SỰ LAN RỘNG TẠI TIỂU Á VÀ ÂU CHÂU
QUA CHỨC VỤ
CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC PHAO-LÔ
(4)
Kinh Thánh: Công. 13:13-52
Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục suy gẫm Công Vụ chương 13. Chúng ta đã thấy Phao-lô đến nhà hội để rao giảng Lời Đức Chúa Trời cho cả người Do-thái và dân Ngoại tìm kiếm Đức Chúa Trời. Lời Phao-lô nói tập trung vào Đấng Christ. Trong 13:27-35, ông đặc biệt nói về sự chết và phục sinh của Đấng Christ. Chúng ta đã thấy phục sinh là sự sinh ra đôi với Chúa Jesus. Mặc dầu là Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời từ cõi đời đời (Gi. 1:18; 3:16), nhưng sau sự nhục hoá qua sự phục sinh, Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong nhân tính để làm Con Trưởng của Đức Chúa Trời. Là Con Độc Sanh, Đấng Christ là hiện thân của sự sống thần thượng, nhưng là Con Trưởng, Ngài là sự nhân rộng của sự sống ấy.
NHỮNG ĐIỀU THÁNH KHIẾT VÀ TRUNG TÍN
CỦA ĐA-VÍT
Trong 13:34, Phao-lô nói thêm về sự phục sinh của Đấng Christ: “Còn về sự Đức Chúa Trời khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, hầu chẳng trở lại sự hư nát nữa, thì Ngài đã phán như vầy: Ta sẽ lấy những điều thánh khiết và trung tín đã hứa cùng Đa-vít mà ban cho ngươi”. Cụm từ “những điều thánh khiết và trung tín của Đa- vít” làm bối rối các dịch giả Tân Ước. Câu 33-34 liên quan đến Đấng Christ Phục Sinh. Câu 33 chép: “Thể nào Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm lời hứa đó cho chúng ta là con cái họ, mà khiến Jesus sống lại như đã chép trong Thi Thiên thứ hai rằng: Ngươi là Con Ta, ngày nay Ta đã sinh Ngươi”. Chúng tôi đã chỉ ra rằng sự phục sinh của Đấng Christ là sự sinh ra lần thứ hai của Ngài để sinh Ngài ra với tư cách là Con Trưởng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời hứa ban Ngài cho dân của Đức Chúa Trời, và Đấng Phục Sinh này là những điều thánh khiết và trung tín của Đa-vít. Cụm từ “những điều thánh khiết và trung tín của Đa-vít” cho thấy Đấng Christ ra từ Đa-vít, vì từ dòng dõi Đa-vít, Đức Chúa Trời đã dấy lên một Đấng như vậy. Đối với Đức Chúa Trời, Đấng Christ Phục Sinh là Con Trưởng, nhưng đối với chúng ta, Ngài là Cứu Chúa. Hơn nữa, Ngài là món quà vĩ đại mà Đức Chúa Trời đã ban cho tuyển dân, và món quà này được gọi là “những điều thánh khiết và trung tín”.
Đấng Christ Phục Sinh
Theo nguyên văn, các từ Hi-lạp được dịch là “những thánh khiết và thành thật” là những điều thánh (tiếng Hi-lạp là hosios, số nhiều), những điều trung tín hay chắc chắn. Cùng từ này (hosios) được dùng cho “Đấng Thánh” trong câu kế tiếp, nhưng ở thể số ít. Nhưng đó không phải là từ bình thường dành cho thánh khiết, vốn là hagios. Hosios là từ Hi-lạp tương đương với từ chesed trong tiếng Hê-bơ-rơ, được dịch là “những sự thương xót” trong Ê-sai 55:3; 2Sử Ký 6:42; và Thi Thiên 89:1, cả trong Bản Bảy Mươi và Bản King James. Trong Thi Thiên 89, từ chesed trong câu 1, nghĩa là những sự thương xót, ở số nhiều, chính là từ trong câu 19 được dịch là Đấng Thánh ở số ít. Đấng Thánh này là Đấng Christ, Con của Đa-vít, trong Ngài, những sự thương xót của Đức Chúa Trời được tập trung và truyền đạt. Vì vậy, những điều thánh khiết và trung tín của Đa-vít chỉ về Đấng Christ Phục Sinh. Điều này được văn mạch chứng minh cách đầy đủ, đặc biệt qua “Đấng Thánh của Ngài” trong câu tiếp theo (Công. 13:35) và qua câu tiếp theo của Ê-sai 55:3.
