Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

Vài Sử Liệu Về Bản Dịch Kinh Thánh 1925

 

Lời nói đầu

Vào năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 70 năm (1925-1995) phát hành Bản Dịch Kinh Thánh 1925, người viết bài này đã phỏng vấn Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu. Sau đó bài viết Quá Trình Phiên Dịch Kinh Thánh Sang Tiếng Việt trình bày sơ lược về lịch sử của việc phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt dựa trên những tài liệu do Mục sư Lê Hoàng Phu cung cấp đã được đăng trên Nguyệt San Linh Lực tại San Diego, California vào tháng 1 năm 1996. Sau đó bài viết đã được trích dẫn và đăng tải lại tại một số nơi.  Trong 28 năm qua, có rất nhiều sử liệu liên quan đến việc phiên dịch Kinh Thánh đã được công bố.  Nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm Bản Dịch Kinh Thánh 1925 (1925-2025), theo yêu cầu của Thánh Kinh Hội Việt Nam và Thư Viện Tin Lành, trong bài viết này người viết bổ sung một số dữ kiện liên hệ đến Bản Dịch Kinh Thánh 1925 để độc giả trong và ngoài Hội Thánh có những tài liệu chính thức để tham khảo.  Nội dung của bài viết nầy là được trích từ bộ Lịch Sử Tin Lành Việt Nam gồm nhiều tập đang được biên soạn.

I. Sơ lược về công tác phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt của Giáo hội Tin Lành

1. Giai đoạn trước năm 1911

Theo các sử liệu hiện có, trước khi các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance – CMA) đến Việt Nam vào năm 1911, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British and Foreign Bible Society – BFBS) đã phân phối Kinh Thánh tại Việt Nam từ thập niên 1830 [1], [2], [3]. Trong khoảng thời gian từ năm 1828-1851, Mục sư Charles Gutzlaff là người chịu trách nhiệm phân phối Kinh Thánh cho cả vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Vào đầu thập niên 1830, trong một bức thư gởi cho Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại đề ngày 24/9/1832, Mục sư Charles Gutzlaff đã viết: “Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ cần khoảng 10.000 cuốn Thánh Kinh Tân Ước để phát cho Đàng Ngoài, Đàng Trong, Hải Nam, vùng duyên hải Trung Hoa, Mãn Thanh, Đại Hàn, …”  Trong những thập niên từ 1830-1850, Kinh Thánh bằng chữ Hán đã được phân phối tại Việt Nam.  Bản Kinh Thánh Hán Văn trong giai đoạn này là bản dịch của Mục sư Robert Morrison được Thánh Kinh Hội xuất bản vào năm 1823 tại Trung Hoa.

Qua những chuyến đi phân phối Kinh Thánh trong những năm sau đó, Mục sư Charles Gutzlaff có dịp tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.  Năm 1849, Tạp Chí Địa Dư của Hội Hoàng Gia Anh tại London (The Journal of the Royal Geographical Society of London) đã đăng một bài nghiên cứu dài 64 trang của  Mục sư Charles Gutzlaff mang tựa đề Geography of the Cochin-Chinese Empire (Địa Dư Của Vương Quốc Đại Nam). Trong bài viết này, Mục sư Charles Gutzlaff đã trình bày một số chi tiết về địa lý, lịch sử, chính trị, văn hóa, đặc sản và con người Việt Nam. Trong đó, ông cũng nhắc đến quần đảo Hoàng Sa. Chi tiết này về sau đã được một số học giả Việt Nam trích dẫn để chứng minh chủ của quyền của quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam [74].

Việc phiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt đã được nhắc đến lần đầu tiên trong cuốn bút ký Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, with Notices of Siam, Corea, and the Loo-Choo Islands của Mục sư Charles Gutzlaff. Trong phần mở đầu của cuốn sách này, Mục sư Charles Gutzlaff đã viết: “Many tracks have been written, a Siamese and a Cochin Chinese dictionary framed, the Scriptures partially or wholly translated into five dialects” [4].  Chữ Cochin Chinese trong câu này là Đàng Trong, tức là tên của miền Nam Việt Nam vào thời đó.  Những chi tiết trong cuốn sách của Mục sư Charles Gutzlaff cho thấy dường như Thánh Kinh Hội đã có dự định dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt và cho các ngôn ngữ chính tại Đông Dương từ nửa đầu của thế kỷ 19. Mục sư Charles Gutzlaff đã về với Chúa vào năm 1851. Sau đó hoạt động của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam bị đình trệ vì ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Đại Nam và Pháp (1858-1884). 

Năm 1891, Thánh Kinh Hội được chính quyền Đông Dương cho phép chính thức hoạt động tại miền Nam. Năm 1891, Thánh Kinh Hội đã cử Hocquard, một nhân viên của Thánh Kinh Hội là người Pháp đến phân phối Kinh Thánh tại Sài Gòn.  Năm 1892, Francis de Paula Castells là đại diện chính thức của Thánh Kinh Hội tại miền Nam.  Trong giai đoạn này, Kinh Thánh được phổ biến tại miền Nam là Kinh Thánh tiếng Pháp, Kinh Thánh chữ Hán – Bản Dịch Văn Lý [5], và Phúc Âm Lu-ca bằng chữ Quốc ngữ (1890) [6].


Trong hai thập kỷ từ năm 1890-1910, Thánh Kinh Hội đã dịch bảy sách trong Kinh Thánh là Lu-ca, Mác, Giăng, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma và Sáng Thế Ký sang tiếng Việt – cả trong chữ Quốc ngữ lẫn chữ Nôm.  Theo các tài liệu lưu trữ được tìm thấy từ thư viện của một số đại học trên thế giới, ít nhất có năm sách trong Kinh Thánh đã được in và phát hành rộng rãi tại Việt Nam từ trước năm 1910, đó là Lu-ca in năm 1890, 1895, và 1900 [6], Mác in năm 1896 [7] và 1899 [8],  Giăng in năm 1900 [9], Ma-thi-ơ in năm 1900 [10], và Công Vụ in năm 1903 [11]. Riêng Phúc Âm Lu-ca và Phúc Âm Mác đã được tái bản vài lần trong khoản thời gian này.

Bản dịch đầu tiên của Phúc Âm Lu-ca và Phúc Âm Mác do Jean Pierre Joseph Bonet, giáo sư của Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales) tại Paris dịch. Bản hiệu đính của Phúc Âm Mác, cùng các Phúc Âm Giăng, Ma-thi-ơ, và sách Công Vụ do Water James, một nhân viên Thánh Kinh Hội, người Anh dịch [12]. Những sách trong Kinh Thánh này đã được Thánh Kinh Hội in trong chữ Quốc ngữ và chữ Nôm, và đã được phổ biến tại Việt Nam rất lâu trước khi các giáo sĩ CMA đến Việt Nam  [13], [14].

Mục sư Phan Đình Liệu trong bản thảo cuốn Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam, được trình bày với ban giáo sư Thần Học Viện Nha Trang vào năm 1966, cho biết vào tháng Năm năm Nhâm Dần (1902), mẹ của Mục sư là bà Phạm Thị Trạch đã mua những bản dịch Kinh Thánh này được bán tại Đà Nẵng [15].


2. Giai đoạn 1911-1915

Năm 1911, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CMA) chính thức đến hoạt động tại Việt Nam. Giáo sĩ Paul Hosler là giáo sĩ đầu tiên của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp được bổ nhiệm đến hầu việc Chúa tại Đà Nẵng vào tháng 8/1911. Trước đó Giáo sĩ Paul Hosler đã học chữ Hán được hai năm khi ông hầu việc Chúa tại Trung Hoa (1909-1911). Sau khi đến Việt Nam, Giáo sĩ Paul Hosler bắt đầu học tiếng Việt, và bởi vì đã có một ít căn bản chữ Hán cho nên ông bắt đầu hiệu đính bản dịch Phúc Âm chữ Nôm của Thánh Kinh Hội [16].

Tháng 2 năm 1913, công việc hiệu đính Phúc Âm Mác chữ Nôm đã xong. Trong một bài viết của mình, Giáo sĩ  Paul Hosler nói rõ đây không phải là một bản dịch để phổ biến cho công chúng, nhưng bản dịch này chỉ gởi đến những người có trí thức để họ góp ý phê bình, và để rồi bản hiệu đính lần sau sẽ tốt hơn [17]. Bản dịch này đã được in vào tháng 1 năm 1914.  Sau đó Giáo sĩ Paul Hosler cho biết ông dự định sẽ tiếp tục hiệu đính bản dịch Kinh Thánh chữ Nôm của Phúc Âm Lu-ca, Giăng, sách Công Vụ, và sau đó là Ma-thi-ơ [17].  Một số chi tiết này đã được nhắc lại trong bài viết đăng trên Alliance Weekly ngày 27/9/1913 [19].

Trong một báo cáo đọc tại Hội Đồng các giáo sĩ tại Ngô Châu (Wuchou), Trung Hoa vào tháng 7 năm 1913,  Giáo sĩ Paul Hosler cho biết ông đang hiệu đính bản dịch chữ Nôm Phúc Âm Giăng và sách Sáng Thế Ký [19].  Tại Hội Đồng này, các giáo sĩ đã đồng ý đề nghị Thánh Kinh Hội cho in từ 1500-2000 Phúc Âm Mác chữ Nôm để dùng cho công việc truyền giáo trước mắt. Bản dịch này đã được in vào tháng 1 năm 1914 như đã nói ở trên.

Tháng 4 năm 1914, Giáo sĩ Paul Hosler đã hoàn tất việc hiệu đính Phúc Âm Giăng chữ Nôm và cũng bắt đầu hiệu đính sách Sáng Thế Ký [19].

Trong khoảng thời gian đó, Đệ Nhất Thế Chiến diễn ra, nước Đức tấn công nước Pháp cùng nhiều quốc gia khác tại Âu Châu. Tại Việt Nam, đầu năm 1914 nhà ái quốc Trần Cao Vân vừa được thả từ Côn Đảo trở về, đã đến sống tại Hội An. Ông và những nhà cách mạng thuộc Việt Nam Quang Phục Hội lúc đó đang liên lạc với vua Duy Tân để tổ chức một khởi nghĩa chống Pháp.  Các nhà cách mạng thuộc Việt Nam Quang Phục Hội lúc đó hy vọng vào sự ủng hộ của người Đức [20].

Trong một sự ngẫu nhiên, tháng 6 năm 1914 Giáo sĩ Frank Soderberg và Giáo sĩ Henry Birkel đã từ Đà Nẵng đến mở một trung tâm truyền giáo tại Hội An.   Chính quyền Đông Dương lúc đó đang điều tra âm mưu khởi nghĩa của những nhà yêu nước Việt Nam cho  nên họ tình nghi các giáo sĩ Tin Lành là điệp viên của Đức giúp những nhà yêu nước Việt Nam chống lại Pháp, và bởi vì tên của những giáo sĩ này có nguồn gốc từ Đức.   Vì sự hiểu lầm nầy Tòa Lãnh Sự Mỹ đã phải can thiệp [21].  Dầu sự nghi ngờ không đúng nhưng sau đó chính quyền Pháp đã hạn chế hoạt động của các giáo sĩ CMA tại Đông Dương. Theo Giáo sĩ Franklin Irwin, chính quyền Pháp đã buộc các giáo sĩ có tên có nguồn gốc từ Đức phải rời khỏi Đông Dương [22]. Đến cuối năm 1915, ông bà Giáo sĩ Paul Hosler, Giáo sĩ Henry Birkel và Giáo sĩ Frank Soderberg đã rời khỏi Đông Dương [23].  Vì vậy công việc hiệu đính Kinh Thánh bằng chữ Nôm đã bị ngưng lại từ đó.

