều khiển ở phía sau hiện trường. Trong Giăng 12:31, khi Chúa Giê-su tuyên bố rằng thế giới này đã bị định tội rồi, Ngài không có ý nói thế giới vật chất, hay dân cư của nó bị phán xét. Sự phán xét những điều này chưa xảy ra. Điều bị phán xét ở đây là cơ chế, là trật tự thế giới hài hòa mà chính Sa-tan là căn nguyên và đầu não. Sau cùng, như lời của Chúa Giê-su đã làm sáng tỏ, ấy là hắn, “vua chúa của thế giới này”, đã bị phán xét (16:11), và là kẻ bị truất ngôi và “quăng ra” đời đời.
Như vậy, Kinh-thánh ban cho chúng ta một sự hiểu biết sâu xa về thế giới quanh mình. Thật vậy, nếu không nhìn thấy những thế lực vô hình phía sau những điều vật chất, có lẽ chúng ta đã bị lừa dối rồi.
Sự xem xét này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phân đoạn trong 1 Phi-e-rơ chương 3 được đề cập ở trên. Trong phân đoạn này, vị sứ đồ cố tình đặt “sự trang sức (kosmos) bề ngoài, như gióc tóc, đeo vàng, diện áo quần” tương phản với việc “lấy linh nhu mì và yên lặng mà trang sức người ẩn mật trong lòng là trang phục không thể hư nát, rất quí giá trước mặt Đức Chúa Trời”. Như vậy, chúng ta suy ra sự trang sức bề ngoài là hư nát và không có giá trị gì đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể sẵn sàng hay không sẵn sàng chấp nhận ngay sự đánh giá của Phi-e-rơ, tùy thuộc vào việc chúng ta có nhìn thấy ý nghĩa thật của lời ông nói hay không. Ở đây là những gì ông ngụ ý nói đến. Tại hậu cảnh đằng sau việc mặc y phục, đeo nữ trang và trang điểm, có một thế lực đang hành động cho mục đích riêng của nó. Đừng để thế lực ấy bắt lấy anh chị em.
Chúng ta phải tự hỏi, động cơ nào khiến chúng ta liên hệ đến những điều này? Có thể không có gì liên quan đến nhục dục mà hoàn toàn vô tư, mục đích của người ta sử dụng “tông” màu sắc hài hòa, phù hợp chỉ là để đạt được sự đẹp mắt về phương diện thẩm mỹ. Có thể về mặt nội tại không có gì sai khi làm như vậy; nhưng anh chị em và tôi có thấy điều chúng ta đang bàn đến không? Chúng ta đang bàn đến hệ thống hài hòa phía sau những điều mắt thấy được, một hệ thống do kẻ thù của Đức Chúa Trời điều khiển. Do đó, chúng ta hãy cảnh giác.
Kinh-thánh mở đầu với việc Đức Chúa Trời sáng tạo các từng trời và trái đất. Kinh-thánh không nói Ngài tạo dựng thế giới trong ý nghĩa chúng ta đang thảo luận. Qua Kinh-thánh, ý nghĩa của chữ “thế giới” trải qua một sự biến đổi (mặc dầu Thi-thiên và vài sách tiên tri đã có nói đến ở một mức độ yếu kém hơn), nhưng chỉ trong Tân Ước, từ ngữ “thế giới” mới đạt đến ý nghĩa thuộc linh đầy đủ của nó. Chúng ta đã thấy lý do của sự phát triển này. Trước khi con người sa ngã, thế giới chỉ tồn tại trong ý nghĩa là trái đất, con người trên đất và những vật thể trên trái đất. Lúc ấy, chưa có kosmos, chưa có “thế giới” trong ý nghĩa về một trật tự được thiết lập. Tuy nhiên, cùng với sự sa ngã, Sa-tan đã đem đến trái đất này một trật tự mà chính hắn đã cưu mang, và qua đó hệ thống thế giới mà chúng ta đang nói đến đã bắt đầu. Trái đất vật lý của chúng ta vốn không liên hệ gì đến “thế giới” theo ý nghĩa về một hệ thống thuộc Sa-tan, và con người thực sự cũng không liên hệ gì đến hệ thống ấy; nhưng Sa-tan đã lợi dụng tội lỗi của con người, và lợi dụng cánh cửa đã mở toang cho hắn để đem vào trái đất cái tổ chức mà chính hắn đã tự thiết lập. Từ thời điểm ấy, trái đất này đã ở trong “thế giới”, và con người cũng ở trong “thế giới”. Cho nên chúng ta có thể nói rằng trước sự Sa-ngã có trái đất, sau sự Sa-ngã có “thế gian”, khi Chúa trở lại sẽ có một vương quốc. Cũng như thế gian thuộc về Sa-tan, Vương quốc sẽ thuộc về Chúa Giê-su. Hơn nữa, Vương-quốc này đang thế chỗ thế giới và sẽ thế chỗ thế giới. Khi “Vầng đá không phải bởi tay làm nên” đập vỡ hình tượng kiêu ngạo của con người, thì vương quốc của thế gian này sẽ “trở nên vương quốc của Chúa và của Đấng Christ của Ngài” (Đa 2:44, 45; Khải 11:15).
