Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Nguồn gốc của sự sợ hãi là sự bất tín,


Bài học lịch sử
Sau trận dịch cuối cùng của mười tai họa, các con đầu lòng của đất Ai-cập từ loài người đến thú vật đều bị đánh chết, ý chí chống cự Đức Chúa Trời của Pha-ra-ôn (vua Ai-cập) sụp đổ nên ông bằng lòng cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi, theo sự đòi hỏi của Môi-se. Bấy giờ, con dân của Chúa đã kiều ngụ tại đất Ai-cập được 430 năm; trong đó, hết 400 năm bị vua Ai-cập bắt làm nô lệ, đúc gạch để xây thành, đắp lũy rất là cực khổ. Sự than oán của dân Y-sơ-ra-ên làm động lòng Đức Chúa Trời, nên Ngài kêu gọi Môi-se đứng ra lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên vượt thoát Ai-cập. Khi đó, Môi-se đang trốn tránh vua Ai-cập vì lý lịch Do Thái của ông bị bại lộ. Lúc kêu gọi Môi-se, Đức Chúa Trời có truyền là Ngài đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên vùng đất Ca-na-an, là vùng đất đượm sữa và mật [1]. Từ Ai-cập đến Ca-na-an có hai lộ trình:
1- Đi qua eo biển Phi-lít-tin nằm giữa Địa Trung Hải và Hồng Hải, và:
2-Vượt qua Hồng Hải, băng ngang bán đảo Si-nai và từ đó đi lên hướng Bắc về vùng Ca-n
a-an (xem hình 1).


C:\Documents and Settings\huyle\My Documents\My Pictures\Pics\Exodus.jpg
Hình 1.- Lộ trình dân Y-sơ-ra-ên rời Ai-cập vào đồng vắng. Đường đứt quảng là đường dân Y-sơ-ra-ên đã đi qua.
Lộ trình thứ nhất đi trên đất khô, ngắn và an toàn; trong khi lộ trình thứ hai thì phải xuyên qua Hồng Hải, đường dài hơn với nhiều khó khăn và nguy hiểm. Truớc khi xuất hành để tiến về vùng đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên có trang bị vũ khí trong tư thế sẵn sàng chiến trận. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời biết trong lòng họ còn sợ hãi vì chưa quen chiến trận nên thay vì dẫn họ đi theo lộ trình thứ nhất gần và dễ dàng, Ngài dẫn họ đi qua con đường dài và gian nan [2]. Trên con đường đi về Ca-na-an, Đức Chúa Trời đã thật sự đi trước để dẫn đường cho họ, ban ngày trong dạng một trụ mây, ban đêm trong dạng một trụ lửa.
Lúc vượt qua Hồng Hải, dân Y-sơ-ra-ên được chứng kiến tận mắt quyền năng của Đức Chúa Trời khi Ngài rẽ nước Hồng Hải ra để cho dân Ngài đi qua như đi trên đất cạn. Khi dân sự đã đặt chân trên bờ bên kia rồi thì hai bức thành nước đóng lại vào nhau nhận chìm toàn bộ quân lực Ai-cập đang đuổi theo vào đáy biển. Sau đó, dân sự Chúa cũng chứng kiến quyền năng của Chúa thể hiện trong việc nước đắng hóa ngọt, Môi-se đánh vào đá để có nước uống, bánh Ma-na trên trời rơi xuống và chim cút bao phủ trại quân để làm thực phẩm nuôi sống dân sự, v.v... Dù kinh nghiệm nhiều phép lạ của Đức Chúa Trời như vậy, dân Chúa vẫn bất tín: mỗi lần gặp khó khăn thì than vãn đòi trở lại Ai-cập là chốn nô lệ cũ của mình.

C:\Documents and Settings\huyle\My Documents\My Pictures\Pics\SpiesInCanaan2.jpg
Hình 2.- Lộ trình (đường đứt quảng màu đỏ) của các điệp viên thám thính đất Ca-na-an trong vòng 40 ngày.
