GIÊ-RU-SA-LEM
MỚI
(5)
Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập đến hai phương diện
rất quan trọng của Giê-ru-sa-lem Mới là: cổng và đường của thành. Tất nhiên,
chính thành phố, tường và các nền thì rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu
Giê-ru-sa-lem Mới không có cổng thì sẽ không có cách nào để vào. Trong trường hợp
đó thì thành này sẽ không thực tiễn chút nào và chỉ để triển lãm.
Nhưng vì Giê-ru-sa-lem Mới có 12 cổng,
nên rất thực tiễn.
Một số chức vụ thật tốt. Tuy nhiên, vì các chức vụ ấy không có
cổng và không có đường nên không có cách nào để thực sự bước vào những điều họ trình
bày. Điểm đặc biệt trong chức vụ của anh Nee là mỗi khi chia sẻ một vấn đề nào
đó, anh luôn luôn cho anh em một cái nhìn rõ ràng về phương cách để bước vào.
Nhiều người nói về La Mã chương 5, 6, 7 và 8. Nhưng dù có nói bao nhiêu về các
chương ấy, họ vẫn không cho anh em lối vào. Ngược lại, quyển Nếp sống Cơ Đốc
bình thường của anh Nee cho chúng ta thấy các cổng và phương cách rõ ràng để thực hành những gì
sách mô tả. Càng đọc quyển sách ấy, anh em càng có thể nhìn thấy các cổng mà
quyển sách ấy cung cấp cho anh em. Dù trước kia tôi đánh giá cao những chức vụ
nào đó, nhưng cuối cùng tôi khám phá thấy rằng không có cách nào để bước vào những
gì đang được trình bày. Những người có các chức vụ ấy có thể cho tôi thấy một
tòa nhà đẹp đẽ trong không trung để tôi có thể ngưỡng mộ, nhưng họ không cấp cho tôi phương
cách thực tiễn để bước vào trong đó. Chức vụ trong sự khôi phục của Chúa ngày
nay tiếp tục nguyên tắc của chức vụ anh Nee. Mọi sự chúng ta cung ứng đều được
trình bày theo cách thực tiễn. Nhờ đó, anh em có lối để bước vào những gì chức
vụ cung cấp cho anh em. Cũng vậy, Giê-ru-sa-lem Mới rất thực tiễn. Tính thực tiễn
của thành ấy được nhận thấy nơi các cổng và đường của thành. Dù đến với thành ấy
từ hướng nào, anh em vẫn có lối vào.
Vấn đề thực tiễn này đã khiến tôi mất đi một số bạn
thân trong Chúa. Một lần nọ, tôi được mời đến nước Anh ở với một anh em có chức vụ nổi bật. Trong khi tôi ở tại đó, anh
em ấy và tôi trò chuyện với nhau nhiều lần, mỗi lần kéo dài hai ba tiếng đồng hồ.
Tất cả những lần nói chuyện ấy đều liên quan đến tính thực tiễn của Thân thể Đấng
Christ. Cả hai chúng
tôi đều đã nhìn thấy Thân thể, chứng cớ hiện tại của Đức Chúa Trời và nguyên tắc
của sự sống phục sinh. Tôi có thể lặp lại những gì anh đã thấy, và anh cũng có
thể lặp lại những gì tôi đã thấy, nhất là về Thân thể của Chúa. Tuy nhiên, giữa
chúng tôi có sự khác biệt. Nhờ anh Nee giúp đỡ, tôi đã nhìn thấy tính thực tiễn
của Thân thể và cớ gánh nặng áp dụng điều ấy. Nhưng những người có liên quan đến
chức vụ ấy tại nước Anh thì không quan tâm đến phương diện thực tiễn ấy. Cuối
cùng, qua những cuộc nói chuyện hàng giờ đó, tôi nhận thấy rằng anh em này chỉ có cái nhìn về
Thân thể, chứ không có phương cách thực tiễn để kinh nghiệm Thân thể. Anh không
nhìn thấy và cũng không muốn nhìn thấy tính thực tiễn ấy. Tôi nêu rõ với anh rằng
chúng ta không những muốn có khải tượng về Thân thể mà còn muốn có tính thực tiễn
của Thân thể. Bởi quan tâm đến tính thực tiễn của Hội thánh, tôi đã xuất bản
quyển Sự biểu lộ thực
tiễn của Hội thánh. Dù tôi đã mất đi vài người bạn
yêu dấu do vấn đề liên quan đến tính thực tiễn của Hội thánh nhưng đường lối vẫn
là đường lối. Trong hơn mười tám năm kể từ khi tôi thăm viếng người anh em ấy ở
nước Anh, Chúa đã bênh vực cho tính thực tiễn của Hội thánh.
