LỜI NÓI ĐẦU
Bài này là lời nói đầu cho loạt
bài trong Phúc Âm Giăng. Chúng ta cần có một cái nhìn tổng quát về toàn bộ Kinh
Thánh. Trong quá khứ, nhiều lần chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Kinh Thánh bao hàm
hai vấn đề chính – Đấng Christ và Hội thánh. Tuy nhiên, xét dưới góc độ khác,
Kinh Thánh là một cuốn sách về sự sống và sự xây dựng. Đấng Christ là sự sống,
và Hội thánh là một công trình xây dựng. Khi nói về Đấng Christ và sự sống,
chúng ta phải nhận biết rằng Đấng Christ là sự sống và Hội thánh là một công
trình xây dựng. Nếu không nhận biết rằng Đấng Christ là sự sống và Hội thánh là
một công trình xây dựng, thì khi anh em nói lên những từ ngữ này, chúng chỉ là
các thuật ngữ có tính cách giáo lý. Đấng Christ là gì? Đấng Christ là sự sống của
chúng ta (Côl. 3:4). Hội thánh là gì? Hội thánh là công trình xây dựng của Đức
Chúa Trời.
Kinh Thánh rất nhất quán. Nếu đọc
Kinh Thánh với sự thông hiểu và khải tượng thiên thượng, anh em sẽ khám phá ra
rằng Kinh Thánh bắt đầu với sự sống và sự xây dựng. Chúng ta thấy sự sống và sự
xây dựng trong Sáng Thế Ký chương 2. Sự sống được giới thiệu ngay sau khi tạo dựng
con người. Sau khi Chúa [là] Đức Chúa Trời tạo dựng con người, Ngài đặt con người
vào một khu vườn, trước cây sự sống (Sáng. 2:7-9). Sau khi cây sự sống được đề
cập, chúng ta thấy dòng sông tuôn chảy và ba vật liệu quí là vàng, ngọc trai và
mã não, tức đá quí. Theo sự khải thị sâu xa hơn của Kinh Thánh, đặc biệt là Khải
Thị chương 21, những vật liệu quí này dành cho công trình xây dựng của Đức Chúa
Trời. Trong Sáng Thế Ký 2:22 chúng ta thấy sự xây dựng được đề cập đến cách cụ
thể. “Chúa [là] Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy từ người nam, mà dựng nên
một người nữ, rồi đem đến cho người nam” .Đức Chúa Trời lấy một xương sườn từ
hông A-đam và dùng nó dựng nên một người vợ cho ông. Như vậy, người nam được
sáng tạo, nhưng người nữ được dựng nên. Trong Sáng Thế Ký chương 2 chúng ta thấy
sự sống, các vật liệu ra từ dòng sự sống, và sự việc dựng nên một người vợ. Vì
vậy, trong Sáng Thế Ký chương 2 chúng ta có sự sống và sự xây dựng.
Sách Khải Thị cũng nói về sự sống.
Khải Thị 2:7 chép: “Ai có tai, hãy nghe điều Thánh Linh phán cùng các Hội
thánh. Kẻ đắc thắng, Ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong pa-ra-đi của Đức
Chúa Trời”. Điều này chắc chắn liên quan đến cây sự sống trong Sáng Thế Ký
chương 2. Khải Thị 2:17 chép: “Kẻ đắc thắng, Ta sẽ cho ma-na giấu kín, cũng sẽ
cho người một viên đá trắng”. Câu này nói về một viên đá, mà theo Kinh Thánh,
viên đá ấy không nhằm mục đích nào khác hơn là để xây dựng. Trong hai chương cuối
của sách Khải Thị, cũng là hai chương cuối của Kinh Thánh, chúng ta thấy sự xây
dựng Giê-ru-sa-lem Mới. Trong Giê-ru-sa-lem Mới, dòng sông sự sống tuôn chảy và
cây sự sống mọc lên từ những dòng nước của sông sự sống (Khải. 22:1-2). Như vậy,
rõ ràng phần kết thúc của Kinh Thánh giống như phần mở đầu, với sự sống và sự
xây dựng.
Giữa Sáng Thế Ký và Khải Thị, là
phần đầu và phần cuối của Kinh Thánh, có một khoảng trống lớn, một khoảng cách
lớn. Đâu là cây cầu bắc ngang qua khoảng trống này? Chiếc cầu ấy là Phúc Âm
Giăng. Sách Giăng mở đầu với lời này: “Ban đầu”. Tuy nhiên, nếu đọc Phúc Âm này
cách cẩn thận, anh em sẽ khám phá lịch sử được ghi lại trong sách này không có
kết thúc. Vì vậy, sách Giăng bắt đầu từ khởi nguyên trong cõi đời đời quá khứ
và tiếp diễn bất tận trong tương lai. Do đó, sách này là cây cầu nối liền Sáng
Thế Ký và Khải Thị.
Chúng ta đã thấy Kinh Thánh bắt đầu
và chấm dứt bằng sự sống và sự xây dựng. Phúc Âm Giăng, là cây cầu nối giữa hai
đầu của Kinh Thánh, cũng là một sách về sự sống và sự xây dựng. Một vài từ ngữ
trong chương đầu tiên của sách Giăng thuyết phục chúng ta về sự thật này. “Ban
đầu có Lời... Trong Ngài có sự sống” (1:1, 4). Phúc Âm Giăng không nói: “Ban đầu
có giáo lý, và trong đó có kiến thức”. Không, sách Giăng nói rằng ban đầu có Lời,
Lời là Đức Chúa Trời, và trong Đấng này, tức trong Lời là Đức Chúa Trời, thì có
sự sống. Vì vậy, chúng ta tìm thấy sự sống trong chương đầu của sách Giăng. Hơn
nữa, cũng trong chương ấy câu 42 nói về một viên đá. Khi Si-môn được em mình là
Anh-rê dẫn đến gặp Chúa, Ngài đặt cho ông một tên mới là Sê-pha, nghĩa là một
viên đá. Trong cùng một chương, chúng ta được biết trong Chúa có sự sống và một
trong những môn đồ của Ngài trở thành một viên đá. Điều này có ý nghĩa gì? Ấy
là sự sống không những làm cho sống lại, sống động và tái sinh, nhưng cũng biến
đổi nữa. Sự sống sẽ biến đổi người tín đồ thành một viên đá.
