THI THIÊN 130: ĐƯỢC MỞ RỘNG QUA
SỰ HIỂU BIẾT VỀ CHÍNH MÌNH
Hoạn Nạn Trong Môi Trường Của Chúng Ta
Thúc Ép Chúng Ta Cầu Nguyện
Thi Thiên 130 bắt đầu: “Từ các vực sâu tôi đã yêu cầu Ngài, Ô Jehovah.
Ô Chúa, hãy nghe tiếng tôi; hãy để tai Ngài lắng nghe tiếng của lời tôi thỉnh
cầu” (cc.1-2). Câu này tiếp theo Thi thiên trước. Hễ khi nào chúng ta kinh
nghiệm công tác cày xới của Chúa qua môi trường của mình, chúng ta trở nên một
người cầu nguyện. Theo bản chất. chúng ta không phải là một người như vậy.
Chúng ta thích hoang dã, không chịu hạn chế và thường không cảm thấy nhu cầu để
cầu nguyện. Nhưng khi chúng ta trải qua một sự thử thách, hay khi một điều gì
đó nghiêm trọng xảy ra, chúng ta trở nên một người đầy sự cầu nguyện. Chúng ta
bị thúc ép đến với Chúa. Chúng ta kêu cầu Chúa “từ đáy vực sâu”. Vì cớ hoạn nạn
của mình, chúng ta cầu nguyện: “Ô Chúa, hãy nghe tiếng tôi; hãy để tai Ngài
lắng nghe tiếng của lời tôi thỉnh cầu”
Việc Dành Thời Gian Ở Trong
Sự Hiện Diện Của Chúa Phơi Bày
Tình Trạng Tội Lỗi Của Chúng Ta
Câu tiếp theo vô cùng quý báu: “Ô Jehovah, Ô Chúa, nếu Ngài ghi nhớ
những điều tội lỗi thì ai sẽ đứng nổi?” (c.3) Bây giờ tác giả có một sự nhận
thức về mình là ai. Sau khi kinh nghiệm sự cày xới của Chúa, và sau khi chạm
đến Chúa trong sự cầu nguyện, tác giả nhận biết chính mình. Ông nhận thức rằng
mình đầy dẫy điều tội lỗi. Trước đây ông đã rất sôi nổi và mạnh mẽ. Trong giai
đoạn vui hưởng, ông đã trở nên một “dũng sĩ có những mũi tên”. Ông đã giống như
một cây nho đầy trái và cây olive, phục vụ Chúa và các thánh đồ rất hiệu quả.
Nhưng bây giờ ông đã trải qua một diễn trình sâu hơn. Ông đã trải qua một số
công tác cày xới từ Chúa, và các luống cày sâu đã được cắt xẻ trên lưng ông để
ông tăng trưởng trong sự sống. Ở giữa điều này, ông đã kêu la với Chúa và đưa
ra các lời thỉnh cầu. Điều này đã đem ông đến sự nhận thức đúng đắn về chính
mình. Nhờ sự cày xới của Chúa, tác giả có thể nói: “Chúa ôi, tôi ở trong tay Ngài.
Bây giờ tôi nhìn thấy mình thật sự là ai. Tôi biết mình là loại người nào. Nếu
Ngài ghi nhớ những điều tội lỗi thì ai sẽ đứng nổi”?
Khi chúng ta kinh nghiệm công tác cày xới của Chúa, và khi chúng ta trở
nên người hay cầu nguyện trong sự hiện diện của Ngài, chúng ta có một sự nhận
thức lớn hơn nhiều về chúng ta thật sự là ai. Điều này chỉ có thể đến từ công
tác cày xới của Chúa. Khi dành thời gian ở trong sự hiện diện của Chúa, chúng
ta bị phơi bày. Mặc dù trước đây Chúa đã đem chúng ta đến một mức độ trưởng
thành nào đó trong sự sống, bây giờ chúng ta thấy mình đầy dẫy điều tội lỗi.
