BẢY BÁT
(1)
Bây
giờ, chúng ta đến với bảy bát (16:1-21).
I.
BẢY TAI HỌA CUỐI CÙNG
Trong
8:13 có một con chim ưng bay giữa trời kêu lên rằng:
“Khốn thay, khốn thay, khốn thay cho những kẻ ở trên đất, vì cớ tiếng
kèn mà ba thiên sứ khác còn phải thổi nữa”. Ba khốn
khổ của ba tiếng kèn cuối cùng (9:12; 11:14) sẽ là những khốn khổ của đại nạn (Mat. 24:21).
Khốn khổ thứ nhất là tiếng kèn thứ năm trong chưong 9,
và khốn khổ thứ hai là tiếng kèn thứ sáu, cũng trong chương 9.
Khốn khổ thứ ba (11:14), tức một phần trong nội dung tiêu cực của tiếng kèn thứ
bảy, là bảy bát. Bảy bát này là bảy tai họa cuối
cùng (15:1). Ấn thứ sáu cộng với bốn tiếng kèn đầu của
ấn thứ bảy có thể được xem là phần mở đầu cho đại nạn, nhưng
chính đại nạn thì bao gồm tiếng kèn thứ năm, tiếng kèn thứ sáu
và phần nội dung tiêu cực của tiếng kèn thứ bảy.
II.
QUANG CẢNH TRÊN TRỜI
TRƯỚC
KHI BẢY BÁT ĐƯỢC ĐỔ RA
Quang
cảnh trên trời được bày tỏ trước bảy ấn, một lần nữa trước bảy tiếng kèn, và một
lần khác nữa trước bảy bát. Trước khi mở ra bảy ấn, chúng ta thấy một quang cảnh
được mô tả trong chương 4 và 5. Trong quang cảnh này, chúng
ta thấy một ngai được lập trên trời, một Đấng ngồi trên ngai, một cầu vồng ở
quanh ngai, hai mươi bốn trưởng lão ngồi trên hai mươi bốn ngai, bốn sinh
vật và Sư Tử-Chiên con xứng đáng (4:2-8; 5:5-6). Quang cảnh ấy hàm ý rằng Đức
Chúa Trời ở trên ngai đang quản trị gia tể của Ngài qua Sư Tử-Chiên
con xứng đáng là Đấng có đủ điều kiện để mở ra gia tể ẩn
giấu của Đức Chúa Trời. Ngai quản trị của Đức Chúa Trời trong quang cảnh này chủ
yếu dành cho sự phán xét.
Trong
8:3-5, chúng ta có quang cảnh trên trời trước khi thổi bảy tiếng kèn. Trong
quang cảnh ấy, cả cõi trời trở nên im lặng khoảng nửa giờ
(8:1). Ở đây, Đấng Christ là Thiên Sứ
khác đến phục vụ như Thầy tế lễ Thượng phẩm cho Đức Chúa Trời bằng cách
đem những lời cầu nguyện của các thánh đồ đến với Đức Chúa Trời và bằng cách
pha hương vào những lời cầu nguyện ấy để có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận. Bởi
hương của Ngài, những lời cầu nguyện của các thánh đồ trở nên hương thơm ngọt
ngào cho Đức Chúa Trời và đem sự phán xét của Ngài đến trên đất. Quang cảnh này bày tỏ rằng Đức
Chúa Trời sắp đáp ứng những lời cầu nguyện của các thánh đồ là những lời cầu nguyện được dâng lên bởi Đấng Christ và bằng Đấng Christ qua những sự phán xét từ bảy tiếng kèn.
Trong 15:5-8, chúng ta có quang cảnh trên trời trước
khi bảy bát được đổ ra. Đến đây, nhiều điều đã diễn ra: ấn thứ sáu, sáu tiếng
kèn đầu tiên và thậm chí một phần của tiếng kèn thứ bảy. Lúc đó là thời điểm
hoàn tất cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (15:1). Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời
được đề cập trong 15:1, 7 và 16:1 hàm ý rằng Đức Chúa Trời nổi giận với kẻ thù
của Ngài, đặc biệt là với Anti-christ và vương quốc của hắn. Dù Đức Chúa Trời đã thi hành phần lớn
sự phán xét của Ngài và thực hiện gần hết những gì Ngài phải thực hiện, nhưng
cơn thạnh nộ của Ngài vẫn chưa nguôi. Cơn thạnh nộ của Ngài còn đổ ra thêm nữa.
