Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

BẾTSALÊÊN VÀ ÔHÔLIÁP



Đức Giêhôva phán cùng Môise: “hãy nói cùng dân Ysơraên đăng họ dâng lễ vật cho ta… này là lễ vật các ngươi sẽ nhận lấy của họ: vàng, bạc và đồng….Họ sẽ làm cho ta một đền thánh và ta sẽ ở giữa họ”. Việc xây dựng đền tạm tượng trưng sự kiến tạo hội chúng, thân thể Christ do các thánh đồ như Phaolô nói: “ các thánh đồ được trang bị về công việc của chức vụ, và về sự kiến tạo Thân thể của Đấng Christ… Thân thể lớn lên và tự kiến tạo trong sự yêu thương”.
Cho dù mọi thánh đồ phải trực tiếp đem một ta lâng mình ra kiến tạo Thân thể Christ là đền thánh Đức Chúa Trời, nhưng Ngài vẫn bổ nhiệm một số công nhân lãnh đạo công tác. “Đức Giêhôva phán cùng Môise nữa rằng: này ta đã kêu tên Bếtsalêên, con trai Uri, cháu của Hurơ, trong chi phái Giuđa. Ta đã làm cho người đầy dẫy Linh của Đức Chúa Trời, trong trí tuệ, trong sự hiểu biết, trong trí thức, và trong mọi loại kiệt tác, để suy nghĩ các công việc khéo léo, đặng chế đồ vàng, bạc và đồng, đăng khắc và khảm ngọc, đẻo gỗ và làm được mọi thứ nghề thợ” ( Xuất 31: 1- 5).
Trong mọi công tác thần thượng, luôn luôn có sự kêu gọi và bổ nhiệm công nhân từ phía Đức Chúa Trời. Tên “Bếtsalêên” có nghĩa “ dưới bóng Đức Chúa Trời” . Đây là người thợ cái, chịu trách nhiệm toàn bộ công trình kiến tạo đền thánh.
Người được Chúa kêu gọi và ủy nhiệm công vụ đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, nhưng dân Chúa lắm lúc lại không nhìn nhận người. Nhưng có dấu chứng cho sứ mạng thần thượng như sau:
Thứ nhất, “ Ta đã làm cho người đầy dẫy Linh Đức Chúa Trời”. Theo chế độ Tân ước, mọi thánh đồ đều nhận được Linh Christ, vì ai không có Linh ấy không thuộc về Ngài (La 8:9). Nhưng Linh Đức Chúa Trời không thể được ban cho cách dồi dào, đầy dẫy, vô lượng trên thánh đồ thông thường sống theo xác thịt. Chúa phán “ dầu này sẽ là dầu xức thánh trải qua mọi đời các ngươi, chớ nên đổ trên xác thịt loài người”. Cho nên những ai đầy dẫy thánh linh ( E^ph 5:18). Đây không phải là lúc biến động, nhưng là tình trạng thường xuyên. Không phải là việc bề ngoài như làm phép lạ, ân tứ, nhưng có sự hiện diện cá nhân và hoạt động liên tục của Đức Thánh Linh trong linh chúng ta. Đó là tình trạng đa số thánh đồ không kinh nghiệm.
Dấu chứng thứ hai cho người được Chúa ủy nhiệm công tác đại sự là: “ Ta sẽ làm cho người đầy dẫy… trong trí tuệ, trong sự thông sáng và trong tri thức… kìa, ta đã chỉ định với người, Ôhôliáp, con trai Ahisamạc và trong lòng của tất cả mà vốn là lòng khôn ngoan, ta đã đặt trí tuệ” ( Xuất 31:6,3). Trí tuệ khác với tri thức hay hiểu biết. Trí tuệ lưu phát từ linh chúng ta do linh Đức Chúa Trời ban cho qua sự khải thị, còn tri thức là sự tích luỹ hiểu biết trong tâm trí, hồn. Đó là lý do Phaolô phân biệt lời của trí tuệ, của sứ đồ, của tiên tri với lời tri thức của giáo sư. Ông nói: “ người này nhờ Linh ban cho lời trí tuệ, kẻ kia cũng nhờ một linh ấy ban cho lời tri thức”. Trong Êphêsô ông cũng nói đến “ linh của trí tuệ và của sự khải thị”. Trí tuệ thần thượng do sự khải thị mà đến. Trí tuệ dồi dào là dấu chứng ơn thiên triệu. Phierơ làm chứng về Phaolô rằng: “ Phaolô, anh yêu dấu của chúng ta, theo trí tuệ đã ban cho mình mà viết cho anh em. Trong các thư của anh…” Người công nhân thiếu hụt khải thị thần thượng không thể có trí tuệ trong công tác Chúa.