Khi ấy chúng ta có thể cầu nguyện: “Chúa ôi, khi còn trẻ, tôi đã không nhận
thức rằng mình tội lỗi như vậy. Tôi đã không nhận thức được mình
độc ác như vậy. Khi còn trẻ tôi vẫn
rất dạn dĩ để làm nhiều điều cho Ngài. Nhưng Chúa ôi, bây giờ tôi đã trưởng
thành. Ngài đã sắp xếp nhiều môi trường để cắt xẻ tôi và xử lý tôi. Ngài đã
khiến tôi dành thêm nhiều thời gian ở với Ngài trong sự cầu nguyện. Chúa ôi,
bây giờ tôi đã bắt đầu thấy mình là ai. Làm thế nào tôi có thể đến với Ngài?
Thậm chí làm thế nào tôi có thể đứng trong sự hiện diện của Ngài? Làm thế nào
tôi có thể làm thỏa mãn Ngài? Chúa ôi, tôi chỉ là một tội nhân, thậm chí là tội
nhân hàng đầu. Tôi đầy dẫy điều tội lỗi. Tôi là một người xấu xa và thất bại.
Làm thế nào Ngài lại chọn một người như tôi? Ô Chúa, nếu Ngài ghi nhớ những
điều tội lỗi thì ai sẽ đứng nổi?”
Việc Nhìn Thấy Chính Mình Trong Sự Hiện
Diện
Của Chúa Làm Cho Chúng Ta Lệ Thuộc
Sự Thương Xót Của Ngài
Trước khi chúng ta yêu Chúa, chúng ta có thể không nghĩ mình quá độc ác
như vậy. chúng ta thậm chí có thể cảm thấy chính mình rất tốt. Nhưng sau khi
chúng ta yêu Chúa nhiều năm, chúng ta có thể phạm mọi loại tội lỗi. Thậm chí
không có tội nào mà chúng ta không thể phạm. Nếu không bởi bàn tay cứu rỗi của
Chúa, chúng ta dễ gặp nguy hiểm đối với
bất cứ sự cám dỗ nào. Chúa là Đấng bảo tồn, chống đỡ, làm vững mạnh chúng ta và
ngăn cấm chúng ta sa ngã. Về phần mình, chúng ta tội lỗi cách vô vọng và có khả
năng thực hiện bất cứ điều ác nào. Sau khi có một sự nhận thức như vậy về chính
mình, chúng ta được mở rộng. Tôi đã đạt đến một điều gì đó. Bây giờ tôi có thể
giúp đỡ hội thánh”. Thay vì vậy, chúng ta nhận thức: “Chúa ôi, tôi không có gì
cả. Tôi chỉ là một tội nhân. Nếu Ngài ghi nhớ mọi điều tội lỗi của tôi thì tôi
không thể đứng trong sự hiện diện của Ngài. Tôi hoàn toàn lệ thuộc vào sự thương
xót của Ngài”
Nếu Chúa viết ra một danh sách gồm các tội của chúng ta thì nó sẽ dài
bao nhiêu? Nó sẽ gồm nhiều tập. Nếu phải đọc thậm chí chỉ một trang, chúng ta
cũng không thể chịu nổi. Chúng ta sẽ nói: “Tôi quá độc ác! Tôi quá tội lỗi! Tôi
quá xa cách Chúa! Tôi quá nổi loạn, và rất không sẵn lòng thuận phục! Ô Chúa,
tôi chính là như vậy!” Vì lý do này, chúng ta không có bất cứ sự tin cậy nào
nơi chính mình. Chúng ta nhận thức rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào sự
thương xót của Chúa. Chính lúc chúng ta ở dưới sự chiếu sáng của Chúa đến mức
độ này, chúng ta trở nên đủ tiêu chuẩn để xây dựng hội thánh.
