Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Bất Ái Thế Giới- 2


KHUYNH HƯỚNG LÌA XA ĐỨC CHÚA TRỜI
Vì tất cả chúng ta đều từng làm nô lệ cho tội, nên chúng ta đã sẵn tin rằng những điều tội lỗi thuộc về Sa-tan. Nhưng chúng ta có tin rằng những điều của thế giới cũng thuộc về Sa-tan y như tội lỗi không? Tôi thiết tưởng nhiều người trong chúng ta vẫn còn phân vân về điều này. Tuy nhiên, Kinh-thánh khẳng định cách rõ ràng: “Cả thế giới đều nằm trong kẻ ác” (1 Giăng 5:19). Nói chung, Sa-tan biết rõ rằng tìm cách gài bẫy các Cơ-đốc-nhân chân chính bằng những điều hoàn toàn tội lỗi chỉ là tốn công vô ích. Họ thường cảm thấy nguy hiểm và trốn khỏi hắn. Cho nên thay vào đó, hắn mưu mô thiết lập một hệ thống đầy sức cám dỗ, một mạng lưới được đan dệt vô cùng tinh xảo để
gài bẫy những người ngây thơ trong trắng nhất. Chúng ta chạy trốn khỏi dục vọng tội lỗi với một lý trí sáng suốt, nhưng khi chạm đến những điều có vẻ vô hại như khoa học, nghệ thuật và giáo dục, chúng ta lại mất hẳn cảm nhận về thực chất và rơi vào bẫy cám dỗ của hắn như một con mồi!


Tuy nhiên, lời tuyên án của Chúa chúng ta rõ ràng ngụ ý rằng mọi sự tạo nên “thế giới” đều ở ngoài mục đích của Đức Chúa Trời. Lời Ngài: “Hiện nay có sự phán xét thế giới này”, rõ ràng ngụ ý về sự định tội tất cả những gì tạo nên kosmos, và nếu thế giới không có một sự sai trật tận gốc rễ thì Chúa đã không bao giờ nói ra lời này. Hơn nữa, khi Chúa Giê-su nói tiếp: “Bây giờ, kẻ cai trị của thế giới này bị quăng ra”, Ngài không chỉ nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa Sa-tan và trật tự thế giới mà còn nhấn mạnh rằng sự định tội thế giới liên hệ đến sự định tội Sa-tan. Chúng ta có công nhận rằng ngày nay Sa-tan là vua chúa của giáo dục, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, và những điều này cùng với hắn đều bị định tội rồi không? Chúng ta có công nhận rằng Sa-tan là ông chủ thật của tất cả những điều hiệp lại tạo nên hệ thống thế giới này không?


Khi nghe ai đề cập đến một nơi khiêu vũ hay một hộp đêm, phản ứng của Cơ-đốc-nhân chúng ta theo bản năng là không tán thành. Đối với chúng ta, đó là những điều hết sức “thế giới”. Tuy nhiên, ở một thái cực khác, khi thảo luận về y khoa hay dịch vụ xã hội, có thể chúng ta lại không có phản ứng nào cả. Những điều này khiến chúng ta ngầm tán thành, và có lẽ còn được chúng ta nhiệt thành ủng hộ. Giữa hai thái cực này có vô số điều có ảnh hưởng xấu tốt khác nhau rất nhiều. Có lẽ không ai trong chúng ta đồng ý với nhau về việc nên vẽ một lằn ranh giới chính xác ở đâu giữa hai thái cực này. Tuy nhiên, chúng ta hãy đối diện với sự thật rằng Đức Chúa Trời đã tuyên bố sự phán xét, không phải trên những điều nào đó được lựa lọc ra từ thế gian này, nhưng trên tất cả những điều ấy, mà không thiên vị gì cả.