Theo biên bản tại Hội Đồng của các giáo sĩ từ ngày 12-16 tháng 11 năm 1915 tại Hải Phòng, các giáo sĩ còn lại đã đề nghị Thánh Kinh Hội gởi cho họ Phúc Âm Mác, Lu-ca, Giăng và sách Công Vụ để các giáo sĩ dùng trong công việc truyền giáo, và cũng đủ thời gian để học hỏi nghiên cứu để có thể hiệu đính lại cho tốt hơn trong tương lai [24].

3. Giai Đoạn Từ 1916-1919

Mặc dầu Giáo sĩ Paul Hosler phải rời khỏi Việt Nam, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã có chương trình của Ngài trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt. Trước đó vào cuối năm 1913, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã đến tham gia công tác truyền giáo tại Việt Nam.  Bà là giáo sĩ thứ tư của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp được cử đến Việt Nam.  Sau khi Mục sư và bà Paul Hosler cùng Giáo sĩ Frank Soderberg và Giáo sĩ Henry Birkel rời khỏi Việt Nam vào cuối năm 1915, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã trở thành giáo sĩ CMA kỳ cựu nhất tại Việt Nam. Bà đã đảm nhiệm trách nhiệm phiên dịch Kinh Thánh. Đây là công tác mà bà đã được kêu gọi và thúc giục trong hơn hai năm qua kể từ khi bà đến Việt Nam [25], [26].

Thật ra, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã được Chúa chuẩn bị cho công việc phiên dịch Kinh Thánh từ nhiều năm về trước. Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg được sinh ra trong gia đình của một Mục sư cho nên bà đã được dạy dỗ để hiểu biết Kinh Thánh từ nhỏ.  Grace Hazenberg cũng có năng khiếu về ngoại ngữ.  Bà được sinh ra tại Hoa Kỳ, trong một gia đình mà cha mẹ là người Hòa Lan, và ngay từ nhỏ đã sống trong một cộng đồng có rất nhiều sắc dân Âu châu tại Nam Phi, cho nên từ thời niên thiếu bà đã biết một số ngôn ngữ Âu châu và châu Phi. Thêm vào đó, khi lớn lên Grace Hazenberg đã học Cao Học (M.A.) về cổ ngữ tại Toronto, Canada cho nên bà biết tiếng Greek và Hebrew – là hai ngôn ngữ chính được dùng để viết nguyên văn Kinh Thánh [27].  Giáo sĩ Grace Hazenberg cũng biết tiếng Latin, là ngôn ngữ của những người có học vấn tại Tây phương vào thời đó.  Nhà văn Phan Khôi là người cùng làm việc với Giáo sĩ Grace Hazenberg trong những năm sau nầy cho biết Giáo sĩ Grace Hazenberg biết 13 ngôn ngữ [28].

Tháng 7/1914, Giáo sĩ Grace Hazenberg sang Ngô Châu (Wuchow) dự Hội Đồng các giáo sĩ tại Hoa Nam [29].  Giáo sĩ William C. Cadman đang hầu việc Chúa tại Ngô Châu (1910-1914) đã có dịp gặp Grace Hazenberg lần đầu tiên tại đó. Tháng 9/1914 hai người công bố đính hôn với nhau. Sau đó, Giáo sĩ William Cadman xin được thuyên chuyển từ Trung Hoa sang Việt Nam [30].

Thật ra Giáo sĩ William Cadman đã có ước muốn đến hầu việc Chúa tại Việt Nam từ năm 1910.  Tuy nhiên vào lúc đó chính quyền Pháp không cho các giáo sĩ Tin Lành vào Việt Nam, vì vậy Giáo sĩ William C. Cadman đã phải phục vụ Chúa tại Ngô Châu, và rồi vì những trách nhiệm tại đó cho nên ông không được cử sang Việt Nam vào năm 1911 [31].  Tháng 1/1915 Giáo sĩ William Cadman, cùng với ông bà Franklin Irwin, đã từ Hong Kong đến Việt Nam. Sau đó, ông bà Cadman đã thành hôn vào ngày 27/7/1915 tại lãnh sự quán của Hoa Kỳ tại Vân Nam, Trung Hoa.

Cuối thế kỷ thứ 19 người Pháp không muốn những thế hệ tương lai của người Việt chịu ảnh hưởng của Trung Hoa cho nên họ đã hủy bỏ những kỳ thi chữ Hán và đã chọn chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức cho người Việt.  Đầu thế kỷ 20, một số tri thức người Việt đã dùng chữ Quốc ngữ làm phương tiện mở mang dân trí. Trong khi đó, những nhà yêu nước Việt Nam lại muốn dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá tư tưởng cách mạng. Còn các nhà truyền giáo, như mục đích từ ban đầu, chữ Quốc ngữ được dùng để phổ biến niềm tin nơi Chúa đến người Việt. Do những động lực khác nhau như vậy, trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ đã được phổ biến khá rộng rãi tại Việt Nam. 

Cuối năm 1915, khi nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman mới đảm nhận trách nhiệm phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, bà vừa học tiếng Việt, vừa cùng với cụ Nho, một học giả người Việt dành thì giờ hoàn thành việc hiệu đính những phần Kinh Thánh chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đã được Thánh Kinh Hội dịch từ những thập niên trước đó [32]. Sau khi hoàn tất việc hiệu đính bảy sách trong Kinh Thánh nói trên, Thánh Kinh Hội quyết định tập trung vào việc phiên dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc ngữ mà thôi, nhưng không dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm nữa.  Đây là một quyết định đúng đắn đem lại những kết quả tốt đẹp và lâu dài cho những năm về sau.

Mục sư Robert Jaffray lúc đó mặc dầu vẫn hầu việc Chúa tại Hoa Nam, nhưng ông là người lãnh đạo các giáo sĩ tại Đông Dương trong những năm đầu tiên này. Những dữ kiện liên quan đến việc phiên dịch Kinh Thánh Bản Dịch 1925 trong bài viết này, phần lớn được trích từ báo cáo chính thức của Mục sư Robert Jaffray.

Theo báo cáo cuối năm 1916 của Mục sư Robert Jaffray được đăng trên tờ Alliance Weekly vào ngày 23/6/1917,  trong năm 1916 tất cả các giáo sĩ tại Đông Dương lúc đó chỉ còn có năm người là ông bà William Cadmans, ông bà Franklin Irwins, và nữ Giáo sĩ Florence Russell. Tất cả năm giáo sĩ đã được yêu cầu vừa học tiếng Việt, vừa hiệu đính Phúc Âm Mác.  Tuy nhiên có lẽ vì ông bà Franklin Irwins phải tập trung lo cho Hội Thánh Đà Nẵng, và lúc đó khả năng tiếng Việt của nữ Giáo sĩ Florence Russell vẫn còn hạn chế, cho nên công tác phiên dịch Kinh Thánh chỉ do ông bà William Cadmans đảm nhiệm. Trên thực tế, bà Grace Hazenberg Cadman là người trực tiếp dịch Kinh Thánh.

Cũng vào lúc đó Mục sư Henry E. Anderson, trước kia là giáo sĩ của Hội Thánh Giám Lý tại Trung Hoa, đã được Thánh Kinh Hội bổ nhiệm đặc trách điều hành công tác của Thánh Kinh Hội tại Đông Dương [33]. Vợ của Mục sư Henry E. Anderson là người Pháp. Bà đã dạy cho một số giáo sĩ CMA, trong đó có các giáo sĩ Griffiths Hughes, Paul Hosler, và William Cadman, tiếng Pháp trong những năm họ hầu việc Chúa tại Trung Hoa để chuẩn bị cho họ trước khi họ được gởi sang Đông Dương [34].

Trước đó, Tiến sĩ G. H. Bondfield, Giám đốc Thánh Kinh Hội tại Trung Hoa và Đông Dương, cũng đã đến thăm Đà Nẵng.  Ông rất hài lòng về kết quả của việc hiệu đính Phúc Âm Mác.  Ông mong muốn việc hiệu đính Phúc Âm Giăng và sách Công Vụ cũng được sớm thực hiện.  Tiến sĩ G. H. Bondfield hứa rằng Thánh Kinh Hội sẽ thực hiện tối đa trong trách nhiệm của mình để hổ trợ các giáo sĩ CMA trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt [33].

Theo báo cáo của Mục sư Robert Jaffray, ông bà Giáo sĩ Cadmans đã dành phần lớn thì giờ trong năm 1916 hiệu đính lại bốn sách Phúc Âm và sách Công Vụ trong chữ Quốc Ngữ. Ông bà Cadmans và các cộng tác viên người Việt đã dịch gần xong thư Rô-ma.  Thêm vào đó, một số chương đầu của sách Sáng Thế Ký đang được phiên dịch [33].    Tháng 5/1917, Thánh Kinh Hội đã cho in 5000 Phúc Âm Mác tại Hà Nội [35].


Trong báo cáo thường niên cho năm 1917, được đăng trong Alliance Weekly vào tháng Tám năm 1918, Mục sư Robert Jaffray đã nhắc lại rằng phần lớn việc phiên dịch và hiệu đính những sách Phúc Âm là công việc của bà Grace H. Cadman. Mục sư Robert Jaffray hy vọng việc hiệu đính bốn sách Phúc Âm sẽ được hoàn tất và những bản dịch này sẽ được phổ biến rộng rãi. Thêm vào đó, Mục sư Robert Jaffray cho biết Thánh Kinh Hội đã đồng ý cho in những phần Kinh Thánh đã dịch xong dưới hình thức song ngữ Pháp Việt để đáp ứng cho nhu cầu của giới trẻ Việt Nam vào lúc đó [36].

Trong báo cáo tại Hội Đồng của các giáo sĩ từ ngày 12-16/11/1918 tại Đà Nẵng, ông bà Cadmans cho biết Phúc Âm Mác và Phúc Âm Giăng đã phát hành, sách Công Vụ đang được in, Phúc Âm Ma-thi-ơ, Lu-ca, và thư Rô-ma đã sẵn sàng để được in, sách Sáng Thế Ký cần được hiệu đính một ít. Ông bà Cadmans cho biết: Như vậy mục tiêu được ấn định tại Hội Đồng hai năm trước vào năm 1916 đã được hoàn tất. Ông bà yêu cầu được phép dịch phần còn lại của Tân Ước [37]. 

Tờ  Alliance Weekly số ra ngày 8/3/1919 cũng đăng lại những thông tin này.  Mục sư Robert Jaffray nói rằng cả bốn Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng, cùng với sách Công Vụ, thư Rô-ma, và sách Sáng Thế Ký đã được hiệu đính xong. Trong những thập niên trước đó, những sách này đa số được phổ biến bằng chữ Nôm. Chỉ riêng trong năm 1918, hơn 10.000 ấn bản đã được bán ra, mà đại đa số là chữ Nôm. Tuy nhiên, Mục sư Robert Jaffray  cho biết thêm: Thế hệ mới tại Việt Nam đã được học chữ Quốc Ngữ, cho nên phần lớn những sách vừa hiệu đính sẽ được in bằng chữ Quốc ngữ để đem Lời Chúa đến cho những thế hệ tương lai. Mục sư Robert Jaffray tin rằng những bản in của bảy sách trong Kinh Thánh bằng chữ Quốc ngữ đã có một khởi đầu tốt và sẽ được gia tăng trong những năm tháng sắp đến [38]. 

