Kết Cuộc Của Chúa (1)
-
Kết Cuộc Của Chúa (1)
CÁC TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST—Họ Là Ai?
Lời Tựa
Gia cơ 5:11 nói, “anh em đã thấy kết cuộc của Chúa”. Kết cuộc cũng là cứu cánh, không phải của Chúa, mà của Chúa dành cho tín đồ. Mọi tín đồ phải đạt cứu cánh của Chúa dành cho họ:
Đức Chúa Trời không tìm kiếm các tín đồ cá nhân suông, Ngài tìm kiếm Hội thánh, tìm kiếm Thân thể Christ. Thân Thể Christ là một tập thể thuộc linh, một cơ cấu thần thượng hữu cơ, bao gồm các tín đồ trưởng thành, là các con người đạt được cứu cánh của Chúa dành cho họ.
Hai mươi bảy sách của bộ kinh thánh Tân ước trình bày hai mươi bảy loại người hoàn hảo mà Đức Chúa Trời muốn chiếm được. Họ là các cột trụ trong đền thờ thánh của Chúa, là các người đắc thắng, là các chi thể trong Thân Thể Ngài.
Cậy ân điển của Đức Chúa Trời tôi sẽ phác họa hai mươi bảy chân dung hay là hai mươi bảy mẫu người hoàn hảo theo tiêu chuẩn của Chúa trong Kinh thánh Tân ước.
1.MATHIO: người công nghĩa
“Khi ấy những người công nghĩa sẽ tỏa sáng như mặt trời trong vương quốc của Cha mình” (13:43).
Sách Mathio bày tỏ Chúa Jesus là Người Công Nghĩa, và Đức Chúa Trời muốn các thánh đồ được tái sản xuất là người công nghĩa. Đây là người tín đồ có sự công nghĩa thực nghiệm, vượt trổi sự công nghĩa của các thầy thông giáo và người Pha ri si. Những người công nghĩa nầy thực nghiệm bài giảng trên núi (5:-7 và là công dân nước ngàn năm của Chúa.
2. MÁC: người công nghĩa và thánh khiết
“Hê-rốt sợ ông, biết ông là người công nghĩa và thánh thiện”(6:20).
Sứ 3:14 nói rằng Chúa Jesus là Đấng Thánh và Đấng Công nghĩa. Mác 6:20 bày tỏ Giăng Báp tít là người công nghĩa và thánh khiết. Đức Chúa Trời muốn chúng ta tiếp nhận Christ là sự công nghĩa bên ngoài, và được Christ là đức thánh khiết cấu tạo bên trong chúng ta. Hành vi chúng ta phải công chính, bản chất chúng ta phải thánh khiết.
3.LU CA: người lân cận.
“Thương yêu Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và thương yêu kẻ lân cận như mình...hãy làm điều đó thì sẽ sống...Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là kẻ lân cận với kẻ lâm vào bọn cướp? Người thưa rằng: ấy là kẻ thương xót người. Jesus phán: hãy đi làm theo như vậy”( 10:27, 37).
Trong câu chuyện người Samari nhân lành, Chúa Jesus tự minh khải Ngài là người lân cận, là người Samari nhân lành đó. Kính Chúa và yêu người lân cận, là kính sợ Đức Chúa Trời và yêu Chúa Jesus.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta thể hiện là người lân cận cung cấp dầu Linh và rượu nho, cùng đưa nạn nhân đến nhà quán, hội thánh.
4. GIĂNG: các đức chúa trời
“Bởi cớ ông là con người, mà tự cho mình là Đức Chúa Trời. Jesus trả lời họ: chẳng phải trong luật pháp của các ngươi có chép: Ta đã nói các ngươi là các thần (gods) hay sao? Nếu luật pháp gọi những người được lời (logos) Đức Chúa Trời đã đến (xảy ra, trở nên), là các thần (gods) và kinh thánh không thể bải bỏ được” (Giăng 10:34-36).
Chúa Jesus là Ngôi Lời, là Con Đức Chúa Trời và cũng là Đức Chúa Trời. Ngài muốn tín đồ Ngài được thần hóa, được trở thành các đức chúa trời trong bản chất và sự sống, không trong Thần Cách.
Muốn trở thành thần, thành đức chúa trời, chúng ta phải được lời Chúa (logos) xảy ra (to happen, to become), cấu tạo trong chúng ta.
