Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

BƯỚC THEO NHỮNG DẤU CHÂN CỦA ÁP-RA-HAM


                   BƯỚC THEO NHỮNG DẤU CHÂN CỦA ÁP-RA-HAM

                    ( Dõi gót đức tin của Áp-ra-ham tổ phụ ta” (La mã 4:12)

    Theo tiếng Hi lạp trong Tân Ước có hai chữ đều dịch là “ bước đi”. Một là paripateo có nghĩa là bước đi theo thói quen, là cư xử, như dùng 8 lần ở Ê-phê-sô. Hai là stoicheo, được dùng ở La mã 4:12 ở đây, có nghĩa là bước đi theo qui tắc, theo hàng ngũ, theo trật tự. Câu Kinh thánh trên đây ngụ ý ta phải bước đi theo các bước chân của Áp-ra-ham.
    Sau khi chôn cất thân phụ tại Cha-ran, trong ân điển và đức thương xót vô hạn, Đức Chúa Trời đã lại hiện ra và đem Áp-ra-ham vào đất hứa. Đọc thánh sử trong Sáng thế ký, chúng ta thấy 4 địa điểm chính yếu sau đây còn lưu dấu bước chân của Áp-ra-ham, con chiên đầu đàn của cả gia tộc đức tin. Đó là: Sichem, Bê-tên, Hếp-rôn và Mô-ri-a. Đấng Chăn Chiên lớn của cả bầy chiên đã đưa con chiên đầu đàn đi qua các bước đó ắt hẳn Ngài có ngụ ý cả bầy chiên sẽ phải theo lối đó mới đạt cứu cánh của Ngài.
    Sau 20 năm chịu kỹ luật khắc nghiệt của Chúa, Gia-cốp đã được Đức Chúa Trời của Bê-tên dẫn dắt qua các bước Si-chem, Bê-tên và Hếp-rôn như ông nội của mình. Trong lời chúc phước cho hai cháu nội và các con, Gia-cốp bày tỏ tấc lòng chúc tụng Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời của Y-sác đã chăn nuôi ông. Ông nói “cầu xin Đức Chúa Trời mà trước mặt Ngài tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã thờ phượng ( bước đi ), là Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ  khi mới lọt lòng cho đến ngày nay, Thiên Sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn…” (Sáng. 48:15-16). Ngài là Đấng Chăn Chiên, là Đá của Itxraên. Đây là lần đầu tiên kinh thánh khải thị Chúa là Đấng Chăn Chiên (Sáng. 49:24).
    Sau khi bước đi trước mặt Đức Chúa Trời toàn túc đúng vào ba phần tư các dấu chân của tổ phụ mình, Gia-cốp trở nên một Itxraên thực thụ, đồng trị vì với Chúa cách thuộc linh trên lịch sử loài người thời đó.
    Đấng chăn giữ Itxraên, Đấng dẫn dắt Gia-cốp như bầy chiên, cũng là Chúa của cả trái đất đã dùng tay đầy tớ Ngài là Giô-suê đưa cả bầy chiên Cựu ước vào đất hứa. Cả cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va của ông đã đưa dân Chúa vào đúng dấu chân của Áp-ra-ham để lại là Si-chem. Trong buổi lễ giã từ, Giô-suê đã họp toàn dân tại Si-chem, và kinh thánh gọi địa điểm đó là “ nơi thánh của Đức Giê-hô-va” ( Giô- suê 24:1, 26).
    “Si-chem” nghĩa là “ cái vai”, nói lên trách nhiệm. Tại Si-chem có giếng nước Gia-cốp tượng trưng nguồn sự sống phục sinh mà sẽ khơi nguồn trong những ai tiếp nhận Chúa là nước sống. Suốt thời kỳ ám thế, thời các quan xét, dân Đức Chúa Trời có quyền năng phục sinh đánh tan quân thù nhiều lần, nhưng họ không tiến được bước thứ hai là đến Bê-tên [Nhà Đức Chúa Trời] vì Nhà Si-lô hư hoại.
    Đa-vít được sanh ra trong gia đình thờ lạy Đức Chúa Trời. Chúng tôi tin rằng gia đình Gie-sê ( Y-sai ) cũng thường xuyên đi lên Bê-tên thờ lạy Đức Chúa Trời (I Sa. 10:3). Si-lô thời đó hoang loạn, nên chuyển động mới của Chúa vào thời Đa-vít là dân Chúa đi lên Bê-tên thờ lạy Đức Chúa Trời tinh khiết hơn. Linh Đức Chúa Trời của Bê-tên đã cảm thúc Đa-vít, khiến ông và các thánh đồ bên cạnh ông dốc đổ sự thờ lạy Đức Chúa Trời trong hang đá, trong rừng sâu và ông cũng từng đi qua Bê-tên ( I Sa. 30:27). Rồi sau 7 năm trị vì ở Hếp-rôn, I Sử ký 12 nói rằng Đa-vít và dân Chúa ở miền nam đã kinh nghiệm đầy đủ ý nghĩa của sự tương giao, sự phối hợp của Hếp-rôn là gì. “Hếp-rôn” có nghĩa “cộng đồng” hay “sự tương giao”. Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến trên toàn dân khi Đa-vít chiếm lĩnh Si-ôn và sau cùng lập bàn thờ Đức Chúa Trời của Itxraên tại đồi Mô-ri-a, nơi lưu dấu chân Áp-raham ngày xưa.
    Jêsus Christ, Chúa chúng ta cũng dẫn các môn đệ Ngài, hạt nhân của tân Itxraên, trãi qua Si-kha, ở Si-chem. Ngài cũng bàn về sự thờ lạy Đức Chúa Trời trong linh và lẽ thật. Ngài giảng dạy rất kỹ về sự tương giao của đức thương yêu giữa anh em của Ngài ( Giăng 14:-17:) và cuối cùng Ngài đã đi lên Giê-ru-sa-lem, hoàn thành mọi chủ tâm, kế họach của Đức Chúa Trời.
    Áp-ra-ham là người được Chúa dẫn dắt lưu dấu các vết chân khuôn mẫu. Đa-vít đã dẫn toàn dân Cựu ước hoàn thành các đòi hỏi đó. Vương quốc, vinh quang, vinh dự Đức Chúa Trời đã đến trên xứ thánh. Đấng Chăn chiên lớn, Jêsus Christ, cũng đã dẫn nhóm chiên đầu đàn trong Tân Ước trãi qua các dấu chân cũ: Si-chem, Bê-tên, Hếp-rôn và Môria.
    Đó là khuôn mẫu muôn đời của Đức Chúa Trời. Tân Itxraên thuộc linh của Đức Chúa Trời là chúng ta hôm nay, không thể không bước theo dấu chân bầy còn để lại. Chúng ta phải kinh nghiệm nguồn nước sống của Si-chem, phải ngụ trong nhà Đức Chúa Trời, phải sống theo sự tương giao của Thân Thể Chúa, và cuối cùng đến Giê-ru-sa-lem hiệp một. “Hễ ai bước theo mẫu mực nầy, thì nguyện sự bình an, thương xót giáng trên họ”( Galati 6:16). Amen./.