Mục đích và chức năng của đá được
bày tỏ trong câu 1:51. Chúa nói với Na-tha-na-ên: “Quả thật, quả thật, Ta nói
cùng các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên
xuống trên Con Người”. Người Do-thái ngày xưa biết ý nghĩa của lời này. Đó là sự
ứng nghiệm giấc mơ của Gia-cốp được ghi lại trong Sáng Thế Ký 28:10-22. Trong
giấc mơ ấy Gia-cốp thấy một cái thang dựng trên đất, đầu thang đụng trời và các
thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên đó (Sáng. 28:12). Gia-cốp đặt cho nơi
mình đã nằm mơ là Bê-tên (Sáng. 28:19), nghĩa là “nhà của Đức Chúa Trời”. Trong
đêm Gia-cốp ngủ tại đó, ông dùng một tảng đá làm gối. Sáng sớm hôm sau ông thức
giấc, đổ dầu lên tảng đá, và đặt tên cho nơi ấy là Bê-tên. Chúa Jesus đang liên
hệ đến giấc mơ của Gia-cốp khi Ngài nói chuyện với Na-tha-na-ên. Vì vậy, trong
ánh sáng của tất cả những câu này trong Giăng chương 1, chúng ta có thể thấy
Phúc Âm này liên quan đến sự sống và sự xây dựng.
Chúng ta đã thấy Sáng Thế Ký 2:22
nói về việc dựng nên một người vợ, một cô dâu cho A-đam. Giăng cũng đề cập đến
cô dâu. “Ai có cô dâu là chú rể” (Gi. 3:29, RcV). Ai là cô dâu? Theo Giăng
chương 3, tất cả những người được tái sinh cùng nhau hình thành một cô dâu.
Hơn nữa, Giăng 14:2 chép: “Trong
nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để
sắm sẵn cho các ngươi một chỗ”. Câu này nói rằng Chúa đi để chuẩn bị một chỗ
trong số nhiều chỗ ở trong nhà Cha. Nếu chúng ta yêu Chúa, Ngài cùng với Cha sẽ
đến và lập chỗ ở với chúng ta (14:23). Khi nghiên cứu chương 14 của sách Giăng,
chúng ta sẽ thấy điều này chỉ về sự xây dựng nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời,
là một “kiến ốc” có nhiều chỗ ở. Như vậy, Phúc Âm theo Giăng hoàn toàn là một
Phúc Âm về sự sống và sự xây dựng. Nếu muốn biết ý nghĩa của Kinh Thánh, anh em
không thể bỏ qua Phúc Âm Giăng. Chìa khóa của cả Kinh Thánh nằm trong sách này.
Chúng ta đã thấy Đấng Christ là sự
sống và Hội thánh là một công trình xây dựng. Nhưng sự sống là gì? Nói rằng sự
sống là Đấng Christ và Đấng Christ là sự sống thì đúng. Tuy nhiên, chúng ta phải
nhận biết rằng sự sống là Đấng Christ tức Đức Chúa Trời được ban phát vào trong
bản thể chúng ta. Mặc dầu nhiều Cơ Đốc nhân nói về Đấng Christ là sự sống,
nhưng không phải tất cả đều có kinh nghiệm về Đấng Christ là sự sống. Kinh nghiệm
thật về Đấng Christ là sự sống nằm trong nhận thức rằng Đấng Christ là chính Đức
Chúa Trời được ban phát vào trong bản thể chúng ta. Đó là sự sống. Nếu thiếu nhận
thức này, từ ngữ sự sống vẫn chỉ là một từ ngữ suông đối với anh em. Sự sống là
Đức Chúa Trời Tam Nhất được ban phát và được đem vào trong bản thể chúng ta.
Dầu tôi không uống rượu, chúng ta
có thể dùng việc uống một ly rượu làm hình ảnh minh họa. Nếu tôi phải uống một
ly rượu lớn, chẳng mấy chốc da tôi sẽ ửng đỏ vì tác động của rượu trên hệ tuần
hoàn và thần kinh của mình. Tôi sẽ bạo dạn, hoan hỉ, và vui sướng. Đó là ảnh hưởng
của rượu khi nó trở thành sự sống đối cho tôi. Nhưng nếu tôi chỉ học ý nghĩa của
chữ rượu, thảo luận về nó ngày đêm và thu thập rất nhiều kiến thức về nó, tôi sẽ
không kinh nghiệm được gì cả. Rượu không liên quan gì đến tôi. Trái lại, nếu
anh em bỏ việc thảo luận về rượu qua một bên và mỗi ngày uống một ly rượu lớn,
anh em sẽ biết rượu là gì, vì nó sẽ được truyền vào trong anh em, làm cho anh
em vui mừng, phấn khởi. Dầu ví dụ này có thể không được hay, nhưng nó minh họa
rất tốt.