Năm 1919, công việc phiên dịch Kinh Thánh không được nhắc đến trong báo cáo thường niên của Mục sư Robert Jaffray.  Lý do là vì năm đó ông bà William Cadmans đi nghỉ phép và để vận động cho công việc truyền giáo cho nên công việc phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt bị gián đoạn [39].

4. Giai đoạn 1920-1925

Vào năm 1918, lớp huấn luyện Kinh Thánh đầu tiên dành cho các tín hữu người Việt đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Đến năm 1921, Trường Kinh Thánh Đà Nẵng được chính thức thành lập [40]. Công tác truyền giáo và công việc đào tạo những người hầu việc Chúa tại Việt Nam cần có một bản dịch toàn bộ Kinh Thánh trong tiếng Việt.

Hơn 8 năm đã trôi qua kể từ khi các giáo sĩ Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đến Việt Nam (1911-1919).  Trong khoảng thời gian này, ông bà Cadman cùng các phụ tá đã dịch được bảy sách trong Kinh Thánh sang chữ Quốc Ngữ.  Thật ra, như đã trình bày ở những phần trước, cả bảy sách này đã được Thánh Kinh Hội dịch sang chữ Quốc ngữ và chữ Nôm từ nhiều thập niên về trước.  Trong những năm đầu nầy, ông bà William Cadman và các cộng tác viên, trong đó có cụ Nho, đã hiệu đính hoặc dựa vào bản dịch cũ để dịch lại mà thôi.  Những sự thay đổi trong các bản dịch này có thể dễ dàng nhận ra khi so sánh bản dịch Phúc Âm Mác xuất bản vào những năm 1899, 1917, và 1923. 

Năm 1919, khi ông bà William Cadman phải về Mỹ, thì công việc dịch Kinh Thánh bị gián đoạn. Năm 1920, sau khi ông bà William Cadman trở lại Việt Nam. Các giáo sĩ nhận thấy có một nhu cầu cấp bách cần hoàn tất sớm công trình phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt [41]. Điều đáng lưu ý đó là  toàn bộ Kinh Thánh có tất cả 66 sách, nhưng chỉ mới có 7 sách được dịch xong. Trước mắt, còn 59 sách nữa trong Kinh Thánh cần phải được phiên dịch. Đây là một công tác rất lớn, nhưng cần phải được hoàn tất càng sớm càng tốt.   Trong cuộc họp của Ủy Ban Điều Hành các giáo sĩ tại Đông Dương vào ngày 24-27/11/1920, Ủy Ban đã thảo luận tìm giải pháp để có thể thực hiện công tác này. Ủy Ban đã đề nghị một số giải pháp như sau:

  • Cần thay đổi phương pháp dịch.
  • Nên tham khảo bản dịch của Linh mục Albert Schlicklin để tìm hiểu ưu khuyết điểm và dựa vào đó để dịch cho tốt hơn.
  • Thành lập hai nhóm phiên dịch tại Hà Nội và Sài Gòn để dịch hai bản Kinh Thánh khác nhau: Một bản dịch cho miền Bắc và một bản dịch thứ hai cho miền Trung và miền Nam.

Hội Đồng các giáo sĩ tại Đông Dương đã đề nghị Mục sư Robert Jarray trình bày những đề nghị này với Thánh Kinh Hội [42].

Thêm vào đó, Hội Đồng các giáo sĩ cũng quyết định rằng bảy sách đã được Mục sư và bà William Cadman cùng với các cộng tác viên đã dịch xong vào lúc đó sẽ được gọi là Bản Dịch Trung Dung (Compromise Version). Trong khi chờ đợi ý kiến của Thánh Kinh Hội về đường hướng cho việc phiên dịch Kinh Thánh Việt Ngữ trong tương lai, trước mắt nhằm đáp ứng cho nhu cầu của công tác truyền giáo, Hội Đồng đã yêu cầu Mục sư và bà Cadmans sửa lại Bản Dịch Trung Dung với những từ ngữ cho phù hợp với độc giả miền Bắc. Bản dịch hiệu đính sẽ được in tại Hà Nội và phổ biến cho miền Bắc.  Tương tự, Mục sư John Olsen và Mục sư Irving Stebbins sẽ hiệu đính Bản Dịch Trung Dung cho phù hợp với phương ngữ miền Nam, để in và phổ biến tại Sài Gòn [43].

Tháng 12 năm 1920, Giáo sĩ Robert Jaffray đã đến Hong Kong để trình bày những đề nghị này với Mục sư Henry Anderson, là người Điều Hành Thánh Kinh Hội tại Đông Dương vào lúc đó.  Sau đó, trong một bức thư viết ngày 29/12/1920, Mục sư Henry Anderson đã gởi thư phúc đáp cho Giáo sĩ Robert Jaffray.  Nội dung của bức thư nhắc đến một số chi tiết như sau: Các giáo sĩ CMA nên chờ phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh Tin Lành Reformed Pháp đến Đông Dương trước khi hiệu đính hay dịch thêm những sách khác trong Kinh Thánh. Mục sư Henry Anderson cho biết các giáo sĩ trong phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh Pháp đến Đông Dương có bốn người biết tiếng Việt. Mục sư Ulysse Soulier, trưởng đoàn, đã học tiếng Việt hai năm.  Paul Monet là một chuyên viên trắc địa đã phục vụ tại Việt Nam 25 năm, ông trở lại Việt Nam lần nầy với tư cách là một giáo sĩ [44], vì vậy Paul Monet rất thông thạo tiếng Việt. Louis Đường là một người Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp, đã tin Chúa từ trước năm 1906 [45], đã có kinh nghiệm phiên dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Vũ Tam Thất, một thanh niên người Việt, từng hành nghề thông dịch viên Pháp-Việt, vừa tốt nghiệp thần học tại Pháp, có thể giảng trong tiếng Pháp [46].  Hơn nữa, Mục sư Henry Anderson còn cho biết thêm Giáo sư Jules Roux, là người dạy tiếng Việt tại Đại Học Tours ở Pháp, đã cùng với các phụ tá của ông đã dịch xong hơn phân nửa Tân Ước sang tiếng Việt. Các giáo sĩ Tin Lành Reformed Pháp có thể xin bản dịch của Giáo sư Jules Roux, và các giáo sĩ CMA nên dựa vào đó để sửa lại và dịch cho nhanh hơn [42], [46]. 

Theo báo cáo của Giáo sĩ Robert Jaffray cho năm 1921, sau đó được đăng lại trong tờ Alliance Weekly xuất bản vào tháng 10 năm 1922, ông bà William Cadmans và Giáo sĩ John Olsen đã được bổ nhiệm để tập trung vào việc phiên dịch Kinh Thánh. Thêm vào đó, Thánh Kinh Hội cũng bằng lòng trả lương cho hai người phiên dịch trọn thời gian là nhà văn Phan Khôi và ông Trần Văn Dõng để giúp các giáo sĩ nói trên để sớm hoàn tất công trình phiên dịch Kinh Thánh [47].

Mặc dù trước đó các giáo sĩ tại Đông Dương rất muốn có hai bản dịch Kinh Thánh khác nhau cho phù hợp với phương ngữ của từng miền, để thuận tiện cho công việc truyền giáo tại mỗi địa phương, tuy nhiên vì số người có khả năng phiên dịch vào lúc đó giới hạn, hơn nữa việc phiên dịch một bản Kinh Thánh vẫn chưa xong cho nên đề nghị của các giáo sĩ về việc dịch hai bản dịch khác nhau cho phù hợp với phương ngữ của từng miền đã không được chấp thuận.  Thánh Kinh Hội đã  yêu cầu các thông dịch viên chỉ thực hiện một bản dịch Kinh Thánh, nhưng phải dùng những từ ngữ mà độc giả của cả ba miền đều có thể hiểu được [48].

Năm 1921, nhóm của ông bà William Cadmans tiếp tục dịch phần còn lại của Tân Ước.  Nhóm của Giáo sĩ John Olsen dịch Ngũ Kinh, Giô-suê và Thi Thiên [48]. Báo cáo cũng cho biết cả bốn Phúc Âm và sách Sáng Thế Ký đã được in một lần nữa trong năm 1921 tại Hà Nội [49].

Tại Hội Đồng Thường Niên của các giáo sĩ vào năm 1922, Giáo sĩ John Olsen cho biết nhóm của ông đã hoàn tất việc phiên dịch các sách Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, và Dân Số Ký. Sách Phục Truyền và Giô-suê sẽ được hoàn tất trong một thời gian ngắn. Thi Thiên đang được phiên dịch và sẽ được hoàn tất trong năm 1922. Trong khi đó, Giáo sĩ William Cadman và bà cho biết ông bà và các cộng sự viên đã dịch xong Tân Ước. Nhà in đã in xong Ma-thi-ơ và Sáng Thế Ký, mỗi sách 5000 cuốn.  Phúc Âm Lu-ca đang in.  Sau đó Phúc Âm Giăng, Mác, Công Vụ, và Xuất Ê-díp-tô Ký sẽ được in. Tưởng cũng nên nói thêm, Lu-ca, Giăng, Mác, và Công Vụ đã được tái bản nhiều lần trước đó. Tuy nhiên, vào năm 1922, sách Xuất Ê-díp-tô Ký lần đầu tiên được in tại nhà in tại Hà Nội.  Thêm vào đó, nhà in cũng đang chuẩn bị để in toàn bộ Tân Ước.  Biên bản của Hội Đồng cũng ghi rõ cho đến lúc này đã có bảy sách trong Kinh Thánh là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, Công Vụ, Rô-ma, và Sáng Thế Ký bằng chữ Quốc ngữ theo bản dịch mới đã được phát hành trong tiếng Việt.

Trước kia, các giáo sĩ đã dựa vào nhiều bản dịch khác nhau để phiên dịch. Trong kỳ Hội Đồng này, các giáo sĩ đã biểu quyết rằng bản dịch Quốc ngữ sẽ được dịch dựa theo bản dịch French Synodal, tức là bản dịch Ostervald trong tiếng Pháp, và cũng sẽ đối chiếu với bản dịch Việt – Latin của Linh mục Albert Schlicklin. Khác với ý kiến đã được đa số các giáo sĩ đồng ý trong Hội Đồng vào năm 1920, Hội Đồng lần này quyết định rằng sẽ thực hiện chỉ một bản dịch Kinh Thánh mà thôi.  Thêm vào đó, các dịch giả phải chọn những từ ngữ phổ thông để độc giả bình dân có thể hiểu được [50].

Tại Hội Đồng Thường Niên của các giáo sĩ vào năm 1923, Giáo sĩ John Olsen cho biết ông đã dịch xong các sách từ Các Quan Xét cho đến II Các Vua, cùng với những sách từ Gióp đến Truyền Đạo. Sách Nhã Ca sẽ được dịch xong trước cuối năm 1923. Ông bà William Cadman cho biết Kinh Thánh Tân Ước đã được xuất bản vào giữa năm 1923 với số lượng là 5000 cuốn.  Đồng thời ông bà Cadmans cũng đã dịch xong bản thảo các sách Đại Tiên Tri, và đang dịch các sách Tiểu Tiên Tri.  Biên bản của Hội Đồng cũng cho biết hai nhóm phiên dịch sẽ duyệt lại bản thảo của nhau.  Thêm vào đó, một số giáo sĩ cũng đã đọc các bản thảo và góp ý. 


