Nói đến đức tin hay
niềm tin là nói đến bước đầu tiên căn bản của mọi Cơ Đốc nhân nói riêng và mọi
người tin nói chung. Nhà khoa học có đức tin nơi các định lý vũ trụ, người vô
tín có đức tin vào các đối tượng khác ngoài Chúa. Còn người tin Chúa, tín đồ Đấng
Christ, là những người có đức tin nơi Chúa; đó là đối tượng đúng đắn nhất.
Đức tin có hai loại:
đức tin khách quan và đức tin chủ quan. Đức tin khách quan là các nội dung của
phúc âm hoàn bị theo Tân ước, đó là những gì chúng ta tin về Đức Chúa Trời, về
công tác Ngài, thân vị và lời của Ngài. Tạm gọi đức tin này là tín lý, là lẽ
thật của Chúa. Còn đức tin chủ quan là hành động tin của chúng ta vào Chúa theo
các nội dung trên, đó là khả năng tin, là năng lực tin tưởng của chúng ta. Phúc
âm Giăng chép đến 98 lần động từ “tin”, là đức tin chủ quan .Trong phạm
vi bài nầy chúng tôi xin trình bày về đức tin chủ quan của cơ đốc nhân.
Tin là gì? Thứ nhất, Mác 11:23-24 chép: “Quả
thật, Ta [Jêsus] phán cùng các ngươi: hễ ai bảo núi này rằng: hãy cất mình
lên mà gieo xuống biển đi, nếu trong lòng chẳng hồ nghi, nhưng tin rằng điều
mình nói sẽ được nên, thì người chắc được điều đó. Bởi vậy, Ta nói cùng các
ngươi, bất cứ mọi điều gì các ngươi khẩn nguyện cầu xin, hãy tin đã nhận được,
thì các ngươi chắc được điều ấy”. Tin là không hồ nghi, tin là không ngờ vực.
Nếu có khả năng tin Chúa đã ban cho điều mình xin, chúng ta sẽ nhận được điều
đó theo lời Chúa hứa.
Tin là gì? Thứ hai, Dân. 21:9 chép, “vậy Môise
làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào, nếu người nào đã bị rắn
cắn mà nhìn con rắn bằng đồng thì được sống”. Chúa Jêsus lặp lại câu Kinh thánh
nầy và dùng một động từ khác thay thế động từ “nhìn” như sau. Giăng 3:14-15
chép, “ví như Môise treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con Người cũng
cần phải chịu treo lên thể ấy, hầu cho hễ ai tin [tin vào] Ngài đều được sự
sống đời đời. Tin Chúa bị treo là nhìn xem Ngài, nên tin là cái nhìn của tâm
hồn con người. Tin như vậy ngụ ý nhìn xem, ngưỡng mộ, chiêm bái.
Tin là gì? Thứ ba, Hêbơrơ 11:1 chép, “đức tin là sự thực thể hóa những điều mình hi vọng, là bằng cớ những điều
không thấy”.
Tai con người có khả năng thực thể hóa âm thanh, mắt người có sức thực thể hóa
màu sắc. Đức tin cơ đốc nhân có năng lực thực thể hóa những điều siêu hình, thuộc
linh thần thượng không thấy được của Đức Chúa Trời. Hêb.11:3b chép, “vật thấy
được chẳng phải từ vật hiển nhiên mà ra”. Câu nầy có nghĩa vạn vật thấy được là
sự biểu hiện, là cái bóng, là tiền cảnh của linh giới, của các thực tế, các
thực sự hằng hữu, tức là Đức Chúa Trời và cõi sáng tạo mới. Vậy tin là thực thể
hóa các thực tại hằng hữu đó trong Chúa thành cảm nhận. Đức tin làm cho mọi sự
vô hình trở nên thiết thực cùng chúng ta.
Tin là gì? Thứ tư, Giăng 1:12 chép: “ nhưng hễ
ai đã tiếp nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền bính trở nên con cái Đức Chúa Trời
tức là cho những kẻ tin (vào) danh Ngài”. Theo câu kinh thánh nầy, tin là tiếp
nhận, tin Chúa là nhận lãnh Chúa. Từ nguyên Hi lạp ở đây là “tin vào trong”
(believe into) danh Chúa. Tin là tiếp nhận, giống như cắm dây điện vào ổ điện
để tiếp nhận được dòng điện truyền vào máy móc của mình.
Tóm lại, với đức tin khách quan anh em có thể
hỏi một cơ đốc nhân: những gì anh tin? Còn về đức tin chủ quan, anh em nên hỏi
họ: anh có đức tin chăng? Đức tin anh lớn hay nhỏ, lành mạnh hay giả dối [ITi.