Hãy thử nghiệm chính mình. Nếu anh em mạo hiểm vào một trong những lãnh vực được tán đồng này, và rồi có người kêu lên: “Anh đã chạm đến thế giới trong lãnh vực này rồi”, thì anh em có rúng động không? Có lẽ hoàn toàn không. Cần phải có một người mà anh em kính trọng đến nói cách thẳng thắn và quả quyết: “Anh ơi, anh đã liên hệ với Sa-tan ở đó rồi!”, khi ấy anh em mới thấy mình rất ngần ngại. Không phải như vậy sao? Anh em cảm thấy thế nào nếu có ai nói với anh em: “Anh đã đụng đến ngành giáo dục rồi”, “Anh đã đụng đến y khoa rồi”, hay “Anh đã đụng đến thương mại rồi”? Anh em có phản ứng với mức độ thận trọng như khi người ấy nói: “Anh đã đụng đến Ma quỉ rồi” không? Nếu chúng ta thật sự tin rằng bất cứ khi nào mình đụng đến những gì tạo nên thế giới là chúng ta đụng đến kẻ cai trị của thế giới này, thì khi ấy sự nghiêm trọng ghê gớm của việc liên hệ đến bất cứ phương diện nào của thế giới không thể không gây tác động mạnh mẽ đến chúng ta được. “Cả thế giới đều nằm trong kẻ ác”, không phải một phần thế gian, mà là cả thế giới. Dầu là chỉ trong giây phút, chúng ta đừng bao giờ suy nghĩ rằng Sa-tan chống đối Đức Chúa Trời chỉ bằng tội lỗi và những gì thuộc nhục dục trong lòng người; hắn chống đối Ngài bằng mỗi một điều thuộc thế gian. Thật thế, tôi đồng ý với anh em rằng theo một ý nghĩa, những gì thuộc về thế giới đều là vật chất, không có sự sống, tự trong chúng không có năng lực gì làm hại chúng ta; tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng gợi ý rằng chúng chống lại mục đích của Đức Chúa Trời, cũng như tất cả những gì trong thế giới đều thật sự không hề chạm đến sự sống thần thượng.
Nhóm chữ “tùy theo loại” liên tục được nhắc lại trong Sáng-thế Ký chương 1 tượng trưng cho luật sinh sản, là luật chi phối toàn bộ lãnh vực sinh học thiên nhiên. Tuy nhiên, nó không chi phối lãnh vực của Đức Linh. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, cha mẹ loài người có thể sinh con cái là loài người; nhưng có một điều chắc chắn là các Cơ-đốc-nhân không thể sinh ra Cơ-đốc-nhân! Thậm chí khi cả cha lẫn mẹ đều là Cơ-đốc-nhân, con cái họ sinh ra cũng không tự động là Cơ-đốc-nhân được, không, dầu thế hệ đầu tiên cũng không. Mỗi một lần đều cần Đức Chúa Trời hành động cách tươi mới.


Nguyên tắc này cũng áp dụng đúng như vậy một cách rộng rãi hơn cho những sự việc của nhân loại. Tất cả những gì thuộc về bản chất con người sẽ tiếp tục diễn tiến cách tự phát; tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời chỉ tiếp tục khi Đức Chúa Trời tiếp tục hành động. Thế gian bao hàm tất cả những gì có thể tiếp diễn tách rời khỏi hoạt động thần thượng, tức là những gì có thể tự nó tiếp diễn, không cần Đức Chúa Trời hành động cụ thể để duy trì sự tươi mới của nó. Thế giới và tất cả những gì thuộc về thế giới làm điều này cách tự nhiên vì đó là bản chất của nó, và khi làm như vậy, nó chuyển động theo một hướng trái ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời. Bây giờ chúng tôi sẽ tìm cách minh họa lời tuyên bố này cả bằng Kinh-thánh lẫn kinh nghiệm của Cơ-đốc-nhân.


