SỰ KHÁC BIỆT
Bây giờ xin anh em chú ý đến những lời Chúa Giê-su nói với người Do-thái trong Giăng 8:23: “Các ngươi ra từ dưới, Ta ra từ trên; các ngươi thuộc về thế giới này, Ta không thuộc về thế giới này”. Tôi ao ước chúng ta đặc biệt chú ý đến cách dùng những chữ “từ” và “thuộc về”. Trong cả hai trường hợp, từ ngữ Hi-lạp được dùng là ek, có nghĩa là “ra từ” và chỉ về nguồn gốc. Ek tou kosmos là nhóm chữ được dùng có nghĩa là “từ hay thuộc về, hay ra từ thế giới này”. Vậy, ý nghĩa của phân đoạn này là: “Nơi ở nguyên thủy của các ngươi là ở dưới; nơi ở nguyên thủy của Ta là ở trên.
Nơi ở nguyên thủy của các ngươi là thế giới này; nơi ở nguyên thủy của Ta không phải là thế giới này”. Vấn đề không phải anh em là một người tốt hay xấu, nhưng đâu là nơi ở nguyên thủy của anh em. Chúng ta không hỏi điều này có đúng không hay điều kia có sai không, nhưng hỏi điều ấy phát xuất từ đâu? Nguồn gốc là yếu tố quyết định mọi sự.“Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt, hễ chi sanh bởi Linh là linh” (Giăng 3:6).Như vậy, khi Giê-su quay sang các môn đồ, Ngài sử dụng chính giới từ Hi-lạp này mà phán: “Nếu các ngươi thuộc về thế giới (ek tou kosmos), thì thế giới chắc yêu mến kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế giới, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế giới, nên thế giới ghét các ngươi” (Giăng 15:19). Ở đây, chúng ta có cùng một nhóm chữ “không thuộc về thế giới”, nhưng hơn thế nữa, chúng ta có một nhóm chữ khác, mạnh hơn: “Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế giới”. Trường hợp thứ hai này được nhấn mạnh gấp đôi. Cũng giống như trên, có một giới từ ek (ra khỏi), nhưng thêm vào giới từ này là động từ eklego (lựa chọn), tự chữ này chứa đựng một giới từ ek khác nữa. Chúa Giê-su đang nói rằng các môn đồ của Ngài đã được “lựa chọn ra, ra khỏi thế giới này”.
Đời sống mỗi tín đồ có một sự “ra khỏi” ek mạnh gấp đôi. Ra khỏi tổ chức to lớn gọi là kosmos ấy, ra khỏi tất cả những đoàn người đông đảo gồm những cá nhân thuộc về nó và liên hệ đến nó, Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta ra, tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều đó. Từ đó có danh hiệu “Hội-thánh”, ekklesia, là “những người được gọi ra khỏi” của Đức Chúa Trời. Từ giữa kosmos vĩ đại, Đức Chúa Trời kêu gọi ở đây một người, ở đó một người; và tất cả những ai được Ngài kêu gọi, thì Ngài cũng gọi ra khỏi. Không một sự kêu gọi nào của Đức Chúa Trời mà không phải là sự kêu gọi “ra khỏi” thế giới. Hội-thánh là ekklesia. Trong ý định thần thượng, không có klesia mà thiếu ek.
