Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

CÁC THI THIÊN ĐI LÊN TỪ BỰC- 4


Flash Flood Disaster Stock Images 
THI THIÊN 124: HIẾN DÂNG ĐỂ ĐƯỢC PHÂN RẼ
KHỎI THẾ GIỚI – ĐỨNG CHỐNG LẠI
SỰ CHỐNG ĐỐI CỦA THẾ GIỚI

Chúa Đứng Về Phía Chúng Ta
Vì Chứng Cớ của Ngài

Thi Thiên 124 thật ra là sự tiếp tục của Thi thiên 123, nhưng có một sự khác biệt mấu chốt giữa hai Thi thiên này. Thi thiên 124 bắt đầu bằng: “Ồ Israel hãy nói: Nếu không phải Jehovah đã đứng về phía chúng ta…” (c.1). Từ quan trọng nhất trong câu này là “Israel” Từ này đánh dấu một sự tiến bộ thuộc linh, một sự đi lên trong kinh nghiệm Cơ Đốc của chúng ta. Chúng ta đã tiến bộ từ “tôi” đến “Israel” Trong Thi Thiên 123, tác giả nói: “Tôi ngước mắt lên nhìn Ngài” Tác giả đã có một chỗ đứng cá nhân vì Chúa, và điều này đã dẫn đến kinh nghiệm của ông về việc bị khinh thường trong thế giới. Về một mặt, khi chúng ta bị khinh thường vì đứng cho Chúa thì Chúa “đứng về phía chúng ta”. Tuy nhiên, thật ra Chúa không đứng về phía một người. Như chúng ta thấy trong Thi Thiên 124, Chúa đứng về phía “Israel” đại diện cho tuyển dân của Đức Chúa Trời , mang chứng cớ của Ngài. Là những người đang mang chứng cớ của Đức Chúa Trời ngày nay, chúng ta có thể dạn dĩ tuyên bố: “Chúa đứng về phía chúng ta”. Chúng ta đã tiến bộ từ một chỗ đứng cá nhân cho Chúa đến một chỗ đứng tập thể cho chứng cớ Chúa

Thế Giới Dấy Lên Chống Lại
Chúng Ta Theo Ba Cách
Tác giả tiếp tục: “Nếu không phải Jehovah đã đứng về phía chúng ta khi người ta dấy lên chống tại chúng ta” (c.2).
Ý tưởng này tiếp nối Thi thiên trước. Trong Thi Thiên 123, thế giới không dành cho chúng ta điều gì ngoài sự khinh miệt. Trong Thi Thiên 124, cả thế giới dấy lên chống lại chúng ta. Phần còn lại của Thi Thiên cho chúng ta thấy thế giới dấy lên theo những cách khác nhau. “Và chúng [ những kẻ dấy lên] hẵn đã nuốt sống chúng ta khi cơn giận của chúng đốt cháy chúng ta; khi ấy các dòng nước hẳn đã cuốn chúng ta đi; dòng suối hẳn đã chảy qua hồn chúng ta; và các dòng nước kiêu ngạo hẳn đã chảy qua hồn chúng ta. Chúc tụng Jehovah, Đấng đã không ban chúng ta như con mồi cho răng chúng. Hồn chúng ta giống như một chú chim đã thoát khỏi bẫy lưới của những kẻ bẫy chim; bẫy lưới bị xé rách, và chúng ta đã thoát được” (cc.3-7). Trước hết, thế giới đến như một con thú để nuốt chủng chúng ta (c.3). Kế đến, thế giới cố gắng tràn ngập chúng ta như các dòng nước lụt (cc.4-5). Thứ ba, thế giới ao ước đánh bẫy chúng ta như một chú chim (c.7). Việc tác giả mô tả thế giới theo cách như vậy cho chúng ta thấy ông đầy dẫy kinh nghiệm. Sự mô tả về thế giới trong Thi Thiên 124 thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong Thi thiên trước đó. Ở đây, chúng ta nhìn thấy ba loại chống đối của thế giới sau khi chúng ta dâng mình cho Đấng Christ. Thế giới giống như một con thú để nuốt chửng chúng ta, một cơn lụt để cuốn chúng ta đi, và một cái bẫy để gài bẫy chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng thế giới đáng yêu. Thế giới là kẻ thù của chúng ta, và nó luôn luôn cố gắng đánh bại chúng ta theo một trong ba cách này.