Tư tưởng của Phao-lô trong Công Vụ 13:33-34 rất sâu sắc. Là Con Trưởng của Đức Chúa Trời được sinh ra qua sự sinh ra lần thứ hai của Ngài, tức sự phục sinh, Đấng Christ Phục Sinh là những điều thánh khiết và trung tín. Trong câu 34, từ “trung tín” nghĩa là đáng tin cậy. Đấng Christ Phục Sinh là những điều thánh khiết và đáng tin cậy mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Ở đây, Phao-lô cho thấy rằng Đấng Christ Phục Sinh không những là Cứu Chúa đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho chúng ta, và không chỉ là Con Trưởng của Đức Chúa Trời mà còn là những điều thánh khiết và trung tín mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta như một món quà.
Hiểu Đấng Christ là Cứu Chúa của mình thì dễ, nhưng hiểu Đấng Christ là Con Trưởng của Đức Chúa Trời thì khó hơn nhiều, nhưng để hiểu Đấng Christ Phục Sinh là những điều thánh khiết và trung tín của Đức Chúa Trời còn khó hơn nhiều. Nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ được dạy dỗ rằng Đấng Christ Phục Sinh là những điều thánh khiết và trung tín mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Những điều thánh khiết và trung tín bao hàm một phạm vi rộng lớn, rộng lớn hơn phạm vi được bao hàm bởi danh xưng “Cứu Chúa” và “Con Trưởng”. Cụm từ “những điều thánh khiết và trung tín” thật sự là một danh xung thần thượng, danh xưng của Đấng Christ. Trong những câu này, Đấng Christ được gọi là những điều thánh khiết và đáng tin cậy. Cứu Chúa mà Đức Chúa Trời làm cho sống lại ra từ dòng dõi Đa-vít đã trở nên những điều thánh khiết và đáng tin cậy.
Mọi Phương Diện Về Những Gì Đấng Christ Là
Những điều thánh khiết và đáng tin cậy này là gì? Đó là mọi phương diện của những gì Đấng Christ là. Theo Tân Ước, Đấng Christ là sự sống, ánh sáng, ân điển, công chính, thánh khiết, thánh hóa và sự xưng công chính. Ngài cũng là bánh sự sống và nước sự sống. Hơn nữa, những điều thánh khiết và đáng tin cậy bao hàm mọi phương diện về Đấng Christ được bày tỏ trong Cô-rin-tô Thứ Nhất: quyền năng, khôn ngoan, công chính, thánh hóa, cứu chuộc, vinh hiển, những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, nền tảng duy nhất cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời, Lễ Vượt Qua, bánh không men, thức ăn thuộc linh, thức uống thuộc linh, vầng đá thuộc linh, Đầu, Thân Thể, trái đầu mùa, Người thứ hai và A-đam Sau Cùng. Chúng ta thấy nhiều phương diện hơn nữa về Đấng Christ trong Phúc Âm Giăng, chẳng hạn như Người Chăn và Đồng Cỏ. Ô, là những điều thánh khiết và đáng tin cậy, Đấng Christ phong phú đối với chúng ta biết bao! Là Đấng Phục Sinh, Ngài là Con Trưởng, Cứu Chúa, và mọi điều thánh khiết và đáng tin cậy.
Đấng Christ Là
Những Sự Thương Xót Cho Chúng Ta
Trong Cựu Ước, những điều thánh khiết và đáng tin cậy được kể là những sự thương xót. Ê-sai 55:3 nói về “sự nhân từ (RcV: các sự thương xót) chắc thật đã hứa cùng Đa-vít”. 2Sử Ký 6:42 đề cập đến “các sự nhân từ (RcV: các sự thương xót) của Chúa đối với Đa-vít”, là tôi tớ của Chúa, và Thi Thiên 89:1 chép: “Tôi sẽ hát xướng về sự nhân từ (RcV: sự thương xót) của Đức Giê-hô-va luôn luôn”. Anh em có biết thương xót nghĩa là gì không? Thương xót ngụ ý đến cả tình yêu lẫn ân điển, nhưng thương xót vượt xa hơn tình yêu. Nơi tình yêu và ân điển không thể đến được thì thương xót vẫn có thể vươn đến. Tất cả những điều thánh khiết và trung tín là chính Đấng Christ như những sự thương xót đối với chúng ta. Sự sống là một sự thương xót, và ánh sáng cũng là một sự thương xót. Tương tự như vậy, sự công chính, thánh khiết, xưng công chính và thánh hóa là những sự thương xót. Trong chương 10 của Phúc Âm Giăng, chúng ta có cánh cửa, đồng cỏ và Người Chăn, tất cả đều là những sự thương xót. Anh em hãy thử đếm mọi phương diện của các sự thương xót này. Nếu dành thì giờ để đếm, anh em sẽ có một bản danh sách dài về các sự thương xót.