Nếu anh em là một người được kêu gọi, thì anh em là người được gọi ra khỏi. Nếu Đức Chúa Trời có kêu gọi anh em, thì đó là Ngài kêu gọi anh em sống trong linh bên ngoài hệ thống thế giới. Ban đầu chúng ta ở trong hệ thống thuộc về Sa-tan đó và không có lối thoát; nhưng chúng ta được gọi, và sự kêu gọi đó đem chúng ta ra khỏi. Đúng ra quan niệm ấy là một quan niệm tiêu cực, nhưng cũng có phương diện tích cực đối với cấu tạo của chúng ta; vì là dân của Đức Chúa Trời, chúng ta có hai danh hiệu, mỗi danh hiệu đều đầy ý nghĩa tùy theo cách chúng ta nhìn chính mình. Nếu nhìn lui về lịch sử quá khứ, chúng ta là ekklesia, tức Hội-thánh; nhưng nếu nhìn cuộc sống hiện tại trong Đức Chúa Trời, chúng ta là Thân Thể của Đấng Christ, là biểu hiện trên đất của Đấng ở trên trời. Theo quan điểm về việc Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta, chúng ta “ra khỏi” thế giới; nhưng từ quan điểm sự sống mới, chúng ta không thuộc về thế gian chút nào, nhưng đến từ trên. Một mặt, chúng ta là những người được lựa chọn, kêu gọi và giải cứu khỏi hệ thống thế giới. Mặt khác, chúng ta là một dân tộc được tái sanh, tuyệt đối không liên quan gì đến hệ thống ấy, vì bởi Linh, chúng ta đã được sinh ra từ trên. Cho nên Giăng nhìn thấy thành thánh “từ trời từ Đức Chúa Trời xuống” (Khải 21:10). Là dân của Đức Chúa Trời, trời không chỉ là cùng đích của chúng ta, mà còn là nguồn gốc của chúng ta.
Đây là một điều lạ lùng, trong anh em và tôi có cùng một yếu tố về bản chất thuộc về thế giới khác. Thật vậy, yếu tố ấy thuộc về thế giới khác đến nỗi dầu thế gian này có tiến bộ đến đâu, yếu tố ấy không bao giờ tiến một bước để giống như thế giới ấy. Sự sống chúng ta có là sự ban cho của Đức Chúa Trời đến từ trời và không bao giờ ở trong thế giới cả. Sự sống ấy không phù hợp với thế giới nhưng phù hợp trọn vẹn với trời; và mặc dầu hằng ngày chúng ta phải hòa mình với thế giới, sự sống ấy không bao giờ để chúng ta định cư và cảm thấy thoải mái trong thế giới.
Chúng ta hãy dành ít phút xem xét ân ban thần thượng này, tức sự sống của Đấng Christ cư ngụ trong lòng người được tái sinh. Sứ đồ Phao-lô nói rất nhiều về điều này.Trong một phân đoạn đầy ánh sáng của Thư Cô-rin-tô thứ nhất, ông đưa ra một lời tuyên bố gồm hai mặt nổi bật: (a) Chính Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong Đấng Christ, và (b) Đấng Christ đã trở nên nên sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời cho chúng ta: cả sự công chính lẫn sự thánh hóa và sự cứu chuộc” (1:30). Đây là những ví dụ bao gồm toàn bộ nhu cầu của con người mà Đức Chúa Trời đã đáp ứng trong Con Ngài. Ở một chỗ khác1, chúng tôi đã trình bày thế nào Đức Chúa Trời không ban phát những phẩm chất công chính, thánh khiết, v.v... như những phần riêng rẽ được ráp vào “để chúng ta lấy dùng khi cần”. Điều Ngài thực hiện là ban Đấng Christ cho chúng ta làm câu giải đáp bao quát cho mọi nhu cầu của chúng ta. Ngài làm cho Con Ngài trở nên sự công chính của tôi, sự thánh khiết của tôi và mọi điều tôi thiếu, trên nền tảng là Ngài đã đặt tôi trong Đấng Christ bị đóng đinh và đã sống lại.
