Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

NHÂN VẬT THÁNH KINH-54




Lối Rao Giảng Lời Tiêu Hóa Của Công Nhân
-
          Kinh Thánh khải thị Đấng Christ là trí tuệ của Đức Chúa Trời, và Đấng Christ cũng là Đức Chúa Trời. Trí tuệ vô biên phát ngôn Lời vĩnh cửu, mà trong lời ấy (cả lời nhục hóa và lời văn tự) các tư tưởng thần thượng của Đức Chúa Trời được khải thị.
          Đấng Christ là đầu mọi của báu trí tuệ và tri thức. Ngài là nguồn cội mọi tư tưởng thuộc linh, lành mạnh, thần thượng. Các sứ đồ của Đức Chúa Trời như Môise Đavít, Êsai, Phaolô đã lập nền cho mọi tư tưởng của Đức Chúa Trời khải thị cho con người trong kinh thánh. Tất cả tư tưởng của các giảng sư mọi thời đại đều đi đường vòng, không thể nào vượt qua giới hạn các tư tưởng do các tôi tớ Đức Chúa Trời viết ra trong Kinh Thánh. Không một giảng sư, công nhân, nhà cấp dưỡng nào không học hỏi, bắt chước, vay mượn các lời, các tư tưởng của các bậc tiền bối trong Cựu và Tân ước.

