SỰ LAN RỘNG TẠI TIỂU Á VÀ ÂU CHÂU
QUA CHỨC VỤ
CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC PHAO-LÔ
(5)
Kinh Thánh: Công. 14:1-28
SÁCH VỀ GIA TỂ ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong Nghiên Cứu Sự Sống Sách Công Vụ, tôi không có gánh nặng dề cập đến tất cả những điểm phụ ở trong Sách nhiều chương này. Chẳng hạn, tôi không có gánh nặng nói về những điều như Đa-vít là người phù hợp với lòng Đức Chúa Trời. Nhưng gánh nặng của tôi trong Nghiên Cứu Sự Sống Sách Công Vụ là đề cập đến tất cả những điểm quan trọng về gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, tôi quan tâm đến tất cả những gì trong Sách này có tầm quan trọng mang tính thời kỳ.
Tôi không dùng từ “mang tính thời kỳ phân phát” để chỉ về một thời đại hay về cách Đức Chúa Trời đối xử với con người trong một giai đoạn nào đó. Nhưng trong những bài này, từ “thời kỳ phân phát” ngụ ý sự sắp đặt thần thượng trong gia tể đời đời của Đức Chúa Trời. Trong Sách Công Vụ có nhiều điều liên quan đến sự sắp đặt thần thượng này mà chúng ta cần thấy. Vì vậy,
Sách Công Vụ là một Sách về gia tể Đức Chúa Trời. Nhiều Cơ- đốc nhân không hiểu về Sách Công Vụ như vậy. Sách Công Vụ không chỉ đề cập đến những hoạt động, công việc mà đây còn là một Sách cho thấy sự phân phát của Đức Chúa Trời, gia tể của Đức Chúa Trời, sự sắp đặt của Đức Chúa Trời trong gia tể đời đời của Ngài cho chúng ta. Gánh nặng của tôi trong những bài Nghiên Cứu Sự Sống này là đề cập đến vấn đề gia tể của Đức Chúa Trời trong Sách Công Vụ.
Khi đến với một chương nào đó trong Sách Công Vụ, mục tiêu của tôi là thấy một điều nào đó liên quan đến sự sắp đặt thần thượng của gia tể Đức Chúa Trời trong chương ấy. Đó là mục tiêu của tôi khi đến với chương 14. Dường như trong chương này chúng ta không thể thấy điều gì liên quan đến sự sắp đặt thần thượng trong gia tể của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu nghiên cứu chương này cẩn thận, chúng ta sẽ có thể thấy vài vấn đề liên quan đến sự sắp đặt thần thượng này.
ĐẾN Y-CÔ-NY
Công Vụ 14:1 chép: “Tại Y-cô-ni, Phao-lô và Ba-na-ba cùng vào nhà hội của người Do-thái, và giảng một cách đến nỗi có người trong cả người Do-thái lẫn người Hi-lạp đều tin rất đông”. Cũng như trong 13:5 và 14, họ không đến để tham dự buổi nhóm tại nhà hội Do-thái Giáo, nhưng lợi dụng cơ hội nhóm họp để rao giảng Lời ân điển của Đức Chúa Trời. Câu 2 chép tiếp: “Song những người Do-thái chưa vâng phục xui giục lòng dân Ngoại ác cảm với anh em”, ở đây, từ Hi-lạp được dịch là “lòng” nguyên văn có nghĩa là “hồn”.
Lời Ân Điển Của Đức Chúa Trời
Công Vụ 14:3 chép tiếp: “Dầu vậy, hai người ở lại khá lâu, nhờ Chúa mà giảng cách dạn dĩ, Chúa dùng tay họ làm những dấu kỳ phép lạ để làm chứng cho đạo (Lời) ân điển của Ngài”. Như chúng tôi đã chỉ ra, ân điển của Chúa là Đức Chúa Trời Tam-Nhất được tín đồ tiếp nhận, vui hưởng, và được biểu lộ trong sự cứu rỗi, sự thay đổi đời sống và cuộc sống thánh khiết của họ.