Sự Hiểu Biết Về Chính Mình Làm Cho
Chúng Ta Trở Nên Con Người Đúng Đắn
Cho Sự Xây Dựng Hội Thánh
Làm thế nào chúng ta có thể được xây dựng với người khác trong nếp sống
hội thánh? Trước hết chúng ta phải trải qua hoạn nạn từ bàn tay cai trị của
Chúa. Khi Ngài cày xới trên thân vị của chúng ta, chúng ta cần dành nhiều thời
gian ở với Ngài trong sự cầu nguyện. Chính trong sự cầu nguyện, trong ánh sáng
của Chúa, chúng ta được đem đến chỗ nhận thức mình là ai. Khi ấy chúng ta sẽ la
lên: “Chúa ôi, nếu Ngài ghi nhớ những điều tội lỗi thì ai sẽ đứng nổi? Tôi ở
đây chỉ bởi sự thương xót của Ngài!” Điều này làm cho chúng ta trở nên con
người đúng đắn cho sự xây dựng hội thánh. Chúng ta càng nghĩ rằng mình “đúng”,
Chúa sẽ càng đem chúng ta đến Thi Thiên 130. Nói rằng “Tôi đúng!” là sai trật
đến cực điểm. Điều đó có nghĩa là chúng ta hoàn toàn là con người sai trật cho
sự xây dựng hội thánh. Thí dụ, giả sử một anh em dẫn dắt khiển trách chúng ta
cách gay gắt. Khi chúng ta nhìn thấy mình thật sự là ai, chúng ta sẽ không tự
vệ vì chúng ta biết rằng không có gì để tự vệ. Sự nhận thức của chúng ta sẽ là:
“Tôi tệ hại hơn anh nói.” Đây là bí quyết để xây dựng hội thánh. Chúng ta phải
được đem đến sự nhận thức này: “Tôi đã được thai dựng trong tội. Tôi đã lớn lên
trong sự sống bản ngã của mình. Trong tất cả những năm này, tôi đã ở trong sự
phản loạn với Chúa.” Đồng thời chúng ta cần cầu nguyện: “Nhưng Chúa ôi, tôi vẫn
có thể yêu hội thánh của Ngài. Chúa ôi, cảm tạ Ngài. Điều này hoàn toàn là bởi
sự thương xót của Ngài.” Khi ấy chúng ta là con người đúng đắn cho sự xây dựng
hội thánh.
Để hội thánh được xây dựng, chúng ta không cần phải “đúng đắn” cho lắm.
Thay vì vậy, chúng ta cần “sai trật” nhiều hơn. Mỗi khi nghĩ rằng mình đúng,
chúng ta đầy dẫy ý kiến và sự tự xưng nghĩa. Để được xây dựng với nhau trong
hội thánh, và để dự phần vào công tác xây dựng với nhau trong hội thánh, và để
dự phần vào công tác xây dựng của Chúa, chúng ta phải nhận thức: “Tôi thật tệ
hại. Tôi quá xa cách Đức Chúa Trời. Tôi quá tội lỗi, độc ác, thiếu hụt, yếu
đuối và thất bại. Tôi quá phản loạn, thậm chí là với chính Chúa. Tôi chỉ là một
người tệ hại.” Khi ấy chúng ta sẽ không dám bày tỏ quá nhiều ý kiến như vậy.
Đồng thời chúng ta sẽ rất mở ra với các thánh đồ khác. Một khi chúng ta nhìn
thấy ánh sáng trên chính mình thì sự xây dựng trở nên dễ dàng. Nếu tất cả chúng
ta đều nhận thức: “Tôi là con người sai trật” khi ở với các thánh đồ khác thì
có thể có sự tranh cãi nào không? Có thể có sự tranh đấu nào không? Có thể có ý
kiến nào không? Nếu một số anh em dẫn dắt ở với nhau và có ánh sáng của Chúa ở
trên họ thì có thể có sự cạnh tranh hay đấu tranh nào giữa họ không? Họ sẽ nói:
“Chúng tôi không là gì cả. Chúng tôi ở đây chỉ bởi sự thương xót của Chúa.”