XII.
CÁC CỔNG THÀNH
Bây giờ chúng ta hãy hết sức chú ý đến các cổng của Giê-ru-sa-lem Mới. Ý
nghĩa của các cổng thì không sâu nhiệm bằng ý nghĩa của các nền. Nắm được ý
nghĩa của mười hai cổng ấy là điều trọng yếu.
A. Mỗi
mặt có ba cổng
Khải Thị 21:13 khải thị rằng trong Giê-ru-sa-lem Mới
có ba cổng ở hướng Đông, ba cổng ở
hướng Bắc, ba cổng ở hướng Nam, và ba cổng ở hướng Tây. Bởi đó, thành ấy hình
vuông (c. 16), có ba cổng ở mỗi phía. Phía Đông là mặt tiền, về hướng vinh hiển
của mặt trời mọc, được xếp thứ nhất; phía Bắc, ở phía trên, được xếp thứ hai;
phía Nam, ở phía dưới, được xếp thứ ba; và phía Tây, ở mặt sau, được xếp thứ
tư. Các cổng ở bốn phía hướng về bốn hướng của trái đất, cho thấy tính sẵn sàng
của lối vào thành thánh cho mọi dân trên đất. (So sánh với bốn ngả của con sông
trong Sáng Thế Kí 2:10-14).
1. Đức Chúa
Trời Tam Nhất sẵn sàng cho mọi người
Ba cổng ở mỗi phía nói lên rằng Đức Chúa Trời Tam Nhất
là Cha, Con và Linh cùng công tác với nhau để đem con người vào trong thành
thánh. Điều này được hàm ý trong ba ẩn dụ ở Lu-ca chương 15, và được hàm ý trong lời Chúa
ở Ma-thi-ơ 28:19. Ba ẩn dụ trong Lu-ca chương 15 liên quan đến người chăn và
con chiên bị lạc, người nữ và đồng tiền bị mất, và người cha với người con trai
hoang đàng trở về. Người chăn chỉ về Con; tất nhiên người cha chỉ về Cha; còn người nữ tượng
trưng cho Linh. Để một tội nhận được đem trở về nhà Cha thì cần đến Con là người
chăn để đem chiên bị lạc trở về, cần đến Linh để soi sáng lòng con người để họ
có thể ăn năn, và cần đến Cha để đón nhận người con trai hoang đàng ăn năn trở
về. Vì thế, Đức Chúa Trời Tam Nhất là lối vào Giê-ru-sa-lem Mới.
Sự kiện Đức Chúa Trời Tam Nhất hành động để đem con
người vào trong thành thánh cũng được hàm ý trong lời Chúa ở Ma-thi-ơ 28:19. Được báp-têm
vào trong Cha, Con và Linh là lối vào trong thành thánh. Vì vậy, Cha, Con và
Linh là ba cổng ở mỗi phía của thành. Ba cổng ấy không phải mỗi cổng ở mỗi
phía, mà cứ mỗi phía trong bốn phía thì có ba cổng. Phía nào cũng có số cổng bằng
với ba phía kia. Điều này cho thấy rằng Đức Chúa Trời Tam Nhất thì sẵn sàng cho con
người ở khắp bốn góc đất.
