Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Cầu nguyện tiếp nhận Chúa lặp theo lời người khác-



-Theo cách truyền giáo Tin Lành hiện nay, khi một nguời truyền giáo tin rằng đối tượng truyền giáo của mình, tức là người đang tìm hiểu đạo, đã “chin mùi” để tiếp nhận Cứu Chúa thì người truyền giáo đó mời đối tượng ấy lập lại lời cầu nguyện tiếp nhận Chúa theo mình. Nội dung của lời cầu nguyện ấy đại khái là xưng nhận tội lỗi của mình và tuyên xưng Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của riêng mình và mời Người làm chủ đời sống của mình. Sau khi đồi tượng ấy lập lại lời cầu nguyện ấy xong, thì người ấy được xem là một thành viên mới của Hội Thánh Chúa, là một thành viên của nước trời, là kẻ được ban cho sự sống đời đời qua sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Hội Thánh địa phương gởi thành viên mới ấy vào lớp học giáo lý tân tòng, và sau một thời gian làm phép báp-têm cho. Tuy nhiên, thực tế cho biết rằng không ít các thành viên mới này bỏ nhóm sau một thời gian sinh hoạt với Hội Thánh. Một số không ít khác chẳng bao giờ hiểu những giáo lý căn bản của Thánh Kinh, mặc dù đi nhóm đều đặn. Còn một số khác chỉ thấy mặt trong các buổi nhóm có tiệc trong các ngày lễ tôn giáo. Có những nữ tín hữu thích vào trong bếp chuẫn bị thức ăn hơn là nghe giảng; có những nam tín hữu thích làm việc điều hành hoặc chăm sóc cơ sở của Hội Thánh hơn là nghiên cứu lời Chúa. Khi thấy những hiện tượng tiêu cực này, những con cái Chúa nặng lòng với Hội Thánh chỉ biết cầu nguyện và trông chờ vào một cuộc phục hưng lớn trong Hội Thánh.

-
Trong bài này, tác giả mạo muội trình bày với đọc giả quan điểm của mình về những tiêu cực nói trên.
Chúng tôi muốn bắt đầu từ đặc tính của người Việt Nam. Có lẽ vì bối cảnh lịch sữ bị đô hộ bởi nhiều dân tộc khác trong một thời gian dài, nên người Việt có khuynh hướng chấp nhận hết các nguồn tư tưởng, rồi nhào trộn lại và biến nó thành một văn hóa Việt. Tinh thần bao ôm này dẫn tới niềm tin “đạo nào cũng tốt,” nghĩa là, nếu tôi đã có một tôn giáo rồi, thì có thêm đạo Tin Làn nữa thì chỉ có thể tốt hơn, chứ không thể xấu đi. Ngược lại, nếu tôi không theo đạo Tinh Lành nữa, thì tôi ít tốt hơn một chút, nhưng vẫn còn tốt! Ngược lại với tinh thần bao ôm, tinh thần của Thánh Kinh là tinh thần “loại trừ.” Thí dụ như: chỉ có Chúa là Chân Thần, còn các thần khác là giả thần; tiếp nhận Chúa sẽ được sống đời đời, từ khước Chúa sẽ bị trừng phạt đời đời, v.v. Đạo Chúa không chấp nhận những gì nữa vời, nhưng người Việt cho rằng những gì “tạm được là được.” Văn hóa nữa vời này không hợp với Thánh Kinh vì Thánh Kinh đẩy con người từ tình trạng lưng chừng về một phía của những cực điểm: cực thiện (Đức Chúa Trời), cực ác (Satan), cực phúc (sự sống đời đời), cực họa (hình hạt đời đời), cực cao (Thiên đàng), cực sâu (địa ngục), cực rộng (thế gian), cực hẹp (đạo Chúa), cực phẳng lặng (Trời Mới Đất Mới), cực náo động (Bảy năm đại nạn), cực nóng (người tin Chúa thật), cực lạnh (người chưa tin Chúa), v.v.