Bây giờ tôi xin anh em lưu ý đến từ ngữ sau cùng: “sự cứu chuộc”, vì sự cứu chuộc liên quan rất nhiều đến thế giới. Anh em nhớ lại rằng dân Y-sơ-ra-ên được “cứu chuộc” ra khỏi Ai-cập, là tất cả thế giới mà họ biết vào thời đó, và đối với chúng ta Ai-cập là hình ảnh tượng trưng về thế giới này, ở dưới quyền cai trị của Sa-tan. Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên “Ta là Đức Giê-hô-va... Ta sẽ giơ thẳng tay ra... mà chuộc các ngươi”. Như vậy Đức Chúa Trời đã đem họ ra, dựng một ranh giới phán xét giữa họ và quân đội Pha-ra-ôn đang đuổi theo họ, để Môi-se có thể hát về Y-sơ-ra-ên là “dân mà Ngài đã chuộc” (Xuất 6:6; 15:13).
Trong ánh sáng của điều này, bây giờ chúng ta hãy xem lời tuyên bố bao gồm hai phương diện của Phao-lô. Nếu (a) Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong Đấng Christ, thì vì Đấng Christ hoàn toàn ra khỏi thế giới, chúng ta cũng hoàn toàn ra khỏi.Hiện nay Ngài là phạm vi của chúng ta, và bằng cách ở trong Ngài, thì theo đúng nghĩa chúng ta đã ra khỏi phạm vi kia. Cha “đã giải cứu chúng ta khỏi quyền lực của sự tối tăm, mà dời chúng ta qua nước của Con yêu dấu Ngài; trong Con ấy, chúng ta có sự cứu chuộc” (Côl. 1:13-14). Sự chuyển dời này là đề tài của hai chương tiếp theo.
Hơn nữa, nếu (b) Đấng Christ “được trở nên sự cứu chuộc cho chúng ta”, thì nói như vậy nghĩa là Ngài được ban cho chúng ta để làm sự cứu chuộc; điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đã đặt chính Đấng Christ làm hàng rào để chống lại thế giới ở trong chúng ta. Tôi đã gặp nhiều thanh niên Cơ-đốc, hoặc bằng cách này hay cách khác, nỗ lực sống một cuộc đời “thoát tục” để cố gắng chống lại thế giới. Nhưng họ khám phá rằng điều đó rất khó khăn, và hơn nữa, nỗ lực ấy dĩ nhiên hoàn toàn không cần thiết. Vì bởi “sự khác biệt” trong yếu thể tính của Ngài, Đấng Christ là hàng rào ngăn cách chúng ta với thế giới, và chúng ta không cần gì khác nữa. Chúng ta không phải làm gì liên hệ đến sự cứu chuộc của mình, cũng như dân Y-sơ-ra-ên đối với sự cứu chuộc của họ. Họ chỉ đơn giản tin cậy cánh tay cứu chuộc của Đức Chúa Trời đưa thẳng ra vì họ.Và Đấng Christ được trở nên sự cứu chuộc cho chúng ta. Trong lòng tôi, có một hàng rào được thiết lập giữa tôi với thế giới, là hàng rào của một loại sự sống khác, ấy là sự sống của chính Chúa tôi, và Đức Chúa Trời đã đặt hàng rào này ở đó. Vì Đấng Christ, thế giới không thể đến gần tôi.
Như vậy, tôi có cần cố gắng chống lại hay chạy trốn khỏi hệ thống gồm nhiều điều này không? Nếu nhìn vào chính mình để tìm điều gì đó nhằm đối đầu và đắc thắng thế giới, ngay lập tức, tôi thấy mọi sự trong tôi kêu khóc đòi thế giới, trong khi nếu tôi phấn đấu để tách rời chính mình khỏi đó, tôi chỉ càng làm cho mình liên hệ với nó nhiều hơn.Nhưng rồi sẽ đến một ngày tôi nhận biết rằng Đấng Christ là sự cứu chuộc trong tôi, và trong Ngài, tôi hoàn toàn “ra khỏi”. Ngày ấy sẽ chứng kiến cuộc tranh chiến chấm dứt.Tôi sẽ đơn giản nói với Ngài rằng mình không thể làm gì cả về nan đề “thế giới” này, nhưng tạ ơn Ngài với cả tấm lòng vì Ngài là Đấng Cứu Chuộc tôi.