5. CÔNG VỤ: người đầy dẫy Đức Linh.
“Thể nào Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Jesus người Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền năng...”.
Chúa Jesus là người được đầy dẫy Linh bên trong và bên ngoài. Linh là thể yếu và quyền năng của Ngài.
Chúa muốn tín đồ đầy dẫy (pletho) Đức Linh bên ngoài (Sứ 13:8; 1: 8; 2:4), và đầy dẫy (pleróo) Đức Linh bên trong (Sứ 6:3, 5; 13:52).
Người đầy dẫy Đức Linh là người đạt mục tiêu của Chúa.
6.RÔ-MA: người vinh hóa
“Còn những người Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã kêu gọi, những người Ngài đã kêu gọi thì Ngài cũng đã xưng nghĩa, và những người Ngài đã xưng nghĩa thì Ngài cũng làm cho vinh quang” (vinh hóa).
Ngoài sự tiền định, nếp sống tín đồ kinh nghiệm ba điều: sự kêu gọi, sự xưng nghĩa và sự vinh hóa của Đức Chúa Trời. Chúa kêu gọi ta, khi ta tin, xưng nghĩa bên trong và bên ngoài trong cả cuộc đời ta. Rồi đến khi ta được xưng công chính đầy trọn, ta được vinh hóa.
Được vinh hóa không phải là bước vào ánh sáng của Đức Chúa Trời để cư trú, mà là sống biểu lộ Đức Chúa trời tại trái đất nầy. Anh em sống biểu hiện Đức Chúa Trời chưa?
7. 1 CÔ-RINH TÔ: người thuộc linh
“Người thuộc linh có thể phán đoán mọi sự” (2:15).
Chủ đích của thơ 1 Corinhto là mọi thánh đồ phải là người thuộc linh. Sách nầy nói đến ba loại người: (1). “Người thuộc hồn, không nhận được những sự thuộc linh của Đức Chúa Trời” (2:14a). Có người thuộc hồn vô tín và người thuộc hồn là tín đồ. Nguyên tắc sống của họ giống nhau, khi họ sống bằng sự sống hồn mình. (2). “Người thuộc xác thịt...như con trẻ trong Christ vậy” (3:1,3). (3). Người thuộc linh sống bởi linh hòa lẫn của mình với Linh Chúa.
Kết cuộc nếp sống tín đồ là phải trở thành người thuộc linh.
8. 2 CÔ-RINH-TÔ: người cung phụng giao ước mới
“ Ngài cũng đã khiến chúng tôi đủ tư cách để làm chấp sự (người cung phụng) của giao ước mới” (3:6).
Trong thơ 2 Corinhto, Phao lô tự giới thiệu ông và các đồng công là những người có chức vụ ban sự sống. Đó là các chấp sự, các người cung phụng giao ước mới.
Chức vụ nầy được cấu tạo, sản sinh và hình thành qua kinh nghiệm các sự giàu có của Christ, chiếm được qua các nỗi đau khổ, các sự đè nén tiêu hao và công tác giết chết của thập tự giá. Anh em là người cung phụng chăng?
9. GALATI: người thừa kế
“ Như vậy, nhờ ơn Đức Chúa Trời, anh em không còn là nô lệ nữa mà là con, và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế”.
Trong chương ba, Phao-lô nói Chúa Jesus là dòng giống (hậu tự) Áp-ra-ham, là Y-sác thuộc linh, là người thừa kế. Nhờ đức tin và mặc lấy Christ, các thánh đồ trở nên một trong Ngài. Do đó chúng ta cũng là người thừa kế, là các con của người nữ tự do-- là Giê-ru-sa-lem ở trên, thành thánh thuộc thiên. Đó là mẹ chúng ta.
Thánh đồ trở nên người thừa kế bởi Đức Chúa Trời đã sai Con và Linh của Con đến (4:4,6). Con hoàn thành sự cứu chuộc cho quyền làm con (c.5); Linh thực hiện quyền làm con cho thánh đồ (c.6). Thánh đồ nào có quyền làm con hôm nay mới trở thành người thừa kế trong vương quốc thiên hi niên.
10.Ê-PHÊ-SÔ: người trưởng thành.
