SỰ TÁCH BIỆT
Chúng ta đã thấy Hội-thánh như một cái gai bên hông Sa-tan, làm cho hắn rất khó chịu và làm cho hắn không còn được tự do hoạt động. Mặc dầu ở trong thế giới, Hội-thánh không những từ chối giúp đỡ xây dựng thế giới, mà còn kiên trì công bố sự phán xét trên nó. Nhưng nếu điều này
đúng, nếu Hội-thánh luôn luôn là nguồn gây ra sự bực tức cho thế giới, thì tương tự như vậy, thế giới cũng là nguồn thường xuyên gây ra sự buồn phiền cho Hội-thánh. Vì thế gian luôn luôn phát triển, nên quyền lực mà nó dùng gây khổ não cho dân Đức Chúa Trời không ngừng bành trướng; thật ra ngày nay Hội-thánh phải đối diện với một lực lượng trong thế giới mà vào thời đầu tiên, Hội-thánh chưa hề đương đầu. Vào thời ấy, con cái Đức Chúa Trời bị bắt bớ công khai dưới hình thức những sự tấn công bề ngoài trên con người họ về phương diện thuộc thể (Công 12; 2 Côr. 11). Họ luôn luôn xung đột với những điều vật chất hữu hình. Hiện nay nan đề chính yếu họ gặp phải trên thế giới tinh vi hơn, một lực lượng vô hình phía sau những điều vật chất, không thánh khiết mà còn gian ác về phương diện thuộc linh. Ảnh hưởng của lực lượng thuộc linh ấy ngày nay lớn hơn thời ấy rất nhiều. Không những lớn hơn, nhưng hiện nay có một yếu tố mà thời ấy không có.Trong Khải-thị chương 9, chúng ta đọc thấy một sự phát triển mà đối với tác giả của sách ấy thì còn ở xa trong tương lai. “Thiên sứ thứ năm thổi kèn lên, tôi thấy một ngôi sao từ trời sa xuống đất, vị ấy được ban cho chìa khóa của hầm sâu thuộc vực không đáy. Vị ấy mở hầm của vực sâu không đáy ra, có luồng khói từ hầm bay lên như khói của lò lửa lớn... Từ luồng khói ấy có những châu chấu bay ra trên mặt đất, chúng được ban cho năng lực như năng lực của những bò cạp trên đất.
Có lời phán cho chúng đừng làm thiệt hại loài cỏ của đất, hoặc vật xanh, hoặc cây cối nào, mà chỉ làm thiệt hại những người không có ấn Đức Chúa Trời ở trên trán” (cc. 1-4). Đó là ngôn ngữ theo nghĩa bóng, nhưng ngôi sao từ trời sa xuống rõ ràng chỉ về Sa-tan, và chúng ta biết vực sâu không đáy là địa phận của hắn, nhà kho của hắn, chúng ta có thể nói như vậy. Do đó, thời cuối cùng dường như được đánh dấu bằng một sự phóng thích các lực lượng Sa-tan cách đặc biệt, và loài người sẽ thấy chính mình phải chống cự lại một quyền lực thuộc linh mà họ chưa từng phải đấu tranh trước đó.