Tuy nhiên, trước khi việc ấy xảy ra, một quang cảnh khác trên trời được bày tỏ.
Bây giờ, chúng ta cần xem xét các phương diện của quang cảnh ấy.
A. Đền
thờ được mở ra
Khải Thị 15:5 chép: “Sau việc ấy,
tôi thấy đền thờ của đền tạm chứng cớ ở trên trời mở ra”. Cụm từ “đền thờ của đền
tạm chứng cớ” hơi khó hiểu vì theo lịch sử thì đền tạm
có trước đền thờ và được thay thế bởi đền thờ. Thật ra, đền tạm và đền thờ là một.
Chữ đền thờ trong tiếng Hi Lạp là naos không có nghĩa là đền thờ nói
chung mà có nghĩa là đền thờ bên trong, tức Nơi Chí Thánh. Vì thế, đền thờ của đền tạm nghĩa
là Nơi Chí Thánh của đền tạm. Đền tạm trong Cựu ước gồm có Nơi Thánh và phần
sâu hơn là Nơi Chí Thánh. Đền thờ trong câu này là phần sâu hơn của
đền thờ, tức Nơi Chí Thánh, nơi đặt Hòm chứng cớ. Chứng cớ là luật của Đức Chúa
Trời, là điều làm chứng về Đức Chúa Trời và được đặt trong Hòm chứng cớ (Xuất.
25:16). Vì Hòm chứng cớ được đặt trong đền tạm nên đền tạm được gọi là đền
tạm chứng cớ. Ở đây, chúng ta thấy đền thờ của đền tạm chứng cớ trên trời được
mở ra. Đền thờ không còn bị giấu kín nữa mà được mở ra cho cả vũ trụ nhìn xem.
Câu
5 tiếp theo 11:19 và phải được hiểu trong mối
liên hệ với 11:19. Khải Thị 11:19 chép: “Đền thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời
bèn mở ra, trong đền thờ thấy có hòm giao ước của Ngài”.
Ngai với cầu vồng trong 4:2-3 là trung tâm của mọi sự phán xét được thi hành
trên đất trong các chương từ 6 đến 11 về mặt tiêu cực; trong khi đền thờ với
hòm chứng cớ là trung tâm của những sự hoàn thành của Đức Chúa Trời trong vũ trụ
được thực hiện trong các chương từ 12 đến 22 về mặt tích cực. Do đó, trong phần
đầu của sách Khải Thị, từ chương 1 đến chương
11, trọng tâm của khải thị là ngai với cầu vồng. Trong phần hai, từ chương 12 đến
22, trọng tâm của khải thị không còn là ngai với
cầu vồng nữa, mà là đền thờ với hòm.
Ngai
với cầu vồng chủ yếu là vì sự phán xét của Đức Chúa Trời trên đất, nhưng đền thờ
với hòm thì chủ yếu vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời để biểu lộ chính Ngài. Nói
cách khác, đền thờ và hòm là vì chứng cớ của Đức Chúa Trời.
Chứng
cớ của Đức Chúa Trời là sự biểu lộ chính Đức Chúa Trời qua sự xây dựng của
Ngài. Cuối chương 11 có một trận động đất lớn, có lẽ là trận động đất lớn nhất
lịch sử. Nhưng cuối
phần thứ hai thì có Giê-ru-sa-lem Mới, tức toà nhà cùa Đức Chúa Trời, sự biểu lộ
của Đức Chúa Trời và chứng cớ của Đức Chúa Trời. Toàn bộ Giê-ru-sa-lem Mới là Nơi
Chí Thánh. Thành ấy sẽ là một hình lập phương có
chiều dài, chiều rộng và chiều cao là 12.000 sta-đi-om (21:16) (khoảng 2.000
km, là khoảng cách từ Los
Angeles đến
Dallas).
