Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

THÀNH THÁNH, GIÊ-RU-SA-LEM MỚI


Chúng ta đã thấy người nữ trong Sáng-thế Ký chương 2 chính là người nữ trong Ê-phê-sô chương 5 và trong Khải-thị chương 12. Bây giờ chúng ta hãy xem một người nữ khác, được ghi lại trong Khải-thị chương 21 và 22.
Mặc dầu có một khoảng cách lớn ở giữa, hai chương cuối của sách Khải-thị tương ứng với ba chương đầu của Sáng-thế Ký. Đức Chúa Trời tạo dựng nên trời đất trong Sáng-thế Ký, và trời mới, đất mới trong hai chương cuối của sách Khải-thị. Trong cả Sáng-thế Ký và Khải-thị đều có cây sự sống. Trong Sáng-thế Ký có một dòng sông tuôn chảy từ vườn Ê-đen, và trong Khải-thị có một dòng
sông nước sự sống tuôn chảy từ ngai Đức Chúa Trời và Chiên Con. Trong Sáng-thế Ký có vàng, ngọc trai, và một loại đá quí (mã não), trong Khải-thị có vàng, ngọc trai và mọi loại đá quí. Trong Sáng-thế Ký chương hai, Ê-va là vợ A-đam. Trong Khải-thị chương 21 Chiên Con cũng có một người vợ. Vợ của Chiên Con là Giê-ru-sa-lem Mới, và mục tiêu đời đời của Đức Chúa Trời được hoàn thành trong người nữ này. Trong Sáng-thế Ký chương 3, theo sau sự sa ngã của con người là sự chết, bệnh tật, khốn khổ và rủa sả. Nhưng khi Giê-ru-sa-lem Mới từ trời xuống trong Khải-thị chương 21, không còn sự chết, buồn rầu, kêu khóc hay là đau đớn nữa vì những điều trước đây đều đã qua đi rồi. Nếu đọc Kinh-thánh cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy Sáng-thế Ký từ chương 1 đến chương 3 thật tương ứng với Khải-thị chương 21 và 22. Những chương này đối diện với nhau ở hai đầu của một khoảng thời gian.
Bây giờ chúng ta có bốn người nữ: Ê-va trong Sáng-thế Ký chương 2, người vợ (hội-thánh) trong Ê-phê-sô chương 5, người nữ trong khải tượng của Khải-thị chương 12 và vợ của Chiên Con trong Khải thị chương 21. Bốn người nữ này thật sự chỉ là một người, nhưng lịch sử của nàng được chia làm bốn giai đoạn. Khi nàng được hình thành trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, thì được gọi là Ê-va. Khi nàng được cứu chuộc và bày tỏ Đấng Christ trên đất, thì được gọi là hội-thánh. Khi nàng bị con rồng lớn bắt bớ, nàng là người nữ trong khải tượng. Khi nàng hoàn toàn được vinh hiển trong cõi đời đời, nàng là vợ của Chiên Con. Bốn người nữ này bày tỏ công việc của Đức Chúa Trời từ cõi đời đời đến cõi đời đời. Người nữ trong Sáng-thế Ký chương 2 là người nữ mà Đức Chúa Trời đã định trước trong lòng Ngài từ cõi đời đời quá khứ, và người nữ trong Khải-thị chương 21 là người nữ hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời trong cõi đời đời tương lai. Trong hai người nữ ở giữa, một là hội-thánh, được Đức Chúa Trời chuẩn bị cho Đấng Christ, và người nữ kia là người sẽ sinh ra người-con-trai vào thời sau cùng. Nói cách khác, bốn người nữ này cho chúng ta thấy bốn giai đoạn về lịch sử của một người nữ: một giai đoạn nằm trong cõi đời đời quá khứ, hai giai đoạn nằm giữa hai cõi đời đời, và một giai đoạn khác nữa ở trong cõi đời đời tương lai. Mặc dầu bốn người nữ này có vẻ khác nhau khi chúng ta nói về họ một cách riêng rẽ nhưng họ giống nhau khi chúng ta ráp họ lại với nhau. Vợ của Chiên Con là người nữ trong Ê-phê-sô chương 5. Vì Chúa Giê-su là Chiên Con, người nữ trong Ê-phê-sô chương 5 không thể là người nào khác hơn vợ của Chiên Con. Người nữ trong Ê-phê-sô chương 5 cũng được so sánh với Ê-va, và Ê-va cũng được so sánh với vợ của Chiên Con trong Khải-thị chương 21. Khi có những người đắc thắng, mà công tác của họ tượng trưng cho công tác của cả hội-thánh, người nữ trong Khải-thị chương 12 sẽ giới thiệu người nữ trong Khải-thị chương 21. Kết quả là, trong cõi đời đời tương lai, Đức Chúa Trời sẽ thật sự có được một người nữ, một người nữ cai trị là người đã xử lý Sa-tan hoàn toàn. Đức Chúa Trời sẽ thật sự có được một người vợ cho Chiên Con, và mục đích của Ngài được hoàn thành. Chúng ta hãy xem cách nào người nữ trong Khải-thị chương 12 trở thành người nữ trong Khải-thị chương 21.

SỰ SỤP ĐỔ CỦA BA-BY-LÔN
Trong hai người nữ được nhắc đến trong Khải-thị 17:1-3 và 21:9-10, một người được gọi là đại kỵ nữ, người kia được gọi là cô dâu. Khải-thị 17:1 nói: “Và một trong bảy thiên sứ cầm bảy bát đến nói với tôi rằng: Hãy đến đây, tôi sẽ chỉ cho xem sự phán xét đại kỵ nữ ngồi trên nhiều dòng nước”. Khải-thị 21:9 nói: “Và một trong bảy thiên sứ đã có bảy bát đựng đầy bảy tai họa chót đến nói với tôi, hãy đến đây, tôi sẽ chỉ cho xem cô dâu, là vợ của Chiên Con”. Khải-thị 17:3 nói: “Và người đưa tôi đi trong linh vào trong đồng vắng; và tôi thấy một người đàn bà”. Khải-thị 21:10 nói: “Và người đưa tôi đi trong linh lên một ngọn núi lớn và cao và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem, từ trời ở nơi Đức Chúa Trời xuống”. Khi Thánh Linh cảm thúc con người viết Kinh-thánh, Ngài có ý định dùng một cấu trúc song song chỉ về hai người nữ này để chúng ta có một ấn tượng rõ ràng.
Trước hết chúng ta hãy xem xét những điều liên quan đến người kỵ nữ. Kỵ nữ được nói đến trong Khải-thị chương 17 và 18 là Ba-by-lôn, là người có những việc làm buồn lòng Đức Chúa Trời vô cùng. Vì sao hành vi của bà lại xúc phạm Đức Chúa Trời đến như vậy? Ba-by-lôn tiêu biểu cho điều gì và nguyên tắc của Ba-by-lôn là gì? Vì sao Đức Chúa Trời xử lý Ba-by-lôn và vì sao cần phải chờ đợi cho đến khi Ba-by-lôn bị phán xét rồi vợ của Chiên Con mới xuất hiện? Nguyện Đức Chúa Trời mở mắt chúng ta để chúng ta thật sự thấy Ba-by-lôn theo như Kinh-thánh bày tỏ.
Tên Ba-by-lôn bắt nguồn từ chữ “Ba-bên”. Chúng ta nhớ câu chuyện tháp Ba-bên trong Kinh-thánh. Nguyên tắc của tháp Ba-bên liên hệ đến nỗ lực xây dựng một điều gì từ đất để vươn lên đến trời. Khi con người xây dựng tháp này, họ dùng gạch. Có sự khác biệt căn bản giữa gạch và đá. Đá do Đức Chúa Trời tạo nên, và gạch do con người làm ra. Gạch là phát minh của con người, sản phẩm của loài người. Ý nghĩa của Ba-by-lôn liên hệ đến nỗ lực riêng của con người để xây dựng một cái tháp cao đến trời. Ba-by-lôn tiêu biểu cho khả năng của con người. Ba-by-lôn tiêu biểu cho Cơ-đốc-giáo giả tạo, một Cơ-đốc-giáo không cho phép Thánh Linh có uy quyền, không tìm kiếm sự dẫn dắt của Thánh Linh, làm mọi sự bằng nỗ lực của con người. Tất cả đều bằng gạch do con người nung; mọi sự đều tùy thuộc vào hành động của con người. Những ai theo nguyên tắc này không thấy mình hữu hạn; trái lại, họ nỗ lực làm công việc của Chúa bằng khả năng thiên nhiên của mình. Họ không đứng trong vị trí để có thể thật sự nói rằng: “Chúa ôi, nếu Ngài không ban ân điển cho chúng con, chúng con không thể làm gì được cả”. Họ nghĩ rằng khả năng con người có thể đáp ứng được những điều thuộc linh. Họ định thiết lập một điều gì đó trên đất mà có thể đụng được đến trời.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không bao giờ chấp nhận điều này. Một người có chút ít tài năng và nghĩ rằng mình có thể giảng sau khi đã học được một ít thần học. Đó là gì? Gạch! Một người khác rất lanh lợi sau khi được giúp đỡ chút ít và có được một số kiến thức liền trở thành một người công nhân của Đấng Christ. Đây lại là gì? Gạch! Một người nào đó có khả năng làm nhiều điều, cho nên anh được mời đến để quản lý công việc hội-thánh. Đây là gì? Gạch! Tất cả những điều này là nỗ lực của con người để xây dựng một điều gì đó từ đất vươn lên trời bằng khả năng của con người, tức là bằng gạch.
Một lần nữa chúng tôi phải nhấn mạnh không có chỗ nào cho con người trong hội-thánh. Những điều thiên thượng chỉ có thể đến từ trời; những điều thuộc đất không bao giờ có thể lên đến trời. Nan đề của con người là họ không thấy mình đang ở dưới sự phán xét, cũng không thấy mình chỉ là bụi bặm và đất sét. Con người có thể xây cao, nhưng trời vẫn cao hơn đỉnh cao nhất của con người. Cho dầu con người có thể xây dựng tháp của họ cao đến đâu chăng nữa, họ vẫn không thể đụng đến trời. Trời luôn luôn ở trên con người. Mặc dầu con người có thể trèo cao, xây cất và có thể không ngã xuống, họ vẫn không thể đụng đến trời được. Đức Chúa Trời phá hủy kế hoạch xây dựng tháp Ba-bên của con người để chứng tỏ cho họ thấy mình vô dụng trong những vấn đề thuộc linh. Con người không thể làm gì được cả.
Trong Cựu Ước có một sự kiện khác minh họa rất tốt nguyên tắc này. Khi dân Y-sơ-ra-ên bước vào đất Ca-na-an, con người đầu tiên đã phạm tội là A-can. A-can đã phạm tội gì? Ông nói: “Khi tôi thấy trong các chiến lợi phẩm một cái áo choàng Si-nê-a tốt đẹp... tôi tham muốn và đã lấy chúng” (Giô-suê 7:21). Một cái áo của người Ba-by-lôn đã cám dỗ A-can phạm tội. Cái áo choàng đẹp đẽ ấy ngụ ý gì? Một cái áo choàng đẹp đẽ được mặc là vì bề ngoài. Khi một người mặc một cái áo đẹp, nghĩa là người ấy trang điểm chính mình để trau chuốt bề ngoài của mình, làm cho mình thêm đẹp. A-can tham muốn chiếc áo Ba-by-lôn nghĩa là ông muốn trau chuốt chính mình, làm cho mình trông tốt đẹp hơn. Đây là tội của A-can.
Ai là những người đầu tiên đã phạm tội trong Tân Ước, sau khi bắt đầu có hội-thánh? Kinh-thánh cho biết đó là A-na-nia và Sa-phi-ra. Họ đã phạm tội gì? Họ nói dối Thánh Linh. Họ không yêu Chúa lắm, nhưng họ muốn người ta nghĩ rằng họ rất yêu Chúa. Họ chỉ giả vờ. Họ không muốn dâng hiến cho Đức Chúa Trời cách vui lòng. Tuy nhiên, trước mặt loài người, họ hành động như thể họ đã dâng tất cả. Đây là cái áo Ba-by-lôn.
Vì vậy, nguyên tắc Ba-by-lôn là giả hình. Không có thực tại, nhưng người ta làm như có để được vinh hiển từ con người. Tại đây có một hiểm họa cho con cái Đức Chúa Trời, tức là sự giả vờ thuộc linh. Có nhiều hành vi cử chỉ thuộc linh được đóng kịch một cách giả tạo. Đó chỉ là mặc lên một lớp vỏ bề ngoài. Nhiều lời cầu nguyện dài dòng giả tạo; nhiều giọng điệu cầu nguyện không thật. Không có thực tại, nhưng làm ra vẻ là có. Đó là nguyên tắc Ba-by-lôn. Bất cứ khi nào chúng ta phủ lên một lớp áo không phù hợp với tình trạng thật của mình, chúng ta đang sống theo nguyên tắc Ba-by-lôn.
Các con cái Đức Chúa Trời không biết mình đã mặc lên bao nhiêu sự giả dối để nhận lấy vinh hiển từ con người. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với thái độ của cô dâu. Mọi điều thực hiện cách giả dối đều theo nguyên tắc của kỵ nữ, không theo nguyên tắc của cô dâu. Giải cứu con cái Chúa khỏi sự giả dối trước mặt loài người là cả một vấn đề lớn lao. Nguyên tắc Ba-by-lôn là giả vờ để nhận được vinh hiển từ con người. Nếu chúng ta nhắm vào vinh hiển và địa vị của con người trong hội-thánh, chúng ta đang tham dự vào tội của chiếc áo Ba-by-lôn và tội của A-na-nia và Sa-phi-ra. Sự dâng hiến giả dối là tội lỗi, thuộc linh giả tạo cũng là tội lỗi. Sự thờ phượng thật ở trong linh và trong sự chân thật. Nguyện Đức Chúa Trời làm cho chúng ta trở nên những con người chân thật.
Một tình trạng khác của Ba-by-lôn được nhìn thấy trong Khải-thị 18:7: “Vì bà tự nhủ trong lòng: ‘Ta ngự ngôi nữ vương, và ta không phải là góa phụ’ ”. Bà ngồi như một nữ vương. Bà đã mất hết tất cả những tính chất của một bà góa. Bà không cảm xúc gì về Chúa Giê-su đã bị giết và bị đóng đinh trên thập tự giá. Trái lại, bà nói: “Ta ngự ngôi nữ vương”. Bà đã mất lòng chung thủy; bà đã đi lệch khỏi mục tiêu đúng đắn. Đó là nguyên tắc Ba-by-lôn, và đó là Cơ-đốc-giáo bại hoại.
Chương 18 cho chúng ta biết nhiều điều khác về Ba-by-lôn, đặc biệt là về những sự xa xỉ mà bà hưởng thụ. Bàn về thái độ của chúng ta đối với những phát minh của khoa học, chúng ta có thể sử dụng nhiều điều khi chúng ta có nhu cầu. Cũng như sứ đồ Phao-lô nói về việc sử dụng thế gian (1 Cô-rin-tô 7:31), mục đích của chúng ta đối với những điều này là chỉ để sử dụng chúng. Tuy nhiên, sự hưởng thụ xa hoa lại là một vấn đề khác. Có một số Cơ-đốc-nhân từ chối mọi sự xa hoa và mọi điều góp phần cho sự hưởng thụ của xác thịt. Chúng tôi không nói chúng ta không nên dùng những điều này chút nào, nhưng chúng tôi nói bất cứ điều gì dư thừa đều là xa hoa. Cho dầu đó là áo quần, thức ăn, hay nhà cửa, nếu chúng vượt quá nhu cầu của chúng ta, chúng là xa xí phẩm và nằm trong nguyên tắc Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời cho phép sử dụng mọi điều chúng ta cần, nhưng Ngài không chấp nhận những gì vượt quá nhu cầu của chúng ta. Chúng ta nên sắp xếp cuộc sống của mình theo nguyên tắc nhu cầu; khi ấy Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho chúng ta. Nếu sống theo lòng ham muốn của mình, chúng ta ở trong nguyên tắc Ba-by-lôn và Đức Chúa Trời sẽ không ban phước cho chúng ta.
Chúng ta đã thấy nguyên tắc Ba-by-lôn là pha trộn những gì của con người với Lời của Đức Chúa Trời, những điều của xác thịt với những điều của Linh. Đó là đem những điều của con người ngụy tạo thành những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Đó là nhận lấy vinh hiển đến từ con người để thỏa mãn lòng ham muốn của con người. Do đó, Ba-by-lôn là Cơ-đốc-giáo pha trộn và bại hoại. Chúng ta nên có thái độ nào đối với Ba-by-lôn? Khải-thị 18:4 nói: “Và tôi nghe một tiếng khác ra từ trời rằng: Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó để các ngươi không tham dự vào các tội lỗi của nó và để các ngươi khỏi chịu những tai họa của nó”. 2 Cô-rin-tô 6:17-18 cũng nói: “Cho nên, Chúa phán, các ngươi hãy ra khỏi giữa họ, hãy phân rẽ ra khỏi chúng, đừng đụng đến những gì ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi; ta sẽ làm Cha các ngươi, các ngươi sẽ làm con trai, con gái ta”. Theo lời Đức Chúa Trời, con cái của Ngài không thể can dự đến bất cứ điều gì có tính chất của Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời phán chúng ta phải ra khỏi mọi tình huống nơi mà năng lực con người pha trộn với quyền năng của Đức Chúa Trời, nơi mà khả năng con người pha trộn với công việc của Đức Chúa Trời, và nơi mà ý kiến con người pha trộn với Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể tham dự vào bất cứ điều gì có đặc tính của Ba-by-lôn. Chúng ta phải ra khỏi đó. Con cái của Đức Chúa Trời phải học tập từ những nơi sâu thẳm của linh mình để phân rẽ chính mình khỏi Ba-by-lôn và phán xét tất cả mọi hành vi của nó. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ không bị định tội chung với Ba-by-lôn.
Ba-by-lôn khởi đầu với tháp Ba-bên. Càng ngày Ba-by-lôn càng trở nên to lớn hơn. Nhưng cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ phán xét nó. Khải-thị 19:1-4 nói: “Sau việc ấy, tôi nghe như trên trời có tiếng lớn của một đám đông rất lớn, nói rằng: Ha-lê-lu-gia! Sự cứu rỗi, vinh hiển và quyền năng đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta. Vì sự phán xét của Ngài là chân thật và công chính; vì Ngài đã phán xét đại kỵ nữ từng dùng sự dâm loạn nó mà làm bại hoại trái đất, và Ngài đã trả thù huyết của các nô lệ Ngài nơi tay nó. Họ lại nói lần thứ hai: Ha-lê-lu-gia! Khói của nó bay lên đến đời đời vô cùng. Hai mươi bốn trưởng lão và bốn sinh vật sấp mình xuống thờ lạy Đức Chúa Trời, là Đấng ngồi trên ngai rằng: A-men, Ha-lê-lu-gia!” Khi Đức Chúa Trời phán xét đại kỵ nữ và làm tan tác công việc của nó, và khi Ngài quăng bỏ mọi điều của nó và nguyên tắc mà nó tiêu biểu thì trên trời có những tiếng nói rằng: “Ha-lê-lu-gia!” Trong Tân Ước, có rất ít tiếng “Ha-lê-lu-gia”, và tất cả đều được tung hô trong chương này vì Ba-by-lôn (là đại kỵ nữ) đã pha trộn Lời của Đấng Christ đã bị phán xét.
