Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

CHÚA CỦA SỰ BÌNH AN SÀNG LỌC GHÊ-ĐÊ-ÔN

    
                                     
    Khởi đầu chức vụ giải phóng dân tộc của Ghê-đê-ôn, Chúa tự bày tỏ chính mình là Giê-hô-va Shalom; và Giê-hô-va Shalom diễn tiến thành Chúa của Sự bình an trong Tân ước [Quan 6:22-24-IITês. 3:6].
    Cả cuộc đời, chức vụ của Ghê-đê-ôn nói lên nguyên tắc sàng lọc của Chúa đối với mọi tôi tớ của Ngài.
    Ghê-đê-ôn xuất hiện lần đầu là một người đang đập lúa mạch trong hầm ép nho-“ sự chết hành động trong chúng tôi, còn sự sống trong anh em” [IICôr. 4:12]. Lúa mạch tượng trưng sự sống lại của Chúa, chỉ thu hoach trong bàn ép nho, trong thập giá đau đớn. Nội dung chức vụ cung cấp của ông là sương móc làm thịnh vượng cây cối, là bánh bằng bột lúa mạch lăn vào trại quân, lật đổ quân thù [Quan 7:13-15].
    Ngoài người đầy tớ thân tín là Phura, Chúa cũng ban cho Ghê-đê-ôn nhiều người cộng tác, ủng hộ. Quần chúng đông đảo 32 ngàn người theo ông bị Chúa sàng lọc hai lần để chỉ còn vỏn vẹn 300 người. Ghê-đê-ôn ở trong bàn ép, người theo ông là người không bị “sự lo lắng của đời sống nầy làm lụy lòng mình”. Họ vừa cầm vũ khí một tay-- vì Chúa; còn tay kia vốc nước để uống--mưu sinh. Ai ham hố đời nầy như Đê-ma thì không được liệt vào đoàn người đắc thắng.
    Giô-tam nói với dân chúng về Ghê-đê-ôn, cha mình: “ vì cha ta có tranh chiến cho các ngươi, liều mình mà giải cứu các ngươi khỏi tay dân Ma-đi-an”. Chữ “liều mình” có nghĩa mạo hiểm mạng sống mình, tiếng Hêbơrơ có nghĩa “ném mạng sống người trước mặt người”.
   Cảm tạ Đức Chúa Trời, giữa đêm khuya, Ghê-đê-ôn và 300 anh em, một thiểu số so với trại quân địch, đã liều mình, mạo hiểm theo Lời hứa của Chúa, đập bình đất, chịu phá vỡ hồn mình, để soi ra ánh sáng giải phóng, đẩy lui đối phương. Gươm của Đức Giêhôva theo sau gươm của Ghê-đê-ôn đã chiến thắng. Chúa của sự bình an đã chinh phục, đã cai trị bóng tối bằng ánh sáng thần thượng soi ra từ các cuộc đời tan vỡ. “ Ngài được xưng là Chúa bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi…”[Êsai 9:5-6]. Đội hình địch quân hỗn lọan, rả tan dưới sự soi sáng của sự sáng thần thượng qua nhân tính tan vỡ.
    Có ai bao giờ làm lính mà lại tự dự bị lương hướng ư? Có ai trồng vườn nho, mà lại không ăn trái của vườn ư? Hay là có ai chăn bầy, mà lại không ăn sữa nó ư?” Chắc chắn có những con người ấy, đó là Phaolô và nhiều tôi tớ khác của Chúa. Họ như bò đạp lúa mà chịu khớp miệng, vì họ hiểu tình đời bạc bẽo, ưa kể công, khi giúp chút chi cho tôi tớ Chúa. Nếu ai tự dự bị cho mình khi hầu việcChúa, khi chiến đấu cho bầy Đức Chúa Trời, điều đó tốt; ngược lại “ai giảng Tin lành thì nhờ Tin Lành mà sống” cũng rất đúng theo qui định của Chúa. Điều đáng trách ở đây là quan trưởng dân Chúa không chu cấp cho công tác Chúa, không trợ giúp công cuộc giải phóng của Ghê-đê-ôn. Họ là quan sát viên lạnh lùng trước việc lớn của Chúa, không chịu cấp vài ổ bánh cho dân theo ông, dù rõ biết dân ấy đang đói và mệt nhọc rượt đuổi quân địch. Người  đắc thắng có ít năng lực, nhưng thành quả của họ đem lợi ích cho toàn dân Chúa.
    Cây đinh thập tự đau đớn hơn hết cho Ghê-đê-ôn là lòng ghen ghét và ganh tị của dân Épraim sống đồng thời đối với thành quả công việc của ông. “ Chúng cãi cùng người cách sắc bén”. Bản ASV dịch: “Chúng đã mắng chửi người cách sắc bén”. Họ ganh ghét sự nổi tiếng của ông. Chúa của sự bình an đã sàng lọc Ghê-đê-ôn về danh dự của ông. Ông đã không thủ lợi và cai trị dân Ngài, dù vậy “ dân Mađian bị phục trước mặt dân Itxraên, chẳng cất đầu lên được nữa, nên trong đời Ghê-đê-ôn, xứ được hòa bình bốn mươi năm”./.