Chính trị, giáo dục, văn chương, khoa học, nghệ thuật, luật pháp, thương mại, âm nhạc — là những điều tạo nên kosmos, và đó là những điều chúng ta gặp hằng ngày. Trừ bỏ những điều đó đi thì thế giới với ý nghĩa là một hệ thống chặt chẽ sẽ không còn tồn tại. Khi nghiên cứu lịch sử nhân loại, chúng ta phải thừa nhận sự tiến bộ rõ rệt trong mỗi một lãnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề là sự “tiến bộ” này đang theo chiều hướng nào? Mục tiêu sau cùng của tất cả những sự phát triển này là gì? Cuối cùng, Giăng cho chúng ta biết, antichrist sẽ dấy lên và sẽ thiết lập vương quốc của hắn trên thế giới này (1 Giăng 2:18, 22; 4:3; 2 Giăng 7; Khải 13). Đó là hướng tiến lên của thế giới này. Sa-tan đang dùng thế giới vật chất, những con người của thế giới, những điều ở trong thế giới, để cuối cùng qui tụ mọi sự dưới sự lãnh đạo của hắn trong vương quốc của antichrist. Vào giờ phút đó, hệ thống thế giới đã đạt đến tột đỉnh và mỗi một đơn vị của nó sẽ phơi bày tình trạng chống lại Cơ-đốc-nhân.
Trong sách Sáng-thế Ký, chúng ta thấy tại vườn Ê-đen không có dấu vết nào của kỹ thuật, không có dụng cụ cơ khí. Tuy nhiên, sau sự sa ngã, chúng ta đọc thấy trong số các con trai Ca-in có một người thợ rèn làm những dụng cụ bằng đồng và sắt. Cách đây vài thế kỷ, có lẽ hơi kỳ dị nếu biện biệt linh của antichrist trong những dụng cụ bằng sắt, cho dầu từ lâu gươm đã công khai cạnh tranh với lưỡi cày. Nhưng ngày nay, kim loại trong tay con người đã có những công dụng hung tàn chết người, và đang khi kỳ chung kết tiến đến gần, việc lạm dụng kỹ thuật và kỹ nghệ sẽ lan tràn càng rõ ràng hơn.
Điều này cũng áp dụng được cho âm nhạc và nghệ thuật. Vì sáo và đàn hạc dường như cũng bắt đầu với gia đình Ca-in, ngày nay, trong những bàn tay không dâng hiến cho Đức Chúa Trời, bản chất chống đối Đức Chúa Trời của chúng càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Tại nhiều nơi trên thế giới, từ lâu người ta đã dễ dàng tìm thấy dấu vết của mối liên hệ mật thiết giữa sự thờ lạy hình tượng với hội họa, điêu khắc và âm nhạc. Chắc chắn sẽ đến một ngày mà bản chất của antichrist sẽ lộ ra rõ ràng hơn bao giờ hết qua ca nhạc, khiêu vũ, nghệ thuật liên quan đến thị giác và kịch nghệ.
Còn về thương mại, mối liên hệ của nó có lẽ thậm chí còn đáng nghi ngờ hơn nữa. Sa-tan là tay thương gia đầu tiên, trao đổi những ý tưởng với Ê-va vì lợi lộc của chính hắn, và trong ngôn ngữ hình bóng của Ê-xê-chi-ên chương 28, là chương dường như bộc lộ điều gì đó về bản tính nguyên thủy của hắn, chúng ta đọc thấy: “Vì thông thạo và sự buôn bán mình, ngươi đã làm cho sự giàu có mình tấn tới. Vậy lòng ngươi đã được nâng cao lên vì cớ sự giàu có ngươi” (c. 5). Có lẽ điều này không phải tranh luận, vì theo kinh nghiệm của mình, hầu hết chúng ta đã sẵn thừa nhận nguồn gốc và bản chất Sa-tan của ngành thương mại. Về sau, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về điều này.