Biên bản của Hội Đồng cũng ghi nhận:  “Việc phát hành Tân Ước là một sự kiện quan trọng trong năm. Nó đánh dấu một giai đoạn mới và một tiến triển rất lớn trong công việc của chúng ta.  Ông bà Cadmans đã dịch phân nửa cuối của Cựu Ước, còn ông Olsen đã dịch phân nửa đầu của Cựu Ước. Chúng tôi hy vọng rằng toàn bộ Kinh Thánh trong tiếng Việt sẽ đến tay dân chúng trước cuối năm 1924” [51].

Hội Đồng Thường Niên của các giáo sĩ vào năm 1924 đã đề cử hai giáo sĩ Irwin và Jeffrey sẽ đại diện Hội Truyền Giáo đến yết kiến và tặng Thánh Kinh Tân Ước cho vua Khải Định, cũng như cho Quan Công Sứ Pháp tại Huế.   Biên bản của Hội Đồng cũng cho biết Giáo sĩ John Olsen đang về Hoa Kỳ nghỉ phép, nhưng ông dùng thời gian này cho việc hiệu đính Cựu Ước.  Theo biểu quyết của Hội Đồng năm 1923, Giáo sĩ John Olsen đã dịch phân nửa đầu của Kinh Thánh dựa trên bản Kinh Thánh Ostervald trong tiếng Pháp. Tuy nhiên ông bà Cadmans thì dịch dựa theo bản dịch Louis Segond của Pháp, đối chiếu với bản dịch Công giáo, rồi sửa lại theo bản dịch American Standard Version. Về việc phân phối Kinh Thánh, biên bản của Hội Đồng Thường Niên cho biết trong năm 1924, 3588 Tân Ước – ấn bản đầu tiên 1923 – đã được bán ra. Tại Hội Đồng nầy, các giáo sĩ đề nghị Thánh Kinh Hội nên xúc tiến việc phát hành toàn bộ Kinh Thánh [52].

Báo cáo thường niên vào năm 1925 cho biết, nhà in đã in thêm 10.000 Tân Ước. Trong năm 1925, 2.452 Tân Ước đã được bán ra.  Vì lúc đó số tín hữu Tin Lành người Việt còn ít nên đa số Kinh Thánh Tân Ước đã được bán cho độc giả bên ngoài Hội Thánh.  Báo cáo thường niên vào năm 1925 cũng cho biết Thánh Kinh Hội đã đồng ý tài trợ cho việc in Kinh Thánh cho nên Giáo sĩ Cadmans và các nhân viên của ông đang chuẩn bị bản kẽm để in toàn bộ Kinh Thánh tại Hà Nội.  Đây là bản dịch do ông bà William Cadmans, Giáo sĩ John Olsen, nhà văn Phan Khôi và ông Trần Văn Dõng phiên dịch [53].

Cũng trong năm 1925, ấn bản đầu tiên của toàn bộ Kinh Thánh Quốc ngữ đã được in xong tại Thượng Hải [54].  Bên cạnh bản in đầu tiên tại Thượng Hải, Mục sư William Cadmans cũng làm việc hết sức để có thể in toàn bộ Kinh Thánh tại Hà Nội. Trong bài viết Viếng Thăm Đông Dương Thuộc Pháp, Mục sư  William T. MacArthur cho biết ông đã đến Hà Nội gặp Mục sư William Cadman và cũng đến thăm nhà in tại Hà Nội.  Mục sư William T. MacArthur cho biết Mục sư William Cadman và các nhân viên của ông đang làm việc hết sức để có thể in toàn bộ Kinh Thánh trước ngày 1/4/1926 [55].

Năm 1926, Mục sư J. D. William đã đến thăm Việt Nam. Ông đã gặp cả Giáo sĩ John Olsen và ông bà William Cadmans.  Trong hai bài viết đăng trên tờ Alliance Weekly vào cuối năm 1926, Mục sư J. D. William đã nhắc đến một số chi tiết liên hệ đến việc phiên dịch Kinh Thánh như sau: “Họ vừa hoàn thành phiên dịch cả Kinh Thánh sang tiếng Việt. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử truyền giáo. Công việc phiên dịch Kinh Thánh đã được hoàn tất bởi các giáo sĩ của chúng ta cùng với những phụ tá người địa phương.  Ông Olsen đã dịch từ Sáng Thế Ký đến Ê-sai, và ông bà Cadmans đã dịch từ Giê-rê-mi cho đến Khải Huyền. Kinh Thánh đang được in tại Hà Nội nên giá thành thật là thấp, vì vậy giá bán nguyên một cuốn Kinh Thánh bìa đỏ chỉ có một đồng rưỡi tiền địa phương – ít hơn 90 cents tiền Hoa Kỳ.  Những lợi ích to lớn của những ấn phẩm Cơ Đốc được phát hành từ nhà in này khó có thể đo lường được cho công cuộc truyền giáo tại Đông Dương. Nhà in có 35 nhân viên tham dự vào công việc in ấn, và họ làm việc với nhau trong một tinh thần hứng khởi để đem những sứ điệp từ mỗi trang giấy đã được in ra.” [56], [57].

Năm 1926, lễ cung hiến bản dịch Kinh Thánh đã được tổ chức tại Hội Đồng của các giáo sĩ vào tháng 5 năm 1926 [58]. Bản in toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên tại nhà in Hà Nội sau đó đã được Mục sư và bà William Cadman đích thân mang đến trao tặng cho Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp tại Hoa Kỳ.


Vào năm 1924, sau khi Kinh Thánh Tân Ước được in xong, Giáo sĩ E. F. Irwin và D. I. Jeffrey đã yết kiến và tặng Kinh Thánh Tân Ước cho Hoàng đế Khải Định [52]. Nhiều năm về sau, Giáo sĩ Irving Stebbin đã tặng Bản Dịch Kinh Thánh 1925 cho Hoàng đế Bảo Đại. Giáo sĩ Irving Stebbin cho biết vị Hoàng đế trẻ hứa sẽ đọc Kinh Thánh [59]. Sau khi nước Việt Nam được độc lập, Mục sư Dương Tự Ấp đã tặng bản dịch Kinh Thánh này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh [60].  Vào thập niên 1930, Mục sư Lê Văn Thái và Mục sư Ông Văn Huyên đã tặng bản dịch Kinh Thánh này cho nhà cách mạng Phan Bội Châu, lúc đó bị Pháp giam tại Huế. Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã nhận Kinh Thánh với thái độ trân trọng. Cụ Phan Bội Châu cho biết trong cuộc đời lưu vong của ông chỉ có một người mà ông có thể coi là bạn, đó là một vị mục sư Trung Hoa tại Quảng Tây.  Vị mục sư đã đọc Kinh Thánh cho ông nghe [75].  

Theo tài liệu của Hội Thánh Tin Lành Reformed Pháp, trong những năm Chủ tịch Hồ Chí Minh – lúc đó là Nguyễn Ái Quốc – sống tại Paris, ông đã liên lạc với Mục sư Ulysse Soulier của Hội Thánh Tin Lành Reformed Pháp [61].  Như đã nói ở những phần trên, năm 1921 phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh Tin Lành Reformed Pháp đang chuẩn bị đến Việt Nam.  Lúc đó họ cũng đang dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt. Theo một số nhà nghiên cứu, một số tín hữu Tin Lành tại Pháp có quan hệ với những nhân vật trong Đảng Xã Hội Pháp, qua đó họ biết được một số người Việt trí thức đang sống tại Paris vào lúc đó, trong đó có Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, …, vì vậy Hội Thánh Pháp đã nhờ những nhân vật này đọc và góp ý bản dịch Kinh Thánh mà họ đang thực hiện. Sau đó, phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh Tin Lành Reformed  Pháp gồm có Mục sư Ulysse Soulier, Giáo sĩ  Paul Monet, Truyền Đạo Vũ Tam Thất, và Louis Đường đã đến Việt Nam vào tháng 1 năm 1922 [45].   

II. Vài thắc mắc liên quan đến Bản Dịch Kinh Thánh 1925

1. Toàn bộ Kinh Thánh đã được dịch xong và in vào năm nào

Như đã trình bày ở những phần trên, toàn bộ Kinh Thánh đã được dịch xong vào năm 1924 và được in lần đầu tiên vào năm 1925 tại Thượng Hải.  Dựa vào những ấn bản còn lưu giữ, bản in lần thứ hai cũng được in tại Thượng Hải vào năm 1925. Một ấn bản khác đã được in tại Hà Nội vào năm 1926. 


 2. Bản quyền

Mặc dầu toàn bộ Kinh Thánh Việt Ngữ đã được các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance – CMA) và những dịch giả người Việt phiên dịch, tuy nhiên đây là một đề án đã được Thánh Kinh Hội khởi đầu từ thế kỷ thứ 19.  Sau khi các giáo sĩ CMA đến Việt Nam vào năm 1911, Thánh Kinh Hội đã mời các giáo sĩ CMA cộng tác. Tuy nhiên Thánh Kinh Hội là cơ quan chủ quản của dự án nầy.  Thánh Kinh Hội đã cung cấp những văn bản gốc, điều phối công trình phiên dịch, tài trợ một phần cho các giáo sĩ trong khi phiên dịch, trả lương cho các phiên dịch viên người Việt, đài thọ tất cả chi phí cho công việc in ấn, và trả lương cho các nhân viên phân phối Kinh Thánh [62], vì vậy bản quyền của Bản Dịch Kinh Thánh 1925 thuộc về Thánh Kinh Hội.  Đây cũng là phương pháp mà Thánh Kinh Hội áp dụng cho việc phiên dịch Kinh Thánh tại nhiều nơi khác trên thế giới chứ không riêng gì tại Việt Nam. 

Tương tự, vào thập niên 1980 Thánh Kinh Hội Quốc Tế (International Bible Society) đã tài trợ cho Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu, lúc đó là Giám Đốc của Văn Phẩm Nguồn Sống, dịch Bản Dịch Kinh Thánh Diễn Ý. Tuy nhiên chủ quyền của bản dịch Kinh Thánh này không phải của Mục sư Lê Hoàng Phu, hay là của Văn Phẩm Nguồn Sống, nhưng là của Thánh Kinh Hội Quốc Tế – và bây giờ là Biblica. 

3. Ai dịch và dịch những phần nào

Như đã trình bày ở những phần trên, Giáo sĩ William Cadman và vợ là nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman đã đảm nhận công tác hiệu đính Kinh Thánh từ năm 1916. Trong giai đoạn từ 1916-1919, ông bà và các cộng sự viên vừa hiệu đính, vừa dịch lại bốn sách Phúc Âm cùng với Công Vụ, Rô-ma, và Sáng Thế Ký sang chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Trong những năm 1920-1922, ông bà cùng nhà văn Phan Khôi đã dịch phần còn lại của Tân Ước sang chữ Quốc ngữ.  Trong giai đoạn từ năm 1923-1925, ông bà cùng nhà văn Phan Khôi dịch phần còn lại của Cựu Ước từ sách Giê-rê-mi cho đến Ma-la-chi.