Phân đoạn Kinh-thánh trong Khải-thị 18:2-8 cho chúng ta biết lý do sự sa ngã và phán xét của Ba-by-lôn. Những việc làm tội lỗi của Ba-by-lôn đã bị công bố và hậu quả sự phán xét nó đã được nêu lên. Tất cả những ai có cùng tâm trí với Đức Chúa Trời phải nói Ha-lê-lu-gia, vì Đức Chúa Trời đã phán xét Ba-by-lôn. Mặc dầu sự phán xét thật ở trong tương lai, nhưng sự phán xét thuộc linh phải diễn ra hôm nay. Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét thực thụ trong tương lai, nhưng chúng ta phải thi hành sự phán xét thuộc linh hôm nay. Nếu con cái Đức Chúa Trời đem nhiều điều không thuộc linh vào trong hội-thánh, chúng ta cảm thấy thế nào? Phải chăng sự kiện tất cả chúng ta đều là con cái Chúa và việc chúng ta nên yêu thương lẫn nhau có nghĩa là chúng ta không nên nói Ha-lê-lu-gia đối với sự phán xét của Đức Chúa Trời? Chúng ta phải nhận biết đây không phải là vấn đề yêu thương, mà là vấn đề vinh hiển của Đức Chúa Trời. Về nguyên tắc, Ba-by-lôn là lộn xộn và ô uế; vì vậy, tên của nó là kỵ nữ. Vài phân đoạn trong sách Khải-thị được Đức Chúa Trời dùng để mô tả Ba-by-lôn đã bày tỏ cho chúng ta thấy rằng Ngài vô cùng ghét nó. “Những kẻ đã hủy hoại trái đất” được chép trong Khải-thị 11:18 là thuộc về người đàn bà này, mà chương 19 nói rằng bà đã “làm bại hoại trái đất” (c. 2).
Đức Chúa Trời ghét nguyên tắc của Ba-by-lôn hơn bất cứ điều gì khác. Trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta phải lưu ý xem bao nhiêu phần của con người mình vẫn chưa tuyệt đối vì Ngài. Bất cứ điều gì nửa vời và không tuyệt đối đều gọi là Ba-by-lôn. Chúng ta cần được Đức Chúa Trời soi sáng để trong sự sáng của Ngài chúng ta có thể phán đoán mọi điều trong chúng ta không tuyệt đối cho Ngài. Chỉ khi nào tự phán đoán chính mình như vậy chúng ta mới có thể xưng nhận rằng chúng ta cũng ghét nguyên tắc Ba-by-lôn. Bởi ân điển của Ngài, nguyện Chúa đừng để chúng ta tìm vinh quang và tôn trọng bên ngoài Đấng Christ. Chúa đòi hỏi chúng ta phải là những người vui thỏa tìm cách trở nên những con người tuyệt đối chứ không phải là những người sống trong nguyên tắc Ba-by-lôn.
Khải-thị 19:5 nói: “Có tiếng ra từ ngai phán rằng: Hỡi tất cả những nô lệ của Ngài và những ai kính sợ Ngài, dầu nhỏ hay lớn, hãy ngợi khen Đức Chúa Trời chúng ta”. Nét đặc trưng của sách Khải-thị là những lời công bố từ trời. Chúng ta đọc thấy những điều như “có tiếng ra từ trời”, và “có tiếng ra từ ngai” (18:4; 19:5). Đây là những sự công bố từ trời, cho biết thời điểm Đức Chúa Trời phán, nơi chốn Đức Chúa Trời nói và những gì Ngài nhấn mạnh. Sự công bố trong Khải-thị 19:5 có những lý do rõ ràng. Một mặt, ấy là vì đại kỵ nữ bị phán xét, mặt khác, ấy là vì mong đợi tiệc cưới Chiên Con sắp đến. Vì vậy, từ ngai có lời công bố là hãy dâng sự ngợi khen cho Đức Chúa Trời chúng ta. Đức Chúa Trời đã hành động từ đời đời và đã sử dụng nhiều năng lực trong công tác của Ngài để Ngài có thể nhận được sự khen ngợi. Sách Ê-phê-sô nói Đức Chúa Trời có cơ nghiệp trong các thánh đồ. Cơ nghiệp của Đức Chúa Trời trong các thánh đồ là gì? Chỉ có một điều mà con người có thể đáp lại cho Đức Chúa Trời, đó là ngợi khen. Ngợi khen là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời trong các thánh đồ. Tiếng từ trời công bố rằng tất cả các nô lệ của Đức Chúa Trời, tất cả những ai thuộc về Đức Chúa Trời, cả nhỏ lẫn lớn đều phải ngợi khen Ngài. Mục đích của Đức Chúa Trời phải được thực hiện và sẽ sớm được hoàn thành. Đức Chúa Trời phải nhận được điều Ngài theo đuổi; tất cả chúng ta phải ngợi khen Ngài.
Khi tiếng từ ngai công bố rằng sự ngợi khen phải dâng lên cho Đức Chúa Trời, có nhiều tiếng vang dội khắp cả vũ trụ. Khải-thị 19:6 nói: “Tôi lại nghe dường như tiếng của quần chúng rất đông, giống như tiếng của nhiều dòng nước, như tiếng sấm lớn, nói rằng: Ha-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn Năng đang cai trị”. Một mặt, có lời công bố từ ngai, mặt khác, có muôn ngàn muôn vạn tiếng đáp ứng. Đang khi Giăng lắng tai, ông không nghe tiếng của một người; trái lại, ông nghe tiếng của một đám đông dường như tiếng của nhiều dòng nước và tiếng sấm lớn. Khi đã nghe tiếng của một thác nước lớn hay tiếng sóng biển rồi, anh em có thể nhận biết tiếng của nhiều dòng nước lớn như thế nào. Tiếng sấm đã lớn rồi; tiếng của nhiều tiếng sấm mạnh mẽ lại còn lớn đến đâu! Tất cả những âm thanh mạnh mẽ và rền vang như sấm này nói rằng: Ha-lê-lu-gia! Sự công bố từ trời, sự đáp ứng từ cả vũ trụ, và mọi tiếng đều nói: Ha-lê-lu-gia, vì một biến cố đặc biệt sắp xảy ra. Biến cố ấy là “Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn Năng cai trị”.
Đang khi đọc lời tuyên bố này, lòng chúng ta đặt vào điều gì?
Phân đoạn này không nói rằng chúng ta sẽ cai trị và vì vậy chúng ta nên vui mừng và hết sức thỏa lòng. Phân đoạn này cũng không nói rằng chúng ta sẽ nhận được vương miện, và, vì vậy, chúng ta nên ngợi khen Đức Chúa Trời. Đoạn này nói Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng cai trị. Ý tưởng của Đức Chúa Trời là Ngài phải cai trị, Ngài phải thi hành uy quyền. Khi Đức Chúa Trời cai trị, ấy là Đấng Christ cai trị. Chúng ta hãy quay lại Khải-thị 11:15: “Vương quốc của thế gian đã trở nên vương quốc của Chúa chúng ta và của Đấng Christ của Ngài, và Ngài sẽ cai trị đời đời mãi mãi”. “Chúa chúng ta” chỉ về Đức Chúa Trời, và “Đấng Christ của Ngài” chỉ về Đấng Christ. Nhưng đại danh từ “Ngài” theo sau được dùng một cách khá kỳ lạ. Vì phân đoạn này bắt đầu bằng “Chúa của chúng ta và... Đấng Christ của Ngài” nên câu này có vẻ hợp lý hơn nếu được tiếp tục như sau: “Họ sẽ cai trị đời đời mãi mãi”. Như vậy sẽ đúng về mặt văn phạm. Nhưng phân đoạn trên không được viết như vậy. Nó được nối tiếp bằng nhóm chữ “Ngài sẽ cai trị đời đời mãi mãi”. Qua điều này, chúng ta hiểu sự cai trị của Chúa là sự cai trị của Đấng Christ, và sự cai trị của Đấng Christ là sự cai trị của Đức Chúa Trời. Vương quốc của Đức Chúa Trời là vương quốc của Đấng Christ. Sự cai trị của Đức Chúa Trời là sự cai trị của Đấng Christ. Vì Đức Chúa Trời cai trị và Đấng Christ cai trị nên mọi người đều vui mừng cùng hết sức thỏa lòng và reo lên: Ha-lê-lu-gia!
Khải-thị 19:7 tiếp tục: “Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, hãy tôn vinh Ngài”. Đây là thời điểm khi Chúa được vinh hiển. Câu Kinh-thánh theo sau nói rằng “... vì lễ cưới của Chiên Con đã đến, và vợ Ngài đã tự sửa soạn rồi”. (Vợ là từ ngữ dịch đúng, mặc dầu một vài dịch giả dùng chữ cô dâu). Không những uy quyền của Đức Chúa Trời bắt đầu, mà vương quốc của Ngài cũng mở ra. Hơn nữa, con người tập thể, tức Ê-va đời đời mà Đức Chúa Trời ao ước, thì Ngài đã có được. Lễ cưới của Chiên Con đã đến, và vợ Ngài đã tự chuẩn bị sẵn sàng. Có hai lý do để ngợi khen. Thứ nhất là Đức Chúa Trời cai trị. Đối với sự kiện này, chúng ta nói: “Ha-lê-lu-gia!” Thứ hai, Đức Chúa Trời đã đạt được điều Ngài quyết định phải có trong cõi quá khứ đời đời. Về điều này, chúng ta cũng nói: “Ha-lê-lu-gia!” Chúng ta cũng vui mừng và hết sức thỏa lòng vì một ngày kia chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ có được điều Ngài ao ước. Khi lễ cưới của Chiên Con đến, người vợ đã tự chuẩn bị sẵn sàng.
Khi nhìn vào chính mình, dường như không thể nào có một ngày như vậy sẽ xảy đến, là lúc Đấng Christ trình diện hội-thánh vinh hiển ấy cho chính Ngài, không tì vết, không nếp nhăn, hay bất cứ điều gì như vậy. Nhưng vì điều này sẽ xảy ra, làm thế nào chúng ta có thể kiềm chế mà không nói: “Ha-lê-lu-gia!” được? Cho dầu cả hôm qua lẫn hôm nay có nhiều sự yếu đuối như thế nào, vào ngày ấy Đức Chúa Trời vẫn có được điều Ngài đã quyết định. Đừng bao giờ quên điều này, ấy là vào ngày đó, người vợ đã sẵn sàng. Do đó, chúng ta hãy dâng vinh quang cho Ngài, và phải nói: “Ha-lê-lu-gia!”
Xin chúng ta đọc lại câu 7: “Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, hãy tôn vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên Con đã đến, và vợ Ngài đã tự sửa soạn rồi”. Chúng ta phải lưu ý rằng phân đoạn này nói về vợ của Chiên Con, không phải cô dâu của Chiên Con. Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục xem đoạn 21:1-2: “Và tôi thấy trời mới và đất mới... Và tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem Mới, từ trời ở nơi Đức Chúa Trời xuống, sửa soạn như một cô dâu trang sức cho chồng mình”. Khi nào những sự kiện liên quan đến người vợ tự mình chuẩn bị sẵn sàng trong chương 19 sẽ xảy ra? Ấy là trước vương quốc một ngàn năm. Khi nào thì những sự kiện liên quan đến cô dâu đã sẵn sàng trong chương 21 sẽ xảy ra? Ấy là sau vương quốc một ngàn năm. Vì Giê-ru-sa-lem mới phải chờ đợi trời mới, đất mới trước khi trở thành cô dâu của Đấng Christ, vậy tại sao lại nói vợ của Chiên Con đã chuẩn bị trước vương quốc một ngàn năm? Xin lưu ý rằng chương 19 không nói về lễ cưới Chiên Con, mà chỉ nói lễ cưới của Chiên Con đã đến. Khi ấy, nếu nhìn ngược lại, chúng ta sẽ thấy người kỵ nữ đã ngã xuống, và nếu nhìn tới, chúng ta sẽ thấy trời mới, đất mới. Vì vậy, có lời công bố lễ cưới của Chiên Con đã đến. Tuy nhiên, trong thực tế, có một ngàn năm ở giữa. Chỉ khi nào một ngàn năm này trôi qua thì thời điểm dành cho lễ cưới của Chiên Con mới đến. Người nữ thật sự là vợ của Đấng Christ trong trời mới, đất mới chứ không phải trong thời vương quốc.
Có một điều nữa chúng ta cần lưu ý. Trong chương mười hai, có một người nữ với người-con-trai và những con cái khác. Nhưng trong chương 19 chỉ có một người vợ. Người-con-trai và những người con ấy ở đâu? Dường như họ đã biến mất. Làm thế nào người nữ, người-con-trai và tất cả những con khác của bà có thể trở nên vợ của Chiên Con?
Để có thể sáng tỏ, chúng ta phải nhìn lại nguyên tắc người-con-trai. Hãy nhớ rằng người-con-trai hoàn thành mọi điều như thể đại diện cho cả hội-thánh. Trong chương mười chín, lời công bố rằng người vợ đã tự chuẩn bị được nói đến khi nhìn vào những người đắc thắng. Toàn bộ thân thể của hội-thánh phải chờ đợi cho đến thời điểm trời mới đất mới để trở nên cô dâu. Khi ấy hội-thánh mới sẵn sàng. Nhưng một ngàn năm trước đó, có một lời công bố rằng người vợ đã chuẩn bị sẵn sàng. Vì sao điều này lại được phát biểu? Sự sẵn sàng ở đây là cho điều gì? Lời công bố này chỉ về sự sẵn sàng của những người đắc thắng và không chỉ về ai ngoài ra những người đắc thắng. Vì những người đắc thắng đã hoàn toàn sẵn sàng nên có thể công bố rằng người vợ đã chuẩn bị sẵn sàng.
Chúng ta phải nhớ rằng những gì mà những người đắc thắng đã hoàn thành không phải là cho chính họ, nhưng cho cả hội-thánh. Lời Đức Chúa Trời nói khi một chi thể được tôn vinh, tất cả các chi thể khác đều cùng vui mừng với chi thể ấy (1 Cô-rin-tô 12:26). Người đắc thắng thay mặt cho cả hội-thánh chiến đấu với Sa-tan. Sự đắc thắng của họ đem lợi ích đến cho toàn thể hội-thánh. Vì vậy, sự sẵn sàng được đề cập đến ở chương 19 liên quan đến vấn đề sự sống. Vì những người đắc thắng trưởng thành trong sự sống hơn nên họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Vì những người đắc thắng đã sẵn sàng trước mặt Đức Chúa Trời nên Ngài kể sự sẵn sàng của họ là sự sẵn sàng của toàn bộ Thân Thể.
Chúng ta có cảm thấy sự quí báu của điều này không? Chúng ta phải nhớ một điều, đó là tất cả sự tìm kiếm và mọi sự tăng trưởng của mình không cho cá nhân chúng ta, nhưng cho Thân Thể. Những gì mỗi chi thể nhận được từ Đức Chúa Trời là cho cả Thân Thể. Khi tai anh em nghe một lời nào đó, anh em không thể nói mình không nghe, vì đôi tai anh em là một với thân thể anh em. Khi miệng anh em nói điều gì sai lầm, anh em không thể phủ nhận rằng mình đã không nói sai, vì miệng và thân thể của anh em được kết hợp làm một. Cũng vậy, bất cứ điều gì những người đắc thắng hoàn thành là sự hoàn thành của cả Thân Thể. Vì Chúa là Đầu của hội-thánh nên những gì Ngài đã hoàn thành trên thập tự giá đều thuộc về hội-thánh. Cũng vậy, như chúng ta nhận được lợi ích từ Đầu, chúng ta cũng nhận lợi ích từ Thân Thể. Như chúng ta tham dự vào những gì Chúa đã hoàn thành, chúng ta cũng tham dự vào những gì các chi thể khác đã hoàn thành. Khi Đức Chúa Trời thấy sự sẵn sàng của những người đắc thắng, Ngài kể đó là sự sẵn sàng của toàn bộ hội-thánh. Vì vậy, có thể nói, người vợ đã tự chuẩn bị sẵn sàng.
Sự sẵn sàng của người vợ đặc biệt chỉ về y phục của nàng. Câu 19:8 nói: “Cũng đã cho nàng mặc áo bằng vải gai mịn sáng láng và tinh sạch; vì vải gai mịn là sự công chính của các thánh đồ”. Kinh-thánh bày tỏ có hai loại y phục cho Cơ-đốc-nhân. Một loại y-phục là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là y phục của chúng ta. Loại y phục kia là vải gai mịn, sáng láng và tinh sạch, được nói đến trong câu 8. Bất cứ khi nào chúng ta đến trước mặt Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su là y phục của chúng ta. Ngài là sự công chính của chúng ta, và chúng ta mặc lấy Ngài mỗi khi đến gần Đức Chúa Trời. Y phục này là y phục chung; mỗi thánh đồ đều mặc trước mặt Đức Chúa Trời và không thể để mình trần truồng. Mặt khác, khi được trình diện cho Đấng Christ, chúng ta phải mặc vải gai mịn, sáng láng và tinh sạch. Đây là sự công chính của các thánh đồ. “Sự công chính” nghĩa là những việc làm công chính liên tiếp nhau, việc làm này tiếp nối hành vi kia. Tất cả những việc làm công chính này hợp lại với nhau thành y phục bằng vải gai mịn của chúng ta. Khi được cứu, chúng ta bắt đầu nhận được y phục bằng vải gai mịn để trang sức, tức là sự công chính của các thánh đồ.
Chúng ta cũng có thể thấy hai bộ y phục này dành cho Cơ-đốc-nhân trong Thi-thiên 45. Câu 13 nói: “Con gái của Vua trong hoàng cung được vinh hiển trọn vẹn; y phục của nàng đều được dệt bằng vàng”. Vải may y phục của nàng là vàng, vàng dát mỏng. Sau đó, câu 14 nói: “Nàng sẽ mặc y phục thêu thùa mà được dẫn đến Vua”. Y phục được đề cập trong câu 13 khác với y phục trong câu 14. Trong câu 13, y phục là bằng vàng, nhưng trong câu 14, y phục là hàng thêu. Y phục bằng vải gai mịn trong Khải-thị chương 19 thì được thêu, không phải làm bằng vàng.
Thế thì vàng là gì? Chúa Giê-su là vàng. Ngài là vàng vì Ngài hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời. Sự công chính mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta, y phục Ngài mặc cho chúng ta khi chúng ta được cứu là một điều gì đó bằng vàng. Ngoài loại y phục này, từ ngày nhận được sự cứu rỗi chúng ta đang thêu một bộ y phục khác. Bộ y phục này liên quan đến những hành vi công chính của các thánh đồ. Nói cách khác, y phục bằng vàng là do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua Chúa Giê-su: trong khi y phục bằng hàng thêu được Chúa Giê-su ban cho chúng ta qua Đức Thánh Linh. Khi chúng ta tin vào Chúa, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta y phục bằng vàng qua Chúa Giê-su. Y phục bằng vàng này là chính Chúa Giê-su và không có gì liên quan đến việc làm của chúng ta. Y phục này do Ngài trang bị, được may sẵn. Tuy nhiên, y phục hàng thêu, liên quan đến việc làm của chúng ta, được thực hiện hằng ngày mỗi khi công tác của Thánh Linh thêu một mũi kim vào trong chúng ta.
Ý nghĩa của sự thêu thùa này là gì? Ban đầu, có một tấm vải trơn, không có gì trên đó. Sau đó, “chỉ” được thêu lên đó, và nhờ việc thêu thùa này, tấm vải ban đầu và chỉ thêu trở nên một. Điều này có nghĩa là khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động trên chúng ta, Ngài cấu thành Đấng Christ bên trong chúng ta, đó là công tác thêu thùa. Sau đó chúng ta không những chỉ có bộ y phục bằng vàng mà cũng có bộ y phục được thêu thùa bởi Thánh Linh. Nhờ công tác này Đấng Christ sẽ được cấu thành trong chúng ta và được bày tỏ qua chúng ta. Y phục thêu thùa này là những hành động công chính của các thánh đồ. Công tác này không phải chỉ thực hiện một lần đủ cả, nhưng được lập đi lập lại hằng ngày cho đến khi Đức Chúa Trời nói rằng đã sẵn sàng.
Có lẽ vài người có thể hỏi những hành động công chính được nói đến ở đây cách cụ thể là gì? Phúc-âm ghi lại nhiều hành động công chính, chẳng hạn như hành động bày tỏ lòng yêu Chúa của Ma-ri bằng cách xức dầu cho Ngài. Sự công chính này có thể là những mũi chỉ thêu ngang dọc trên bộ y phục bằng vải gai mịn của nàng. Có những người khác, chẳng hạn như Gian-nơ, vợ của Chu-xa và nhiều người đàn bà khác, vì yêu Chúa, đã cung cấp nhu cầu vật chất cho Chúa và các môn đồ của Ngài. Đây cũng là những hành động công chính. Lòng của chúng ta thường được tình yêu Chúa đụng chạm và chúng ta bày tỏ điều ấy ra bên ngoài bằng hành động. Đây là sự công chính của chúng ta, là y phục bằng vải gai mịn của chúng ta. Đây là công tác thêu thùa đang được thực hiện ngày hôm nay. Bất cứ sự bày tỏ nào là kết quả của tình yêu chúng ta đối với Chúa và được thực hiện nhờ Thánh Linh đều là một mũi thêu của hàng ngàn mũi thêu khác trong công tác thêu thùa. Kinh-thánh nói bất cứ ai cho một người nhỏ bé trong vòng anh em Chúa uống một tách nước lạnh sẽ không mất phần thưởng của mình. Đây là một hành động công chính được thực hiện vì lòng yêu Chúa. Khi chúng ta bày tỏ hay có một hành động nào vì yêu Chúa, đó là sự công chính.
