-
1- Cái chết của Micheal Servetus:
Michael Servetus (1511-1553) là một người Tây
Ban Nha, một thần học gia, một học giả và bác sỹ y khoa. Ông nghiên cứu nhiều
ngành khác nhau như toán học, vũ trụ học, địa lý, triết luật học, y khoa, dược
khoa và Thánh Kinh. Riêng về lãnh vực Thánh Kinh, ông nổi tiếng (hay khét tiếng
tùy theo người đối diện) vì hai chủ thuyết: Cờ-rít Học Phi Ba Ngôi
(non-trinitarian Christology) và Chống Báp-têm Ấu Nhi (anti-paedobaptism). Ông
xuất bản nhiều sách trong đó có “De trinitatis erroribus” (Về các sai lầm của
thuyết Ba Ngôi).
Vì hai chủ thuyết này, ông bị cả giáo hội Công
Giáo lẫn giáo hội Cải Cách lên án vì cả hai giáo hội này đều tin và thực hành
phép báp-têm cho ấu nhi, và tin vào “Ba Ngôi.” Vào ngày 4 tháng 4 năm 1553, ông
bị giáo hội Công giáo bắt và bị tống giam tại Vienne. Ba ngày sau, ông trốn khỏi
tù. Vào ngày 17 tháng 6, ông bị kết án là tà đạo bởi Toà Án Tôn giáo của giáo hội
Công giáo của Pháp và bị xử chết thiêu phiến diện. Ông định chạy trốn qua
Itali, nhưng không hiểu sao lại dừng chân tại Geneva, là nơi John Calvin (là mục
sư và là thần học gia sáng lập ra thuyết T.U.L.I.P [1]) và giáo hội Cải Cách
đang lùng bắt ông. Vào ngày 13 tháng 8, ông tham dự buổi giảng thuyết của John
Calvin, bị nhận diện ngay, bị bắt sau bài giảng, và một lần nữa bị giam tù.
John Calvin muốn xử trảm (tức là chém đầu) Michael Severtus như là một người phản
bội hơn là kẻ tà đạo, nhưng Hội đồng của giáo hội Cải Cách xử Servetus chết bằng
cách đốt sống như là kẻ tà đạo. Ngày 27 tháng 10 năm 1553, Michael Servetus bị
xiềng bằng dây xích vào cột và bị đốt sống cùng với cuốn sách mà người ta tin
là cuốn cuối cùng của ông. Trong khi da thịt ông cháy từ từ, ông la thảm thiết:
“Giê-su, Con của Đức Chúa Trời đời đời, xin khoan hồng!” (1) (Jesus, the Son of
the eternal God, have mercy!).
-
Thần học Cờ-rít Học Phi Ba Ngôi của ông nằm gọn
trong câu la trong cơn hấp hối này. Nếu ông là một người tin vào thuyết Ba
Ngôi, thì nó sẽ là: “Giê-su, Con đời đời của Đức Chúa Trời” (2) (Jesus, the
eternal Son of God). Chắc đọc giả sẽ hỏi hai câu (1) và (2) khác nhau như thế
nào. Chúng khác nhau ở chỗ, theo niềm tin của Servetus, Giê-su không hiện hữu đời
đời, nghĩa là từ vô cùng trong quá khứ tới vô cùng trong tương lai, mà chính Đức
Chúa Trời là Đấng đời đời. Theo ông, Lời của Đức Chúa Trời, là biểu hiện của
Ngài, giáng thế thành người Giê-su (TKTC Gioan-nết(Giăng) 1.1 và 1.14) khi Thần
của Đức Chúa Trời ngự vào tử cung của Bà Ma-ri; nghĩa là Giê-su chỉ hiện hữu từ
thế kỷ thứ nhất trở đi. Chính Lời đã ở cùng Đức Chúa Trời trước sáng thế chứ
không phải Giê-su. Vì vậy ông không gọi Giê-su là “Con đời đời của Đức Chúa Trời”
mà là “Con của Đức Chúa Trời đời đời.” Chữ “đời đời” của Servetus là tĩnh từ bổ
nghĩa cho Đức Chúa Trời, thay vì cho Giê-su.