Khi Chúa làm chứng cho Lời ân điển của Ngài, Ngài ban các dấu kỳ phép lạ do tay Phao-lô và Ba-na-ba thực hiện. Phép lạ và dấu kỳ không phải là một phần chứng cớ trọng tâm của Đức Chúa Trời về Đấng Christ nhục hoá, bị đóng đinh, phục sinh và thăng thiên; cũng không phải là một phần trong sự cứu rỗi trọn vẹn của Ngài. Nhưng dấu kỳ và phép lạ chỉ là bằng chứng cho thấy những gì các sứ đồ rao giảng và cung ứng là hoàn toàn ra từ Đức Chúa Trời, chứ không ra từ loài người.
Cụm từ “Lời ân điển Ngài” hàm ý một số điểm về thời kỳ phân phát. Trong các nhà hội, người Do-thái không đọc Cựu Ước để biết về Lời ân điển của Đức Chúa Trời. Nhưng họ đọc Kinh Thánh để biết Lời về luật của Đức Chúa Trời, Lời thuộc về thời kỳ phân phát cũ, thuộc về sự sắp đặt thần thượng cũ của gia tể Đức Chúa Trời. Nhưng Lời ân điển của Chúa thay thế cho Kinh Luật. Tâm trí của người Do-thái trong các nhà hội bị Kinh Luật chiếm hữu. Nhưng Phao-lô rao giảng Đấng Christ là ân điển cho họ. Họ gây dựng tín đồ mới bằng cách làm chứng về Lời sự sống và Lời ân điển của Chúa. Từ “làm chứng” trong câu 3 ngụ ý Lời ân điển đã tồn tại rồi và đã được rao giảng rồi. Vì Lời ân điển đã được rao giảng nên mới có chứng cớ cho Lời ấy.
Lời Ân Điển Trong Cựu ước
Các sứ đồ có thể làm chứng về Lời ân điển của Chúa dầu họ chỉ có Cựu ước. Chúng ta có thể tìm được Lời ân điển trong Cựu Ước không? Thay vì tìm Lời ân điển, người Do-thái chỉ chú ý đến Lời Kinh Luật với tất cả các mạng lịnh. Những gì họ có là Lời về luật của Đức Chúa Trời, không phải Lời ân điển của Chúa. Tuy nhiên, Lời ân điển của Chúa đã hiện hữu trong Cựu Ước. Điều này làm cho các sứ đồ có thể làm chứng về Lời ấy.
Hãy xem xét một vài ví dụ về Lời ân điển của Chúa được tìm thấy trong trong Cựu Ước. Hãy suy gẫm Sáng Thế Ký 3:15: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. Ở đây, chúng ta thấy dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn. Đây không phải là Lời ân điển của Chúa sao? Chắc chắn là phải: Sau khi A-đam và Ê-va ăn trái Cây Tri Thức Thiện-Ác, họ tìm cách trốn Đức Chúa Trời. Tiếng của Chúa vang lên nói với A-đam rằng: “Ngươi ở đâu?” (Sáng. 3:9). A-đam và Ê-va sợ hãi, có lẽ họ nghĩ Đức Chúa Trời sẽ xử tử mình. Nhưng thay vì phán một lời lên án hay phán xét, Chúa nói một Lời ân điển. Trong Sáng Thế Ký 3:15, Ngài định tội con rắn và ban cho A-đam cùng Ê-va một Lời ân điển. A-đam và Ê- va hẳn rất vui mừng khi nghe Lời Chúa trong Sáng Thế Ký 3:15. Chắc hẳn họ rất ghét con rắn, và bây giờ Chúa phán với họ rằng dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn. Lời ấy chắc chắn là Lời ân điển.
Một ví dụ khác về Lời ân điển được tìm thấy trong Cựu Ước là Sáng Thế Ký 12:2-3, là Lời Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước... các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”. Lời này chắc chắn không phải là Lời Kinh Luật; đó là Lời ân điển. Người Do-thái trong các nhà hội đui mù về mặt thuộc linh, họ không thể thấy Lời ân điển của Chúa trong Cựu Ước.