Trước hết, chúng ta hãy xem lãnh vực khoa học chính trị. Lịch sử Cựu Ước của Y-sơ-ra-ên cho chúng ta ví dụ về một dân tộc có đặc quyền cao cả và chính phủ của họ. Chúng ta được biết dân Y-sơ-ra-ên muốn được giống như các dân tộc quanh mình, cho nên họ hướng lòng về một vị vua. Chúng ta tạm thời nên gác lại việc họ chọn lựa Sau-lơ và tiến đến chỗ mà trong thời điểm của Đức Chúa Trời, cuối cùng Ngài đã ban cho họ một vị vua do Ngài chọn lựa, là người thiết lập vương quốc theo sự chỉ dẫn của Ngài.


Bây giờ ngay cả khi điều này rõ ràng là hành động của Đức Chúa Trời, thì khuynh hướng tự nhiên của vương quốc “cũng giống như các dân tộc” tỏ ra là lìa bỏ Đức Chúa Trời. Vì vương quốc là một điều thuộc thế giới, đang khi hòa hợp với mọi điều thuộc thế giới, nó có khuynh hướng xung đột với mục đích thần thượng. Trên thế giới này, bất cứ nơi nào chính phủ của một dân tộc được phó mặc để tự ra sao thì ra, thì họ sẽ đi theo hướng tự nhiên của mình, càng ngày càng xa cách Đức Chúa Trời. Điều gì đúng với nền chính trị của các quốc gia thế tục thì điều đó chắc chắn cũng phát triển tương tự như vậy ngay cả đối với Y-sơ-ra-ên là quốc gia vốn đã được chọn lựa cách thần thượng. Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời ngưng hành động cách cụ thể cho họ, vương quốc Y-sơ-ra-ên trôi giạt vào tình trạng liên kết giữa hình tượng và chính trị. Đúng là đã có những cuộc khôi phục, nhưng mỗi một sự khôi phục ấy đều được đánh dấu bởi một sự can thiệp thần thượng rõ rệt, nếu không có những sự can thiệp ấy, thì luôn luôn có một khuynh hướng đi xuống.


Chúng ta sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi điều này cũng đúng trong lãnh vực thương mại. Tôi không thể nghĩ ra có một lãnh vực nào khác cám dỗ người ta giao dịch dối trá và bại hoại nhiều cho bằng lãnh vực này. Chúng ta đều biết ít nhiều về điều này. Tất cả chúng ta đều biết thật khó giữ mình ngay thẳng và quản lý việc làm ăn một cách chân thật trong thế giới thương mại đầy cạnh tranh. Nhiều người sẽ nói không thể có điều đó, và chắc chắn để sống như vậy, một người đòi hỏi phải có đời sống giao phó cho Đức Chúa Trời một cách khác thường.
Chúng ta nhớ lại Chúa Giê-su đã mô tả về hai con người trái ngược nhau, một người được cả thế gian và mất sự sống mình, còn người kia là một thương gia, đi bán tất cả những gì mình có để mua một viên ngọc vô giá. Chúa Giê-su ví sánh người thứ hai với vương quốc của các từng trời (Math. 16:26; 13:45, 46). Linh của Đức Chúa Trời chẳng phải là không thường xuyên cảm động người ta trong lãnh vực thương mại để họ hành động giống như vậy. Không ít hãng thương mại nổi tiếng giao tiền lời của mình cho những mục tiêu thần thượng trong việc truyền bá Phúc-âm và theo nhiều cách khác nữa.


Tôi suy nghĩ đến một hãng buôn nọ, ngay từ bước đầu đã do một thương gia kính sợ Đức Chúa Trời tạo dựng. Bây giờ kính sợ Đức Chúa Trời là một phẩm chất chỉ có thể tồn tại nếu được cõi thiên thượng hỗ trợ, còn sự nhạy bén về kinh doanh và tổ chức có hiệu quả mà nó đã tạo nên có thể tự tồn tại mãi. Trong thế hệ đầu tiên của lịch sử hãng buôn này, chúng ta thấy người thành lập đã đem đến sự sống thần thượng đủ để gìn giữ ngay cả một công ty thế gian được an toàn dưới uy quyền của Đức Chúa Trời. Nhưng đến thế hệ thứ hai thì sự kiểm chế không còn nữa, đúng như điều người ta nghĩ, hãng buôn ấy tự động bị hút vào hệ thống thế gian. Sự kính sợ Đức Chúa Trời đã khô cạn đi, nhưng hãng buôn ấy vẫn phát đạt.


