Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Bất Ái Thế Giới- 6


Photo: Light echo from a red supergiant 
ÁNH SÁNG TRONG THẾ GIỚI
Chúa Giê-su có thể nói mà không sợ thách thức: “Ta là sự sáng của thế giới” (Giăng 8:12). Lời tuyên bố của Ngài không làm chúng ta ngạc nhiên chút nào. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là sau đó, Ngài nói với các môn đồ, và cũng ngụ ý nói về chúng ta: “Các ngươi là sự sáng của thế giới” (Math. 5:14). Vì Ngài không khuyên chúng ta hãy làm sự sáng ấy; Ngài đơn giản nói rằng chúng ta  sự sáng của thế giới, dầu chúng ta đem ánh sáng của mình đến những nơi người ta có thể nhìn thấy, hay giấu ánh sáng
ấy đi. Sự sống thần thượng được trồng trong chúng ta, tự nó tuyệt đối xa lạ với thế giới quanh mình, đó là nguồn sáng được dự định để soi sáng cho nhân loại thấy tính chất thật của thế giới bằng cách dùng sự tương phản, làm lộ rõ sự tăm tối cố hữu của nó. Vì vậy, Chúa Giê-su nói tiếp: “Cũng vậy, sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta, để họ thấy những việc lành của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi ở trên trời”. Qua điều này, chúng ta thấy rõ rằng tự tách mình ra khỏi thế giới ngày nay, và qua đó làm cho thế giới mất đi ánh sáng duy nhất của nó, thì làm điều đó không thể tôn vinh Đức Chúa Trời được. Làm như vậy là ngăn trở mục đích của Ngài trong chúng ta và trong nhân loại.

Như chúng ta đã thấy, đúng là sự nghiệp của Giăng Báp-tít tương đối khác biệt.Ông thật sự rút lui khỏi thế giới để sống khắc khổ tách biệt ở những vùng sa mạc, và như chúng ta được biết, ông sống nhờ châu chấu và mật ong rừng. Người ta đi đến đó để tìm ông, vì thậm chí tại đó, ông vẫn là ánh sáng cháy lên và chiếu lòa. Tuy nhiên, chúng ta được nhắc nhở rằng “ông không phải là Sự Sáng”, mà chỉ đến để làm chứng về Sự Sáng. Lời chứng của ông là lời chứng sau cùng và lớn nhất của chức vụ tiên tri thời đại cũ, bởi vì lời chứng ấy chỉ về Chúa Giê-su. Chỉ một mình Ngài là “Sự Sáng thật, đến thế giaới soi sáng mọi người”; và chắc chắn Ngài “ở trong thế giới” chứ không ở ngoài thế giới (Giăng 1:9, 10). Đạo Đấng Christ bắt nguồn từ Ngài. Đức Chúa Trời có thể dùng một Giăng kêu lên trong đồng vắng, nhưng Ngài không bao giờ dự định rằng Hội-thánh của Ngài là một nhóm người được lựa chọn sống theo nguyên tắc kiêng cữ.

Trước đây, chúng ta đã thấy sự kiêng cữ — “chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ” — chỉ là một yếu tố nữa trong hệ thống thế giới, và vì vậy chính nó là điều đáng nghi ngờ (Côl. 2:21). Nhưng chúng ta phải đi đến một giai đoạn sâu xa hơn điều này, và một lần nữa, sứ đồ Phao-lô đến giúp đỡ chúng ta. Trong Rô-ma 14:17, ông cho chúng ta thấy thế nào đời sống Cơ-đốc-nhân là một điều gì đó hoàn toàn xa lạ với sự tranh luận về những gì chúng ta làm và không làm. “Vương quốc Đức Chúa Trời không phải là việc ăn uống”, tức là hoàn toàn không được nhận biết trong những từ ngữ đó, “nhưng tại sự công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh”, tức những điều thuộc một lãnh vực hoàn toàn khác. Cơ-đốc-nhân sống và được dẫn dắt không phải bởi những luật lệ định rõ mình nên sống hòa mình với người đời đến mức nào, nhưng bởi những phẩm chất bên trong này mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã đem đến cho mình.

Sự công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh. Có lẽ chúng ta nên dành ít phút tập trung sự chú ý đến điểm thứ hai trong những điều trên. Vì chúng ta thấy sự bình an là một yếu tố hiệu nghiệm trong việc Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của Con Ngài, ấy là Ngài gìn giữ chúng ta khỏi kẻ ác (Giăng 17:15).