Những ví dụ khác về Lời ân điển của Chúa được tìm thấy trong sách Ê-sai. Hãy xem Ê-sai 7:14: “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên”. Đó là Lời ân điển. Một Lời ân điển khác trong Ê-sai 9:5: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xứng là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An”. Đó cũng là một ví dụ trong nhiều lần Lời ân điển của Chúa được đề cập trong Cựu Ước.
Sự Rao Giảng Của Phi-e-rơ Và Phao-lô
Chúng ta đã thấy rằng trong Sách Công Vụ chương 13, Phao-lô ứng dụng “những điều thánh khiết và trung tín của Đa-vít” cho Đấng Christ Phục Sinh (cc. 33-35). Phao-lô hiểu những điều này nói về Đấng Christ trong sự phục sinh. Ngoài Phao-lô, ai có thể hiểu những điều thánh khiết và trung tín của Đa-vít chỉ về Đấng Christ Phục Sinh? Chắc chắn Phao-lô là “thợ mỏ” giỏi nhất, người có khả năng đào sâu Cựu Ước để tìm ra sự phong phú trong Lời ân điển của Chúa.
Trong Công Vụ chương 2, Phi-e-rơ chia sẻ một sứ điệp tuyệt hảo về Đấng Christ Phục Sinh. Khi đọc Công Vụ chương 2, có lẽ anh em có ấn tượng sâu xa về bài giảng của Phi-e-rơ. Nhưng trước đây anh em có quí báu cách đúng mức lời rao giảng của Phao-lô trong Công Vụ chương 13 không? Nhiều người đọc Sách Công Vụ không đánh giá cao sứ điệp này đúng mức vì họ chưa thấy những gì được khải thị trong đó liên quan đến Đấng Christ trong sự phục sinh. Đành rằng lời rao giảng của Phi-e-rơ trong chương 2 thật tuyệt hảo nhưng có phần nông cạn. Sự rao giảng của Phao-lô trong Công Vụ chương 13 thì rất sâu sắc và tuyệt diệu.
Trong lời rạo giảng trong Công Vụ chương 13, Phao-lô cho thấy rằng trong sự phục sinh, Đấng Christ trở nên Con Trưởng của Đức Chúa Trời, ông ứng dụng Thi Thiên 2:7 cho Đấng Christ Phục Sinh để bày tỏ rằng đối với Đấng Christ, sự phục sinh là sự sinh ra của Ngài. Có lẽ chúng ta không nhận biết sự phục sinh của Đấng Christ là sự sinh ra của Ngài. Anh em có bao giờ nghe điều này chưa? Theo Kinh Thánh, trong sự phục sinh, Đấng Christ được Đức Chúa Trời sinh ra trong nhân tính để làm Con Trưởng của Ngài. Trong khi Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời là vì sự hiện thân của sự sống thần thượng thì Con Trưởng của Đức Chúa Trời là để nhân rộng sự sống thần thượng này. Thật ra, chúng ta được sinh ra với Đấng Christ trong sự phục sinh của Ngài. Vì vậy, theo ý nghĩa này, sự phục sinh của Đấng Christ là sự sinh ra mang tính hoàn vũ. Điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là từ trong Cựu Ước Phao-lô đã đào ra một lẽ thật là trong sự phục sinh của Ngài, Đấng Christ được sinh ra để làm nhân tố nhân rộng của sự sống thần thượng. Trong sự phục sinh, Ngài được sinh ra để làm Con Trưởng của Đức Chúa Trời để tái sản sinh, để nhân rộng sự sống thần thượng.
