Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

NGAI VÀNG VÀ ĐIỆN THÁNH

Cả bộ kinh thánh 66 sách là lời thần cảm và hà hơi của Đức Chúa Trời, Sáng thế kí là mảnh đất gieo hầu hết các hạt giống lẽ thật và Khải huyền là mảnh đất thu hoạch, cô đọng mọi loại hạt giống lẽ thật ấy sau quá trình phát triển trải qua 64 sách với thời gian khoảng 1500 năm là khoảnh cách giữa thời điểm viết sách Sáng thế kí và niên hiệu sách Khải huyền. Nhưng Đức Thánh Linh phải dùng khoảng 4000 năm thời Cựu ước trong tiến trình soi sáng, khải thị, cảm thúc các lẽ thật ấy cho dân thánh, tiên tri thánh, sứ đồ thánh để họ hiểu thấu một phần nào về các sự thật ấy của Ngài.

 Chủ đề bài viết của tôi là: “Ngai Vàng Và Điện Thánh”.

Nói theo một diện, mọi khải thị trong Kinh thánh tập trung quanh hai cái trục là: Ngai Vàng và Điện Thánh.

Mọi cách dụng ngữ, mọi hình ảnh, tiêu biểu, hình bóng trong Sáng thế kí đều được đem vào và chìm rất sâu trong sách Khải huyền. Thí dụ về Ngai Vàng của Chúa, Môi se đã phô diễn ra trong sách Gióp chương 1,2, là sách được viết ra văn tự trước sách Sáng thế kí. Còn Hê-bơ-rơ 11 cho chúng ta biết một sự kiện ẩn giấu trong sách Sáng thế kí là: “vì người đang tìm thành-phố ấy có các nền, có Đức Chúa TRỜI là Kiến-trúc-sư và Đấng xây-cất--Nhưng, sự thật là, họ mong muốn một quê-hương tốt hơn, đó là, một quê-hương thuộc trời” (Hê. 11:10,16). Sách Gióp, sách anh em với Sáng thế kí, đề ra một tiền đề mặc định là ngai vàng của Đức Chúa Trời, và sách Hê-bơ-rơ phơi bày sự tìm kiếm của Áp-ra-ham, là tìm kiếm một quê hương tốt hơn—một thành phố vĩnh cửu, đó là Điện Thánh của Đức Chúa Trời.

Với cặp mắt chim ưng, khi đọc hai sách 1 Sử Kí và 2 Sử kí, chúng ta sẽ thấy hai sách nầy có chủ đích phô bày Hòm giao ước, tượng trưng ngai vàng của Chúa, và đền thánh tại Jerusalem, một tiêu biểu của thành thánh, của điện thánh đời đời.

&-- Sự thật hằng hữu thứ nhất là Ngai Vàng:

 Sách Khải huyền có 22 chương được bao phủ bởi nếp sống 7 hội thánh, 7 ấn, 7 kèn, 7 bát, các hoạt động của con rồng, con thú, tiên tri giả… làm che khuất cái nhân của sách cuối cùng của Kinh thánh là Cái ngai và Điện thánh đối với đa số thánh đồ ngày nay.

Ngay khi xuất hành ra khỏi Ai-cập, Chúa tìm cách thành lập một vương quốc thầy tế lễ, Ngài khải thị về ngai vàng của Ngài cho các nhà lãnh đạo của Israel vào thời đó để họ nhìn thấy: “Môsê lên với Aharôn, Nađab bà Abihu cùng bảy mươi kỳ mục Israel. Họ đã nhìn thấy Thiên Chúa của Israel. Dưới chân Người, như thể có một kiệt tác lát lam ngọc và trong suốt như bầu trời” (Xuất Hành 24:9-10). Ngài ngụ ý rằng chính Ngài là Quốc Vương của vương quốc thầy tế lễ của họ.

Vào những ngày tàn của vương quốc Giu-đa (nhà David), thế kỉ thứ 6 T.C., tiên tri Giê-rê mi đã nhiều lần khóc lóc trong tuyệt vọng, tưởng rằng quốc gia Israel sẽ bị vong quốc vĩnh viễn, Chúa đã khải thị ngai vàng của Ngài cho nhà tiên tri thấy, ngụ ý ngai vàng của Ngài vẫn còn vững lập đời đời—nên Israel sẽ còn có cơ hội phục hồi—“Ngai vinh quang ở trên cao, Đền thánh của chúng tôi có từ ban đầu” (Giê 17:12). Trước đó, khi thấy vương quốc nhà David đang dẫy chết, ông từng cầu nguyện xin Chúa đừng để cho ngai Ngài bị sỉ nhục, “Vì danh Ngài, xin đừng coi thường  Xin đừng khinh rẻ ngai vinh quang của Ngài. Xin Ngài nhớ lại, xin đừng hủy bỏ giao ước Ngài đã lập với chúng con” (Giê 14: 21).