Khải-thị 7:9 nói y phục này là áo trắng, đã được giặt và làm cho trắng trong huyết Chiên Con. Chúng ta phải nhớ mình chỉ có thể được làm cho trắng bằng cách được huyết tẩy sạch tội lỗi. Không những chúng ta phải được tẩy sạch khỏi tội lỗi, mà còn phải được tẩy sạch khỏi những hành vi tốt lành của mình. Điều này cũng chỉ có thể trở nên trắng do được tẩy sạch trong huyết. Không một hành động nào của Cơ-đốc-nhân vốn trắng trẻo cả. Cho dầu công chính phần nào, chúng ta cũng vẫn bị pha trộn và không thuần khiết. Chúng ta thường tử tế với người khác, nhưng bên trong chúng ta không vui lòng. Chúng ta thường kiên nhẫn với người khác, nhưng khi về nhà, chúng ta cằn nhằn. Vì vậy, sau khi thực hiện một hành động công chính nào, chúng ta vẫn cần được huyết tẩy sạch. Chúng ta cần huyết Chúa Giê-su tẩy sạch chúng ta khỏi những tội lỗi mình đã vi phạm, và chúng ta cũng cần huyết Chúa Giê-su tẩy sạch những hành động công chính của mình.
Không một Cơ-đốc-nhân nào có thể may một chiếc áo trắng tinh. Cho dầu chúng ta có may một chiếc áo chín mươi chín phần trăm tinh khiết thì cũng vẫn có một phần trăm pha trộn. Trước mặt Đức Chúa Trời, không một ai là hoàn toàn mà không có điều đáng trách. Ngay cả những việc lành được thực hiện xuất phát từ lòng yêu Chúa cũng cần được huyết tẩy sạch. Một người rất thuộc linh từng nói ngay cả nước mắt ông đổ ra vì tội lỗi cũng cần phải được huyết tẩy sạch. Ôi, ngay cả nước mắt ăn năn cũng cần phải được huyết tẩy sạch! Vì vậy, Khải-thị 7:14 bày tỏ áo của họ được làm cho trắng trong huyết Chiên Con. Chúng ta không có gì để khoe khoang. Từ bên ngoài cho đến bên trong, không có gì hoàn toàn thuần khiết cả. Càng biết chính mình, chúng ta càng thấy mình ô uế biết bao. Những việc làm tốt nhất và những ý định tốt nhất của chúng ta cũng bị sự ô uế pha trộn vào. Không có sự tẩy sạch của huyết, không thể nào tinh sạch được.
Nhưng y phục không những trắng mà còn sáng láng hay toả sáng (19:8). Ý nghĩa của sáng láng là toả sáng. Màu trắng có khuynh hướng trở nên ngà ngà, nhợt nhạt và tầm thường. Nhưng y phục này không những trắng mà còn toả sáng. Trước khi Ê-va phạm tội, bà có thể trắng, nhưng không toả sáng chút nào. Trước khi sa ngã, Ê-va vô tội, nhưng bà chỉ ngây thơ trong trắng, chứ không thánh khiết. Đức Chúa Trời không chỉ đòi hỏi chúng ta trong trắng, nhưng Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải toả sáng. Trong trắng là phương diện tiêu cực, thụ động, nhưng toả sáng là phương diện tích cực, sống động.
Vì vậy, chúng ta đừng sợ khó nhọc, cũng đừng ao ước con đường êm xuôi, vì những ngày khó khăn có thể làm cho chúng ta tỏa sáng. Đối với một vài Cơ-đốc-nhân, chúng ta không cảm thấy họ phạm tội hay sai trật về phương diện nào. Trái lại, chúng ta cảm thấy họ rất tốt hầu như về mọi mặt. Nhưng chúng ta cũng không cảm thấy họ có điều gì sáng láng. Cái tốt của họ chỉ là cái tốt bình thường. Họ trắng, nhưng không sáng. Tuy nhiên có những Cơ-đốc-nhân thường bị thử thách và đối diện với nhiều đau khổ. Thường thường họ rất rúng động đến nỗi dường như chắc chắn họ sẽ ngã, nhưng họ lại tiếp tục đứng. Sau một thời gian, những Cơ-đốc-nhân này đạt được phẩm chất tỏa sáng. Họ tỏa sáng qua cá tính và mỹ đức của mình. Họ không tầm thường, nhưng tỏa sáng; họ không những trắng mà còn tỏa sáng nữa.
Đức Chúa Trời đang hành động trong chúng ta cách liên tục. Ngài liên tục dồn nỗ lực trên chúng ta để làm cho chúng ta trở nên trắng, và Ngài đang liên tục lao nhọc để làm cho chúng ta toả sáng. Niềm ao ước của Ngài là chúng ta trở nên sáng láng. Vì vậy, chúng ta phải trả một giá cao. Chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận mọi khó khăn đến với mình. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ có thể sáng láng. Chỉ trắng không chưa đủ; Đức Chúa Trời đòi hỏi rằng Ngài phải thấy một sự sáng láng tích cực trong chúng ta. Nỗi sợ gian khổ, sợ rắc rối và ao ước được đi trên con đường dễ dàng, êm ái sẽ làm cho chúng ta mất đi sự sáng láng của mình. Càng gặp nhiều đau khổ và khó khăn, chúng ta càng chiếu sáng. Những con người có đời sống bình thường và dễ chịu có thể trắng, nhưng họ sẽ không bao giờ chiếu sáng.
Y phục này làm bằng vải gai mịn. Theo Kinh-thánh, “len” có một ý nghĩa khác với “vải”. Len chỉ về công tác của Chúa Giê-su và vải gai mịn chỉ về công tác của Thánh Linh. Ê-sai 53:7 mô tả Chúa Giê-su như một con chiên câm trước mặt kẻ hớt lông. Qua câu này, chúng ta thấy len có tính chất cứu chuộc. Tuy nhiên, vải gai mịn không liên quan đến tính chất này. Vải là sản phẩm của thực vật, không liên hệ đến huyết. Vải gai mịn là sản phẩm của công tác Thánh Linh trong con người. Y phục bằng vải gai mịn nói lên cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không chỉ đòi hỏi con người có sự công chính của Ngài, mà còn phải có những hành vi công chính của riêng mình. Đức Chúa Trời không chỉ dự định có được sự công chính của Ngài trong chúng ta, nhưng Ngài còn dự định có được nhiều sự công chính trong chúng ta.
“Đã cho nàng mặc y phục bằng vải gai mịn, sáng láng và tinh sạch” (Khải. 19:8). Mọi việc làm, mọi sự công chính bên ngoài đều phát sinh nhờ ân điển. “Đã cho nàng...” Các việc làm không do con người thiên nhiên tạo ra, chúng là sản phẩm của công tác Thánh Linh trong con người. Chúng ta phải học tập nhìn xem Chúa và cầu nguyện với tấm lòng trông đợi rằng: “Chúa ơi, xin ban điều ấy cho con. Chúa ơi, xin ban ân điển cho con”. Bộ y phục được ban cho nhờ ân điển, điều ấy tốt đẹp biết bao! Nếu chúng ta nói mình làm nên y phục ấy thì vẫn đúng. Đó thật sự là công việc của chúng ta. Nhưng mặc khác, ấy là do Đức Chúa Trời ban cho, vì chúng ta không thể nào sản sinh ra một điều gì khi nương cậy nơi chính mình. Qua Thánh Linh, Chúa hoàn thành điều ấy trong chúng ta.
Nhiều lúc chúng ta cảm thấy một gánh nặng thật lớn. Chúng ta muốn chạy trốn, gần như chúng ta nài khẩn Chúa: “Chúa ơi, xin buông tha con!” Nhưng chúng ta phải đổi cách cầu nguyện của mình mà thưa: “Chúa ơi, xin làm cho con có thể mang được gánh nặng này. Chúa ơi, xin làm cho con có thể chịu đựng được điều ấy. Xin làm trắng con và cho con được mặc y phục sáng láng”.
Khải-thị 19:9 nói: “Và người (thiên sứ) nói với tôi: ‘Hãy ghi chép...’ ” Đức Chúa Trời phán, và Ngài bảo Giăng ghi chép. Giăng đã viết gì? “Phước cho những người được kêu gọi đến dự tiệc cưới Chiên Con”. Vị thiên sứ nói: “Đây là những lời chân thật của Đức Chúa Trời”. Ô, không thể có đặc quyền nào, địa vị nào cao hơn điều này, ấy là được kêu gọi đến dự tiệc cưới Chiên Con. “Đây là những lời chân thật của Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời bày tỏ thật rõ ràng rằng đây là những lời chân thật của Ngài. Chúng ta phải tiếp nhận, lắng nghe và ghi nhớ những lời này.
Giữa những người được kêu gọi đến dự tiệc cưới và Cô Dâu của Chiên Con thì có sự khác biệt thế nào? Cô Dâu là nhóm người được tuyển chọn, là con người mới. Nhưng những người được gọi đến tiệc cưới Chiên Con gồm rất nhiều cá nhân, tức là những người đắc thắng. Tiệc cưới Chiên Con chỉ về thời đại vương quốc. Những người được kêu gọi đến sẽ cùng với Chúa vui hưởng một mối tương giao đặc biệt, có một không hai, mà trước đây chưa ai từng nếm biết. Chúa nói qua thiên sứ rằng: “Phước cho những người được kêu gọi đến dự tiệc cưới Chiên Con... Đây là những lời chân thật của Đức Chúa Trời”. Vì cớ Ngài, nguyện Đức Chúa Trời làm cho chúng ta có thể được vui hưởng mối tương giao đặc biệt này với Ngài. Nguyện Ngài làm cho chúng ta trở nên những người tìm cách làm thỏa mãn lòng ao ước của Ngài một cách khiêm nhường. Nguyện Ngài làm cho chúng ta tìm cách trở nên những người cung ứng sự sống vì cớ hội-thánh. Và nguyện Ngài làm cho chúng ta trở nên những người đắc thắng vì cớ vương quốc.

TRỜI MỚI VÀ ĐẤT MỚI
Khải-thị 21:1 nói: “Rồi tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua đi, và không còn có biển nữa”. Một lần nữa, ở đây từ xa chúng ta đứng đối lại với sách Sáng-thế Ký. Trong Sáng-thế Ký chương 1, trời và đất là trời đất nguyên thủy, nhưng trong câu Kinh-thánh trên, chúng ta có trời mới và đất mới. Trong Sáng-thế Ký có biển, nhưng trong câu Kinh-thánh trên biển không còn nữa.
Câu 2 tiếp tục: “Và tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem Mới, từ trời ở nơi Đức Chúa Trời xuống, sửa soạn như một cô dâu trang điểm cho chồng mình”. Trong chương 19, có lời tuyên bố lễ cưới Chiên Con đã đến và vợ Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng trong chương này, Giê-ru-sa-lem Mới sửa soạn như một cô dâu trang sức cho chồng mình. Đây là thực tại. Trong sách Khải-thị có nhiều lời tuyên bố, nhưng lời tuyên bố quan trọng nhất là Khải-thị 11:15. Theo thứ tự của các biến cố thì sự cất lên của người-con-trai và việc ném con rồng xuống xảy ra sau lời tuyên bố này. Vậy thì làm thế nào lời tuyên bố “Vương quốc của thế gian đã trở nên vương quốc của Chúa chúng ta và của Đấng Christ của Ngài” lại có thể được đưa ra vào thời điểm này? Điều ấy có thể được, bởi vì lời tuyên bố được loan báo vào lúc bắt đầu các sự kiện chứ không phải vào lúc hoàn tất. Điều này có nghĩa là một khúc quanh lịch sử đã đến. Khi có một khúc quanh rõ ràng hướng đến mục đích đời đời của Đức Chúa Trời, Ngài có thể tuyên bố một lời như vậy trên trời. Trong chương mười chín, Đức Chúa Trời đưa ra một lời tuyên bố khác rằng đám cưới Chiên Con đã đến và vợ Ngài đã tự chuẩn bị sẵn sàng. Lời tuyên bố này cũng được đưa ra vào thời điểm bắt đầu các sự kiện sắp được xảy ra. Vì trước mặt Ngài, những người đắc thắng tượng trưng cho cô dâu và nhóm người này đã chuẩn bị sẵn sàng, nên Đức Chúa Trời có thể tuyên bố rằng đám cưới Chiên Con đã đến và vợ Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, sự kiện “đã đến” này được nhận thấy trọn vẹn trong trời mới, đất mới. Trong Khải-thị 21:2, Giăng thật sự đã nhìn thấy Giê-ru-sa-lem Mới từ trời ở nơi Đức Chúa Trời xuống. Lúc ấy, cô dâu thật sự sẵn sàng trong một ý nghĩa trọn vẹn. Đây không chỉ là sự sẵn sàng được tuyên bố trong chương 19, mà là một sự sẵn sàng trong thực tế.
Bây giờ chúng ta cần quay lại đọc Ê-phê-sô 5:26 và 27. “Để Ngài có thể thánh hóa hội-thánh, tẩy sạch hội-thánh bằng sự rửa sạch của nước trong lời, để Ngài có thể trình diện cho chính Ngài hội-thánh vinh hiển, không tì vết, không nếp nhăn, hoặc không có bất cứ điều gì như vậy, nhưng thánh khiết không chỗ trách được”. “Để Ngài có thể trình diện cho chính Ngài hội-thánh vinh hiển” là điều được thành tựu trong Khải-thị chương 21. Bây giờ, trước mặt Đức Chúa Trời, cô dâu sẵn sàng được trình diện cho Chúa. “Sửa soạn như một cô dâu” không còn khó hiểu nữa. Vào cuối thời đại vương quốc, toàn bộ hội-thánh sẽ được đưa đến chỗ này. Điều hiện nay chúng ta chưa thấy, sẽ được thấy cách trọn vẹn trong ngày ấy. Ngày nay chúng ta có thể nói tiêu chuẩn Đức Chúa Trời dành cho hội-thánh rất cao và chúng ta thắc mắc làm thế nào hội-thánh có thể đạt đến tình trạng đó được. Chúng ta có thể không biết Đức Chúa Trời sẽ thực hiện điều đó như thế nào, nhưng chúng ta thật biết rằng hội-thánh sẽ đạt đến địa vị đó vào thời điểm trời mới đất mới. Vài người nghĩ rằng hội-thánh sẽ đạt đến giai đoạn trong Ê-phê-sô chương 5 trước thời đại vương quốc. Tuy nhiên, Chúa không nói như vậy. Mãi cho đến Khải-thị chương 21, hội-thánh mới đạt đến điểm ấy. Vào thời đại trời mới và đất mới, sẽ không chỉ có một nhóm thánh đồ hoàn hảo, nhưng tất cả các thánh đồ, toàn bộ Thân Thể, từ tất cả các quốc gia, suốt mọi thời đại. Tất cả sẽ cùng nhau ở trước mặt Đức Chúa Trời và được vinh hiển trong sự hiện diện của Ngài.
Khải-thị 21:3 nói: “Và tôi nghe một tiếng lớn ra từ ngai, nói rằng: Kìa, lều tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người, Ngài sẽ đóng trại giữa họ, và họ sẽ làm dân Ngài, chính Đức Chúa Trời ở giữa họ và làm Đức Chúa Trời của họ”. Câu này bày tỏ trời mới, đất mới sẽ như thế nào. Trời mới và đất mới là phước hạnh đời đời và phước hạnh tích cực được nói đến ở đây. Tiếp theo câu này là những mệnh đề nói rằng sẽ không còn điều này, không còn điều kia. Đây là những phương diện tiêu cực, không phải tích cực. Điều gì là phước hạnh đời đời và tích cực? Ấy là Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng ta. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời là phước hạnh. Tất cả những gì Kinh-thánh từng nói về phước hạnh đời đời được tóm lại trong các lời này: “Chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ”. Nỗi đau khổ lớn lao nhất là không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng tất cả niềm vui trong cõi đời đời sẽ là sự hiện diện của Ngài. Phước hạnh của ngày ấy không gì khác hơn là Đức Chúa Trời ở với chúng ta. Sa-lô-môn từng nói: “Nầy, trời và trời của các từng trời còn không chứa đựng Ngài; huống chi là cái nhà này mà tôi đã cất?” (1 Các Vua 8:27). Trời và trời của các từng trời không thể chứa đựng Ngài, nhưng chúng ta có thể nói Giê-ru-sa-lem Mới có thể chứa đựng Ngài. Đức Chúa Trời ở trong Giê-ru-sa-lem Mới, và ngai của Đức Chúa Trời được lập tại đó.
Giê-ru-sa-lem Mới là người nữ mà chúng ta đã suy gẫm. Trong Sáng-thế Ký, chúng ta thấy một khu vườn và một người nữ. Người nữ này phạm tội, và Đức Chúa Trời đuổi nàng ra khỏi vườn. Bây giờ trong trời mới đất mới, người nữ và thành thánh là một; họ không còn là hai hữu thể riêng biệt nữa. Vì Giê-ru-sa-lem Mới là một người nữ nên Giê-ru-sa-lem Mới là Vợ của Chiên Con; do đó, người nữ này và thành thánh là một. Không những vậy, nhưng ngai của Đức Chúa Trời được thiết lập tại Giê-ru-sa-lem, hay chúng ta có thể nói chính Đức Chúa Trời ở trong người nữ này. Đấng Toàn Năng ở trong nàng. Vì vậy, dầu quyền lực hay sự cám dỗ đến từ bên ngoài có lớn lao đến đâu chăng nữa cũng không thành vấn đề. Các thế lực tà ác không còn có thể tiến vào, và con người cũng không thể sa ngã nữa, vì Đức Chúa Trời đã ở bên trong nàng. Phước hạnh của trời mới, đất mới là sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tất cả những ai từng nếm một điều gì đó về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong kinh nghiệm mình đều biết đó thật là một phước hạnh. Không một phước hạnh nào lớn hơn hay quí báu hơn điều này.
Chúng ta hãy xem lại phần cuối câu 3: “Ngài sẽ đóng trại với họ, và họ sẽ là dân Ngài. Chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ và là Đức Chúa Trời của họ”. Chúng ta có thấy mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người không? Làm dân của Đức Chúa Trời thật sự có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Có nghĩa là Đức Chúa Trời ở với chúng ta và vì vậy, chúng ta là dân của Ngài. Đức Chúa Trời làm Đức Chúa Trời của chúng ta có ý nghĩa gì? Có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ ở cùng chúng ta và do đó Ngài sẽ là Đức Chúa Trời của chúng ta. Khi chúng ta xa cách sự hiện diện của Ngài, Đức Chúa Trời không thể làm Đức Chúa Trời của chúng ta. Phước hạnh lớn lao nhất và cao cả nhất trong cõi đời đời là Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng ta và làm Đức Chúa Trời của chúng ta.
Câu 4 nói: “Và Ngài sẽ lau tất cả nước mắt khỏi mắt họ; không còn sự chết nữa, cũng không có sự buồn rầu, kêu khóc hay là đau đớn nữa; vì những điều trước kia đã qua rồi”. Mọi người đều có kinh nghiệm đổ nước mắt, nhưng trong trời mới, đất mới họ sẽ nhận được phước hạnh này, ấy là Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt khỏi mắt họ. Sự chết hoàn toàn là hậu quả của sự sa ngã. Nhưng trong trời mới, đất mới, sẽ không còn sự chết nữa. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị xóa sạch. Buồn rầu, than thở là sự đau đớn của lòng chúng ta, là cảm xúc đau khổ bên trong; kêu khóc là sự khóc lóc bên ngoài, sự bày tỏ ra bên ngoài. Đau đớn là sự khổ sở của thân thể vật lý. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt mọi điều này. Tất cả đều được tóm lại trong những lời này: “tất cả nước mắt, sự chết, sự buồn rầu, than khóc, và đau đớn”. Nhưng những điều ấy sẽ không còn nữa; tất cả đều sẽ qua hết.