Điều này không quý báu sao? Khi chúng ta nhìn thấy mình là ai thì thật dễ để
hội thánh được xây dựng.
Chúa càng Tha Thứ Cho Chúng Ta,
Chúng Ta Sẽ Càng Kính Sợ Ngài
Việc nhận thức chúng ta là ai không nên đem chúng ta đến dưới sự kết
án. Vì lý do này tác giả tiếp tục nói: “Nhưng với Ngài có sự tha thứ, để Ngài
được kính sợ” (c.4). Ánh sáng của Chúa cần phải khiến cho chúng ta tin cậy nơi
sự tha thứ của Chúa. Chúng ta không nên ở lại quá lâu trong tình trạng tội lỗi
của mình, nhưng cần ở trong sự cứu rỗi của Chúa. Câu này chứa đựng một sự kiện
thú vị là Chúa càng tha thứ cho chúng ta, chúng ta càng kính sợ Ngài. Chúng ta
không nên nghĩ rằng việc vui hưởng sự tha thứ của Chúa sẽ dẫn chúng ta đến chỗ
lơi lỏng và bất cẩn trong hành vi của mình. Thật ra, Chúa càng tha thứ cho
chúng ta, chúng ta càng sợ phạm tội một lần nữa. Kinh nghiệm của chúng ta về sự
tha thứ làm cho chúng ta rất nhạy cảm đối với Chúa. Chúng ta phát triển một sự
kính sợ tin kính, vì chúng ta không muốn xúc phạm Ngài.
Chúng Ta Phải Chầu Chực Chúa
Và Hi Vọng Trong Lời Ngài
Hơn nữa, vì chúng ta nhìn thấy mình là ai nên chúng ta học tập chầu
chực Chúa. “Tôi chờ đợi Jehovah; hồn tôi chờ đợi, và tôi hi vọng trong lời
Ngài” (c.5). Chúng ta đã từng rất tin tưởng về khả năng phục vụ Chúa của mình.
Bây giờ chúng ta nhận thức: “Tôi là một người vô hi vọng, vô dụng. Không có
cách nào để tôi xây dựng hội thánh, giúp đỡ các thánh đồ, hay làm vui lòng
Chúa. Tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi sự thương xót của Ngài.” Mặc dù
chúng ta biết mình tệ hại, nhưng chúng ta không thể trở lại với thế giới hay cố
gắng thoát khỏi nếp sống hội thánh. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chầu
chực Chúa. Chúng ta không chỉ chờ đợi mà còn hi vọng trong lời Chúa. Chúng ta
nhận thức rằng lời Ngài có thể nuôi dưỡng, duy trì và dẫn dắt chúng ta. Khi
chúng ta đầy ý thức về tình trạng nghèo nàn của mình do sự chiếu sáng của Chúa,
chúng ta nên hi vọng trong lời Ngài. Lời Chúa có thể tái thiết chúng ta trong
sự sống.
Chúng Ta Phải Dâng Mình Cho Chứng Cớ
Của Chúa Và Tin Cậy Sự Cứu Chuộc Của
Ngài
Thi Thiên này tiếp tục: “Hồn tôi chờ đợi hơn cả những người gác đêm
mong trời sáng, phải những người gác đêm mong trời sáng” (c.6). Trong khi chúng
ta chầu chực Chúa, chúng ta cũng đang thức canh. “Hỡi Israel , hãy hi vọng nơi Jehovah”(c.7a).