Tình yêu của người chồng dành cho vợ và sự thuận phục của người vợ đối với chồng là Đấng Christ như sự thương xót đối với chúng ta. Trong Đấng Christ, nếu tôi yêu vợ, chắc chắn đó là một sự thương xót. Tình yêu tôi dành cho cô ấy là chính Đấng Christ như sự thương xót cho tôi. Tương tự như vậy, nếu một chị em thuận phục chồng, đó cũng là sự thương xót. Sự vâng phục của chị là chính Đấng Christ như sự thương xót cho chị.
Tôi có thể làm chứng rằng việc tôi rao giảng Lời Đức Chúa Trời năm này qua năm khác chắc chắn là một sự thương xót. Thật là một sự thương xót khi tôi có thể rao giảng lời không cạn kiệt. Trong quá khứ, mỗi năm tôi ở Philippines vài tháng để cung ứng Lời. Một chị em lớn tuổi, là chủ nhà của tôi, hết sức ngạc nhiên vì tôi luôn luôn có điều mới mẻ để chia sẻ. Chị nghĩ rằng sau vài năm tôi sẽ không còn gì để cung ứng nữa. Một ngày nọ, sau một buổi nhóm hội đồng, chị nói: “Tôi tưởng đến nay anh sẽ không còn gì để nói. Nhưng chức vụ của anh thậm chí còn tươi mới và phong phú hơn trước. Từ đâu mà anh có tất cả những điều này để chia sẻ vậy?” Nếu câu hỏi này được đặt ra cho tôi hôm nay, tôi sẽ nói sự chia sẻ Lời của tôi là Đấng Christ như sự thương xót cho tôi. Đó không phải là vấn đề khả năng hay ân tứ, nhưng hoàn toàn là sự thương xót.
Không những tôi rao giảng Lời của Đức Chúa Trời là sự thương xót, mà thậm chí Cứu Chúa yêu dấu cũng là sự phát ngôn của tôi. Sự phát ngôn của tôi là Đấng Christ, và đối với tôi, việc nói ra Đấng Christ như vậy là một sự thương xót. Tôi không có bằng cấp cao và cũng không nói năng hùng hồn. Tuy nhiên, lời rao giảng ấy đầy dẫy Đấng Christ. Điều này hoàn toàn là vì Đấng Christ là sự thương xót cho tôi trong việc nói Lời Đức Chúa Trời.
Đấng Christ Được Phao-lô Rao Giảng
Tất cả chúng ta đều cần thấy Đấng Christ Phục Sinh là Con Trưởng của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa, những điều thánh khiết và trung tín của Đức Chúa Trời. Mọi Cơ-đốc nhân thật đều biết Đấng Christ là Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời, và một số có thể nhận biết Ngài là Con Trưởng của Đức Chúa Trời. Nhưng anh em có bao giờ nghe Đấng Christ Phục Sinh là tất cả những điều thánh khiết và đáng tin cậy như các sự thương xót được Đức Chúa Trời ban cho chúng ta như một món quà bao hàm tất cả chưa? Có lẽ chúng ta chưa bao giờ nghe điều này, nhưng đó là Đấng Christ mà Phao-lô rao giảng trong Công Vụ chương 13. Tôi rất vui mừng thấy rằng trong sứ điệp Phúc Âm của Phao-lô, ông không chỉ rao giảng Đấng Christ từ Cựu Ước, mà còn rao giảng Đấng Christ Phục Sinh là những điều thánh khiết và đáng tin cậy. Thật ra những gì Phao-lô công bố ở đây khi rao giảng Phúc Âm cần đến tất cả các Thư Tín ông đã viết để định nghĩa. Vì vậy, nếu muốn thấy nhiều hơn về Đấng Christ là những điều thánh khiết và đáng tin cậy, anh em cần nghiên cứu 14 Thư Tín của Phao-lô.