Giáo sĩ John Olsen là người Na Uy. Ông sinh ngày 23/7/1893. Cha của ông là một giáo sư, cho nên ngoài tiếng Na Uy, Giáo sĩ John Olsen còn biết đọc tiếng Latin.  Năm 1909, thanh niên John Olsen đến Hoa Kỳ.  Sau đó, ông tin Chúa và dâng mình đi hầu việc Chúa. Năm 1916, sau khi tốt nghiệp Trường Kinh Thánh Nyack, ông được bổ nhiệm làm mục sư tại Hội Thánh Hazel Park, tại St. Paul, Minnesota. Năm 1917, Mục sư John Olsen được cử làm giáo sĩ tại Viễn Đông. Ông đến Trung Hoa vào lúc Đệ Nhất Thế Chiến đang diễn ra.  Ông đã bị bắt giam, những đã dành thời gian trong lúc bị giam cầm đó để học chữ Hán. Năm 1918, Giáo sĩ John Olsen được cử đến Việt Nam. Năm 1919, ông được bổ nhiệm hầu việc Chúa tại Sài Gòn. Giáo sĩ Irving Stebbins, người cùng sống Giáo sĩ John Olsen tại Sài Gòn vào lúc đó, cho biết Giáo sĩ John Olsen đã học tiếng Việt với một giáo viên dạy trường công tên là Lang, và học tiếng Pháp với một người Pháp đã sống lâu năm tại Việt Nam tên là Hervé Martin. Cả hai người dạy Giáo sĩ John Olsen học ngôn ngữ là những tân tín hữu đã được Giáo sĩ John Olsen hướng dẫn họ tiếp nhận Chúa tại Sài Gòn. Giáo sĩ Irving Stebbins nói thêm là Giáo sĩ John Olsen có khiếu về ngoại ngữ cho nên ông học tiếng Việt và tiếng Pháp rất nhanh [59].

Với khả năng thông thạo tiếng Na Uy, Anh, Latin, cùng với việc biết tiếng Pháp, chữ Quốc Ngữ, và chữ Hán [63], năm 1920 Giáo sĩ John Olsen bắt đầu tham gia công tác phiên dịch Kinh Thánh. Năm 1921, Giáo sĩ John Olsen được trao trách nhiệm dịch Ngũ Kinh, Giô-suê và Thi Thiên.  Năm 1922, nhóm của Giáo sĩ John Olsen đã hoàn tất việc phiên dịch những sách nầy. Riêng về sách Sáng Thế Ký, Thánh Kinh Hội đã dịch sách này từ đầu thế kỷ 20 và đã được Mục sư và bà Wiiliam Cadman hiệu đính vào năm 1918, vì vậy Giáo sĩ John Olsen có lẽ chỉ hiệu đính lại Sáng Thế Ký một lần nữa mà thôi.  Năm 1923, nhóm của Giáo sĩ John Olsen đã dịch xong sách Các Quan Xét cho đến II Các Vua, cùng với sách Gióp cho đến Truyền Đạo.  Trong biên bản vào năm 1924 chỉ nhắc đến nhóm của ông bà Cadmans dịch các sách tiên tri, và sau đó toàn bộ Kinh Thánh đã được phát hành trong năm 1925; vì vậy có lẽ trong năm 1924, Giáo sĩ John Olsen và ông Trần Văn Dõng đã dịch các sách từ I Sử Ký đến Ê-xơ-tê, và Ê-sai.  Sau khi hoàn tất công trình phiên dịch Kinh Thánh, Giáo sĩ John Olsen được bổ nhiệm làm Đốc Học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng vào năm 1925 [64], [65].

Dịch giả Trần Văn Dõng là sinh viên tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Đông Dương. Quê hương của ông tại Cao Lãnh. Ông lên Sài Gòn sống và đã tin Chúa tại đây [15]. Ông thông thạo tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Ông cộng tác với Giáo sĩ John Olsen dịch phân nửa đầu của Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký cho đến Ê-sai, dài tổng cộng 857 trang trong bản in Kinh Thánh 1925. Nếu như trừ đi 60 trang của sách Sáng Thế Ký mà Mục sư và bà William Cadman đã dịch từ trước, ông Trần Văn Dõng và Giáo sĩ John Olsen đã dịch 797 trang, trung bình gần 400 trang cho mỗi người. Trong những năm về sau, thỉnh thoảng ông Trần Văn Dõng viết bài đăng trên Thánh Kinh Báo.

Trong một bài viết được đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn tại Sài Gòn vào năm 1930, học giả Phan Khôi cho biết ông đã góp phần trong công việc phiên dịch Kinh Thánh với Mục sư và bà William Cadman từ năm 1920-1925 [66]. Sau đó, trong một bài viết khác được đăng trên tờ Trung Lập tại Sài Gòn vào năm 1931, học giả Phan Khôi nói thêm về công việc phiên dịch của ông với ông bà Mục sư Cadmans: “Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân Ước và 1/3 Cựu Ước thôi” [28].

Những ghi chú của học giả Phan Khôi phù hợp với những tài liệu lưu trữ của Hội Truyền Giáo CMA được trích dẫn ở những phần trên.  Tuy nhiên trên thực tế, bởi vì 6 sách trong Tân Ước là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, Công Vụ, và Rô-ma gồm 198 trang trong bản in 1925 đã được ông bà Cadman và các phụ tá đã dịch xong từ năm 1918, phần còn lại của Tân Ước gồm 21 sách, trong đó 20 thư tín và sách Khải Huyền chỉ dài có 129 trang mà thôi (từ trang 199 đến trang 327 của Tân Ước).  Vì vậy, Học giả Phan Khôi chỉ góp phần phiên dịch 129 trang này trong Tân Ước. Về Cựu Ước, trong bản in Kinh Thánh 1925, từ sách Giê-rê-mi cho đến Ma-la-chi gồm có 16 sách, nhưng chỉ dài có 213 trang (từ trang 857 đến trang 1070).  Nếu tính về số sách, Mục sư và bà William Cadman và Phan Khôi đã dịch hơn 1/3 của Cựu Ước (16 sách / 39 sách). Tuy nhiên, nếu tính về số trang, họ chỉ dịch khoảng 1/5 của Cựu Ước mà thôi (213 trang/1070 trang).  Như vậy, trong thời gian cộng tác với Mục sư và bà William Cadman, Phan Khôi và ông bà Cadman chỉ dịch thêm tổng cộng 129 + 213 = 342 trang.  Toàn bộ Kinh Thánh bản in 1925 dài 1397 trang, trong đó Cựu Ước 1070 trang và Tân Ước 317 trang.  Nếu tính về số trang, học giả Phan Khôi chỉ góp phần dịch hơn một phần tư của Kinh Thánh (342 trang/1397 trang).  Tuy nhiên không phải tất cả những trang này là do nhà văn Phan Khôi dịch một mình, nhưng như ông đã nói đây là công việc chung của ông và ông bà Cadman.  Vì vậy, ý kiến cho rằng bản dịch Kinh Thánh 1925 nên được gọi là Bản Dịch Phan Khôi là không được thuyết phục.  Trong khi đó, như đã nói ở những phần trên, ông bà Cadman đã dịch 60 trang của Sáng Thế Ký, 198 trang của sáu sách đầu tiên trong Tân Ước, và nếu tính 2/3 của số 342 trang dịch chung với Phan Khôi là 228 trang, thì ông bà Cadman đã dịch tổng cộng 60 + 198 + 228 = 486 trang. Hơn nữa, ông bà Cadman đã tham dự việc phiên dịch Kinh Thánh từ ban đầu cho đến cuối của công trình này (1916-1925). Trong khi đó, Giáo sĩ John Olsen, ông Trần Văn Dõng và Phan Khôi chỉ tham gia vào việc phiên dịch Kinh Thánh từ năm 1920 về sau mà thôi.  Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi bản dịch Kinh Thánh này đã được Thánh Kinh Hội gọi là Bản Dịch Cadmans.  

4. Những cá nhân khác đã đóng góp trong công tác phiên dịch

Bên cạnh năm nhà phiên dịch chính nêu trên, có rất nhiều người khác đã góp phần trong việc phiên dịch, hiệu đính, và phát hành Bản Dịch Kinh Thánh 1925.  Trong các sử liệu trích dẫn ở phần trên, nhiều lần các văn bản đã ghi nhận ông bà Cadman cùng với những cộng sự của họ đã dịch Kinh Thánh.  Tuy nhiên, những văn bản này không nói rõ tên của các cộng sự viên đó là ai.

Năm 1995, khi người viết bài này phỏng vấn Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu, Mục sư Lê Hoàng Phu cho biết tại miền Bắc có cụ Tú tài Nguyễn Hữu Phúc đã giúp ông bà William Cadman trong công tác phiên dịch Kinh Thánh.  Dầu vậy trong gần 30 năm qua, người viết bài này vẫn chưa tìm được tài liệu nào về cụ Nguyễn Hữu Phúc, ngoại trừ lời ghi nhận trên của Mục sư Lê Hoàng Phu.

Tuy nhiên, tại miền Bắc có một cụ tú tài tên là Nguyễn Hậu Phúc, về sau đã trở thành Truyền Đạo. Mục sư Phan Đình Liệu cho biết Truyền Đạo Nguyễn Hậu Phúc là đại diện của miền Bắc làm thành viên trong Ban Hiệu Đính Thánh Ca năm 1931 mà Mục sư William Cadman là trưởng ban [15]. Truyền Đạo Nguyễn Hậu Phúc là thân sinh của Mục sư Nguyễn Hậu Nhương [60].  Có lẽ cụ Tú tài Nguyễn Hậu Phúc, chứ không phải là Tú tài Nguyễn Hữu Phúc, là một trong những người đã giúp cho Mục sư và bà William Cadman dịch, hoặc hiệu đính Kinh Thánh. Tuy nhiên, chưa có sử liệu chính thức nào ghi lại chi tiết nầy.  Có lẽ cụ Nguyễn Hữu Phúc là một trong các cộng sự viên phụ giúp ông bà Mục sư William Cadman dịch Kinh Thánh tại Hà Nội mà các tài liệu của Hội Truyền Giáo CMA không ghi rõ tên.

Trong luận án tiến sĩ của Mục sư Lê Hoàng Phu tại New York University, Mục sư Lê Hoàng Phu có nhắc đến một nhân vật khác đó là cụ Nho [32].  Cụ Nho là người đã giúp ông bà Cadman hiệu đính các bản dịch chữ Nôm và chữ Quốc ngữ của sáu sách đầu trong Tân Ước cùng với sách Sáng Thế Ký [15].  