-
Trong bài này tác giả không muốn bàn về thần học
của Servetus vì mục đích của chúng tôi là bàn đến sự dữ đặc biệt xẩy ra trong
vòng những người gọi nhau là anh em trong Chúa. Cụ thể là: Cái gì hoạt động
trong con người Calvin dẫn đến cái chết khủng khiếp của Servetus? Tại sao Đức
Chúa Trời cho phép những tội ác do chính con cái Ngài gây ra xẩy ra? Bài học gì
Cờ-rít nhân có thể rút ra từ vụ án kinh khủng này để sống đẹp ý Chúa?
-
--Những điều kiện để sự sát hại Servetus xẩy
ra:
Không cần bàn thêm, Calvin và người đồng thời
mang tội cố sát trong vụ án Michael Servetus. Cố sát là tội giết người có dự
mưu mà chúng tôi đã có bàn trong bài [2]. Nhưng làm thể nào để một người là
“người của Đức Chúa Trời” đi đến cái mức có thể ra lệnh để hành quyết anh em
mình?
Trước hết, Thánh Kinh cho biết Cờ-rít nhân mặc
dù đã được cứu vẫn phạm tội (TKTC 1 Gioan-nết(Giăng) 1.8). Khi đã tiếp nhận
Chúa Giê-su làm Cứu Chúa, linh của một Cờ-rít nhân được tái sinh, nhưng người ấy
vẫn sống trong cùng một xác thịt, là sào huyệt của tội lỗi. Chừng nào còn trong
xác thịt, Cờ-rít nhân vẫn phải còn chiến đấu với ham muốn của xác thịt (TKTC
Rô-ma-dô(Rô-ma) 7.21-23). Xác thịt đó chờ ngày chết, và Cờ-rít nhân đang chờ để
được mang một thân thể mới (TKTC 1 Cô-rín-thi-ô(Cô-rinh-tô) 15.42-44) khi được
phục sinh nếu đã chết hay được cất lên trong khi còn sống. Xác thịt cũ hư nát
vì tội lỗi, nhưng thân thể mới không hư nát. Xác thịt không thể thừa hưởng nước
trời vì công việc của nó là: “sự vô luân, tính bất khiết, tính ưa khoái lạc, thờ
hình tượng, phép phù thủy, các sự thù hận, sự cải cọ, tính ganh ghét, các sự bộc
phát của sự giận dữ, các cuộc phân tranh, các mối bất hoà, các bè đảng, việc đố
kỵ, sự say sưa, việc nhậu nhẹt, và các thứ giống như các điều này” (TKTC
Ga-la-ti 5.19-21). Tuy vẫn còn nguy cơ phạm tội vì vẫn còn sống trong hình hài
cũ, Cờ-rít nhân nếu bước đi trong Thánh Linh, có quyền năng để khuất phục xác
thịt mình. Con cái Chúa không cố tình phạm tội (TKTC 1 Gioan-nết(Giăng) 3.9),
nhưng ai trong chúng ta nói mình không phạm tội, người đó nói Chúa Giê-su là kẻ
nói láo (TKTC 1 Gioan-nết(Giăng) 1.8). Kẻ nhận mình không phạm tội đang sống
trong tội lỗi mà không biết.