Trong chính Đức Chúa Trời có sự bình an, là tình trạng sâu xa của linh, tình trạng không bị quấy nhiễu, giữ Ngài không bối rối và đau khổ khi đối diện với những sự xung đột và mâu thuẫn không thể nói ra được. Chúa Giê-su phán: “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế giới; nhưng trong Ta, các ngươi có sự bình an” (Giăng 16:33). Ngay khi một điều gì đó trục trặc, chúng ta dễ bối rối biết bao! Nhưng chúng ta có bao giờ dừng lại để xem xét có gì sai trật với mục đích lớn lao mà Đức Chúa Trời đã để tâm vào đó không? Đức Chúa Trời là sự sáng, Ngài có một kế hoạch đời đời.

Khi làm cho sự sáng soi ra từ trong tối tăm, Ngài hoạch định rằng thế giới này là nơi kế hoạch ấy diễn ra. Như chúng ta biết, sau đó Sa-tan bước vào ngăn trở Đức Chúa Trời, để con người đi đến tình trạng yêu sự tối tăm hơn sự sáng. Mặc dầu có sự ngăn trở ấy, mà chúng ta lại quá ít quí trọng những gì liên hệ đến sự ngăn trở ấy, Đức Chúa Trời vẫn giữ một sự bình an không hề bị khuấy động trong chính Ngài. Phao-lô nói với chúng ta rằng sự bình an ấy của Đức Chúa Trời cần phải canh giữ lòng và ý tưởng của chúng ta trong Christ Giê-su (Phil. 4:7).

“Canh giữ” thật sự có ý nghĩa gì? Điều ấy có nghĩa là kẻ thù của tôi phải chiến đấu và thắng hơn người bảo vệ có trang bị vũ khí canh gác ở các cổng rào trước khi hắn có thể đụng đến tôi. Trước khi đụng được đến tôi, hắn phải chiến thắng quân canh phòng.Cho nên tôi “dám” bình an như Đức Chúa Trời, vì sự bình an gìn giữ Đức Chúa Trời là sự bình an gìn giữ tôi. Đó là điều thế giới không hề biết. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi, Ta cho các ngươi không phải như thế giới cho” (Giăng 14:27).

Loài người tuyệt đối không hiểu Chúa Giê-su! Bất cứ điều gì Ngài làm cũng sai lầm trong cái nhìn của họ, vì ánh sáng ở trong họ là sự tối tăm. Thậm chí họ dám đồng nhất Linh ở trong Ngài với Bê-ên-xê-bun, là Chúa quỉ. Tuy nhiên, khi họ buộc tội Ngài tham ăn mê uống, Ngài đã trả lời thế nào? “Cha ơi,... con khen tạ Cha!” (Math. 11:19, 25). Ngài chẳng bị rúng động, vì trong Linh, Ngài cư trú trong sự bình an của Đức Chúa Trời.

Hoặc anh em hãy nhớ lại đêm trước sự khổ nạn của Chúa. Mọi sự dường như trở nên hỏng cả: một người bạn bỏ đi vào trong bóng đêm để phản Ngài, một người khác rút gươm ra đang khi giận dữ, người ta kẻ thì chạy trốn, kẻ thì trần truồng bỏ chạy vì quá nôn nóng tẩu thoát. Ở giữa tất cả những điều đó, Chúa Giê-su nói với những người đến bắt Ngài rằng: “Chính Ta đây” một cách thật bình an và trầm tĩnh đến nỗi thay vì Ngài sợ hãi, họ lại là những người run rẩy và lùi lại té nhào. Đó là kinh nghiệm đã được lặp đi lặp lại trong đời sống những người tuận đạo của mọi thời đại. Họ có thể bị tra tấn, thiêu đốt, nhưng vì họ có sự bình an của Ngài, những kẻ đứng xem chỉ biết ngạc nhiên trước phong cách trang trọng và thái độ điềm tĩnh của họ. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi Phao-lô mô tả sự bình an này là sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết.

Chúa Giê-su đã làm lộ rõ một sự tương phản nổi bật biết bao giữa tình trạng “trong thế giới” là nơi chúng ta có hoạn nạn, và “trong Ta” là nơi chúng ta có sự bình an. Nếu Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta ở một nơi để phải chịu những áp lực, đòi hỏi và nhu cầu bủa vây, Ngài cũng đã đặt chúng ta trong Đấng ấy, để được Ngài gìn giữ không bị quấy nhiễu giữa tất cả những điều này. Chính Chúa Giê-su từng hỏi: “Ai đụng đến Ta?”Sự đụng chạm đầy đức tin của một người trong đám đông ở Ca-bê-na-um đã được Ngài nhận biết. Hành động đó phù hợp với lòng thương xót của Ngài, trong khi sự lấn ép của đám đông lại không gây được một hiệu quả nào nơi Ngài cả. Mọi sự xô đẩy do mất kiên nhẫn của họ không đụng đến Ngài chút nào, vì giữa họ với Ngài ít có gì giống nhau. “Ta cho các ngươi không phải như thế giới cho”. Nếu sự sống của chúng ta là sự sống của loài người, chúng ta sẽ bị thế giới làm chao đảo. Nếu đó là sự sống của Linh, chúng ta sẽ không bị những áp lực của thế giới làm rúng động.

