Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Bất Ái Thế Giới-8

LÀM TƯƠI MỚI LẪN NHAU
Trong Phúc-âm Giăng, có một sự kiện mà chỉ có Giăng ghi lại cho chúng ta. Đó là một sự kiện đầy ý nghĩa thần thượng, giúp soi sáng cho chúng ta rất nhiều về nan đề sống trong thế giới. Tôi muốn nói đến sự kiện trong chương mười ba, tại đó Chúa Giê-su tự lấy khăn thắt lưng mình và lấy chậu rửa chân cho các môn đồ. Hành động này của Chúa có nhiều bài học dạy dỗ chúng ta mà tôi không dự định bàn đến một cách đầy đủ ở đây. Thay vào đó, tôi muốn chúng ta đặc biệt xem xét mạng lệnh Ngài đã phán tiếp theo đây: “Các ngươi cũng phải rửa chân lẫn nhau. Vì Ta đã làm gương cho các ngươi
, các ngươi cũng làm như Ta đã làm cho các ngươi... Nếu các ngươi biết những điều này thì phước cho các ngươi nếu các ngươi làm theo”

(cc. 14-17). Rửa chân lẫn nhau là gì? Tôi nên rửa chân cho anh em, và anh em nên rửa chân cho tôi có nghĩa là gì?
Phương diện lẽ thật được đặc biệt nhấn mạnh ở đây là sự tươi mới. Nhưng chúng ta sẽ thấy ngay sau đây, điều rất quý đối với Chúa là với tư cách con cái Ngài, chúng ta phải học tập đem lại sự tươi mới cho các anh em mình, và rồi đến lượt họ, họ cũng làm phương tiện đem lại sự tươi mới cho linh chúng ta.

Tôi xin nói ngay rằng phân đoạn này không bàn đến tội lỗi. Dầu tôi đi chân không hay mang dép, hoặc ngay cả mang giày, bụi bặm sẽ bám vào chân tôi, ấy là điều đương nhiên. Thật vậy, tôi không thể nào tránh khỏi được điều đó. Nhưng khi tôi té nhào, và sau khi ngã lăn trong bụi đất để bụi đất dính vào thân thể và áo quần mình, thì đó lại không phải là điều không thể tránh được; việc ấy hoàn toàn sai lầm! Tôi phải đi bộ từ nơi này qua nơi khác, nhưng tôi không cần phải lăn trên đường để đi đến nơi đó. Tôi vẫn có thể đi mà không phải lội trong bùn!

Đời sống Cơ-đốc-nhân cũng tương tự như vậy, vấp ngã rồi lội trong bùn chắc chắn là tội lỗi. Điều này đòi hỏi chúng ta phải ăn năn và cần Đức Chúa Trời tha thứ. Vì thật không cần thiết để tôi bước đi với Chúa như vậy, rồi chống chế biện bạch rằng “Thỉnh thoảng tôi phải ngã một lần chứ; đó là điều không thể tránh khỏi!” Chúng ta đều đồng ý đó là sai lầm.