Chúng ta đã thấy rằng Israel
đại diên cho chứng cớ của Chúa. Chúng ta không chỉ nên chờ đợi, hi vọng và thức
canh mà còn phải dâng chính mình cho chứng cớ của Chúa. Trước khi chúng ta kinh
nghiệm sự xử lý và chiếu sáng của Chúa, chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang
tôn trọng Chúa khi chúng ta dâng mình cho Ngài. Bây giờ cảm nhận của chúng ta
rất khác. Khi chúng ta dâng mình cho Chúa, chúng ta xem đó là một sự thương xót
và một đặc ân. Chúng ta nhận thức: “Thậm chí đó là một vinh dự nếu Chúa chấp
nhận sự phục vụ của tôi. Chính bởi sự thương xót của Chúa mà tôi được phép ở
lại với tất cả các thánh đồ yêu dấu này. Mọi người khác đều rất kỳ diệu, còn
tôi thì quá nghèo nàn. Chúa ôi, cảm tạ Ngài, vì tôi có thể dâng mình cho Ngài
vì chứng cớ của Ngài.” Chúng ta không còn nghĩ rằng việc chúng ta phục vụ Chúa
là một vinh dự cho Ngài; thay vì vậy, chúng ta thấy vinh dự vì sự kiện Ngài
chấp nhận sự phục vụ của chúng ta.
“Vì với Jehovah có sự nhân từ, và với Ngài có sự cứu chuộc dư dật”
(c.7). Ngợi khen Chúa về sự cứu chuộc của Ngài! Chúa là Đấng cứu chuộc chúng ta
khỏi mọi sự hư hoại và điều tội lỗi của họ” (c.8). về mặt cá nhân và tập thể,
Chúa cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều không thuộc về của mình vì Chúa là Đấng
cứu Chuộc của hội thánh. Thi Thiên 130 là một Thi thiên tuyệt vời. sau khi kinh
nghiệm điều được mô tả trong thi thiên này, chúng ta thật sự được mở rộng. Bởi
việc nhận biết chính mình và tin cậy sự cứu chuộc của Chúa, chúng ta được mở
rộng vì chứng cớ của Ngài.
THI THIÊN 131: ĐƯỢC MỞ RỘNG QUA
SỰ KHIÊM TI VÀ THUẬN PHỤC
Bởi Nhận Biết Chính Mình, Chúng Ta
Trở Nên Khiêm Nhường Và Bị Hạ Xuống
Thi Thiên 131 bắt đầu bằng: “Ô Jehovah, lòng tôi không kiêu ngạo, mắt
tôi cũng không kiêu căng; tôi cũng không lo toan những điều quá lớn hoặc quá kỳ
diệu đối với tôi” (c.1). Khi đạt đến kinh nghiệm này, chúng ta đã trưởng thành
đôi chút.Trong Thi thiên 128, Thi thiên cuối cùng của giai đoạn vui hưởng,
chúng ta được ví như một cây nho và một cây ô liu. Điều này có nghĩa là sự tăng
trưởng trong sự sống của chúng ta đã có một sự biểu lộ nào đó. Sự lao tác của
chúng ta đầy bông trái và hiệu quả. Hễ nơi nào chúng ta đến dân chúng đều nhận
được sự giúp đỡ. Dân chúng đánh giá cao chúng ta, và thậm chí có thể đã đi theo
chúng ta. Điều này có vẻ rất vinh hiển. Tuy nhiên, khi chúng ta giống như vậy
thì có hiểm họa là chúng ta sẽ nghĩ mình là một “ai đó”.
Nhưng rồi trong Thi thiên 129, chúng ta trải qua một số sự cày xới.
Chúng ta đã kinh nghiệm hoạn nạn trong môi trường của mình. Chúa cắt xẻ chúng
ta sâu để sự sống có thể tăng trưởng hơn nữa. Không lâu sau đó, trong Thi Thiên
130, chúng ta nhận được ánh sáng về tình trạng của mình và nhìn thấy mình thật
sự là ai. Chúng ta nhận thức rằng chúng ta không vĩ đại và kỳ diệu như vậy. Thay
vì vậy, chúng ta đầy dẫy điều tội lỗi. Sau khi tiếp nhận sự cày xới từ bàn tay
của Chúa và sự chiếu sáng của ánh sáng Chúa, chúng ta có thể đưa ra lời chứng
trong Thi Thiên 131 này: “Ô Jehovah, lòng tôi không kiêu ngạo, mắt tôi cũng
không kiêu căng.” Nói cách khác, chúng ta không còn nghĩ chính mình cao trọng.