Ba cổng cho thấy rằng Đức Chúa Trời Tam Nhất đã đến
với chúng ta và đem chúng ta vào trong gia tể đời đời của Ngài. Ba Thân vị
trong Thần Cách là Cha, Con và Linh đã từ trong gia tể của Đức Chúa Trời bước ra để đến với
chúng ta và đem chúng ta trở về với gia tể của Ngài. Rất nhiều câu trong Tân Ước
nói về Đức Chúa Trời Tam Nhất. Chẳng hạn, trong Ê-phê-sô 3:14-17, Phao-lô nói: “Tôi quỳ gối
hướng về Cha...để Ngài theo sự phong phú của vinh hiển Ngài mà ban cho anh em
được mạnh mẽ vào trong người bề trong bằng quyền năng qua Linh Ngài, để Đấng Christ có thể lập nhà Ngài trong lòng anh em qua đức tin.”
Trong các câu này, chúng ta thấy Cha, Linh và Đấng Christ, tức Con. 2 Cô-rin-tô 13:14 cũng mặc khải Đức Chúa Trời
Tam Nhất: “Nguyện ân điển của Chúa Jesus Christ, sự thương yêu của Đức Chúa Trời, và sự tương giao của
Thánh Linh ở với anh em hết thảy.” Trong câu này, ba Thân vị trong Thần Cách là
vì sự ban phát của Ngài, vì sự đi ra và đi vào của Ngài, tức là để Ngài lan rộng
ra và để chúng ta bước vào.
Trong toàn bộ Kinh Thánh, lần đầu tiên con người được
đề cập thì có liên hệ đến Đức Chúa Trời Tam Nhất. Sáng Thế Kí 1:26 chép: “Đức
Chúa Trời phán rằng: Chúng Ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng
Ta.” “Chúng Ta” trong câu này chỉ về Đức Chúa Trời Tam Nhất. Vì vậy, trong câu
Kinh Thánh mà lần đầu tiên con người đề cập đến, Đức Chúa Trời được hàm ý
là tam nhất. Nếu Đức Chúa Trời không tam-nhất thì Ngài đã không thể ban phát
chính Ngài vào trong chúng ta, đem chính Ngài vào trong chúng ta, và hòa quyện
chính Ngài với chúng ta. Nhưng vì Đức Chúa Trời là tam-nhất nên Ngài có thể vào
trong nhân loại. Cha là nguồn, Con là đường dẫn, và Linh là dòng chảy. Bằng
cách này, Đức Chúa Trời Tam Nhất vào trong chúng ta.
2. Đức Chúa
Trời Tam Nhất hòa quyện với tạo vật của Ngài
là con
người
Bốn mặt mỗi mặt ba cổng tạo thành số mười hai, cũng
hàm ý đến sự hòa quyện của Đức Chúa Trời Tam Nhất với con người là tạo vật của Ngài. Số 4 chỉ về
tạo vật (4:6), và tất nhiên số 3 chỉ về Đức Chúa Trời Tam Nhất. Số 12 không phải là phép cộng
mà là phép nhân. 3 nhân với 4 hàm ý rằng Đức Chúa Trời Tam Nhất hòa quyện chính
Ngài với tạo vật của Ngài là con người để tạo ra một kết cấu, một hợp chất.
B.
Mỗi cổng một ngọc trai
Câu 21 chép: “Mười hai cổng bằng mười hai ngọc trai,
mỗi cổng bằng một ngọc trai.” Chúng ta đã thấy rằng vàng chỉ về bản chất thần
thượng và những viên đá quý chỉ về những gì được sản sinh bởi công tác biến đổi của Linh. Ý nghĩa của
ngọc trai được tìm
thấy theo cách tạo ra nó. Ngọc trai được tạo ra bởi con trai trong các dòng nước
sự chết. Khi con trai bị một hạt cát làm cho bị thương, nó tiết ra dịch sự sống
quanh hạt cát ấy và làm cho hạt cát thành một viên ngọc trai quý. Điều này nói
lên Christ là Đấng sống
đã vào trong các dòng nước sự chết, bị chúng ta làm cho bị thương và tiết ra dịch
sự sống của Ngài trên chúng ta để làm chúng ta thành những viên ngọc trai quý
xây dựng sự biểu lộ đời đời của Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải khâm phục sự khôn ngoan của Đức Chúa
Trời. Hầu như mọi sự trong cõi thọ tạo của Ngài đều minh họa cho một phương diện
về gia tể của Ngài. Khi Chúa Jesus ở trên đất, Ngài dùng nhiều điều được tìm thấy trong thiên nhiên làm ẩn dụ.
