GIÊ-RU-SA-LEM
MỚI
(6)
XIV. ĐỀN
THỜ CỦA THÀNH
Trong các bài trước, chúng ta đã xem xét thành, các
nền, tường, các cổng và con đường. Bây giờ chúng ta đến với đền thờ là một đề tài rất
qưan trọng trong Kinh Thánh.
A. Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng,
và Chiên con
Khải Thị 21:22 chép: “Trong đó tôi không thấy đền thờ
nào, vì Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, và Chiên con đều là đền thờ của
thành.” Câu này nêu rõ rằng trong Giê-ru-sa-lem Mới sẽ không có đền thờ. Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng
Toàn Năng, và Chiên con chính là đền thờ của thành. Trong Cựu Ước, nhà trại của
Đức Chúa Trời là tiền thân, hay nguyên mẫu đầu tiên của đền thờ Đức Chúa Trời.
Giê-ru-sa-lem Mới là nhà trại của Đức Chúa Trời (c. 3) sẽ là đền thờ của Đức
Chúa Trời. Điều này cho thấy rằng trong trời mới đất mới, đền thờ của Đức Chúa
Trời sẽ được mở rộng thành một thành phố. Sự kiện thành có ba chiều bằng nhau
(c. 16) cho thấy rằng toàn thành sẽ là Nơi chí thánh, tức đền thờ bên trong. Vì vậy, tại đó
sẽ không có đền thờ.
Chữ Hi Lạp được dịch là đền thờ trong câu 22
là naos không chỉ về toàn bộ đền thờ theo ý nghĩa thông thường bao gồm Nơi chí thánh và
Nơi thánh, mà chỉ về đền thờ bên trong, tức Nơi chí thánh. Đền thờ bên trong ấy là Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng
Toàn Năng, và Chiên con, cho thấy rằng Đức Chúa Trời và Chiên con sẽ là nơi chúng ta phụng
sự Đức Chúa Trời. Thành thánh là nhà trại của Đức Chúa Trời là để Ngài cư ngụ, còn Đức
Chúa Trời và Chiên con là đền thờ là để chúng ta cư ngụ. Trong trời mới đất mới,
Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là một nơi cư ngụ hỗ tương dành cho cả Đức Chúa Trời lẫn con người cho đến đời
đời.
Toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem Mới là Nơi chí thánh, và
Đức Chúa Trời cùng Chiên con là đền thờ trong thành ấy. Nếu đặt hai điều này lại
với nhau, chúng ta sẽ nhận thấy thành này là Đức Chúa Trời và Chiên con. Vì
toàn bộ thành phố là Nơi chí thánh và vì đền thờ bên trong là Đức Chúa Trời và
Chiên con, cho nên thành ấy là Đức Chúa Trời và Chiên con.
Hơn nữa, toàn thành ấy được gọi là nhà trại (c. 3). Cũng như
một cậu bé là tiền thân của một người thanh niên, thì nhà trại là tiền thân của
đền thờ. Trước khi đền thờ xuất hiện thì đã có nhà trại. Nhưng khi nhà trại hoàn
toàn phát triển thì trở nên đền thờ. Vì vậy, chúng ta cần ghi nhớ ba điểm sau
đây: toàn thành là Nơi chí thánh; đền thờ là chính Đức Chúa Trời và Chiên con;
và toàn thành là nhà trại. Khi đặt tất cả những điều này lại với nhau, chúng ta
thấy chính Đức Chúa Trời là toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem Mới.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã chỉ ra ở một chỗ khác, toàn
thành Giê-ru-sa-lem Mới cũng là một kết cấu sống bao gồm tất cả những người đã
được Đức Chúa Trời cứu chuộc. Một mặt, Đức Chúa Trời là toàn bộ thành ấy; mặt
khác, thành ấy là một kết cấu sống bao gồm những người được cứu chuộc. Nếu anh
em thấy vấn đề này khó hiểu đối với tâm trí thiên nhiên của mình thì tôi xin hỏi anh em một câu:
chúng ta không nói Hội thánh ngày nay là Đấng Christ và là một kết cấu bao gồm tất cả các tín đồ sao? Một
mặt, Hội thánh là một kết cấu bao gồm tất cả các tín đồ; mặt khác, Đấng Christ vừa là Đầu vừa là Thân thể. Vì vậy, chúng ta có từ
liệu Christ-Thân thể. 1 Cô-rin-tô 12:12 cho thấy rằng Đấng Christ không những là Đầu mà còn là Thân thể: “Vả, như thân
là một mà có nhiều chi thể, và thảy đều thuộc trong thân, dầu nhiều cũng chỉ có một
thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy
” Cả Hội thánh lẫn Giê-ru-sa-lem Mới cũng cùng một nguyên tắc như vậy.