Trong sự rao giảng, Phao-lô thiết lập một gương mẫu tuyệt hảo cho chúng ta noi theo trong việc rao giảng Phúc Âm ngày nay. Giống như Phao-lô, chúng ta cần rao giảng Đấng Christ cách phong phú và được nâng cao.
Trong 13:35-37, Phao-lô nói tiếp: “Lại trong một Thi Thiên khác cũng có phán rằng: Chúa chẳng cho Đấng Thánh Ngài thấy sự hư nát đâu. Vả Đa-vít trong đời mình, tuân phục ý chỉ Đức Chúa Trời (RcV: Đa-vít đã phục vụ thế hệ của mình bởi ý chỉ của Đức Chúa Trời), rồi ngủ, về cùng tổ phụ (hay: được chôn với tổ phụ), và đã thấy sự hư nát; nhưng Đấng mà Đức Chúa Trời đã khiến sống lại chẳng thấy sự hư nát đâu”. Từ “phục vụ” trong câu 36, cho thấy việc Đa-vít làm vua cai trị là phục vụ thế hệ của ông theo mưu định của Đức Chúa Trời. Theo nghĩa đen, từ Hi-lạp được dịch là “chôn” có nghĩa là “thêm vào”. Cũng như trong Công Vụ 13:30, một lần nữa trong câu 37, Phao-lô nhấn mạnh đến sự kiện Đức Chúa Trời làm cho Con Người Jesus sống lại.
THA THỨ VÀ XƯNG CÔNG CHÍNH
Trong 13:38-39, Phao-lô nói tiếp: “Vậy, anh em ơi, khá biết rằng nhờ Đấng đó mà sự tha tội được rao giảng cho anh em; còn mọi điều anh em không thể nhờ luật pháp Môi-se mà được xưng nghĩa, thì trong Ngài hễ ai tin đều được xưng nghĩa cả”. Được tha tội (c. 38) là điều tiêu cực, để chúng ta được thoát khỏi sự định tội. Được xưng công chính (c. 39) là điều tích cực, để chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận.
Trong cả câu 38 lẫn 39, Phao-lô đều nói về “Đấng đó”. Đấng đó là ai? Đó là Đấng đã sống lại để làm Con Trưởng của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa của chúng ta, và là những điều thánh khiết và đáng tin cậy. Vì vậy, qua Đấng là những điều thánh khiết và đáng tin cậy như các sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, chúng ta được tha thứ và được xưng công chính. Anh em có bao giờ nghe một Phúc Âm như vậy chưa? Qua Đấng là Con Trưởng, Cứu Chúa, những điều thánh khiết và trung tín, sự tha tội đã được tuyên bố cho chúng ta. Qua Đấng đó, chúng ta được xung công chính từ những điều chúng ta không thể được xưng công chính bởi Luật Môi-se.
Đấng mà bởi Ngài chúng ta được tha tội và được xưng công chính không những là Cứu Chúa của chúng ta, mà chính Ngài còn là sự tha tội và sự xưng công chính của chúng ta. Cả sự tha tội lẫn xưng công chính đều là những sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, và những sự thương xót ấy là các phương diện của Đấng Christ Phục Sinh. Ngày nay Đấng Christ trong sự phục sinh là sự tha tội và xưng công chính của chúng ta. Đừng bao giờ xem sự tha tội và xưng công chính như một điều gì tách rời với Đấng Christ. Sự tha tội và xưng công chính là những phương diện của chính Đấng Christ, là những sự thương xót từ Đức Chúa Trời đến với chúng ta, và những sự thương xót ấy là những điều thánh khiết và trung tín.
Anh em có xem sự tha tội và xưng công chính là những món quà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta không? Anh em không tin rằng sự tha tội, và xưng công chính là những điều thánh khiết và đáng tin cậy sao? Chắc chắn sự tha tội và xưng công chính là những món quà của Đức Chúa Trời, và chắc chắn đó là những điều thánh khiết và đáng tin cậy. Nếu hiểu biết như vậy, chúng ta sẽ thấy sự tha tội và xưng công chính không phải là những điều tầm thường mà là những điều thánh khiết. Hơn nữa, đó là những điều trung tín, chắc chắn, đáng tin cậy.