 Thật vậy, nhìn tổng quát, dường như ngai vàng cai trị của Chúa trên dân Israel không còn được nhìn thấy nữa trên quốc gia Israel suốt 2600 năm vừa qua. Mãi đến sau ngày Chúa Giê-su tái lâm, lời nầy mới trở nên hiện thực trong vương quốc của Ngài, và Ngài là Con của vua David: “Kìa, một vị vua sẽ lấy sự công chính trị vì, và các hoàng tử thì cai trị bằng sự công bình” (Ê-sai 32:1).

 Bước vào sách Khải huyền, chúng ta  nhìn thấy sự mặc khải về ngai vàng của Chúa rõ nét nhất:

1/ Ngai vàng vương quốc ngàn năm:

Khải 3:21:“Ai thắng,Ta sẽ cho ngự với Ta trên ngai của Ta; cũng như Ta đã thắng, và Ta đã ngự với Cha Ta trên ngai của Người”.

Sứ đồ Giăng được mặc khải về ngai vàng Chúa cai trị trong nước ngàn năm. Những tín đồ trưởng thành và đắc thắng sớm sẽ được dự phần ngai vàng cai trị nầy trong vương quốc 1000 năm sắp đến.

2/ Ngai vàng quản trị thế giới:

Khải 4:2-3,“Tức thì tôi đã ngất trí: và này: một ngai đã đặt trên trời, và trên ngai có Ðấng ngự. Và Ðấng ngự vẻ trông giống như ngọc thạch và xích não, và hào quang tỏa quanh ngai trông giống như bích ngọc”.

Cảnh tượng Đức Chúa Trời cai trị trên ngai của Ngài đã được khải thị ra trong Khải huyền chương 4:đến chương 18:. Đây là ngai cai quản của Chúa hướng về thế giới suốt gần 2000 năm trong thời Tân ước  vừa qua. Mọi sự việc lớn nhỏ liên quan từng cá nhân, từng quốc gia và liên quan vận mệnh của thế giới đều được ngai nầy điều động cho đến ngày vương quốc 1000 năm mở ra.

3/ Ngai vàng lớn và trắng:

Khải 20: 11-12, “Và tôi đã thấy một ngai lớn trắng ngời và Ðấng ngự trên ấy. Ðất và trời trốn trước nhan Người; và chỗ của chúng không tìm đâu ra nữa.  Và tôi đã thấy các vong linh, lớn và bé đứng trước ngai”.

Ngai lớn và trắng xuất hiện sau 1000 năm bình an, khi Vị Thẩm Phán là Chúa Giê-su, Ngài sẽ xét xử toàn thể loài người vô tín từ thời ông A-đam cho đến ngày chấm dứt cơn đại nạn, 3,5 năm sau.

4/ Ngai vàng đời đời:

Khải 22:1,4,“Và (Thiên thần) lại trỏ tôi doành nước sự sống, sáng ngời như thủy tinh, xuất tự ngai Thiên Chúa, và Chiên Con-Và ngai của Thiên Chúa và của Chiên Con sẽ đặt trong thành”.

Đây là ngai đời đời của Đức Chúa Trời và Chiên Con. Cha ở trong Con cai trị các thời đại tương lai đời đời.

Về Ngai vàng của Chúa, dân thánh trong Cựu ước và Tân ước hiện nay không thấy rõ, không phân biệt từng loại ngai vàng, nhất là đời sống của họ không được ngai nầy cai trị ngay ngày hôm nay, thì họ sẽ không được tham dự quyền đồng trị với Chúa trong nước ngàn năm.

&-- Sự thật hằng hữu thứ hai là Điện Thánh.

Đa số con dân Chúa lẫn lộn thành thánh Jerusalem mới với vương quốc (cũng có nhiều loại) và nhất là với thiên đàng. Có những người tưởng trời mới đất mới là thiên đàng.

Thiên đàng là lãnh vực thuộc linh, siêu hình, nhưng hiện thực. Trời mới là không gian bao la vô tận của các thiên hà. Vương quốc của Đức Chúa Trời là những lãnh vực cai trị khác nhau của Chúa. Có nhiều loại vương quốc khác nhau, và Vương quốc đời đời là quyền cai trị của Chúa kéo dài từ cõi đời đời quá khứ đến cõi đời đời tương lai, bao trùm  một số loại vương quốc khác.

