GIÊ-RU-SA-LEM
MỚI
(4)
Bài này tiếp theo bài trước.
C. Cả bốn
mặt đều có dáng vẻ giống nhau
Như chúng tôi đã chỉ ra bích ngọc là dáng vẻ của Đức
Chúa Trời. Sự kiện vật liệu xây dựng cho toàn thể tường thành là bích ngọc cho
thấy rằng Giê-ru-sa-lem Mới, tức sự biểu lộ tập thể của Đức Chúa Trời trong cõi
đời đời, mang dáng vẻ của Đức Chúa Trời. Cả bốn mặt của thành này đều có dáng vẻ
giống nhau. Điều này cho thấy rằng tất cả những sự khác biệt đều biến mất và
thành ấy là sự biểu lộ duy nhất của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Tình trạng này rất
khác với quan niệm của nhiều Cơ Đốc nhân; họ nghĩ rằng tất cả chúng ta đều cần
phải khác biệt và bày tỏ Christ một cách khác
biệt. Theo quan niệm này, anh em biểu lộ Christ theo cách của anh em, và tôi biểu lộ Christ theo cách của tôi. Trước kia, tôi được dạy rằng cả
cá nhân tín đồ lẫn các Hội thánh đều phải khác nhau và không Hội thánh nào được
giống Hội thánh nào. Chẳng những tôi được dạy như vậy, mà chính tôi cũng dạy điều
ấy. Tôi nói rằng chúng ta không nên bắt chước hay phỏng theo người khác. Dùng
khuôn mặt của chúng ta để minh họa, tôi nói rằng mỗi khuôn mặt là độc nhất vô
nhị. Nhưng bởi nghiên cứu lại sách Khải Thị, tôi thấy bảy giá đèn giống hệt
nhau. Nếu tất cả bảy giá đèn đều được đặt trên bàn trước mặt anh em thì anh em không thể nào phân biệt giữa các giá đèn ấy.
Mỗi giá đèn đều mất đi tính đặc trưng của nó. Khi nhìn thấy điều này, quan điểm
của tôi được cách mạng hoá hoàn toàn và tôi tự nhủ: “Thật là một quan điểm sai
lầm mà tôi nhận được từ những người dại dột giảng dạy rằng bảy Hội thánh là
khác nhau! Phải, các Hội thánh khác nhau trong những phương diện tiêu cực. Hội
thánh tại Phi-la-đen-phi chắc chắn là
không có các hình tượng như được thấy tại Thi-a-ti-rơ. Nhưng về phương diện
tích cực, tất cả các Hội thánh đều như nhau, đều có một Đức Chúa Trời và một Đấng
Christ,”
Tôi
đã thật sự được soi sáng.
Từ
ngày đó trở đi, Chúa cứ chỉ ra vấn đề này cho tôi nhiều lần, cuối cùng chỉ cho
tôi thấy bốn mặt tường của Giê-ru-sa-lem Mới.
Mỗi mặt đều có dáng vẻ giống hệt nhau. Dù có lẽ phải cần đến hàng
triệu viên bích ngọc mới xây nên được bức tường, nhưng mỗi mặt tường đều có
cùng một sự biểu lộ. Mỗi mặt đều giống nhau về phương diện vật
liệu, thực chất, màu sắc và dáng vẻ. Vì thế, tất cả chúng ta đều phải giống như
vậy. Tôi phải giống anh em, và anh em phải giống tôi.
Cuối cùng, chúng ta sẽ rất giống nhau đến nỗi mất đi tính đặc trưng của mình.