“Sự công chính, bình an và vui mừng”: vương quốc của Đức Chúa Trời liên quan đến những điều như vậy. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ để mình lại bị lôi kéo vào lãnh vực “ăn và uống” cũ, vì sự khuyên bảo người ta nên ăn uống hay cấm đoán người ta ăn uống đều không liên quan đến chúng ta, nhưng điều liên quan đến chúng ta lại là một thế giới hoàn toàn khác. Cho nên chúng ta là những người thuộc về vương quốc không cần phải kiêng cữ. Chúng ta đắc thắng thế giới không phải nhờ từ bỏ những điều của thế giới, nhưng nhờ chúng ta thuộc về một thế giới khác một cách tích cực, tức là nhờ sở hữu tình yêu, sự vui mừng, bình an mà thế giới không thể cho, và là điều con người rất cần.

Khác hẳn tình trạng trốn tránh thế giới, chúng ta cần nhìn thấy chúng ta có đặc ânbiết bao khi được Đức Chúa Trời đặt mình tại đó. “Như Cha đã sai Con đến thế giới, thì Con cũng sai họ đến thế giới”. Lời tuyên bố này thật lạ lùng! Hội-thánh là người nối tiếp Chúa Giê-su, một sự chuyển giao thần thượng được thiết lập ngay giữa lãnh thổ của Sa-tan. Đó là điều Sa-tan không thể chịu được, cũng như hắn không thể chịu được chính Chúa Giê-su, tuy nhiên đó cũng là điều chính hắn không thể tránh khỏi được. Đó là một thuộc địa thiên thượng, một cuộc ngoại xâm vào lãnh thổ của hắn, mà hắn hoàn toàn bất năng trong việc chống lại. Phao-lô gọi chúng ta là “con cái Đức Chúa Trời... giữa dòng dõi cong quẹo bội nghịch này; giữa họ, anh em được tỏ ra như những vì sáng trên thế giới” (Phil. 2:15). Đức Chúa Trời đã cố ý đặt chúng ta trong kosmos để làm lộ ra kosmos là gì. Chúng ta phải phơi bày ra trước ánh sáng thần thượng để mọi người đều thấy, về một mặt, tính phản loạn đầy thách đố của thế giới với Đức Chúa Trời, và về mặt khác, sự hư không và trống rỗng của nó.

Công tác của chúng ta không ngừng tại đó. Chúng ta phải công bố Phúc-âm cho loài người, để nếu họ quay sang Phúc-âm, ánh sáng của Đức Chúa Trời nơi mặt Giê-su Christ sẽ buông tha họ được tự do khỏi sự trống rỗng, hư không của thế gian hầu đạt đến sự đầy trọn của Ngài. Đó là sứ mạng hai mặt của Hội-thánh, là lý do giải thích vì sao Sa-tan ghét Hội-thánh. Không có điều gì quấy rầy hắn nhiều cho bằng sự hiện diện của Hội-thánh trên thế giới. Không có gì làm hắn hài lòng hơn khi thấy ánh sáng làm lộ chân tướng của hắn bị cất đi. Hội-thánh là cái gai bên hông kẻ thù của Đức Chúa Trời, là nguồn gây khó chịu và phiền nhiễu thường xuyên cho hắn. Chúng ta gây rất nhiều rắc rối cho Sa-tan đơn giản chỉ vì chúng ta ở trong thế giới. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải lìa thế giới?

“Hãy đi khắp thế giới và rao giảng phúc-âm” (Mác 16:15). Đó là đặc quyền của Cơ-đốc-nhân. Đó cũng là nhiệm vụ của họ. Những người cố gắng không tham dự vào thế gian chỉ chứng tỏ rằng họ vẫn còn nô lệ cho lối suy nghĩ của thế giới ở một mức độ nào đó. Chúng ta là những người “không thuộc về nó” thì không có lý do nào để lìa bỏ nó cả, vì đó là nơi chúng ta nên có mặt.

Cho nên chúng ta không cần phải từ bỏ nghề nghiệp trần tục của mình. Không khi nào, vì đó là cánh đồng truyền giáo của chúng ta. Trong vấn đề này, không có những sự cân nhắc thuộc trần tục, chỉ có những sự cân nhắc thuộc linh mà thôi.