Hội thánh là sự mở rộng của Đấng Christ. Chính Đấng Christ là Christ cá thể, nhưng Hội thánh là Christ tập thể, tức Đấng Christ
được mở rộng và bành trướng. Vì vậy, Hội thánh là sự bành
trướng của Đấng Christ, sự mở rộng của
Đấng Christ. Cũng vậy,
Giê-ru-sa-lem Mới là sự mở rộng
và bành trướng của Đức Chúa Trời Tam Nhất.
Nhiều người tôn giáo sẽ không đồng ý với lời tuyên bố như
vậy vì họ thiếu kinh nghiệm. Một số người thậm chí còn vu khống chúng ta, nói rằng chúng ta
giảng dạy sự tiến hóa thành Đức Chúa Trời. Dù phản đối sự buộc tội có tính vu khống ấy nhưng
chúng ta nói rằng chúng ta là sự bành trướng và mở rộng của Đức Chúa Trời. Sau
khi những người chống đối và chỉ trích chúng ta ngày nay được hoàn hảo, có thể họ nói: “Anh
Lee ơi, anh đã đúng. Chúng tôi xin lỗi vì đã chống đối anh. Khi ở trong thời kì ân điển, chúng tôi không có kinh nghiệm. Do đó, chúng tôi đã dại dột
chống đối anh. Nhưng chúng tôi đã được xử lí trong thời kì vưong quốc, và đã được
làm cho hoàn hảo. Vì nay chúng ta sẽ ở với nhau trong cõi đời đời, nên chúng
tôi muốn làm hòa với anh và xin anh tha thứ.” Nếu có người nào nói như vậy, tôi
sẽ bảo họ rằng trong thời kì ân điển, tôi đã tha thứ cho họ rồi. Trong thời kì này,
trong thời kì sau hay trong
cõi đời đời, sớm muộn gì những người chống đối chúng ta cũng sẽ thừa nhận rằng
khải thị cuối cùng của Kinh Thánh mô tả Giê-ru-sa-lem Mới là sự mở rộng của Đức Chúa Trời.
Giê-ru-sa-lem Mới vừa
là đền thờ vừa là nhà trại. Điều này có nghĩa Giê-ru-sa-lem Mới sẽ không những là sự mở rộng của Đức Chúa Trời, tức đền
thờ, mà còn là nhà trại, tức Đức Chúa Trời và Chiên con che phủ những người được
cứu chuộc bằng chính Ngài như là nhà trại. Khải Thị 7:15 chép về đoàn dân rất
đông phụng sự Đức Chúa Trời trong đền thờ thuộc trời rằng: “Vì cớ đó chúng được
ở trước ngai Đức Chúa Trời, ngày đêm phụng sự Ngài trong đền thờ Ngài; còn Đấng
ngự trên ngai sẽ giăng trại mình trên chúng” Đức Chúa Trời sẽ che phủ những người
được Ngài cứu chuộc bằng cách giăng chính Ngài trên họ. Trong Thi Thiên 90:1,
Môi-se nói: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng
tôi.” Môi-se biết chính Đức Chúa Trời là nơi ở đời đời của mình. Thi Thiên 90 là một lời tiên tri về
vấn đề này. Tôi không quan tâm đến việc sống trong một lâu đài thuộc trời. Tôi
thích ở trong Đức Chúa Trời hơn, tức là ở trong sự mở rộng của Đức Chúa Trời. Tâm
trí thiên nhiên của chúng ta không bao giờ
nghĩ chúng ta có thể ở trong Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, toàn thành Giê-ru-sa-lem
Mới sẽ là chính Đức Chúa Trời như nơi ở của chúng ta. Sự bành trướng và mở rộng của Đức
Chúa Trời sẽ là thành phố đời đời của chúng ta mà trong đó, chúng ta sẽ cư ngụ cho đến
đời đời. Tất cả những người đã được Đức Chúa Trời cứu chuộc đều sẽ hầu việc và ở
trong Đức Chúa Trời và Chiên con, tức là đền thờ.
Trong cả Cựu Uớc lẫn Tân Uớc, nhà trại là tiền
thân của đền thờ. Khi Chúa Jesus nhục hoá, Ngài đã lập nhà trại giữa vòng chúng ta (Gi. 1:14) và Ngài cũng là
đền thờ (Gi. 2:19-21).