Nhìn thấy điều này sẽ giúp chúng ta hiểu lời của Phao-lô trong 1
Cô-rin-tô 1:10: “Anh em ơi, tôi nhơn danh Chúa chúng ta là Jesus Christ mà nài
khuyên anh em thảy đều đồng nói một lời; giữa anh em cũng đừng chia phe lập đảng,
nhưng phải cùng nhau kết hiệp trong một tâm trí một ý kiến.” Chúng ta cũng phải
nói như vậy và cùng nhau kết hiệp trong một ý kiến. Điều này không có nghĩa là
chúng ta bị ai đó điều khiển. Không một viên bích ngọc nào được xây vào tường của
Giê-ru-sa-lem Mới do bị điều khiển. Các viên
bích ngọc đều giống nhau về phương diện thực chất, màu sắc, dáng vẻ, sự tỏa
sáng và vinh quang vì chúng đã được biến đổi bằng cùng một sự sống. Vì thế, tất
cả chúng ta đều phải bắt chước nhau và sao
chép nhau. Chị em phải bắt chước anh em, và anh em phải sao chép chị em. Điều
này không có nghĩa là sao chép những đặc tính thiên nhiên của người khác, mà có
nghĩa là sao chép bích ngọc, sao chép thực chất, màu sắc vầ dáng vẻ.
Bích
ngọc không phải là một thực chất chỉ đơn thuần được Đức Chúa Trời tạo nên. Trước
hết nó được sáng tạo, và sau đó được biến đổi. Tất cả những loại
đá quý trong suốt, đặc biệt là kim cương, đều là những chất được biến đổi. Kim
cương là than được biến đổi bởi sức nóng và sức ép để thành pha lê tinh ròng.
Không ai trong chúng ta được tạo ra là bích
ngọc, mà chúng ta được tạo ra là đất sét (Sáng. 2:7).
Ngợi khen Chúa, chúng ta đã được tái sinh và đang được biến đổi! Nhiều người
trong chúng ta hằng ngày đang ở dưới tiến trình biến đổi. Cuối cùng, chúng ta sẽ
trở nên những viên đá quý. Chúng ta sẽ là bích ngọc, có sự
sống của Đức Chúa Trời và mang dáng vẻ của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ có chính
yếu tố của Đức Chúa Trời và có dáng vẻ giống như Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời giống như bích ngọc, và chúng ta cũng sẽ giống như bích ngọc. Khi
nhìn nhau, chúng ta thấy dáng vẻ cùa Đức Chúa Trời trong nhau. Thậm chí người
nhỏ nhất giữa vòng chúng ta cũng sẽ giống như Đức Chúa Trời.
Anh
em có nghĩ rằng sau khi tất cả chúng ta đã có thực chất, màu sắc và dáng vẻ của
bích ngọc thì chúng ta vẫn còn tranh luận và còn có những ý kiến khác nhau
không? Tất nhiên là không! Giê-ru-sa-lem Mới có thể được gọi là thành bằng bích
ngọc chứ không phải là thành bằng gỗ. Một ngày kia, thành phố này sẽ xuất hiện
mang màu xanh sáng ngời để biểu lộ Đức Chúa Trời. Trong Giê-ru-sa-lem Mới,
chúng ta sẽ không biểu lộ đặc tính người Đức, đặc tính người Anh, đặc tính người
Hoa, đặc tính người Mĩ hay đặc tính của bất cứ
người nào khác. Trái lại, chúng ta sẽ biểu lộ một đặc tính duy nhất, đặc tính,
thần thượng, là chính Đức Chúa Trời trong dáng vẻ của Ngài. Hội thánh ngày nay
cũng phải giống như vậy. Trong một Hội thánh như thế, tất cả
chúng ta đều biểu lộ Đức Chúa Trời.
Chúng
ta đã thấy rằng thành Giê-ru-sa-lem Mới thì hoàn toàn bằng vàng và thực chất là
vàng. Điều này cho thấy cả Hội thánh phải hoàn toàn thuộc về bản chất thần thượng
và thực chất là bản chất thần thượng. Đây chính là nội dung của Hội thánh. Hội
thánh không được có bất cứ điều gì khác hơn là chính Đức Chúa Trời trong bản chất
của Ngài để làm thực chất và nội dung của mình. Bây
giờ chúng ta cũng thấy rằng tường thành mang dáng vẻ của Đức Chúa Trời. Hội
thánh phải biểu lộ chính Đức Chúa Trời cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Sự
xây dựng Hội thánh tùy thuộc vào nội dung thực chất của nếp sống Hội thánh. Nếu
nội dung không phải là chính Đức Chúa Trời thì không thể nào có được sự xây dựng đích thực và đúng đắn. Nhưng nếu
nội dung của chúng ta là bản chất thần thượng thì nội dung ấy sẽ biến đổi chúng
ta và thậm chí đồng hóa chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Bởi sự biến đổi ấy, tất
cả những khái niệm, quan điểm và ý kiến khác nhau của chúng ta đều sẽ bị nuốt mất.