Đó
là đền thờ được mở rộng, kết quả của 11 chương cuối của sách Khải Thị. Mười một
chương đầu kết thúc với một trận động đất lớn, và 11 chương cuối kết thúc với
Giê-ru-sa-lem Mới. Thật là một sự tương phản!
Trận
động đất ở cuối chương 11 ra từ ngai với cầu vồng. Dù Đức Chúa Trời sẽ gây ra
trận động đất kinh khủng ấy nhưng Ngài không tiêu diệt toàn thể nhân loại. Trái
lại, cầu vồng quanh ngai nhắc Ngài về giao ước của Ngài. Cầu vồng ấy là Đấng Christ. Trong
10:1, chúng ta được biết rằng một Thiên Sứ mạnh mẽ khác, tức Đấng Christ, sẽ ngự
xuống từ trời, mình mặc đám mây và đầu đội cầu
vồng. Đấng Christ
là
cầu vồng hoàn vũ. Đang khi Đức Chúa Trời phẫn nộ thi hành sự phán xét của Ngài
trên nhân loại phản loạn thì Đấng Christ trong
đám mây sẽ là cầu vồng đề nhắc Đức Chúa Trời về giao
ước Ngài lập với Nô-ê. Chúa Jesus là cầu vồng, dường như sẽ nói rằng: “Đức
Chúa Trời ơi, Con đồng ý với Ngài về cơn thạnh nộ công chính của Ngài, nhưng
Con nhắc Ngài về sự thành tín của Ngài. Ngài không thể quên giao ước đã lập với
Nô-ê. Con là cầu vồng trong đám mây.” Cuối cùng, sự phán xét của
Đức Chúa Trời được thi hành với việc nhớ lại cầu vồng sẽ tha cho
những người trở nên “chiên” trong Ma-thi-ơ chương 25, tức những người sẽ là dân
trong vương quốc thiên hi niên. Nếu không nhờ cầu vồng ấy thì không ai sống sót
để làm dân trong vương quốc sắp đến.
Đền
thờ với hòm là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời với Đấng Christ
của
Đức Chúa Trời, Đền thờ là nơi ở của Đức
Chúa Trời, tức sự biểu lộ của Ngài, và hòm chứng cớ là Đấng Christ như chứng
cớ của Đức Chúa Trời. Vì 11 chương cuối của sách Khải Thị dành cho sự biểu lộ của
Đức Chúa Trời và Đấng Christ của Ngài
nên trọng tâm của phần này là đền thờ của Đức Chúa Trời và hòm của Đức Chúa Trời.
Cuối cùng, Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là đền thờ được mở rộng, và trong đền thờ ấy sẽ
có hòm, tức Đấng Christ
là
Chiên con. Vì vậy, là kết quả những hành động của Đức Chúa Trời trong các
chương từ 12 đến 22, chúng ta thấy đền thờ đời đời với hòm đời đời.
Muốn
hiểu sách Khải Thị, chúng ta phải có một cái nhìn bao-hàm-tất-cả như vậy. Chỉ bởi
có cái nhìn ấy chúng ta mới biết mình đang ở đâu. Người nữ và người con trai cần
thiết cho đền thờ của Đức Chúa Trời và hòm
của Đức Chúa Trời. Người nữ sáng láng là vì Giê-ru-sa-lem Mới. Cuối cùng, thành
ấy sẽ là người nữ, vì với tư cách là thành-người nữ, người nữ ấy sẽ là Vợ của
Chiên con (21:9-10).
Đức
Chúa Trời cũng sẽ dùng con rồng để hoàn thành mục đích của Ngài về phương diện
tiêu cực. Khi Ngài không còn dùng đến Sa-tan nữa, tức thì Ngài
phán với hắn rằng: “Hỡi Sa-tan, hãy vào hồ lửa.” Đức Chúa Trời thật vĩ đại, và
Ngài tể trị. Sách này cho thấy rằng Sa-tan hoàn toàn ở trong bàn tay của Đức
Chúa Trời. Đừng nghĩ rằng Đức Chúa Trời sử dụng Sa-tan là không công bằng. Đức
Chúa Trời công bằng hơn nhiều so với anh em. Ai tự
cho mình có thể tranh luận với Ngài? Trong La Mã 9:20
và 21, Phao-lô nói: “Nhưng, ớ người kia, ngươi là ai mà dám gạn lại Đức Chúa Trời?