Nhưng vấn đề bụi bặm dính vào chân tôi là như thế này: khi đi trên thế giới, dầu chúng ta là ai hay cẩn thận đến mức nào, chân chúng ta không tránh khỏi bị dính chút gì đó. Dĩ nhiên nếu hoàn toàn không chạm mặt đất, thì chúng ta không dính gì cả, nhưng nếu muốn được như vậy, cần phải có người khiêng chúng ta đi. Nếu chúng ta thật chạm mặt đất — và có ai thật sự trông mong mình không chạm đến mặt đất? — chắc chắn chúng ta sẽ phải bị dính chút gì đó trên mặt đất. Ngay cả Chúa Giê-su đã trách người chủ nhà mời Ngài đến ăn bằng những lời này: “Ngươi không cho Ta nước rửa chân” (Lu 7:44). Cho nên, xin hãy nhớ rằng việc rửa chân lẫn nhau trong Giăng chương 13 không liên quan đến tình trạng phạm tội, là điều luôn luôn được tha thứ nhờ Huyết, vì dầu sao đi nữa, Đức Chúa Trời dự định rằng chúng ta cần được giải cứu khỏi tội lỗi. Không, việc rửa chân liên quan đến bước đi hằng ngày của chúng ta trên thế giới, mà trong khi bước đi như vậy, chúng ta không thể không mắc phải một điều gì đó. Chúa Giê-su phán: “Các ngươi được sạch”. Huyết quí báu đã làm điều đó. “Ai đã tắm rồi, chỉ cần...” nếu bàn về vấn đề tội lỗi, câu này có thể ngưng ở đó. Nhưng hễ di chuyển trong vương quốc của Sa-tan, chắc chắn phải có điều gì đó bám vào chúng ta, cũng giống như một màng mỏng trên chúng ta, xen vào giữa chúng ta với Chúa. Điều này không thể tránh khỏi, đơn giản chỉ vì chúng ta luôn luôn đụng đến những điều thuộc về thế giới, các công việc và niềm vui của nó, hệ thống giá trị bại hoại và toàn bộ quan điểm bất kỉnh của nó. Vì vậy, Chúa Giê-su kết luận với những lời này: “...chỉ cần rửa chân”.

Vì thế, bây giờ, chúng ta hãy bàn đến việc thực hiện điều này trong thực tế. Một số anh chị em trong Đấng Christ phải đi làm tại công sở hay các cửa tiệm bảy tám giờ một ngày. Anh chị em làm như vậy thì không có gì sai lầm. Đi làm ở cửa tiệm hay nhà máy thì không có gì là tội lỗi cả. Nhưng khi từ nơi làm việc trở về nhà, anh em có thấy mình mệt mỏi, chán nản và có điều gì đó trục trặc không? Anh em gặp một anh em khác, nhưng không thể dễ dàng nhanh chóng nói chuyện về những điều thần thượng với anh ấy được. Dường như có một điều gì đó bao phủ anh em làm ô nhiễm anh em. Tôi xin nhắc lại: điều đó không nhất thiết là tội lỗi; chỉ vì sự tiếp xúc với thế giới đã để lại trên anh em một lớp bụi. Anh em không thể không cảm thấy nó, vì anh em không thể chỗi dậy đến với Chúa ngay lập tức. Sự đụng chạm tươi sáng mà anh em đã có với Chúa sáng nay dường như bị tối tăm rồi; sự tươi mới đã ra đi. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này.

Lại nữa, một số chị em phải lo các bổn phận trong nhà. Giả sử một bà mẹ trẻ tuổi đang chuẩn bị bữa ăn tối và đang nấu một món gì đó trên bếp. Thình lình, con chị khóc, chuông cửa reo, sữa sôi trào — mọi sự ập đến với chị em này cách ồ ạt. Chị chạy lo việc này, quên việc kia! Cuối cùng khi mọi sự ổn định, chị ngồi xuống, và dường như chị cần quyền năng để lại nâng mình lên đến Đức Chúa Trời. Chị nhận biết có một điều gì đó, không phải tội lỗi, nhưng dường như có một lớp bụi trên mọi sự. Nó bám như một lớp màng [ngăn cách] giữa chị với Chúa, chị cảm thấy mình mờ đục, vấy bẩn. Chị không có cách nào trở lại thông suốt với Đức Chúa Trời ngay lập tức. Tôi nghĩ điều này làm sáng tỏ vì sao chúng ta cần được rửa chân.

Nhiều khi chúng ta mệt mỏi, rã rời vì những bổn phận trần tục. Khi quì xuống cầu nguyện, chúng ta thấy mình phải chờ đợi một lúc. Dường như chúng ta phải mất mười hay hai mươi phút để phục hồi tình trạng thông suốt với Đức Chúa Trời. Hoặc nếu chúng ta ngồi xuống để đọc Lời [Chúa], chúng ta thấy cần phải kiên quyết cố gắng mới có thể phục hồi lại tình trạng mở lòng ra tiếp nhận sự phán dạy của Ngài. Nhưng thật tốt đẹp biết bao nếu trên đường về, chúng ta gặp một anh em có tấm lòng tuôn đổ, tươi mới trong sự tương giao với Đức Chúa Trời! Anh em ấy không cố tình làm gì, anh chỉ tự phát bắt tay chúng ta và nói: “Chào anh, ngợi khen Chúa!” Có thể anh ấy không biết, nhưng dường như anh ấy đã đến với một cây chổi phủi bụi và lau chùi mọi sự sạch sẽ. Ngay lập tức, chúng ta cảm thấy mình được phục hồi và lại tiếp xúc được với Đức Chúa Trời.

