Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Một loại ánh sáng xấu

Người ta ví sánh cặp mắt của con người như một cái máy thu hình hiện đại. Vật thể bên ngoài mắt như cảnh vật ngoài trời, hay đồ dùng trong nhà được một nguồn sáng như mặt trời hoặc đèn điện chiếu lên, tia sáng phản chiếu vào cặp mắt, rồi được các tế bào thần kinh quang học biến đổi thành các tín hiệu điện, để chuyển vào não bộ. Tại khu não thị giác, các tín hiệu điện này được lắp rắp lại và được “thông dịch” để tạo cho người nhìn một “nhận thức” về hình ảnh bên ngoài. Không những nguồn sáng phải có để có nhận thức về hình ảnh, mà nguồn sáng đó còn phải phát ra một tần số trong phạm vi làm việc của mắt con người. Do vậy, con người muốn thấy rõ ràng cần phải có một nguồn sáng thích hợp.

Để minh họa cho điều này, tiến sĩ Walter L. Wilson có viết trong tác phẩm “Illustrations from Science” của ông như sau:
Trong một thí nghiệm, người ta vẽ đầy bốn bức tường của một căn phòng những hình thể có nhiều dạng, nhiều màu khác nhau. Có hình thể là các chấn song bản rộng màu đỏ; có hình thể là các băng kim tuyến có sọc màu cam; có hình thể là các hình chữ nhật màu thiên thanh, trộn lẫn với các hình thù khác, v.v...Khi nguồn đèn điện trắng thông thường được bật lên thì các hình thể và màu sắc được thấy trọn vẹn. Khi nguồn đèn điện trắng được tắt đi, và đèn khí na-tri được bật lên, thì một số màu sắc trên bức tường biến mất. Khi đèn khí na-tri được tắt đi và đèn ánh sáng trắng được bật lại thì toàn bộ các hình thể và màu sắc lại được thấy trọn vẹn như trước. Như vậy, các màu sắc đã biến mất này đã bị vô hiệu hóa bởi các tia sáng phát ra từ đèn có khí na-tri.
Thí nghiệm này giúp chúng ta thấy được một điều: Các hình thể và màu sắc trên tường hiện hữu một các khách quan nhưng nhận thức của chúng ta về nó phụ thuộc vào nguồn sáng. Nguồn ánh sáng trắng giúp mắt con người nhìn thấy toàn bộ sự vật, nhưng ánh sáng từ đèn điện có khí na-tri cung cấp cho chúng ta một nhận thức méo mó về các hình thể và màu sắc trên tường.
Trong thế giới tâm linh cũng có nguồn ánh sáng trung thực và nguồn ánh sáng bóp méo sự thật tâm linh. Trong thế giới đó, chỉ có một nguồn ánh sáng thật mà thôi; đó là Chúa Jesus. Thật vậy, Ngài từng tự xưng: “Ta là sự sáng của thế giới” (Giăng 8:12). Ngài lại phán: “Ta là sự sáng của thế giới; ai theo Ta hẳn chẳng đi trong tối tăm, nhưng có sự sáng của sự sống. Ta vì sự xét đoán mà đến thế giới, hầu cho kẻ không thấy thì thấy được, còn kẻ thấy, lại hoá mù” (Giăng 9:39). Kinh thánh cũng chép Chúa Jesus là: “…sự sáng thật, đến thế giới soi sáng mọi người” (Giăng 1:9).
Trong lịch sử loài người, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có một người tự xưng như vậy.Sự dạy dỗ của Ngài trong Thánh Kinh là nguồn ánh sáng thần thượng. Qua nguồn ánh sáng siêu nhiên nầy chúng ta thấy:
1. Địa vị tội lỗi của loài người: “Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỉ” (Giăng 8:44).
2. Tội lỗi của người tin Chúa đã được tha và tội của người không tin Chúa vẫn còn: “Ai tin Con (tức là Chúa Jesus) thì có sự sống đời đời, ai không vâng phục Con thì sẽ chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36).
3. Hình phạt đời đời dành cho người không tin Chúa: “Còn những kẻ nhát sợ, kẻ chẳng tin, kẻ gớm ghê, kẻ giết người, kẻ gian dâm, kẻ tà thuật, kẻ thờ hình tượng, và mọi kẻ nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ cháy bằng lửa và lưu hoàng, ấy là sự chết thứ hai” (Khải huyền 21:8).
Trong khi đó, các tôn giáo của loài người dạy ngược lại.  Lời dạy của các tôn giáo đó giống như nguồn ánh sáng na-tri trong thí nghiệm đề cập bên trên. Trong ánh sáng dị thường của họ, địa ngục không bao giờ hiện hữu, các sự phán xét không được nhắc đến, hình phạt đối với kẻ ác cũng không tồn tại, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời là chuyện không tưởng, và thần tánh cá thể của Chúa Jesus hoàn toàn không chấp nhận được. Tuy nhiên, dù ánh sáng dị thường của các tôn giáo và triết lý loài người có bóp méo chân lý tâm linh như thế nào chăng nữa, nhưng những thực tại tâm linh như Đức Chúa Trời hiện hữu, tội lỗi, sự chết, hình phạt đời đời, sự sống đời đời, v.v. không bao giờ bị xóa bỏ. Chúng là các thực tại hằng hữu, bất biến và bất diệt, cho dù bạn có tin hay không. Đức Chúa Trời là một Thân Vị hằng hữu, có thực, và mọi điều Ngài phô bày như tội lỗi, hình phạt, thiên đàng, địa ngục cũng là những thực tại bất biến. Dưới ánh sáng của những học thuyết vô thần, bạn không thấy các thực tại bất biến đó, bạn khước từ các thực tại đó. Nhưng sẽ có ngày bạn sẽ đối mặt với Đức Chúa Trời, là Thân Vị vĩnh hằng, bạn sẽ ăn nói ra sao?
Nguồn sáng của Chúa phơi bày những chân lý như vậy để giúp con người có được nhận thức đúng đắn về thế giới tâm linh, và nhờ đó, bạn có được sự sống đời đời. Trong khi đó, các tôn giáo và triết lý của loài người bóp méo hiện thực tâm linh, đẩy bạn vào điạ ngục. Nếu áp dụng thí nghiệm ánh sáng ở trên vào thế giới tâm linh, thì Chúa được ví như nguồn sáng trắng, còn các tôn giáo như nguồn sáng của đèn khí na-tri. Ước mong bạn qui hàng Chúa để thấy được những gì Ngài muốn bạn thấy, cũng như chối từ quang cảnh mà các nguồn sáng xấu phơi bày cho bạn. Bạn muốn nhìn thấy không?
Thiên Trình
(16-8-2014)
http://hoptinhhoply.net/?q=node/243