Trong nếp sống hội thánh, khi các thánh đồ còn trẻ, họ thường nghĩ rằng
mình quan trọng. Vì họ rất nhiệt thành dâng mình cho Chúa, họ cảm thấy mình là
hi vọng cho tương lai của hội thánh. Cuối cùng họ có những ý kiến về các trưởng
lão và các thánh đồ lớn tuổi hơn. Thậm chí họ trở nên tự cao tự đại. Họ có thể
nghĩ rằng: “Các trưởng lão này là ai? Tất cả họ đều quá lạc hậu.” Chúng tôi là
hi vọng cho sự khôi phục của Chúa!” Điều này có nghĩa là mắt họ đã trở nên
“kiêu căng.” Họ tự xem mình cao hơn các thánh đồ khác. Nhưng khi Chúa đến để
công tác trên chúng ta và chiếu ánh sáng của Ngài trên chúng ta, mắt chúng ta
sẽ nhìn xuống. Chúng ta không còn nghĩ về chính mình như một cây nho, hay như
một dũng sĩ với những mũi tên, hay như một đầy tớ vĩ đại của Chúa. Thay vì vậy,
chúng ta bước đi với sự khiêm ti và khiêm nhường. Chúng ta nhận thức rằng mình
ở trên cùng một bình diện như tất cả các thánh đồ yêu dấu khác. Chúng ta không
còn đo lường chính mình với họ vì chúng ta cũng giống y như họ. Khi ấy chúng ta
có thể làm chứng với Chúa: “Tôi không có gì để tự hào. Tôi không cao hơn bất cứ
người nào. Tôi chỉ là một anh em. Lòng tôi không kiêu ngạo, và mắt tôi không
kiêu căng. Chúa ôi, tôi ở đây bởi sự thương xót của Ngài.”
Chúng Ta Không Còn Ao Ước
Được Dùng Trong Những Vấn Đề Lớn
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể làm chứng: “Tôi cũng không lo toan những
điều quá lớn hoặc quá kỳ diệu đối với tôi” (c.1b). Chúng ta không những không
còn xem chính mình quá cao, hơn thế nữa chúng ta không còn tìm kiếm những điều
vĩ đại để tham dự vào. Giả sử Chúa đang chuyển động đầy bất ngờ trong một quốc
gia khác. Đây là một vấn đề lớn, lớn hơn tình hình của địa phương chúng ta rất
nhiều. Nếu chúng ta còn non trẻ trong Chúa thì một khi nghe về điều đó, chúng
ta sẽ lập tức đáp lại: “Tôi sẵn sàng đi!” Nhưng sau khi nhìn thấy mình là ai
trong ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ không đáp lại quá nhanh như vậy. Thay vì
vậy chúng ta sẽ cầu nguyện và yên nghỉ. Chúng ta có thể tin cậy rằng Chúa sẽ
bày tỏ cho chúng ta nếu Ngài muốn chúng ta đi. Khi nhận được sư chiếu sáng của
Chúa, chúng ta trở nên rất cẩn thận. Vì chúng ta nhìn thấy mình là ai, chúng ta
không tin cậy chính mình. Chúng ta học tập không “lo toan những điều quá lớn
hoặc quá kỳ diệu.” Chúng ta để cho Chúa dẫn dắt mình về việc có nên tham dự vào
một điều gì đó lớn lao mà Ngài đang thực hiện hay không.