          Có hai cực đoan đáng chê trách giữa vòng các công nhân phụng sự lời. Thứ nhất, một số người vì không đủ khả năng học nổi các sứ điệp của các bậc tiền bối và vì bản tánh kiêu ngạo, độc lập, nên họ tuyên bố tự mày mò để rao ra các lời, các tư tưởng hư không, nông cạn, theo trí tưởng tượng, chớ không theo sự chính thống chân truyền của lẽ thật thần thượng. Họ không thích theo dấu chân bầy đi trước. Đó là các giảng sư tự thị, tự mãn cách đui mù.
          Cực đoan thứ nhì, một số công nhân mắc bệnh sùng bái đến mức độ mất trí khôn riêng. Họ chỉ thuộc lòng tài liệu các giảng sư danh tiếng, chớ không thuộc kinh văn, nên ngày đêm luôn miệng trả bài cho hội chúng y như người máy không có tâm trí. Họ luôn nói “ông nầy nói…, ông kia giảng rằng…” chớ không phải “tôi nói điều nầy do đọc Kinh thánh” hay “tôi có ý kiến…”, nên gây ấn tượng khó chịu trên thính giả.
          Khi giảng lời Chúa, anh em chúng ta phải tập hợp nhiều sách vở, cả trong Kinh Thánh và ngoài Kinh Thánh. Thí dụ Phierơ dùng sách Giôên 2, Thi thiên 16, 110 để rao giảng vào lễ ngũ tuần ở sứ đồ 2. Phierơ trích dẫn nguyên văn ba khúc Kinh văn, có sửa chữa áp dung đôi chút trong bài giảng của mình. Giôên 2 : 23 chép: “ai cầu khẩn danh Đức Giêhôva sẽ được cứu”. Phierơ áp dụng Đức Giêhôva Cựu ước cho Chúa Jesus, nên ông sửa lại: “ai cầu khẩn danh Chúa thì được cứu”. Satan rất thông minh quỉ quyệt khi vừa trích dẫn và cắt xén Thi thiên 91, để lạm dụng lời bóp méo đó cám dỗ Chúa Jesus ở Mathiơ 4: Đáng tiếc vì nhiều công nhân hôm nay chỉ giảng lời loài người, rất ít trưng dẫn Kinh Tân Cựu ước và càng không vay mượn lời cùng ý tưởng của các người đi trước. Bài giảng của họ thường không đụng đến nội dung cuộc gia tể của Đức Chúa Trời, không giải bày được các tư tưởng trung tâm thần thượng. Chúa cậy miệng Giêrêmi lên án họ: “chúng nó dạy các ngươi sự hư không, và nói sự hiện thấy giữa lòng mình, chẳng phải bởi miệng Đức Giêhôva”.
          Một nữ công nhân ngụ ý với tôi rằng chị “không nhận Tin Lành ấy nơi người nào, cũng chẳng ai dạy dỗ tôi, nhưng đã nhận được bởi sự khải thị của Jesus Christ” (Gal 1 : 12). Chị ấy có tư tưởng làm người viết Kinh Thánh. Chị châm biếm chúng tôi nghe theo loài người từ ông nầy, ông kia … Sau 20 năm quan sát, tôi thấy chị ấy vẫn chưa ra khỏi tình trạng mày mò tối tăm cộng với sự nhiệt thành cao độ. Chị giẫm chân trong sự tối tăm thực thà của mình!
          Thực ra, chỉ có các tác giả Kinh Thánh mới có đặc quyền đó. Công nhân cung cấp lời, đều phải có lời từ các bậc đi trước, và rao giảng theo sự chính thống của lẽ thật. Lời sinh lời, khải thị cũ sinh khải thị mới, nhưng tất cả không thể vượt quá Kinh Thánh đóng khuôn rồi. Anh em phải rao lời mới, khải thị tươi mới, nhưng tất cả đều ăn khớp trong toàn bộ Kinh Thánh của Đức Chúa Trời và theo các giảng sư thuộc linh, thuần chính xưa nay.
Hỡi các công nhân tự phụ, dốt nát, lười biếng! Anh em hãy dò xem Lamã 9-11, anh em sẽ thấy ông anh Phao lô đã thạo thuộc, đã thông minh trưng dẫn rất nhiều câu từ nguồn Cựu ước cho luận cứ rất hùng biện của mình khi dùng gương mẫu Ysơraên bị loại và phục hồi trong thơ tín Lamã. Đáng lên án các công nhân thiếu học lời Chúa, thiếu căn bản mà dám vỗ ngực xưng mình là giảng sư, là người có chức vụ lời.
          Càng ngày càng khó cho anh em chúng ta giảng lời Chúa. Giảng lời tiêu hóa, lời tri thức do vay mượn lời các sứ đồ thời nay còn tạm dễ, chớ giảng lời khải thị, lời trí tuệ thật rất khó và hiếm hoi khi giữa thời buổi này có nhiều sứ đồ, tiên tri thánh đang đi đầu cung cấp quá dồi dào cho cả hành tinh. Dù vậy chúng ta không hổ thẹn đọc lời các người Đức Chúa Trời đi trước đến mức độ lời ấy cộng với Kinh văn đồng hóa, thấm nhập vào cách suy nghĩ, tâm trí, tri thức, dụng ngữ chúng ta. Ánh sáng từ Mặt Trời Công Nghĩa trong Kinh văn và trong sứ điệp người đi trước khải phát hương sắc khác nhau của từng công nhân có lời Kinh Thánh tiêu hóa.
          Đọc Tân ước và nhất là sách Khải thị, chúng ta thấy có một lối giảng lời tiêu hóa tuyệt vời hơn nữa. Cả bộ Cựu ước chìm sâu trong sách khải thị, mỗi lời, mỗi tư tưởng, khải thị, dị tượng, hình ảnh trong đó đều có sẵn trong kinh cựu ước, nhưng điều đặc biệt là trong sách Khải thị không có một lời nào là lời trích dẫn nguyên văn trực tiếp từ Kinh Cựu ước cả.
          Tôi thấy Phierơ tốt nghiệp lối rao truyền lời tiêu hóa như vậy. Thí dụ I Phi 2 : 3 “Anh em thật đã nếm Chúa là nhân từ”. Đây từ lời trích biến hóa từ Thi 34 : 8 “Khá nếm thử xem Đức Giêhôva tốt lành dường bao”. Còn Phao lô đi xa hơn, tinh vi hơn khi ứng dụng “Đức Giêhôva” hay “Chúa” đó là “ân tứ trên trời”, và là “Phéma tốt lành” (xem Hê 6: 4,5), mà chúng ta từng nếm. Anh em hãy theo gương hai ông anh nầy, để hạn chế câu “ông kia  nói”, khó chịu cho người nghe.
I Phi 2:9 chép “ dòng giống được chọn, chức tế lễ nhà vua, nước thánh, dân thuộc riêng…”. Nào ai biết rằng lời này phản ánh các lời ở Xuất 19:6, khi Đức Giêhôva phán cùng dân Ngài tại Sinai: “các ngươi thuộc riêng về ta… các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, một dân tộc thánh”. Công nhân phải thuộc từ liệu, ngôn ngữ kinh thánh, hầu lời ấy hòa lẫn, nhục hóa trong mình. Đừng kỳ thị chữ dùng của các người đi trước, đó là con đường nghèo ngặt thuộc linh.
Lời tiên tri Ôsê 1:6 – 10 được Phierơ khéo léo áp dụng cho quá khứ và hiện tại của dân được chuộc trong Tân ước, ở 2:10 “anh em trước kia không phải là dân, mà bây giờ là dân của Đức Chúa Trời, trước kia không được thương xót mà bây giờ đã được thương xót”. Phierơ thấy không cần nói lời đó vay mượn từ đâu, chỉ có dụng ý áp dụng đúng chỗ. Vì rao giảng mà không ứng dụng hiện thực cho người nghe là lối giảng hư không, không thu hoạch gì cả.
I Phi 3:14 – 15 là lời trích dẫn tiêu hóa, có chủ đích của Phierơ từ bối cảnh liên hiệp của dân Épraim và dân Syri ở Esai 8:12 – 13 (tham chiếu cả Esai 7 và 8) đại từ “ họ” ( chớ sợ điều họ sợ, cũng đừng bối rối) là ai ở thời Phierơ và thời nay? Theo bối cảnh Êsai 7,8 “ họ” đây là dân tạp kết hiệp dân ngoại gây bắt bớ thánh đồ. Phierơ nhường sự tìm tòi và ứng dụng cho chúng ta. Ông chỉ trình bày lời của mình, ý kiến mình, không hề bảo đó là lời của đấng tiên tri, hay lời kinh thánh cựu ước. Tiếc thay nhiều công nhân chỉ giảng lời từ chương, văn tự, chớ không giảng lời Chúa thành hình, nhục hóa trong họ.
Phierơ tiêu hóa lời Chúa nói cùng ông “Ngươi sẽ được gọi là Phierơ” (đá) (Giăng 1:42). Về sau ông nói cách tự nhiên: “anh em cũng như đá sống” (I Phi 2:5). Phierơ chịu ấn tượng mạnh về lời cảnh cáo của Chúa: “Này Satan đòi sàng sảy ngươi như lúa mì” (Lu 22:31). Đó là lý do Phierơ không hề quên khuyên ta cách mạnh mẽ: “Hãy dè giữ, hãy thức canh, kẻ thù anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi ruồng quanh, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được”. Chúa Jésus nói “ đòi sàng sảy”, Phierơ diễn dịch “tìm kiếm người nó có thể nuốt được”. 
Minh Khải—30-9-2016