Đừng nói về sự sống mà không có
thực tại của sự sống. Sự thực tại hóa sự sống nghĩa là gì? Đó là Đức Chúa Trời
Tam Nhất sống động được đem vào trong chúng ta. Chúa Jesus không bao giờ bảo
chúng ta hãy nói về sự sống. Ngài nói Ngài là bánh sự sống và chúng ta phải ăn
Ngài (Gi. 6:57). Ngài cũng bảo rằng Ngài ban cho chúng ta nước sống và chúng ta
phải uống nước ấy (Gi. 4:10, 14). Khi anh em ăn bánh, nó sẽ được đem vào trong
anh em, và khi anh em uống nước, nó sẽ được truyền vào trong anh em. Anh em sẽ
không chỉ có bánh và nước, mà sẽ có sự sống. Anh em sẽ có Đấng Christ là Đức
Chúa Trời Tam Nhất được ban phát và đem vào trong bản thể mình. Đừng thoa phấn
nhân tạo trên mặt mình, nhưng hãy uống rượu thiên thượng thì anh em sẽ có nước
da hồng hào. Đừng giả vờ vui mừng khi anh em đầy dẫy sự buồn rầu bên trong. Nếu
nhận biết Đức Chúa Trời Tam Nhất đã được ban phát vào trong mình, anh em sẽ vui
mừng và sự vui mừng của anh em sẽ được đầy trọn. Đó là sự sống.
Sự xây dựng là gì? Nhiều người
trong anh em quen thuộc với thuật ngữ xây dựng. Nhiều lần các thanh niên nói với
tôi: “Anh ơi, ít có sự xây dựng trong nhà ở tập thể của các anh em”. Thỉnh thoảng
tôi hỏi họ muốn nói gì, họ đáp: “Chúng tôi rất độc lập. Giữa vòng chúng tôi thiếu
sự xây dựng”. Vậy, tôi xin hỏi anh em sự xây dựng là gì? Có lẽ không ai đọc bài
này có thể cho một định nghĩa đầy đủ. Theo anh em hiểu, chữ xây dựng có nghĩa
là gì? Có lẽ vài người rất dễ cho một câu trả lời theo giáo lý, họ có thể trích
một nhóm chữ trong Ê-phê-sô hay một sách khác trong Kinh Thánh, nhưng trả lời
cách thực tiễn là điều khó.
Sự xây dựng thật sự là sự mở rộng
Đức Chúa Trời. Sự xây dựng là mở rộng Đức Chúa Trời để bày tỏ Ngài một cách tập
thể. Chúng ta đã thấy sự sống là chính Đức Chúa Trời được đem vào trong chúng
ta. Nếu Đức Chúa Trời Tam Nhất thật sự được đem vào trong chúng ta, kết quả sẽ
là sự mở rộng và phát triển chính Đức Chúa Trời. Như tôi đã đề cập trước đây
trong bài này, Đức Chúa Trời không sáng tạo một cặp vợ chồng; Ngài chỉ sáng tạo
một người nam. Người vợ ra từ người chồng, trở nên sự mở rộng của chồng mình.
Đó là sự xây dựng. Ê-va, vợ của A-đam, là sự xây dựng của Đức Chúa Trời, và sự
xây dựng ấy là sự mở rộng của A-đam. A-đam là hình ảnh tượng trưng và biểu tượng
của việc Đức Chúa Trời trở nên một con người, và Ê-va là hình ảnh tượng trưng
và biểu tượng của sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Vì sự xây dựng này là một phần
của A-đam, nên chắc chắn đó là sự mở rộng và sự phát triển chính ông.
Chúng ta cần đọc Kinh Thánh cách
cẩn thận. Trong Sáng Thế Ký chương 1, Đức Chúa Trời chỉ có một mình. Vào cuối
sách Khải Thị, Đức Chúa Trời ở trung tâm của thành thánh, là Giê-ru-sa-lem Mới,
tức là sự mở rộng của Ngài. Ban đầu chúng ta thấy chính Đức Chúa Trời không có
một sự phát triển hay mở rộng nào cả. Tuy nhiên qua các thời đại và các thế hệ,
Đức Chúa Trời đã hành động để đem chính Ngài vào trong tuyển dân Ngài. Cuối
cùng tất cả chúng ta sẽ trở thành sự xây dựng của Ngài, một sự xây dựng là sự mở
rộng chính Đức Chúa Trời. Như vậy, sự xây dựng này sẽ trở nên sự phát triển
chính Đức Chúa Trời, và sự phát triển này sẽ bày tỏ Đức Chúa Trời cách tập thể.
Đó là sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Sự xây dựng không đơn giản là tôi lệ thuộc
anh, hay anh lệ thuộc tôi, các anh chị em lệ thuộc nhau. Đó không phải là sự hiểu
biết đầy đủ về sự xây dựng. Sự xây dựng đúng đắn là sự mở rộng Đức Chúa Trời, sự
phát triển Đức Chúa Trời Tam Nhất, để Đức Chúa Trời có thể bày tỏ chính Ngài
cách tập thể. Điều này chính xác là khải thị của Phúc Âm Giăng. Phúc Âm Giăng
khải thị rằng Đức Chúa Trời Tam Nhất đang ban phát chính Ngài vào trong những
tín đồ của Ngài và kết quả của việc truyền Đức Chúa Trời Tam Nhất vào trong họ
là tất cả các tín đồ của Ngài trở nên sự mở rộng Ngài. Sự mở rộng Đức Chúa Trời
Tam Nhất là sự phát triển, sự xây dựng và sự bày tỏ Đức Chúa Trời. Đó là khải
thị của Phúc Âm Giăng. Do đó, khi nói về sự xây dựng của Đức Chúa Trời, chúng
tôi có ý nói rằng Đức Chúa Trời Tam Nhất là sự sống được liên tục đem vào trong
chúng ta, và qua việc truyền chính Ngài, chúng ta trở thành một biểu hiện của
Ngài. Sự biểu hiện này là sự mở rộng và sự phát triển chính Ngài. Nguyện tư tưởng
này được ghi khắc vào lòng chúng ta.