Ánh sáng, lúa mì, thức ăn và thậm chí con trai tạo-ra-ngọc-trai đều là những ẩn
dụ. Christ là Đấng sống,
đã vào trong tình trạng chết chóc của chúng ta và sống ở đó. Do sống trong các
dòng nước sự chết, Ngài bị chúng ta làm bị thương. Sau khi làm cho Ngài bị thương, chúng ta ở lại gần vết thương của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng
ta ăn năn, tin Ngài và tiếp nhận Ngài. Chúng ta đánh giá cao cách sâu xa biết
bao những vết thương mà Ngài đã chịu trong sự đóng đinh của Ngài! Khi chúng ta ở
gần các vết thương của Ngài, Ngài tiết ra dịch sự sống trong sự sống phục sinh
của Ngài, và dịch sự sống ấy bao phủ chúng ta và cuối cùng biến đổi chúng ta
thành những viên ngọc trai. Bởi ở tại vết thương của Christ, chúng ta nhận đưực sự sống của Ngài và được tái
sinh. Bởi ở lại đó sau khi được
tái sinh, chúng ta cũng được biến đổi và trở nên những viên ngọc trai
Sự kiện 12 cổng của thành thánh là 12 viên ngọc trai
cho thấy rằng sự tái sinh qua Đấng Christ đắc thắng sự chết và tiết ra sự sống chính là lối
vào thành. Lối vào này thỏa đáp đòi hỏi của kinh luật là điều được tượng trưng bởi
Israel và được quan sát bởi các thiên sứ canh gác (c. 12). Vì thế, ngọc trai là
lối vào thành. Làm sao anh em vào được Giê-ru-sa-lem Mới? Anh em trèo tường mà
vào ư? Không thể nào làm như vậy được vì bức tường quá cao. Cách duy nhất để
vào Giê-ru-sa-lem Mới là đi qua các cổng bằng ngọc trai, tức các cổng được cấu
tạo bằng sự chết đắc thắng và sự phục sinh truyền-đạt-sự-sống của Đấng Christ. Ngợi khen Chúa, tất cả chúng ta đều đã vào Giê-ru-sa-lem Mới
theo cách ấy! Chúng ta xưng tội, ăn năn, đánh giá cao sự chết của Ngài và vui
hưởng việc ở tại các vết thương của Ngài. Ngay lập tức, chúng ta nhận được sự sống
tiết ra để tái sinh và sau đó biến đổi chúng ta. Bởi kinh nghiệm sự chết và phục
sinh của Đấng Christ, chúng ta đã
băng qua các cổng bằng ngọc trai và hiện đang ở trong thành. Ha-lê-lu-gia!
Sự kiện mỗi cổng đều có một viên ngọc trai cho thấy
rằng lối vào thành là duy nhất và một lần đủ cả; tức là chỉ nhờ sự tái sinh một
lần đủ cả bởi sự chết đắc thắng và sự phục sinh truyền-sự-sống của Đấng Christ.
C. Mang tên mười hai chi phái Israel
Tên 12 chi phái của các con trai Israel được khắc
trên mười hai cổng thành (c. 12). Israel ở đây đại diện cho luật của Cựu Uớc,
cho thấy rằng luật ấy được đại diện tại các cổng của Giê-ru-sa-lem Mới. Luật này
canh chừng và quan sát để bảo đảm rằng tất cả những sự giao thông, đi vào và đi
ra, của thành thánh đều đáp ứng những đòi hỏi của kinh luật. Vậy, tất cả những
sự giao thông của thành ấy đều phải theo luật của Đức Chúa Trời.
Trong khi mười hai chi phái Israel đại diện cho kinh
luật thì các sứ đồ đại diện cho ân điển. Mười hai cổng được tạo ra theo kinh luật.