1;5, II Tim. 1:5; Tít 2:2b]. Điều đó dễ hiểu, nhưng Kinh thánh còn nói đến đức
tin của Chúa Jêsus và gây rắc rối cho tín đồ rất nhiều.
Sứ Đồ 3;16 chép, “trên đức tin của danh Ngài,
là danh đã làm cho người nầy mạnh…và đức tin mà từ Ngài đã ban cho người sức
mạnh trọn vẹn”. Phierơ nói đức tin từ Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta có thể
nhận được mọi điều từ Ngài.
La mã 3:22 chép, “sự công nghĩa của Đức Chúa
Trời bởi đức tin đến Jêsus Christ cho mọi người tin”. Theo nguyên văn là “ đức
tin của Jêsus Christ”. Vì khó hiểu, nên các dịch giả Kinh thánh đổi lại là” đức
tin đến Jêsus Christ”. Đây là đức tin của Jêsus Christ ở trong chúng ta, mà đã
trở thành đức tin nhờ đó chúng ta tin Ngài. Điều nầy có nghĩa khi con người nghe
Ngài, biết Ngài, đánh giá Ngài và trân trọng Ngài, Ngài sẽ khiến cho niềm tin
phát sinh trong người đó, giúp người có thể tin Ngài. Tức là Chúa trở thành đức
tin trong người, nhờ đó người có thể tin Ngài. Đức tin nầy là đức tin trong Ngài,
đức tin đến Ngài và cũng là đức tin thuộc về Ngài.
Galati 2:20, “tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ đang sống trong tôi, và những gì bây tôi đang sống trong xác thịt, tôi
sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, Đấng thương yêu và phó mình vì cớ
tôi”( nguyên văn). Chúa Jêsus Christ cũng có đức tin của Đức Chúa Trời( xem Mác
11:22), nhờ đó Ngài có thể thực thể hóa toàn cõi sáng tạo cũ và mới, cả cõi đời
đời cách đồng thời vào sự nhận thức cùng chiếm hữu của Ngài. Đấng Christ nầy đang
sống trong chúng ta, sự sống đức tin của Ngài, niềm tin của Ngài lớn lên dần
trong chúng ta giúp chúng ta có khả năng tin như Ngài tin, tin và dự phần đức
tin của Đức Chúa Trời.
Đức tin là gì? Đức tin Đấng Christ ở trong chúng ta
giúp ta đủ khả năng tin Ngài, tin lời Ngài trong Kinh thánh. Cho nên lượng Đấng Christ ở trong chúng ta nhiều hay ít nói lên các hạng loại đức tin của cơ đốc
nhân chúng ta. Thí dụ, những kẻ ít đức tin ( Math. 6:30; 14:31); người có đức
tin lớn trong Itxraên (Math. 8:10); đức tin không giả dối, đức tin lành mạnh,
không bệnh hoạn (Tít 1:14); và I Tim. 4:15 còn nói đến “ đức tin ban
đầu” [ nguyên văn]. Chữ “ ban đầu” (first) có thể dịch là “tốt nhất “ và “
đầu nhất”, đó là đức tin tốt về phẩm. Điều đáng nói là I Tim.6:21 chép, “có mấy
kẻ …đã sai trật mục tiêu đức tin” (nguyên văn), ngụ ý thay vì họ tin Chúa, làm
tín đồ Chúa Jêsus, họ muốn làm người “tin đồ” mà hội thánh có thể ban cho họ.
Đó là một trường hợp sai trật mục tiêu đức tin.
Sau cùng tôi xin nói vài lời về Hêbơrơ
12:2, “ngoảnh nhìn vào Jêsus Đấng Khởi phát và Kiện toàn đức tin” (sát nghĩa).
Ngày đầu tiên khi nghe tin mừng, chúng ta ngưỡng vọng, nhìn xem Chúa, Ngài ban
chính Ngài vào ta, làm nảy sinh trong ta đức tin ban đầu nơi Ngài, rồi trải
cuộc đời đức tin của mình, Chúa sẽ vun trồng, thử luyện, để chính Ngài trưởng
thành trong ta, đó là đức tin của Ngài được kiện toàn trong ta vậy.
Chúng ta vốn thuộc về gia tộc của đức tin (Galati 6:10), nên nguyện
đức tin Con Đức Chúa Trời tăng trưởng trong mỗi chúng ta hầu chúng ta trở thành
các bậc anh hùng đức tin của thời đại nầy . Amen./.
Minh Khải