Được biến đổi bởi sự đổi mới của tâm trí chúng ta như được đề cập trong La Mã
12:2 là có ý nghĩa như vậy. Tâm trí được đổi mới bởi nội dung của Hội thánh, tức
bản chất thần thượng. Khi bản chất thần thượng chiếm hữu phần bề trong của Hội
thánh và trở nên nội dung của Hội thánh thì
bản chất ấy sẽ biến đổi tâm trí chúng ta và nuốt đi những
cách hiểu, khái niệm, quan điểm và ý kiến khác nhau của chúng ta. Bản chất thần
thượng càng đầy dẫy chúng ta ở bên trong thì những quan niệm và ý kiến của
chúng tà sẽ càng bị gạt bỏ. Kết quả là
chúng ta không còn sự hiểu biết thiên nhiên về nhiều điều nữa. Trái lại, quan
niệm của chúng ta phù hợp với bản chất thần thượng. Nhờ đó, tự
phát chúng ta có cùng một tâm trí và ý kiến, phát biểu cùng một điều, có sự biểu
lộ duy nhất, tức dáng vẻ của Đức Chúa Trời, và được xây dựng trong sự biểu lộ ấy.
Giả
sử anh em cứ bám lấy quan niệm thiên nhiên của mình, còn tôi cứ giữ lấy quan điểm
thiên nhiên của tôi. Cả quan niệm của anh em lẫn quan điểm của tôi
có thể đều rất tốt, không có tội lỗi gì cả.
Nhưng vì quan niệm của chúng ta khác nhau, nên chúng không thuộc về cùng một
bích ngọc. Tuy nhiên, khi cả hai chúng ta đều đầy dẫy bản chất thần thượng và
được bản chất ấy nuốt đi thì những quan niệm của chúng ta sẽ được
thay đổi, và tất cả chúng ta đều thuộc về cùng một bích ngọc. Khi ấy, chúng ta
sẽ có cùng một tâm trí, một quan niệm và một ý kiến. Đó là cách để được xây dựng
thành Hội thánh. Chúng ta phải buông bỏ tất cả những sự biểu lộ khác nhau của
mình để có thể được xây dựng thành cùng một bức tường và có được
sự biểu lộ duy nhất của Đức Chúa Trời.
Hội
thánh không thể được xây dựng bởi chúng ta cố gắng nhân từ và kiên nhẫn với
nhau. Xây dựng không phải là vấn đề tôi nhượng bộ anh em và anh em nhượng bộ
tôi. Làm như vậy là cư xử theo luân lí, là điều gì đó tương tự như dạy dỗ của
Khổng Tử; đó không phải là dạy dỗ của Kinh Thánh. Sự xây
dựng thật là được nuốt đi bởi bản chất thần thượng, và được chiếm hữu, đầy dẫy,
dầm thấm và thấm đẫm bản chất thần thượng. Để được như vậy, chúng ta phải yêu mến
Chúa và hết lòng dâng mình cho Ngài, nói với
Ngài rằng: “Chúa ơi, con không muốn giữ lại bất
cứ điều gì của chính mình. Con muốn dâng trọn bản thề con cho Ngài và để Ngài
hoàn toàn sở hữu và chiếm hữu con.