Đấng Christ đã chết vì tội
của chúng ta theo kinh luật, và theo một ý nghĩa rất tích cực, Ngài cũng được sống lại từ kẻ chết
để làm trọn kinh luật. Thậm chí sự ăn năn của chúng ta cũng theo kinh luật vì
chúng ta ăn năn là bởi vi phạm kinh luật, và chúng ta xưng các tội phạm của mình theo kinh luật.
Vì thế, kinh luật là yếu tố căn bản trong sự chết của Đấng Christ, trong sự ăn năn và xưng tội của chúng ta, Điều này có nghĩa là mười
hai cổng bằng ngọc trai hoàn toàn theo kinh luật và làm trọn những đòi hỏi của
kinh luật. Lối vào thành thánh không vi phạm kinh luật mà phù hợp với kinh luật
và thậm chí làm trọn kinh luật. Bất cứ điều gì kinh luật đòi hỏi cũng đều
được thực hiện trong việc chúng ta vào thành. Nói cách khác,
chúng ta vào Giê-ru-sa-lem Mới theo kinh luật. Lối vào của chúng ta hoàn toàn hợp
pháp và đúng luật vì bởi sự chết và sống lại của Ngài mà Đấng Christ đã làm trọn những đòi hỏi của kinh luật. Vấn đề này
rất sâu nhiệm.
Vì lối vào Giê-ru-sa-lem Mới qua các cổng bằng ngọc
trai phải theo kinh luật, nên tất cả chúng ta đều phải ăn năn, xưng tội và nói
rằng: “Ô Chúa Jesus, Ngài không những
chết vì những tội phạm của con; Ngài cũng chết cho con, Chúa ơi, con thừa nhận
mình tội lỗi, đã phạm rất nhiều tội, chỉ đáng chết. Chúa ơi, con biết ơn Ngài biết
bao vì đã chết cho con,” Ăn năn và xưng tội như vậy làm thoả mãn đòi hỏi của
kinh luật và giúp chúng ta bước vào thành một cách hợp pháp.
D. Có mười hai thiên sứ ở mười hai cổng
Phần giữa của câu 12 chép: “Có mười hai cửa, tại những
cửa đó có mười hai thiên sứ.” Mười hai cổng của thành là để liên lạc, để đi vào
và đi ra. Mười hai là con số của sự hoàn hảo tuyệt đối và sự trọn vẹn đời đời
trong sự quản trị của Đức Chúa Trời. Vì thế, 12 cổng biểu thị rằng sự liên lạc
trong Giê-ru-sa-lem Mới thì tuyệt đối hoàn hảo và đời đời trọn vẹn trong sự quản trị của Đức
Chúa Trời.
Câu 12 cho biết rằng tại các cổng thành có 12 thiên
sứ. Trong gia tể đời đời của Đức Chúa Trời, thiên sứ là các linh phục dịch phục
yụ những người thừa hưởng sự cứu rỗi và dự phần trong phước hạnh đời đời của
Giê-ru-sa-lem Mới là trung tâm của trời mới đất mới. Thiên sứ sẽ là những vị giữ
cổng, canh giữ tài sản của chúng ta, trong khi chúng ta sẽ là những người vui hưởng cơ nghiệp
phong phú trong gia tể đời đời của Đức Chúa Trời. Tất cả những điều này đều ở
trong ý nghĩa của số mười hai.
Các thiên sứ ở mười hai cổng quan sát sự vui hưởng của
những người đã vào bên trong. Trong Lu-ca 15:10, Chúa phán: "Cũng vậy, Ta nói với các ông, trước
mặt các thiên sứ của Đức Chúa Trời, có sự vui mừng về một tội nhân ăn năn.” Mỗi
khi một tội nhân ăn năn thì các thiên sứ trên trời vui mừng. Khi ăn năn và tiếp
nhận Chúa, anh em có báo cho các thiên sứ biết về sự kiện ấy không? Tất nhiên
là không. Trước khi anh em được cứu, các thiên sứ đã quan sát anh
em từng giây phút, nhận biết anh em đã được lựa chọn, tiền định và được Đức
Chúa Trời đánh dấu trước. Do anh em bướng bỉnh nên có lẽ phải mất mười lăm hay hai mươi năm mới ăn năn.