Khi dân Chúa vào đến đồng vắng Pha-ran, phía nam đất Ca-na-an, Môi-se sai mười hai điệp viên đi thám thính vùng này trước khi tiến quân vào để chiếm lấy. Các điệp viên đi lên hướng Bắc, từ đồng vắng đi dọc theo bờ phía Tây sông Giô-đanh, lên đến Rê-hốp (Xin xem hình 2). Sau 40 ngày đi thám thính họ trở về báo cáo tình hình quân địch. Mười hai điệp viên cùng nhìn thấy một điều, nhưng nhận định của họ rất là khác nhau: Mười người thì cho rằng dân địa phương cao lớn mạnh bạo, thành cao hào sâu, nên họ đề nghị không nên đánh. Chỉ có hai người là Giô-suê và Ca-lép đề nghị toàn quân tiến vào chiếm lãnh vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho. Vì bất tín nên dân Y-sơ-ra-ên sợ hãi, oán trách Đức Chúa Trời đã dẫn họ vào chỗ chết, khiến vợ con họ làm mồi cho dân Ca-na-an. Họ nổi loạn cùng Đức Chúa Trời và đầy tớ Ngài là Môi-se, hăm dọa xử tử Giô-suê và Ca-lép, đòi trở lại Ai-cập làm nô lệ [3]. Cuộc nổi loạn bị Đức Chúa Trời trừng phạt; muời điệp viên chủ bại bị dịch chết.  Sự trừng phạt của Đức Chúa Trời dành cho thế hệ bất tín của Y-sơ-ra-ên là họ phải lang thang trong sa mạc 40 năm, một năm tương ứng với một ngày mà 12 điệp viên thám thính đất Ca-na-an, cho đến khi tất cả mọi người từ 20 tuổi sắp lên, trừ Giô-suê và Ca-lép, chết hết trong sa mạc, chỉ thế hệ con cháu của họ mới được vào đất hứa mà thôi [4].
Sau khi Môi-se qua đời, Giô-suê tiếp nhận quyền lãnh đạo, điều động dân Y-sơ-ra-ên tiến hành công cuộc chinh phạt đất Ca-na-an. Trước khi tiến vào đất hứa, dân sự Chúa phải vượt qua sông Giô-đanh. Họ bắt đầu từ phía Đông sông Giô-đanh, vuợt qua bờ phía Tây. Chắc hẳn, lần vượt sông này nhắc nhở dân đến lần vượt Hồng Hải của 40 năm trước. Nếu lần vượt Hồng Hải tiêu biểu cho sự vuợt qua sự chết để vào trong ân điển [5], thì lần vượt sông Giô-đanh tiêu biểu cho hành động của đức tin tiến vào lãnh nhận cơ nghiệp Chúa đã hứa ban. Trong khi con dân Chúa vượt qua sự chết, quyền năng của Ngài tỏ lộ trong sự giải cứu họ và tiêu diệt kẻ thù, đồng thời Ngài muốn họ kết thúc, chôn vùi cuộc đời nô lệ xưa cũ và vững tin nơi Ngài để sẵn sàng bước vào cuộc đời mới tràn đầy sữa, mật của bình an và ân điển. Tiếc thay, cả một thế hệ hàng triệu người đã vùi thây nơi hoang mạc không vào được đất hứa vì lòng bất tín! Bốn mươi năm sau đó, một thế hệ mới được trui rèn trong chiến trận, sẵn sàng tiếp nhận phần cơ nghiệp Chúa đã hứa ban cho họ. Khác với lần vượt qua biển Đỏ, lần này khi vượt qua sông Giô-đanh, dân sự Chúa phải đi thẳng xuống nước trước, khi chân họ chạm mặt nước thì nước sông mới rẽ ra. Đây nói lên sự tăng trưởng đức tin của dân sự Chúa sau những huấn luyện gian khổ bởi Đức Chúa Trời trong đồng vắng. Với đức tin này, con dân Chúa lập trại xây lưng ra sông Giô-đanh, trước mặt đối diện với thành Giê-ri-cô kiên cố. Chiến thuật dàn quân này thật phản binh pháp thông thường, nhưng Đức Chúa Trời muốn đặt dân sự Ngài trước sự bất thường này để từ đó sự chiến thắng mới càng vinh hiển. Thật vậy, dân Y-sơ-ra-ên một lần nữa chứng kiến lời hứa của Chúa thành hiện thực: Ngài đi trước chiến trận cho dân Ngài; họ đi sau để tuyên bố và đón nhận sự chiến thắng vinh hiển đó.