Vật được nắn nên há lại nói vói kẻ nắn nên nó rằng: Sao ngươi làm nên ta như vậy?
Thợ gốm há chẳng có uy quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm phần nảy
ra chiếc bình sang trọng, phần kia
ra chiếc bình hèn hạ sao?" Nếu anh em dám tranh luận với Đức Chúa Trời thì
Ngài có thể trả lời rằng; “Ta là Đấng tạo dựng, còn ngươi là đất sét. Ngươi
không biết rằng Ta có quyền tạo ra bất cứ điều gì tùy thích sao? Ta có quyền
năng tạo ngươi thành bất cứ điều gì Ta muốn. Ngươi là ai mà tranh luận với Ta?”
Đức Chúa Trời có quyền tối cao. Sau khi đọc đi đọc lại sách Khải Thị, tôi chỉ
có thể thưa: “Đức Chúa Trời ơi, con thờ phượng Ngài về quyền tối cao của Ngài.
Con thờ phượng Ngài vì Ngài đã chọn con làm một trong các con của Ngài
và thậm chí làm một trong những tôi tớ của Ngài.” Ô, tất cả chúng ta đều phải
thờ phượng Ngài biết bao!
B. Bảy
thiên sứ từ đền thờ ra
Câu
6 chép; “Bảy thiên sứ cầm bảy tai hoạ từ đền thờ đi ra, mình mặc vải
gai trong sạch sáng sủa, ngực thắt đai vàng.” Bảy thiên sứ ăn mặc như những thầy
tế lễ (Êxc. 44:17) chứ không như những người lính. Theo ý tôi, các thiên sứ
trút bảy bát đúng ra phải mặc quân phục. Sự kiện họ mặc y phục của thầy
tế lễ thì rất có ý nghĩa. Điều ấy hàm ý rằng việc bảy thiên sứ trút bảy bát ra
là sự đáp lại những lời ngợi khen của những người đắc thắng muộn trên biển
pha lê hòa với lửa. Những người đắc thắng muộn đứng trên biển pha lê sẽ thờ phượng
Đức Chúa Trời bằng những lời ngợi khen của mình. Khi ấy, sự cầu nguyện sẽ chấm
dứt và sự ngợi khen sẽ bắt đầu. Trong ấn thứ năm, chúng ta thấy sự kêu la, lời
cầu nguyện của các thánh đồ tử đạo (6:9-11). Nhưng trong chương 15 thì không có
sự kêu la hay lời cầu nguyện mà chỉ có những
lời ngợi khen. Những người đắc thắng muộn không cầu nguyện: “Chúa ơi,
Anti-christ đã bắt bớ và giết chết chúng con. Bây giờ, Ngài phải đến báo thù
cho huyết của chúng con và hủy diệt vương quốc của hắn.” Thay vì cầu nguyện như
vậy, những người đắc thắng muộn ngợi khen Đức Chúa Trời. Ngay sau phần chép về
những lời ngợi khen của họ thì có sự lộ ra quang cảnh trên trời trước khi trút
ra bảy bát. Từ đền thờ của đền tạm chứng cớ trên trời có bảy thiên
sứ cầm bảy tai họa đi ra. Các thiên sứ ấy không ăn mặc
như những người lính mà như những thầy tế lễ đến hoàn thành chức vụ của mình.
Đây không còn chỉ là vấn đề phán xét, vì sự phán xét ở đây được hòa quyện với sự
hoàn thành gia tể của Đức Chúa Trời để Đức Chúa Trời có thể có được sự biểu lộ
của Ngài.