I. TƯ TƯỞNG CHỦ YẾU CỦA KINH
THÁNH – SỰ SỐNG VÀ SỰ XÂY DỰNG
A. Sự Sống
Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời tập
trung vào sự sống. Điều này được khai mở trong Sáng Thế Ký chương 1. Nếu đọc
các bài trong Sáng Thế Ký chương 1, anh em sẽ thấy sự sáng tạo của Đức Chúa Trời
tập trung vào sự sống.
Sau khi tạo dựng con người, Đức
Chúa Trời đặt người ấy trước cây sự sống; sự kiện ấy cho thấy Ngài muốn con người
nhận lãnh Ngài vào như sự sống. Điều này được bày tỏ trong Sáng Thế Ký 2:8-9.
Các thánh đồ thời Cựu Ước vui hưởng
Đức Chúa Trời là sự sống của họ. Ngay cả tác giả Thi thiên cũng vui hưởng Ngài
theo cách ấy. Thi Thiên 36:8-9 chép: “Họ nhờ sự dư dật của nhà Chúa mà được thỏa
nguyện; Chúa sẽ cho họ uống nước sông phước lạc của Chúa. Vì nguồn sự sống ở
nơi Chúa; trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng”.
Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời
đến trong Thân vị của Con để trở nên sự sống cho loài người. Điều này được khải
thị cách đầy đủ trong Phúc Âm Giăng, đặc biệt như chúng ta đã thấy, trong câu
1:4, và cũng trong câu 10:10, chép rằng: “Ta đã đến hầu cho chiên được sự sống
và được càng dư dật”. Cuối cùng, Đấng Christ là sự sống cho những tín đồ Tân Ước
(Côl. 3:4). Chúng ta đều có Đấng Christ là sự sống của mình.
Trong cõi đời đời, cây sự sống và
dòng sông sự sống sẽ ở trong Giê-ru-sa-lem Mới, cho thấy Đức Chúa Trời Tam Nhất
sẽ đời đời là nguồn cung ứng sự sống cho mọi người được cứu chuộc của Ngài (Khải.
22:1-2, 14, 17).
B. Sự Xây Dựng
Như chúng ta đã thấy, dòng sông từ
Ê-đen chảy ra đem lại vàng, ngọc trai và mã não, là những vật liệu dành cho sự
xây dựng của Đức Chúa Trời (Sáng. 2:10-12).
Đức Chúa Trời dùng một xương sườn
của A-đam để dựng nên một cô dâu cho ông (Sáng. 2:22), đó là biểu tượng về sự
xây dựng Hội thánh và cuối cùng là sự xây dựng Giê-ru-sa-lem Mới.
Ý định của Đức Chúa Trời là con
người trở nên cô dâu của Ngài. Cô dâu này được tượng trưng bằng một thành phố,
vì trong Kinh Thánh, một thành phố luôn luôn được xem như một người nữ. Như vậy,
thành phố tượng trưng cho một người vợ tập thể.
--Sự Xây Dựng Thành Phố Ê-nót
Nhưng trước khi Đức Chúa Trời xây
dựng người vợ tập thể của Ngài trên đất, Sa-tan đã xây cất thành phố giả mạo đầu
tiên của hắn, là thành phố Ê-nót, lấy tên của con trai Ca-in (Sáng. 4:16-24).
Thành Ê-nót là sự giả mạo quỉ quái do Sa-tan thai dựng để ngăn trở mục đích của
Đức Chúa Trời.
--Việc Đóng Tàu Của Nô-ê
Thành phố Ê-nót sản sinh ra một nền
văn hóa làm bại hoại cả nhân loại, và sự bại hoại ấy đem lại sự phán xét của trận
lụt. Trước khi cơn lụt đến, Đức Chúa Trời ra lệnh cho Nô-ê đóng một chiếc tàu
(Sáng. 6:11-21). Theo 1 Phi-e-rơ 3:20-21, chiếc tàu tượng trưng cho Đấng
Christ. Việc đóng tàu đối kháng với sự giả mạo của Sa-tan, tức thành phố Ê-nót.
Mọi người thế giới vào thời ấy đều bao gồm trong thành phố Ê-nót, nhưng Nô-ê đứng
riêng ra, đóng một chiếc tàu dành cho [mục đích] cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
--Sự Xây Dựng Bàn Thờ Và Lều Tạm
Của Nô-ê
Sau trận lụt, Nô-ê xây dựng một
bàn thờ và dựng lều (Sáng. 8:20; 9:21). Bàn thờ là để thờ phượng Đức Chúa Trời,
và lều trại là vì cuộc sống của ông. Hai điều này là sự xây dựng của Nô-ê. Lều
trại và bàn thờ của ông là những mô hình nhỏ của lều trại và bàn thờ mà con cái
Israel về sau xây dựng để thờ phượng Đức Chúa Trời.
--Sự Xây Dựng Tháp Và Thành
Ba-bên
Con cháu Nô-ê xây tháp và thành
Ba-bên (Sáng. 11:1-9). Tháp này nghịch với bàn thờ của Nô-ê và thành này nghịch
với lều trại của ông. Sự xây dựng này là sự giả mạo thứ hai của Sa-tan, địch thủ
của sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
--Sự Xây Dựng Bàn Thờ Và Lều Trại
Của Áp-ra-ham
Từ trong dòng dõi phản loạn của
Nô-ê, Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham. Đối kháng với tháp và thành Ba-bên,
Áp-ra-ham xây dựng bàn thờ và lều trại (Sáng. 12:7-8; 18:1, 6, 9). Bàn thờ và lều
trại của Nô-ê đối kháng với thành Ê-nót; còn bàn thờ và lều trại của Áp-ra-ham
đối kháng với tháp và thành Ba-bên. Tại Ba-bên có một cái tháp, nhưng với
Áp-ra-ham thì có một bàn thờ; tại Ba-bên có một thành phố, nhưng với Áp-ra-ham
thì có một lều trại. Như vậy, sự xây dựng của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham thì đối
kháng với sự xây dựng giả mạo của Sa-tan tại Ba-bên.