Thế Giới Đến Như Một Con Thú
Để Nhai Ngấu Nghiến Chúng Ta
Trước hết, thế giới đến như một con thú để nuốt sống chúng ta. Điều này có nghĩa là thế giới đến với vũ lực để dọa dẫm và đe dọa chúng ta. Thí dụ, thế giới thường bảo chúng ta: “Tốt hơn là ngươi nên yêu ta! Nếu không yêu ta, ngươi sẽ không có tương lai! Ngươi sẽ không có hi vọng!” Không phải tất cả chúng ta đều đã nghe tiếng nói này sao?Thế giới tìm cách khủng bố chúng ta. Đôi khi thế giới nói với chúng ta qua chính các thành viên trong gia đình chúng ta. Khi các thành viên trong gia đình chúng ta lo lắng cho tương lai của chúng ta và quá buồn bực về chuyện chúng ta vì Chúa, thì các lời của họ có thể gây tổn thương sâu sắc. Đây là cách thế giới vận hành. Nó đe dọa chúng ta bằng lời phản đối. “nếu không yêu ta, ngươi sẽ chẳng là gì cả! Nếu ngươi trao chính mình cho ta, ngươi sẽ có đầy hi vọng! Ngươi có thể trở thành giám đốc của một công ty!” Thế giới nói dối chúng ta: “Nếu ngươi trao chính mình cho ta, ngươi có thể kiếm được nhiều tiền cho hội thánh! Ngươi có tể chu cấp cho hội thánh!” Đừng tin điều này. Đây chỉ là lời nói của con thú muốn nuốt chửng chúng ta.
Bị nuốt chửng có nghĩa là biến mất. Một khi nhận lấy lời của con thú, chúng ta sẽ biến mất. đã có nhiều anh chị em yêu dấu yêu Chúa nhưng không thể đắc thắng tiếng nói của thế giới. Chúng ta phải cảnh giác. Thế giới luôn luôn đến với chúng ta như một con thú “Hãy trao cuộc đời của ngươi cho ta! Ta hứa với ngươi mọi thứ!” Đây cũng giống như lời hẹn hứa của Satan đối với Chúa. Satan đã chỉ cho Chúa xem mọi vương quốc của thế giới và nói: “Ta sẽ cho Ngài mọi điều này nếu Ngài sấp mình xuống và thờ phượng ta: (Matt. 4:8-9) Đối với chúng ta ngày nay, nguyên tắc cũng giống như vậy. Satan đến như một con thú sẵn sàng nuốt chửng và nhai ngấu nghiến chúng ta. Hắn đến bằng cách cám dỗ chúng ta qua thế giới.
Thế Giới Đến Như Một Cơn Lụt
Để Tràn Lấn Chúng Ta
Đôi khi chúng ta có thể đắc thắng thế giới khi nó đến với chúng ta như một con thú. Chúng ta có thể nói: “Tôi không quan tâm đến thế giới! Tôi ở đây vì nếp sống hội thánh! Tôi ở đây vì chứng cớ của Chúa!” Nhưng sau đó thế giới đến trong một hình thức khác, như một cơn lũ lụt để tràn lấn chúng ta. Một con thú thì dễ xử lý hơn vì nó rất dễ nhận thấy. Cơn lụt thì tinh vi hơn con thú và vì vậy khó chống cự hơn nhiều. Các giai đoạn đầu của cơn lụt thậm chí còn có thể khá dễ chịu. Ban đầu có thể chỉ có tiếng nước chảy dễ chịu, nhưng cuối cùng nó tổng hợp thành một cơn lụt tràn lấn. Tác giả nói: “Khi ấy các dòng nước hẳn đã cuốn chúng ta đi; dòng suối hẳn đã chảy qua hồn chúng ta”(c.4). Chữ “dòng suối” cũng có thể dịch là “dòng nước lũ”. Một cơn lụt có thể khởi đầu rất nhỏ. Nó có thể bắt đầu chỉ như một dòng suối, nhưng dần dần nó trở nên một dòng nước lụt. Thế giới có thể với chúng ta bằng một điều gì đó nhỏ bé, nhưng dần dần nó tràn lấn chúng ta cho đến khi chúng ta cảm thấy mình không còn sự lựa chọn nào khác hơn là đầu hàng.