Trong việc “khai thác mỏ” là Lời, Phao-lô cũng tìm thấy rằng trong sự phục sinh, Đấng Christ trở nên tất cả những điều thánh khiết và trung tín, những điều đáng tin cậy và chắc chắn của Đa- vít. Phao-lô nhận biết “sự thương xót chắc thật của Đa-vít” (Ês. 55:3) chỉ về Đấng Christ trong sự phục sinh. Ngày nay một số người vui hưởng khi hát Thi thiên 89:1: “Tôi sẽ hát xướng về sự nhân từ (RcV: sự thương xót) của Đức Giê-hô-va luôn luôn: Từ đời này sang đời kia, miệng tôi sẽ truyền ra sự thành tín của Ngài”. Tuy nhiên, những người hát Thi Thiên này có lẽ không hiểu đầy đủ sự thương xót là gì. Có lẽ họ nghĩ thương xót chỉ là một cảm xúc thương hại của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Nhưng theo hiểu biết của Phao-lô, những sự thương xót của Chúa là Đấng Christ trong sự sinh ra lần thứ hai của Ngài, tức là Đấng Christ trong sự phục sinh. Việc Phao-lô đào sâu vào lời thật tuyệt diệu, và chúng ta ngưỡng mộ cách ông nghiên cứu Kinh Thánh. Không ai sánh kịp ông trong việc đào sâu vào Lời. Trong Công Vụ chương 13, Phao-lô rao giảng một Đấng Christ Bao Hàm Tất Cả.
Suốt các thế hệ, người Do-thái đọc Cựu Ước trong các nhà hội. Nhưng những gì họ nghe là lời về điều răn của Đức Chúa Trời, chứ không phải Lời ân điển Chúa. Tuy nhiên, khi Chúa Jesus công bố sự hân hỉ Tân Ước trong Lu-ca chương 4, Ngài chọn một Lời ân điển từ Sách Ê-sai.
Chúng ta cần thấy ý nghĩa của cụm từ “Lời ân điển” trong 14:3. Cụm từ này là dấu chỉ mạnh mẽ cho thấy sự thay đổi về thời kỳ phân phát, sự thay đổi về sắp đặt của Đức Chúa Trời trong gia tể của Ngài.
Trong chương 13, lời Phao-lô giảng cho người Do-thái chính yếu dựa trên khải thị trong Cựu Ước về Đấng Christ. Tuy nhiên, những gì ông rao giảng trong chương 14 dành cho dân Ngoại. Khi xem xét chương này, chúng ta sẽ thấy sự khôn ngoan của Phao-lô khi rao giảng Phúc Âm cho dân Ngoại. Lời ông rao giảng cho dân Ngoại trong chương này không dựa trên khải thị của Cựu Ước về Đấng Christ, mà dựa trên sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
ĐẾN LÍT-TRƠ VÀ ĐẸT-BƠ THUỘC LY-CAO-NI
Phản ứng Của Đám Đông
Khi các sứ đồ nhận biết “bấy giờ dân Ngoại và người Do-thái cùng các quan của họ đều áp lại để lăng nhục và ném đá hai sứ đồ” (c. 5), thì họ “trốn qua các thành thuộc Ly-cao-ni, là Lít-trơ, Đẹt-bơ và miền xung quanh, mà giảng Phúc Âm tại đó” (cc. 6-7). Phao-lô thấy một người liệt chân, thì nói với ông: “Hãy đứng thẳng chơn lên! Người bèn nhảy rồi đi” (c. 10). Theo câu 11-12, “quần chúng thấy điều Phao-lô đã làm, thì kêu lên bằng tiếng Ly-cao-ni rằng: Các thần đã lấy hình loài người mà xuống cùng chúng ta! Chúng bèn xưng Ba-na-ba là Zeus, còn Phao-lô là Hermes, vì người là thủ lãnh phát ngôn”. Trong tiếng La-tinh, Jupiter tương đương với Zeus, tức là thần đứng đầu trong thần thoại Hi-lạp, và Mercury tương đương với Hermes, là sứ giả của các vị thần. Trong câu 12, các từ Hi-lạp được dịch là “thủ lãnh phát ngôn” nghĩa đen là “người chủ trì cuộc thuyết trình”. Trong câu 13, chúng ta được biết “thầy tế tư của thần Zeus, miếu ở ngoài thành, đem bò đực và tràng hoa đến trước cửa, muốn cùng quần chúng dâng tế lễ”.