Câu 5 nói: “Đấng ngự trên ngai phán rằng: ‘Nầy, ta làm mới lại mọi sự”. Nan đề chúng ta đối diện ngày nay là mặc dầu chúng ta là tạo vật mới, nhưng chúng ta vẫn sống trong cõi sáng tạo cũ. Nhưng vào ngày ấy, mọi sự sẽ trở nên mới; tất cả mọi điều sẽ ở trong cõi sáng tạo mới. Không những bên trong sẽ mới, mà bên ngoài cũng mới nữa. Toàn thể môi trường chung quanh và mọi sự ở bên trong sẽ được làm nên mới. Điều này được gọi là cõi đời đời. Cõi sáng tạo mới dành cho chúng ta. Lòng của chúng ta chỉ thỏa mãn khi mọi vật đều ở trong cõi sáng tạo mới. Ê-sai chương 6 nói về một kinh nghiệm đau thương mà tất cả chúng ta đều nếm trải: “Tôi là một người có môi dơ bẩn”. Thêm vào đó, một kinh nghiệm đau thương khác được ghi lại: “Tôi ở giữa một dân có môi dơ bẩn”. Nhưng trong ngày ấy, mọi sự quanh chúng ta sẽ là cõi sáng tạo mới. Ngày ấy sẽ tuyệt đối vinh diệu.
Khải-thị 21:5 tiếp tục chép: “Và người nói: ‘Hãy viết, vì những lời này đều trung tín và chân thật’ ”. Thật tốt biết bao vì những lời này đã được ghi lại. Đức Chúa Trời ban những lời này cho Giăng và bảo ông ghi lại. Không một chấm hay một nét nào của những gì đã được viết ra có thể qua đi. Những lời này trung tín và chân thật! Niềm tin tối hậu của chúng ta sẽ là được thấy Đức Chúa Trời giành được chiến thắng cuối cùng.
Trong câu 6, Đức Chúa Trời bảo Giăng: “Xong rồi”. Dựa trên nền tảng nào Đức Chúa Trời có thể nói với Giăng là điều ấy đã được thực hiện xong? Ngài có thể nói điều này vì Ngài là “An-pha và Ô-mê-ga, đầu tiên và cuối cùng”. Thường thường, công việc của Đức Chúa Trời dường như không được thành công, nhưng Ngài nói: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”. Đức Chúa Trời đã thiết kế kiểu mẫu ban đầu, và cuối cùng Ngài cũng sẽ hoàn thành kiểu mẫu ấy. Chúng ta cảm tạ Chúa biết bao vì Ngài là An-pha, Đấng khởi đầu mọi sự. Sáng-thế Ký 1:1 nói: “Ban đầu Đức Chúa Trời...” Khi trời và đất được tạo dựng, Đức Chúa Trời hoạch định mọi điều. Mọi sự bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Đồng thời Ngài cũng là Ô-mê-ga. Con người có thể thất bại và sẽ thất bại, nhưng Đức Chúa Trời là Ô-mê-ga. Người ta có thể nói thế này, thế kia, nhưng Đức Chúa Trời nói lời sau cùng. Ngài là Ô-mê-ga.
Đức Chúa Trời phán những điều này vì Ngài muốn cho chúng ta biết Ngài sẽ đem kế hoạch của Ngài đến chỗ hoàn tất, Ngài sẽ đạt được mục tiêu của Ngài, và Ngài sẽ hoàn thành những gì Ngài đã bắt đầu. Chúng ta thừa biết rằng công việc của Sa-tan đã thật sự ngăn cản công việc của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta còn biết hơn nữa rằng Đức Chúa Trời không chỉ là An-pha, là Đấng có chủ đích từ ban đầu, nhưng cũng là Ô-mê-ga, là Đấng cuối cùng sẽ thành công. Đức Chúa Trời không bao giờ đầu hàng, và Ngài sẽ không bao giờ để cho bất cứ phần nào của mục đích Ngài ở trong tình trạng dang dở. Bất kể tình trạng hội-thánh trong kinh nghiệm hiện nay có ra sao chăng nữa, hội-thánh sẽ không tì vết, không nếp nhăn, hoặc không có bất cứ điều gì như vậy trong mục tiêu của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, hội-thánh sẽ mặc lấy vinh quang và được trình diện cho Con Ngài.
Khi chúng ta thấy con cái Đức Chúa Trời khác nhau rất nhiều về đức tin, giáo lý cũng như trong sự thực hành, chúng ta phải tự hỏi làm thế nào họ có thể đạt đến sự hiệp một trong đức tin, như đã được nói đến trong Ê-phê-sô chương 4. Chúng ta thường thở dài và nói điều đó không bao giờ có thể xảy ra cho dầu có chờ đợi thêm hai ngàn năm nữa. Nhưng Đức Chúa Trời phán rằng Ngài là Ô-mê-ga. Sẽ đến một ngày Ngài có hội-thánh vinh hiển trước mặt Ngài. Ngài có thể dùng nước, hay dùng lửa, nhưng chắc chắn Ngài sẽ có một hội-thánh vinh hiển. Chúng ta không thể ngăn cản Đức Chúa Trời. Ngài sẽ nhận được điều làm thỏa lòng Ngài. Cho dầu chúng ta có yếu đuối, lạnh nhạt hay cứng cỏi đến đâu chăng nữa, sẽ có một ngày Đức Chúa Trời đập vỡ chúng ta ra làm nhiều mảnh. Ngài sẽ phá vỡ chúng ta, và làm cho chúng ta tan nát để chúng ta trở nên điều lòng Ngài ao ước. Đức Chúa Trời là Ô-mê-ga. Vì Đức Chúa Trời đang làm điều này, Ngài sẽ theo đuổi đến cùng. Ngài sẽ không bao giờ chịu thua. Chúng ta hãy vui mừng ngợi khen Ngài. Ngài phải đạt được mục tiêu của Ngài!
Câu 6 tiếp tục: “Người nào khát, Ta sẽ lấy nước suối sự sống mà ban cho nhưng không”. Sự nhấn mạnh ở đây không phải là vào sự cứu chuộc mà vào việc chúng ta cần Đức Chúa Trời. Ý nghĩa của cái khát ở đây là nhu cầu về Đức Chúa Trời. Không có Đức Chúa Trời nghĩa là chúng ta không có nước. Vì vậy, suối nước sự sống là để làm thỏa mãn những người khát.
Bây giờ chúng ta phải chú ý kỹ câu 7. Chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời biết bao vì lời hứa quí báu đặc biệt trong câu này cho chúng ta biết những người đắc thắng sẽ nhận được điều gì. Những người đắc thắng được nói đến ở đây khác với những người được đề cập đến trong Khải-thị chương 2 và 3. Những người đắc thắng trong các chương 2 và 3 là một nhóm người ra từ toàn thể hội-thánh, trong khi những người đắc thắng nói đến ở đây được liên hệ với “người nào khát”. Câu đi trước câu này nói: “Ta sẽ lấy nước suối sự sống mà ban cho nhưng không”. Sau đó, câu 7 nói: “Người đắc thắng sẽ thừa hưởng những điều này”. Nói cách khác, những ai uống nước suối sự sống là những người đắc thắng được nói đến ở đây. Những người đắc thắng này khác với những ai không uống nước sự sống này. Loại đắc thắng này giống như điều được nói đến trong 1 Giăng 5:4: “Vì tất cả những gì sanh bởi Đức Chúa Trời thì thắng hơn thế gian; và đây là sự đắc thắng thế gian, ấy là đức tin của chúng ta”. Những ai do Đức Chúa Trời sinh ra, những ai thuộc về Chúa, thì có đức tin. Những ai không thuộc về Chúa không có đức tin. Và đức tin này làm cho chúng ta đắc thắng thế gian. Điều này chắc chắn làm cho chúng ta vui mừng reo lên: Ha-lê-lu-gia! Trong trời mới, đất mới tất cả chúng ta đều là người đắc thắng! người-con-trai trong thời đại vương quốc được tạo thành bởi một thiểu số, nhưng trong Giê-ru-sa-lem Mới toàn bộ Thân Thể đều đắc thắng. Trong Giê-ru-sa-lem Mới vấn đề chỉ là chúng ta có đức tin hay không. Nếu có đức tin, chúng ta là những người đắc thắng.
Vào ngày ấy, Đức Chúa Trời lẽ lau tất cả nước mắt khỏi mắt chúng ta; sẽ không còn sự chết nữa, cũng sẽ không còn sự buồn rầu, kêu khóc, hay là đau đớn nữa, vì những điều trước đây đã qua rồi. Nhưng tất cả những điều ấy thuộc về phương diện tiêu cực. Điều tích cực là “Ngài sẽ đóng trại giữa họ, và họ sẽ là dân của Ngài”. Trong câu 7 Đức Chúa Trời cũng nói: “Ta sẽ là Đức Chúa Trời của người, và người sẽ là con Ta”. Vì vậy, trước mặt Đức Chúa Trời, địa vị Cơ-đốc-nhân của chúng ta không phải là dân, mà là con. Đức Chúa Trời muốn có nhiều con bước vào sự vinh hiển. Chúng ta cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài phán: “Ta sẽ là Đức Chúa Trời của người, và người sẽ là con Ta”. Trong cõi đời đời không có phước hạnh nào cao hơn điều này.
Câu 8 nói: “Nhưng những kẻ nhát sợ, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ gian dâm, kẻ tà thuật, kẻ thờ hình tượng, và mọi kẻ giả dối, phần của họ sẽ ở trong hồ cháy bằng lửa và lưu huỳnh, đó là sự chết thứ hai”. Phước hạnh trong cõi đời đời là một sự thật thế nào, thì hình phạt trong cõi đời đời cũng là một sự thật y như vậy. Hình phạt từ một Đức Chúa Trời của tình yêu là điều không thể tránh khỏi và không thể trốn thoát. Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng cho mọi người.
THÀNH THÁNH TỪ TRỜI XUỐNG
Bây giờ chúng ta hãy xem xét những chi tiết của thành thánh, là Giê-ru-sa-lem Mới. Khải-thị 21:9-10 nói: “Và một trong bảy thiên sứ đã có bảy bát đựng đầy bảy tai họa cuối đến nói với tôi: “Hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi cô dâu, là vợ của Chiên Con. Và người đưa tôi đi trong linh lên một ngọn núi lớn và cao, rồi chỉ cho tôi thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời ở nơi Đức Chúa Trời xuống”.
Khi thiên sứ muốn chỉ cho Giăng xem đại kỵ nữ trong Khải-thị 17:1-3, thiên sứ đem ông vào đồng vắng. Theo mắt Đức Chúa Trời và theo mắt của những người được Thánh Linh cảm động, kỵ nữ là người ở trong đồng vắng. Bà sống ở một nơi không có sự sống và không có kết quả, tức là một vùng đất trơ trụi. Ngày nay, người ta có thể ngắm những nhà thờ cao lớn, tham dự những buổi nhóm Chúa nhật được chuẩn bị kỹ lưỡng, và họ có thể ngưỡng mộ khả năng của con người, nhưng theo mắt Đức Chúa Trời, mọi điều phát xuất từ nguồn gốc Ba-by-lôn đều ở trong đồng vắng, rất hoang vu.
Khi thiên sứ chỉ cho Giăng thấy vợ của Chiên Con, người đưa ông lên ngọn núi lớn và cao. Tại đó thiên sứ chỉ cho Giăng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời ở nơi Đức Chúa Trời xuống. Từ trên ngọn núi lớn và cao Giăng đã nhìn thấy quang cảnh ấy. Điều này bày tỏ nếu chúng ta ao ước thấy khải tượng đời đời của Đức Chúa Trời, chúng ta phải được Ngài đưa lên ngọn núi lớn và cao. Về mặt thuộc linh, Nếu không đứng trên ngọn núi cao, chúng ta sẽ không thấy những người ở dưới đồng bằng, sẽ không thấy Giê-ru-sa-lem Mới, chúng ta cũng không thấy công tác tối hậu của Đức Chúa Trời. Khi Môi-se đến Giô-đanh với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời bảo ông làm gì? Ngài truyền cho ông lên núi Phích-ga và ngước mắt lên nhìn miền đất Ngài đã hứa. Điều này cũng nói lên rằng muốn nhận được khải tượng, khải thị và thấy kế hoạch của Đức Chúa Trời, chúng ta phải ở trên cao.
Đừng bao giờ nghĩ chỉ cần làm một Cơ-đốc-nhân bình thường hằng ngày, không phạm tội gì nghiêm trọng là đã đủ tốt rồi. Chúng ta phải nhận biết rằng bất cứ khi nào chúng ta còn giữ tư thế ấy, kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời đối với chúng ta sẽ chẳng là gì khác hơn giáo lý và kiến thức mà thôi. Chúng ta phải hi vọng vươn lên và đạt đến một mức độ thuộc linh nào đó. Chúng ta nên mong ước leo lên núi cao. Chỉ khi nào làm như vậy, chúng ta mới có thể nhìn thấy Giê-ru-sa-lem Mới.
Đức Chúa Trời ao ước làm điều gì, Ngài sẽ hoàn thành điều đó. Điều Đức Chúa Trời đã định trong cõi vĩnh cửu quá khứ, Ngài sẽ đạt được trong cõi vĩnh cửu tương lai. Trước hết, cần phải có những người đắc thắng để đem vương quốc đến, và sau đó, cần phải có những người đắc thắng để đem trời mới đất mới đến. Nhưng nan đề là, ai sẽ là những người đắc thắng? Để làm người đắc thắng, chúng ta phải có sự khải thị. Nếu không có sự khải thị, chúng ta dễ tiếp nhận mọi điều như giáo điều. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng kiến thức không bao giờ sanh ra bông trái; chỉ có sự khải thị mới có kết quả. Tuy nhiên, để có được sự khải thị, chúng ta phải lên trên núi cao; chúng ta không được ở dưới đồng bằng. Có những khó khăn khi leo lên núi vì chúng ta phải vận dụng sức mạnh để leo. Chúng ta không thể đạt đến đỉnh cao trừ khi chúng ta nỗ lực. Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thành tựu thuộc linh này và giải cứu chúng ta khỏi tình trạng đồng bằng thấp thỏi. Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ cần được cứu và không ao ước gì nữa cả là đủ rồi. Đức Chúa Trời phải cứu chúng ta khỏi mức độ sống thấp kém này và bày tỏ cho chúng ta thấy nỗi ao ước trong lòng Ngài. Chỉ khi nào ở trên núi cao chúng ta mới nhận được khải thị.
Sau khi Giăng thấy Giê-ru-sa-lem Mới, ông đã làm một điều ngu dại, ấy là ông quì xuống thờ phượng nơi chân thiên sứ. Hành động này dầu ngu dại những cũng đầy ý nghĩa. Giữa vòng mười hai môn đồ, Giăng là người sau cùng lìa khỏi thế giới này. Sự hiểu biết, hành động, tình yêu, và kinh nghiệm của ông vượt xa chúng ta; tuy nhiên trong sách Khải-thị, chúng ta thấy ông làm điều ngu dại này hai lần. Có hai trường hợp ông muốn thờ lạy thiên sứ — một trong 19:10 và một trong 22:8. Mặc dầu Giăng hành động như vậy là không hợp pháp và được khuyên: “Đừng làm như vậy”, nhưng điều ấy cũng bày tỏ rằng Giăng là một người rất hết lòng và ông đã hết sức quí trọng kế hoạch và công tác của Đức Chúa Trời biết bao. Trong một tình trạng như vậy, ông không thể kiềm hãm chính mình nên đã làm một điều ngu dại. Hành động của ông sai lầm, nhưng tấm lòng ông đã tỏ ra đúng đắn. Điều này cho thấy thái độ chúng ta nên có khi chúng ta nhìn thấy khải tượng của Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa cũng cho chúng ta thấy khải tượng như vậy. Nguyện Ngài làm cho chúng ta có thể tiến lên nơi cao để nhìn thấy Giê-ru-sa-lem Mới. Ô, nguyện tất cả mọi điều trong chúng ta đều vì sự thành công của khải tượng này và không vì điều gì khác!
Thiên sứ nói với Giăng: “Ta sẽ chỉ cho ngươi cô dâu, là vợ của Chiên Con” (21:9). Thiên sứ nói sẽ chỉ cho ông thấy vợ của Chiên Con, nhưng Giăng lại nhìn thấy “thành thánh, là Giê-ru-sa-lem từ trời, ở nơi Đức Chúa Trời xuống” (c.10). Vợ của Chiên Con mà Giăng thấy là thành thánh Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, sự mô tả thành phố này cũng là sự mô tả vợ của Chiên Con. Thành phố là hình ảnh tượng trưng, mô tả những đặc tính và tình trạng thuộc linh của Thân Thể tập thể mà Đức Chúa Trời đã tuyển chọn trước khi sáng thế.
Thành phố này từ trời ở nơi Đức Chúa Trời xuống. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời không chỉ quan tâm tới nơi đến của con người tập thể, nhưng cũng quan tâm đến điểm xuất phát của con người tập thể này. Đây không chỉ là vấn đề tương lai mà còn là vấn đề nguồn gốc. Vợ của Chiên Con xuống từ trời. Giê-ru-sa-lem Mới đến từ trời, không phải từ đất. Đức Chúa Trời không bày tỏ cho chúng ta thấy một con người với một lịch sử tội lỗi, rồi về sau được cứu. (Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không có quá trình tội lỗi, không cần phải ăn năn và được cứu nhờ ân điển). Trái lại, phân đoạn này chỉ bày tỏ cho chúng ta thấy phần được ra từ Đức Chúa Trời. Phân đoạn ấy bày tỏ cho chúng ta hội-thánh vinh hiển trong Ê-phê-sô chương 5 là hội-thánh được trình diện cho Đấng Christ.
Trong Cựu Ước, có một người nữ đặc biệt tượng trưng cho hội-thánh được dâng lên cho Đấng Christ. Người nữ ấy là Rê-be-ca. Áp-ra-ham bảo người đầy tớ già rằng: “Ngươi sẽ không cưới cho con trai ta một người vợ trong vòng những người nữ của dân tộc Ca-na-an mà ta đang sống giữa họ. Nhưng ngươi phải đi đến quê hương ta, giữa vòng bà con ta, và cưới một người vợ cho con trai Y-sác của ta” (Sáng. 24:3-4). Rê-be-ca không phải là một người ở miền đất phía tây sông Ơ-phơ-rát, cũng không phải một người ở phía tây sông Giô-đanh, nhưng cô là bà con của Y-sác.
Đức Chúa Trời ao ước có một con người tập thể là bà con của Đấng Christ. Vì Đấng Christ đến từ trời, hội-thánh cũng phải đến từ trời. Vì vậy, Hê-bơ-rơ 2:11 nói: “Vì cả Đấng thánh hóa và những người được thánh hóa đều thuộc về một Đấng, vì vậy, Ngài không hổ thẹn mà gọi họ là anh em”. Anh em là gì? Anh em là những người do cùng một cha mẹ sinh ra. Chúng ta cảm tạ Chúa biết bao vì về một mặt, chúng ta được mua bằng huyết quí báu của Chúa, mặt khác, chúng ta thật sự được Đức Chúa Trời sinh ra. Tiểu sử của mỗi một Cơ-đốc-nhân có hai phương diện: một là về khía cạnh bên ngoài chúng ta được Đức Chúa Trời chuộc mua, hai là về khía cạnh kia, ở bề trong chúng ta được Đức Chúa Trời sinh ra. Nhìn từ tiểu sử tội lỗi của mình mà xét, chúng ta được chuộc mua ở bên ngoài; nhưng nhìn từ tiểu sử được tách biệt khỏi tội lỗi thì chúng ta do Đức Chúa Trời sinh ra, vì ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không thể phạm tội. Phần này không có khởi đầu tội lỗi hay lịch sử tội lỗi. Sự kiện Giê-ru-sa-lem Mới từ nơi Đức Chúa Trời xuống ngụ ý rằng hội-thánh chưa bao giờ ở trên trái đất này. Dường như hội-thánh đến trái đất này lần đầu tiên. Điều này không có nghĩa là chúng ta không đến với Đức Chúa Trời như những tội nhân, nhưng là có một phần trong chúng ta ra từ Đức Chúa Trời và hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta phải cảm tạ Chúa biết bao vì Giê-ru-sa-lem Mới ra từ trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống!