Mục sư Phan Đình Liệu đã cung cấp một số chi tiết về sự đóng góp của cụ Nho trong việc phiên dịch Kinh Thánh vào giai đoạn đầu tiên này như sau.  Từ tháng 12 năm 1946 cho đến đầu năm 1948, Mục sư Phan Đình Liệu đã sống chung với Mục sư William Cadman tại Hà Nội.  Mục sư Phan Đình Liệu đã tìm hiểu về việc phiên dịch Kinh Thánh trong những năm đầu.  Mục sư William Cadman kể lại giai đoạn dịch Kinh Thánh từ năm 1916 như sau.  Mục sư và bà William Cadman đã mướn một thầy giáo tên là Nho.  Thầy Nho đã đọc câu Kinh Thánh Giăng 1:1 trong chữ Hán, rồi dịch câu Kinh Thánh này ra tiếng Việt.  Mục sư William Cadman so sánh câu Kinh Thánh tiếng Việt với câu Kinh Thánh trong tiếng Anh, và Giáo sĩ Grace Cadman so sánh câu Kinh Thánh tiếng Việt với câu Kinh Thánh trong tiếng Pháp. Sau đó, ông bà dùng Pháp-Việt tự điển để xem lại. Nếu ý nghĩa chưa đúng thì sửa lại. Nếu đúng rồi thì thầy Nho sẽ viết ra chữ Nôm, và Mục sư William Cadman viết ra chữ Quốc Ngữ.  Họ cứ làm như vậy cho đến khi dịch hết sách Giăng, rồi lần lược phiên dịch các sách khác.  Mục sư Phan Đình Liệu cho biết thêm cụ Nho là một tín hữu rất sốt sắng [15]. Vì việc phiên dịch này đã được thực hiện vào năm 1916, vào lúc ông bà William Cadman còn đang ở Đà Nẵng, vì vậy có lẽ cụ Nho là một trong những tín hữu tại Đà Nẵng.

5. Các học giả duyệt xét bản dịch

Những ai đã từng đọc Bản Dịch Kinh Thánh 1925 và có dịp đọc những bài viết của năm dịch giả chính đã tham gia công trình phiên dịch này sẽ nhận ra rằng chất lượng văn viết trong Bản Dịch Kinh Thánh 1925 vượt trội hơn tất cả những bài viết của những dịch giả này – thậm chí trong nhiều thập niên về sau.  Vì vậy, có một câu hỏi được đặt ra là ai là người đã góp phần để hoàn thiện văn Quốc Ngữ trong bản dịch này.

Trong quy trình dịch Kinh Thánh của Thánh Kinh Hội, sau khi bản dịch được thực hiện xong, bản dịch sẽ được gởi cho một số độc giả và học giả để góp ý, rồi sửa lại nếu thấy phù hợp. Cuối cùng bản dịch sẽ được duyệt xét bởi một ủy ban gồm những thành viên không phải là những người đã tham gia dịch Kinh Thánh.  Những thành viên này phải là những rất giỏi về Kinh Thánh và Thần Học, biết vài ngôn ngữ, và đặc biệt rất thông thạo ngôn ngữ mà bản văn được dịch ra. Những người này sẽ là những người chịu trách nhiệm về chất lượng sau cùng của bản dịch.  Bên cạnh các giáo sĩ như David Ivory Jeffrey – Đốc Học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, và Franklin Irwin – Giáo sư Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, cộng đồng Tin Lành tại Việt Nam vào lúc đó có những nhân vật sau đây.

a. Mục sư Hoàng Trọng Thừa

Mục sư Hoàng Trọng Thừa là người Việt Nam đầu tiên được tấn phong mục sư. Ông đã đọc Kinh Thánh Hán Văn gần mười năm trước khi các giáo sĩ CMA đến Việt Nam. Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã học thần học với các giáo sĩ tại Việt Nam và theo học Kinh Thánh qua phương pháp hàm thụ với Trường Kinh Thánh tại Ngô Châu, Trung Hoa. Mục sư Hoàng Trọng đã được phong chức mục sư vào ngày 23/9/1922 tại Đà Nẵng. 

Cùng với Giáo sĩ David  I. Jeffrey và Giáo sĩ Franklin Irwin, Mục sư Hoàng Trọng Thừa là một trong ba giáo sư đầu tiên của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã dạy ba môn Nội Dung Của Kinh Thánh, Các Chủ Đề Của Kinh Thánh, và Giải Nghĩa Sáng Thế Ký dựa theo những sách giáo khoa: What the Bible Teaches của R. A. Torrey; Bible Keys của A. T. Pierson; và Genesis của R. A. Jaffray. Những sách này trước đó đã được dịch ra chữ Hán và Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã dạy các sinh viên từ những nội dung được trình bày trong những sách chữ Hán [67]. 

Trong một bài viết giới thiệu năm nhân vật ở Phương Đông cho độc giả của tờ Alliance Weekly đăng ngày 1/1/1927, Mục sư Robert Jaffray muốn các độc giả của tờ Alliance Weekly nên biết tên năm nhân vật đáng  lưu ý nầy – mà ông được vinh hạnh làm người giới thiệu. Mục sư Robert Jaffray cho biết Mục sư Hoàng Trọng Thừa là một nhà Nho uyên bác.  Ông rất thông thạo Khổng giáo và đã từng phục vụ trong thư khố của nhà Nguyễn nhiều năm trước khi tin Chúa [68].  Chi tiết về việc Mục sư Hoàng Trọng Thừa phục vụ trong thư khố của nhà Nguyễn cũng được Mục sư William T. MacArthur nhắc lại trong ký thuật về chuyến viếng thăm Đông Dương của ông [55]Giáo sĩ Franklin Irwin là người học tiếng Việt với Mục sư Hoàng Trọng Thừa cho biết Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã học chữ Hán 15 năm, và ông có khả năng viết tốc ký rất nhanh [40].

Mục sư Hoàng Trọng Thừa cũng có kinh nghiệm trong việc dịch thuật và viết văn.  Mục sư Robert Jaffray cho biết từ năm 1918, Mục sư Hoàng Trọng Thừa lúc đó là Truyền Đạo, đã dịch cuốn sách The Return of the Saviour của Mục sư Robert Jaffray, từ bản Hán văn sang tiếng Việt, rồi dùng cuốn sách đó để giảng dạy các tín hữu trong Hội Thánh Đà Nẵng  [69].  Thêm vào đó, trong những năm khởi đầu của Hội Thánh tại Đà Nẵng (1916), hằng tuần Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã thông dịch bài giảng cho Giáo sĩ Franklin Irwin. Giáo sĩ Franklin Irwin cho biết ông đã đọc bài giảng với khả năng tiếng Việt ít ỏi của mình, nhưng Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã hiểu và viết lại một cách trau chuốt trong tiếng Việt, rồi giảng lại cho thính giả người Việt.  Chỉ trong ba tháng như vậy, đã có 18 người tin Chúa [40].

Bản Dịch Kinh Thánh 1925 được thực hiện để phục cho việc giảng dạy và học hỏi Lời Chúa. Mục sư Hoàng Trọng Thừa vừa là vị mục sư Việt Nam đầu tiên, và cũng là một trong những giáo sư đầu tiên của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng cho nên ông đã góp phần việc duyệt xét bản dịch nầy. Thêm vào đó, Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã nghiên cứu Kinh Thánh hơn 20 năm cho nên ông rất hiểu biết Kinh Thánh.  Ngoài ra, ông cũng là người có tài viết văn, cho nên Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã có những đóng góp quan trọng trong việc phê duyệt văn bản của Bản Dịch Kinh Thánh 1925.

b. Truyền đạo Quách Phục Hòa

Người Việt thứ hai mà Mục sư Robert Jaffray giới thiệu trong bài viết năm nhân vật ở Phương Đông là Quách Phục Hòa.  Tên của ông trong các văn bản còn được viết là Quốc Phục Hòa, Quoc-Foc-Wo, Kwok Fuk-Wo.  Cha của ông là người Quảng Đông và mẹ của ông là người Việt, vì vậy ông thông thạo cả chữ Hán và tiếng Việt [68].  Thanh niên Quách Phục Hòa được Giáo sĩ Burris hướng dẫn tin Chúa tại Trung Hoa, nhưng đã sang Hà Nội giúp Mục sư và bà William Cadman, rồi sau đó theo học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng [70]. Quách Phục Hòa là sinh viên khóa đầu tiên (1921) của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng.  Ông là học trò của Mục sư Hoàng Trọng Thừa [68].

Mục sư Robert Jaffray cho biết sinh viên Quách Phục Hòa là một học giả, ông rất giỏi về thông dịch và giảng dạy, và là người được Chúa sử dụng cách đặc biệt. Mục sư Robert Jaffray cho biết ông thích Truyền đạo Quách Phục Hòa thông dịch bài giảng cho ông.  Trước đó, mỗi lần sang Việt Nam  Mục sư Robert Jaffray thường nhờ các giáo sĩ thông dịch bài giảng của mình từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tuy nhiên từ khi có Truyền đạo Quách Phục Hòa thì ông nhờ vị truyền đạo trẻ này thông dịch từ tiếng Hoa sang tiếng Việt.  Mục sư Robert Jaffray cho biết Truyền đạo Quách Phục Hòa cảm nhận được sự  soi dẫn của Đức Thánh Linh trong sứ điệp khi thông dịch, và qua đó đã truyền đạt sứ điệp với quyền năng của Chúa thật sống động đến  người nghe. Truyền đạo Quách Phục Hòa cũng là người thông dịch cho Mục sư Hoàng Nguyên Tố khi ông từ Ngô Châu đã đến giảng cho Hội Đồng đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Đà Nẵng [68].  Sau đó khi  Mục sư Hoàng Trọng Thừa sang Quảng Tây để giảng Bồi Linh cho các Hội Thánh tại Trung Hoa thì Truyền đạo Quách Phục Hòa cũng là người thông dịch cho vị thầy của mình, từ tiếng Việt sang tiếng Hoa [68], [71].

Về việc phiên dịch và phổ biến Kinh Thánh, Mục sư Robert Jaffray lưu ý độc giả của tờ Alliance Weekly rằng: Quách Phục Hòa đã góp phần không nhỏ với ông bà William Cadman trong việc sản xuất Kinh Thánh cả Tân Ước lẫn Cựu Ước [68].  

Như đã nói ở những phần trên, Mục sư John Olsen sau khi dịch xong Kinh Thánh, vào năm 1925 ông đã trở thành Đốc Học của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Cùng năm đó, Truyền đạo Quách Phục Hòa, lúc đó chưa được phong chức mục sư, đã được đề cử làm trợ giáo tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Về phần Mục sư Hoàng Trọng Thừa, ông vẫn tiếp tục dạy tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng như đã dạy từ ban đầu [56], [57]. Đến năm 1927, Truyền đạo Quách Phục Hòa được phong chức mục sư và tiếp tục được bổ nhiệm dạy tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng trong năm đó [72].

Trong những năm về sau, khi ngành báo chí của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được thành lập, Mục sư Quách Phục Hòa thường xuyên viết bài đăng trên Thánh Kinh Báo, Rạng Đông, và Hừng Đông từ năm 1931-1975.  Sau năm 1975, Mục sư Quách Phục Hòa sống tại Singapore vẫn gởi bài đăng trên tạp chí Thông Công tại Hoa Kỳ.

c. Truyền đạo Vũ Tam Thất

Vũ Tam Thất sinh năm 1899 tại miền Bắc Việt Nam. Vũ Tam Thất học tiếng Pháp từ năm 13 tuổi.  Đến năm 17 tuổi thì Vũ Tam Thất được cử sang Pháp làm thông dịch viên. Tháng 10 năm 1918, thanh niên Vũ Tam Thất đã gặp Louis Đường tại Toulouse.  Louis Đường đã được giới thiệu Vũ Tam Thất với các tín hữu Tin Lành Pháp và Thụy Sĩ. Sau một thời gian tìm hiểu, Vũ Tam Thất đã tin Chúa.  Vũ Tam Thất được cảm động muốn trở thành nhà truyền giáo cho người Việt. Theo lời khuyên của Ulysse Soulier, Vũ Tam Thất đã theo học thần học và tốt nghiệp thần học tại Pháp. Vũ Tam Thất là người Việt Tin Lành đầu tiên tốt nghiệp thần học tại Âu châu.