Giả sử anh em bắt đầu một công việc mới. Sau một thời gian ngắn, đến lượt anh em được thăng chức. Tuy nhiên, việc thăng chức này khiến cho anh em phải đi xa nhiều hơn. Cuối cùng, anh em lại được thăng chức nửa, và sự đòi hỏi duy nhất là anh em phải làm thêm giờ. Khi mới được thăng chức thì rất thú vị. Nhưng đó cũng có thể là khởi đầu của một cơn lụt. Anh em có thể nghĩ: “được thăng chức thì có gì sai?” Có thể không có gì sai. Đôi khi sự thăng chức có thể rất lành mạnh. Nhưng nó cũng có thể rất nguy hiểm. Những điều như vậy có thể cuốn anh em đi giống như một cơn lụt, cho đến khi anh em hoàn toàn ở ngoài cuộc gia tể Đức Chúa Trời. Khi ấy, anh em bất ngờ nhận thấy mình ở ngoài nếp sống hội thánh. Anh em ở ngoài sự hiện diện của Chúa, và anh em thậm chí không biết tại sao mình lại ra nông nỗi như vậy. Anh em có thể nhớ lại một năm trước anh em yêu Chúa và yêu nếp sống hội thánh biết bao. Bây giờ anh em tự hỏi tại sao chỉ sau một năm mà anh em lại đi tham dự tiệc tùng thay vì đi nhóm
Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Vì thế giới đã đến như một cơn lụt. Ban đầu thế giới đến với anh em như một con thú, nhưng anh em nhận ra nó. Rồi sau đó thế giới thay đổi hình thức. Nó đến như một cơn lụt mà không hề cảnh báo. Nó bắt đầu bằng một vài sự thay đổi rất nhỏ và tinh vi trong đời sống của anh em rồi tích tụ dần dần. Và cuối cùng nó đến rất nhanh đến nỗi không thể trốn thoát. Vì lý do này, Kinh Thánh cảnh báo chúng ta đừng yêu thế giới cũng như những điều ở trong thế giới (1 John 2:15). Toàn thể thế giới là một cơn lụt chuyển động mạnh mẽ và nhanh chóng. Khi chúng ta yêu thế giới hoặc lao mình vào trong đó dù chỉ một chút, chúng ta ở trong mối nguy hiểm của việc bị tràn lấn bất ngờ. Thậm chí trước khi chúng ta kịp nhận ra, thế giới đã cuốn chúng ta đi. Đây là lý do tại sao chúng ta phải cẩn thận
Thế Giới Đến Như Một
Cái Bẫy Lưới Để Bẫy Chúng Ta
Thế giới cũng có thể đến như một cái bẫy lưới. “Hồn chúng ta giống như một chú chim đã thoát ra khỏi bẫy lưới của những kẻ bẫy chim; bẫy lưới bị xé rách, và chúng ta đã thoát được” (c.7). Bẫy lưới là một cái bẫy có đầy mồi. Khi con chim theo đuổi một miếng mồi và bay vào trong bẫy, nó không hề biết nó đã vào trong điều gì. Con chim không nhận thức được nó đang ở trong mối nguy hiểm gì. Chúng ta có thể theo đuổi một miếng mồi trong thế giới, nhưng chúng ta không nhận thức được tính nghiêm trọng của điều đó. Miếng mồi của thế giới rất hấp dẫn, nhưng có thể chúng đã bị bẫy trong lưới trước khi nhận ra điều đó. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ “Đến nay tôi đã theo Chúa được một thời gian dài. Tôi biết cách để đối phó với thế giới”. Không, chúng ta không biết cách đối phó với thế giới.
Thế giới vẫn là một cái bãy lưới mà có thể bẫy được chúng ta. Có rất nhiều điều trong thế giới giống như miếng mồi đối với chúng ta. Chúng ta có thể có những động cơ thuần khiết nhất, nhưng chúng ta vẫn có thể bị sập bẫy. Một khi chạm vào nó, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngay cả khi chúng ta tìm một công việc mới, công việc đó có thể đầy dẫy mồi nhử. Một công việc mới có thể bao gồm nhiều điều rất hứa hẹn. Khi ấy chúng ta lao vào như một con chim, và trước khi kịp nhận ra, chúng ta đã sập bẫy. Đột nhiên chúng ta không còn thuộc về Chúa nữa. Chúng ta không còn tự do nữa.
Chúa Có Thể Xé Rách Bẫy Lưới Của Thế Giới
Nhưng ngợi khen Chúa, Ngài luôn luôn có cách đối với chúng ta. Ngay cả khi chúng ta bị sập bẫy trong thế giới, Chúa vẫn có một con đường. Thi Thiên này cho chúng ta biết: “Chúc tụng Jehovah, Đấng đã không ban chúng ta như con mồi cho răng chúng. Hồn chúng ta giống như một chú chim đã thoát khỏi bẫy lưới của những kẻ bẫy chim; bẫy lưới bị xé rách, và chúng ta đã thoát được” (cc.6-7) Có những lần chúng ta đã ở trong mối nguy hiểm của việc bị thế giới bắt lấy, nhưng bằng cách nào đó chúng ta vẫn có thể bay đi. Dường như chúng ta đã bị bắt, nhưng bằng cách nào đó chúng ta vẫn thoát được. Bất kể thế giới thu hút và gài bẫy chúng ta như thế nào, Chúa luôn luôn có cách để xé rách bẫy lưới.