Đôi lúc anh em có thể đến một buổi nhóm cầu nguyện với một nhân linh nặng nề do ảnh hưởng của công việc trong ngày. Một người nào đó cầu nguyện và anh em vẫn cảm thấy như cũ, rồi một người khác cầu nguyện và anh không thấy gì khác cả. Nhưng sau đó, một anh em hay chị em khác cầu nguyện, không hiểu sao ngay lúc ấy, anh em cảm thấy một quyền năng nâng vực mình lên. Anh em được tươi mới; chân anh em được rửa sạch. Như vậy, sự rửa chân có nghĩa là gì? Đó là phục hồi sự tươi mới ban đầu. Đó là đem mọi sự trở lại tình trạng trong sáng đến nỗi một lần nữa, dường như mọi sự vừa mới ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời bước ra, được tươi mới nhờ tay Ngài.

Tôi không biết bao nhiêu lần chính bản thân tôi cảm thấy mình suy yếu như vậy, là khi không hẳn tội lỗi đã quấy rối tôi, nhưng cảm thấy bị bụi bặm thế giới này bao phủ; và rồi tôi gặp một anh em hay một chị em, một người có thể không biết gì về tình trạng của tôi, nhưng chỉ nói lên một lời làm tươi sáng mọi sự. Khi điều này xảy ra, anh em cảm thấy bóng tối ra đi, lớp màng bụi bặm được quét sạch. Ngợi khen Chúa, anh em được tươi mới và một lần nữa, ngay lập tức được đem trở lại tình trạng có thể trực tiếp vui hưởng sự tương giao với Ngài. Đó là rửa chân, là làm tươi mới anh em mình trong Đấng Christ, là đem một anh em trở lại tình trạng dường như anh ấy vừa mới bước ra từ chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự cung ứng cho nhau này là điều Chúa ao ước nhìn thấy giữa vòng các con cái Ngài.

Nếu chúng ta đồng đi với Đức Chúa Trời, sẽ không có một ngày nào chúng ta không làm tươi mới anh em mình nếu chúng ta thật ao ước như vậy. Đó là một trong những chức vụ vĩ đại nhất. Có thể không có gì hơn là một cái bắt tay. Có thể đó là một lời khích lệ hầu như được nói ra cách bình thường. Có thể đó chỉ là ánh sáng từ trời trên gương mặt anh em. Nhưng nếu Chúa tương giao thông suốt được với chúng ta và tình trạng giữa chúng ta với Ngài không có mây mờ, chúng ta sẽ thấy mình được sử dụng cách thầm lặng. Có thể chúng ta không biết điều đó, vì tốt hơn là đừng tìm cách biết, và thật ra là đừng bao giờ biết lại càng tốt hơn nữa. Nhưng dầu có biết hay không, chúng ta thường xuyên được Chúa sử dụng để làm tươi mới anh em mình. Khi một anh em suy yếu và ở trong tối tăm, khi anh ấy có một gánh nặng trong lòng và một màng bụi trước mắt, khi anh bị mờ đục và hoen ố, anh sẽ đến với chúng ta. Anh sẽ không ở lâu, có thể chỉ vài phút. Anh em hãy tìm kiếm chức vụ ấy. Hãy tìm ân điển từ Đức Chúa Trời để giúp đỡ anh em đó. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu mình có thể giảng những bài dài khiến cho đông người nghe thì thật ích lợi, nhưng ít ai có ân tứ ấy, và nhiều người sẽ không được số ít người đó chăm sóc. Làm tươi mới lòng của các thánh đồ là một loại chức vụ ai cũng có thể thực hiện và có thể nhận được khắp mọi nơi. Trong sự đánh giá của Đức Chúa Trời, đó là một điều vô giá.