Chúng ta không nên sống một cuộc đời hai mặt, làm những Cơ-đốc-nhân tại Hội-thánh và làm những con người trần tục trong những lúc khác. Đức Chúa Trời không dự định một điều nào thuộc nghề nghiệp hay việc làm của chúng ta tách rời khỏi cuộc đời làm con cái Ngài. Mọi điều chúng ta làm, dầu ở ngoài đồng ruộng hay trên xa lộ, trong tiệm, nhà máy, nhà bếp, bệnh viện hay trường học đều có giá trị thuộc linh trong mối liên hệ với vương quốc của Đấng Christ. Mọi sự phải qui về Ngài. Sa-tan rất ao ước đừng có Cơ-đốc-nhân nào trong những nơi này, vì dứt khoát là họ cản đường hắn. Vì vậy hắn tìm cách làm chúng ta sợ và ra khỏi thế giới, nếu không làm được điều đó, hắn sẽ khiến chúng ta liên hệ vào hệ thống thế giới của hắn, suy nghĩ theo ngôn ngữ của hắn, điều chỉnh hành vi của mình theo tiêu chuẩn thế giới. Nếu chúng ta làm một trong những điều này thì có nghĩa là hắn đã chiến thắng. Tuy nhiên, khi chúng ta ở trong thế giới, nhưng tất cả hi vọng của chúng ta, mọi mối quan tâm và triển vọng của chúng ta đều ra khỏi thế giới, thì đó là sự bại trận của Sa-tan và vinh quang cho Đức Chúa Trời.

Lời Chúa viết về sự hiện diện của Chúa Giê-su trên thế gian này như sau: “Sự tối tăm không thắng hơn sự sáng được” (Giăng 1:5 phần ghi chú ngoài lề). Không một nơi nào trong Kinh-thánh bảo chúng ta phải “chiến thắng” tội lỗi, nhưng Kinh-thánh nói rõ ràng chúng ta phải đắc thắng thế giới. Khi liên hệ đến tội lỗi, Lời Đức Chúa Trời chỉ nói về sự giải cứu; khi bàn đến thế giới, Lời Chúa nói về chiến thắng.

Chúng ta cần được giải cứu khỏi tội lỗi, vì Đức Chúa Trời không bao giờ dự định chúng ta nên có một liên hệ nào với tội lỗi; nhưng chúng ta không cần, cũng không nên tìm kiếm sự giải thoát khỏi thế giới, vì mục đích của Đức Chúa Trời là chúng ta tiếp xúc với nó. Chúng ta không được giải cứu khỏi thế giới, nhưng vì được sinh ra từ trên, chúng ta đắc thắng thế giới. Chúng ta có sự đắc thắng đó trong cùng một ý nghĩa ấy, và cũng với sự chắc chắn, bền vững như vậy, ánh sáng ấy đã đắc thắng bóng tối.

“Sự đắc thắng thế giới, ấy là đức tin của chúng ta. Ai là người thắng thế giới, ấy không phải người tin Giê-su là Con Đức Chúa Trời sao?” (1 Giăng 5:4, 5). Bí quyết đắc thắng luôn luôn là mối quan hệ đức tin của chúng ta với Con là Đấng đắc thắng. “Hãy vui lên, Ta đã thắng thế giới rồi” (Giăng 16:33). Chỉ có Chúa Giê-su mới tuyên bố như vậy; Ngài có thể tuyên bố như vậy vì trước đó Ngài đã khẳng định được rằng: “Kẻ cai trị của thế gian... chẳng có gì hết nơi Ta” (Giăng 14:30). Đó là lần đầu tiên có một người trên đất nói một điều như vậy. Ngài nói, và Ngài đã đắc thắng. Qua sự đắc thắng của Ngài, bá chủ của thế giới bị ném ra, và Chúa Giê-su bắt đầu kéo người ta đến với Ngài.
Vì Ngài đã nói điều đó, bây giờ chúng ta cũng dám nói như vậy. Vì tôi đã được tái sinh, vì “bất cứ điều gì sanh bởi Đức Chúa Trời thì thắng hơn thế giới”, nên tôi có thể sống trong cùng một thế giới như Chúa tôi đã sống, và theo cùng một ý nghĩa, Ngài tuyệt đối tách biệt khỏi thế giới thế nào, thì tôi cũng y như vậy, như một cái đèn được đặt trên giá đèn, chiếu sáng mọi người trong nhà. “Ngài thế nào thì chúng ta cũng thế ấy trong thế giới này” (1 Giăng 4:17). Hội-thánh tôn vinh Đức Chúa Trời, không phải bằng cách ra khỏi thế giới nhưng bằng cách chiếu sự sáng của Ngài trong thế giới.Trời không phải là nơi làm vinh hiển Đức Chúa Trời; đó là nơi để ngợi khen Ngài. Nơi làm vinh hiển Ngài là ở tại đây.