Nhưng còn giáo dục thì sao? Chắc chắn chúng ta phản đối mà nói rằng giáo dục phải là vô hại. Dầu sao đi nữa, con cái chúng ta cũng phải được dạy dỗ. Nhưng không thua gì thương mại và kỹ thuật, giáo dục là một trong những điều thuộc về thế giới. Rễ của nó ở nơi cây kiến thức. Là những Cơ-đốc-nhân, chúng ta tha thiết biết bao trong việc tìm cách bảo vệ con cái mình khỏi những cạm bẫy dễ thấy hơn của thế giới. Tuy nhiên đúng là chúng ta phải cung ứng sự giáo dục cho chúng. Làm thế nào chúng ta giải quyết vấn đề để chúng tiếp xúc với một điều mà bản chất là thuộc về thế giới, và đồng thời vẫn có thể canh giữ chúng khỏi hệ thống thế gian lớn lao và những hiểm họa của hệ thống ấy?
Còn khoa học thì thế nào? Khoa học cũng là một đơn vị tạo nên kosmos. Nó cũng là kiến thức. Khi chúng ta dấn thân sâu hơn vào khoa học, và bắt đầu suy đoán bản chất của thế giới vật lý và của con người, ngay lập tức vấn đề được đặt ra: Việc theo đuổi những sự nghiên cứu và khám phá của khoa học đến đâu là hợp pháp? Đâu là ranh giới giữa những gì ích lợi và những gì tai hại trong lãnh vực kiến thức? Làm thế nào chúng ta theo đuổi kiến thức mà vẫn không sa vào lưới của Sa-tan?
Như vậy, đây là những vấn đề chúng ta phải xem xét. Vâng, tôi biết rằng đối với một số người, dường như tôi có vẻ phóng đại sự việc, nhưng cần phải như vậy để người ta có thể hiểu ra quan điểm của tôi. Vì “nếu ai thương yêu thế giới thì tình yêu thương Cha không ở trong người đó” (1 Giăng 2:15). Cuối cùng, khi chạm đến những điều của thế gian, câu hỏi mà chúng ta luôn luôn cần tự vấn chính mình là: “Điều này ảnh hưởng mối tương giao giữa tôi với Cha như thế nào?”
Giai đoạn chúng ta cần phải đi vào trong thế giới để tiếp xúc với nó đã qua rồi. Ngày nay thế giới đến tìm chúng ta. Hiện nay có một lực lượng rộng khắp đang bắt lấy con người. Có bao giờ anh em cảm thấy sức mạnh của thế giới như ngày hôm nay không? Có bao giờ anh em nghe nói nhiều về tiền bạc như vậy không? Có bao giờ anh em suy nghĩ nhiều về cơm áo như vậy không? Dầu anh em đến bất cứ nơi nào, ngay cả giữa vòng các Cơ-đốc-nhân, những điều thuộc về thế gian hiện là đề tài của các cuộc đàm thoại. Thế giới đã tiến đến ngay tại cửa của Hội-thánh và đang tìm cách lôi kéo thậm chí các thánh đồ của Đức Chúa Trời vào trong vòng kiềm tỏa của nó. Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta cần quyền năng thập tự giá của Đấng Christ giải cứu mình khỏi lãnh vực vật chất.
Trước đây, chúng ta nói nhiều về tội lỗi, sự sống thiên nhiên và đã thấy được vấn đề về mặt thuộc linh trong những điều này, nhưng khi ấy chúng ta ít nhận thức những nan đề thuộc linh nghiêm trọng tương đương đang bị đe dọa khi va chạm với thế giới. Qua phương tiện là “những vật ở trong thế gian”, có một lực lượng thuộc linh ở phía sau sân khấu thế giới, đang tìm cách làm cho người ta mắc vào mạng lưới trong hệ thống của nó. Vì vậy, các thánh đồ của Đức Chúa Trời không chỉ cần canh giữ mình khỏi tội lỗi, nhưng còn phải canh giữ mình khỏi vua chúa của thế giới này. Đức Chúa Trời đang xây dựng Hội-thánh của Ngài đến chỗ thành toàn trong sự cai trị của Đấng Christ trên toàn vũ trụ. Đồng thời, địch thủ của Ngài cũng đang xây dựng hệ thống thế giới này đến cực điểm hư không của nó trong sự cai trị của antichrist. Chúng ta cần phải tỉnh thức biết bao kẻo một lúc nào đó chúng ta giúp đỡ Sa-tan xây dựng vương quốc bất hạnh ấy. Khi phải đối diện với những sự lựa chọn và nhiều con đường ở trước mặt mình, vấn đề không phải là: Điều này tốt hay xấu? Điều này có lợi hay có hại? Không, câu hỏi chúng ta cần tự vấn là: Điều này thuộc về thế giới hay thuộc về Đức Chúa Trời? Vì từ khi có cuộc xung đột độc nhất vô nhị này trong vũ trụ, bất cứ khi nào hai con đường đối kháng nhau mở ra trước mặt chúng ta, sự lựa chọn mà chúng ta cần cân nhắc không bao giờ kém hơn điều này: Đức Chúa Trời... hay Sa-tan?