Chúa ơi, xin đầy dẫy con bằng chính Ngài”. Đây là
phương cách đúng đắn. Được xây dựng trong Hội thánh không phải là vấn đề cố gắng
yêu thương những loại người khác nhau hay cố gắng mở rộng lòng mình chấp nhận
những người có tính khí khác. Đó là quan niệm thiên nhiên. Điều cần thiết là
tính khí của chúng ta, dù tính khí đó là Mĩ, Hoa, Anh hay Đức, phải bị nuốt đi
và được thảy thế bơi vàng thần thượng. Nếu được đầy dẫy vàng thần thượng thì
lòng anh em sẽ rộng lớn hơn lòng của Sa-lô-môn (1 Vua. 4:29), vì lòng ấy sẽ rộng
lớn bằng lòng của Đức Chúa Trời. Khi được đầy dẫy và dầm thấm bản chất thần
thương, tất cả chúng ta sẽ có cùng một sự biểu lộ và dáng vẻ vì tất cả chúng ta
đều có cùng một ý kiến và nói cùng một điều. Khi có cùng một sự biểu lộ thì tất
cả chúng ta sẽ có dáng vẻ của Đức Chúa Trời, là điều đưực tượng trưng bởi bích
ngọc trong sách Khải Thị. Đó chính là sự biểu lộ của nếp sống Hội thánh.
D. Để
phân rẽ và bảo vệ
Dù
tường chủ yếu là để biểu lộ, nhưng tự động cũng là để phân rẽ và bảo vệ. Tường
phân rẽ chúng ta khỏi mọi điều tầm thường (21:27), bảo vệ chúng ta, và giữ gìn
chúng ta trong lĩnh vực thuộc dáng vẻ của Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì được
phân rẽ thì cũng được giữ gìn và bảo vệ. Trong nếp sống Hội thánh, chúng ta phải
có sự biểu lộ của Đức Chúa Trời. Sự biểu lộ thần thượng này là sự phân rẽ cho
chúng ta, và sự phân rẽ ấy chính là để bảo vệ và giữ gìn chúng ta. Nếu tất cả
chúng ta đều biểu lộ Đức Chúa Trời
thì chúng ta sẽ được phân rẽ khỏi bất cứ mọi điều thế tục. Đây không phải là
giáo lí suông. Nếu sống theo cách như vậy, anh em sẽ hoàn toàn kinh nghiệm những
gì tôi đang nói. Nếu bày tỏ Đức Chúa Trời trong dáng vẻ của bích ngọc thì tôi sẽ
hoàn toàn được phân rẽ khỏi thế giới. Khi ấy, tôi sẽ được
bảo vệ, được che chở và được giữ gìn trong sự biểu lộ của Đức Chúa Trời, Một số
người bị sự cuốn hút của thế giới bắt lấy vì họ không biểu lộ Đức Chúa Trời
trong dáng vẻ của bích ngọc. Trái lại, họ biểu lộ điều gì đó khác lạ. Khi chúng
ta mất đi sự biểu lộ thần thượng và bày tỏ điều gì đó của chính mình thay cho sự
biểu lộ ấy thì sự phân rẽ của chúng ta sẽ biến mất, và chúng ta không còn được
bảo vệ. Hậu quả là chúng ta không có bức tường. Khi ấy sẽ
không còn sự biểu lộ, sự phân rẽ và sự bảo vệ nữa, Ngợi
khen Chúa, trong nếp sống Hội thánh ngày nay, sự bảo vệ của chúng ta chính là sự
biểu lộ của Đức Chúa Trời như là sự phân rẽ của chúng ta!
XI. CÁC NỀN
CỦA THÀNH
A. Một
thành có các nền
Bây
giờ chúng ta đến với các nền
của thành. Điểm này rất quan trọng. Hê-bơ-rơ 11:10 chép về Áp-ra-ham rằng: “Vì
người trông đợi một thành có các nền, mà Đấng kiến trúc và tạo lập thành ấy là
Đức Chúa Trời”. Thành có các nền là Giê-ru-sa-lem Mới
được chính Đức Chúa Trời thiết kế và tạo lập.
Sự
khôi phục của Chúa có một nền vững chắc. Từ lúc sự khôi phục của Chúa được dấy
lên giữa vòng chúng ta vào hơn năm mưoi năm
trước, chứng cớ này càng ngày càng được vững lập.