Tôi đánh giá cao lời rao giảng của Phao-lô về Đấng Christ trong Công Vụ chương 13. Qua sự rao giảng của ông, nhiều người đã được cứu.
TIẾP TỤC Ở TRONG
ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong 13:40-41, Phao-lô cảnh cáo rằng: “Nên hãy coi chừng, kẻo e giáng trên anh em điều các tiên tri đã nói rằng: Ớ kẻ khinh lờn kia, hãy nhìn xem, hãy kinh dị, hãy biến mất đi; vì trong đời các ngươi, Ta sẽ làm một việc, dầu có ai thuật lại cho các ngươi, thì các ngươi hẳn cũng chẳng tin”. Sau đó khi quần chúng ra khỏi nhà hội, “họ nài xin người đến ngày Sa-bát sau cũng giảng lời đỏ cho mình nữa” (c. 42). Câu 43 chép: “Lúc hội đã tan, có nhiều người Do-thái và kẻ kỉnh kiền đã nhập giáo Do- thái đều đi theo Phao-lô và Ba-na-ba, hai người nói chuyện với họ và khuyên cứ ở trong ân điển của Đức Chúa Trời”. Cũng như trong 2:10, những người nhập giáo là dân Ngoại cải đạo theo Do-thái Giáo (6:5). Những người Do-thái và những người nhập giáo Do-thái đi theo Phao-lô và Ba-na-ba được khuyên hãy tiếp tục ở trong ân điển của Đức Chúa Trời. Ân điển của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Tam-Nhất mà tín đồ nhận lãnh và vui hưởng, rồi bày tỏ ra trong sự cứu rỗi, sự thay đổi trong sự sống và nếp sông thánh khiết.
Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến từ “ân điển” trong 13:43. Thậm chí chúng ta cần phân tích ân điển này. Mặc dầu có thể quen thuộc với từ này, chúng ta vẫn cần nhận biết rằng ân điển trong 13:43 là một từ ghép được tạo thành do vài yếu tố. Ân điển này là sự kết hợp của tất cả những điều thánh khiết và trung tín.
Nếu muốn hiểu điều này, chúng ta cần thấy câu 43 là một phần của những gì tiếp theo câu 34. Trong câu 34, chúng ta có Đấng Christ Phục Sinh là những điều thánh khiết và trung tín. Theo cả lời hứa lẫn lời tiên tri trong Cựu Ước, những điều thánh khiết và trung tín này là những sự thương xót. Chúng tôi đã chỉ ra rằng những sự thương xót này là những phương diện khác nhau của những gì Đấng Christ là. Trong câu 43, cách diễn đạt “những điều thánh khiết và trung tín” được thay đổi thành “ân điển”. Đức Chúa Trời đã ban Đấng Christ Phục Sinh như những điều thánh khiết và trung tín cho chúng ta, chúng ta đã tin Ngài và đã nhận lãnh tất cả những điều thánh khiết và trung tín này. Nhưng chúng ta kinh nghiệm gì trong cuộc sống hằng ngày của mình? Chúng ta kinh nghiệm ân điển tổng hợp, bao hàm tất cả này, là Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình, là chính Đức Chúa Trời đã trải qua quá trình nhục hoá, cuộc sống làm người, chịu đóng đinh và phục sinh. Đó là lý do Phao-lô thuyết phục tín đồ cứ ở trong ân điển của Đức Chúa Trời.
Tiếp tục ở trong ân điển ngụ ý rằng chúng ta đã nhận lãnh ân điển ấy rồi. Sau khi nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời, bây giờ chúng ta cần tiếp tục ở trong đó. Thật ra tín đồ đã nhận lãnh những điều thánh khiết và trung tín được nói đến trong câu 34. Sau đó, những điều thánh khiết và trung tín này trở nên ân điển của Đức Chúa Trời trong câu 43. Vì vậy, ân điển của Đức Chúa Trời bao hàm tất cả những điều thánh khiết và trung tín.