-
Thứ hai, kiến thức về Đức Chúa Trời có khả năng
gia tăng nguy cơ phạm tội, nếu chúng ta không lớn lên trong ân điển của Đức
Chúa Trời. Kiến thức là một động cơ để Cờ-rít nhân tự thổi phòng mình (TKTC 1
Cô-rín-thi-ô(Cô-rinh-tô) 8.1). Trong tiếng Anh “thổi phồng” là “puff up.” Hậu
quả của sự “thổi phòng” là sự kiêu ngạo. (Vì thế TKTC dịch “puff up” thành
“kiêu ngạo.”) Khi một người đã bị thổi phồng ở vào một vị trí có một đám đông
khán thính giả lắng nghe hay nhìn mình nói, thì sự kiêu ngạo lại có điều kiện để
gia tăng. Nói chung, con người luôn luôn muốn người khác chấp nhận mình, kính
trọng mình, đề cao mình—một nhu cầu mà chúng ta gọi là thị dục huyễn ngã. Ngay
cả Gioan-nết(Giăng) và Gia-cô-bô(Gia-cơ) vẫn muốn một người ngồi bên hữu, một
người bên tả của Đức Chúa Trời (TKTC Mát-thá-dô(Ma-thi-ơ) 20.20-23). Nhu cầu
này biểu hiện càng rõ trong những con người tôn giáo, như người
Pha-ri-xá(Pha-ri-xi) mà Chúa Giê-su mô tả là những người thích người khác gọi
mình là “thầy” trong chợ để được nhiều người nghe (TKTC Mát-thá-dô(Ma-thi-ơ)
23.7). Khi nhu cầu này được thoả mãn, cá nhân đã “trương phình” lại càng “phình
trương” hơn. Calvin hội đủ điều kiện khách quan để trở thành con người “trương
phình” vì ông là người có kiến thức về Đức Chúa Trời và có một đám khán thính
giả nghe ông.
-
Đối với những Cờ-rít nhân tin rằng mình thánh
khiết hơn những các anh em khác, hay mình có mạc khải đặc biệt mà những Cờ-rít
nhân khác không có, hay được Đức Chúa Trời ban cho một ân tứ đặc biệt nào đó mà
các anh em khác không được thì sự “trương phình” càng có điều kiện khách quan để
gia tăng. Khi sự “trương phình” gặp chướng ngại, tức là người “trương phình” bị
người khác chối bỏ, thì đương sự rất dễ bị tổn thương; càng trương phình bao
nhiêu càng bị tổn thương bấy nhiêu. Vì thế, những con người tôn giáo, được người
khác xưng bằng những danh hiệu tôn trọng, rất dễ bị xúc phạm hơn những người
bình dân. Trong vụ án Servetus, cả giáo hội Công giáo lẫn giáo hội Cải Cách bị
Servetus chối bỏ về thực hành báp-têm cho trẻ sơ sinh và niềm tin vào “Ba
Ngôi.” Servetus đã làm điều cấm kỵ, là làm thương tổn lòng kiêu ngạo của họ.
Khi lòng kiêu ngạo bị xúc phạm, sự giận dữ có điều kiện chỗi dậy, dẫn đến việc
ghét người làm hành động tổn thương đó. Ghét là sát nhân trong tâm (TKTC 1
Gioan-nết(Giăng) 3.15).
-
Tuy nhiên, hai yếu tố “xác thịt” và “kiến thức”
vẫn chưa đủ để có thể giết chết Servetus. Nếu Servetus sống trong một đất nước
pháp trị, có giáo quyền và thế quyền tách biệt thì có thể ông đã không chết thảm.
Chính vì Calvin và các người bạn ông nắm được quyền sinh sát trong tay thì các
yếu tố “xác thịt” và “kiến thức” mới có đủ điều kiện để trỗi mình đem lại cái
chết cho Servetus. Nhiều Cờ-rít nhân than phiền là sống trong một đất nước mà
giáo quyền và thế quyền tách biệt như Hoa Kỳ thì phe vô thần có dịp lấn lướt Hội
thánh Chúa. Nhưng trong một xã hội mà cả giáo quyền lẫn thế quyền nằm trong tay
của một số người tôn giáo, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Một xã hội thần trị
chưa thể xẩy ra trước khi Chúa Giê-su tái lâm, vì con người dù là “người của Đức
Chúa Trời” bao nhiêu đi nữa vẫn còn sống trong cùng một xác thịt. Vì thế, thế
quyền phải được chính quyền nắm giữ để “mạng phải đền mạng, răng phải đền răng,
mắt phải đền mắt.” Chỉ có như thế, tội ác mới được kềm chế mà thôi.