Ngày nay, Hội thánh là đền thờ (1 Cô. 3:16). Hai từ
liệu nhà trại và đền thờ được dùng nhiều lần trong Kinh Thánh. Vì vậy nếu muốn
hiểu biết Giê-ru-sa-lem Mới, chúng ta phải nghiên cứu tất cả những phân đoạn
Kinh Thánh về nhà trại và đền thờ trong Cựu Ước và Tân Ước. Nói cách chính xác, nhà trại không phải chủ
yếu dành cho loài người ở, mà dành làm chỗ ở của Đức Chúa Trời. Cuối cùng,
Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là nơi ở của cả Đức Chúa Trời lẫn con người. Điều này có nghĩa là Giê-ru-sa-lem
Mới sẽ là một nơi ở hỗ tương. Đức Chúa Trời sẽ là nơi ở của chúng ta, và chúng ta sẽ là nơi ở của Ngài.
Trong lời Chúa, chúng ta thấy có một mô hình thu nhỏ của nơi ở hỗ tương này: “Hãy cứ
ở trong Ta và Ta trong các anh,” (Gi. 15:4). Cứ ở trong Chúa có nghĩa là nhận lấy
Ngài làm nơi ở của chúng ta. Khi chúng ta nhận lấy Ngài làm nơi ở của mình thì
Ngài cứ ở trong chúng ta. Cứ ở như vậy có tính cách hỗ tương, vì chúng ta cứ ở
trong Chúa, và Ngài cứ ở trong chúng ta. Chúng ta không cần chờ đợi cho tới khi có
Giê-ru-sa-lem Mới rồi mới cứ ở trong Chúa và được Ngài cứ ở trong chúng ta. Tôi
có thể làm chứng mạnh mẽ rằng nhiều lúc tôi biết tôi thực sự ở trong Chúa và
Ngài thực sự ở trong tôi. Thậm chí sáng nay tôi cứ ở trong Ngài, và Ngài ở
trong tôi. Vấn đề này tuy khó giải thích, nhưng là một sự thật trong kinh nghiệm
của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể làm chứng rằng mỗi khi cứ ở trong Ngài thì ngay lập tức
chúng ta cảm nhận Ngài cứ ở trong chúng ta. Nếu anh em nói: “Chúa Jesus ơi, con cảm tạ Ngài biết bao vì hiện giờ con cứ ở
trong Ngài” thì ngay lập tức anh em sẽ có cảm nhận sâu xa là Ngài cứ ở trong mình. Dù ở bất cứ nơi nào, ở nhà, ở
công sở hay ở trường học, anh em đều có thể nói: “Ô Chúa Jesus, ngay bây giờ con đang ở trong Ngài”, và điều gì đó
bên trong anh em sẽ đáp: “Và Ta đang ở trong con.” Đây là một mô hình thu nhỏ của
Giê-ru-sa-lem Mới sắp đến; thành ấy đơn giản sẽ là một nơi ở hỗ tương dành cho
chúng ta và dành cho Đức Chúa Trời cùng Chiên con.
Một mặt, chúng ta sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới; mặt khác,
thành ấy sẽ là Đức Chúa Trời và Chiên con. Về nguyên tắc thì Hội thánh ngày nay cũng như vậy. Một
mặt, chúng ta là Hội thánh, và mặt khác, Hội thánh là Đấng Christ. Vấn đề về nơi ở hỗ tương thì sâu nhiệm và thâm thúy.
Thành mới ấy sẽ là nơi ở của chúng ta và cũng là nơi ở của Đức Chúa Trời. Đối với
đền thờ cũng vậy; đền thờ trước hết là nơi ở của Đức Chúa Trời và sau đó là nơi
mà các thầy tế lễ phụng sự Đức Chúa Trời. Thành mới này sẽ là chính Đức Chúa Trời.
Chúng ta sẽ ở trong Đức Chúa Trời để phụng sự Ngài. Chính Đức Chúa Trời mà chúng ta
phụng sự sẽ là đền thờ mà chúng ta phụng sự Ngài. Thật tuyệt diệu biết bao!
Nguyện tất cả chúng ta đều kinh nghiệm Ngài một cách sâu xa như vậy.
XV. ÁNH
SÁNG CỦA THÀNH
Câu 23 chép: "Thành không cần mặt trời, mặt
trăng soi sáng, vì vinh quang của Đức Chúa Trời sáng toả, và Chiên con là đèn của
thành. Trong thiên hi niên, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng sẽ được tăng cường (Ês. 30:26).