Trong suốt cuộc đời mình, tôi từng chứng kiến nhiều nhóm Cơ Đốc nhân được thành
lập và tan rã. Họ được dấy lên, thành lập, và
sau đó biến mất. Nhiều nhóm tự do khởi xướng tại đất nước này vào mấy năm trước
hiện không còn tồn tại nữa vì họ không có nền vững chắc. Hội thánh là một thành
phố có các nền không do loài người thiết kế. Đức Chúa Trời là Đấng thiết kế và
cũng là Đấng xây dựng. Tất cả các Hội thánh trong sự khôi phục của Chúa đều đã
được Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng,
chứ không phải do loài người. Vì chúng ta có
một nền vững chắc như vậy nên càng bị chống đối và công kích, chúng ta càng được
vững lập.
B. Của
các sứ đồ chứ không còn của các tiên tri nữa
Câu
14 chép: “Tường thành có mười hai nền, trên đề mười
hai danh của mười hai sứ đồ của Chiên con.” Các nền này không phải là nền theo
1 Cô-rin-tô 3:10-11 là chính Đấng Christ, mà là mười
hai sứ đồ của Chiên con. Ngày nay, Hội thánh được xây dựng trên nền của các sứ
đồ và tiên tri (Êph. 2:20). Vì trong cõi đời đời sẽ không còn cần các tiên tri
nữa, nên các nền của thành thánh chỉ bao gồm các sứ đồ. Khi chúng ta vào trong
trời mới đất mới thì tất cả bốn thời kì đều sẽ được hoàn tất, và chúng ta không
còn cần đến lời tiên tri. Mọi sự đều sẽ được hoàn thành và ứng
nghiệm.
Mười
hai sứ đồ ở đây đại diện cho ân điển của
Tân Ước, có nghĩa là Giê-ru-sa-lem Mới được
xây dựng trên ân điển của Đức Chúa Trời. Lối
vào thành thánh là theo luật pháp của Đức Chúa Trời, và
thành ấy được xây dựng trên ân điển của Đức
Chúa Trời.
C. Được xây bằng mười hai viên đá quý
Câu
19 chép: “Những nền tường thành thì trang điểm bằng
mọi viên đá quý.” Câu này và câu tiếp theo liệt kê tên của mười hai viên đá
quý, tức mười hai sứ đồ của Chiên con; mỗi sứ đồ được tượng trưng bởi một viên
đá quý. Khi Phi-e-rơ, người đứng đầu trong mười hai sứ đồ, được đưa đến với
Chúa, Chúa đổi tên ông thành Sê-pha, nghĩa là “một
viên đá” (Giăng 1:42). Về sau, khi Chúa nói về sự xây dựng Hội thánh của Ngài (Mat. 16:18),
Ngài gọi ông bằng tên này. Những viên đá quý không được sáng tạo mà được biến đổi
từ một điều gì đó đã được sáng tạo. Tất
cả các sứ đồ được tạo nên là đất sét, nhưng họ được tái sinh và biến đổi thành
những viên đá quý vì kiến ốc đời đời của Đức Chúa Trời. Mỗi
tín đồ mà sẽ là một phần của Giê-ru-sa-lem Mới
đều cần được tái sinh và biến đổi.
Các
nền của tường thành có 12 lớp. Một lần nữa, số 12 cho thấy sự trọn vẹn trong sự
quản trị đời đời của Đức Chúa Trời. Lớp thứ nhất là bích ngọc, cho thấy rằng
hình trạng của Đức Chúa Trời là dáng vẻ nổi bật nhất.
Lớp thứ nhất của nền của tường cũng như
toàn bộ tường của Giê-ru-sa-lem Mới đều được xây bằng bích ngọc. Điều này cho
thấy rằng vật liệu chính trong sự xây dựng thành thánh là bích ngọc. Vì bích ngọc
tượng trưng cho Đức Chúa Trời được biểu lộ trong vinh hiển có-thể-truyền- đạt-được
của Ngài, nên chức năng chính của thành thánh là để biểu lộ Đức Chúa Trời trong
việc mang lấy vinh hiển của Ngài (c. 11).