Ứng dụng hôm nay
Chiến trận thuộc linh của con dân Chúa người Việt Nam ngày hôm nay cũng tương tự như hành trình của dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa. Chúng ta cũng có lời truyền của Đức Chúa Trời là Ngài đã ban cho chúng ta cả một thế giới để gieo trồng hạt giống Tin Lành. Sự kiện Chúa cho phép Hội Thánh Việt Nam thành hình trong sự chết của nền văn hoá Việt Nam không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là Chúa muốn Hội Thánh là nơi đào luyện chiến sĩ thuộc linh cho chiến trường Việt Nam. Dù là chiến sĩ tham chiến nhưng chúng ta không phải trực tiếp chiến trận với Sa-tan và vương quốc tối tăm của nó bằng sức riêng của mình như một số Cơ Đốc nhân lầm tưởng, (các anh chị em này suy nghĩ rằng chỉ có Chúa mới chiến trận với Sa-tan, còn chúng ta chỉ có thể đuổi được quỉ), nhưng là chiến trận với Sa-tan trong danh Chúa Giê-su [6]. Cũng như trong sa mạc, Đức Chúa Trời đã đi trước chiến trận cho dân sự Ngài, Chúa cũng đã đi trước Cơ Đốc Nhân Việt Nam để chiến trận cho chúng ta.
Trên thập tự giá, trước khi Đức Chúa Giê-su trút linh hồn, Ngài kêu lớn: "Mọi việc đã được trọn!" Lời phán của Chúa Giê-su xác định kết quả của cuộc chiến thuộc linh này: Đó là, cửa địa ngục sẽ không thắng được Hội Thánh. Lời phán của Chúa cho chúng ta uy quyền đối diện với Sa-tan để tuyên bố sự thắng trận tối hậu của Ngài. Đối diện với Sa-tan tức là chiến trận với nó. Tuy nhiên vẫn còn nhiều Cơ Đốc nhân  không nhận ra mình là lính chiến của Đức Chúa Giê-su, mặc dù chúng ta hay nghe nhiều bài giảng rằng phải mang lấy mọi thứ khí giới của Đức Chúa Trời [7]. Những anh chị em này suy nghĩ rằng Cơ Đốc nhân phải "hiền như bồ câu hay chiên" là hai con vật không bao giờ biết tranh chiến. (Có một Cơ Đốc nhân khi thấy một tổ chức Cơ Đốc nọ in sách làm chứng/biện giáo cho người Phật giáo Việt Nam thì bảo rằng đừng "đụng đến Phật giáo vì họ mạnh lắm!") Nhưng hình ảnh của bồ câu hay chiên được dùng để nói lên bản chất thiện và thánh của Cơ Đốc nhân chứ không ngụ ý là Cơ Đốc nhân phải khiếp nhược trước kẻ thù. Như vậy, các Cơ Đốc nhân này cũng như dân Y-sơ-ra-ên hồi xưa, rời Ai-cập với khí giới trong tay, nhưng trong lòng thì vẫn còn sợ hãi.
Chúng ta là chiên của Chúa và cũng là lính chiến thuộc linh cho Chúa. Chúng ta không thể che đậy lòng run sợ, khiếp nhược bằng một bề ngoài nhu mì với những lời lẽ nghe rất "trung hiếu" rằng Cơ Đốc nhân không nên đụng tới văn hóa truyền thống của quê hương như sự thờ cúng ông bà cha mẹ, sự thờ cúng các bậc anh hùng, liệt nữ có công dựng nước và giữ nước, truyền thuyết con rồng cháu tiên, v.v... Chúng ta biết rằng văn hóa của một dân tộc là nếp suy nghĩ của dân tộc đó. Dân tộc Việt Nam đã sống trong nô lệ tâm linh quá lâu nên nền văn hóa của chúng ta là nền văn hóa chưa được Chúa giải phóng và do đó là văn hoá của sự chết. Vì vậy, tông đồ Phao-lô có dạy rằng chúng ta không nên theo thói đời này mà phải biến hóa bằng sự đổi mới của tâm trí qua việc dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh cho Đức Chúa Trời [8]. Khi tâm trí chúng ta được đổi mới theo Chúa - chứ không còn theo đời, thì chúng ta suy nghĩ như Chúa Cứu Thế suy nghĩ.  Khi đó, chúng ta mới có thể nhận thức nền văn hóa của sự chết và mới có lòng khao khát cùng năng lực để thay đổi nền văn hóa của dân tộc chúng ta. Khi đó, bản thân chúng ta cũng như gia đình, cha mẹ, bà con, Hội Thánh, đất nước mới được giải phóng khỏi sự trói buộc bởi ảnh hưởng của Sa-tan, và các đồn lũy còn sót lại của nó mới bị phá hủy.
Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại không chỉ có nghĩa là sự cứu khỏi hỏa ngục, nhưng còn là sự cứu khỏi ảnh hưởng của hỏa ngục. Sự cứu rỗi đó không chỉ là sự sống đời đời trong đời sau mà còn là sự sống sung mãn trong tâm linh ngay khi chúng ta còn ở trong đời này. Hình ảnh dân sự Chúa vượt biển Đỏ là biểu tượng cho sự được giải phóng về thân thể (tương đương với sự vượt qua sự chết đời đời của Cơ Đốc nhân), nhưng trong tâm trí (linh hồn) họ vẫn còn nô lệ cho Pha-ra-ôn, vì mỗi lần gặp khó khăn họ đòi trở lại Ai-cập. Do đó một Cơ Đốc nhân - là người đã được cứu rỗi khỏi sự chết đời đời - vẫn có thể đang bị trói buộc bởi ảnh hưởng của xiềng xích tăm tối cũ. Chúa muốn chúng ta được giải phóng hoàn toàn, từ thân thể cho đến tâm trí, và tâm linh. Chúng ta đã vượt qua Hồng Hải nhưng chúng ta cần vượt qua Giô-đanh để tiếp nhận "cơ nghiệp" phước hạnh Chúa đã sắm sẵn và ban cho chúng ta. Bàn chân của chúng ta phải bước thẳng xuống mặt nước sông đang ngập tràn bờ. Sông Giô-đanh là tuyến đầu dân Y-sơ-ra-ên phải vượt qua bằng đức tin trước khi đánh tan các đồn lũy của  kẻ địch và chiếm lấy đất hứa. Mỗi Cơ-đốc nhân đều có một sông Giô-đanh cần phải vượt qua. Mỗi Cơ Đốc nhân còn biết bao nhiêu cơ nghiệp phải chiếm lấy (là những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta làm - Ê-phê-sô 2:10). Thế nhưng chúng ta có thể run sợ trước những trở ngại vì thấy rằng lực lượng đối nghịch to lớn hơn chúng ta! Thật vậy, quyền lực của Sa-tan to lớn hơn chúng ta nhưng cảm tạ Chúa vì Đấng ngự trong chúng ta và đi trước chúng ta to lớn hơn Sa-tan bội phần!
Kết luận
Sự sợ hãi thế lực tối tăm có nguồn gốc từ sự thiếu đức tin như Thánh Kinh cho biết. Khi sợ, chúng ta không làm được việc lớn. Khi sợ, Chúa sẽ dẫn chúng ta đi vào ngõ chết để huấn luyện chúng ta. Sự huấn luyện này có khi rất đau đớn. Nếu sau cuộc huấn luyện, chúng ta còn bất tín, thì giòng giỏi chúng ta sẽ chết trong sa-mạc như giòng giỏi của dân Y-sơ-ra-ên thời Môi-se vậy. Lời hứa của Chúa không bao giờ thay đổi nhưng chúng ta có dùng ý lực tự do của mình để tiếp nhận Tin Lành đó làm cơ nghiệp của chúng ta hay không? Câu trả lời thuộc về mỗi cá nhân trước mặt Đức Chúa Trời.