Bây giờ giả sử chúng ta lấy một vấn đề trong sạch như nông nghiệp chẳng hạn. Ở đây, dầu được viết ra trong một thế giới cổ sơ của nghề chăn nuôi và trồng trọt, sách Sáng-thế Ký đã muốn nói với chúng ta một điều gì đó. Sau khi A-đam sa ngã, Đức Chúa Trời buộc phải nói với ông rằng: “Đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có thổ sản sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn cho đến ngày ngươi trở về đất”. Không ai có thể nói rằng tại vườn Ê-đen, là nơi cây sự sống phát triển, chăn nuôi và trồng trọt là sai quấy cả. Đó là điều Đức Chúa Trời đã chỉ định. Nhưng ngay khi không còn ở dưới tay Đức Chúa Trời, điều ấy bị thoái hóa. Con người bị định tội và bị phó vào vòng lao khổ và thất vọng bất tận, yếu tố lầm lạc đã in vết trên bông trái lao khổ của con người. Sự giải cứu Nô-ê là chuyển động khôi phục lớn lao của Đức Chúa Trời, trong đó trái đất được ban cho một sự khởi đầu tươi mới. Nhưng thật nhanh chóng, thật bi thảm, loài người lại như “ngựa quen đường cũ!” “Nô-ê khởi cày đất và trồng nho; ông uống rượu say, rồi lõa thể ở giữa trại mình”. Dĩ nhiên nông nghiệp tự nó không có gì là tội lỗi, nhưng ở đây, khuynh hướng của nó vẫn là lìa xa Đức Chúa Trời. Chỉ cần để nó đi theo khuynh hướng tự nhiên thì nó sẽ tìm cách chọn một con đường hoàn toàn nghịch lại với Ngài.
Chúng ta có biết ít nhiều về điều này trong những thảm họa vật lý như vậy hiện nay, chẳng hạn như sự khô kiệt của các đại lục không?


Nhưng Hội-thánh, là ruộng của Đức Chúa Trời, thì khác biệt biết bao! Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời và Linh cư ngụ bên trong, Hội-thánh sở hữu một năng lực sự sống cố hữu, có thể giữ Hội-thánh không ngớt chuyển động theo hướng của Đức Chúa Trời, hoặc có thể nhắc nhở Hội-thánh hướng về Đức Chúa Trời khi đi lạc, nếu Hội-thánh đáp ứng với năng lực của sự sống ấy.


Khi chúng ta quay sang giáo dục, cả Kinh-thánh và kinh nghiệm đều có một điều gì đó để nói với chúng ta. Theo lối tỉ dụ, chúng ta có thể nói rằng khi bỏ Sau-lơ và chọn Đa-vít, Đức Chúa Trời đã bỏ qua một con người nổi bật ở cái đầu của mình (vì Sau-lơ cao hơn những người đồng trang lứa một cái đầu) để yêu thích một người theo lòng Ngài! Nhưng nghiêm trọng hơn nữa, những người như Giô-sép, Môi-se và Đa-ni-ên, là những người mà sự khôn ngoan của họ được Đức Chúa Trời dùng trước mắt mọi người, mỗi người đều nhận sự hiểu biết mình cần từ Đức Chúa Trời cách trực tiếp. Họ không cho sự giáo dục thế tục mà mình đã hấp thụ là đáng kể. Sứ đồ Phao-lô rõ ràng đã đặt học vấn uyên bác của mình trong số “mọi sự” mà ông xem là lỗ vì sự nhận biết Christ Giê-su, Chúa của ông là quí tột bậc (Phil. 3:8). Ông phân biệt rõ ràng giữa sự khôn ngoan của thế giới và sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời (1 Côr. 1:21, 30).