Có một bài hát (Hymn Tiếng Hoa 305) do một chị em thuộc Hội Anh Em Tây
Phương tên là Anna Laetitia Waring viết. Có một câu đặc biệt hoàn toàn tương
ứng với Thi Thiên 131. Câu này nói rằng: “Tôi không muốn có một ý muốn không
yên nghỉ, luôn vội vã tới lui, tìm kiếm một điều gì đó lớn lao để làm, hay một
điều bí mặt để khám phá; tôi muốn được xem như một con trẻ, và được hướng dẫn
nơi tôi phải đi.” Chúng ta thường có một “ý muốn không yên nghỉ, luôn vội vã tới
lui”. Nói cách khác, khuynh hướng thiên nhiên của chúng ta là đi đến bất cứ nơi
nào có “hoạt động”. Nếu nơi có hoạt động thay đổi thì chúng ta vội vã rút khỏi
theo chiều hướng đó. Hơn nữa, chúng ta thường “tìm kiếm một điều gì đó vĩ đại
để làm hay một điều bí mật nào đó để khám phá”. Tất cả chúng ta thường thích
hoàn thành ít nhất một vài điều lớn lao cho Chúa. Tất cả chúng ta đều ao ước
rằng mình có thể đi ra trên đường phố để rao giảng phúc âm và khiến cho hàng
trăm người được cứu và chịu baptism. Chúng ta tìm kiếm “những điều vĩ đại” Vì
vậy tác giả của thánh ca này nói: “Tôi không muồn có ý muốn không yên nghỉ,
luôn vội vã tới lui, tìm kiếm một điều gì lớn lao để làm, hay một điều bí mật
để khám phá”. Bà không muốn có một ý muốn không yên nghỉ, vội vã tới lui, hết
hoạt động này đến hoạt động khác. Bà không ao ước làm những điều vĩ đại, giống
như tổ chức các kỳ hội nghị lớn và khiến cho rất nhiều người được cứu. Hơn nữa,
bà thậm chí không tìm kiếm “một điều bí mật nào để khám phá”. Bà không theo
đuổi tri thức “bí mật”mà bà có thể khoe khoang. Động cơ của bà đối với Chúa thì
đơn sơ và thuần khiết.
Rồi và nói: “Tôi muốn được xem như một con trẻ, và được hướng dẫn nơi
tôi phải đi”. Nói cách khác: “Chúa ôi, tôi hết sức muốn làm một với Ngài. Tôi
muốn giống như một trẻ nhỏ. Khi ấy tôi sẽ biết cách đáp ứng với sự chuyển động
của Ngài. Tôi sẽ biết Ngài muốn điều gì từ tôi. Chúa ôi, tôi chỉ ở đây để được
Ngài hướng dẫn”. Thánh ca này tương xứng với cảm nhận của Thi Thiên 131. Như
chúng ta đã nói, Thi Thiên 131 rất khác với các Thi Thiên Đi Lên trước đó.
Không lâu trước đây chúng ta giống như một “dũng sĩ với những mũi tên”. Chúng
ta giống như một cây nho trĩu trái và một cây ô liu. Nhưng bây giờ chúng ta đã
khác. Vì cớ sự sắp xếp có tính môi trường của Chúa và sự chiếu sáng của ánh
sáng Ngài, chúng ta có thể nói: “Chúa ôi, lòng tôi không kiêu ngạo mắt tôi cũng
không kiêu căng; tôi cũng không lo toan những điều quá lớn hoặc quá kỳ diệu đối
với tôi”. Chúng ta đã đạt đến một mức độ trưởng thành. Cả Thi thiên này lẫn
thánh ca này đều có hương thơm dịu ngọt. Khi đã bước vào trong kinh nghiệm này,
chúng ta có thể không làm nhiều điều hoặc năng động lắm, nhưng chính thân vị
của chúng ta trở nên một phước hạnh lớn đối với chứng cớ của Chúa.