Phản ứng Của Các Sứ Đồ
Khi Ba-na-ba và Phao-lô nghe điều này, “họ xé áo mình, sấn vào giữa quần chúng, mà kêu lên rằng: Các ông ơi, sao các ông làm điều đó? Chúng tôi chỉ là người, có tánh tình như các ông; chúng tôi giảng Phúc Âm cho các ông để các ông xoay bỏ điều hư không nầy mà trở lại cùng Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật trong đó” (cc.14-15). “Những điều hư không” ở đây chỉ về hình tượng và sự thờ lạy hình tượng. Ở đây Phao-lô và Ba-na-ba có ý nói: “Đừng xem chúng tôi như những vị thần và đừng thờ lạy chúng tôi! Chúng tôi chỉ là người giống như các anh. Các anh nên quay khỏi những điều hư không này, những hình tượng này, mà hướng về Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng tạo dựng trời, đất, biển và mọi vật trong đó”. Ở đây, chúng ta thấy lời Phao-lô rao giảng cho dân Ngoại dựa trên sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
Cách Phao-lô Giảng Phúc Âm Cho Người Do-thái
Khác Với Cách Ông Giảng Cho Dân Ngoại
Trong câu 16, Phao-lô và Ba-na-ba nói tiếp rằng “trong các đời trước đây, Ngài (Đức Chúa Trời) để muôn dân đi theo đường riêng họ”. Rồi đến câu 17, họ nói lên một lời cảm động, lời chạm đến lòng người nghe: “Dầu vậy, Ngài chẳng thôi tự tỏ chứng cớ, như là giáng phước cho các ông mà ban mưa từ trời, mùa màng dồi dào, thức ăn dư dật và lòng đầy vui thỏa”. Đó là lời rao giảng Phúc Âm rất tốt, dựa trên sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, và cuối cùng chạm đến lòng người nghe. Lời này ngắn gọn, nhưng có khải thị và cảm động lòng người.
Tất cả chúng ta đều cần học cách rao giảng Phúc Âm của Phao-lô. Trong chương này ông không kể chuyện, nhưng chia sẻ một bài giảng ngắn gọn bày tỏ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của cả vũ trụ. Ông cũng nói một lời cảm động lòng người. Dường như Phao-lô nói: “Suốt các thế hệ, Đức Chúa Trời cho phép các anh đi đường riêng của mình. Ngài không trừng phạt các anh mà Ngài còn làm bao nhiêu điều tốt lành cho các anh. Ngài ban cho các anh mưa từ trời và được mùa dư dật, Ngài làm đầy dẫy lòng các anh với thức ăn và sự vui mừng”. Tất cả chúng ta hãy học tập nơi Phao-lô và thực hành cách rao giảng Phúc Âm của ông.
Trong Công Vụ chương 13, Phao-lô rao giảng theo Cựu Ước mà người Do-thái đã biết từ bao đời. Thay vì chỉ ra sự sáng tạo và những điều tốt lành Đức Chúa Trời đã làm cho họ, ông nói với họ về Đấng Christ trong sự phục sinh. Qua đó, chúng ta thấy nếu rao giảng Phúc Âm cho những người biết Cựu Ước, chúng ta không cần nói với họ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Nếu chúng ta nói như vậy, họ sẽ trả lời: “Chúng tôi đã biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa rồi. Chúng tôi còn có thể dạy anh về điều đó nữa kia”.
Điều quan trọng chúng ta cần nhận biết là lời Phao-lô giảng Phúc Âm trong chương 14 khác với lời ông giảng trong chương 13. Ông nói chuyện với người Do-thái trong chương 13 trong khi ông rao giảng cho dân Ngoại trong chương 14. Khi rao giảng cho họ, ông nói với họ rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Ngài luôn luôn nhân từ đối với họ, ban cho họ mưa móc, mùa màng để lòng họ đầy dẫy sự vui mừng. Ở đây, chúng ta thấy Phao-lô giảng Phúc Âm thật khôn ngoan và xuất sắc.