Sau khi học xong, Vũ Tam Thất đã tham dự vào chương trình dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt đang được thực hiện tại Pháp vào lúc đó.  Ngày 21/3/1921, Hội Thánh Reformed Pháp đã tổ chức một buổi ra mắt phái đoàn truyền giáo mà họ dự định sẽ gởi sang Đông Dương. Phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh Tin Lành Reformed  Pháp gồm bốn người là Mục sư Ulysse Soulier, Giáo sĩ  Paul Monet, Truyền Đạo Vũ Tam Thất, và Louis Đường. Trong buổi lễ đó, Truyền Đạo Vũ Tam Thất đã phát biểu vì sao anh muốn trở thành nhà truyền giáo cho dân tộc của mình. Chúng ta không biết nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc có tham dự buổi ra mắt của đoàn truyền giáo này hay không, nhưng ngày 1/9/1921, Nguyễn Ái Quốc đã gởi thư cho Mục sư Ulysse Soulier nói rằng ông biết những dự tính tốt đẹp của những nhà truyền giáo Tin Lành Reformed Pháp cho Đông Dương.  Sau đó, phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh Reformed Pháp đã về đến Việt Nam vào tháng 1 năm 1922.

Sau khi trở lại Việt Nam, Paul Monet và Truyền Đạo Vũ Tam Thất lo mục vụ cho các thanh niên tại Trung Tâm Thanh Niên Hà Nội [45].  Một số sinh viên Việt Nam được Truyền đạo Vũ Tam Thất hướng dẫn trong thời kỳ này về sau đã trở thành nhân vật nổi tiếng như: Hoàng Minh Giám – Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao (1947-1954) và Bộ Trưởng Văn Hóa (1954-1976) của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; và Phạm Duy Khiêm – Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Pháp và tại UNESCO. Phạm Duy Khiêm là người trong những năm về sau đã đoạt giải Văn Chương Đông Dương (Prix litéraire d’Indochine ) với tác phẩm Huyền Thoại Miền Thanh Lãng (Légendes des Terres Sereines), và giải thưởng Louis Barthou của Viện Hàn lâm Pháp.  Phạm Duy Khiêm đã cùng với Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ biên soạn cuốn Việt Nam Văn Phạm (1941), đóng góp cho việc xây dựng văn phạm Việt Nam trong những năm về sau. 

Trong bức thư của Mục sư Henry Anderson, Giám Đốc Thánh Kinh Hội Đông Dương, gởi cho các giáo sĩ CMA, ông khuyên họ nên tận dụng khả năng của các giáo sĩ trong phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh Pháp [46].  Vì Truyền đạo Vũ Tam Thất đã từng hành nghề thông dịch viên, đã tốt nghiệp thần học tại Âu châu, và đã từng dịch Kinh Thánh tại Pháp, vì vậy chắc chắn ông đã đóng góp không nhỏ trong việc duyệt lại bản văn của Bản Dịch Kinh Thánh 1925.

d. Tôn Thất Thùy

Ông Tôn Thất Thùy là một người thuộc hoàng tộc, và cũng là một trong những tín hữu đầu tiên tại miền Trung.  Ông theo học Kinh Thánh tại Trường Kinh Thánh Hoa Nam, và vợ của ông là người Trung Hoa [15].  Ông Tôn Thất Thùy làm việc cho Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại tại Hong Kong.  Lúc đầu ông chỉ là nhân viên phân phối Kinh Thánh. Về sau ông trở phụ tá cho Mục sư Henry Anderson, Giám Đốc Thánh Kinh Hội Đông Dương.

Ngoài kiến thức về Kinh Thánh và thần học, ông Tôn Thất Thùy biết cả tiếng Anh, tiếng Pháp, chữ Hán, và tiếng Việt. Theo biên bản Hội Đồng của các giáo sĩ vào năm 1920, các giáo sĩ CMA mong muốn Thánh Kinh Hội chuyển ông Tôn Thất Thùy về Việt Nam [42]. Giáo sĩ D. I. Jeffrey, lúc đó đang chuẩn bị nhận trách nhiệm mở Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, Giáo sĩ D. I. Jeffrey muốn ông Tôn Thất Thùy trở về giúp ông giảng dạy tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Trong khi đó thì Giáo sĩ John Olsen và Irving Stebbins muốn ông Tôn Thất Thùy về Sài Gòn giúp họ mở mang công việc Chúa tại đó và dịch Kinh Thánh.  Trong một bức thư viết ngày 20/10/1921, Mục sư Henry Anderson cho biết vì ích lợi lâu dài của công việc Chúa chung tại Đông Dương, ông Tôn Thất Thùy sẽ tiếp tục ở lại làm phụ tá cho Mục sư Henry Anderson tại Hong Kong.  Đây cũng là ý nguyện của ông Tôn Thất Thùy [73].

Sau khi Tân Ước in xong,  ông Tôn Thất Thùy là đại diện của Thánh Kinh Hội đã duyệt lại bản dịch Tân Ước và đem in Tân Ước tại Thượng Hải.  Cũng vậy, sau khi toàn bộ Kinh Thánh dịch xong, ông Tôn Thất Thùy là đại diện của Thánh Kinh Hội đã duyệt lại bản dịch Kinh Thánh 1925 và cho in Kinh Thánh tại Thượng Hải. Lý do những ấn bản Kinh Thánh đầu tiên Thánh Kinh Hội đã cho in tại Thượng Hải bởi vì nhà in tại Hà Nội lúc đó chưa được trang bị đầy đủ để in Kinh Thánh.  Quy trình in Kinh Thánh rất phức tạp. Với kinh nghiệm phát hành Kinh Thánh của Thánh Kinh Hội tại nhiều nơi trên thế giới, để giảm thiểu những trở ngại kỹ thuật xảy ra, bản dịch Kinh Thánh đầu tiên thường được in tại những nhà in đã từng in Kinh Thánh.

Sau khi toàn bộ Kinh Thánh in xong, năm 1925 ông Tôn Thất Thùy đã được đề cử làm Giám Đốc Điều Hành của Thánh Kinh Hội Đông Dương, và văn phòng được đặt tại Hà Nội. Sau khi đất nước chia đôi vào năm 1954, văn phòng Thánh Kinh Hội chuyển vào Sài Gòn và ông tiếp tục giữ chức vụ này.  Vài năm sau, ông Tôn Thất Thùy về với Chúa.  Ông Tôn Thất Thùy đã phục vụ Thánh Kinh Hội hơn 30 năm, góp phần phổ biến Lời Chúa trên toàn cõi Đông Dương. Ông Tôn Thất Thùy là một trong số rất ít người Việt vào lúc đó có trình độ hiểu biết Kinh Thánh, thần học, ngoại ngữ, cũng như thông thạo chữ Quốc ngữ để duyệt Bản Dịch Kinh Thánh 1925 đảm bảo chất lượng để bản dịch Kinh Thánh này vẫn còn lưu dụng cho đến ngày hôm nay.      

6. Bản Dịch 1925 đã được dịch dựa trên bản dịch nào

Như đã nói ở những phần trên, từ cuối thế kỷ thứ 19 Thánh Kinh Hội đã thực hiện đề án dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.  Bảy sách đầu tiên là Lu-ca, Giăng, Mác, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma, và Sáng Thế Ký đã được dịch từ bản dịch Ostervald trong tiếng Pháp. Chi tiết này có thể thấy rõ trên trang tựa đề của Phúc Âm Lu-ca, ấn bản 1890.  Lý do của Bản Dịch Ostervald đã được Thánh Kinh Hội chọn dịch sang Việt ngữ bởi vì đây là bản dịch Kinh Thánh phổ biến nhất trong cộng đồng Tin Lành nói tiếng Pháp tại khắp nơi trên thế giới vào lúc đó. Khi đó, Đông Dương thuộc Pháp. Những người biết đọc Kinh Thánh tiếng Pháp từ bản dịch Pháp văn rất phổ thông này mà Thánh Kinh Hội đã phân phối tại Đông Dương, khi đọc bản dịch tiếng Việt họ sẽ không thấy có sự quá khác biệt. Theo biên bản của Hội Đồng các giáo sĩ CMA vào năm 1922, Hội Đồng đã quyết định bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ đang được thực hiện sẽ được dịch căn cứ trên bản dịch French Synodal Version.  French Synodal Version là tên gọi trong tiếng Anh của bản dịch Ostervald trong tiếng Pháp.

Đặc điểm của bản dịch Ostervald trên bản dịch Việt Ngữ 1925 có thể dễ dàng nhận biết khi đọc những chương cuối của sách Gióp. Khác với những bản dịch Kinh Thánh phổ biến khắp nơi trên thế giới, chương 38 trong sách Gióp của  bản dịch Ostervald chỉ có 38 câu, trong khi đó tất cả các bản dịch khác, kể cả cách chia câu trong Kinh Thánh Hebrew có 41 câu.  Trong khi đó chương 39 của những bản dịch khác chỉ có 30 câu thì bản dịch Ostervald có 38 câu.  Tương tự chương 40 của các bản dịch khác chỉ có 24 câu thì bản dịch Ostervald có 28 câu.  Và cuối cùng chương 41 của các bản dịch khác có 34 câu, nhưng bản dịch Ostervald chỉ có 25 câu.  Thật ra cả bốn chương này trong sách Gióp cũng như các bản dịch khác đều có tổng cộng 129 câu.  Tuy nhiên, nguyên nhân của sự khác biệt chỉ vì sự phân bố số lượng câu Kinh Thánh vào mỗi chương của bản dịch Ostervald không giống như cách phân bố của các bản dịch khác mà thôi.  Vì vậy, Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925 cũng mang đặc điểm này của bản dịch Ostervald, và cách chia câu ở những chương cuối trong sách Gióp trong Bản Dịch 1925  không giống như các bản dịch phổ biến khác trên thế giới.

Biên bản của Hội Đồng năm 1922 cũng nói thêm rằng các thông dịch viên có thể tham khảo bản dịch Công giáo Việt-Latin của Linh mục Albertus Schlicklin để đối chiếu.  Thật ra, trên thực tế khi dịch Kinh Thánh các nhà phiên dịch đã tham khảo rất nhiều bản dịch khác nhau tùy theo trình độ ngoại ngữ của từng người. Biên bản của Hội Đồng vào năm 1925 ghi nhận Mục sư John Olsen và ông Trần Văn Dõng đã dịch và tham khảo đúng theo những bản dịch đã được ghi trong biên bản của Hội Đồng năm 1922. Trong khi đó nhóm của ông bà Cadmans đã tham khảo bản dịch Louis Segond French Version và bản dịch Công giáo, rồi sau đó sửa lại theo American Standard Version. Phan Khôi cho biết nữ Giáo sĩ Grace Cadman có thể đối chiếu với bản dịch Kinh Thánh của 13 ngôn ngữ khác nhau.