Thành phố này hoàn toàn khác với thành phố được ghi lại trong chương 17. Thành phố ấy được gọi là thành lớn, và thành phố này được gọi là thành thánh. Đặc điểm của Ba-by-lôn là to lớn, và đặc điểm của Giê-ru-sa-lem Mới là thánh khiết. Giữa vòng các Cơ-đốc-nhân có những người bị lôi cuốn theo những gì vĩ đại, nhưng có những người chú ý đến sự thánh khiết. Những ai tập trung vào sự vĩ đại mắc phải nguyên tắc của Ba-by-lôn, trong khi những người quan tâm đến sự thánh khiết sống theo nguyên tắc của Giê-ru-sa-lem Mới.
Sự thánh khiết có ý nghĩa gì? Vì chỉ một mình Đức Chúa Trời là thánh, bất cứ điều gì ra từ Ngài cũng phải thánh. Nói rằng “Cả Đấng thánh hóa và những người được thánh hóa đều thuộc về một Đấng” có nghĩa là Đấng Christ là thánh khiết vì Ngài thuộc về Đấng ấy, và chúng ta cũng thánh khiết vì chúng ta cũng thuộc về Đấng ấy. Chỉ có những ai thuộc về Đấng ấy mới thánh khiết. Chỉ có những gì ra từ Đức Chúa Trời mới có giá trị; những gì ra từ Đức Chúa Trời và chỉ có những điều ra từ Đức Chúa Trời mới là Giê-ru-sa-lem Mới. Mọi điều gì thuộc về con người phải bị loại bỏ qua một bên. Vấn đề được cất lên là căn cứ trên điều này. Vì sao một số người bị bỏ lại? Vì họ có quá nhiều điều không thuộc về Đấng Christ, và những gì không thuộc về Đấng Christ không thể được đưa lên trời. Không một điều gì không ra từ trời lại có thể được đưa trở về trời. Mọi điều thuộc về đất phải bị để lại trên đất; trong khi mọi điều thuộc về trời có thể trở về trời.
ÁNH SÁNG CỦA THÀNH THÁNH
Khải-thị 21:11 mô tả thành phố này “có vinh quang của Đức Chúa Trời. Ánh sáng của nàng giống như một loại đá quí nhất, giống như bích ngọc, trong như thủy tinh”. Bích ngọc đã được đề cập đến trong Khải-thị chương 4. Giăng thấy một Đấng ngồi trên ngai, diện mạo giống như bích ngọc và mã não đỏ. Đấng Giăng thấy ngồi trên ngai giống như bích ngọc. Nói cách khác, ý nghĩa của bích ngọc là Đức Chúa Trời được nhìn thấy, Đức Chúa Trời được làm cho có thể thấy được. Khi một người đứng trước ngai, người ấy sẽ nhận biết Đức Chúa Trời như bích ngọc. Chúng ta sẽ nhận biết Ngài như vậy khi chúng ta đến đó, chứ không phải đang khi ở đây. Hiện nay chúng ta nhận biết Ngài cách mù mờ về nhiều phương diện, nhưng trong thành phố ấy, vinh quang của Đức Chúa Trời có ánh sáng của bích ngọc. Điều này có nghĩa là khi Giê-ru-sa-lem Mới xuống đất, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy chính Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu lầm Ngài nữa, cũng sẽ không cần hỏi lý do về bất cứ điều gì. Ánh sáng của Giê-ru-sa-lem Mới trong như thủy tinh, không một dấu vết pha trộn nào. Vào ngày ấy, mọi sự đều sẽ trong suốt và bày tỏ rõ ràng cho chúng ta. Vào ngày ấy, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời và chúng ta sẽ biết Ngài.
DÂN CƯ CỦA THÀNH THÁNH
Các câu 12-14 nói: “Thành có bức tường cao lớn, có mười hai cổng, nơi các cổng có mười hai thiên sứ, trên ghi các danh của mười hai chi phái của các con cái Y-sơ-ra-ên: phía đông có ba cổng, phía bắc ba cổng, phía nam ba cổng và phía tây ba cổng. Tường của thành có mười hai nền, và trên đó có mười hai danh của mười hai sứ đồ của Chiên Con”. Bao nhiêu người bao hàm trong con người tập thể này? Chúng ta được biết tên của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên được viết trên các cổng, và tên của mười hai sứ đồ được viết trên các nền. Điều này cho chúng ta thấy thành phố bao gồm các thánh đồ của cả thời Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Điều ấy có thể được minh chứng qua những phân đoạn Kinh-thánh sau đây. Lu-ca 13:28-29 nói: “Các ngươi sẽ khóc lóc và nghiến răng khi thấy Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, và tất cả các tiên tri trong vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng các ngươi thì bị ném ra ngoài. Từ đông, tây, nam, bắc người ta sẽ đến ngồi bàn trong vương quốc Đức Chúa Trời”. Ở đây chúng ta thấy vương quốc Đức Chúa Trời bao gồm Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, là những người đại diện cho các thánh đồ thời Cựu Ước. Những người đến từ đông, tây, nam, bắc tượng trưng cho các thánh đồ thời Tân Ước. Hai nhóm người này là những người tham dự vào vương quốc Đức Chúa Trời; vì vậy, tất cả sẽ cùng vào Giê-ru-sa-lem Mới.
Hê-bơ-rơ 11:8-10 nói: “Bởi đức tin Áp-ra-ham... kiều ngụ trong đất hứa như ở xứ lạ, sống trong lều trại với Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng thừa thọ cùng một lời hứa; vì người thiết tha trông đợi một thành phố có những nền tảng, mà Kiến Trúc Sư và Người Xây Dựng thành ấy là Đức Chúa Trời”. Thành phố được đề cập đến trong phân đoạn này là Giê-ru-sa-lem Mới. Chỉ có thành phố này là thành phố có các nền tảng, mà Kiến Trúc Sư và Người Xây Dựng là Đức Chúa Trời. Câu 13 nói: “Tất cả những người này đều chết trong đức tin”. “Tất cả những người này” là A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và nhiều người khác. Câu 16 tiếp tục: “Nhưng nay họ thiết tha mong mỏi một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời. Vì vậy, Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà chịu họ gọi Ngài là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành phố”. “Họ” trong câu 16 là “những người này” trong câu 13. Điều này cho thấy các thánh đồ trong Cựu Ước có phần trong Giê-ru-sa-lem Mới. Từ A-bên vào thuở ban đầu cho đến tất cả các thánh đồ trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã chỉ định một thành phố, là Giê-ru-sa-lem Mới cho họ. Tất cả đều có phần trong đó. Các câu 39-40 nói: “Tất cả những người này, đã được lời chứng tốt do đức tin, vẫn chưa nhận được điều đã hứa, vì Đức Chúa Trời đã cung ứng điều tốt hơn cho chúng ta, để ngoài chúng ta ra, họ không được làm cho hoàn hảo”. Đức Chúa Trời đã để tất cả các thánh đồ Cựu Ước chờ đợi; họ chưa nhận được thành phố ấy. Ngài bảo họ hãy chờ đợi để rồi cả họ lẫn chúng ta đều cùng đi đến đó. Qua điều này, chúng ta thấy tất cả các thánh đồ trong thời Cựu Ước và các thánh đồ trong thời Tân Ước đều sẽ ở trong Giê-ru-sa-lem Mới.
Ê-phê-sô 2:11-14 nói: “Vì vậy, hãy nhớ rằng anh em trước kia theo xác thịt là người ngoại bang, bị gọi là những người không chịu cắt bì,... lúc ấy anh em xa cách Đấng Christ, xa lạ với quốc dân Y-sơ-ra-ên, là người lạ đối với giao ước của lời hứa, không có hi vọng, không có lời hứa, và ở thế gian không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Christ Giê-su anh em vốn xa cách mà hiện nay trong huyết Đấng Christ đã trở nên gần. Vì chính Ngài là sự hòa bình của chúng ta, Đấng đã làm cho cả hai hiệp một và phá đổ bức tường ngăn cách”. Từ câu 11 đến câu 13, đại danh từ “anh em” (tiếng Anh là “you”, ngôi thứ hai) được dùng, nhưng trong câu 14, đại danh từ này thay đổi thành sở hữu đại danh từ “của chúng ta” (tiếng Anh là “our”, ngôi thứ nhất). Khi chữ “anh em” được sử dụng, là chỉ về các thánh đồ tại Ê-phê-sô, nhưng khi chữ “chúng ta” được dùng, là chỉ về cả các thánh đồ Do-thái lẫn các thánh đồ tại Ê-phê-sô, cũng như các thánh đồ của cả thời Cựu Ước lẫn Tân Ước. Đấng Christ là sự hòa bình của chúng ta và Ngài làm cho cả hai nên một, phá đổ bức tường ngăn cách ở giữa. Câu 15 nói: “Trong xác thịt Ngài, Ngài đã xóa bỏ luật pháp của những mạng lịnh trong các điều lệ, để Ngài có thể làm cho cả hai nên một người mới trong chính Ngài, vậy là giải hòa”. Chữ “hai” trong câu này tương ứng với chữ “cả hai” trong câu 14. Điều này cũng chỉ về các thánh đồ trong Cựu Ước và các thánh đồ trong Tân Ước, chứ không chỉ về mối quan hệ giữa con người và Đức Chúa Trời. Có thể nào Đức Chúa Trời và con người được tạo nên một người mới không? Không. Phân đoạn này nói về cả các thánh đồ ngoại bang lẫn các thánh đồ Do-thái, các thánh đồ thời Cựu Ước, cũng như các thánh đồ thời Tân Ước.
Câu 16 nói: “lại nhờ thập tự giá mà Ngài làm cho cả hai hòa lại với Đức Chúa Trời trong một Thân Thể, vì Ngài đã hủy diệt sự thù nghịch tại thập tự giá. Làm cho cả hai hòa lại với Đức Chúa Trời trong một Thân Thể” nghĩa là các thánh đồ Cựu Ước cũng như các thánh đồ Tân Ước được hòa lại với Đức Chúa Trời. Các câu 17-19 nói: “Và Ngài đến, công bố hòa bình là Phúc-âm cho anh em là những người ở xa, và hòa bình cho những người ở gần, vì nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều cùng trong một Linh mà đến với Cha. Thế thì anh em không còn là khách lạ hoặc kiều dân nữa, nhưng cùng là công dân với các thánh đồ và người nhà của Đức Chúa Trời”. Các thánh đồ tại Ê-phê-sô không còn là khách lạ nữa, nhưng cùng là công dân với các thánh đồ và là người nhà của Đức Chúa Trời. Các câu 20-22 nói: “Được xây dựng trên nền các sứ đồ và tiên tri, chính Christ Giê-su là đá góc nhà; cả tòa nhà được kết liên trong Ngài, đang lớn lên nên đền thờ thánh trong Chúa. Trong Ngài anh em cũng cùng được xây dựng thành nơi ở của Đức Chúa Trời trong linh”. Như vậy, chỗ ở của Đức Chúa Trời bao hàm mọi thánh đồ thời Cựu Ước và Tân Ước. Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp có ở đó, và chúng ta cũng có mặt tại đó. Tóm lại, vào thời đại trời mới, đất mới, tất cả những ai có sự sống của Đức Chúa Trời đều được bao hàm trong Giê-ru-sa-lem Mới.
THÀNH PHỐ, CÁC CỔNG VÀ TƯỜNG THÀNH
Xin chúng ta tiếp tục đọc Khải-thị chương 21. Chúng ta phải đặc biệt chú ý đến tường của thành. Câu 12 nói: “Thành có một bức tường cao lớn”. Câu 15 nói: “Thiên sứ nói với tôi có một cây lau bằng vàng là một cây thước để đo thành phố, các cổng và tường thành”. Câu 17 nói “Và người đo tường thành, được một trăm bốn mươi bốn cup-bít, theo kích thước của loài người, tức là của một thiên sứ”. Ban đầu, Đức Chúa Trời lập một khu vườn ở Ê-đen, và con rắn đã có thể vào được trong đó để nói chuyện với Ê-va. Điều này cho chúng ta thấy chung quanh khu vườn không có tường bao quanh. Ban đầu Đức Chúa Trời dự định cho A-đam giữ vườn. Nói cách khác, ý định của Ngài là A-đam phải là bức tường của khu vườn. Tuy nhiên, A-đam không canh giữ vườn, và Sa-tan đã bước vào. Nhưng còn Giê-ru-sa-lem Mới thì sao?
Giê-ru-sa-lem Mới có một bức tường. Về một mặt, bức tường là để bao gồm, về mặt khác, bức tường ấy là để loại ra. Nó bao gồm và gìn giữ mọi sự ở bên trong thành phố, nó loại ra và chối từ mọi sự ở bên ngoài thành phố. Khi có một bức tường bao quanh thành phố, nó có công dụng phân cách những gì ở bên trong với những gì ở bên ngoài; nó tạo sự khác biệt giữa những gì ở trong với những gì ở ngoài. Giê-ru-sa-lem Mới là con người mới mà Đức Chúa Trời ao ước có được. Con người mới ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và phân rẽ khỏi mọi sự ở bên ngoài. Con rắn không thể nào bò vào. Có một bức tường, một sự phân cách, một sự phân biệt. Mọi khả năng len lỏi vào của con rắn đều bị loại trừ.
Khi mô tả Giê-ru-sa-lem Mới, ngoài vinh quang của Đức Chúa Trời, điều đầu tiên được đề cập đến là bức tường. Vì vậy, sự phân cách trong đời sống Cơ-đốc-nhân là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất. Không có sự phân cách, Cơ-đốc-nhân không có giá trị gì. Cần phải vẽ một lằn ranh để phân biệt những gì thuộc linh với những gì xác thịt. Giê-ru-sa-lem Mới có một sự phân cách, một ranh giới và chúng ta cần học tập từ điều này. Mọi điều của Ba-by-lôn phải bị loại bỏ, trong khi mọi điều thuộc về Đức Chúa Trời phải được bảo vệ. Xây dựng tường thành không phải là chuyện dễ, vì Sa-tan ghét tường thành hơn bất cứ điều gì khác. Khi Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem để xây dựng tường thành, San-ba-lát và Tô-bi-a đến nỗ lực chận đứng việc xây cất. Nê-hê-mi một tay cầm giáo, một tay xây cất vách thành. Vì vậy, chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta mang những vũ khí thuộc linh để chiến đấu với sự tà ác thuộc linh ở các nơi cao và để duy trì nguyên tắc phân cách.
Thành phố có mười hai cổng và mười hai nền. Trên các nền có tên của mười hai sứ đồ của Chiên Con. Điều này cho thấy mọi sự trong thành phố đều dựa trên nguyên tắc của vương quốc Đức Chúa Trời được các sứ đồ rao giảng. Ê-phê-sô 2:20 nói: “Được xây dựng trên nền của các sứ đồ và các tiên tri”. Điều này nghĩa là sự khải thị các sứ đồ nhận được là nền của Giê-ru-sa-lem Mới.
Cổng là để đi ra, đi vào, nhưng tại sao tên của các chi phái Y-sơ-ra-ên lại được viết trên các cổng ấy? Chúa Giê-su phán sự cứu rỗi thuộc về người Do-thái (Giăng 4:22). Chúng ta học biết mọi điều về Đức Chúa Trời từ dân Y-sơ-ra-ên. Luật pháp được ban cho dân tộc Y-sơ-ra-ên, sự cứu chuộc được biết qua dân Y-sơ-ra-ên và sự cứu rỗi đến từ Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, danh của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên được ghi ở trên các cổng.
Thành phố có ba cổng ở phía đông, ba cổng ở phía bắc, ba cổng ở phía nam và ba cổng ở phía tây. Mỗi hướng có ba cổng. Các cổng thường nằm ở một nơi tiện cho việc ra vào. Vì vậy, sự kiện thành phố có các cổng ở bốn bên chứng tỏ nó nằm ở một vị trí rất trọng yếu và là trung tâm của mọi sự. Giê-ru-sa-lem Mới là kiệt tác ở sâu thẳm trong lòng của Đức Chúa Trời.
Ngợi khen Đức Chúa Trời. Có mười hai thiên sứ canh giữ lối vào cổng (Khải.21:12). Trước đây, chê-ru-bim canh giữ đường đến cây sự sống, nhưng bây giờ cây sự sống ở trong thành phố được các thiên sứ ở các cổng canh giữ. Các thiên sứ là các linh hầu việc (Hêb. 1:14), và đến ngày kia các thiên sứ sẽ phục tùng hội-thánh.
Khải-thị 21:15 nói: “Người nói với tôi có một cây lau bằng vàng làm thước đo để đo thành, các cổng và tường thành”. Vàng trong Kinh-thánh tượng trưng cho tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời. Thành được đo bằng vàng nghĩa là thành được đo theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần tìm kiếm vinh quang của Đức Chúa Trời, hi vọng rằng chúng ta sẽ có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của Ngài khi Ngài đo chúng ta trong ngày ấy.
Câu 16 nói: “Thành hình vuông, chiều dài chiều rộng bằng nhau. Người dùng cây lau đo thành, được một ngàn hai trăm sta-di-a; chiều dài, chiều rộng và chiều cao bằng nhau”. Một nơi khác trong Kinh-thánh có chiều rộng, chiều dài và chiều cao bằng nhau, đó là Nơi Chí Thánh trong đền thờ. “Phía trong Nơi Chí Thánh có hai mươi cúp-bít chiều dài, hai mươi cúp-bít chiều rộng và hai mươi cúp-bít chiều cao” (1 Vua. 6:20). Chiều dài, chiều rộng và chiều cao giống nhau. Trong Kinh-thánh, chỉ có Nơi Chí Thánh trong đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem Mới có đồng một kích thước về chiều rộng, chiều dài và chiều cao. Nói cách khác, trong trời mới, đất mới, Giê-ru-sa-lem Mới trở nên Nơi Chí Thánh cho Đức Chúa Trời. Khi Đa-vít cho Sa-lô-môn kiểu mẫu của đền thờ, ông nói: “Nhờ tay Ngài ở trên ta, Chúa đã làm cho ta hiểu biết mà chép ra tất cả những điều này, ngay cả tất cả các công việc theo kiểu mẫu này” (1 Sử. 28:19). Mọi sự trong đền thờ được xây dựng theo sự khải thị thiên thượng. Trong trời mới và đất mới, Giê-ru-sa-lem Mới chính là đền thờ của Đức Chúa Trời. Mọi sự tạo nên thành phố đều ở trong Đức Chúa Trời. Không có điều gì ở bên ngoài Ngài.
Khải-thị 21:17 nói: “Người lại đo tường thành, được một trăm bốn mươi bốn cúp-bít, theo kích thước của loài người, tức là kích thước của thiên sứ”. Ngày nay chúng ta có thể nói kích thước của loài người là kích thước của thiên sứ không? Không, không bao giờ. Bao giờ thì kích thước loài người bằng kích thước thiên sứ? Chúa Giê-su phán trong sự phục sinh, con người sẽ bằng với các thiên sứ (Lu. 20:36). Một trăm bốn mươi bốn cúp-bít sẽ được bày tỏ khi kích thước của loài người bằng kích thước của thiên sứ. Nói cách khác, mọi điều bên trong thành phố là thực tại của sự phục sinh. Cảm tạ Đức Chúa Trời, trong mọi điều bao hàm trong thành phố này, không có điều gì không ở trong sự phục sinh. Mọi sự chết chóc và mọi điều thuộc về con người đều ở bên ngoài thành phố này, nhưng bên trong, mọi sự đều được phục sinh và thuộc về Đức Chúa Trời. Phục sinh nghĩa là những điều ấy thuộc về Đức Chúa Trời. Những gì của con người một khi chết đi thì không thể sống lại được, nhưng những gì của Đức Chúa Trời dầu trải qua sự chết cũng sẽ sống lại. Bất cứ điều gì không bị sự chết cột trói hay cầm giữ thì được gọi là phục sinh. Khi những gì phát xuất từ chúng ta trải qua thập tự giá, chúng đều bị kết liễu, nhưng sự chết không thể đụng đến những gì của Đức Chúa Trời.