Nói tóm lại, tác giả tin rằng vụ án giết
Servetus thành hình do ba yếu tố cộng hưởng: Xác thịt, kiến thức và quyền sinh
sát. Sự hiểu biết của tác giả được tóm tắc theo công thức sau đây:
-
--Xác thịt + Kiến thức + Quyền sinh sát =>
Sát nhân
Các bài học kinh nghiệm:
Chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời cầm cương trên
toàn bộ tội ác trong thế gian (Ê-sai 45.7) trong đó có vụ giết Servutus. Một Đức
Chúa Trời Thiện và Yêu Thương mà lại cho phép tội ác hoành hành trong thế gian
là một điều khó hiểu nhưng vẫn hiểu được. Tuy nhiên, tội ác của những kẻ liên đới
trong vụ án này làm cho tác giả đặt nhiều câu hỏi mà đa số tác giả không có câu
trả lời.
Cụ thể là, John Calvin đã thực sự được cứu rỗi
chưa? Các sử gia cho rằng cho đến cuối đời, Calvin vẫn không tỏ ra nuối tiếc, hối
hận hay ăn năn vì mình đã có dự phần trong cái chết tức tửi của Servetus. Như
thế, ông vẫn tiếp tục phạm tội sát nhân trong tâm, vì “ai ghét anh em mình là kẻ
giết người; anh em biết rằng chẳng có một kẻ giết người có sự sống đời đời ở
trong mình” (TKTC 1 Gioan-nết(Giăng) 3.15). Con cái Chúa vẫn phạm tội, nhưng
không sống trong tội vì sau khi phạm tội, con cái Chúa ăn năn (TKTC 1 Gioan-nết(Giăng)
3.9). Chúng ta nhớ lại vua Đa-vít phạm tội cố sát và cướp vợ, nhưng sau đó ông
ăn năn. Nếu Calvin đã thực sự được cứu rồi, liệu tội sát nhân mà không ăn năn của
ông có làm ông mất sự cứu rỗi chăng? Chúng ta biết rằng thần học T.U.L.I.P. cho
rằng mỗi khi đã được cứu, sự cứu rỗi đó chẳng bao giờ bị mất (“Once saved,
always saved”). Nhưng, về một mặt, ân điển của Đức Chúa Trời không phải là giấy
phép để Cờ-rít nhân phạm tội (Rô-ma-dô(Rô-ma) 6.15). Và mặt khác, điều Thánh
Kinh dạy sau đây làm chúng ta phải suy nghĩ: “nhưng nếu chúng ta cứ cố ý phạm tội
sau khi nhận kiến thức về lẽ thật, thì không còn có sự hy sinh về tội lỗi nữa,
nhưng một sự trông đợi khủng khiếp chắc chắn và sự mãnh liệt của lữa sẽ thiêu hủy
các địch thủ” (TKTC Íp-ri(Hê-bơ-rơ) 10.26-27). Câu Thánh Kinh này thật sự là một
lời cảnh cáo nghiêm trọng cho những Cờ-rít nhân đã thật sự được cứu rồi mà cố ý
sống đời sống ngoài ý Chúa. Tuy vậy, một mình Íp-ri 10.26-27 không đủ để trả lời
câu hỏi là Calvin có mất sự cứu rỗi không (nhưng nếu không có khả năng mất cứu
rỗi sau khi đã được cứu thì tại sao có Íp-ri 10.26-27?).
-
Nếu Calvin chưa thực sự được cứu, tức là ông vẫn
còn là một người “thiên nhiên” chưa phải là một người “thuộc linh” thì câu hỏi
kế đến mà tác giả nêu ra cho mình là: Thần học T.U.L.I.P của ông có giá trị
không? Chúng ta biết rằng “một người thiên nhiên không nhận những điều thuộc về
Linh của Đức Chúa Trời vì chúng là điều dại dột với hắn và hắn không thể hiểu
được chúng, vì chúng phải được nhận thức một cách thuộc linh” (TKTC 1
Cô-rín-thi-ô(Cô-rinh-tô) 2.14). Một người thiên nhiên không thể đụng chạm được
các chiều sâu của Đức Chúa Trời. Chỉ khi nào Linh của Ngài ngự vào lòng của những
con người thuộc linh, tức là những người có linh đã được tái sinh bằng việc nhận
Chúa Giê-su là Cứu Chúa của mình, thì họ mới bắt đầu hiểu những gì mà trước đây
họ mù mờ.