Nhưng kinh nghiệm chứng tỏ bản tính thế giới của học vấn uyên thâm ấy. Hầu hết các trường đại học Tây phương thời xưa đều do các Cơ-đốc-nhân sáng lập với ao ước cung ứng cho dân mình một nền giáo dục chịu ảnh hưởng Cơ-đốc. Khi các nhà sáng lập còn sống, các trường ấy mang sắc thái [Cơ-đốc] cao, vì những người này đem giá trị thuộc linh đích thực vào đó. Tuy nhiên, khi họ qua đời, sự kiểm chế thuộc linh cũng qua đi, và nền giáo dục lìa bỏ Đức Chúa Trời chắc chắn không sao tránh khỏi bị cuốn theo dòng đời của chủ nghĩa vật chất. Trong một vài trường hợp, có thể mất một thời gian dài điều đó mới xảy ra, vì truyền thống tôn giáo khó có thể tàn úa; nhưng khuynh hướng của nó luôn luôn là một điều hiển nhiên, và trong hầu hết mọi trường hợp, đến bấy giờ giáo dục đã đạt được đích điểm của mình. Khi những điều vật chất ở dưới sự kiểm chế thuộc linh, chúng hoàn thành vai trò phụ thuộc đúng đắn của mình. Thoát khỏi sự kiểm chế ấy, chúng sẽ nhanh chóng bày tỏ quyền lực ẩn đằng sau. Luật của bản chất những điều vật chất ấy tự khẳng định mình, và tính chất thế gian của chúng được minh chứng bằng con đường chúng chọn.


Sự lan tràn hoạt động truyền giáo trong thời đại hiện tại cho chúng ta một cơ hội để thử nghiệm nguyên tắc này trong các cơ sở tôn giáo của thời đại chúng ta và trên đất nước của mình. Cách đây hơn một thế kỷ, Hội-thánh bắt đầu thành lập các trường học và bệnh viện tại Trung Quốc với sắc thái thuộc linh rõ rệt và với mục tiêu truyền giáo. Vào những ngày đầu tiên ấy, người ta không cho những tòa nhà là quan trọng bao nhiêu, trong khi họ nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò công bố Phúc-âm của những cơ sở này. Mười hay mười lăm năm về trước, anh em có thể đến tại cùng một địa điểm và ở nhiều chỗ, anh em thấy có những cơ sở lớn hơn và đẹp hơn nhiều trên chính những địa điểm ấy, nhưng so với những năm đầu tiên, số người trở lại với Chúa ít hơn rất nhiều. Và gần đây, nhiều trường trong số những trường [trung] và đại học tuyệt đẹp ấy đã trở thành những trung tâm thuần túy về giáo dục, hoàn toàn thiếu động cơ truyền giáo thật, đồng thời ở một mức độ hầu như cũng tương tự như vậy, nhiều bệnh viện hiện đang tồn tại, chỉ còn là những nơi chữa bệnh thuộc thể, không còn là những nơi chữa bệnh thuộc linh nữa. Do bước đi gần gũi với Đức Chúa Trời, những người khởi xướng các nơi này đã giữ các cơ sở ấy vững chắc cho mục đích của Ngài. Nhưng khi họ qua đời, các cơ sở ấy tự nó đã nhanh chóng bị thu hút theo những tiêu chuẩn và mục tiêu thế giới, và như vậy, chúng tự xếp mình vào loại “những sự thuộc về thế giới”. Chúng ta không nên ngạc nhiên gì về điều này.