Khi Giăng ghi lại lời mô tả thành thánh, tất cả những con số ông dùng ở đây đều là mười hai hay ra từ mười hai — mười hai cổng, mười hai nền, mười hai sứ đồ, mười hai chi phái, v.v... Kích thước của tường thành là một trăm bốn mươi bốn cúp-bít, ra từ mười hai nhân mười hai. Mười hai là con số được dùng trong cõi đời đời. Đây là con số quí báu nhất trong Kinh-thánh. Trong phần đầu của sách Khải-thị, có nhiều số bảy — bảy hội-thánh, bảy ấn, bảy kèn, bảy bát, bảy thiên sứ, v.v... Nhưng trong phần sau, có nhiều số mười hai, chẳng hạn như những số đã được đề cập. Số bảy nghĩa là trọn vẹn, và mười hai cũng là trọn vẹn, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau. Bảy gồm ba cộng bốn, trong khi mười hai là ba nhân bốn. Vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Tam Nhất, số ba tượng trưng cho Đức Chúa Trời, trong khi số bốn tượng trưng cho cõi sáng tạo, chẳng hạn như bốn hướng gió, bốn mùa, bốn tạo vật sống. Khi ba được cộng với bốn có nghĩa là Đức Chúa Trời cộng với loài người. Thật trọn vẹn và hoàn hảo biết bao khi Đấng Tạo Hóa cộng với tạo vật! Nhưng bất cứ điều gì được cộng vào cũng có thể bị trừ ra và mất đi; cho nên sự trọn vẹn này không bền vững. Nhưng trong Giê-ru-sa-lem Mới, sự liên hiệp của Đức Chúa Trời và loài người không còn là bảy, mà là mười hai. Không còn là ba cộng bốn, mà là ba nhân bốn. Toán nhân là một sự hiệp nhất trọn vẹn, một điều gì đó không thể tách rời. Khi Đấng Tạo Hóa hòa lẫn với tạo vật, ấy là mười hai, và mười hai là con số của sự liên hiệp trọn vẹn. Trong trời mới đất mới, Đức Chúa Trời và con người sẽ trở thành một, Đức Chúa Trời và con người không còn phân cách nữa.
VÀNG, ĐÁ QUÍ VÀ NGỌC TRAI
Thành phố được xây dựng bằng vật liệu gì? Câu 18 nói: “Tường xây bằng bích ngọc”. Chúng ta đã lưu ý đến bích ngọc rồi. Chúng ta đã thấy sự sáng láng của thành giống như bích ngọc. Ý nghĩa của điều này là khi ngắm vinh quang của thành, chúng ta đang thật sự nhìn vào hình ảnh thật của Đức Chúa Trời. Qua việc nhận biết hình ảnh thật của Đức Chúa Trời, con người có thể biết Đức Chúa Trời tức Đấng đang ngồi trên ngai. Đức Chúa Trời không ở xa con người, Ngài cũng không phải là một Đức Chúa Trời không thể nhận biết được.
Như chúng ta đã thấy, chức năng của tường thành là phân cách những gì ở bên trong với những gì ở bên ngoài thành. Sự kiện tường thành làm bằng bích ngọc nghĩa là sự phân cách dựa trên những gì được nhìn thấy trong ánh sáng thật của Đức Chúa Trời. Nền tảng của sự phân cách là nhìn thấy những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi, nhìn thấy những gì Đức Chúa Trời theo đuổi. Nếu con người không sáng tỏ về những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi, họ sẽ không có sự phân cách.
Chúng ta hãy đọc thêm câu 18: “Thành phố bằng vàng ròng, như thủy tinh trong suốt”. Nói cách khác, tất cả những gì trong thành phố đều thuộc về Đức Chúa Trời. Vàng nghĩa là những gì thuộc về Đức Chúa Trời, những gì được đặt trong cõi sáng tạo mới của Ngài. Phi-e-rơ nói chúng ta là những người dự phần bản chất thần thượng. Bên trong mỗi người thuộc về Đức Chúa Trời có một phần của Ngài. Trước khi được cứu, mọi điều trong chúng ta là xác thịt, mọi sự là thiên nhiên, không có bất cứ điều gì thuộc về bản chất thuộc linh. Nhưng khi chúng ta tiếp nhận Chúa, Đức Chúa Trời truyền đạt sự sống Ngài vào trong chúng ta. Đây là vàng mà Ngài ban cho chúng ta. Bên trong chúng ta có một phần vàng; có một phần nào đó thật sự thuộc về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, mặc dầu chúng ta có vàng bên trong mình, nhưng vàng bị pha trộn với nhiều điều khác; nó trở thành một hợp kim. Chúng ta có bản chất của Đức Chúa Trời, nhưng đồng thời, chúng ta cũng có nhiều điều khác trong mình hoàn toàn khác với Đức Chúa Trời. Vì lý do đó, phần lớn công tác của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài là làm giảm bớt con người họ, chứ không phải cộng thêm điều gì cho họ.
Nhiều lúc, con người muốn nhận lãnh thêm Đức Chúa Trời, muốn được đầy dẫy Thánh Linh và biết Đấng Christ nhiều hơn. Tất cả những điều này có vị trí của nó. Chúng ta rất cần nhận thêm Đức Chúa Trời, cần được đầy dẫy Thánh Linh, và biết Đấng Christ nhiều hơn. Nhưng có một công tác khác — không phải gia tăng lên mà là giảm bớt. Công tác cơ bản của Đức Chúa Trời là giảm chúng ta xuống. Từ ngày chúng ta được cứu, Đức Chúa Trời đã và đang làm công việc này, và công cụ để thực hiện công tác tiêu trừ này là thập tự giá. Công tác của thập tự giá là hủy bỏ. Không phải là đem thêm nhiều điều vào trong chúng ta mà là cất bỏ nhiều điều khỏi chúng ta. Bên trong chúng ta có rất nhiều điều rác rưởi. Có rất nhiều điều không thuộc về Đức Chúa Trời, không đem vinh quang về cho Ngài. Đức Chúa Trời muốn nhờ thập tự giá, cất bỏ tất cả những điều này để chúng ta có thể trở nên vàng ròng. Những gì Đức Chúa Trời đã đặt vào trong chúng ta là vàng ròng, nhưng vì có quá nhiều cặn bã trong chúng ta, có quá nhiều điều không thuộc về Đức Chúa Trời, nên chúng ta đã trở thành một hợp kim. Vì vậy, Đức Chúa Trời phải nỗ lực nhiều để làm cho chúng ta thấy những gì trong chúng ta thuộc về bản ngã và những gì là điều không thể đem vinh quang về cho Ngài. Chúng ta tin nếu Đức Chúa Trời phán với chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều cần được cất bỏ hơn là thêm vào. Các Cơ-đốc-nhân đặc biệt mạnh mẽ trong hồn phải nhớ rằng công tác của Đức Chúa Trời trong họ, qua Thánh Linh là cất bỏ nhiều điều khỏi họ và giảm bớt con người họ.
Đặc điểm nổi bật của Giê-ru-sa-lem Mới là vàng, vàng ròng. Không có gì pha trộn tại đó; mọi sự hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời. Bài học Chúa muốn chúng ta học hôm nay là nhìn thấy rằng mọi sự ra từ chúng ta đều là cặn bã. Ngoại trừ vàng trong chúng ta, mọi sự ra từ chúng ta đều là rác rưởi. Sự tốt lành của chúng ta chỉ là rác rưởi khi pha thêm vào vàng, sự nhiệt thành của chúng ta cũng là cặn bã khi pha thêm vào vàng. Mọi sự từ chúng ta đều là cặn bã. Nói cách khác, bất cứ điều gì không thuộc về Đức Chúa Trời đều là cặn bã. Không ai có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời và nói mình có điều gì để đóng góp cho Ngài. Đức Chúa Trời đòi hỏi vàng ròng. Trong Giê-ru-sa-lem Mới, mọi sự đều bằng vàng ròng, không có gì là cặn bã. Sẽ có một ngày chúng ta thấy tất cả những gì không thuộc về Đức Chúa Trời đều ở trên thập tự giá. Mọi điều trong Giê-ru-sa-lem Mới đều thuộc về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phải đạt được mục đích của Ngài. Khi Đức Chúa Trời nói sẽ là vàng ròng thì sẽ là vàng ròng. Không một điều gì có thể pha trộn với công việc của Đức Chúa Trời.
Câu 19 và 20 nói: “Các nền của tường thành được trang hoàng bằng đủ thứ đá quí: nền thứ nhất bằng bích ngọc; nền thứ hai, ngọc lam (lam bửu thạch); nền thứ ba, mã não trắng xanh (lục mã não); nền thứ tư, ngọc thạch lục đậm (lục bửu thạch); nền thứ năm, mã não có vân (hồng mã não); nền thứ sáu, mã não đỏ (hồng bửu thạch); nền thứ bảy, ngọc thạch vàng lục (hoàng bích tỷ); nền thứ tám ngọc thạch xanh lục (thủy thương ngọc); nền thứ chín ngọc thu ba vàng (hồng bích tỷ); nền thứ mười, ngọc thạch trắng lục (phỉ túy ngọc); nền thứ mười một, ngọc phong tín vàng đỏ (xích ngọc); nền thứ mười hai, ngọc thạch anh tím (tử bửu thạch)”. Những đá quí ám chỉ về điều gì? Có một sự khác biệt cơ bản giữa đá quí và vàng. Vàng là một nguyên tố hóa học, trong khi đá quí không phải một nguyên tố hóa học, mà là một hợp chất. Vàng là một nguyên tố vì Đức Chúa Trời tạo nên nó là vàng; vàng được Đức Chúa Trời trực tiếp tạo nên. Nhưng một viên đá quí hình thành từ nhiều loại nguyên tố khác nhau, được kết hợp lại với nhau qua một quá trình tổng hợp hóa học trải qua không biết bao nhiêu năm dài dưới sức nóng và áp lực trong lòng đất. Nói cách khác, đá quí không tiêu biểu cho một điều gì do Đức Chúa Trời ban cho cách trực tiếp, mà là một điều gì đó do Thánh Linh tạo ra trong con người với nhiều nỗ lực và nhiều năm nung đúc. Công tác trên đất của Thánh Linh là liên tục đặt chúng ta vào những thử thách để chúng ta có được mọi thứ kinh nghiệm và trở nên những đá quí trước mặt Ngài. Vì vậy, đá quí là sản phẩm phát sinh từ việc chúng ta chịu kỷ luật bởi Thánh Linh.
Chúng tôi xin minh họa điều này. Sự ra đời của Y-sác tượng trưng cho vàng, nhưng kinh nghiệm của Gia-cốp tượng trưng cho đá quí. Y-sác ra đời, là con trai do lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông không bao giờ phải chịu khổ, cũng không lầm lỗi gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, trường hợp Gia-cốp thì thật khác hẳn. Ông phải chịu khổ rất nhiều và trải qua lắm thử thách. Tay của Đức Chúa Trời luôn luôn ở trên ông. Ngày này qua ngày kia, năm này tiếp năm nọ, Đức Chúa Trời hành động để đem điều gì đó vào trong Gia-cốp để làm cho ông trở nên một viên đá quí.
Sự sống Đức Chúa Trời truyền đạt vào trong chúng ta là vàng, trong khi sự sống mà Ngài đang tạo thành trong chúng ta là đá quí. Ngày này qua ngày kia, trong mọi hoàn cảnh, Ngài đang biến chúng ta nên hình ảnh của Đấng Christ. Đây là đá quí. Đức Chúa Trời không dừng lại khi chỉ ban cho chúng ta một phần sự sống của Đấng Christ; Ngài muốn sự sống của Đấng Christ được hình thành trong chúng ta. Về một phương diện, chúng ta cần nhận biết ngoại trừ sự sống của Chúa bên trong mình, chúng ta không có gì khác hơn trước khi được cứu. Nhưng về phương diện khác, sau khi theo Chúa năm mười năm, được Ngài kỷ luật và xử lý, một phần sự sống Đấng Christ đã được Thánh Linh cấu thành trong chúng ta. Có một điều gì đó trong chúng ta đã được Chúa hình thành và đó là đá quí.
Anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời liên tục đưa anh em vào lửa để thiêu đốt. Dường như những gì người khác gặp đều tốt đẹp, còn những gì anh em phải đương đầu thì không được thịnh vượng hoặc hanh thông. Ngay cả anh em còn bị người khác hiểu lầm và tấn công; nhiều điều xảy đến cho anh em hơn bất cứ ai khác. Nhưng anh em phải nhận biết rằng điều ấy không phải là không có lý do. Đức Chúa Trời đang liên tục thiêu đốt anh em; Thánh Linh đang hành động để cấu thành sự sống của Đấng Christ nhiều hơn trong anh em để anh em được biến đổi theo hình ảnh của Ngài.
Trong sách Khải-thị, chúng ta không chỉ thấy một loại đá quí, nhưng mọi loại đá quí. Một số là ngọc bích, một số là ngọc lam, một số là mã não trắng xanh, một số là ngọc thạch lục đậm, một số là mã não có vân, một số là mã não đỏ, và các loại khác. Tất cả những loại đá quí này là kết quả của sự nung đốt. Chúng không do Đức Chúa Trời hình thành trong giây lát nhưng do nhiều năm dài hành động của Đức Chúa Trời. Đá quí không được ban cho chúng ta vào buổi sáng tạo, cũng không phải điều gì chúng ta nhận được khi trở thành một tạo vật mới. Đá quí được thành hình trong chúng ta qua sự nung đốt hằng ngày của Đức Chúa Trời. Đây là một chất liệu thường xuyên được đặt vào trong lửa. Khi lửa nung đốt theo cách nào đó làm một loại khoáng chất tan chảy thành một chất liệu, và nó trở nên một loại đá quí. Khi lửa nung đốt theo một cách khác, nó làm cho một loại khoáng chất khác hòa tan vào trong chất liệu ấy, khiến nó trở nên một loại đá quí khác. Những cách khác nhau làm tan chảy một số khoáng chất vào với nhau tạo nên những loại đá quí khác nhau.
Đá quí tượng trưng cho công tác của Thánh Linh. Khi được cứu, chúng ta nhận được bản chất của Đức Chúa Trời, nhưng từ thời điểm ấy, ngày này qua ngày kia, Thánh Linh hành động để đem bản chất của Đức Chúa Trời vào trong chúng ta để chúng ta có thể kết trái của Thánh Linh. Không phải chỉ có một trái của Thánh Linh. Có yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, tốt lành, trung tín, mềm mại, và nhiều điều khác nữa. Thánh Linh phải liên tục hành động trong chúng ta để làm cho chúng ta sinh ra tất cả những loại trái khác nhau này. Khi được cứu, Đức Chúa Trời truyền đạt sự sống của Ngài vào trong chúng ta. Nhưng trái của Thánh Linh không phải là điều gì được Đức Chúa Trời truyền đạt vào trong chúng ta. Chúng ta sinh ra những trái này khi Thánh Linh hành động trong chúng ta đến một mức độ nào đó. Cũng vậy, đá quí là những gì hình thành trong chúng ta nhờ Thánh Linh qua phương tiện là nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Không những Đức Chúa Trời cho chúng ta được hưởng bản chất của Ngài, nhưng hàng ngày, Ngài làm cho chúng ta trở nên một loại người có thể đem vinh quang về cho danh Ngài. Khi được cứu, anh em nhận được bản chất của Đức Chúa Trời, và khi được cứu, tôi cũng nhận được bản chất của Ngài. Về điều này, mọi Cơ-đốc-nhân đều giống nhau; tất cả đều nhận được bản chất của Ngài. Nhưng trong những ngày tiếp theo đó, Đức Chúa Trời có thể đã đặt anh em vào một số hoàn cảnh để ban cho anh em một số kinh nghiệm. Có thể Ngài để anh em trải qua một số hoạn nạn, một số khó khăn, và những nỗi khổ nào đó để anh em trở thành một Cơ-đốc-nhân giống như ngọc thạch vàng lục, mã não trắng xanh, mã não đỏ hay một loại đá quí khác. Đức Chúa Trời đang hành động trong mỗi một Cơ-đốc-nhân để mỗi người có thể trở nên một loại đá quí nào đó. Trước mặt Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều có vàng giống nhau, nhưng sau khi chúng ta trở nên đá quí trước mặt Ngài, mỗi người sẽ có một hình thức riêng.
Những gì Thánh Linh hình thành trong chúng ta qua các hoàn cảnh sẽ còn lại mãi. Khi một Cơ-đốc-nhân nhận được nhiều sự xử lý về một phương diện nào đó, người ấy sẽ học được nhiều bài học về phương diện ấy. Điều này sẽ tạo nên một đặc tính nổi bật trong người ấy, một đặc tính phải trải qua một vài năm mới hình thành nhưng sẽ còn lại cho đến đời đời. Những gì người ấy có được sẽ mãi mãi là đá quí trong Giê-ru-sa-lem Mới.
Trong nhiều con cái của Đức Chúa Trời, là những người đã bước đi với Ngài mười hay hai mươi năm, có một điều gì đó mà Đức Chúa Trời đã hành động qua Thánh Linh. Không phải Đức Chúa Trời đã truyền đạt một điều gì đó cho họ, nhưng chính họ đã trở thành một điều gì đó; ấy chính là yếu tố cấu thành họ. Qua nhiều năm họ đã được Thánh Linh kỷ luật. Nhờ trải qua nhiều hoạn nạn và kinh nghiệm, Thánh Linh đã hình thành một loại sự sống trong họ. Những ai quen biết họ nhận thấy có một điều gì đó đã thật sự hoàn thành trong họ. Họ không chỉ có được sự sống mà Đức Chúa Trời đã ban cho, nhưng họ cũng có một sự sống biến đổi mà Thánh Linh đã hình thành trong mình. Không những họ có một sự sống hoán đổi mà còn có sự sống biến đổi nữa. Đây là đá quí. Đá quí là những gì được hình thành trong chúng ta nhờ công tác nung đốt của Thánh Linh. Giê-ru-sa-lem Mới sẽ đầy dẫy những viên đá quí này.
Đến đây, chúng ta cần phải nhận biết sự nhấn mạnh suông vào giáo lý là vô dụng biết bao. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được ích lợi nếu chỉ biết thêm chút ít thần học hay sự dạy dỗ của Kinh-thánh. Những điều này không ích lợi bao nhiêu. Chỉ có điều gì Thánh Linh nung đốt trong chúng ta thì mới có giá trị. Nếu một điều gì đó chưa được nung đốt để trở thành một một vật dụng, chỉ một chút chà xát cũng đủ dời đổi nó. Một điều mà chỉ một chút chà xát cũng đủ làm cho nó bị xóa sạch trong chúng ta thì có giá trị thuộc linh bao nhiêu? Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không nên đọc Kinh-thánh, nhưng có nghĩa là những gì chúng ta đọc thật sự chỉ có giá trị khi nào Thánh Linh nung đốt tạo nên điều ấy trong chúng ta. Tất cả đá quí đều ra từ lửa. Để có được đá quí, chúng ta cần lửa. Không có lửa, sẽ không bao giờ có đá quí.
Vì lý do đó, chúng ta đừng bao giờ từ chối những thử thách đến trên chúng ta qua hoàn cảnh của mình. Chúng ta không bao giờ nên từ chối kỷ luật của Thánh Linh, cũng đừng phàn nàn khi bàn tay của Đức Chúa Trời bao quanh chúng ta mọi mặt và dồn chúng ta đến chân tường. Lắm lúc chúng ta thấy mình bị trói chặt và đè nén biết bao! Thể nào chúng ta muốn phá tung mọi sự giam cầm và hạn chế để được thoát ra một lúc. Nhưng chúng ta cần phải nhớ mình đang ở trong bàn tay nung đúc của Đức Chúa Trời. Ngài đang nung đúc chúng ta để một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành những viên đá quí. Đức Chúa Trời không những ban cho chúng ta sự sống của Ngài, nhưng Ngài cũng hành động trong chúng ta đến mức mà chúng ta có thể chiếm hữu được một phẩm chất đặc biệt. Đây là những điều mà Thánh Linh đang hình thành trong chúng ta qua mọi hoàn cảnh Đức Chúa Trời cho phép, và đây là điều được gọi là đá quí. Thế thì nếu chỉ có tri thức và giáo lý suông thì ích lợi gì? Chỉ có điều gì Thánh Linh nung đốt trong chúng ta thì mới có giá trị. Chỉ khi nào một Cơ-đốc-nhân nhận được một điều gì đó qua sự nung đốt, người ấy mới có thể giảng những điều mình thật sự biết thay vì chỉ dựa trên sách vở. Chỉ có điều gì được Thánh Linh nung đốt tạo thành bên trong chúng ta mới là đá quí. Nếu không, chỉ là gỗ, cỏ khô và rơm rạ mà thôi.