--Sự Xây Dựng Sô-đôm
Đang khi Áp-ra-ham sống trong lều
trại, người cháu trai của ông sa vào thành Sô-đôm, là một sự xây dựng giả mạo
khác của Sa-tan (Sáng. 13:12-13; 18-20; 19:1). Theo lịch sử, Ba-bên là thành phố
thờ hình tượng, và Sô-đôm là thành phố tội lỗi.
--Sự Xây Dựng Trong Giấc Mơ Của
Gia-cốp – Bê-tên
Với Ba-bên và Sô-đôm là bối cảnh,
Đức Chúa Trời đã viếng thăm Gia-cốp, “kẻ chiếm đoạt” theo sự lựa chọn của Ngài.
Gia-cốp không biết gì về sự lựa chọn của Đức Chúa Trời; ông chỉ biết mưu mô.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời tể trị, bắt buộc ông lìa nhà cha mẹ mình. Đang khi đi
lang thang, ông ngủ một đêm ngoài trời. Đêm ấy ông nằm mơ thấy một cái thang dựng
từ đất lên các từng trời (Sáng. 28:10-22). Các thiên sứ của Đức Chúa Trời đang
lên xuống trên thang ấy. Khi Gia-cốp thức dậy, ông nói: “Chốn nầy đáng kinh khủng
thay! Đây thật là đền Đức Chúa Trời, thật là cửa của trời!” Như chúng tôi đã
nêu lên, Bê-tên có nghĩa là nhà của Đức Chúa Trời. Sáng Thế Ký 28:18-19 thuật lại
rằng Gia-cốp “lấy hòn đá của mình dùng gối đầu, dựng đứng lên làm cây trụ, đổ dầu
lên trên chót trụ đó; rồi đặt tên chốn nầy là Bê-tên”. Nói theo Kinh Thánh, đá
tượng trưng cho con người được biến đổi. Theo Kinh Thánh, dầu tượng trưng cho
Thánh Linh, là Thân vị thứ ba của Đức Chúa Trời Tam Nhất, đến với loài người. Bất
cứ khi nào Đức Chúa Trời Tam Nhất đến với một người nào qua Thân vị Thánh Linh,
người ấy sẽ trở nên một phần của Bê-tên, là nhà của Đức Chúa Trời. Tất cả chúng
ta đều là đá đã được xức dầu. Do đó, chúng ta là Bê-tên. Dầu tôi không biết
Gia-cốp lấy dầu ở đâu ra, nhưng ông đã xức dầu lên tảng đá và gọi đá ấy là
Bê-tên.
---Sự Xây Dựng Các Thành Phố Kho
Tàng Của Pha-ra-ôn
Tuy nhiên, con cháu của Gia-cốp
không ở trong đất hứa, mà đi xuống Ai Cập là nơi họ bị bắt buộc phải xây dựng
các thành phố kho tàng của Pha-ra-ôn (Xuất. 1:11-14), là sự giả mạo sâu xa hơn
của Sa-tan. Anh em có lưu ý thấy sự luân phiên thay đổi giữa điều tích cực và
tiêu cực, giữa sự xây dựng của Đức Chúa Trời và sự giả mạo của Sa-tan không? Điều
đó cũng giống như sự luân phiên thay đổi giữa ngày và đêm. Sau mỗi đêm chúng ta
có ngày, và sau mỗi ngày, chúng ta có đêm. Sau giấc mơ tích cực của Gia-cốp,
chúng ta có sự xây dựng các thành phố kho tàng cho Pha-ra-ôn, là các thành phố
đầy dẫy sự vui thú thế gian.
--Sự Xây Dựng Đền Tạm
Sau “đêm” của các thành phố kho
tàng của Pha-ra-ôn, chúng ta có “ngày” của sự xây dựng đền tạm (Xuất. 25:1-9).
Giữa tất cả các thành phố thuộc phương diện tiêu cực, chúng ta có sự xây dựng đền
tạm của Đức Chúa Trời về phương diện tích cực. Con cháu của Gia-cốp được giải cứu
khỏi Ai Cập và được đem đến núi Si-na-i. Sau khi được giải thoát khỏi ách nô lệ
của Pha-ra-ôn, họ trở nên dân tự do của Đức Chúa Trời, được làm cho trở thành
“vương quốc của các thầy tế lễ” nhờ sự thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời
(Xuất. 19:6). Sau đó Đức Chúa Trời ra lịnh cho họ xây một đền tạm là nơi Ngài
cư ngụ giữa họ trên đất, Ngài chỉ cho họ kiểu mẫu thiên thượng để họ xây dựng đền
tạm ấy theo kế hoạch và thiết kế của Ngài. Và họ đã làm theo. Từ thời điểm đó,
có một kiến ốc thật sự và thực tiễn của Đức Chúa Trời làm nơi ở của Ngài trên đất.
Đền tạm ấy cùng với bàn thờ là sự mở rộng của lều trại và bàn thờ của Nô-ê và
Áp-ra-ham. Đó không chỉ là nơi ở của Đức Chúa Trời, nhưng cũng là nơi để các thầy
tế lễ của Đức Chúa Trời ở với Ngài. Đó không những là biểu tượng đầy trọn về Đấng
Christ, nhưng cũng là tiền ảnh về Hội thánh, là sự mở rộng của Đấng Christ. Mọi
vật dụng bên trong đền tạm đều tượng trưng cho những phương diện khác nhau của
Đấng Christ, là nội dung của Hội thánh. Về phương diện biểu tượng, đền tạm hoàn
thành kế hoạch của Đức Chúa Trời, diễn tả lòng ao ước của Đức Chúa Trời, và làm
cho Ngài thỏa mãn. Do đó, sau khi được xây dựng, đền tạm đầy dẫy vinh quang của
Đức Chúa Trời (Xuất. 40:17, 34).