Nhưng trong Giê-ru-sa-lem Mới trong trời mới đất mới thì không cần mặt trời hay
mặt trăng. Mặt trời và mặt trăng sẽ ở
trong trời mới đất mới, nhưng sẽ không cần thiết tại Giê-ru-sa-lem Mới, vì tại đó, Đức Chúa Trời là ánh sáng thần thượng sẽ
chiếu sáng chói lọi hơn nhiều.
Đền thờ của thành là chính Đức Chúa Trời, và ánh sáng
cũng là chính Đức Chúa Trời. Ngoài Đức Chúa Trời và Chiên con, trong thành ấy không có gì. Trong
Giê-ru-sa-lem Mới, Đức Chúa Trời là mọi sự.
Chiên con là đèn chiếu sáng bằng Đức Chúa Trời là ánh sáng để
soi sáng thành bằng vinh quang của Đức Chúa Trời, tức sự bày tỏ của ánh sáng thần
thượng. Vì một ánh sáng thần thượng như vậy soi sáng thành thánh nên thành
thánh không cần ánh sáng nào khác dù đó là ánh sáng Đức Chúa Trời tạo ra hay
loài người tạo ra (22:5). Ánh sáng thiên nhiên sẽ không còn cần thiết. Dù mặt trời
và mặt trăng sẽ ở trong trời mới đất mới, nhưng chúng ta sẽ không còn cần đến
chúng nữa vì nơi ở của chúng ta sẽ sáng hơn nhiều. Ánh sáng nhân tạo cũng không
còn cần thiết. Chính Đức Chúa Trời sẽ là ánh sáng trong thành thánh. Vì Đấng Christ là ánh sáng trong Hội thánh, nên trong nếp sống Hội
thánh cũng giống như vậy.
Câu 23 chép rằng Chiên con, tức Đấng Christ là đèn. Đức Chúa Trời là ánh sáng, còn Đấng Christ là đèn. Ánh sáng cần vật mang ánh sáng. Chúng ta đừng
bao giờ tách Đấng Christ khỏi Đức Chúa
Trời hay Đức Chúa Trời khỏi Đấng Christ. Đức Chúa Trời và Đấng Christ
thật ra là một ánh sáng. Đức Chúa Trời là
nội dung, còn Đấng Christ là vật mang
ánh sáng, tức sự biểu lộ. Điều này giúp chúng ta hiểu về Đấng Tam Nhất, và hiểu
biết này khác với dạy dỗ truyền thống. Câu này mô tả Đức Chúa Trời là ánh sáng,
và mô tả Đấng Christ, tức Con, là
đèn. Cũng như ánh sáng ở trong đèn để làm nội dung của đèn và được biểu lộ qua
đèn, thì cũng vậy Đức Chúa Trời Cha ở trong Con để được biểu lộ
qua Con.
Trong Gìê-ru-sa-lem Mới sẽ không còn ban đêm, vì
"đêm không còn có nữa” (22:5). Trong trời mới đất mới vẫn còn sự khác biệt
giữa ngày và đêm, nhưng trong Giê-ru-sa-lem Mới sẽ không còn sự khác biệt ấy nữa. Ngoài thành
sẽ có ban đêm, nhưng trong thành thì không có ban đêm vì chúng ta sẽ có ánh
sáng thần thượng đời đời là chính Đức Chúa Trời.
Câu 24 chép: “Các dân sẽ đi giữa sự sáng của thành.”
Trong thiên hi niên, ánh sáng mặt trăng sẽ như ánh sáng mặt trời, và ánh sáng mặt
trời sẽ được tăng cường bảy lần (Ês. 30:26). Tôi tin rằng trong trời mới đất mới,
ánh sáng mặt trời thậm chí còn sáng hơn hiện tại. Thế nhưng, câu 24 chép rằng các dân sẽ
bước đi trong ánh sáng của thành. Điều này chứng tỏ rằng ánh sáng trong thành sẽ
sáng hơn ánh sáng thiên nhiên. Đức Chúa Trời sẽ chiếu sáng xuyên qua thành, và sự
chiếu sáng ấy sẽ sáng hơn mặt trăng và mặt trời. Thật ra, các dân sẽ không cần bước đi trong ánh
nắng hay ánh trăng, vì họ sẽ bước đi trong sự chiếu sáng của Giê-ru-sa-lem Mới.