Chắc chắn điều này phù hợp với tình trạng của thời chúng ta đang sống. Mặc dầu đúng là hơn bao giờ hết, tội lỗi và bạo lực sẽ ngày càng gia tăng vào giai đoạn kết thúc thời đại này, nhưng qua Lời Đức Chúa Trời, rõ ràng đó không phải là điều Hội-thánh sẽ phải đặc biệt vật lộn vào thời này, mà là vật lộn hơn nhiều với một hấp lực thuộc linh của những điều thường ngày. “Đã xảy đến trong ngày Nô-ê như thế nào, thì trong ngày Con Loài Người cũng sẽ như thế ấy: người ta ăn, uống, cưới, gả cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến hủy diệt họ tất cả. Lại cũng như đã xảy ra trong ngày của Lót: người ta ăn, uống, mua, bán, gieo, trồng, xây cất, nhưng vào ngày Lót ra khỏi Sô-đôm, thì trời mưa lửa và lưu hoàng hủy diệt họ tất cả” (Lu 17:26-29). Điều Chúa Giê-su muốn nói ở đây không phải là thức ăn, hôn nhân, thương mại, nông nghiệp, kỹ nghệ, là những đặc điểm nổi bật vào thời Nô-ê và Lót, nhưng đó là những đặc tính tiêu biểu của những ngày cuối cùng. “Ngày Con Loài Người hiện ra cũng cùng một cách ấy” (c. 30): đó là vấn đề. Vì những điều này vốn không phải là tội lỗi, chúng chỉ đơn giản thuộc về thế gian. Suốt đời mình, có bao giờ anh em lại phải chú tâm nhiều như vậy đến một cuộc sống tốt đẹp như hiện nay [anh em đang phải quan tâm] không? Cơm ăn, áo mặc đang trở nên gánh nặng cho các con cái Đức Chúa Trời ngày nay. Chúng ta sẽ ăn gì? Chúng ta sẽ uống gì? Tiền đâu để chúng ta mua sắm áo quần? Đối với nhiều người, hầu như đó là những đề tài duy nhất của các cuộc đối thoại. Có một quyền lực buộc anh em phải suy tính đến những vấn đề này; chính sự sinh tồn của anh em đòi hỏi anh em phải quan tâm đến chúng.
Tuy nhiên Kinh-thánh cảnh cáo chúng ta “vương quốc của Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công chính” v.v... Lời Ngài khuyên chúng ta trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, và Lời ấy bảo đảm rằng khi chúng ta làm như vậy, mọi điều này sẽ được thêm cho chúng ta. Lời Ngài khuyên chúng ta đừng lo lắng về vấn đề cơm ăn, áo mặc, vì nếu Đức Chúa Trời lo cho hoa ngoài đồng và chim trên trời, thì Ngài lại không lo cho chúng ta, là những người thuộc về Ngài càng nhiều hơn sao? Tuy nhiên, nếu dựa trên sự lo lắng của chúng ta mà đánh giá, thì dường như các loài ấy được Ngài chăm sóc, còn chúng ta thì không!
Đây là điểm cần đặc biệt nhấn mạnh. Tình trạng ngày nay thật bất thường. Sự chú ý thái quá đến vấn đề ăn uống, cho dầu là ở hai thái cực hoặc chỉ đủ để tồn tại hoặc sống xa hoa, cho thấy rất nhiều Cơ-đốc-nhân ngày nay khác xa tình trạng bình thường; đó là tình trạng bất thường. Không phải chúng ta nhóm họp tại đây vì vấn đề ăn uống; chúng ta đang đối diện với các quỉ. Sa-tan đã sản sinh [ra hệ thống thế gian] và bây giờ đang điều khiển trật tự thế giới, hắn chuẩn bị dùng năng lực của quỉ qua mọi điều thuộc thế gian để cám dỗ chúng ta đi vào trật tự ấy. Chúng ta không thể giải thích được tình trạng sự việc ngày nay nếu tách rời khỏi điều ấy. Ôi, nguyện con cái của Đức Chúa Trời được tỉnh thức về sự thật này! Trong những ngày trước, các thánh đồ của Đức Chúa Trời gặp đủ mọi loại khó khăn; nhưng, ở giữa các áp lực, họ có thể nhìn lên và tin cậy Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong áp lực hiện nay, họ bối rối và hoang mang đến nỗi dường như không thể tin cậy Ngài. Chúng ta hãy nhận thức mọi áp lực và tình trạng rối loạn này phát sinh ra từ nguồn gốc là Sa-tan!
Vấn đề hôn nhân cũng vậy. Chúng ta chưa bao giờ gặp nhiều nan đề trong lãnh vực này như ngày nay. Rối loạn lan tràn khắp nơi, vì thanh niên thiếu nữ phá bỏ truyền thống cũ, nhưng lại thiếu sự dẫn dắt của những truyền thống mới để thay thế cho các truyền thống cũ. Sự kiện này không được kể là bình thường, mà là bất thường, siêu nhiên. Cưới gả là vấn đề lành mạnh và bình thường trong mọi thời đại, nhưng ngày nay có một yếu tố xen vào những điều này và đó là điều bất thường.