--Sự Xây Dựng Đền Thờ
Sau khi được xây dựng, đền tạm được
khiêng đi qua đồng vắng và được đem vào đất hứa của Đức Chúa Trời, tiếp tục làm
nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời trên đất cho đến khi đền thờ được xây dựng (1 Vua.
6:1-10). Lịch sử của đền tạm kéo dài khoảng năm trăm năm, khoảng từ năm 1500 đến
năm 1000 trước Chúa, và được ghi lại từ sách Xuất Ai Cập Ký đến sách Các Vua thứ
nhất. Đền thờ rộng lớn và vững chắc hơn đền tạm, nhưng mục đích và chức năng của
cả hai giống nhau. Đó là biểu tượng của cả Đấng Christ lẫn Hội thánh một cách đầy
trọn. Với sự xây dựng đền thờ, giấc mơ Gia-cốp đã trở thành sự thật, ít nhất là
đến một mức độ nào đó. Đã có nhà của Đức Chúa Trời ở trên đất, được xây dựng bằng
đá trên một nền móng vững chắc. Về hình thức, đền thờ vững chắc hơn đền tạm rất
nhiều. Lịch sử của đền thờ kéo dài khoảng bốn trăm năm, từ khoảng năm 1000 trước
Chúa cho đến khi bị quân Ba-by-lôn phá hủy vào khoảng năm 600 trước Chúa, và được
ghi lại từ sách Các Vua thứ nhất đến sách Ê-xơ-ra.
--Sự Xây Dựng Ba-by-lôn
Đối kháng với đền thờ và thành của
đền thờ, tức Giê-ru-sa-lem, Sa-tan đã xây thành Ba-by-lôn (Đa. 4:28-30), là một
sự lừa dối lớn hơn. Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, cùng với quân đội ông đã hủy
phá đền thờ Đức Chúa Trời và đem các vật dụng của đền thờ về Ba-by-lôn, đặt
trong đền thờ thần tượng của mình (2 Sử. 36:7, 18-19). Qua đó chúng ta có thể
thấy thế nào Sa-tan liên tục ngăn cản và phá hoại sự xây dựng nơi ở của Đức
Chúa Trời trên đất.
--Sự Tái Thiết Đền Thờ Và Thành
Giê-ru-sa-lem
Bảy mươi năm sau khi đền thờ bị hủy
phá, một vài người Do thái lưu đày trở về và tái thiết đền thờ (Exr. 1:2-5). Việc
tái thiết đền thờ là sự khôi phục kiến ốc của Đức Chúa Trời. Sau sự tái thiết đền
thờ là sự tái thiết Giê-ru-sa-lem (Nê. 2:17-18). Đền thờ này vẫn tồn tại cho tới
khi Chúa Jesus đến.
--Sự Xây Dựng Hội Thánh
Trong Ma-thi-ơ 16:18, Chúa nói
tiên tri rằng Ngài sẽ xây Hội thánh, là sự hoàn thành cả đền tạm và đền thờ làm
nơi ở trên đất của Đức Chúa Trời. Sau khi Chúa làm trọn sự cứu chuộc, từ cõi chết
sống lại, ngự lên trên các từng trời và sai Linh xuống, sự xây dựng Hội thánh bắt
đầu. Sự xây dựng này kéo dài trên mười chín thế kỷ và sẽ còn kéo dài cho đến khi
Chúa tái lâm.
--Sự Xây Dựng Các Hội Thánh Địa
Phương
Để hoàn thành việc xây dựng Hội
thánh, Chúa đã xây dựng các Hội thánh địa phương (Công. 14:23; Tít 1:5). Sự xây
dựng Hội thánh thật sự trở thành hiện thực qua việc xây dựng các Hội thánh địa
phương. Sự xây dựng các hội thánh địa phương thì thực tiễn. Dầu Hội thánh trong
cả hoàn vũ chỉ là một, nhưng có nhiều hội thánh địa phương, là sự diễn tả Hội
thánh hoàn vũ duy nhất ấy. Việc xây dựng Hội thánh phổ thông bắt đầu bằng sự
xây dựng các Hội thánh địa phương. Điều này đã được tiến hành và sẽ còn tiếp tục
như vậy cho đến khi hoàn tất.
--Sự Xây Dựng Ba-by-lôn Tôn Giáo
Và Chính Trị
Để chống lại và ngăn trở sự xây dựng
Hội thánh của Đức Chúa Trời, Sa-tan xây dựng Ba-by-lôn lớn, về cả phương diện
tôn giáo lẫn phương diện chính trị (Khải. 17:5; 18:2, 21), là sự giả mạo sau
cùng của hắn. Ba-by-lôn tôn giáo được phơi bày trong Khải Thị chương 17, và
Ba-by-lôn chính trị trong Khải Thị chương 18. Hai phương diện này của Ba-by-lôn
là sự giả mạo lớn nhất, chung kết và sau cùng của Sa-tan trong việc ngăn trở sự
xây dựng của Đức Chúa Trời, chống lại kiến ốc sau cùng của Đức Chúa Trời, là
Giê-ru-sa-lem Mới.
--Sự Xây Dựng Giê-ru-sa-lem Mới
Sự xây dựng của Đức Chúa Trời,
chính yếu là sự xây dựng Hội thánh, sẽ hoàn thành trong Giê-ru-sa-lem Mới, là
kiến ốc sau cùng của Ngài (Hê. 11:10, 16; 12:22; Khải. 21:2, 10–22:2). Sự xây dựng
của Sa-tan sẽ hoàn thành nơi Ba-by-lôn lớn; sự xây dựng của Đức Chúa Trời sẽ
hoàn thành trong Giê-ru-sa-lem Mới, là điều mà cuối cùng sẽ thực hiện mục đích
đời đời của Ngài, diễn tả Đức Chúa Trời, và làm cho Ngài được hoàn toàn thỏa
mãn cho đến đời đời. Do đó, trước mặt chúng ta có một bản phác họa tóm tắt toàn
bộ Kinh Thánh cho thấy hai đường hướng về sự sống và sự xây dựng.