NGƯỜI DO-THÁI KHƯỚC TỪ
Không Xứng Đáng Với Sự sống Đời Đời
Trong 13:44-52, chúng ta thấy Phao-lô và Ba-na-ba bị người Do-thái khước từ. Các câu 44-46 chép: “Ngày Sa-bát sau, gần hết cả thành đều nhóm lại để nghe Lời của Chúa. Song người Do-thái thấy quần chúng rất đông, thì đầy ganh ghét, bác lời Phao-lô nói và nhạo báng. Phao-lô và Ba-na-ba bèn nói cùng họ cách dạn dĩ rằng: Đạo Đức Chúa Trời cần phải truyền cho các ông trước hết; nhưng vì các ông đã duồng bỏ đạo ấy, tự xét mình không xứng đáng được sự sống đời đời, nên nầy, chúng tôi xoay qua dân Ngoại”. Duồng bỏ Lời Đức Chúa Trời chứng minh rằng một người như vậy tự phán xét mình không xứng đáng với sự sống đời đời.
Như được ghi lại trong chương này, Phao-lô không nói về sự sống đời đời trong lời rao giảng của mình, nhưng nói về Con của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa, những điều thánh khiết và trung tín, và ân điển của Đức Chúa Trời. Nhưng bây giờ về người Do-thái khước từ họ, Phao-lô và Ba-na-ba nói rằng họ tự phán xét mình không xứng đáng với sự sống đời đời. Đó là bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng toàn bộ những gì Phao-lô rao giảng về Đấng Christ Phục Sinh, Con Đức Chúa Trời, Cứu Chúa, những điều thánh khiết và trung tín và ân điển của Đức Chúa Trời, là sự sống đời đời.
Nếu muốn hiểu biết sự sống đời đời trong 13:43 cách đúng đắn, chúng ta cần có đủ kinh nghiệm thuộc linh. Theo kinh nghiệm của mình, chúng ta biết rằng sự sống đời đời là Cứu Chúa, là Con Trưởng của Đức Chúa Trời, những điều thánh khiết và trung tín, và ân điển bao hàm tất cả. Khi người Do-thái khước từ lời Phao-lô và Ba-na-ba nói, họ tự phán xét mình không xứng đáng với sự sống đời đời, tức là Cứu Chúa, Con Đức Chúa Trời, những điều thánh khiết và trung tín, và ân điển của Đức Chúa Trời.
Ánh Sáng Cho Dân Ngoại
Trong 13:47, Phao-lô nói với những người Do-thái khước từ rằng: “Vì Chúa có phán bảo chúng tôi như vầy: Ta đã lập ngươi làm sự sáng cho dân Ngoại, để ngươi làm sự cứu rỗi cho đến cùng trái đất”. Lời này trích từ Ê-sai 49:6, chỉ về Đấng Christ là Tôi Tớ của Đức Chúa Trời, là Đấng Đức Chúa Trời lập làm sự sáng cho dân Ngoại để sự cứu rỗi của Ngài đến được đầu cùng trái đất. Vì hiệp một với Đấng Christ trong việc thực hiện sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, nên sứ đồ Phao-lô ứng dụng lời tiên tri này cho chính mình trong chức vụ rao giảng Phúc Âm cho dân Ngoại, làm cho Phúc Âm quay khỏi người Do-thái, hướng đến dân Ngoại vì người Do-thái khước từ họ. Trong chức vụ trên đất của Chúa, Ngài cũng bày tỏ điều đó với người Do-thái cứng cổ trong Lu-ca 4:24-27.
Những Người Được Chỉ Định Cho Sự sống Đời Đời
Công Vụ 13:48 nói tiếp: “Dân Ngoại nghe lời đó thì vui mừng, tôn vinh Lời của Chúa, và bao nhiêu kẻ dã được dự định cho sự sống đời đời đều tin”. Từ Hi-lạp dịch là “dự định” cũng có thể dịch là “chỉ định”. Khước từ Phúc Âm là bằng chứng của tình trạng không xứng đáng được sự sống đời đời (c. 46); tin là bằng chứng của tình trạng được Đức Chúa Trời dự định hay chỉ định cho sự sống đời đời. Việc Đức Chúa Trời chỉ định hay định trước cho sự cứu rỗi một người nào đó là do quyền tể trị của Ngài. Tuy nhiên, Ngài vẫn để con người có ý chí tự do. Người ta tin hay khước từ sự cứu rỗi của Ngài tùy thuộc vào quyết định riêng của họ.