Thứ ba, “ và trong mọi loại kiệt tác, đặng suy nghĩ các công việc khéo léo, đặng chế đồ vàng, bạc và đồng…”
Thợ cái A.B Simpson viết lời ca bằng kinh nghiệm như sau:
“ Làm cho Chúa chúng ta thực thi đến đâu?
Và phụng sự dân chúng bao nhiêu rồi?
Thực hiện kỳ công chúng ta không làm nổi,
Là Jésus cư trú tăng cường ta đó,
Phát huy công việc chúng ta không ngờ.
Bởi ân điển sự sống và đức thương xót vô hạn của Chúa nhiều công nhân của Ngài đã hoàn thành các kỳ công trổi hơn tâm lực của họ. Các điều tạm gọi là thành quả đó “ mọi người xem thấy và biết, ngẫm nghĩ và cùng nhau hiểu rằng tay Đức Giêhôva đã làm sự đó”.
Phao lô nói: “ Chúng ta có các ân tứ ( khả năng) khác nhau theo như ân điển đã ban cho chúng ta “. Càng hưởng thụ, kinh nghiệm, chiếm hữu ân điển Đức Chúa Trời, chúng ta càng có khả năng trong mọi ngành của công tác chức vụ kiến tạo Thân Thể Christ. Vì ân điển Christ là ân điển toàn túc, đa diện. Thí dụ có anh em không có khả năng chinh phục hồn người, mà cũng chễnh mãng, không học hỏi nhà giảng phúc âm, cũng như không vui hưởng Chúa để mình sớm có khả năng dẫn người ngoại trở về cùng Ngài. Một công nhân vừa lòng Đức Chúa Trời là công nhân có thể làm được mọi sự trong công tác chức vụ Tân ước do ẩn điển nhận lãnh được. Tiếc thay khi còn lắm công nhân không cậy ân điển Đức Chúa Trời bổ sung, làm hoàn thiện các sở đoàn của mình trong công tác nhà Chúa. Bếtsalêên là người thợ lành nghề, bách khoa.
Dấu hiệu thứ tư về ơn thiên triệu là câu: “ Kìa ta đã chỉ định với người, Ôhôliáp, con trai của Đhi – sa mạc, trong chi phái Đan”. Cụ Phan Khôi thêm chữ “ phụ việc”, ngầm ý Ôhôliáp là người phụ tá, đồng công với Bếtsalêên trong trọng nhiệm.
Về thứ tự quyền bính, Bếtsalêên được đề cập thứ nhất, Ôhôliáp  đứng thứ nhì. Trong công tác Chúa, giữa các sứ đồ, giữa các tiên tri, hay trưởng lão đâu đâu cũng có thứ tự, giềng mối. Sự sắp xếp như vậy từ Đức Chúa Trời. Thậm chí, trước mặt Đức Chúa Trời, với hai người cũng có kẻ trước người sau. Đức Chúa Trời luôn luôn là Đức Chúa Trời của quyền bính và Đức Chúa Trời của thứ tự. Người công nhân không thấy được thứ tự quyền bính theo sự xếp đặt của Đức Chúa Trời, không thể phụng sự Ngài được.