Nhưng để phục vụ người khác như vậy, chúng ta phải thỏa đáp một số điều kiện. Nếu chúng ta đang thật sự tiến lên với Chúa, dĩ nhiên chắc chắn chúng ta sẽ được Ngài sử dụng, vì đối với Ngài không có giới hạn nào cả. Nếu chính chúng ta không bị mờ đục, lòng tràn đầy niềm vui và sự bình an, chắc chắn sẽ có sự tuôn đổ. Cho nên câu hỏi đơn giản tôi đặt ra cho anh em là giữa anh em với Chúa có sự tranh luận nào không? Dĩ nhiên tôi nói đến những vấn đề mà anh em thật sự biết được. Nếu không có gì đặc biệt, thì anh em không cần phải lục soát để tìm ra một điều gì; chính Chúa sẽ luôn luôn khám phá ra điều ấy. Khi Ngài muốn đem điều gì anh em bỏ qua ra ánh sáng, Ngài sẽ luôn luôn chỉ ngón tay mình vào điều đó, rồi anh em sẽ biết. Anh em không cần xoay vào bên trong, kiểm tra, phân tích mọi cảm xúc để đào bới nó ra. Chỉ hãy ngợi khen Ngài! Đó là công việc của Chúa, không phải của anh em. Ngài chiếu sáng lòng anh em và tỏ cho anh em biết khi anh em đi lạc khỏi Ngài.

Nhưng có một điều chắc chắn. Nếu anh em thật có điều gì “tranh luận” với Đức Chúa Trời, thì anh em chỉ có thể làm mờ đục người khác. Anh em không bao giờ có thể rửa chân họ được. Khi họ suy yếu, anh em càng làm họ suy yếu hơn. Khi họ cảm thấy nặng nề, anh em đến với họ và làm cho họ nặng nề hơn. Thay vì làm tươi mới họ và phục hồi cho họ sự tươi mới đến từ Đức Chúa Trời, anh em chỉ có thể đẩy họ vào trong sự buồn rầu sâu đậm hơn. Trục trặc với Đức Chúa Trời là cách chắc chắn làm cho sự sống của Hội-thánh Ngài kiệt quệ, trong khi đó, tôi tin rằng sự biểu lộ quyền năng lớn lao nhất là có thể thường xuyên làm tươi mới người khác. Sự đụng chạm thiên thượng ấy nâng vực, tẩy sạch và làm anh em mình mới lại, đó là một điều vô giá.

“Các ngươi cũng phải rửa chân lẫn nhau”. Trong tất cả những điều răn Ngài truyền cho các môn đồ, đây là điều gây xúc động nhất — tôi dùng lối diễn đạt này trong ý nghĩa thuần khiết hơn hết. Để gây ấn tượng trên họ về tầm quan trọng của điều đó, chính Ngài đã thực hành việc ấy trước mặt họ. Đó là cách bày tỏ tình yêu Ngài cho “những người thuộc về Ngài trong thế gian” (c. 1). Ngài đem chính mình ra để bày tỏ cho các môn đồ Ngài thấy Ngài muốn nói gì khi đề cập đến chức vụ. Đó không phải là công tác trên bục giảng. Đó là phục vụ lẫn nhau bằng chậu và khăn. Luôn luôn có nhu cầu phục hồi những người sa ngã, đem những người yếu đuối đã phạm tội trở về ăn năn; nhưng nhu cầu lớn nhất của các thánh đồ ngày nay là sự tươi mới, tôi có ý nói rằng làm cho họ trở lại sự tươi mới ban đầu, và cũng là sự tươi mới của Đức Chúa Trời. Đó là quyền năng. Chính Chúa Giê-su “từ Đức Chúa Trời đến” (c. 3) để làm điều này. Tôi không biết điều này đụng chạm đến lòng anh em thế nào, nhưng tôi nghĩ không có quyền năng nào lớn hơn đối với Đức Chúa Trời cho bằng được tươi mới từ Ngài trước mặt thế giới này. Anh em không thấy đó là sự phát lộ vĩ đại nhất của quyền năng sự sống thần thượng sao? Trong hệ thống thế giới tăm tối vì luồng khói từ vực sâu, chúng ta vui mừng biết bao khi gặp các thánh đồ tươi mới với không khí tinh sạch từ trời. Sự tươi mới ấy đem hơi thở của sự sống thần thượng đến với anh em và tôi.