Trong những chương đầu của sách Công-vụ chúng ta đọc thấy thế nào một việc bất ngờ đã xảy ra, đưa Hội-thánh đến chỗ lập công tác cứu trợ cho những thánh đồ nghèo hơn. Việc thành lập dịch vụ xã hội khẩn cấp ấy rõ ràng được Đức Chúa Trời chúc phước, nhưng điều đó có bản chất tạm thời. Anh em có kêu lên: “Nếu công tác ấy tiếp tục thì tốt đẹp biết bao!”
không? Chỉ có người không biết Đức Chúa Trời mới nói như vậy. Nếu những biện pháp cứu trợ ấy kéo dài, chắc chắn chúng sẽ xoay theo chiều hướng của thế gian một khi ảnh hưởng thuộc linh hành động lúc bắt đầu bị mất đi. Đó là điều không thể tránh được.


Vì có một sự khác biệt giữa một mặt là sự xây dựng Hội-thánh của Đức Chúa Trời với mặt khác là những hoạt động phụ có giá trị mang tính cách xã hội và từ thiện thỉnh thoảng được Hội-thánh thực hiện do đức tin và khải tượng của các thành viên trong Hội-thánh. Vì tất cả những công tác xã hội và từ thiện ấy đều bắt nguồn từ khải tượng thuộc linh, nên đều sở hữu một năng lực tồn tại độc lập mà Hội-thánh của Đức Chúa Trời không có. Chúng là những công việc mà đức tin của con cái Đức Chúa Trời có thể khởi xướng và đi tiên phong, nhưng một khi phương cách đã được bày tỏ và tiêu chuẩn chuyên nghiệp đã được thiết lập, người thế giới có thể duy trì hay bắt chước chúng theo lối thật xa rời với đức tin ấy.


Tôi xin nhắc lại, Hội-thánh của Đức Chúa Trời không bao giờ ngưng lệ thuộc sự sống của Đức Chúa Trời để được duy trì. Hãy tưởng tượng một hội-thánh sống động tại một thành phố hôm nay với sự tương giao, cầu nguyện và làm chứng cho Phúc-âm, với nhiều tư gia và trung tâm của những hoạt động thuộc linh. Vài năm sau, chúng ta thấy gì? Nếu dân của Đức Chúa Trời vẫn theo Ngài trong đức tin và sự vâng phục, nơi đó có thể đầy dẫy sự sống, ánh sáng của Chúa và quyền năng của Lời Ngài hơn bao giờ hết; nhưng nếu họ không trung tín với Ngài và lìa bỏ khải tượng của Đấng Christ, nơi ấy có thể trở nên nơi rao giảng thuyết vô thần mạnh mẽ không kém. Lúc đó, hội-thánh ấy sẽ không tồn tại nữa. Vì nhờ Đức Chúa Trời không ngớt truyền sự sống tươi mới mà Hội-thánh mới có thể tồn tại được; thiếu điều ấy, Hội-thánh không thể sống còn, dầu chỉ một ngày.
Nhưng giả sử bên cạnh hội-thánh có một trường học, bệnh viện, nhà in hay một cơ sở tôn giáo nào khác, phát xuất từ đức tin của chính các thành viên trong hội-thánh ấy. Nếu sau đó, nhu cầu cần có sự phục vụ ấy kéo dài thêm mười năm nữa, và không một cơ sở tư nhân hay nhà nước nào đáp ứng được, có lẽ công tác ấy sẽ tiếp tục hoạt động, hiệu quả không giảm sút và tiêu chuẩn phục vụ vẫn đáng ca ngợi. Vì có kỹ năng quản trị bình thường, một trường đại học hay một bệnh viện có thể tiếp tục cách hiệu quả với một mức độ thuần túy tổ chức mà không cần sự tuôn đổ sự sống thần thượng tươi mới gì cả. Khải tượng có lẽ đã ra đi, nhưng cơ sở vẫn tiến hành không biết đến bao giờ. Nó trở thành một điều thuộc thế gian y như tất cả những gì có thể tồn tại mà xa rời khỏi sự sống của Đức Chúa Trời. Tất cả những điều ấy bao hàm trong câu nói của Chúa: “Hiện nay có sự phán xét thế giới này”.