Đôi khi ngồi trước mặt một người cao tuổi, chúng ta cảm thấy người ấy thật là một người đã bước đi với Chúa. Trong người ấy có một sự sống đã trở nên nét đặc trưng của người ấy một cách rất rõ rệt; sự sống ấy đã trở thành bản chất đặc biệt của người ấy. Chúng ta chỉ có thể cúi xuống trước mặt người ấy. Có thể những người khác có một chức vụ lớn lao hơn và có những người gánh những trách nhiệm to tác hơn nhưng người này lại có sự sống dư dật; một điều gì đó đã thành hình bên trong người bởi Thánh Linh. Người ấy là một viên đá quí. Trước sự hiện diện của một người như vậy, chúng ta chỉ có thể cúi xuống và nói: “Chúng tôi ước ao mình cũng có được một điều gì đó cảm thúc [người khác] như vậy, đụng chạm [người khác] như vậy”. Không phải lời nói cảm thúc và đụng chạm người khác, nhưng là một điều gì đó đã trải qua lửa.
Trong Giê-ru-sa-lem Mới có những đá quí. Không có đá quí, Giê-ru-sa-lem Mới không hình thành được. Đức Chúa Trời cần đá quí. Ngài cần một nhóm người bày tỏ phẩm chất của đá quí. Ôi, nguyện Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta khỏi tình trạng nông cạn! Chỉ có điều gì Thánh Linh hành động trong đời sống chúng ta mới có giá trị hay ích lợi mà thôi.
Câu 21 tiếp tục: “Mười hai cổng bằng mười hai viên ngọc trai; mỗi cổng là một viên ngọc trai riêng”. Giê-ru-sa-lem Mới không chỉ bao gồm vàng ròng và đá quí, nhưng còn có ngọc trai. Ngọc trai không được hình thành do sự nung đốt; chúng là kết quả do sự hình thành tiệm tiến trong một sinh vật thuộc biển sau khi nó bị thương. Vì vậy, ý nghĩa của ngọc trai là sự sống phát sinh từ sự chết. Ngọc trai chỉ về sự sống do Chúa Giê-su tuôn đổ trong sự chết của Ngài theo phương diện không phải là để cứu chuộc.
Ma-thi-ơ chương 13 cũng nói về một viên ngọc trai. Viên ngọc này chỉ về điều gì? Viên ngọc ấy chỉ về hội-thánh, mà Chúa đã hình thành từ sự chết của Ngài. Ngài vui lòng bán tất cả những gì Ngài có để mua viên ngọc trai này. Ngọc trai chỉ về điều gì tích cực, không có tính cách thụ động hay tiêu cực. Ấy là hội-thánh, là con người mới, mà Đức Chúa Trời ao ước tạo dựng. Trong một con người mới như vậy, không có vấn đề tội lỗi, cũng không có vấn đề cứu chuộc. Ngài muốn bán tất cả để có được viên ngọc trai này. Điều này cho chúng ta thấy sự sống hoàn toàn ra từ Đấng Christ quí báu biết bao. Viên ngọc trai ấy quí báu đối với Đức Chúa Trời và quí báu đối với Đấng Christ biết bao!
Trong Giê-ru-sa-lem Mới, ngọc trai có chức năng là những cánh cổng của thành phố. Điều này có nghĩa là mọi điều của Đức Chúa Trời bắt đầu từ đây. Nói cách khác, để con người có được sự sống trước mặt Đức Chúa Trời, sự sống không phải là điều gì của con người, nhưng ra từ sự chết của Đấng Christ, của phương diện không phải để cứu chuộc của sự chết Đấng Christ.
1 Cô-rin-tô 3:12 nói rằng kiến ốc thuộc linh cần phải có những vật liệu là vàng, bạc, đá quí, chứ không phải là gỗ, cỏ khô hay rơm rạ. Trong 1 Cô-rin-tô chương 3 có vàng, bạc và đá quí; nhưng trong Sáng-thế Ký chương 2, trong vườn Ê-đen, có vàng, đá quí và ngọc trai — không có bạc. Trong Khải-thị chương 21, trong Giê-ru-sa-lem Mới, một lần nữa lại có vàng, đá quí và ngọc trai; không có bạc tại đó. Điều này có ý nghĩa gì? Vàng, đá quí và ngọc trai, cả ba điều này đều được tìm thấy cả trong vườn Ê-đen lẫn trong Giê-ru-sa-lem Mới. Điều ấy nghĩa là vàng, đá quí và ngọc trai có từ cõi đời đời đến cõi đời đời.
Trong cõi đời đời Đức Chúa Trời không hoạch định có bạc, vì bạc tượng trưng cho sự cứu chuộc. Đức Chúa Trời biết con người sẽ phạm tội và cần được cứu chuộc, nhưng đây không phải là kế hoạch đời đời của Ngài. Trong công tác của Đức Chúa Trời có sự cứu chuộc, nhưng trong mục đích đời đời của Ngài không có sự cứu chuộc. Vì vậy, về phương diện này, Giê-ru-sa-lem Mới cũng giống như vườn Ê-đen — không có bạc. Điều này nghĩa là trong cõi tương lai đời đời, chúng ta sẽ được đem đến chỗ không có dấu vết tội lỗi. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta không thể lơ là hay xem nhẹ bạc. Ngày nay, nếu có ai nghĩ mình không cần đến bạc, người ấy phải cầu xin Đức Chúa Trời thương xót mình. Chúng ta không thể tiếp tục tiến lên nếu không có bạc. Nếu không có bạc, chúng ta không có sự cứu chuộc và không thể làm gì cả. Nhưng sự cứu chuộc không có phần trong mục đích của Đức Chúa Trời. Trong Giê-ru-sa-lem Mới chúng ta không thể tìm ra bạc. Qua điều này chúng ta thấy Đức Chúa Trời sẽ xóa sạch toàn bộ lịch sử tội lỗi, vì sự cứu rỗi không bao hàm trong thành phố ấy. Trong Giê-ru-sa-lem Mới con người không còn cần sự cứu chuộc vì họ sẽ không phạm tội nữa. Đức Chúa Trời sẽ đem chúng ta đến một chỗ vững chắc mà chúng ta không thể lại sa ngã nữa. Có một sự sống bên trong chúng ta không liên quan gì đến tội lỗi và không cần gì đến sự cứu chuộc. Sự sống ấy ở trong chúng ta đến từ Đấng Christ và là chính Đấng Christ. Vì chính Đấng Christ không cần sự cứu chuộc, nên chúng ta là những người có một phần của sự sống Ngài, cũng sẽ không cần sự cứu chuộc nữa. Như vậy, trong cõi đời đời, không cần có bạc.
Tạ ơn Đức Chúa Trời vì hôm nay chúng ta có sự cứu chuộc. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì mặc dầu chúng ta phạm tội, huyết của Chúa Giê-su Christ Con Ngài, tẩy sạch mỗi một tội của chúng ta. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã chia sẻ sự sống của Con Ngài cho chúng ta, một sự sống mãi mãi không cần sự cứu chuộc. Một ngày kia chúng ta sẽ sống hoàn toàn nhờ sự sống này và lịch sử tội lỗi sẽ qua đi mãi mãi. Bạc cứu chuộc sẽ không còn công dụng gì nữa.
Chúng ta phải thấy sự sa ngã không nằm trong mục đích của Đức Chúa Trời, sự cứu chuộc không nằm trong mục đích của Ngài, và ngay cả vương quốc cũng không ở trong mục đích ấy. Sự sa ngã không ở trong mục đích của Đức Chúa Trời; đó là một điều xảy ra trên bước đường tiến tới. Sự cứu chuộc không nằm trong mục đích của Đức Chúa Trời; đó chỉ là giải đáp để đối phó với sự sa ngã. Và vương quốc cũng không nằm trong mục tiêu của Đức Chúa Trời vì đó cũng là giải pháp dành cho sự sa ngã. Vì sự sa ngã nên mới có sự cứu chuộc và vì sự sa ngã nên mới có vương quốc. Tất cả những điều này chỉ là biện pháp cứu vãn, chứ không nằm trong mục đích của Đức Chúa Trời. Dầu vậy, chúng ta không bao giờ xem nhẹ sự cứu chuộc và vương quốc. Nếu không có sự cứu chuộc thì không có cách nào giải quyết nan đề sa ngã. Nếu không có vương quốc thì làm sao có thể giải quyết được vấn đề sa ngã? Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhớ rằng Đức Chúa Trời không tạo nên con người để họ phạm tội. Ngài tạo nên họ vì vinh quang của Ngài. Con đường này thẳng tắp; con đường thiên thượng này thẳng tắp.
Khải-thị 21:21 cũng nói: “Đường của thành phố bằng vàng ròng, giống như thủy tinh trong suốt”. Con đường là phương tiện giao thông, và vì con đường của thành phố này bằng vàng ròng, người đi trên con đường này không bao giờ bị dơ bẩn. Ngày nay những ai đã tắm chỉ cần rửa chân (Giăng 13:10) để duy trì mối tương giao với Đức Chúa Trời. Khi đang đi trên đường đời, chúng ta không thể tránh khỏi bụi bặm, và vì vậy mối tương giao giữa chúng ta với Chúa bị ngăn trở. Nhưng vào ngày ấy, không gì có thể làm dơ bẩn chúng ta; không điều gì có thể ngăn trở sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Trong cõi đời đời, không điều gì có thể làm ô uế chúng ta; tất cả sự sống và đời sống của chúng ta sẽ thánh khiết.
Phần cuối câu 21 nói rằng thành phố “như thủy tinh trong suốt”. Tình trạng của chúng ta ngày nay có biết bao nhiêu điều không trong suốt! Nhưng trong tương lai, dưới sự hiện diện của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều sẽ trong suốt. Dầu vậy, hôm nay, chúng ta không nên có nhiều chỗ che giấu và nhiều bức màn. Chúng ta không nên giả vờ sống giống Chúa trước mặt con người để được họ khen ngợi. Sự giả hình, giả vờ và những bức màn — đều là những điều không trong suốt. Khi tình trạng thật của chúng ta không tốt nhưng chúng ta giả vờ là tốt, đó là chúng ta không trong suốt. Nhiều lần lời nói và hành động của chúng ta thật không tự nhiên. Chúng ta bắt chước người khác trong cách nói, trong hành vi và trong cách chúng ta làm việc. Trong rất nhiều điều, chúng ta bắt chước người khác thay vì sống thật con người mình. Như vậy là không trong suốt. Tất cả những gì giả tạo và bắt chước đều không trong suốt. Chắc chắn chúng ta không cần sống trước mặt Đức Chúa Trời bằng bất cứ sự thánh khiết nhân tạo nào. Chúng ta phải nhớ rằng tình trạng thuộc linh thật sự là vác thập tự giá. Sự thánh khiết đầy tính chất nô lệ không phải là sự thánh khiết của Thánh Linh. Mọi sự đóng kịch và mọi điều giả tạo đều phải bị loại bỏ.
Vì vậy, chúng ta cần xưng nhận nhiều điều. Giữa vòng các anh chị em, chúng ta cần học xưng tội với nhau và không che đậy tội lỗi của mình. Bất cứ khi nào phạm tội nghịch với người khác, chúng ta không nên cố gắng dùng lý luận để xua tan, mà nên xưng tội. Mọi Cơ-đốc-nhân ngày nay nên trong suốt, vì vào ngày ấy, trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ phải hoàn toàn trong suốt. Con đường trong Giê-ru-sa-lem Mới trong suốt như thủy tinh. Tại đó mọi sự đều có thể nhìn thấy. Vì trong ngày ấy sẽ như vậy nên chúng ta cần phải học tập để trở nên những người như thế — những con người thật, những người trong suốt, những người không bao giờ đóng kịch giả vờ có điều mình không có.
ĐỀN THỜ VÀ ÁNH SÁNG CỦA THÀNH THÁNH
Câu 22 nói: “Trong đó tôi không thấy đền thờ nào, vì Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, và Chiên Con đều là đền thờ của thành”. Những từ ngữ này quí báu cách đặc biệt. Chúng ta biết rằng tại Giê-ru-sa-lem trong Cựu Ước có một đền thờ. Vào thời ấy, bất cứ khi nào loài người muốn tương giao với Đức Chúa Trời, họ phải đi đến đền thờ. Đền thờ là nơi dành riêng cho Đức Chúa Trời, và loài người phải đi đến đó để tương giao với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong Giê-ru-sa-lem Mới sẽ không có đền thờ, vì Đức Chúa Trời và Chiên Con là đền thờ của thành thánh. Điều này có nghĩa là sự tương giao giữa Đức Chúa Trời và loài người vào ngày ấy sẽ thân mật và trực tiếp, mặt đối mặt. Loài người không còn cần phải đi đến một nơi ấn định để tương giao với Đức Chúa Trời.
Trong Cựu Ước có một bức màn trong đền thờ. Không một ai có thể vượt qua bức màn ấy và bước vào sự hiện diện của Ngài ngoại trừ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, và chỉ mỗi năm một lần. Ngày nay trong hội-thánh, bức màn đã bị xé ra. Bây giờ tất cả chúng ta có thể vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài trong linh và trong sự chân thật. Nhưng vào ngày ấy, Đức Chúa Trời và Chiên Con là đền thờ của thành thánh. Chúng ta sẽ không phải đi đến với Đức Chúa Trời; Ngài sẽ hiện diện ngay nơi chúng ta ở. Ngày nay chúng ta đến với Đức Chúa Trời, nhưng vào ngày ấy, chúng ta sẽ sống trong sự hiện diện của Ngài. Đức Chúa Trời và Chiên Con là đền thờ của thành thánh. Vì vậy, ngày nay, nếu không học tập sống trong Nơi Chí Thánh, chúng ta là những người ngu dại nhất. Hiện nay bức màn đã bị xé ra, và chúng ta có thể vào Nơi Chí Thánh cách dạn dĩ. Chúng ta đừng ở bên ngoài nữa.
Câu 23 nói: “Thành ấy không cần mặt trời hay mặt trăng soi sáng, vì vinh quang của Đức Chúa Trời sáng tỏa, và Chiên Con là đèn của thành”. Phân đoạn này liên kết với câu trước nói về đền thờ. Đức Chúa Trời và Chiên Con là đền thờ của thành, và vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng thành ấy. Vì vậy, không cần mặt trời hay mặt trăng chiếu sáng nữa. Chúng ta biết trong đền thờ Cựu Ước, sân ngoài được mặt trời và mặt trăng soi sáng, và Nơi Thánh được soi sáng nhờ ánh sáng của đèn. Nhưng trong Nơi Chí thánh không có cửa sổ; ánh sáng mặt trời và mặt trăng không thể chiếu vào. Cũng không có đèn như trong Nơi Thánh. Vinh quang của Đức Chúa Trời cung cấp ánh sáng tại đó. Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem Mới không được soi sáng nhờ mặt trời hay mặt trăng, nhưng nhờ vinh quang của Đức Chúa Trời. Điều này bày tỏ rằng cả thành sẽ là Nơi Chí Thánh. Hội-thánh trong tương lai sẽ trở nên Nơi Chí Thánh.
“Chiên Con là đèn của thành”. Vinh quang của Đức Chúa Trời là ánh sáng và Chiên Con là đèn. Điều này cho chúng ta thấy tại Giê-ru-sa-lem Mới vẫn có một điều gì gián tiếp. Đức Chúa Trời là sự sáng sẽ chiếu qua Chiên Con là đèn. Điều này không chỉ về sự cứu chuộc nhưng bày tỏ cho chúng ta rằng không ai có thể biết Đức Chúa Trời cách trực tiếp. Nếu có ai muốn biết Đức Chúa Trời, người ấy phải biết Ngài qua Chiên Con — điều này vẫn đúng, ngay cả trong cõi đời đời. Chỉ nhờ Đấng Christ con người mới biết Đức Chúa Trời. Không có đèn chúng ta không có ánh sáng; cũng vậy, không có Đấng Christ chúng ta không thể thấy Đức Chúa Trời. Bất kể là môi trường nào, Đức Chúa Trời vẫn ở trong ánh sáng không thể đến gần được. Chỉ khi ở trong Đấng Christ, chúng ta mới thấy được Đức Chúa Trời.
Câu 24 nói: “Các quốc gia sẽ bước đi bằng ánh sáng của thành ấy; các vua trên đất sẽ đem vinh quang họ vào đó”. Ở đây chúng ta nên lưu ý một điều. Tất cả những người mà Đức Chúa Trời đã có được từ thời các tổ phụ, thời luật pháp và thời ân điển sẽ trở thành cô dâu được trình diện cho Đấng Christ trong ngày ấy. Tất cả mọi người còn sống vào cuối thời kỳ vương quốc và những ai không bị Sa-tan lừa dối sẽ được chuyển thành dân của trái đất mới. Những người này là các quốc gia được đề cập trong câu 24. Tất cả những ai đang sống trong thành phố sẽ có thân thể phục sinh; họ là các con trai và các vua. Tuy nhiên, những ai ở trên trái đất mới vẫn có một thân thể thịt và huyết; họ là dân chúng và các quốc gia trên đất. Các vua của trái đất là những người cai trị các quốc gia.
Trong thời Cựu Ước, đền tạm được sắp đặt ở ngay trung tâm của doanh trại dân Y-sơ-ra-ên. Ba chi phái ở phía đông, ba ở phía tây, ba ở phía nam và ba ở phía bắc. Điều này được ghi lại trong sách Dân-số Ký. Vị trí của Giê-ru-sa-lem Mới tương tự với đền tạm của Đức Chúa Trời. Tường thành có ba cổng ở mỗi hướng: ở hướng đông, tây, nam và bắc — tổng cộng có mười hai cổng. Vì mười hai chi phái ở chung quanh đền tạm, các quốc gia cũng ở chung quanh Giê-ru-sa-lem Mới. Sự kiện các quốc gia sẽ “bước đi” nhờ ánh sáng của thành nghĩa là các quốc gia trên đất sẽ đến Giê-ru-sa-lem Mới, và họ đi đến đó được là nhờ ánh sáng của thành phố.
“Vinh quang” mà các vua sẽ đem đến chỉ về vinh quang thuộc về các vua trên đất. Họ sẽ dâng cho thành phố vinh quang của địa phận họ. “Vinh quang” ở đây có cùng ý nghĩa với “vinh quang” trong Sáng-thế Ký 31:1, có nghĩa là thổ sản tốt nhất của đất. Nói cách khác, tại trái đất mới, các vua của trái đất sẽ đem sản vật tốt nhất của địa phương họ và dâng lên như quà tặng cho thành thánh.
Khải-thị 21:25 nói: “Cổng thành không bao giờ đóng vì tại đó sẽ không có ban đêm”. Sự kiện cổng không đóng vào ban ngày bày tỏ rằng tại trời mới đất mới vẫn sẽ có sự khác biệt giữa ngày và đêm. Các quốc gia có thể đến thành phố vào thời điểm ban ngày của họ. Nhưng “tại đó sẽ không có ban đêm” — trong thành phố sẽ không có ban đêm. Vì tất cả mọi người sống trong thành phố đều có thân thể phục sinh nên họ sẽ không cảm thấy mệt mỏi; họ có thể hầu việc Đức Chúa Trời thường xuyên cả ngày lẫn đêm.
Câu 26 nói: “Họ sẽ đem vinh quang và sự tôn trọng của các quốc gia vào đó”. Câu này chỉ về các vua trong câu 24. Các vua của trái đất không những sẽ đem vinh quang của họ vào thành, nhưng họ cũng sẽ đem vinh quang và sự tôn trọng của các quốc gia vào đó.
Câu 27 nói: “Những gì tầm thường và người nào làm điều gớm ghiếc và nói dối sẽ không thể vào đó, nhưng chỉ những người có tên trong sách sự sống của Chiên Con”. Những gì thuộc về con người và mọi điều thuộc xác thịt là tầm thường. Vì vậy, bất cứ điều gì thuộc về con người và xác thịt không thể vào trong thành. Chỉ có những gì thuộc về Đấng Christ và Thánh Linh mới vào được; ngoài ra không điều gì có thể vào thành. “Người làm điều gớm ghiếc” trong Kinh-thánh đặc biệt chỉ về thờ hình tượng, và người “nói dối” chỉ về mối liên hệ với Sa-tan, vì sự dối trá ra từ Sa-tan. Những ai có liên hệ với sự thờ hình tượng hay tội lỗi không thể vào trong thành. Chỉ những ai có tên viết trong sách sự sống của Chiên Con mới có thể bước vào.