Bây
giờ chúng ta phải suy xét một vấn đề rất quan trọng về mười hai nền. Dù toàn bộ
tường là bích ngọc, nhưng mười hai nền lại là các viên đá khác nhau với
những màu sắc khác nhau. Mỗi lớp đều khác nhau. Đó là vì các sứ đồ có những chức
vụ khác nhau. Chức vụ của Phao-lô khác với chức vụ của
Phi-e-rơ, và chức vụ của Phi-e-rơ khác với
chức vụ của Giăng. Tuy nhiên, các nền ấy không được đặt bên cạnh nhau mà được
chồng lên nhau. Lớp ở trên cùng, tức lớp sát với chân tường
là bích ngọc, cùng màu sắc với tường. Do đó, toàn thể công tác của
các sứ đồ đem đến cùng một dáng vẻ là bích ngọc. Tất cả mười hai lớp nền dẫn đến
và hỗ trợ cho một chứng cớ duy nhất trong sự biểu
lộ duy nhất.
Công
tác của nhiều người được gọi là công nhân Cơ Đốc đều dẫn đến một dáng vẻ cá
nhân, nhưng công tác của các sứ đồ dẫn đến một dáng vẻ duy nhất. Các công nhân
Cơ Đốc ngày nay không những có màu sắc khác nhau, mà còn
ở sát bên nhau, thay vì chồng lên nhau. Do đó, họ có một sự biểu lộ cá nhân, và
đôi khi còn cạnh tranh và ganh đua với nhau. Ngược lại, công tác của các sứ đồ
thì chồng lên nhau và dẫn đến một dáng vẻ là bích ngọc,
tức dáng vẻ của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.
Nếu
suy xét những chức vụ của các sứ đồ trong Tân Ước, anh em
sẽ nhận thấy mỗi chức vụ đều chồng lên nhau, chứ không phải bên cạnh nhau.
Trong quyển sách Người này sẽ
làm gì, anh Nee mô tả những chức vụ khác nhau của các sứ đồ.
Phi-e-rơ làm nghề đánh cá nên đem cá, tức vật liệu vào. Phao-lô làm nghề may trại
nên dựng trại bằng vật liệu được Phi-e-rơ đem vào. Cuối cùng, khi trại bị rách
thì Giăng đến vá nó lại. Vì thế, chức vụ của Phi-e-rơ là
chức vụ đánh cá, chức vụ của Phao-lô là chức vụ xây dựng, và chức vụ của Giăng
là chức vụ vá sửa. Ba vị sứ đồ này công tác chồng lên nhau. Công tác của
Phao-lô ở trên công tác của Phi-e-rơ, và công tác của Giăng ở trên công tác của
Phao-lô. Kết quả là họ tạo ra một toà nhà, chứ không phải ba căn nhà riêng biệt.
Không như Phi-e-rơ, Phao-lô và Giăng, những người được gọi là công nhân Cơ Đốc
ngày nay xây dựng những căn nhà riêng của mình mà mỗi căn đều có cách thiết kế,
hình dáng, màu sắc và biểu hiện riêng của nó. Vì thế, trong Cơ Đốc giáo có hàng
ngàn căn nhà khác nhau. Nhưng trong toàn thể vũ trụ thì chỉ có một
Giê-ru-sa-lem Mới duy nhất, được xây trên nền của nhiều chức vụ được đặt chồng
lên nhau. Nguyện vấn đề này trở nên sáng tỏ đối với chúng ta.