Không sợ nói mãi thành nhàm, tôi xin nhắc lại: tính chất của thế giới về mặt đạo đức thì khác với sự sống do Linh truyền vào mà chúng ta đã nhận từ Đức Chúa Trời.Về mặt cơ bản, vì chúng ta sở hữu sự sống mới này, là sự ban cho của Đức Chúa Trời nên thế giới ghét chúng ta, vì nó không ghét điều gì cùng loại với nó. Sự khác biệt tận gốc rễ này thật sự làm cho thế gian không cách nào yêu chúng ta được. “Nếu các ngươi thuộc thế giới, thì thế giới chắc yêu mến kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc thế giới, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế giới, nên thế giới ghét các ngươi”.
Khi thế giới thấy trong chúng ta có sự thành thật và lịch sự của con người thiên nhiên, thế giới quí trọng điều đó và sẵn sàng đáp lại bằng sự quí trọng và đặt lòng tin cậy nơi chúng ta. Nhưng ngay khi thế giới thấy trong chúng ta điều không thuộc về chính chúng ta, ấy là bản chất thần thượng mà chúng ta được dự phần, ngay lập tức, sự thù ghét sẽ dấy lên. Hãy cho thế giới thấy bông trái của Đạo Đấng Christ thì nó sẽ hoan hô; nhưng cho thế giới thấy Đạo Đấng Christ thì nó sẽ chống đối dữ dội. Vì dầu thế giới phát triển theo ý nó muốn, nó không bao giờ có thể sản xuất ra một Cơ-đốc-nhân nào cả. Thế giới có thể bắt chước sự chân thật, tính lịch sự, lòng từ thiện của Cơ-đốc-nhân, đúng vậy, nhưng nó không bao giờ khao khát tạo ra một Cơ-đốc-nhân. Cái gọi là văn minh Cơ-đốc nay được thế giới nhận biết và tôn trọng. Thế giới có thể chịu được điều đó; thậm chí nó có thể hấp thụ và sử dụng điều đó. Nhưng sự sống của Cơ-đốc-nhân, là sự sống của Đấng Christ trong tín đồ Cơ-đốc là điều thế giới ghét bỏ, và bất cứ nơi nào thế giơi gặp sự sống ấy, chắc chắn nó sẽ chống đối đến chết.
Văn minh Cơ-đốc là kết quả của nỗ lực dung hòa thế giới với Đấng Christ. Trong hình bóng của Cựu Ước, chúng ta thấy điều đó được tượng trưng bởi dân Mô-áp và Am-môn, là kết quả gián tiếp của việc Lót liên hệ và thỏa hiệp với Sô-đôm; và cả Mô-áp lẫn Am-môn đều tỏ ra rằng họ ghét dân Y-sơ-ra-ên không kém gì các dân tộc Ngoại Bang. Văn minh Cơ-đốc chứng tỏ rằng nó có thể trộn lẫn với thế giới, và thậm chí có thể đứng về phía thế giới khi bị khủng hoảng. Tuy nhiên, có một điều đời đời tách biệt khỏi thế giới và không bao giờ có thể pha trộn với nó, đó là sự sống của Đấng Christ. Bản chất hai bên xung khắc với nhau và không thể dung hòa được. Không có một chỗ đứng chung nào giữa phần tốt nhất của bản chất con người mà thế giới có thể sản sinh ra và một Cơ-đốc-nhân tầm thường nhất, và do đó không có nền tảng để so sánh. Vì sự tốt lành thiên nhiên là điều chúng ta có do bẩm sinh và có thể phát triển do năng lực riêng của chúng ta cách tự nhiên; nhưng sự tốt lành thuộc linh, theo lời Giăng viết, thì “sanh bởi Đức Chúa Trời” (1 Giăng 5:4).