 Còn thành thánh Jerusalem mới là gì? Đó là tổng thể muôn dân được cứu chuộc từ Cựu ước đến Tân ước kết hợp lại. Nói cách nôm na, đó là hội chúng của Chúa trong cõi đời đời tương lai.

Hê-bơ-rơ 12:22-23 mô tả nếp sống hiện tại của thiên thành là nếp sống hội chúng dân Chúa nói chung trên mặt đât. Về một diện, chúng ta đã trở nên thiên thành, chúng ta đang sống trong thành thánh rồi. Phao lô nói, “Trái lại anh em đã tiến lại gần: núi Sion; thành của Thiên Chúa hằng sống; Yêrusalem thuộc trời; vạn vạn Thiên thần trong ngày đại hội;  cộng đoàn những trưởng tử đã đăng sổ bộ trên trời; Thiên Chúa Ðấng phán xét mọi người; thần khí những người công chính đã được thành toàn;  Ðấng trung gian Giao ước mới, Ðức Yêsu; máu rảy lên tiếng át cả Abel”. Tính từ “thuộc trời” ngụ ý chúng ta mang tính chất thuộc trời, mang tình trạng thiên đàng, chứ chưa vào thiên đàng về mặt vị trí, cụ thể.

Khải huyền 11:19 như là lời kết thúc sách Khải huyền. Khi, sứ đồ Giăng nhìn thấy; “Và đền-thờ của Đức Chúa TRỜI ở trong trời được mở ra; và rương giao-ước của Ngài đã xuất-hiện trong đền-thờ của Ngài, và có những tia chớp và những tiếng động và những tràng sấm rền và một trận động đất và một trận mưa đá lớn”..

 Trong nguyên ngữ Hi lạp, chữ “đền thờ” ở đây là naos. Naos có nghĩa đen là nơi chí thánh. Nơi chí thánh là khối lập phương có ba chiều bằng nhau. Nên nơi chí thánh trong đền tạm, trong đền thờ Cựu ước, là tiêu biểu, là mô hình thu nhỏ của Điện thánh đời đời, còn thành thánh Jerusalem mới trong Khải huyền 21, cũng có ba chiều bằng nhau. Mỗi chiều với con số tượng trưng là 12 ngàn Ếch-ta-đơ ( 178 mét), vị chi là 2136 km. Theo ngôn ngữ biểu hiệu, thành thánh là khối quần chúng thánh đồ được miêu tả như một thành phố khối vuông bằng vàng, trân châu, đá quý (ngọc). Đó là nơi, theo một diện, chúng ta là gì trong lai thế, và cũng là nơi chúng ta sẽ đến cư trú đời đời.

 Tôi nói lại, nếu sách Khải huyền chấm dứt ở 11:19, độc giả sẽ khó hiểu, cho nên Chúa khải thị thêm cách chi tiết một số điểm quan trọng : -từ chương 12 về con rồng, chương 13 về con thú, 14 về mùa gặt, 17-18 về Babylon, 19-20 về nước ngàn năm, và cuối cùng dùng hai chương 21 và 22 để chi tiết hóa lại  câu 11:19:

 Nói cách tổng quát, đối với  Đức Chúa Trời là Cha, điện thánh hay thành thánh là một gia đình hoàng gia, khổng lồ, mỗi tín đồ đều là con cái, và Chúa Giê-su là con trưởng; đối với Đấng Christ, Đức Chúa Trời Con, điện thánh là Người Vợ của Chiên Con; đối với Đức Thánh Linh, thành thánh là một điện thờ, do mỗi người tín đồ là một viêc ngọc quý cấu thành. Cha cần đại gia đình, Con cần Người Phối ngẫu, Đức Thánh Linh cần điện thờ. Đó là ba phương diện của Hội chúng được cứu chuộc được minh họa trong cõi đời đời tương lai.

Tóm lại, theo một diện, mọi khải thị, khải tượng của Kinh Thánh tập trung xung quanh hai cái trục trung tâm là Ngai Vàng và Điện Thánh.  Đức Chúa Trời tam nhất ngự trên ngai vàng và trị vì đời đời, và Điện thánh bằng vàng, khối lập phương, là nơi ở vĩnh hằng của Đức Chúa Trời Ba Một nầy đến các thời đại tương lai vô tận.

Khải Đạo- 4-11-2020