Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

TỘI LỖI VÀ THÂN THỂ


La mã 6: 6-14 giải thích mối liên hệ giữa tội lỗi và thân thể trong đường lối sáng tỏ nhất. Chúng tôi muốn nhìn vào phân đoạn kinh thánh này cách vắn tắt.


Câu 6 chép “Vì biết rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài trên thập tự giá hầu cho thân thể của tội lỗi bị bãi bỏ, để chúng ta không còn làm tôi mọi cho tội lội nữa”. Trước khi ta được tái sinh để làm một người mới, dầu chúng ta không thừa nhận điều đó, chúng ta chỉ là người cũ. Chỉ khi nào tiếp nhận người mới, người cũ bị vạch trần. Người cũ này bao gồm mọi sự chúng ta có trong sáng tạo cũ. Trong sự đóng đinh của Ngài, Chúa Jesus là sự thay thế cho tội lỗi và sự chết của chúng ta. Ngài cũng đã đưa mọi tội nhân đến thập tự giá. Sự chết của Ngài là sự chết của toàn thể nhân loại vì cớ qua sự nhục hóa Ngài đã trở nên một với con người. Sự chết của Ngài là sự chết của người cũ chúng ta vì cớ qua đức tin ta là một với Ngài. Đây là sự kiện “người cũ chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài”. Chúa Jesus đã hoàn thành điều này cho chúng ta.

Mục đích sự đóng đinh của chúng ta với Ngài trên thập tự giá là gì? Điều đó làm cho “thân thể của tội lỗi có thể bị bãi bỏ, để chúng ta không còn làm tôi mọi cho tội lỗi nữa”. Tại đây chúng tthấy mối liên hệ giữa tội lỗi và thân thể. Chúng ta “làm tôi mọi tội lỗi” vì cớ “thân thể của tội lỗi” đã không được “bãi bỏ”. Mọi năng lực của tội lỗi ở trong thân thể này. Nền tảng và đồn luỹ của tội lỗi là thân thể. Con người là tôi mọi của tội lỗi vì cớ thân thân thể là tôi mọi của tội lỗi. Nếu thân thể không được xử lý bằng thập tự giá, cả thân thể chúng ta sẽ bị vướng mắc vào tội lỗi.

Các câu khác trong kinh thánh cũng liên kết tội lỗi và thân thể với nhau vì cớ thân thể là chỗ cư trú của tội lỗi. La mã 7: 17-18 nói rằng tội lỗi “cư trú trong tôi…trong tôi…, tức là trong xác thịt tôi”. Câu 23 chép: “bắt tôi làm phu tù cho luật của tội lỗi vẫn ở trong các chi thể tôi”. Cô-lô-se 3: 5 nói: “Vậy hãy làm chết các chi thể anh em ở dưới đất: như gian dâm, ô uế, tà tình, ác dục và tham lam…”. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, thân thể của con người đích thực là thân thể của tội lỗi vì cớ tội lỗi là kẻ xúi giục thân thể. Nhờ đọc các câu trước đó, ta có thể thấy tội lỗi và thân thể liên hệ với nhau chặt chẽ như thế nào. Mọi tội lỗi do con người vi phạm đều do thân thể tác động. Cần hiểu lý do vì điều này không quá khó, vì cớ “tư dục đã hoài thai thì sinh ra tội lỗi” (Gia 1: 15). Gốc rễ của tội lỗi là tư dục, và chỗ ẩn núp của tội lỗi là thân thể. Kinh thánh nói về “xác thịt với các nỗi đam mê và tư dục của nó” (Ga 5: 24). Thật vậy, vô số tội lỗi bắt nguồn từ thân thể của chúng ta. Vì cớ một loại tham dục nào đó hiện hữu trong thân thể, tội lỗi thích hợp sẽ nảy sinh.

Nếu một người muốn giải cứu khỏi quyền năng của tội lỗi và không còn làm tôi mọi của tội lỗi, anh ta phải chiến thắng thân thể mình. Trong La 6: 6, vị Sứ đồ nói rằng thể nào Chúa đã cứu chúng ta khỏi ách nô lệ của thân thể. Ngài đã đem người cũ của chúng ta chung với Ngài lên thập tự giá, do đó bãi bỏ thân thể của tội lỗi. Theo nguyên văn, ý nghĩa của chữ “bãi bỏ” là “làm cho bất lực”, “mất hiệu lực”, “khô héo”. Bởi sự hoàn thành của Ngài trên thập tự giá, Chúa đã làm mất hiệu lực và làm khô héo thân thể tội lỗi của chúng ta, đến nỗi ta không cần làm tôi mọi cho tội lỗi nữa. Thân thể vẫn còn hiện hữu, nó không bị tan rã hay tiêu diệt. Nhưng mọi tư dục như kết quả của sự cấu thành vật lý của chúng ta đều bị Chúa làm cho khô héo và mất hiệu lực. Dầu tất cả chúng ta đều có các sự yếu đuối thiên nhiên của mình thừa kế từ sự cấu thành vật lý của chúng ta, chúng ta vẫn có thể có sự đắc thắng đầy trọn qua thập tự giá.