Điều Giúp Chúng Ta Đắc Thắng
Thế Giới Ở Trong Danh Chúa
Lúc ban đầu khi chúng ta theo Chúa, thế giới vào để khinh miệt chúng ta.   Nhưng khi chúng ta vì chứng cớ của Ngài, thế giới dấy lên chống lại chúng ta. Thế giới tấn công chúng ta theo ba cách: như một con thú để nhai ngấu nghiến chúng ta, như một cơn lụt để tràn lấn chúng ta, và như một cái bẫy để gài bẫy chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi thế giới? Tác giả tuyên bố: “sự giúp đỡ của chúng ta ở trong danh Jehovah, Đấng đã dựng nên trời và đất” (c.8) Đây là kết luận không chỉ của Thi thiên này mà còn của Thi thiên trước. Thi Thiên 123 không có kết luận. Thi Thiên ấy kết thúc với việc chúng ta bị thế giới khinh miệt. Thi Thiên 124 là sự tiếp tục của Thi Thiên 123, và thi thiên ấy kết thúc bằng câu kỳ diệu này. Khi thế giới khinh miệt, đe dọa hoặc bắt ép chúng ta thì sự giúp đỡ của chúng ta đều đến từ đâu? Đấng đã dựng nên trời và đất. Ngợi khen Chúa, Ngài giúp đỡ chúng ta. Sự giúp đỡ của chúng ta ở trong danh Chúa. Nhờ sự giúp đỡ của Ngài mà chúng ta có thể thoát khỏi và đắc thắng thế giới. Đây là sự hiến dâng thứ hai của chúng ta. Sau sự hiến dâng thứ nhất cho chính Chúa, chúng ta cần sự hiến dâng thêm nữa để được phân rẽ khỏi thế giới hầu cho chúng ta có thể là chứng cớ của Ngài.
THI THIÊN 125: HIẾN DÂNG CHO SỰ ĐÁNG TIN CẬY
CỦA CHÚA – XỬ LÝ SỰ SỐNG – BẢN NGÃ CỦA CHÚNG TA
Chúa Đáng Tin Cậy Đối Với Chúng Ta
Vì Chứng Cớ của Ngài
Thi Thiên 125 bắt đầu bằng: “Những người tin cậy Jehovah giống như núi Zion, không thể bị dời lay nhưng cứ ở mãi mãi” (c.1). Tác giả không nói rằng những người tin cậy Chúa thì “vững chắc và không thể dời lay”. Thay vì vậy, ông nói rằng họ giống như “Núi Zion” tức là chứng cớ của Chúa. Những người tin cậy Chúa giống như núi Zion. Họ là chứng cớ của Ngài, là điều không thể bị dời lay. Điều này cho chúng ta thấy rằng Chúa không quan tâm đến tính thuộc linh cá nhân của chính chúng ta. Ngài không quan tâm nhiều đến việc chúng ta vững chắc và mạnh mẽ trong chính mình. Chúa quan tâm đến chúng ta là vì chứng cớ của Ngài. Việc chúng ta dâng mình cho sự đáng tin cậy của Chúa theo sau sự nhận thức cao trọng về việc Ngài quan tâm đến chứng cớ của Ngài biết bao.
Khi còn non trẻ trong Chúa, chúng ta có thể nghĩ: “Chúa rất đáng tin cậy đối với tôi”. Nhưng một khi tăng trưởng trong Chúa, chúng ta kinh nghiệm sự đáng tin cậy của Ngài vì hội thánh. Thật ra, dường như khi chúng ta tăng trưởng, Chúa không còn đáng tín cậy đối với chúng ta theo cách cá nhân nữa, nhưng thay vì vậy Ngài chỉ đáng tin cậy đối với hội thánh như chứng cớ của Ngài. Về nếp sống Cơ Đốc của chính mình, chúng ta muốn trở nên rất thánh khiết, nhưng lại thất bại thảm hại. Chúng ta muốn trở nên rất đỗi thắng thế, nhưng lại có quá nhiều sự thất bại. Chúng ta muốn đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện mọi lúc, nhưng chúng ta lại liên tục lãng phí thì giờ của mình. Khi liên quan đến chính mình, chúng ta thật tệ hại. Dường như Chúa không theo đuổi tính thuộc linh cá nhân của chính chúng ta. Thậm chí Ngài có thể không thực tế lắm đối với chúng ta khi chúng ta theo đuổi những điều này cho chính mình. Nhưng khi liên quan đến Hội thánh, Ngài rất thật! Ngài rất đáng tin cậy! Cuối cùng chúng ta cần có sự nhận thức: “Chúa rất đáng tin cậy với hội thánh! Tại sao tôi ở đây? Vì cớ hội thánh! Tại sao Chúa rất đáng tin cậy đối với tôi? Vì ích lợi của hội thánh!”. Không ai trong chúng ta có thể nói: “Chúa rất đáng tin cậy đối với tôi vì cớ loại người của tôi”. Chúa chỉ rất đáng tin cậy vì Ngài quan tâm đến Núi Zion.