Sự trồng trọt và xây dựng cũng vậy, và việc mua bán cũng thế. Tất cả những điều này có thể hoàn toàn hợp pháp và ích lợi, nhưng ngày nay quyền lực ẩn đằng sau chúng đè ép trên con người cho đến khi họ hoang mang và mất quân bình. Thế lực gian ác truyền năng lực cho hệ thống thế gian, là thế lực đã nhanh chóng tạo ra tình trạng ngày nay với hai thái cực như chúng ta thấy; một thái cực là hoàn toàn bất lực không đạtđược mục tiêu, và thái cực kia là có quá nhiều cơ hội bất thường để tích lũy của cải.Một mặt, nhiều Cơ-đốc-nhân gặp những hoàn cảnh kinh tế khó khăn chưa từng thấy; mặt khác, y như vậy nhiều người lại gặp những cơ hội làm giàu chưa từng có. Cả hai tình trạng này đều bất thường.
Hãy thử ghé xem người ta nói chuyện. Anh em sẽ nghe những lời như sau: “Tuần trước, tôi mua những món hàng như vầy, như vầy với số tiền như vầy, như vầy, nhờ đó tôi đã tiết kiệm được rất nhiều”. “Mừng quá, tôi đã mua món đó cách đây một năm, nếu không tôi đã lỗ biết bao nhiêu”. “Nếu anh muốn bán, hãy bán ngay bây giờ khi thị trường đang thuận lợi”. Anh em có thấy cách người ta chạy đây, chạy đó, nôn nóng làm ăn không? Các bác sĩ đang tích trữ bột, những nhà chế tạo vải đang bán giấy, những người nam, người nữ vốn chưa bao giờ đụng đến những điều như vậy trước đây bây giờ đang bị dòng thác hoạt động đầu cơ lôi cuốn. Họ bị kéo vào dòng xoáy thị trường, và nó quay họ điên cuồng. Anh em không thấy tình trạng kinh doanh như vậy là bất thường sao? Anh em không thấy ở đây có một quyền lực bắt lấy người ta sao?Người ta không đang hoạt động cách tỉnh táo, sáng suốt; họ bị mất tự chủ rồi. Việc mua bán sôi nổi ngày nay không phải chỉ là vấn đề kiếm được hay mất đi một ít tiền. Đó là vấn đề đụng đến hệ thống Sa-tan. Chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối cùng, một giai đoạn có một quyền lực đặc biệt được phóng thích, đang lèo lái người ta, dầu họ muốn hay không.
Vậy ngày nay tội lỗi không là nan đề lớn lao như linh thế giới. Ai dám nói anh em sai lầm khi ăn và uống? Ai dám không tán thành việc cưới gả? Ai dám chất vấn anh em về quyền mua bán của anh em? Những điều này tự nó không sai lầm; sự sai lầm nằm ở lực lượng thuộc linh ẩn sau chúng, lấy chúng làm môi giới để đè bẹp chúng ta cách tàn nhẫn. Ôi, ước gì chúng ta tỉnh thức trước sự thật là dầu những điều này tầm thường và đơn giản, chúng đang được Sa-tan dùng gài bẫy các con cái Đức Chúa Trời để họ mắc vào mạng lưới vĩ đại thuộc trật tự thế giới của hắn.