Câu 11 chép “dường ấy anh em cũng hãy kể mình thật đã chết đối với tội lỗi, mà sống đối với Đức Chúa Trời trong Christ Jesus”. Câu 6 bảo chúng ta ba điều: một sự kiện, một mục đích và một kết quả. Đồng chết là một sự kiện, bị bãi bỏ là mục đích của sự đồng chết, và đắc thắng tội lỗi là kết quả cuối cùng. Nhưng câu 11 dạy dỗ chúng ta đường lối để thực hành câu 6, bởi kể những gì Chúa đã hoàn tất như là thiết thực. Câu 6 nói rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài và rằng thân thể của tội lỗi đã bị bãi bỏ. Bây giờ, nhờ tin điều này là thật, ta tiếp nhận công tác đó của thập tự giá Chúa mà xử lý thân thể chúng ta. Ngay sau đó chúng ta sẽ thấy mọi nỗi đam mê, khao khát gian ác, và tâm tính thiên nhiên cùng cảm tính của thân thể đều được Đức Thánh Linh làm cho chết.

Câu 12 nói “Chớ để tội lỗi trị vì trong thân thể hay chết của anh em đến nỗi anh em vâng phục các tư dục của nó”. Sự cứu rỗi của Chúa Jesus hoàn bị trong việc Ngài đã đóng đinh người cũ của chúng ta; vì vậy, bây giờ chúng ta có thể được giải phóng. Nếu tội lỗi vẫn trị vì trong thân thể hay chết của chúng ta, không bao lâu sau đó ta phải vâng phục tội lỗi, đúng ra vì cớ ta chọn lựa cho phép tội lỗi trị vì. Toàn bộ vấn đề bây giờ là việc chọn lựa của ý muốn chúng ta. Từ khi Chúa Jesus đã đóng đinh người cũ của chúng ta, nan đề không còn hoặc thân thể của tội lỗi có thể được chiến thắng hay không. Vấn đề bây giờ là chúng ta chọn lựa như thế nào? Nếu chúng ta “không để cho” tội lỗi trị vì trong thân thể của chúng ta, khát vọng gian ác trong các chi thể không thể bắt ép chúng ta qui hàng. Về mặt khác, nếu chúng ta không dùng ý muốn mình chọn lựa những gì Chúa đã hoàn thành cho chúng ta, chúng ta sẽ vẫn hầu việc tội lỗi như các nô lệ trong kinh nghiệm của mình, thậm chí dầu Chúa đã đóng đinh người cũ của chúng ta rồi. Nhiều tín đồ không hiểu tại sao họ không thấy hiệu quả sự đồng chết của họ, thậm chí dầu họ đã tin lẽ thật sự đồng chết. Tôi tin rằng có không ít người đã tạo ra lỗi lầm tại đây. Dầu chúng ta tin sự kiện trong câu 6 là thật, ý muốn của chúng ta phải chống lại sự trị vì của tội lỗi như được tuyên bố trong câu 12. Chỉ khi đó, sự kiện mà Chúa đã hoàn thành mới trở nên có kiến hiệu. Nói cách khác, nếu ý muốn của ta đáp ứng với tội lỗi, việc tin tưởng của chúng ta sẽ không có hiệu quả. Trước kia, thân thể và tội lỗi được liên hiệp với nhau cách sâu sắc (vì thể có từ ngữ “thân thể của tội lỗi”). Tuy nhiên, bây giờ, vì cớ sự cứu rỗi của Chúa, các tín đồ không cần để cho tội lỗi trị vì trong thân thể của họ thêm nữa. Dẫu thân thể vẫn có các sự tham dục, các tín đồ không vâng phục chúng.