Người nào ao ước trở nên một Cơ Đốc nhân đắc thắng bởi chính mình thật ngu dại. Nếu chúng ta ao ước tăng trưởng đến mức trưởng thành thuộc linh bởi chính mình và ích lợi của chính mình thì chúng ta quá ngu dại. Chúng ta không chỉ ngu dại mà điều đó còn hoàn toàn bất năng. Thi thiên này bày tỏ cho chúng ta sự hiểu biết đúng đắn về tính đáng tin cậy của Chúa. Khi chúng ta nhận thức rằng Chúa không quan tâm đến tính thuộc linh của chính chúng ta, nhưng thay vì vậy Ngài quan tâm đến chứng cớ của Ngài, thì điều đó phải giải phóng chúng ta khỏi nếp sống Cơ Đốc tập trung vào chính mình của chúng ta. Chúng ta sẽ có một sự hiến dâng sâu hơn mà xử lý sự sống bản ngã của chúng, Khi ấy chúng ta sẽ vui mừng tuyên bố với Chúa: “Tôi không quan tâm là mình thuộc linh như thế nào! Tôi không quan tâm là mình ở trong tình trạng nào! Tôi không quan tâm là mình chiến thắng hay bị đánh bại! Nhưng Chúa ôi, tôi muốn nói với Ngài rằng tôi yêu Ngài và yêu hội thánh của Ngài! Tôi dâng chính mình cho sự đáng tin cậy của Ngài! Tôi không quan tâm đến chính mình nữa! Tôi chỉ quan tâm đến Ngài và chứng cớ của Ngài!” Đây là dâng mình cho sự đáng tin cậy của Chúa. Khi ấy chúng ta thật sự “giống như Núi Zion, không thể bị dời lay, nhưng cứ ở mãi mãi”
Chúa Bao Quanh Chúng Ta và Bảo Vệ
Chúng Ta Như Chứng Cớ của Ngài
Tác giả tiếp tục: “Jerusalem–các ngọn núi bao quanh thành ấy; và Jehovah bao quanh dân Ngài từ nay cho đến đời đời: (c.2). Chúa đáng tin cậy trước hết là vì núi Zion, sau đó là vì Jerusalem. Chúng ta đã thấy rằng núi Zion là chứng cớ của Chúa, nhưng đó cũng là nơi cư ngụ  của Chúa. Nói cách chính xác, toàn bộ thành phố Jerusalem là chứng cớ của Chúa. Núi Zon như nơi cư ngụ của Chúa làm cho Ngài thỏa mãn, trong khi Jerusalem như chứng cớ của Chúa công bố và tôn cao danh Ngài.
Sự đáng tin cậy của Chúa thì giống như các ngọn núi bao quanh Jerusalem. Khi nghiên cứu Thi Thiên 122, chúng ta đã thấy rằng Jerusalem được xây dựng trên năm ngọn đồi. Từ phía Nam, khi anh em đi lên Jerusalem, dường như Jerusalem là đỉnh cao. Nhưng một khi đến Jerusalem, anh em thấy rằng có những ngọn núi bao quanh thành phố. Về phía Bắc, Đông, và Tây, có các ngọn núi cao hơn xung quanh Jerusalem. Đây là một bức tranh về kinh nghiệm của chính chúng ta. Lúc ban đầu khi nhìn thấy hội thánh, chúng ta nghĩ: “Đây là đỉnh cao nhất. Nếp sống hội thánh quá cao!” Nhưng một khi bước vào trong nếp sống hội thánh, chúng ta khám phá ra rằng Chúa đang bao quanh chúng ta như chứng cớ của Ngài. Chúa đang bảo vệ nếp sống hội thánh giống như các ngọn núi cao xung quanh Jerusalem. Ngài là sự bảo vệ của chúng ta. Ngài bảo vệ chúng ta vì Jerusalem. Càng vui hưởng và dự phần vào nếp sống hội thánh, và càng dâng chính mình cho nếp sống hội thánh, chúng ta càng nhận thức rằng chúng ta có một Đấng Christ lạ lùng là Đấng đang bảo vệ nơi có chứng cớ của Ngài.