-
Kiến thức về Đức Chúa Trời là điều Cờ-rít nhân
cần phải có. Tuy nhiên chỉ có kiến thức không thôi mà thiếu phần ân điển là tâm
linh què quặt. Về điều này, Sứ đồ Pét-rô(Phi-e-rơ) dạy: “…hãy lớn lên trong ân
điển và sự hiểu biết về Chúa và Cứu Chúa của chúng ta là Giê-su Đấng Cờ-rít”
(TKTC 2 Pét-rô(Phi-e-rơ) 3.18). “Lớn lên” là một mệnh lệnh, nhưng phải lớn lên
trong cả hai lãnh vực kiến thức và ân điển. Lớn lên trong kiến thức giúp chúng
ta nhận diện tin lành giả, giáo sư giả, tiên tri giả, Christ giả; và lớn lên
trong ân điển để hiểu, cảm, và cảm tạ sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su Đấng
Cờ-rít vì tình yêu của Ngài cho nhân loại. Yêu Chúa phải yêu anh em mình, vì
Ngài sống trong người anh em. Ai nói yêu Đức Chúa Trời mà ghét anh em mình là một
kẻ nói láo (TKTC 1 Gioan-nết(Giăng) 4.20). Cờ-rít nhân ghét anh em mình đang sống
trong tội lỗi mà chính mình không hay.
Chỉ có Đức Thánh Linh mới có quyền năng bắt phục
người nghe, còn công việc của Cờ-rít nhân là nói. Con cái của Chúa phải rao tin
lành từ trên “mái nhà” (để tin lành được nghe cho rõ) (TKTC
Mát-thá-dô(Ma-thi-ơ) 10.27) nhưng đừng đi vào chợ để được người ta chào mình bằng
thầy (TKTC Mát-thá-dô(Ma-thi-ơ) 23.7). Vì thế, khi một con cái Chúa bị đặt vào
tình huống phải nói cho một đám đông khán thính giả nghe thì phải càng cảnh
giác mối đe dọa của thị dục huyễn ngã. Chối bỏ sự ngưỡng mộ của một đám đông là
một hành động cụ thể để đóng đinh xác thịt mình vào thập giá. Ngược lại, khi bị
đám đông hay một người khác chối bỏ điều mình tin, chia sẻ, và giảng dạy, chúng
ta nhìn vào Đức Chúa Giê-su, là người bị chính dân Ngài chối bỏ: “Ngài đã bị
người ta khinh dễ và bỏ rơi” (TKTC Giơ-sa-gia(Ê-sai) 53.3); “Ngài đã đến cùng của
riêng Ngài, và những kẻ đã là của riêng Ngài đã chẳng nhận Ngài” (TKTC Gioan-nết(Giăng)
1.11). Dân Ngài chối bỏ Ngài và giết Ngài, nhưng Ngài đi tới lò giết thịt không
mở miệng nói một lời (TKTC Giơ-sa-gia(Ê-sai) 53.7). Tớ không hơn được chủ; chủ
đã bị chối bỏ mà không nói một lời thì tớ cũng không thể làm gì hơn thế được.
Đứng trước một “thần học” khác với sự hiểu biết
của mình thì tác giả phải làm gì? Thánh Kinh cho biết rằng có tin lành thật và
tin lành giả, có giáo sư thật và giáo sư giả, có sứ đồ thật và có sứ đồ giả, có
tiên tri thật và tiên tri giả, có anh em thật và anh em giả, thậm chí có Đấng Cờ-rít
và kẻ Nghịch Cờ-rít. Những gì thật đem tội nhân về với Đấng Cờ-rít và ân điển của
Ngài, nhưng cái gì giả đem tội nhân, đã phân cách với Đấng Cờ-rít rồi, lại càng
phân cách hơn. Đó là điều chúng ta biết chắc. Còn lại, mọi tiên tri và hiểu biết
trên đời này chỉ là từng phần như những nét chấm phá trên một bức tranh. “Chúng
ta biết một phần nào thôi, và chúng ta tiên tri một phần nào thôi, song khi sự
trọn vẹn đến thì sự không hoàn chỉnh sẽ bị cáo chung” (TKTC 1
Cô-rín-thi-ô(Cô-rinh-tô) 3.9-10). Tất cả kiến thức, tiên tri, tiếng lạ sẽ chấm
dứt, nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời không bao giờ chấm dứt (TKTC 1
Cô-rín-thi-ô(Cô-rinh-tô) 13.8-12). Vì Đức Chúa Trời yêu nhân loại, nên Cờ-rít
nhân yêu anh em mình. Sự trưởng thành trong Chúa của một Cờ-rít nhân không phải
ở chỗ người đó biết Thánh Kinh bao nhiêu, vì kiến thức sẽ chấm dứt, nhưng là
quan hệ với các Cờ-rít nhân khác, có sự hiểu biết khác mình.