Nhưng vào ngày anh em ăn năn và kêu cầu danh Chúa Jesus thì các thiên sứ lâu nay quan sát anh em rất vui mừng.
Thiên sứ của anh em có thể nói: "Người mà tôi quan sát suốt hơn 25 năm nay
cuối cùng đã ăn năn. Ha-lê-lu-gia!”
Các thiên sứ quan sát chúng ta theo kinh luật để xem chúng ta
có thực sự ăn năn và xưng nhận những tội phạm của mình với Đức Chúa Trời hay
không, và có vào thành thánh theo kinh luật của Israel hay không. Con cái
Israel đại diện cho kinh luật, và các thiên sứ, tức "những linh hay phục dịch,
chịu sai khiến để
phục sự những người sẽ thừa thọ sự cứu rỗi” (Hê. 1:14), chính là những vị gác cổng.
Ban đầu các thiên sứ canh gác tại các cổng để xem chúng ta ăn năn như thế nào.
Sau đó, khi chúng ta đã ăn năn và vào Giê-ru-sa-lem Mới thì các
thiên sứ trở nên đầy tớ của chúng ta. Chúng ta là những người thừa kế, những chủ
nhân của vũ trụ, còn các thiên sứ là đầy tớ của chúng ta. Theo tục lệ xưa giữa
vòng dân Do Thái tại Palestine, các tôi
tớ quan tâm đến việc người thừa kế nhận được phần hưởng và cơ nghiệp của mình. Cũng vậy,
các thiên sứ là những tôi tớ trong gia đình của Cha chúng ta cũng rất quan tâm đến cơ nghiệp của
chúng ta và quan tâm đến sự kiện người thừa kế bị lạc mất và bị bỏ rơi. Vì thế,
các thiên sứ gác cổng ấy chờ đợi chúng ta trở về. Khi nhìn thấy chúng ta trở về,
họ vui mừng và lập tức phục vụ chúng ta, vui vẻ giúp đỡ những người thừa kế đã
ăn năn vui hưởng cơ nghiệp hợp pháp của mình. Qua việc xem xét vắn tắt như vậy
về thiên sứ, một lần nữa chúng ta thấy rằng để hiểu bất cứ điểm nào trong sách
Khải Thị, chúng ta cũng phải làm theo sự phát triển của vấn đề ấy qua cả Kinh Thánh.
Thi Thiên 34:7 chép: “Thiên sứ Đức Giê-hô-va đóng trại
chung quanh những kẻ kính sợ Ngài, và giải cứu họ.” Theo câu này, các thiên sứ
thậm chí đóng trại quanh chúng ta để bảo vệ chúng ta. Nhiều đêm tôi nói rằng:
“Chúa ơi, xin sử dụng quyền năng của Ngài mà sai đến một doanh trại thiên sứ để
bảo vệ nhà con.” Tôi cầu nguyện đặc biệt như vậy mỗi khi đi xa và phải ngủ đêm
tại tầng trên của khách sạn, Vì lo ngại hỏa hoạn có thể xảy ra, nên tôi xin
Chúa sai các thiên sứ đến đóng trại quanh tôi. Các thiên sứ thật sự là đầy tớ của
những người đích thực và hợp pháp thừa hưởng những sự phong phú của Đức Chúa Trời.
E. Luôn rộng mở
Câu 25 chép: “Những cửa thành ban ngày chẳng hề đóng,
vì ở đó không có ban đêm,” Tường
thành sẽ phân rẽ thành với các dân, nhưng các cổng thì luôn rộng mở cho họ.
XIII.