Nếp Sống Hội Thánh Cung cấp
Cho Chúng Ta Sự Vui Hưởng Đấng Christ Cao Nhất
Chính trong nếp sống hội thánh, trong chứng cớ của Chúa, mà chúng ta bắt đầu nhận thức rằng mình có một Đấng Christ lạ lùng dường nào. Khi cố gắng tự mình vui hưởng Đấng Christ cho chính mình, chúng ta khám phá ra rằng Ngài rất giới hạn . Điều này không có nghĩa là Ngài không ở với chúng ta, nhưng Ngài chỉ có thể được chúng ta nhận thức bởi trí năng nhỏ bé của riêng chúng ta. Vì chúng ta có một tâm trí nhỏ bé của riêng chúng ta. Vì chúng ta có một tâm trí nhỏ bé và ích kỷ nên chúng ta có một Đấng Christ nhỏ bé. Nhưng khi bước vào và vui hưởng nếp sống hội thánh, chúng ta nhận thức: “Ngài không chỉ là Đấng Christ của tôi, Ngài là Đấng Christ của tất cả các anh chị em yêu dấu này!” Khi ở trong nếp sống hội thánh, cuối cùng chúng ta đi lên chỗ nhận biết Chúa qua các kinh nghiệm của tất cả các thánh đồ. Khi ấy Đấng Christ của rất nhiều anh chị em trở nên Đấng Christ của chúng ta. Chúng ta vui hưởng Đấng Christ của họ, và họ vui hưởng Đấng Christ của chúng ta. Chúng ta vui hưởng Đấng Christ của người trẻ và người già, người tinh tế và người thô lỗ. Đấng Christ trở nên quá vĩ đại và quá cao trong kinh nghiệm của chúng ta. Ngài trở nên giống như những ngọn núi cao bao quanh Jerusalem. Đây là một sự nhận thức quý báu. Chúng ta cần yêu và đánh giá cao Đấng Christ mà chúng ta có trong nếp sống hội thánh. Tất cả chúng ta cần tuyên bố: “Chúa ôi, chúng tôi rất biết ơn về việc Ngài đã đem chúng tôi đến đây!. Chúng tôi có một Đấng Christ phong phú, thiên thượng, dự dật và vinh hiển như vậy, vì chúng tôi ở trong nếp sống hội thánh!”
Trong Nếp Sống Hội Thánh, Chúng Ta Có Thể
Kinh Nghiệm “Quyền Trượng của Sự Độc Ác”
Nhưng Điều Đó Sẽ Không Lưu Lại
Rồi tác giả tiếp tục: “Vì quyền trượng của sự độc ác sẽ không ở lại trên phần chia của người công nghĩa, để người công nghĩa sẽ không tra tay mình vào điều tội lỗi” (c.3) Sau khi bày tỏ cho chúng ta một Đấng Christ lạ lùng như vậy trong nếp sống hội thánh, tác giả trở lại với chúng ta. Trong nếp sống hội thánh, mọi sự điều kỳ diệu, nhưng cũng có một điều gì đó được gọi là “quyền trượng của sự độc ác”. Các bản dịch khác dịch là “cây roi của kẻ độc ác”. Đấng Christ thì lạ lùng, nhưng dân chúng thì độc ác. Chúng ta cần áp dụng câu này không chỉ cho những người ở ngoài chứng cớ của Chúa mà còn cho chính mình. Ngay cả chính chúng ta cũng có thể là “những kẻ độc ác”.