“ Cho đến khi tất cả chúng ta...trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ. Như vậy chúng ta sẽ không còn là trẻ con nữa...” (4:13-14).
Trẻ con còn bị các loại gió giáo lý lôi cuốn, dồi dập—đó là các lời dạy dỗ thứ yếu trong Kinh thánh, như nói tiếng lạ, trùm đầu, rửa chân, mà xao lảng khỏi Christ và hội thánh.
Còn người trưởng thành “nắm giữ lẽ thật trong tình yêu thương, để trong mọi sự lớn lên trong Đấng làm Đầu là Christ” (4:15, bản RcV).
Ai vui hưởng Christ là sự sống, thuận phục Ngài là Đầu và thực hành được nếp sống Thân Thể , đấy là người trưởng thành.
11.PHI-LÍP: người hoàn hảo.
“Ấy không phải là tôi đã đoạt giải, hoặc trở nên hoàn hảo rồi đâu, nhưng tôi đang theo đuổi để đoạt cho được, vì chính tôi đã được Đấng Christ đoạt lấy rồi”(3:12)
Chúa muốn tín đồ trở nên người hoàn hảo, là người theo đuổi chiếm hữu Christ. Nhưng không bao giờ tín đồ chiếm hữu được Ngài cách trọn vẹn. Tín đồ phải quên đi những sự ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước. Phao lô nói, tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải thưởng. Giải thưởng đó là Đấng Christ vô hạn.Người hoàn hảo là người theo đuổi Christ đến đời đời.
12.CÔ-LÔ-SE: người mới.
“ Cũng hãy để cho lời Đấng Christ ở (nột cư) sung mãn trong anh em”( 3:16).
Thơ Ê-phê-sô và thơ Cô-lô-se là hai chị em. Eph. 5:18 nói “hãy đầy dẫy trong (nhân) linh”. Mà đầy dẫy cái gì? Cô-lô-se trả lời-- đầy dẫy lời của Chúa. Mục tiêu của Đức Chúa Trời là muốn có nhiều tín đồ đầy dẫy lời của Christ. Lời Chúa là Linh và sự sống. Lời sinh tư tưởng, tư tưởng nảy sinh hành động,, hành động lặp lại nhiều lần thành thói quen, thói quen cấu tạo tính cách, và tính cách đưa đến định mệnh. Hãy để lời Chúa ở trong anh em dồi dào, lời Chúa tiến hành trong anh em mỗi ngày, thì anh em sẽ là người mới.
13. 1TÊ-SA-LÔ-NI-CA: con sự sáng.
“Vì tất cả anh em đều là con (sons) của sự sáng và con (sons) của ban ngày”( 5:5).
Son là con trưởng thành có quyền thừa kế; child (con trẻ) là con theo bản chất, huyết thống. Con của ánh sáng, con của ban ngày là mục tiêu của chúng ta.
Trong mỗi một chương của thơ tín nầy, Phao-lô nhấn mạnh sự quang lâm (parousía) của Chúa. Để thích hợp cho ngày quang lâm vinh hiển, gần kề của Chúa, chúng ta phải được thánh hóa toàn thể linh, hồn và thân thể (5:23-24), để trở thành con của sự sáng và con của ban ngày.
14. 2 TÊ-SA-LÔ-NI-CA: thánh đồ.
“ Khi Ngài đến trong ngày đó, để được vinh hóa trong các thánh đồ và được chiêm ngưỡng bởi tất cả những người tin”.
Chúa là Chúa vinh quang (1 Cor. 2:8), Ngài đã được vinh hóa trong sự phục sinh và thăng thiên (Lu. 24:26; Heb. 2:9). Trong chúng ta hôm nay, Ngài là hi vọng, là hột giống vinh quang (Col. 1:27). Khi tái lâm, về một mặt, Ngài sẽ đến từ trời với vinh quang, còn mặt khác, Ngài sẽ được vinh hóa, được tỏa sáng từ trong các thánh đồ-- nghĩa là vinh quang Ngài sẽ được biểu lộ trong các chi thể của Ngài, khiến thân thể thấp hèn của họ biến hóa thành thân thể vinh quang.
Mục tiêu của chúng ta là trở thành người thánh đồ trong suốt để Chúa vinh quang lòa soi ra./.
(còn tiếp phần II)