Trong trời mới, đất mới sẽ chỉ có hai loại dân cư. Trước hết, có những người đã được cứu nhờ huyết — họ sẽ ở trong thành và có tên viết trong sách sự sống. Kế đến, có những người từ vương quốc một ngàn năm được chuyển vào — họ tiếp tục sống và trở thành dân cư của của trái đất mới. Tên họ cũng được viết trong sách sự sống, nhưng họ không sống trong thành. Họ chỉ được vào ra trong thành mà thôi.
SÔNG NƯỚC SỰ SỐNG VÀ CÂY SỰ SỐNG
Chúng ta chưa nhìn thấy điều Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ cho chúng ta tại điểm cuối cùng. Các câu 22:1-2 nói: “Người chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, sáng như thủy tinh, bắt nguồn từ ngai Đức Chúa Trời và ngai của Chiên Con ở giữa con đường của thành. Hai bên bờ sông là cây sự sống, sinh ra mười hai loại trái, mỗi tháng đều ra trái; và lá cây để chữa lành cho các quốc gia”. Tại đây chúng ta được nhắc nhở đến Khải-thị 2:7: “Người nào đắc thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Lạc viên của Đức Chúa Trời”. Cây sự sống được trồng trong Lạc viên của Đức Chúa Trời. Vì cây sự sống ở trong thành này, nên chúng ta biết Giê-ru-sa-lem Mới là Lạc Viên của Đức Chúa Trời.
Chúng ta nhớ lại sách Sáng-thế Ký, Đức Chúa Trời tạo dựng người nam là biểu tượng của Đấng Christ và người nữ là biểu tượng của hội-thánh mà Ngài ước ao có được trong Sáng-thế Ký chương 2. Sau đó, Đức Chúa Trời đặt hai vợ chồng trong vườn Ê-đen. Như vậy, chúng ta có người nam, người nữ và khu vườn. Thế rồi trong Sáng-thế Ký chương 3 con rắn đã đến và họ sa ngã; hậu quả là Đức Chúa Trời đuổi họ ra khỏi khu vườn ấy. Trong Khải-thị chương 21, chúng ta thấy ai trong Giê-ru-sa-lem Mới? Tại đó có Chiên Con, tức Đấng mà A-đam tượng trưng trong Sáng-thế Ký chương 2; Ngài hoàn toàn vì Đức Chúa Trời. Cũng có vợ của Chiên Con mà Ê-va là biểu tượng trong Sáng-thế Ký chương 2; nàng hoàn toàn vì Đấng Christ. Giê-ru-sa-lem Mới là vợ của Chiên Con và cũng là Lạc viên của Đức Chúa Trời. Trong Sáng-thế Ký chương 2 có ba hữu thể, đó là A-đam, Ê-va và khu vườn. Nhưng trong Khải-thị chương 21 và 22, chỉ còn hai mà thôi, đó là Chiên Con và thành thánh. Thành thánh là cô dâu và cũng là Lạc viên; người nữ và Lạc Viên đã trở nên một. Người nữ trong Sáng-thế Ký có thể bị đuổi đi, trong khi người nữ ở cuối sách Khải-thị không bao giờ có thể bị đuổi đi nữa.
Vài người có thể lo xa hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra trong cõi đời đời? Nếu ma quỉ lại đến nữa thì sao, rồi khi ấy chúng ta sẽ làm gì?” Chúng tôi có thể trả lời rằng điều ấy không bao giờ lại có thể xảy ra được, vì trong cõi đời đời chính Đức Chúa Trời sẽ ở trong thành thánh. Ngợi khen Đức Chúa Trời! Ngài đã lập một khu vườn trong Sáng-thế Ký, một khu vườn không có tường và không được canh giữ cẩn thận. Vì vậy, con rắn và tội lỗi có thể len vào. Nhưng cuối cùng Đức Chúa Trời có được một cái thành để bảo vệ. Thành này mãi mãi không bao giờ có thể vướng vào một sự sa ngã nào. Người nữ và Lạc viên kết hợp chặt chẽ với nhau đến nỗi không điều gì có thể phân cách được. Do đó, người nữ này không cách nào có thể bị đuổi ra. Câu 22:1 nói về sông nước sự sống ở giữa con đường của thành. Trong Sáng-thế Ký có bốn con sông, hai con sông trong số đó luôn luôn áp bức con cái của Đức Chúa Trời. Ba-by-lôn được xây dựng trên sông Bi-sôn, và Ni-ni-ve được xây dựng trên sông Hi-đê-ke. Con cái Đức Chúa Trời luôn luôn bị bắt bớ bởi hai con sông này. Nhưng trong Giê-ru-sa-lem Mới chỉ có một dòng sông — sông nước sự sống. Dòng sông này ban sự sống và niềm vui cho con người. Thi-thiên 46:4 nói: “Có một con sông, dòng nước nó làm vui thành của Đức Chúa Trời, là nơi thánh của nơi ở của Đấng Tối Cao”. Dòng sông này đặc biệt đem lại sự vui mừng cho Đức Chúa Trời. Nước của dòng sông này “bắt nguồn từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con”. Từ ngữ “ngai” ở số ít vì Đức Chúa Trời và Chiên Con ngồi trên cùng một ngai. Điều này có nghĩa là sự trị vì của Đấng Christ là sự trị vì của Đức Chúa Trời.
Câu 2 nói: “Hai bên bờ sông có cây sự sống, sinh mười hai loại trái, mỗi tháng đều ra trái”. Một lần nữa, số mười hai được sử dụng. Cây kết mười hai loại trái và mỗi tháng ra trái một lần có nghĩa là gì? Đây là một cách nói rằng mọi sự đều được thỏa mãn, và sự thỏa mãn này kéo dài đến đời đời. Mỗi tháng đều có sự sống. Trong cõi đời đời, chúng ta sẽ tiếp tục biết Đấng Christ và tiếp tục nhận lãnh sự sống của Chúa mà không bị gián đoạn
— sẽ không có một tháng nào mà không có trái cây. Điều ấy nghĩa là sẽ không có tình trạng suy giảm. Ngày nay chúng ta thấy một điều rất buồn, đó là sự đánh giá loài người như Kinh-thánh bày tỏ. Con người từ hai mươi tuổi đến sáu mươi tuổi được kể là có một giá trị nào đó, nhưng những người trên sáu mươi tuổi bị xem là kém giá trị hơn (Lêv. 27:3,7). Đây là sự suy giảm, nhưng trong cõi đời đời không có sự suy giảm. Sẽ có sự sống mới và trái cây mới mỗi tháng.
Tuy nhiên, trước khi Giê-ru-sa-lem Mới xuất hiện, chúng ta cần tìm kiếm một kinh nghiệm mới mẻ về sự sống mỗi tháng. Một kinh nghiệm đặc biệt mà chúng ta có cách đây hai mươi năm thì không còn tươi mới nữa, cũng không thể giúp ích gì cho chúng ta hôm nay. Kinh nghiệm cách đây năm năm cũng không còn tươi mới hay giúp ích gì cho chúng ta cả. Chúng ta không thể sống bằng trái cây sự sống của những tháng trước đây. Mỗi tháng chúng ta phải tiếp tục có trái cây tươi mới. Trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhận được sự sống liên tục; chúng ta phải nhận lãnh Đấng Christ. Không những chúng ta cần trái cây mỗi tháng mà còn cần loại trái cây khác nhau mỗi tháng. Trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta không thể thỏa mãn khi chỉ hưởng một chút ít, một phần nào đó mà thôi. Chúng ta phải học biết Chúa theo nhiều phương diện; chúng ta phải kết đủ loại trái.
Câu 2 tiếp tục: “Và lá cây để chữa lành cho các dân”. Trái tượng trưng cho sự sống; lá, tức áo của cây, tượng trưng cho hành vi bên ngoài. Chúa Giê-su rủa sả cây vả vì nó chỉ có lá mà không có trái. Nó chỉ có hành vi bên ngoài mà không có sự sống bên trong. Trong trời mới và đất mới, dân chúng các nước sẽ không có tội lỗi, không có sự chết, không đau đớn, không có sự rủa sả và cũng không còn có các quỉ nữa. Nhóm người này, tức là các quốc gia, sẽ tiếp tục sống trên đất với thành thánh ở giữa họ. Được chữa lành bằng lá cây của Chúa Giê-su nghĩa là hành vi của Chúa Giê-su sẽ là gương mẫu cho họ. Chúng ta sẽ nhận được các trái của cây sự sống, và họ sẽ nhận được lá. Bằng cách noi theo hành vi của Chúa Giê-su, họ sẽ có thể sống mãi trong sự thịnh vượng; như vậy, các quốc gia sẽ sống với nhau trong hòa bình và phước hạnh.
Trong những câu này, con đường, sông nước sự sống và cây sự sống được liên kết với nhau. Trong Giê-ru-sa-lem Mới, bất cứ nơi nào tìm thấy con đường, anh em sẽ tìm thấy sông nước sự sống, và bất cứ nơi nào tìm thấy sông nước sự sống, anh em sẽ tìm thấy cây sự sống. Nói cách khác, bất cứ nơi nào có sinh hoạt, sẽ có sông nước sự sống và cây sự sống. Điều này có nghĩa là khi chúng ta học tập bước theo Chúa, tất cả hành vi chúng ta nên bao gồm sông nước sự sống và cây sự sống. Khi ấy mọi sự sẽ tốt đẹp. Con đường là phương tiện để dân chúng đi đây đó. Để có thể chuyển động, chúng ta cần lấy cây sự sống làm nền tảng cho mọi sinh hoạt của mình, chứ không phải cây kiến thức về điều thiện và ác. Khi sự sống trong chúng ta phát sinh ra hoạt động, thì kết quả sẽ tuôn tràn nước sự sống trong Linh. Sự tuôn tràn sự sống là con đường của chúng ta, là lối đi của chúng ta. Nếu sự sống của Chúa Giê-su không chuyển động trong chúng ta, đơn giản là chúng ta không thể đi được. Nếu không có sự sống của Chúa và nếu không có sự tuôn tràn sông nước sự sống trong Linh, chúng ta không thể chuyển động được. Nếu chúng ta đánh giá một phương hướng hành động nào là tốt hay xấu theo sự khôn ngoan riêng của mình, chúng ta đang trồng cây kiến thức về điều thiện và ác, không phải cây sự sống. Nhưng nếu chúng ta hành động theo sự chuyển động của sự sống bên trong, kết quả nước sự sống sẽ tuôn chảy đến người khác. Tất cả những điều này liên kết với nhau. Mọi công việc của Đức Chúa Trời dựa trên cây sự sống và kết quả là sông nước sự sống.
ĐỜI ĐỜI MÃI MÃI
Câu 3 nói: “Sẽ không còn sự rủa sả nữa”. Cảm tạ Đức Chúa Trời, Sáng-thế Ký chương 3 sẽ hoàn toàn qua đi và sẽ không còn sự rủa sả nữa. Mọi điều được giới thiệu trong Sáng-thế Ký chương 3 có thể tóm lại trong một lời, đó là “rủa sả”. Ngay cả sự chết cũng là một loại rủa sả. Tuy nhiên, trong trời mới và đất mới sẽ không còn sự rủa sả, cũng không còn sự chết. Toàn bộ lịch sử tội lỗi sẽ qua đi; con người sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời cách tốt đẹp.
Câu ba tiếp tục: “Ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong đó”. Tình hình ở đây không giống như Sáng-thế Ký chương 3, là nơi Đức Chúa Trời đi dạo trong vườn vào lúc trời mát mẻ. Ở đây, Đức Chúa Trời đang trị vì; chính ngai của Ngài được đặt tại đây. Bây giờ khu vườn đã trở nên cái thành, là nơi Đức Chúa Trời ngự trên ngai. “Các nô lệ của Ngài sẽ hầu việc Ngài”. Các nô lệ của Đức Chúa Trời sẽ làm gì trong cõi đời đời? Họ sẽ hầu việc Ngài. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng trong cõi đời đời mình không có gì để làm. Không, chúng ta sẽ mãi mãi làm nô lệ của Ngài để hầu việc Ngài.
Câu 4 nói: “Và họ sẽ được thấy mặt Ngài, và danh Ngài sẽ ở trên trán họ”. Tất cả mọi công việc chúng ta làm cho Chúa phải được hướng dẫn bởi sự tương giao. Sự hầu việc Chúa thật sự phải ở trong sự tương giao. Chỉ hầu việc không thì chưa đủ, cần phải có sự tương giao. Họ sẽ hầu việc Ngài và họ sẽ thấy mặt Ngài. Ôi, biết bao lần khi chưa gặp mặt Đức Chúa Trời, chúng ta đã làm công việc của Ngài rồi. Nhưng tôi phải nói rằng chúng ta chỉ có thể làm công việc của Đức Chúa Trời sau khi chúng ta đã gặp Ngài. Chúng ta không nên làm công việc và thường xuyên hối tiếc — đây không phải là sự tương giao. Nguyện Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta khỏi bất cứ sự hầu việc nào mà không phải là kết quả từ sự tương giao, và nguyện Ngài cứu chúng ta khỏi tình trạng hoàn tất một công tác nào mà không thể tương giao sau khi đã hoàn thành. Chúng ta đừng bao giờ cảm thấy hãnh diện, tự mãn, tự thấy là đủ khi làm xong công tác. Nguyện Đức Chúa Trời cứu chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mọi loại hầu việc không phát xuất từ sự tương giao và không ở trong sự tương giao. Nguyện Ngài làm cho chúng ta có thể ở trong sự tương giao ngay cả sau khi chúng ta đã hoàn thành công tác. Các đầy tớ của Đức Chúa Trời không chỉ tương giao với Ngài, nhưng “danh Ngài sẽ ở trên trán họ”. Đây là lời chứng của họ; đây là điều mà những ai nhìn xem họ sẽ thấy. Mọi người sẽ biết những người này là dân của Đức Chúa Trời.
Câu 5 nói: “Sẽ không còn ban đêm nữa; và họ không cần ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ chiếu sáng họ”. Đêm đã qua đi trong thành phố này. Đèn là ánh sáng nhân tạo, mặt trời là ánh sáng thiên nhiên. Tất cả công việc của con người và mọi phương tiện thiên nhiên sẽ không còn ích lợi gì cả vì mọi sự đều sẽ được thấy rõ. Ngày nay chúng ta có thể lẫn lộn và không thấy rõ. Thậm chí sau khi hoàn tất một công tác, có thể chúng ta không biết mình đang ở đâu, nhưng vào ngày ấy thì không như vậy.
Mệnh đề cuối câu 5 quan trọng nhất: “Họ sẽ cai trị đời đời, mãi mãi”. Đây là mục đích của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo. Trong Sáng-thế Ký, mục đích của Đức Chúa Trời là con người phải cai trị, và bây giờ Ngài đã đạt được mục đích ấy, đó là con người đang cai trị. Đây không phải là điều nằm trong vương quốc một ngàn năm. Phân đoạn Kinh-thánh này, tức Khải thị chương 21 và 22 không mô tả về vương quốc một ngàn năm, mà là cõi đời đời. Họ sẽ trị vì cho đến cõi đời đời và họ sẽ trị vì mãi mãi. Đức Chúa Trời đã đạt được mục tiêu ban đầu của Ngài.
Đức Chúa Trời muốn con người cầm quyền thống trị trên trái đất và hủy diệt Sa-tan. Bây giờ con người đang trị vì và Sa-tan đã bị ném vào hồ lửa. Mục đích của Đức Chúa Trời dành cho con người mà Ngài tạo dựng đã được thành đạt. Một mặt, Đức Chúa Trời muốn con người giống như chính Ngài, mặt khác, công tác mà Ngài chỉ định cho con người là cai trị. Bây giờ, chúng ta đã thấy một cô dâu — bằng vàng, vinh hiển, và đẹp đẽ — với mọi loại châu báu bên trong. Nàng không thiếu gì cả và không có tì vết, nếp nhăn, hay bất cứ điều gì như vậy. Hơn nữa, nàng thánh khiết và không chỗ trách được. Nàng thật sự mặc lấy vinh quang. Hội-thánh vinh hiển được nói đến trong Ê-phê-sô chương 5 đã được hoàn thành theo cách đó. Những người trong hội-thánh sẽ làm công tác gì? Họ sẽ cai trị đời đời mãi mãi.
Chúng ta có thể nói kế hoạch của Đức Chúa Trời có thể bị ngăn trở, nhưng kế hoạch của Ngài không bao giờ bị chận đứng. Từ buổi sáng tạo, công tác của Đức Chúa Trời đã phải chịu nhiều sự ngăn trở. Thật vậy, dường như công việc của Ngài đang bị hủy phá và kế hoạch của Ngài mãi mãi không bao giờ thành công. Nhưng trong Khải-thị, Đức Chúa Trời đã đạt đến mục đích của Ngài. Có một nhóm người đầy vàng tinh ròng, tức là một điều gì thuộc về Đức Chúa Trời. Họ đầy ngọc trai, tức là công tác của Đấng Christ. Họ đầy dẫy đá quí, tức là công tác của Thánh Linh. Họ sẽ cai trị đời đời mãi mãi.
Bây giờ chúng ta đã thấy mục đích của Đức Chúa Trời và cách Ngài hành động, vậy chúng ta nên làm gì? Chúng ta có nên tổ chức một cuộc nhóm phục hưng không? Chúng ta có nên mở một trường thần học không? Hay chúng ta nên trở về làm công việc nhà như thường lệ? Chúng ta đang làm gì ở đây? Đức Chúa Trời đang thực hiện một điều lớn lao. Khi so sánh công tác của Ngài với công việc của mình, chúng ta cảm thấy mình thiếu hụt biết bao! Nguyện Đức Chúa Trời đầy ân điển đối với chúng ta để sau khi đã thấy một khải tượng như vậy chúng ta sẽ trả giá đầy đủ. Khi nào một người thấy một khải tượng, người ấy sẽ thay đổi. Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một khải tượng về những gì Ngài đang hành động và những gì Ngài đang theo đuổi. Nguyện Ngài bày tỏ cho chúng ta loại người Ngài muốn có và điều mà lòng Ngài nhắm đến là quí báu dường bao. Nếu thấy được những điều này, chúng ta sẽ kêu lên và nói: “Ô, tôi nhỏ bé dường nào! Tôi đã quá chú tâm đến chính mình”. Và chúng ta sẽ nói: “Nếu Đức Chúa Trời không hành động trong tôi, tôi sẽ không bao giờ làm được công việc của Ngài. Chỉ khi nào chính Đức Chúa Trời chuyển động trong tôi với quyền năng mạnh mẽ của Ngài, tôi mới có thể tiến tới cách tốt đẹp được”. Khải tượng lớn lao này phải lật đổ chúng ta, phải làm cho chúng ta thấy tình trạng của mình ngày nay không bao giờ có thể làm thỏa lòng Đức Chúa Trời được. Chúng tôi hi vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta khải tượng này. Một khi thấy khải tượng này, chúng ta sẽ dâng hiến cả con người mình cho khải tượng này; mỗi một phần trong chúng ta sẽ thay đổi. Ngày nay chúng ta đang đứng giữa hai sự chọn lựa — làm một người đắc thắng hay làm một người thất bại. Làm sao chúng ta có thể chểnh mảng trong sự cầu nguyện được? Nếu bỏ qua sự cầu nguyện, chúng ta sẽ không bao giờ làm người đắc thắng của Đức Chúa Trời.
Nguyện Chúa Giê-su, Đấng đã sống lại từ trong kẻ chết, là Đấng Chăn Chiên Lớn của bầy, nâng đỡ chúng ta và hướng dẫn chúng ta bằng quyền năng mạnh mẽ của Ngài để từ nay và mãi mãi chúng ta được thuộc về Ngài, mãi mãi hiến dâng cho Ngài, mãi mãi phục vụ Ngài và mãi mãi đi con đường của Ngài. Nguyện Chúa đầy ân điển đối với chúng ta từ bây giờ cho đến đời đời. A-men
 W. N.