Ngày nay Hội thánh cần phải là ánh sáng chiếu ra như
vậy, và tất cả những người hàng xóm của chúng ta cần phải bước đi trong ánh
sáng chúng ta chiếu ra. Ngày nay Hội thánh là vật mang ánh sáng, mang Đấng Christ là ánh sáng để chiếu ra cho thế hệ này. Chúng ta cần
trở nên một Hội thánh chiếu sáng như vậy. Tôi xin lỗi phải nói rằng trong Cơ Đốc
giáo có rất ít sự chiếu sáng. Do thiếu sự chiếu sáng mà người ta khó phân biệt
giữa các Cơ Đốc nhân với những người không phải là Cơ Đốc nhân. Với dân Hội
thánh phải có sự khác biệt, một sự khác biệt không thuộc về thứ bậc nhân tạo
nào đó, nhưng vì chúng ta chiếu sáng. Chúng ta phải chiếu sáng để các dân có thể
bước đi trong ánh sáng của chúng ta.
XVI. VINH
HIỂN CỬA THÀNH
Trong câu 11, chúng ta có sự mô tả về vinh hiển của
Giê-ru-sa-lem Mới: “Có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, vị sáng của
thành giống như bửu thạch rất quý, dường như bích ngọc, trong như thuỷ tinh.”
Vinh hiển của Đức Chúa Trời là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời được biểu lộ. Khi Đức
Chúa Trời được hiển lộ thì đó là vinh hiển. Chúng ta đã được chỉ định và kêu gọi cho vinh hiển này (1 cô. 2:7; 1 Phi.
5:10; 1 Tê. 2:12). Chúng ta đang được biến đổi thành vinh hiển ấy (2 Cô. 3:18), và sẽ được đem vào
trong đó (Hê. 2:10). Cuối cùng, chúng ta sẽ được vinh hóa bằng Đấng Christ (La. 8:17, 30) để mang vinh hiển của Đức Chúa Trời để
biểu lộ Đức Chúa Trời trong Giê-ru-sa-lem Mới.
Chữ Hi Lạp được dịch là “ánh sáng” trong câu 11 có
nghĩa là vì sáng hay vật mang ánh sáng. Là con cái của sự sáng (Êph. 5:8), tín
đồ ngày nay là ánh sáng của thế gian (Mat. 5:14), chiếu sáng giữa thế hệ cong quẹo và lầm lạc (Phil. 2:15). Cuối cùng, Giê-ru-sa-lem Mới là một kết cấu
bao gồm tất cả các thánh đồ, sẽ là vật mang ánh sáng, chiếu ra Đức Chúa Trời
như ánh sáng cho các dân quanh thành.
Ánh sáng của vinh hiển từ Giê-ru-sa-lem Mới giống như đá quý nhất. Đá quý
này không phải là ánh sáng, mà là vật mang ánh sáng. Bản thân đá ấy không có
ánh sáng nhưng ánh sáng là Đức Chúa Trời được đem vào trong đá ấy và chiếu ra.
Điều này cho thấy rằng là một phần của Giê-ru-sa-lem Mới sắp đến, chúng ta phải được biến đổi
thành đá quý bằng cách Đức Chúa Trời là ánh sáng chiếu sáng được đem vào trong
bản thể chúng ta để chúng ta có thể làm vật mang ánh sáng chiếu ra như sự biểu
lộ của Đức Chúa Trời.
XVII.
DÁNG VẺ CỦA THÀNH
Dáng vẻ của thành “dường như bích ngọc, trong như
thuỷ tinh” (c. 11), Bích ngọc là dáng vẻ của Đức Chúa Trời (4:3). Ánh sáng của
Giê-ru-sa-lem Mới giống như bích ngọc, mang dáng vẻ của Đức Chúa Trời để biểu lộ Đức Chúa Trời bằng cách
chiếu sáng.
Toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem Mới chính là Đức Chúa Trời,
Ánh sáng là Đức Chúa Trời, vinh hiển của thành là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời, và dáng vẻ của thành là chính Đức Chúa Trời được
bày tỏ cho các dân. Điều này thật kì diệu. Tất cả những điều này phải được tìm thay trong nếp
sống Hội thánh ngày nay. Hội thánh là đền thờ của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa
Trời trong Hội thánh là nơi ở của chúng ta, và Ngài là ánh sáng chiếu ra qua chúng ta cho tất cả những
người hàng xóm của mình, cũng là vinh hiển và dáng vẻ của Hội thánh. Đó là nếp
sống Hội thánh.