Sở dĩ Mục sư John Olsen và ông Trần Văn Dõng đã dịch theo quyết định của Hội Đồng 1922 bởi vì cả hai đều biết tiếng Pháp và Latin, cho nên đối với họ không có gì cần phải thay đổi.  Trong khi đó, căn cứ theo nội dung những bức thư đã được trao đổi trong giai đoạn này, ngay từ đầu nữ Giáo sĩ Grace Cadman đã muốn dịch Kinh Thánh thẳng từ nguyên văn Greek và Hebrew sang tiếng Việt cho chính xác. Tuy nhiên nếu làm như vậy thì chỉ có một mình bà có khả năng phiên dịch mà thôi, bởi vì những thành viên khác trong ban phiên dịch không biết Greek và Hebrew.  Hơn nữa, nếu chọn dịch trực tiếp từ Greek và Hebrew thì không biết đến bao giờ mới xong.  Vì nhu cầu cấp bách của công việc Chúa, cho nên Giáo sĩ Grace Cadman đã nhượng bộ và chấp nhận giải pháp trung dung.  Nhóm của ông bà William Cadman đã tham khảo bản dịch Louis Segond French Version và bản dịch Công giáo.  Thêm vào đó, Giáo sĩ William Cadman và Phan Khôi đều giỏi chữ Hán cho nên cả hai người đã tham khảo bản Văn Lý (Wenli)  lúc đó đã được Thánh Kinh Hội phổ biến rộng rãi giữa vòng những người biết đọc chữ Hán tại Việt Nam.  Cuối cùng bản dịch Việt ngữ được đối chiếu với American Standard Version – là bản dịch Anh ngữ dịch sát nhất với cách diễn đạt trong nguyên văn Greek và Hebrew.  

III. Tóm lược        

Từ cuối thế kỷ thứ 19, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại đã thực hiện chương trình phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt cả  trong chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.  Một số sách trong Kinh Thánh đã được in và phát hành rộng rãi tại Việt Nam từ năm 1890.   Sau khi các giáo sĩ CMA đến Việt Nam vào năm 1911,  Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại đã phối hợp với các giáo sĩ CMA dịch toàn bộ Kinh Thánh sang chữ Quốc ngữ.  Thánh Kinh Tân Ước được phát hành vào năm 1923, và toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được phát hành vào năm 1925.  Bản Dịch Kinh Thánh 1925 được phát hành trong thời kỳ văn chương của chữ Quốc ngữ vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển. Dầu vậy, Bản Dịch Kinh Thánh 1925  là một trong số rất ít cuốn sách phát hành trước năm 1930 vẫn còn được lưu hành rộng rãi cho tới ngày hôm nay.

Phước Nguyên
Tháng 1/2013

PHAN KHÔI - NGƯỜI GÓP PHẦN DỊCH KINH THÁNH RA VIỆT NGỮ




Đạo Tin Lành đã có mặt trên đất nước Việt Nam tròn 100 năm (1911-2011). Tôi tin rằng, trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, những tín hữu Tin Lành sẽ không thể nào không nhắc đến tên tuổi của ông.
Như nhiều người trong chúng ta đã biết, Phan Khôi là nhà thơ đã khởi xướng ra phong trào Thơ mới vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ XX, và là một dịch giả đã góp phần dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ cho tín đồ Tin Lành sử dụng.
Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã sử dụng trong vòng mấy chục năm qua, kể từ năm 1926 là lần xuất bản đầu tiên cho đến nay và chắc cũng sẽ còn dùng cho đến lâu dài về sau này nữa, đó chính là bản dịch mà Phan Khôi đã góp phần rất lớn.
Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh lúc bấy giờ mất bao nhiêu thời gian? 
 
Theo Trần Mạnh Thường cho biết: "Ông lại ra Bắc ở Hội Tin Lành. Ông chuyển dịch Kinh Thánh chữ Nho ra Quốc ngữ. Ông dịch khá tốt. Làm được một năm, ông lại vào Nam kiếm việc". Bà Phan Thị Nga (vợ của nhà văn Hoài Thanh, đặc phái viên của báo Ngày Nay do Nhất Linh đã chủ trương) cũng cho biết về Phan Khôi dịch Kinh Thánh cho Hội Thánh Tin Lành, “làm được một năm ông lại thôi". Nhà báo Vu Gia cho rằng chi tiết này không đúng, "vì với thời gian ấy, Phan Khôi không tài nào dịch xong bộ sách ấy". Và qua sưu tầm về tư liệu Phan Khôi, Vu Gia phát hiện ra rằng "Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh trong khoảng thời gian 5 năm". Trên Phụ nữ Tân văn số 74, ngày 16.10.1930, (sau khi mục sư W. C. Cadman, chủ nhiệm tờ Thánh Kinh báo lúc bấy giờ có gởi biếu Phan Khôi, khi báo ra số đầu tiên), Phan Khôi có viết bài “Giới thiệu và phê bình Thánh Kinh báo", trong đó có đoạn: “Sau hết, tôi xin có lời cám ơn ông bà mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo này cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925)".
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân viết: "Từ năm 1919, sau khi dịch bốn sách trong Tân Ước, vợ chồng W. C. Cadman được sự giúp đỡ của văn sĩ Phan Khôi (1887-1960) dịch Cựu Ước ra quốc ngữ và đến năm 1925 thì họ hoàn tất". 
 
Như vậy để có được bản Kinh Thánh tiếng Việt bao gồm cả Cựu Ước và Tân Ước cho những tín hữu Tin Lành đọc như ngày hôm nay, dịch giả Phan Khôi đã mất hơn 5 năm dài. Thật là cả một công trình đáng trân trọng.
Mục sư Lê Hoàng Phu cho biết: "Gia đình Cadman tiếp tục công tác dịch Kinh Thánh năm 1919, lần này với sự cộng tác của ông Phan Khôi, một học giả và văn sĩ lỗi lạc, đã làm việc với họ trong 10 năm. Họ hoàn tất Cựu Ước năm 1925, sau khi đã duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả Olsen, toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Hà Nội năm 1926. Vừa khi cuốn Kinh Thánh Việt Nam được in xong, ông Phan Khôi nhận chức chủ nhiệm một tờ báo quan trọng “với giá lương gấp bội hơn lương có thể trả cho ông để dịch Kinh Thánh". Chẳng bao lâu họ Phan khởi xướng "phong trào Thơ mới đã làm rung chuyển cả những truyền thống văn học từ bao thế kỷ ở trong xứ và cũng đưa ông lên địa vị lãnh đạo các đoàn thể văn học. Giá trị công việc của ông đối với bản dịch Kinh Thánh năm 1926 vẫn còn được các độc giả Việt Nam ưa thích".
 
Về giá trị của bản dịch Kinh Thánh năm 1926, nhà báo Vu Gia viết: “Nhìn chung đây là bản dịch tốt nhưng nói như vậy chẳng khác nào khen phò mã tốt áo bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi".
Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Kinh Thánh cả Tân Ước, Cựu Ước của hội đạo Tin Lành, người ta bảo ông (Phan Khôi) dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã Ca lời rất thơ". Trong tác phẩm Người Quảng Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc viết về việc Phan Khôi dịch Kinh Thánh như sau: "Giai đoạn này, ông đã làm một việc khó ai ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh Thánh cho Hội Tin Lành. Bản dịch của ông câu cú gãy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm". Nhà báo Vu Gia có viết: “Là kẻ ngoại đạo, song khi đọc xong, tôi cũng tin bản dịch tôi đang có (cuốn Kinh Thánh do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1998) là bản dịch của Phan Khôi, hoặc ít ra 80% - 90% là của Phan Khôi. Vì khi đọc, tôi dễ dàng nhận ra chất giọng đặc sệt Quảng Nam trong bản dịch." Rồi Vu Gia dành ba trang (từ trang 382-384) để trích dẫn các câu Kinh Thánh mang đậm chất giọng Quảng Nam từ sách Sáng-thế Ký cho đến sách Công-vụ Các Sứ-đồ. Xin được trích một vài câu trong rất nhiều câu mà Vu Gia đã dẫn trong sách của mình như sau (chỉ trích những trang đậm chất giọng Quảng Nam mà thôi): hột (Sáng-thế Ký 1:11), mà chi! (Sáng-thế Ký 3:1), hè! (Sáng-thế Ký 11:1), ngộ (Sáng-thế Ký 18:30), lấy chi (Lu-ca 14:34), giữ lấy y như (I Cô-rinh-tô 15:2)... Ngoài ra, ông còn dành đến gần sáu trang trong sách của mình (từ trang 385 - 390) để trích những câu Kinh Thánh trong các sách văn thơ từ Gióp cho đến Nhã-ca mà nhiều người cho là Phan Khôi dịch hay nghe như... thơ. 
 
Những đóng góp của Phan Khôi cho nền văn chương nước ta quả là không nhỏ, trong đó bản dịch Kinh Thánh (Tin Lành) của ông là một đóng góp xuất sắc.
(Sưu tầm)
(Trích Kiến Thức Ngày Nay -Ngày 20/2/2011- TG. Nguyễn Đình Bùi Thị)
HẠT MUỐI SỐ 9/2011

CÁC CỦA LỄ- 4 - Của Lễ Chuộc Tội-

 


CÁC CỦA LỄ- 4 - Của Lễ Chuộc Tội-
Lê-vi-ký 4: 1- 35-- Của Lễ Chuộc Tội-
Chiều ngày 26-8-2023
1.Ý nghĩa: Lê vi ký 4: 2, Giăng 1: 29
-- Cất tội lỗi (số ít)
--dùng các loại mỡ và hai trái cật đốt lên như đốt của lễ thiêu (giống lễ bình an). Lê 4: 8-10
2.Hai loại của lễ chuộc tội:
--Rảy huyết trong nơi thánh ngoài bức màn ngăn hòm giao ước và đốt thi thể con sinh ngoài trại quân- Lê 4: 1-12; Hê 13: 11
--Không rảy huyết thì nấu thịt con sinh và ăn- Lê 6: 24-30
3.Tin Lành Mác minh họa-
-- Khi Chúa chết trên thập giá có 3 giờ tối tăm và Cha lìa bỏ Chúa Giê su
-- Cất tội đê rao giảng cho muôn dân

CÁC CỦA LỄ- 3 - Của Lễ Bình An (Thù Ân)-

 

CÁC CỦA LỄ- 3 - Của Lễ Bình An (Thù Ân)-
Lê-vi-ký 2: 1- 16-- Của Lễ Bình An-
Sáng ngày 26-8-2023
1.Chùa Giê-su , trung tâm sự thông công giữa Đức Chúa Trời và loài người- 1 Ti, 2: 5
2.Lời hứa trong Thi thiên 85: 7-11
3.Kinh Tân ước giải nghĩa: Cô lô se 1: 12, 20; Lê vi ký 7: 13
4.Phúc Âm Lu ca minh họa:
-- Con hoang đàng trở về nhà: Lu ca 15: 11-31
-- Người ăn cướp vào lạc viên: Lu ca 23: 42-43

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

CÁC CỦA LỄ- 2 - Của Lễ Bửa Ăn-

 

CÁC CỦA LỄ- 2 - Của Lễ Bửa Ăn-
Lê-vi-ký 2: 1- 16-- Của Lễ Ngũ Cốc
Chiều ngày 25-8-2023
1.Của lễ nầy nói về cuộc đời hoàn hảo của Chúa Giê-su- 1 Phi-e-rơ 2: 21-22, 24
2.Các thành phần trong của lễ: bột mì lọc, dầu ô-liu, nhũ hương, muối
-- Đời tín nhân: 2 Cỏ. 5: 7-8
-- Hai chất cấm kỵ: men và mật: Math. 12: 46-50; Giăng 2: 4,5; Lu ca 23: 28
3.Ba loại hoàn cảnh sống:
-- Lò hấp ; Lê. 2: 4
-- Chảo: Lê 2: 5
-- Chảo lớn: lê 2: 7