II. VỊ TRÍ NHỮNG VĂN PHẨM CỦA
GIĂNG
TRONG KINH THÁNH
A. Chức Vụ Của Giăng, Chức Vụ “Vá
Lưới” Bằng Sự Sống
Chức vụ của Giăng là chức vụ “vá
lưới”. Khi Phi-e-rơ được Chúa kêu gọi, ông đang đánh cá, nhưng khi Giăng được
Chúa kêu gọi, ông đang vá lưới (Mat. 4:21). Phi-e-rơ đánh được rất nhiều cá,
đem nhiều người vào. Nhưng Giăng vá lưới thuộc linh, vì chức vụ “vá lưới” của
ông là chức vụ “vá lưới” bởi sự sống. Chỉ có sự sống mới có thể đắp vá, bao phủ
mọi lỗ thủng của lưới thuộc linh. Ngày nay cần điều này biết bao! Lưới Cơ Đốc
có rất nhiều lỗ thủng. Điều gì có thể vá chúng lại? Không điều gì ngoại trừ sự
sống. Đó là lý do chúng ta luôn nặng lòng về vấn đề sự sống. Một số người cười
nhạo chúng ta, họ nói: “Các anh không biết gì ngoài một chữ sự sống sao?” Vâng,
theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta chỉ biết sự sống và không có gì khác. Chúng
ta không biết gì khác vì chúng ta không cần gì khác. Sự sống là nhu cầu duy nhất
của chúng ta. Anh chị em ơi, anh chị em cần sự sống. Những điều khác làm cho
các lỗ thủng càng rộng ra; sự sống sẽ làm mọi chỗ rách khép lại. Chúng ta cần
chức vụ của Giăng. Chức vụ của Giăng là chức vụ sau cùng trong Kinh Thánh và
Kinh Thánh kết thúc với chức vụ ấy, chức vụ “vá lưới” bằng sự sống.
B. Những Gì Giăng Viết Là Những Lời
Sau Cùng Của Khải Thị Thần Thượng
Mọi điều Giăng viết là những lời
sau cùng của sự khải thị thần thượng trong Kinh Thánh. Lời sau cùng luôn luôn
là lời có tính cách quyết định. Dầu có thể có nhiều lời được nói ra, sự quyết định
tùy thuộc vào lời sau cùng. Phúc Âm Giăng là Phúc Âm sau cùng trong bốn sách
Phúc Âm, các Thư tín của ông thuộc trong số những Thư tín sau cùng, và sách Khải
Thị của ông là sách sau cùng của Tân Ước và toàn bộ Kinh Thánh. Vì vậy, những
gì ông viết là lời sau cùng của khải thị thần thượng.
III. NỘI DUNG CỦA PHÚC ÂM GIĂNG
A. Phần Cô Đọng Của Toàn Bộ Kinh
Thánh
Chúng ta đã thấy Kinh Thánh là
sách của sự sống và sự xây dựng, và Phúc Âm Giăng cũng tập trung vào sự sống và
sự xây dựng.
1. Sự Sống
Phúc Âm Giăng bày tỏ rằng trong Đấng
Christ, tức Lời của Đức Chúa Trời, có sự sống (1:4); rằng Ngài đến để con người
có sự sống (10:10b); và chính Ngài là sự sống (11:25; 14:6). Hơn nữa, Phúc Âm
này cho thấy Đấng Christ là bánh sự sống (6:35); Ngài có nước sự sống (4:14);
Ngài ban sự sống cho con người (5:21); ngay cả Ngài sống trong con người như sự
sống (14:19).
2 Sự Xây Dựng
Phúc Âm Giăng bày tỏ sự xây dựng.
Trong chương 1 câu 14 chúng ta thấy Đấng Christ trong xác thịt là đền tạm để
làm nơi ở của Đức Chúa Trời trên đất. “Lời đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa
chúng ta”. Cũng vậy, thân thể của Đấng Christ là đền thờ trước khi Ngài chết và
sau khi Ngài phục sinh (2:19-22). Trước khi Ngài chết, thân thể Ngài trong xác
thịt là đền thờ, và sau khi Ngài sống lại, thân thể phục sinh của Ngài cũng vẫn
là đền thờ của Đức Chúa Trời. Đó là sự xây dựng. Hơn nữa, Phúc Âm này khải thị
rằng các tín đồ phải được xây dựng thành nơi ở của Đức Chúa Trời Tam Nhất
(14:2, 23). Điều đó được bày tỏ cách đầy đủ và trọn vẹn trong Giăng chương 14.
Theo chương ấy, mọi tín đồ sẽ được xây dựng lại với nhau thành nơi ở đời đời của
Đức Chúa Trời với rất nhiều chỗ ở. Do đó, như lời cầu nguyện sau cùng của Chúa
được thấy trong Giăng chương 17 đã bày tỏ, mọi tín đồ của Ngài phải được xây dựng
làm một (cc. 11, 21-23).
B. Hai Phần
1. Phần Một: Chúa Đến
Phần đầu của Phúc Âm Giăng, gồm
mười ba chương đầu, bàn về việc Chúa Jesus đến để đem Đức Chúa Trời vào trong
con người và giải bày Đức Chúa Trời cho con người. Phần này cho biết thế nào
Chúa là Lời của Đức Chúa Trời, tức là chính Đức Chúa Trời, đến qua sự nhập thể
để đem Đức Chúa Trời vào trong con người và giải bày Đức Chúa Trời cho con người.