ĐƯỜNG CỦA THÀNH
Câu 21 chép: “Đường của thành bằng vàng ròng, giống
như pha lê trong suốt.” Cổng là để vào thành, trong khi đường là để bước đi hằng
ngày, nếp sống hằng ngày, Vào được thành là bởi sự chết và phục sinh của Đấng Christ, trong khi bước đi hằng ngày, tức nếp sống hằng ngày
trong thành thì phải theo bản chất thần thượng, được tượng trưng bởi con đường
bằng vàng ròng. Sau khi đã vào thành qua sự tái sinh, nếp sống và bước đi hằng
ngày của các thánh đồ phải theo con đường bản chất thần thượng. Bản chất thần
thượng là đường đi của họ,
Kinh Thánh khác với quan niệm thiên nhiên của con
người, Theo quan niệm của con người thì trước hết chúng ta bước đi trên con đường rồi sau
đó mới vào cổng. Nhưng theo Kinh Thánh thì chúng ta trước hết bước vào cổng rồi
sau đó mới bước đi trên đường. Công giáo dạy người ta rằng họ phải làm việc trước rồi
mới nhận được sự cứu rỗi. Tư tưởng này thuộc ma quỷ. Trong gia tể của Đức
Chúa Trời, chúng ta nhận được sự cứu rỗi trước rồi mới công tác.
Trước hết chúng ta bước vào trong ân điển rồi sau đó bước đi trong ân điển. Đừng
bao giờ nghĩ rằng nhờ bước đi hay làm việc mà cuối cùng anh em có đủ điều kiện
tiếp nhận ân điển. Không, ân điển thì miễn phí. Sau khi đã bước vào qua các cổng
bởi ân điển, anh em sẽ bắt đầu bước đi và cần bước đi trên một con đường dài.
Con đường từ các cổng đến đỉnh núi bằng vàng, tức nơi có ngai của
Đức Chúa Trời là con đường rất dài. Xin nhớ rằng Giê-ru-sa-lem Mới là một ngọn
núi bằng vàng cao 12.000 sta-đi-om (cao
hơn 2.000 km). Hơn nữa, con đường bằng vàng có hình xoắn ốc, và điều này làm
cho con đường càng dài hơn. Tuy nhiên, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác
ngoại trừ phải bước đi trên con đường ấy. Tôi đã bước đi trên con đường này hơn
50 năm, và tôi vẫn đang ở trên con đường này. Dù tôi muốn đi nhanh hơn, nhưng đôi khi
các anh em kéo tôi lại, và tôi buộc phải chờ đợi họ.
A. Con
đường duy nhất
Con đường trong Giê-ru-sa-lem Mới là con đường duy
nhất. Ở đó không có mê cung, không có gì làm cho lầm lạc, và người ta không thể
bị lạc. Con đường ấy là con đường duy nhất. Dù đi qua cổng nào để vào thành,
anh em vẫn thấy mình ở trên cùng một con đường. Trong Giê-ru-sa-lem Mới, không có điều
gì như là con đường Báp-tít, con đường Trưởng Lão, con đường Giám Lí hay con
đưòng Luther. Trong
Giê-ru-sa-lem Mới cũng không có con đường nào liên quan đến bất cứ “học thuyết”
nào. Con đường là bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời. Trong bản chất thần
thượng ấy, chúng ta là một.
B. Bằng
vàng ròng
Câu 21 chép rằng đường của thành bằng vàng ròng.
Chúng ta đã thấy rằng vàng chỉ về bản chất thần thượng. Sau khi được
cứu và vào trong Giê-ru-sa-lem Mới, chúng ta phải bước đi trên bản chất thần
thượng là con đường của mình. Bản chất thần thượng là con đường và sức lực của
chúng ta. Giả sử, một chị em nói với tôi rằng: “Anh Lee ơi, tôi yêu mến Chúa và
muốn sống trong Giê-ru-sa-lem Mới. Anh có thể cho tôi biết là tôi nên ăn mặc và
bới tóc kiểu gì không?” Tôi sẽ bảo chị em ấy rằng chị nên lựa chọn áo quần và
kiểu tóc theo bản chất thần thượng bên trong chị. Phong cách, màu sắc, vật liệu
và cách thiết kế áo quần của chị
cần phải phù hợp với vàng thần thượng ở bên trong. Bản chất thần thượng là con
đường của chúng ta, đường lối của chúng ta, tất cả chúng ta phải bước đi theo
con đường đó. Ngày nay, con đường của chúng ta không thuộc về các quy định mà
là chính bản chất thần thượng. Anh em không có bản chất vàng bên trong mình
sao? Thế thì, hãy bước đi theo bản chất ấy. Nếu có sự sống thần thượng cùng với
bản chất thần thượng thì sao anh em không bước đi theo bản chất ấy? Lời nói của
anh em theo bản chất thần thượng hay theo bản chất con người bùn đất của mình?