Chúng Ta Trở Nên Như
Một Con Trẻ Dứt Sữa, Thuận Phục Chúa
Thi Thiên 131 tiếp tục: Chắc chắn tôi đã làm cho hồn mình lắng dịu và
yên lặng, giống như một đứa trẻ đã dứt sữa mẹ; bên trong hồn tôi giống như một
con trẻ đã dứt sữa”(c.2). Trước khi một đứa trẻ dứt sữa, nó rất đòi hỏi. Nó sẽ
kêu khóc đòi sữa bất cứ lúc nào. Nhưng một khi đã dứt sữa, nó trở nên rất yên
nghỉ. Nó biết rằng sữa sẽ đến, vì vậy nó yên lặng. Việc tác giả trở nên giống
như một đứa trẻ dứt sữa có nghĩa là bây giờ ông là một người yên lặng, yên nghỉ.
Ông biết cách cư xử đúng đắn. Ông đã làm cho hồn mình lắng dịu và yên lặng.
Nói về mặt thuộc linh, khi chúng ta giống như những đứa trẻ còn rất
nhỏ, Chúa liên tục ban cho chúng ta “sữa” bất cứ khi nào chúng ta xin. Chúng ta
có thể đòi hỏi nhiều điều từ Chúa và Ngài vẫn khoan dung đối với chúng ta. Thậm
chí Chúa đáp lại những lời cầu nguyện ngu dại, vì Ngài biết rằng chúng ta còn
nhỏ. Nhưng sớm mưộn gì, sau khi chúng ta tăng trưởng, Chúa sẽ không đáp lời
chúng ta theo cách đó nữa. Khi chúng ta đòi hỏi một điều gì từ Chúa, Ngài có
thể nói: “nhươi giống như một con trẻ kêu khóc giữa đêm. Ta sẽ cho ngươi ăn
theo thời gian biểu của Ta. Bây giờ chưa phải lúc, vì vậy ngươi sẽ phải đợi”.
Điều này không có nghĩa là Chúa không còn đáp ứng các nhu cầu của chúng ta nữa.
Điều đó mang ý nghĩa Ngài là Đấng chịu trách nhiệm, không phải chúng ta. Chúng
ta giống như một đứa trẻ dứt sữa, vì vậy chúng ta không còn có thể ép buộc Ngài
đầu hàng chúng ta nữa. Tác giả của Thi thiên này đã trở nên một người như vậy.
Ông không đang làm nhiều điều để thu hút sự chú ý của Chúa. Ông trở nên giống
như một đứa trẻ dứt sữa đã làm cho hồn mình lắng dịu và yên lặng. Ông không còn
quá đòi hỏi nữa, nhưng thuận phục đối với Chúa.
Thi Thiên 131 kết thúc như sau: “Hỡi Israel , hãy hi vọng trong Jehovah,
từ nay cho đến đời đời” (c.3). Khi đọc câu này, chúng ta cần có một cảm thức
bền vững về sự thờ phượng. Bây giờ chúng ta là những người có sự trưởng thành.
Hồn chúng ta giống như một đứa trẻ dứt sữa, để chúng ta im lặng và yên nghỉ.
Chúng ta có thể không năng động lắm, nhưng chúng ta có một niềm ao ước thuần
khiết và đơn sơ là trở nên một với Chúa. Chúng ta vui hưởng việc thuận phục
Ngài. Chúng ta thanh thản và yên nghỉ trong sự hiện diện của Ngài và sẵn sàng
cho các nhu cầu của Ngài. Bây giờ chúng ta có thể chăm sóc chứng cớ của Chúa
cách đúng đắn. Điều này kết thúc giai đoạn mở rộng từ các Thi Thiên Đi Lên từ
bực.. Trong giai đoạn tiếp theo, và cũng là giai đoạn cuối cùng, chúng ta sẽ
nhìn thấy sự biểu lộ đầy đủ của sự trưởng thành./.