“Vậy, hãy tự lưu ý, e rằng sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng của đời sống này đè nặng lòng các ngươi, và ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới rập chăng” (Lu 21:34). Hãy lưu ý từ ngữ “đời sống” trong lời Chúa Giê-su nói. Trong Tân Ước Hi-lạp, ba từ ngữ này thường được sử dụng để chỉ sự sống: zoe, là sự sống thuộc linh; psuche, là sự sống tâm lý; và bios, là sự sống thân thể. Từ ngữ sau cùng được dùng ở đây, xuất hiện dưới hình thức tĩnh từ, biotikos, “thuộc về đời sống này”. Chúa đang cảnh cáo chúng ta phải coi chừng kẻo chúng ta bị đè nén thái quá bởi những sự lo lắng của đời sống này, tức là, với những sự lo lắng về những việc rất bình thường chẳng hạn như cơm ăn, áo mặc là những điều thuộc về sự sinh tồn hiện nay trên đất của chúng ta. A-đam và Ê-va đã sa ngã vì một điều rất đơn giản, một số Cơ-đốc-nhân có thể bỏ qua sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời vì những điều đơn giản như vậy. Vì vấn đề luôn luôn là lòng của chúng ta đặt vào đâu. Chúng ta được khuyên đừng để lòng mình bị “lụy”, hay “đè quá nặng” bởi những điều gây thiệt hại cho mình. Tức là chúng ta không được mang một gánh nặng làm cho mình bị đè xuống. Theo ý nghĩa đúng đắn, ở trong linh, chúng ta phải tách biệt khỏi của cải trong nhà hay ngoài đồng (Lu 17:31)
Chúng ta hãy nhận thức mình là ai! Chúng ta là Hội-thánh, là ánh sáng của thế giới đang chiếu soi giữa bóng tối. Chúng ta hãy sống cuộc đời mình tại đây như vậy.
Có một giai đoạn Hội-thánh từ khước những phương cách của thế giới. Bây giờ Hội-thánh không những sử dụng chúng, mà còn lạm dụng chúng. Dĩ nhiên chúng ta phải dùng thế giới, vì chúng ta cần nó; nhưng chúng ta đừng ham muốn nó, đừng ao ước nó. Cho nên Chúa Giê-su nói tiếp: “Vậy, lúc nào các ngươi cũng hãy thức canh và khẩn nài, hầu các ngươi đủ sức để thoát khỏi mọi điều phải xảy đến ấy, và đứng (nguyên văn là “được đặt”) trước mặt Con Loài Người” (Lu 21:36). Nếu không có một thế lực thuộc linh mà chúng ta cần canh giữ để chống lại nó, thì Chúa có thúc giục chúng ta thức canh và cầu nguyện không? Chúng ta không dám cho rằng phần định trước của mình là một điều đương nhiên, nhưng phải thường xuyên tỉnh thức để linh chúng ta thật sự không vướng bận với những yếu tố của thế giới này. Có những điều của thế giới cần thiết cho chính sự sinh tồn của chúng ta. Có liên hệ đến chúng là hợp pháp, nhưng bị chúng đè nặng là bất hợp pháp và có thể làm cho chúng ta mất điều tốt nhất của Đức Chúa Trời.
Sách Khải-thị cho thấy Sa-tan sẽ thiết lập vương quốc của antichrist trên thế giới chính trị (chương 13), thế giới tôn giáo (chương 17), và thế giới thương mại (chương 18). Trên nền tảng bao gồm ba khía cạnh này là chính trị, tôn giáo và thương mại, chúng ta sẽ thấy biểu hiện mạnh mẽ sau cùng của sự trị vì của hắn. Trong hai chương sau được đề cập ở trên, vương quốc của hắn xuất hiện dưới hình ảnh tượng trưng là Ba-by-lôn, tức công cụ đặc biệt của Sa-tan. Ba-by-lôn dường như tượng trưng cho Cơ-đốc giáo bại hoại, có lẽ là Rô-ma, nhưng to lớn hơn và ngấm ngầm hơn Rô-ma. Ba-by-lôn bị phán xét trên nền tảng thương mại của mình. Tất cả những gì được ghi lại trong chương mười tám xoay quanh các thương gia và hàng hóa. Những người than khóc vì thành lớn bị đổ xuống, từ vua cho đến những người lái tàu thủy, tất cả đều than vãn với ý nghĩ rằng sự mua bán thịnh vượng của Ba-by-lôn thình lình bị chấm dứt. Rõ ràng không phải tôn giáo hay chính trị mà là thương mại, là điều đã làm cho linh của Ba-by-lôn lại phát đạt, và là điều làm người ta than khóc khi nó sụp đổ. Chúng tôi không dám tuyên bố mạnh rằng thương mại thuần túy là sai lầm, nhưng chúng tôi nói điều này trên nền tảng là chính Lời của Đức Chúa Trời rằng bước khởi đầu của thương mại có liên quan đến Sa-tan (Êxê. 28) và nó kết thúc với Ba-by-lôn (Khải 18). Rồi từ kinh nghiệm gian khổ của mình, chúng tôi xin nói thêm rằng thương mại là cánh đồng mà trong đó, hơn bất cứ nơi nào khác, “sự hư hoại trong thế gian qua dục vọng” không ngớt theo đuổi thậm chí những người sống theo nguyên tắc cao nhất giữa vòng các Cơ-đốc-nhân mà tách rời khỏi ân điển của Đức Chúa Trời, và sự hư hoại ấy cũng sẽ dễ dàng bất ngờ ập đến với họ làm cho họ sa sút.