Đức Chúa Trời đã thiết lập trong thế giới một Hội-thánh phổ thông; và tại nơi này, nơi khác, Ngài đã “trồng” các hội-thánh địa phương. Tôi xin thưa rằng Đức Chúa Trời đã làm điều này. Vì vậy, thật phi lý nếu chúng ta mong rằng cách giải cứu khỏi thế giới là phân rẽ khỏi nó về phương diện thuộc thể. Nhưng kết quả là nhiều Cơ-đốc-nhân chân thật rất bối rối vì nan đề bị thế giới lôi cuốn. Họ hỏi rằng nếu Đức Chúa Trời “trồng” một hội-thánh địa phương tại đây, một ngày kia hội-thánh ấy có bị thế giới lôi cuốn không?
Thật ra điều đó không là nan đề đối với Đức Chúa Trời hằng sống. Vì nguồn gốc của gia đình Đức Chúa Trời không ở trong thế giới, nên không có gì phù hợp với thế giới, và do đó thế giới không thể thâm nhập vào. Dĩ nhiên điều này không do nơi chúng ta, là con cái của Đức Chúa Trời. Không phải vì chúng ta tha thiết ước ao được thuộc về trời nên Hội-thánh có tính cách thiên thượng, nhưng vì chúng ta sanh từ trời. Vì chúng ta có nguồn gốc thiên thượng, cho nên nếu chúng ta được miễn không phải cố gắng để đạt đến đó, thì chúng ta cũng nhờ nguồn gốc ấy được miễn khỏi phải học tập để giữ mình khỏi thế giới này về mặt thuộc thể.
Làm thế nào thế giới có thể trộn lẫn với những gì thuộc về thế giới khác? Vì mọi sự thuộc về thế giới đều là bụi đất trống rỗng, trong khi tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời có phẩm chất kỳ diệu của sự sống thần thượng. Một vài anh em ở Nam-kinh từng góp phần làm công tác cứu trợ sau khi máy bay Nhật thả bom thành phố ấy. Trong khi họ đang đứng trước một tòa nhà đổ nát, không biết phải bắt đầu làm gì, thình lình có tiếng gạch và ván đổ dữ dội, rồi một người ngoi lên. Người ấy phủi bụi và gạch vụn bám trên mình, chỗi dậy và chống chọi để đứng lên. Những xà nhà và các tấm ván rơi xuống chỗ cũ phía sau người ấy và bụi đất lại im lìm như trước, nhưng người ấy bước ra, sống động! Một khi có sự sống thì không việc gì phải sợ sự pha trộn.
Lời Chúa Giê-su cầu nguyện với Cha mà Giăng ghi lại trong chương mười bảy chứa đựng một lời khẩn nài đáng cho chúng ta chú ý hơn hết. Sau khi lặp lại câu “thế giới ghét họ, vì họ không thuộc về thế giới, cũng như Con không thuộc về thế giới”, Chúa Giê-su nói tiếp: “Con không xin Cha cất họ khỏi (ek) thế giới, nhưng xin Cha giữ họ khỏi (ek) kẻ ác” (cc. 14, 15).
Ở đây chúng ta có một nguyên tắc quan trọng, là nguyên tắc sẽ được bàn nhiều trong chương kế tiếp. Các Cơ-đốc-nhân có một vị trí quan trọng trong thế giới. Mặc dầu được cứu khỏi kẻ ác và hệ thống của hắn, họ vẫn chưa được dời khỏi lãnh thổ của hắn. Họ phải đóng một vai trò không thể thiếu được tại đó. Như chúng ta đã thấy, những người theo tôn giáo nỗ lực muốn thắng thế giới bằng cách ra khỏi nó. Là Cơ-đốc-nhân, đó hoàn toàn không phải là thái độ của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi phải đắc thắng ngay tại nơi này. Đã được tạo dựng khác biệt với thế giới, chúng ta vui mừng chấp nhận sự kiện Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong thế giới. Sự khác biệt ấy, tức điều Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ, là tất cả sự bảo vệ mà chúng ta cần./.