Câu 13 chép “Cũng chớ dâng các chi thể anh em cho tôi mọi để làm khí giới (công cụ) của sự bất nghĩa, trái lại, hãy dâng chính mình cho Đức Chúa Trời như người từ kẻ chết sống lại, và các chi thể mình cho Ngài để làm khí giới của sự công nghĩa”. Tại đây chúng ta có chữ “cũng chớ” đi sau chữ “chớ để” trong câu 12. “Chớ để” liên quan thân thể, còn “cũng chớ dâng” liên quan các chi thể. Câu thứ nhất liên quan đến toàn thể, câu thứ hai ám chỉ các thành phần. Câu thứ nhứt ám chỉ sự từ chối chổ ở của tội lỗi trong toàn thân thể. Còn câu thứ hai ám chỉ việc từ bỏ sự trị vì của tội lỗi trong các chi thể cá nhân. Thật là một mối liên hệ chặt chẽ mà chúng ta có thể thấy tại đây giữa tội lỗi và thân thể của chúng ta với các chi thể của nó. Tội lỗi cần thân thể làm chỗ cư trú và cần các chi thể làm công cụ. Không có thân thể và các chi thể của nó, không có chỗ cho tội lỗi bày tỏ. Nếu các tín đồ muốn đắc thắng tội lỗi trong thân thể họ, họ phải loại bỏ sự trị vì của tội lỗi. Nếu họ muốn đắc thắng tội lỗi trong các chi thể của họ, các chi thể không được làm công cụ cho tội lỗi.

Trong những câu tiếp theo có sự việc về hai sự trình dâng. Một là sự trình dâng chính mình và điều kia là sự trình dâng các chi thể. Câu “chớ để” và “cũng chớ dâng” là về mặt tiêu cực, còn hai sự trình dâng được đề cập trong câu 13 là về mặt tích cực. Trình dâng chính mình là trình dâng toàn thân thể mình. Đó là trình dâng toàn bản thể mình cho Đức Chúa Trời qua sự vận dụng ý muốn, cho phép Đức Chúa Trời làm Chủ trên mọi sự. Trình dâng các chi thể có nghĩa là hiến dâng mọi chi thể cá biệt cho Đức Chúa Trời để hoàn thành sự công nghĩa. Hai sự trình dâng này đều ở trong lãnh vực sự phục sinh. Nếu người tín đồ muốn đắc thắng mọi tham dục thiên nhiên, sự nghiện ngập và các xu hướng của thân thể anh ta, cũng như mọi sự yếu đuối, sự bất khiết và tội lỗi xuất phát từ sự cấu tạo vật lý của anh, anh phải nương cậy sự kiện là anh đã chết cùng với Chúa và phải vận dụng ý muốn mình chống đối và từ khước quyền bính của tội lỗi trong thân thể mình. Anh đừng cho phép tội lỗi dùng bất cứ chi thể nào của anh để biểu hiện quyền lực của nó. Hơn nữa, dựa vào sự phục sinh của Chúa, anh phải qui hàng chính mình cho Đức Chúa Trời đến nỗi anh có thể dùng các chi thể mình cách tích cực khi hoàn thành sự công nghĩa. Nếu một tín đồ chỉ có đức tin suông nơi sự chết nhưng không vận dụng ý muốn mình để từ khước, đức tin anh chết và không có hiệu quả. Về mặt khác, nếu một tín đồ chỉ vận dụng suông ý muốn mình “chớ để” và không tiếp lấy như nền tảng sự kiện của sự đồng chết với Chúa, sự vận dụng ý muốn của anh hư không. Do đó, sau khi anh chăm sóc mặt tiêu cực, anh cũng phải tin vào mặt tích cực hầu anh được phục sinh với Chúa. Rồi anh phải qui hàng chính mình và các chi thể mình cho Đức Chúa Trời.

Về mặt tích cực, dâng chính mình là bước rất quan trọng để chiến thắng thân thể. Ý muốn chúng ta phải thuận phục Đức Chúa Trời. Nếu không, không thể có sự đắc thắng. Chúng ta không chỉ phải khước từ tội lỗi, nhưng cũng theo đuổi Đức Chúa Trời. Ngừng vi phạm tội lỗi thì không đầy đủ, ta cũng phải khao khát sự công nghĩa. Bước đi tích cực tiến tới sẽ gìn giữ chúng ta khỏi sự trợt ngã cách tiêu cực về phía sau. Nếu chúng ta hành động theo thứ tự mà Đức Chúa Trời đề ra, và đặc biệt trình dâng chính mình và các thi thể mình cho Ngài, Đấng đã kêu gọi chúng ta đến sự hiến dâng, chắc chắn Ngài sẽ chấp nhận sự trình dâng của chúng ta như vậy. Ngài sẽ thấm nhuần chúng ta bằng chính mình Ngài và khiến chúng ta làm theo ý muốn Ngài trong mọi sự.

Chúng ta phải trình dâng chính mình cách liên tục và tin rằng sự sống phục sinh của Christ đang sống bày tỏ từ trong chúng ta cách thực tại. Kết quả của sự thực hành này là câu 14 “tội lỗi sẽ không chủ trị anh em”.
Watchman.Nee.