Đức Chúa Trời đã kêu gọi, chọn lựa Môise cho công tác giải phóng, kiến tạo, di hành của thánh dân, thì Ngài ban cho người các đồng công như Arôn, Giôsuê, Hu-rơ…. Cho dù Chúa miễn cưỡng chọn Saulơ làm vua Xsơraên theo dục vọng, sở thích dân Ngài, nhưng Kinh thánh vẫn chép: “ Saulơ cũng về nhà mình tại Ghibêa, có những người dũng sĩ chịu Đức Chúa Trời cảm động lòng đều đi theo người”.(Isa 10:26). Rồi mãi đến lúc gần lâm chung và sau nhiều lần bị đồng bạn từ bỏ khinh miệt, công nhân lão thành Phaolô cũng được Chúa dành lại quanh ông các đồng công trẻ tuổi, nhiệt tình như Timôthê, Mác, Tít, Tichicơ, Cơrếtxen….Nên dù Đức Chúa Trời kêu gọi anh em làm công tác nhỏ như hướng dẫn tổ nhóm họp, Ngài cũng dấy lên vài người yểm trợ anh em.chúng tôi chứng nhận điều đó là thật trong chức vụ mình.
Dấu hiệu thứ năm chứng thực sự ủy nhiệm thần thượng là : “ Ngài phú cho người tài dạy dỗ và cũng đồng ban cho Ôhôliáp, con của Ahisamạc trong chi phái Đan nữa”. Tật xấu bí truyền đã tàn phá công tác Chúa. Phaolô khuyên Timôthê: “ những điều con đã nghe nơi ta ở giữa nhiều chứng nhân, hãy phó thác cho những người trung tín, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác”. Các hội thánh là môi trường thi công kiến tạo do các thợ lành nghề, đồng thời là chỗ tập việc, luyện tập các công nhân mới về mọi ngành chức vụ. Sứ đồ phải huấn luyện sứ đồ, tiên tri đào tạo tiên tri, giáo sư, người chăn bầy chỉ dẫn nghiệp vụ mình cho các anh em tập sự. Trong thời cựu ước, dân Lêvi tập sự năm năm, từ 25 đến 30 tuổi, mới chính thức làm công nhân. Timôthê ở bên cạnh Phaolô mấy năm dài đến khi chàng đi công tác một mình tại Côrinh tô, dù còn nhát sợ (ICô 16:10).
Hãy truyền lại, hãy đào tạo các người tập việc quanh mình theo những sự phong phú của Christ mà anh em đã sở đắc, kinh nghiệm. Chúa Jésus phán: “ trò không hơn thầy, nhưng hễ trò được trọn vẹn thì sẽ như thầy” ( Lu 6:40). Từ liệu “được trọn vẹn” này được dịch là vá sửa ( Math 4:21), phục hồi, làm hoàn thiện, huấn luyện đầy đủ, bổ sung…Tiếc thay khi nhiều công nhân Đức Chúa Trời không có kẻ kế thừa những gì anh đã chiếm hữu trong Christ.
Khi nào người thợ cái được hội thánh Đức Giê-hô-va nhìn nhận và vâng phục, Kinh thánh chép: “ phàm người đàn bà khéo thì chánh tay mình kéo chỉ lấy và đem đến món chi họ đã kéo rồi… còn mấy người đàn bà có cảm động và tài khéo thì kéo chỉ lông dê…. mọi người có lòng ngôn ngoan và làm việc, dùng 10 bức màn…mà dựng đền tạm”. Dù Môise chép rất nhiều lần “ người ( Bếtsalêên) làm….” Hay đóng, chế tạo nầy nọ, nhưng Môise cũng chép: “ dân Xsơraên làm y như mọi lời Đức Giêhôva phán dặn Môise. Họ đem đến tạm đến cho Môise….Dân Xsơraên làm mọi công việc nầy như mạng lịnh Đức Giêhôva”.
Trong công tác xây dựng  Thân thể Christ, dù phải có thợ cái, thợ thuyền và các thợ tập sự giữ vai trò nòng cốt gián tiếp, nhưng toàn hội thánh phải tham dự. Mọi thánh đồ phải được hoàn hảo để trực tiếp làm công tác chức vụ, tự kiến tạo trong sự thương yêu.
Ngày nay chúng ta đã thấy Thân thể Christ là gì, và Thân thể ấy đang hiện hữu, nhưng tiếc thay khi các người có ân tứ, các thợ thuyền lành nghề choán chỗ các chi thể khác, chớ không lo đào tạo anh em mình, nên chưa có chức vụ tập thể của Thân thể Christ trong sự phối hợp hữu cơ để Thân Thể tự kiến tạo chính mình.
Nguyện Chúa cho các lời trên đây được xảy ra giữa vòng chúng ta hôm nay.
Minh Khải
******