-
Nếu Đức Chúa Trời muốn, Ngài có thể khiến mọi Cờ-rít
nhân có sự hiểu biết giống nhau. Nhưng thực tế thì không có hai con cái Chúa
nào có sự hiểu biết hoàn toàn giống nhau. Điều này đặt con cái Chúa trước một thử
thách lớn. Đó là chúng ta phải trông cậy vào Đức Thánh Linh và lắng nghe Ngài để
biết ai thuộc Chúa, ai không, để một mặt phân cách với thế gian, và mặt kia, hiệp
một với anh em của mình mà khác với mình. Trong Cựu Ước có những trường hợp kẻ
phạm luật Mô-se phải bị xử tử, nhưng không có nơi nào trong Giao Ước Mới dạy
con cái Chúa đem kẻ chống đối tin lành ra đốt sống hay nhẹ hơn là chém đầu cả.
Pau-lô(Phao-lô) dạy phải “phản luận” kẻ chống đối [tin lành thật] (TKTC
Ti-tô(Tít) 1.9). Có những kẻ chống đối tinh lành như Hu-me-á-dô(Hy-mê-nê) và
A-léc-xan-trô(A-léc-xan-đơ), Pau-lô “phó” cho Xa-tan (TKTC 1
Ti-mô-the-ô(Ti-mô-thê) 1.20) nhưng các kẻ “tà đạo” này đã không bị đốt sống hay
bị chém đầu. Vậy mà, không có ai cho Servetus một cơ hội để giải thích những điều
ông tin và cũng không có ai phản luận ông cả.
-
Xác thịt kết hợp với kiến thức và quyền sinh
sát thật sự là khủng khiếp, nhưng điều làm tác giả choáng váng là Đức Chúa Trời
cho phép điều này xẩy ra, để danh Ngài bị phạm. Vấn nạn càng nghiêm trọng thì lối
giải quyết càng rốt ráo và cực đoan; bệnh càng trầm trọng thì thuốc càng đắng;
chia rẽ trong Hội Thánh càng sâu, danh Chúa càng bị phạm, thì con cái Chúa càng
phải chứng kiến nhiều cảnh máu đổ thịt mềm. Dữ kiện lịch sử này có làm ai vấp
ngã mà ghét Đức Chúa Trời chăng? Chắc cũng có, nhưng tác giả tin rằng, trước
sáng thế, tên những người này đã nằm trong số những người sẽ vào hồ lữa đời đời.
Riêng về phần mình, tác giả cảm tạ ân điển của Đức Chúa Trời đã cho mình biết
được những điều này, khi đã có một chút trưởng thành trong Chúa, để xem vụ án
này như là một bài học quí báu cho chính mình, tránh đi những vết chân của những
người đi trước. Diệt thị dục huyễn ngã là cái đích mà tác giả nhắm vào hằng
ngày để càng ngày sống đẹp lòng Chúa hơn trong khi chờ đợi ngày chết của thân
thể hư nát vì tội lỗi này để được khoác vào một thân thể phục sinh không hề hư
nát.
Lê Anh Huy
-
Tài liệu tham khảo:
Trần Đình Tâm, “Sự tiền định của Đức Chúa Trời
và ý chí tự do của con người”, http://prayers4vn.net/node/161
Lê Anh Huy, “Manslay và murder khác nhau như thế
nào?”