Trước khi nhập thể, Ngài tách rời với con người. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời,
và con người là con người. Tuy nhiên, qua sự nhập thể, Ngài đem Đức Chúa Trời
vào trong con người. Đức Chúa Trời trở nên một với con người tên Jesus, là người
vừa là Đức Chúa Trời, vừa là người. Dầu chưa từng có ai thấy Đức Chúa Trời,
nhưng qua sự nhập thể, Con độc sinh của Đức Chúa Trời đã giải bày Đức Chúa Trời
cho con người trong sự sống, sự sáng, ân điển và thực tại. Chúng ta sẽ thấy rõ
điều này hơn trong các bài tiếp theo. Bây giờ chúng ta chỉ cần nhớ rằng trong
phần đầu của sách Giăng, chúng ta thấy thế nào Đức Chúa Trời được đem vào trong
con người và được giải bày cho con người.
2. Phần Hai: Chúa Ra Đi Trong Sự
Chết
Và Trở Lại Trong Sự Phục Sinh
Phần hai, gồm tám chương cuối,
nói về việc Chúa ra đi trong sự chết và trở lại trong sự phục sinh để đem con
người vào trong Đức Chúa Trời, để ở trong và ở với con người hầu xây dựng [kiến
ốc] của Đức Chúa Trời. Trong phần đầu, Ngài đem Đức Chúa Trời vào trong con người;
trong phần hai, Ngài trải qua sự chết và sự phục sinh để đem con người vào
trong Đức Chúa Trời. Do đó, Ngài có thể vào trong con người, ở trong và ở với
con người để xây dựng [kiến ốc] của Đức Chúa Trời.
Dầu ngôn ngữ của Phúc Âm Giăng
đơn sơ và ngắn gọn, nhưng sách này rất sâu xa. Ngôn ngữ của sách này đơn giản đến
nỗi ngay cả một em học sinh lớp một cũng có thể đọc hầu hết. “Ban đầu có Lời”;
“Ta là sự sáng”; “Ta là sự sống” – tuy những lời tuyên bố ấy rất đơn sơ, nhưng
ý nghĩa lại sâu nhiệm. “Lời” có nghĩa là gì? Anh em hãy cố gắng định nghĩa thử.
“Trong Ngài có sự sống” có nghĩa là gì? Ai có thể nói sự sống là gì? Thật là
sâu nhiệm, vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Vậy, Phúc Âm này dùng nhiều ẩn dụ
và hình ảnh tượng trưng với một văn thể ngắn gọn và đơn giản. Trong Giăng
chương 1, chúng ta có Lời. Chúng ta biết Lời này là Đấng Christ. Tuy nhiên, đừng
nghĩ rằng Đấng Christ là một “lời” gồm ba mẫu tự; Lời ở đây là ẩn dụ, là hình ảnh
tượng trưng, mô tả Đấng Christ là gì đối với Đức Chúa Trời. Trong chương 1 câu
14 chúng ta có đền tạm, cũng là Đấng Christ. Hơn nữa, trong chương 1 câu 29 Đấng
Christ được gọi là Chiên Con của Đức Chúa Trời, mặc dầu Ngài không thật sự là
chiên con có bốn chân. Chúng ta đã thấy Đấng Christ gọi Phi-e-rơ là một viên đá
(1:42), nhưng “đá” này có ý nghĩa thuộc linh. Vì vậy, chúng ta đừng cố gắng hiểu
Phúc Âm Giăng theo văn tự suông; chúng ta cần ẩn dụ hóa sách này cách đúng đắn
theo khải thị của toàn bộ Kinh Thánh.
Hầu như mỗi chương của Phúc Âm
Giăng đều chứa đựng một vài hình ảnh tượng trưng. Trong chương một chúng ta có
Lời, ánh sáng, đền tạm, chiên con, đá, và chiếc thang thiên thượng; trong
chương hai có sáu bình đựng nước, rượu, đền thờ, và nhà Cha; trong chương ba có
con rắn trên cây sào; trong chương bốn có giếng Gia-cốp và nước sự sống; trong
chương sáu có bánh sự sống; trong chương bảy có những dòng sông nước sự sống;
trong chương chín có nước bọt và đất sét; trong chương mười có cánh cửa, chuồng,
bầy, đồng cỏ và người chăn; trong chương mười hai có hạt lúa mì; trong chương
mười ba có sự rửa chân; trong chương mười lăm có cây nho và các nhánh; trong
chương mười sáu có người đàn bà và đứa bé; trong chương mười chín có xương, huyết
và nước; trong chương hai mươi có hơi thở; và chương hai mươi mốt có chiên và
những chiên con. Chúng ta không thể hiểu Phúc Âm này cách đúng đắn nếu không ẩn
dụ hóa mọi hình ảnh tượng trưng của sách này.
Vì những vấn đề về sự sống rất trừu
tượng, sâu xa và thâm thúy, nên mô tả và diễn tả những vấn đề ấy bằng ngôn ngữ
thông thường của loài người là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, Phúc Âm này sử dụng
nhiều hình ảnh tượng trưng khác nhau để chỉ về những điều thuộc linh, những vấn
đề về sự sống và sự xây dựng vô cùng sâu nhiệm. Do đó, chúng ta cần đọc Phúc Âm
Giăng cách cẩn thận, và cầu nguyện để có được một sự hiểu biết đích thực về các
ẩn dụ. Để giúp anh em trong phương diện này, chúng tôi đề nghị anh em đọc sách
Giăng trong Bản Kinh Thánh Khôi Phục, và chú ý kỹ đến tất cả các chú thích. Nếu
đọc bản văn Kinh Thánh và phần chú thích, anh em sẽ nhận được nhiều điều ích lợi.
-ooo