Việc chúng ta được chỉ định cho sự sống đời đời hay không được làm sáng tỏ qua việc chúng ta khước từ hay tin Phúc Âm. Nếu anh em tiếp nhận Lời của Phúc Âm, đó là bằng chứng Đức Chúa Trời đã chỉ định anh em cho sự sống đời đời. Nhưng nếu một người nào đó khước từ Lời của Phúc Âm, đó là bằng chứng người đó không xứng đáng với sự sống đời đời, người ấy không được chỉ định cho sự sống đời đời. Về điều này, Đức Chúa Trời có thẩm quyền và pháp quyền của Ngài, còn con người có ý chí tự do. Một mặt, Đức Chúa Trời có quyền lực để chỉ định, ấn định; mặt khác con người có khả năng chấp nhận hay từ chối.
Trong những câu này, chúng ta có Cứu Chúa, Con Đức Chúa Trời, những điều thánh khiết và trung tín, ân điển của Đức Chúa Trời, và sự sống đời đời. Khi vui hưởng sự sống đời đời, chúng ta vui hưởng ân điển của Đức Chúa Trời. Khi vui hưởng ân điển này, chúng ta vui hưởng những điều thánh khiết và trung tín. Khi vui hưởng những điều thánh khiết và trung tín, chúng ta vui hưởng Con Trưởng của Đức Chúa Trời và Cứu Chúa.
Các Môn Đồ
Được Đầy Dẫy Vui Mừng Và Thánh Linh
Công Vụ 13:49-52 chép: “Lời Chúa tràn khắp miền đó. Nhưng người Do-thái xui giục những đờn bà kỉnh kiền sang trọng, và người trưởng thượng trong thành, gây nên sự bắt bớ Phao-lô và Ba-na-ba, mà đuổi họ ra khỏi bờ cõi mình. Hai người phủi bụi chơn đối với họ, rồi đến Y-cô-ni. Còn các môn đồ thì được đầy dẫy vui mừng và Thánh Linh”. Trong câu 52, từ Hi-lạp pleroo dịch là “được làm cho đầy dẫy” có nghĩa là được đầy dẫy ở bên trong. Theo cách dùng từ này trong Sách Công Vụ, pleroo có nghĩa là làm đầy dẫy bên trong một cái bình như gió đầy dẫy bên trong ngôi nhà trong 2:2. Trong 13:52, các môn đồ được đầy dẫy Linh ở bên trong về mặt thể yếu, cho nếp sông Cơ-đốc của họ. Sự đổ đầy này là đầy Thánh Linh về mặt thể yếu cho sự sống, không phải cho quyền năng về phương diện gia tể. Vui mừng là vấn đề sự sống, không phải vấn đề quyền năng, minh chứng cho điều này.
Ngoài Cứu Chúa, Con Đức Chúa Trời, những điều thánh khiết và trung tín, ân điển của Đức Chúa Trời, và sự sống đời đời trong các câu 34-48, bây giờ chúng ta có Thánh Linh trong câu 52. Cứu Chúa, Con Đức Chúa Trời, những điều thánh khiết và trung tín, ân điển của Đức Chúa Trời, và sự sống đời đời đều được tổng hợp trong một Thánh Linh ban-sự-sống-bao-hàm-tất- cả. Linh Bao Hàm Tất Cả này bây giờ là “bánh mì kẹp” bao hàm tất cả để chúng ta kinh nghiệm và vui hưởng. Khi ăn “bánh mì kẹp”, chúng ta vui hưởng sự sống đời đời, ân điển, những điều thánh khiết và trung tín, Con Trưởng của Đức Chúa Trời, và Cứu Chúa.
Trong bài này, chúng ta đã thấy cách nghiên cứu Kinh Thánh và rao giảng Phúc Âm. Trước hết chúng ta có Christ Jesus, và cuối cùng chúng ta có Thánh Linh. Chúng ta có Christ Jesus là Cứu Chúa, Con Trưởng của Đức Chúa Trời, những điều thánh khiết và trung tín, ân điển, và sự sống đời đời. Bây giờ chúng ta thấy rằng mọi điều này ở trong Thánh Linh, và chúng ta được làm cho đầy dẫy Linh này về mặt thể yếu. Cảm tạ Chúa vì trong Thánh Linh bao-hàm-tất-cả, chúng ta có sự tha tội, xưng công chính, thánh hóa, công chính, thánh khiết, quyền năng, sức mạnh, uy quyền, sự sống và sự sáng. Ngợi khen Chúa về tất cả những gì được bao gồm trong Linh Bao Hàm Tất Cả!