Trên 80 triệu đồng bào của chúng ta là cơ nghiệp Chúa ban cho Hội Thánh Việt Nam. Để có thể đem sự cứu rỗi đến cho đồng bào, chúng ta cần phải vượt qua sông Giô-đanh trong tư cách tập thể của Hội Thánh. Hình ảnh vượt sông Giô-đanh của dân Y-sơ-ra-ên là biểu tượng của "sự hiệp một trong đức tin tiến chiếm cơ nghiệp Chúa ban". Khi Hội Thánh hiệp một trong đức tin tiến vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam, thành lũy kiên cố Giê-ri-cô của "văn hóa sự chết" sẽ sụp đổ. Vấn đề là, trong lịch sử, cả một thế hệ Y-sơ-ra-ên đã gục ngã trong đồng vắng vì bất tín, liệu Y-sơ-ra-ên Việt Nam có cần phải trải qua kinh nghiệm đau thương này hay không?
(Tháng 04, 2005)
Các câu Thánh Kinh trích dẫn:
[1] Xuất 3:8. Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật, tức là nơi dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít và dân Giê-bu-sít ở.
[2] Xuất 13:17. Vả, khi Pha-ra-ôn tha dân Y-sơ-ra-ên đi, Ðức Chúa Trời không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-lít-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: E khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng. 18. Cho nên Ðức Chúa Trời dẫn chúng đi vòng theo đường trong đồng vắng, về hướng Biển-dỏ. Dân Y-sơ-ra-ên cầm khí giới ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
[3] Dân Số 13:27. Vậy, các người ấy thuật cho Môi-se rằng: Chúng tôi đi đến xứ mà người đã sai chúng tôi đi; ấy quả thật một xứ đượm sữa và mật, nầy hoa quả xứ đó đây. 28. Mà, dân sự ở trong xứ nầy vốn mạnh dạn, thành trì thật vững vàng và rất lớn; chúng tôi cũng có thấy con cái của A-nác ở đó. 29. Dân A-ma-léc ở miền Nam, dân Hê-tít, dân Giê-bu-sít và dân A-mô-rít ở trong núi; dân Ca-na-an ở gần biển và dọc dài theo mé Giô-đanh. 30. Ca-lép bèn làm cho dân sự, đương lằm bằm cùng Môi-se nín lặng đi, mà nói rằng: Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được. 31. Nhưng những người đi cùng Ca-lép nói rằng: Chúng ta không đi lên cự dân nầy được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta. 32. Trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, các người đó phao phản xứ mình đã do thám mà rằng: Xứ mà chúng tôi đã đi khắp đặng do thám, là một xứ nuốt dân sự mình; hết thảy những người chúng tôi đã thấy tại đó, đều là kẻ hình vóc cao lớn. 33. Chúng tôi có thấy kẻ cao lớn, tức là con cháu của A-nác, thuộc về giống giềnh giàng; chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy.
Dân Số 14: 2. Hết thảy dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm cùng Môi-se và A-rôn; cả hội chúng nói cùng hai người rằng: Chớ chi chúng tôi đã chết trong xứ Ê-díp-tô, hay là đã chết trong đồng vắng nầy! 3. Vì cớ nào Ðức Giê-hô-va dẫn chúng tôi vào xứ nầy đặng bị gươm mà ngã? Vợ và con nhỏ chúng tôi sẽ bị làm một miếng mồi. Về phần chúng tôi, há chẳng khá trở về xứ Ê-díp-tô hơn sao?
[4] Dân Số 14:34. các ngươi đi do thám xứ bao nhiêu ngày, nghĩa là bốn mươi ngày, thì các ngươi cũng sẽ mang hình phạt vì tội gian ác mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, một năm đền cho một ngày; bấy giờ các ngươi sẽ biết Ta đã xây khỏi các ngươi. 35. Ta, Đức Giê-hô-va đã phán: Ta sẽ làm điều này cho cả hội chúng hung dữ này đã hiệp lại nghịch cùng Ta. Chúng nó sẽ bị hao mòn và chết tại trong đồng vắng này.
[5] 1 Cô-rinh-tô 10:1. Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, 2. chịu Môi-se làm phép báp-tem trong đám mây và dưới biển.
[6] Gia-cơ 4:7. Vậy, hãy phục Đức Chúa Trời, hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.
[7] Ê-phê-sô 6:11. Hãy mang lấy mọi khí giới của Ðức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. 12. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.
[8] Rô-ma 12:1. Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Ðức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2. Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bước sự đổi mới của tâm thần mình, để 
thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào.

Lê Anh Huy và Huỳnh Christian Timothy