Tạ ơn Chúa, vào những ngày còn trẻ, tôi được đặc ân lớn lao là quen biết một trong những thánh đồ hiếm có nhất. Tôi biết chị em này trong nhiều năm và nhận thấy chị có nhiều phẩm chất thuộc linh; nhưng tôi nghĩ điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tôi hơn cả là cảm nhận về Đức Chúa Trời. Anh em không thể ngồi lâu tại nơi chị có mặt, hoặc thậm chí bước vào phòng và bắt tay chị, mà không có một cảm nhận về Đức Chúa Trời đến trên mình. Anh em sẽ không biết tại sao, nhưng anh em cảm thấy như vậy. Tôi không phải là người duy nhất cảm thấy điều ấy. Mọi người tiếp xúc với chị đều làm chứng như vậy. Tôi phải thừa nhận rằng trong những ngày ấy, nhiều lúc tôi cảm thấy ngã lòng, dường như mọi sự đều trở nên sai trật cả. Nhưng khi bước vào phòng chị, tôi lập tức cảm thấy bị khiển trách. Ngay khi ấy, tôi cảm thấy mình mặt đối mặt với Đức Chúa Trời, và tôi được tươi mới.

Vì sao điều này xảy ra, vì sao có sự phục hồi lập tức như vậy? Chắc chắn không phải vì đó là chức vụ của một số ít người có đặc quyền. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta đều giống như vậy, có thể truyền quyền năng làm tươi sáng anh chị em mình khi họ bị vẩn đục. Xin hãy nhớ rằng — liệu tôi dám nói điều này không? — đôi lúc tình trạng bị vẩn đục còn gây tổn hại cho ảnh hưởng của đời sống Cơ-đốc-nhân đối với thế giới hơn là những tội lỗi thật mà chúng ta nhận biết. Có thể chúng ta, bất cứ ai trong chúng ta, thỉnh thoảng phạm tội, nhưng vì chúng ta nhạy bén đối với điều đó, ngay lập tức chúng ta biết mình đã vi phạm nên tìm kiếm và nhận được sự tha thứ. Nhưng nhiều khi chúng ta bị vẩn đục hằng nhiều giờ vì sự nhuốc nhơ của thế giới, và vì điều đó không thật sự là tội nên chúng ta không quan tâm. Sau đó, ảnh hưởng của chúng ta vì Đức Chúa Trời trên thế giới bị phai mờ đi. Thật tốt biết bao nếu vào những lúc như vậy chúng ta có được một anh em hay chị em gần mình mà nhờ họ chúng ta lại được nâng vực lên tình trạng thông công tươi mới với Đức Chúa Trời!

Như vậy, qui luật ở đây là gì? Có hai qui luật. Thứ nhất, như chúng ta đã thấy, không một điều bất hòa nào giữa tôi và Chúa mà tôi biết được lại không được tôi giải quyết ngay lập tức, đó là một điều bắt buộc; vì nếu có một điều nào như vậy, điều ấy sẽ mang lại hậu quả là loại bỏ tôi hoàn toàn khỏi chức vụ này. Dầu vấn đề có là gì chăng nữa, nó cần được giải quyết ổn thỏa, nếu không tôi sẽ trở nên vô dụng. Thay vì ích lợi cho Hội-thánh của Đức Chúa Trời, tôi trở nên một gánh nặng cho Hội-thánh. Tôi không thể đóng góp gì cả; tôi chỉ có thể làm hao hụt thêm sự sống của con cái Ngài. Để làm một người đóng góp, phải có sự trong suốt giữa tôi và Đức Chúa Trời trong mọi vấn đề mà tôi nhận biết được. Sau đó, khi không có một sự bất hòa nào, tôi cũng có thể làm phương tiện để nâng đỡ anh em tôi trở lại vị thế quyền năng của họ để đối kháng lại thế giới này.