Chúng ta có nhạy bén đối với Ba-by-lôn không? Các thương gia khóc, nhưng trời reo lên Ha-lê-lu-gia! (19:1). Đây là những tiếng Ha-lê-lu-gia duy nhất được ghi lại trong Tân Ước. Chúng ta có làm vang dội lại những tiếng Ha-lê-lu-gia này không?
Khi đụng đến thương mại, chúng ta đang ở trong một lãnh vực đầy hiểm họa. Nếu vì lý do là sự kêu gọi của mình, chúng ta tham gia vào thương mại thuần khiết, và nếu chúng ta làm như vậy với lòng sợ sệt và run rẩy, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thoát khỏi bẫy của Ma quỉ. Nhưng nếu chúng ta quá tự tin, thì sẽ không hi vọng thoát khỏi tình trạng tìm tư lợi cách vô đạo đức mà thương mại gây ra. Cho nên nan đề chúng ta đối phó hôm nay không phải là làm thế nào để đừng mua bán, đừng ăn uống, cưới gả; vấn đề hiện nay là chúng ta cần tránh quyền lực ẩn sau những điều đó, vì chúng ta không dám để cho quyền lực ấy thắng hơn mình.
Như vậy, bí quyết nắm giữ những của cải vật chất theo ý muốn Đức Chúa Trời là gì? Chắc chắn giữ của cải ấy cho Đức Chúa Trời tức là nhận biết chúng ta không đang dồn chứa những của cải quí giá nhưng vô dụng, hay tích trữ những khoản tiền lớn ký thác trong ngân hàng, nhưng đang để dành cho trương mục của Đức Chúa Trời. Anh em và tôi phải sẵn lòng hoàn toàn lìa bỏ bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào. Tôi từ bỏ hai ngàn đô-la hay hai đô-la không thành vấn đề. Vấn đề là tôi cần từ bỏ bất cứ điều gì tôi có mà không chút luyến tiếc.
Qua điều này, tôi không có ý nói chúng ta phải cố gắng bỏ hết mọi sự; đó không phải là vấn đề. Vấn đề là với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời, anh em và tôi không tích chứa của cải cho mình. Nếu tôi giữ một điều gì, ấy là vì Đức Chúa Trời đã phán với lòng tôi; nếu tôi có lìa bỏ điều đó thì cũng với lý do như vậy. Tôi giữ chính mìnhtrong ý muốn của Đức Chúa Trời và không sợ phải ban cho nếu Đức Chúa Trời bảo tôi hãy ban cho. Tôi không giữ gì vì tôi yêu mến nó, nhưng tôi buông nó ra không chút luyến tiếc khi Ngài kêu gọi tôi bỏ nó lại đằng sau. Đó là ý nghĩa của sự tách biệt, tự do và biệt riêng cho Đức Chúa Trời./.