Thí dụ, ở giữa một nếp sống hội thánh vui vầy như vậy, chúng ta thường đánh đập các thánh đồ đồng bạn của mình. Chúng ta có thể đối xử với các thánh đồ rất bất công. Điều này là vận dụng “quyền trượng của sự độc ác”. Tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng chúng ta có các sự thiếu hụt và giới hạn. Chúng ta có thể tạo ra nhiều nan đề trong nếp sống hội thánh, và ở một mức độ nào đó, chúng ta thậm chí còn làm tổn hại chứng cớ của Chúa. Thỉnh thoảng khi ở với một vài thánh đồ nào đó, chúng ta vận dụng quyền trượng của sự độc ác. Thậm chí chúng ta không ý thức điều đó, nhưng nó cứ xảy ra. Nhưng dù chúng ta có quyền trượng của sự độc ác, chúng ta cũng có “phần chia của người công nghĩa”. Trong nếp sống hội thánh, quyền trượng này có thể xuất hiện và thậm chí gây tổn hại, nhưng nó không lưu lại. Nó “sẽ không ở lại trên phần chia của người công nghĩa”. Do đó, chúng ta cần được an ủi. Sự độc ác đến rồi đi, nhưng sự công nghĩa cứ ở mãi mãi. Quyền trượng này chỉ là tạm thời, nhưng phần chia của chúng ta không bao giờ thay đổi. Anh em có nhận thức điều này về nếp sống hội thánh không? Tất cả chúng ta đều đang ở đây vui hưởng phần chia của người công nghĩa. Đồng thời chúng ta thường vận dụng quyền trượng của sự độc ác. Ai là nguồn của mọi nan đề trong nếp sống hội thánh? Chúng ta. Chúng ta là những người rất độc ác. Chúng ta là những người sử dụng quyền trượng đó. Nhiều lần chúng ta thậm chí không nhận thức rằng chúng ta đang làm tổn thương các thánh đồ và làm tổn hại nếp sống hội thánh. Nhưng khi nhận được điều này, chúng ta không nên lo lắng. Vì cớ sự công nghĩa trong nếp sống hội thánh, các sự xúc phạm và tổn hại chúng ta gây ra sẽ không lưu lại. “Quyền trượng của sự độc ác sẽ không ở lại trên phần chia của người công nghĩa”. Câu này tiếp tục cho chúng ta biết lý do: “Để người công nghĩa sẽ không tra tay mình vào điều tội lỗi. “Nếu quyền trượng ấy cứ lưu lại, nếu sự xúc phạm cứ tiếp tục, thì ngay cả người công nghĩa cũng sẽ bị dồn ép đến điều tội lỗi. Nhưng ngợi khen Chúa, quyền trượng ấy sẽ không “ở lại”. Khi chúng ta xúc phạm một anh em, hay khi một anh em xúc phạm chúng ta, đều đó sẽ không kéo dài. Kinh nghiệm về quyền trượng này là tạm thời, nhưng sự vui hưởng phần chia của chúng ta là đời đời.
Chúng Ta Cần Tin Cậy Chúa Để Làm Cho Điều
Thuộc Về Ngài Tăng Trưởng và Phơi Bày
Điều Thuộc Về Chính Chúng Ta
Hai câu tiếp theo bày tỏ thêm nữa về việc chúng ta là ai. Trước hết, tác giả nói: Ô Jehovah, hãy làm điều thiện cho người thiện và những người ngay thẳng trong lòng” (c.4) Bên trong tất cả chúng ta có hai phần rất khác nhau của bản thể chúng ta. Một phần là “ngay thẳng”, vì nó ra từ Ngài. Chúng ta có thể sử dụng câu này để nói với Chúa: “Chúa ôi, bất cứ điều gì đến từ Ngài, bất cứ điều gì thần thượng, bất cứ điều gì đời đời bên trong tôi, hãy làm điều thiện cho phần đó. Nguyện phần đó của tôi tăng trưởng và lộ ra hơn nữa”. Rồi tác giả tiếp tục: “còn về những kẻ xoay qua các đường lối cong quẹo của chúng, Jehovah sẽ dẫn chúng đi khỏi cùng với những công nhân của điều tội lỗi” (c.5a). Đây là một sự kêu la với Chúa. Có một phần thứ hai trong chúng ta là cong quẹo, xoay qua các đường lối cong quẹo. Khi nhìn thấy điều này chúng ta sẽ nói: “Chúa ôi, hãy phơi bày tôi thêm nữa. Hãy vạch trần hơn nữa mọi điều không lành mạnh, mọi điều không ngay thẳng, mọi điều cong quẹo trong lòng tôi.”