Nguyện tất cả chúng ta đều thấy rằng ngày nay bản chất của Đức Chúa Trời là con
đường của chúng ta.
Trong sự khôi phục của Chúa, chúng ta đang bước đi
trong bản chất thần thượng. Như nhiều anh em dẫn dắt có thể làm chứng rằng tôi
không bảo người khác phải làm gì. Trái lại, tôi khích lệ họ bước đi theo bản chất
thần thượng bên trong mình. Vì bản chất thần thượng là con đường bằng vàng của
chúng ta nên trong nếp sống Hội thánh, chúng ta không cần những
quy định. Chính con đường là luật lệ của chúng ta, vì không gì điều chỉnh người
ta hơn là con đường. Tài xế nào cũng tự động được con đường điều chỉnh. Trong
Giê-ru-sa-lem Mới, mọi người đều được điều chỉnh bởi con đường duy nhất, bởi bản
chất bằng vàng của Đức Chúa Trời bên trong chúng ta.
C. Như pha lê trong suốt
Vàng ròng làm biểu tượng cho cả con đường lẫn chính
thành Giê-ru-sa-lem Mới thì như pha lê trong suốt (c. 18), cho thấy toàn thể
thành ấy trong suốt. Con đường bằng vàng trong suốt như pha lê, không mờ đục
chút nào. Dù những viên ngọc trai có thể không trong suốt, nhưng mỗi viên ngọc
trai đều là cánh cổng lớn mở rộng, ngày đêm không đóng.
D.
Theo hình xoắn ốc từ ngai Đức Chúa Trời xuống
Con đường của Giê-ru-sa-lem Mới theo hình xoắn ốc từ
ngai Đức Chúa Trời xuống để đến với tất cả những người đã được Đức Chúa Trời chọn.
Vì thế, con đường ấy đến với mọi cánh cổng, và cũng dẫn chúng ta từ các cổng đến
với ngai Đức Chúa Trời.
E. Một
con đường cho mười hai cổng ở bốn
hướng
Một con đường cho tất cả mười hai cổng ở bốn hướng.
Trên con đường này, tất cả những người được Đức Chúa Trời cứu chuộc bước đi
trong sự hiệp một tuyệt đối trong khi họ được con đường dẫn đến với ngai Đức
Chúa Trời. Vì vậy, trong Giê-ru-sa-lem Mới có một con đường dẫn đến một mục
tiêu.
F. Cùng với
sự cung ứng sự sống
Khải Thị 22:1 chép: "Thiên sứ lại chỉ cho tôi
xem sông nước sự sống ở giữa đường của thành, trong như thuỷ tinh, từ ngai Đức
Chúa Trời và Chiên con chảy ra.” Câu này cho thấy rằng sông nước sự sống chảy ở giữa
đường. Vì vậy, trong con đường này có sự cung ứng sự sống. Hơn nữa, 22:2 chép:
"Bờ sông bên nầy và bên kia đều có cây sự sống ra trái mười hai mùa, mỗi
tháng một mùa.” Ở đây chúng ta thấy rằng cây sự sống trong dòng sông mọc ở hai
bên bờ sông dọc theo con đường. Vì vậy, toàn bộ sự cung ứng sự sống đều liên
quan đến con đường. Càng bước đi, hành động và tồn tại theo bản chất thần thượng,
chúng ta sẽ càng nhận được sự cung ứng sự sống. Tuy nhiên, nếu không quan tâm đến
bản chất thần thượng bên trong mình mà làm điều này điều kia
theo sở thích riêng thì anh em liền bị mất đi sự cung ứng sự sống. Nhưng nếu
quan tâm đến bản chất thần thượng bên trong mình, một cách thực tiễn trong nếp
sống hằng ngày, anh em sẽ vui hưởng sự cung ứng sự sống phong phú được tìm thấy dọc theo con đường bằng
vàng.