-
Ngoài tinh thần bao ôm, người Việt còn mang tinh thần cả nể, không dám từ chối thẳng một điều gì trái ý vì sợ mất lòng. Do đó, khi được mời tiếp nhận Chúa trong khi lòng vẫn không tin, một đối tượng truyền giáo vẫn có thể nhắm mắt kính cẩn cầu nguyện lặp theo người hướng dẫn. Những người này đi vào Hội Chúng của Đức Chúa Trời mà trong lòng chẳng tin, được báp-têm như những giáo dân Công giáo được rữa tội vì cha mẹ của họ cũng là những người Công giáo. Khi được tiếp xúc với tinh thần “loại trừ” của Thánh Kinh, và những giáo lý “cực điểm,” những người này bắt đầu nhận ra đạo Tin Lành không thuộc về “đạo nào cũng tốt” như mình nghĩ. Họ từ từ thoái lui và Hội Thánh sẽ chỉ gặp lại họ trong các buổi tiệc tùng vì ham vui hoặc vì cả nể mà tới dự. Còn nếu Hội Thánh muốn giữ họ, thì người chăn bầy sẽ phải bẻ cong Thánh Kinh, không dám dạy những tín lý “cực điểm,” không dám dạy sự sống và sự chết, mà chỉ dạy đạo đức “ở hiền gặp lành.” Hội Thánh của Chúa vì vậy là một Hội Thánh hâm hẫm, đáng bị Đức Chúa Jesus mửa ra khỏi miệng Ngài (Khải Huyền 3.16). Đạo Chúa từ từ biến thành một cửa rộng thay vì một ngõ hẹp để cho nhiều người ung dung đi vào sự chết đời đời.
-
Tuy nhiên, cho tới đây, chúng ta vẫn chưa xét đến tính thuận kinh (hay phản kinh) của thói quen mời một đối tượng cầu nguyện tin nhận Chúa lặp theo lời của một người khác. Nói thẳng ra không nơi nào trong Thánh Kinh dạy làm như vậy. Nếu một người phải lặp theo lời cầu nguyện tiếp nhận Chúa của một người khác thì người đó vẫn chưa tin. Thánh Kinh cho biết rằng người muốn tiếp nhận Chúa không cần phải “bài bản” như lời cầu nguyện tiếp nhận Chúa được in trong các cuốn sách nhỏ truyền đạo, nhưng chúng ta có thể nói với Chúa đơn sơ như người tử tội nọ, vì chúng ta cũng là tử tội, bị đóng đinh cùng Chúa, rằng lạy Chúa xin nhớ đến con khi Ngài vào nước trời (Lu-ca 23.42). Thánh Kinh dạy rằng, và được chứng nghiệm bằng nhiều con cái Chúa, khi đã được Chúa bắt phục, đối tượng sẽ kêu lên tiếng Abba (nghĩa là, “Cha ơi!”) (Rô-ma 8.15). Hay nói cụ thể hơn, khi đối tượng đã thành thật tin nhận Chúa, thì Đức Chúa Trời phái Linh của Con của Ngài vào trong tim chúng ta thốt lên tiếng “Cha ơi!” (Ga-la-ti 4.6). Khi chúng ta thốt ra được tiếng Abba rồi thì chúng ta biết rằng chúng ta đã đi từ sự chết đời đời qua bờ của sự sống. Khi đó, chúng ta bắt đầu hiểu ra được những tín lý căn bản của Thánh Kinh mà không cần phải học từ một trường thần học nào hết. Thiên đường dường như mở ra cho chúng ta, để chúng ta thấy được hào quang của những bí nhiệm của vũ trụ mà trước đây bị che khuất khỏi chúng ta (Ma-thi-ơ 11.25). Khi đó, chúng ta thấy trái tim mình thật rộn rã với một niềm vui không ngôn từ nào diễn tả được.
-
Khi chưa thốt được tiếng Abba, một người vẫn còn là con mồ côi, bất kể người đó giữ vai trò gì trong Hội Thánh. Tiếng Abba đến từ Thánh Linh. Vì vậy, chúng ta hãy để Đức Thánh Linh làm việc trong tâm của đối tượng truyền giáo, còn vai trò của chúng ta chỉ là người đưa tin. Cầu nguyện tiếp nhận Chúa lặp theo một người khác là điều Thánh Kinh không dạy, và ngược lại với sự hiểu biết của một con người thuộc linh.
Lê Anh Huy