Chúng ta phải nhớ Thi thiên này là một Thi thiên nói về sự hiến dâng. Tác giả là một người hiến dâng. Ông biết rằng Chúa đáng tin cậy, vì vậy ông không sự bị phơi bày. Ông muốn nói với Chúa: “Chúa ôi, tôi tin cậy Ngài. Hãy phơi bày tôi thêm nữa. Hãy phơi bày điều gì độc ác và tệ hại bên trong tôi. Hãy làm cho nó biểu lộ ra”. Khi chúng ta không hoàn toàn hiến dâng cho Chúa, chúng ta luôn luôn cố gắng giấu mình đi. Chúng ta thường cố gắng làm cho mình có vẻ tốt đẹp. Nhưng khi thật sự đụng chạm Chúa, chúng ta sẽ nói với Ngài: “Chúa ôi, hãy phơi bày tôi thêm nữa. Hãy soi sáng tôi hơn nữa. Hãy chiếu sáng trên tôi hơn nữa. Hãy làm cho tôi nhận biết bản ngã của mình hơn nữa. Hãy phơi bày mọi sự thiếu hụt của tôi. Hãy cứu tôi khỏi việc đánh giá cao chính mình”. Tại sao chúng ta cầu nguyện theo cách này? Để chúng ta có cơ hội ăn năn. Nếu không tin cậy Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ dám cầu nguyện theo cách này. Chúng ta sẽ không bao giờ dám xin Chúa phơi bày mọi điều tội lỗi của chúng ta. Chỉ khi nào hoàn toàn tin cậy Chúa, chúng ta mới có thể nói: “Chúa ôi, tôi sẵn sàng rồi. Hãy làm lộ ra bất cứ điều gì thuộc về Ngài và sự phân phát của Ngài bên trong tôi. Hãy để cho bất cứ điều gì ngay thẳng bên trong tôi tăng trưởng và phát triển. Nhưng Chúa ôi, bất cứ điều gì độc ác bên trong tôi, bất cứ điều gì xoay qua các đường lối cong quẹo, hãy làm cho nó biểu lộ hầu cho tôi có thể ăn năn và xử lý nó”. Đây là lời cầu nguyện của một người hiến dâng.
Việc Xử Lý Chính Mình Đem Hòa Bình
Đến Cho Nếp Sống Hội Thánh
Sau sự biểu lộ của điều ngay thẳng và điều cong quẹo bên trong chúng ta như vậy, Thi thiên này kết luận: “Nguyện hòa bình ở trên Israel” (c.5b). Chỉ khi sự sống bản ngã của chúng ta bị phơi bày và được xử lý thì mới có thể thực tại của sự hòa bình giữa vòng chúng ta. Chúng ta càng nhìn thấy mình là ai và xử lý chính mình thì càng có hòa bình trong nếp sống hội thánh. Tất cả chúng ta cần cầu nguyện theo cách này: “Chúa ôi, bất cứ điều gì thuộc về Ngài, hãy làm cho điều đó tăng trưởng và phát triển. Bất cứ điều gì thuộc về tôi, hãy làm cho điều đó bị phơi bày và xử lý”. Lời cầu nguyện này không vì chính chúng ta, nhưng vì nếp sống hội thánh như chứng cớ của Chúa. “Nguyện hòa bình ở trên Israel” Cảm nhận của thi thiên này thật đơn nhất và thuần khiết. Chúng ta không ở đây vì chính mình nhưng vì chứng cớ của Ngài. Chúng ta xử lý sự sống bản ngã của mình để hội thánh có thể được xây dựng trong hòa bình.
KẾT LUẬN

Ba Thi thiên này bày tỏ cho chúng ta một sự hiến dâng gấp ba quý báu. Thứ nhất, chúng ta hiến dâng cho chính Chúa. Là những người yêu Chúa, chúng ta giống như một đầy tớ ngưỡng trông bàn tay của chủ mình. Chúng ta nói với Chúa: “Tôi dâng chính mình cho Ngài. Tôi phục dịch theo bàn tay Ngài. Trong sự kỷ luật của Ngài, tôi ngưỡng trông Ngài về sự thương xót”. Thứ hai, chúng ta hiến dâng để được phân rẽ khỏi thế giới. Chúng ta nói với Chúa: “Tôi yêu Ngài rất nhiều. Tôi từ chối thế giới. Tôi từ chối con thú, cơn lụt và bẫy lưới. Nếu tôi bị thế giới bắt lấy, Chúa ôi, hãy giúp tôi thoát ra”. Thứ ba, chúng ta dâng mình cho sự đáng tin cậy của Chúa. Chúng ta cầu nguyện: “Chúa ôi, Ngài đáng tin cậy biết bao. Trong nếp sống hội thánh, Ngài quá phong phú, quá cao và quá dự dật. Ngài giống như những ngọn núi bao bao quanh các ngọn đồi của Jerusalem. Chúa ôi, tôi xin Ngài khiến cho bất cứ điều gì lành mạnh và ngay thẳng bên trong tôi tăng trưởng và phát triển. Đồng thời hãy phơi bày bất cứ gì cong quẹo và xác thịt bên trong tôi để chứng cớ của Ngài có thể có sự hòa bình”. Các Thi thiên này mô tả một người đã nhìn thấy một khải tượng sáng tỏ và đã hoàn toàn dâng chính mình cho Chúa vì chứng cớ của Ngài. Điều này thật sự quý báu. Nguyện Chúa thương xót chúng ta để tất cả chúng ta sẽ vui hưởng một sự hiến dâng như vậy.