Nhờ
sự thương xót của Chúa, tôi có thể làm chứng rằng tôi từng cùng công tác với
anh Nee suốt nhiều năm, nhưng tôi không mang dáng vẻ khác với anh. Tôi tin chắc
và mạnh dạn nói rằng chức vụ của tôi giống như chức vụ của anh Nee về phương diện
dáng vẻ. Dù kẻ thù có dùng những người chống đối phân rẽ tôi với anh Nee thế nào đi
nữa nhưng hiện giờ, tôi vẫn đang đứng trên vai anh. Do đó, trong chức vụ của
chúng tôi, không có tình trạng chia rẽ hay bất đồng ý kiến. Nhưng nói như vậy
không có nghĩa là chức vụ của tôi giống hệt như chức vụ của anh Nee. Nếu Chúa
chậm trở lại, tôi hi vọng một số anh em trẻ giữa vòng chúng ta sẽ tiếp tục sự
khôi phục của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng có một công tác
khác, công tác bên cạnh là hoàn toàn sai trật. Công tác của anh em phải là một
lớp chồng lên trên lớp hiện tại, và
phải sản sinh cùng một dáng vẻ.
Sớm
muộn gì nhiều người trong vòng những người tìm kiếm Chúa là những người đang ở
trong công tác của Ngài nhiều năm, kể cả những người rất nổi tiếng, cũng sẽ
quay về đường lối khôi phục của Chúa. Nhưng chúng tôi không tin rằng Chúa sẽ dấy
lên bất cứ công tác nào bên cạnh nhau. Dù sẽ có những chức vụ khác nhau,
nhưng các chức vụ ấy chồng lên nhau và dẫn đến một dáng vẻ của Đức Chúa Trời
trong Christ.
Dù
có thể có nhiều chức vụ trong sự khôi phục, nhưng chúng ta vẫn có cùng một tâm
trí, cùng một quan niệm và cùng một ý kiến, và tất cả chúng ta đều sẽ nói cùng
một điều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các chức vụ đều phải giống
hệt nhau. Chúng ta cần những chức vụ khác nhau, nhưng các chức vụ ấy phải chồng
lên nhau. Tất cả các chức vụ đều phải dẫn đến một dáng vẻ - dáng vẻ của Hội
thánh ngày nay và của Giê-ru-sa-lem Mới sắp đến.
Gần
đây tôi mới nhìn thấy vấn đề mười hai lớp nền được đặt chồng lên nhau và đem lại
một toà nhà có một dáng vẻ. Tất cả các chức vụ ấy đều nâng đỡ và mang cùng một
chứng cớ duy nhất. Tuy nhiên, tình trạng của Cơ Đốc giáo ngày nay là có nhiều
chứng cớ khác nhau. Chẳng hạn, chứng cớ của nhóm này có
thể là rửa chân, và chứng cớ của nhóm kia có thể là nói tiếng lạ. Nhưng chúng
ta ở đây không phải vì những điều như vậy. Chúng ta vì sự
biểu lộ duy nhất của Đức Chúa Trời Tam Nhất,
chứ không vì bất cứ sự thực hành hay giáo lí đặc biệt nào. Dù các chức vụ của
chúng ta có thể khác nhau, nhưng sự biểu lộ của chúng
ta, chứng cớ của chúng ta thì chỉ là một. Chúng ta không xây dựng bên cạnh nhau,
mà xây dựng chồng lên nhau để tạo ra chứng cớ duy nhất của Đức Chúa Trời trong
vũ trụ.
D. Màu sắc
giống như cầu vồng
Màu
sắc mười hai viên đá quý của nền, tượng trưng cho mười hai sứ đồ, như sau: thứ
nhất là màu xanh lá, thứ hai và ba là màu thiên thanh, thứ tư là màu xanh lá,
thứ năm và sáu là màu đỏ, thứ bảy là màu vàng, thứ tám là màu
xanh lá lẫn với thiên thanh, thứ chín là màu vàng, thứ mười là màu xanh lục pha
vàng, thứ mười một và mười hai là màu tím. Mười hai lớp nền với những màu sắc
nêu trên giống như một cầu vồng, cho thấy rằng thành ấy được xây trên và được bảo
đảm bởi sự thành tín của Đức Chúa Trời trong việc giữ giao ước của Ngài (Sáng.
9:8-17). Vì nền được xây trên chính sự thành tin mà bởi đó Đức Chúa Trời giữ
giao ước của Ngài, nên nền ấy đáng tin cậy và vững chắc.