Thứ hai, để tránh hiểu lầm, tôi xin trình bày điều này cách rõ ràng: xin nhớ rằng sự làm tươi mới này có tính hỗ tương. Chúa Giê-su phán: “Các ngươi phải rửa chân lẫn nhau”. Người làm tươi mới phải mong ước mình cũng được người khác làm tươi mới. Nhiều lúc Chúa có thể dùng anh em, nhưng tương tự như vậy, nhiều lúc Ngài có thể dùng một người nào đó để làm cho anh em tươi mới. Không có một số ít người nào được lựa chọn cho công tác thuộc linh như “những người làm tươi mới”, cũng như không ai trong chúng ta được miễn khỏi bước đi trên thế giới này và do đó cần được làm tươi mới. Cũng giống như Phi-e-rơ, không một người nào trong chúng ta có quyền tự nhủ: “Tôi đã vượt qua giai đoạn ấy rồi. Bây giờ tôi tiếp xúc với Đức Chúa Trời đến nỗi tôi vượt trên tình trạng bị vẩn đục, tôi có thể cầu nguyện và rao giảng mà không cần đến chức vụ ấy. Anh em không bao giờ cần phải rửa chân cho tôi!”

Không có các anh em thuộc giai cấp siêu đẳng hiện hữu trong Hội-thánh mà không cần được làm cho tươi mới. Đó là điều mỗi một đầy tớ của Đức Chúa Trời đều phải lệ thuộc. Làm công trong xưởng hay làm việc trong bếp suốt ngày, có thể anh em cảm thấy mình cần được làm cho tươi sáng; nhưng một vài người trong chúng ta làm việc suốt ngày trong các hội-thánh cũng cần được làm cho tươi sáng! Nhu cầu cần được phục hồi của chúng ta thường lớn lao như vậy, mặc dầu chúng ta có thể bị ru ngủ đến nỗi bỏ qua sự thật đó. Dầu chúng ta làm việc trong một môi trường rõ ràng là trần tục hay tham gia vào cái gọi là những điều thuộc linh, thế giới vẫn vây bọc chúng ta. Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta cần sự giúp đỡ của một vài anh chị em để lại nâng vực chúng ta lên hầu có thể chạm đến Đức Chúa Trời cách tươi mới, là sự tươi mới của quyền năng thần thượng.

Như vậy, nguyên tắc Thân Thể thật là đơn giản, đó là làm tươi mới và được làm tươi mới. Càng tiến tới với Chúa, chúng ta càng cần anh em mình. Vì trong chức vụ này, không ai trong chúng ta là tầm thường, và không ai trong chúng ta từng đạt đến chỗ mà không cần được người khác phục vụ mình. Lời tôi cầu nguyện cho chính mình là xin Đức Chúa Trời thỉnh thoảng dùng tôi làm tươi mới linh của một người khác khi linh ấy bị mệt mỏi, và tương tự như vậy, thỉnh thoảng Ngài có thể dùng một người khác để chạm đến linh suy yếu của tôi và làm tươi mới tôi. Nếu anh em ấy làm cho tôi được rửa sạch, không còn bị vẩn đục vì thế giới, đến nỗi khi đến với anh tôi đang mệt mỏi, nhưng khi ra về tôi lại được tươi mới, thì đối với tôi, đó là chức vụ của Đấng Christ.

Những gì tôi tìm cách mô tả bằng những từ ngữ đơn giản cuối cùng là một mặt trận hiệp nhất chống lại thế giới. Đây không phải một điều nhỏ nhặt. Nếu chúng ta tin điều này đến mức thực hành, tôi tin chắc rằng điều này sẽ có quyền năng để làm cho những đồn lũy mạnh mẽ nhất của Sa-tan phải rúng động. Chúa Giê-su phán: “Nếu các ngươi biết những điều này, thì phước cho các ngươi nếu các ngươi làm theo”.