Giả sử tôi hỏi anh em: “Anh em tham gia công tác nào?” Anh em đáp: “Công tác y khoa”. Anh em nói điều đó mà không có một sự nhận thức đặc biệt nào khác hơn là sự tự hào về bản chất hay thương xót của tiếng gọi [mà anh em đã bước theo], và không cảm thấy tình trạng nguy hiểm mà mình có thể lâm vào. Nhưng nếu tôi nói với anh em rằng y khoa cũng là một đơn vị trong hệ thống do Sa-tan kiểm chế thì thế nào? Là Cơ-đốc-nhân, nếu tin cậy tôi, anh em sẽ giật mình ngay, và thậm chí phản ứng của anh em có thể là phân vân không biết mình có nên bỏ nghề ấy không. Không, cứ tiếp tục làm bác sĩ đi! Nhưng hãy bước đi cách thận trọng vì anh em đang ở trên lãnh thổ do kẻ thù của Đức Chúa Trời cai trị, nếu không canh chừng, anh em có thể rơi vào những mưu kế của nó như một con mồi, giống bao nhiêu người khác.


Hoặc giả sử anh em ở trong ngành kỹ nghệ, nông nghiệp, in ấn. Hãy cẩn thận, vì đây cũng là những điều thuộc thế gian, y như khi anh em điều hành một trung tâm giải trí hay một ổ tội ác. Nếu không bước đi cách thận trọng, anh em sẽ mắc bẫy Sa-tan ở nơi này hay nơi khác và đánh mất sự tự do của một người con của Đức Chúa Trời.


Anh em hỏi: Vậy thì chúng ta có cần phải được giải cứu khỏi lưới bẫy của hắn không? Nhiều người nghĩ rằng thoát khỏi thế giới là vấn đề dâng mình, vấn đề cống hiến chính mình một cách tươi mới và hết lòng cho những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Không phải như vậy, đây là vấn đề cứu rỗi. Bởi bản chất của mình, tất cả chúng ta đều mắc vào hệ thống ấy của Sa-tan, mà ngoài sự thương xót của Đức Chúa Trời chúng ta không thể nào thoát khỏi. Mọi sự tận hiến của chúng ta đều bất năng không thể giải cứu mình; chúng ta chỉ tùy thuộc vào sự thương xót và công tác cứu chuộc của Chúa để được cứu khỏi hệ thống ấy. Ngài thừa sức làm điều đó, và phương tiện Ngài dùng để cứu chúng ta sẽ là chủ đề của chương tiếp theo. Đức Chúa Trời có thể đặt chúng ta trên một vầng đá và giữ chân chúng ta khỏi trợt ngã. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể hướng việc kinh doanh hay nghề nghiệp của mình đến chỗ phục vụ ý muốn Ngài hễ khi nào Ngài còn muốn dùng chúng.


Nhưng tôi xin nhắc lại rằng khuynh hướng tự nhiên của tất cả “những điều ở trong thế gian” là hướng về Sa-tan và lìa xa Đức Chúa Trời. Một số điều trong những điều ấy có thể bắt đầu tiến hành bởi những con người của Linh, với mục tiêu hướng về Đức Chúa Trời, nhưng ngay khi sự kiểm chế của sự sống thần thượng bị cất đi, chúng tự động quay lại và đi hướng khác. Vì vậy, không lạ gì khi mắt của Sa-tan luôn luôn hướng về chung cuộc của thế giới với triển vọng vào thời điểm ấy, mọi sự của thế giới sẽ trở lại với hắn. Thậm chí hiện nay, và mãi mãi, chúng đang chuyển động theo hướng của hắn, và vào thời cuối cùng, hắn mong rằng mọi sự sẽ đạt đến mục tiêu của chúng. Khi chúng ta đụng đến bất cứ đơn vị nào trong hệ thống của hắn, tư tưởng này khiến chúng ta dừng lại, e rằng vì thiếu thận trọng, chúng ta sẽ góp phần xây dựng vương quốc của hắn.