Đến
đây, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến 16:17. Câu ấy chép: “Thiên sứ thứ bảy trút
bát mình trong khoảng không, bèn có tiếng
lớn từ nơi ngai ở trong đền thờ mà ra, phán rằng: Xong rồi!” Xin lưu ý rằng
trong câu này có hai điều được hòa quyện với nhau là đền thờ và
ngai. Khó mà hiểu được cấu trúc văn phạm của câu này. Tiếng “từ nơi ngai ở
trong đền thờ mà ra” có nghĩa là gì? Chúng ta đã thấy rằng những hành động của
Đức Chúa Trời trong phần thứ nhất của sách này ra từ ngai, và những hành động của
Ngài trong phần thứ hai thì ra từ đền thờ. Sách Khải Thị trước hết bày tỏ trung
tâm phán xét của Đức Chúa Trời là ngai, và sau đó bày tỏ trung tâm chứng cớ của
Đức Chúa Trời là đền thờ. Trong câu này, ngai và đền thờ được kết hiệp với
nhau, Bấy giờ, sự phán xét của Đức Chúa Trời được hòa quyện với sự biểu lộ của
Đức Chúa Trời, với chứng cớ của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, chứng cớ
của Đức Chúa Trời ra từ sự phán xét của Ngài, vầ sự phán xét của Đức Chúa Trời
là vì chứng cớ của Đức Chúa Trời.
Đền thờ ra từ ngai, và ngai là vì đền thờ.
Nguyên
tắc này có thể áp dụng cho chúng ta ngày nay. Nếu
muốn vì đền thờ của Đức Chúa Trời, tức vì sự biểu lộ của
Ngài, chúng ta phải được phán xét. Nguyên tắc trung tâm của 11 chương đầu trong sách Khải Thị phải được
áp dụng trong nếp sống hằng ngày, nếp sống cộng đồng và nếp sống Hội
thánh của chúng ta. Còn bao nhiêu điều trong chúng ta cần được phán xét! Trong
đời sống của chúng ta có nhiều “bò cạp”, “rắn rết” và “ếch nhái.” Nhiều “bò cạp”
vẫn còn tới lui trong nếp sống gia đình và đời
sống hôn nhân của anh em, và “ếch nhái” vẫn đang quấy rối nếp sống Hội thánh. Tất
cả những “bò cạp” và “ếch nhái” ấy phải được phán xét. Kết quả của sự phán xét ấy
sẽ là chứng cớ “từ nơi ngai ở trong đền thờ.”
c. Bảy bát vàng được ban
cho bảy thiên sứ
Câu
7 chép: “Một trong bốn sinh vật ban cho bảy thiên sứ bảy
cái bát bằng vàng đựng đầy sự phẫn nộ của Đức Chúa Trời, là Đấng hằng sống đời
đời.” Bảy bát được một trong bốn sinh vật ban cho đựng đầy
sự phẫn nộ của Đức Chúa Trời Những cái bát thì nhỏ, tượng trưng cho sự giới hạn.
Dù bảy tai họa cuối cùng là sự phẫn nộ tột cùng của Đức Chúa Trời nhưng sự phẫn
nộ ấy vẫn có hạn; nếu không thì cả trái đất và
tất cả những cư dân trên đất đều sẽ bị hủy diệt. Để thực
hiện mục đích đời đời của Ngài, Đức Chúa Trời vẫn hạn chế sự phẫn nộ tột cùng của
Ngài trong việc phán xét trái đất. Việc trút ra sự phẫn nộ của Đức Chúa Trời
thì cực kì nghiêm trọng nhưng điều đó vẫn bị giới
hạn. Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót. Con thú, dân của hắn và toàn thể vương
quốc của hắn đáng bị tận diệt không chút nương tay nhưng Đức Chúa Trời vẫn hạn
chế để trút sự phẫn nộ của Ngài trong một phạm vi nhỏ. Cảm tạ Chúa về điều này!
D. Đền thờ đầy khói do vinh hiển và quyền năng của Đức Chúa
Trời
Câu
8 chép: “Đền thờ bèn đầy khói do vinh hiển của Đức Chúa Trời và
quyền năng của Ngài mà ra; chẳng ai có thể
vào đền thờ cho đến chừng nào bảy tai hoạ của bảy thiên sứ được trọn ”.
Điều này có nghĩa là không ai có thể vào trong đền thờ để cầu xin vãn hồi sự phẫn
nộ của Đức Chúa Trời cho đến khi sự phẫn nộ ấy được trút ra hết trên những người
phản loạn là những người bị Sa-tan xúi giục và bị Anti-christ
ảnh hưởng.