Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

PHAN KHÔI - NGƯỜI GÓP PHẦN DỊCH KINH THÁNH RA VIỆT NGỮ




Đạo Tin Lành đã có mặt trên đất nước Việt Nam tròn 100 năm (1911-2011). Tôi tin rằng, trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, những tín hữu Tin Lành sẽ không thể nào không nhắc đến tên tuổi của ông.
Như nhiều người trong chúng ta đã biết, Phan Khôi là nhà thơ đã khởi xướng ra phong trào Thơ mới vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ XX, và là một dịch giả đã góp phần dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ cho tín đồ Tin Lành sử dụng.
Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã sử dụng trong vòng mấy chục năm qua, kể từ năm 1926 là lần xuất bản đầu tiên cho đến nay và chắc cũng sẽ còn dùng cho đến lâu dài về sau này nữa, đó chính là bản dịch mà Phan Khôi đã góp phần rất lớn.
Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh lúc bấy giờ mất bao nhiêu thời gian? 
 
Theo Trần Mạnh Thường cho biết: "Ông lại ra Bắc ở Hội Tin Lành. Ông chuyển dịch Kinh Thánh chữ Nho ra Quốc ngữ. Ông dịch khá tốt. Làm được một năm, ông lại vào Nam kiếm việc". Bà Phan Thị Nga (vợ của nhà văn Hoài Thanh, đặc phái viên của báo Ngày Nay do Nhất Linh đã chủ trương) cũng cho biết về Phan Khôi dịch Kinh Thánh cho Hội Thánh Tin Lành, “làm được một năm ông lại thôi". Nhà báo Vu Gia cho rằng chi tiết này không đúng, "vì với thời gian ấy, Phan Khôi không tài nào dịch xong bộ sách ấy". Và qua sưu tầm về tư liệu Phan Khôi, Vu Gia phát hiện ra rằng "Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh trong khoảng thời gian 5 năm". Trên Phụ nữ Tân văn số 74, ngày 16.10.1930, (sau khi mục sư W. C. Cadman, chủ nhiệm tờ Thánh Kinh báo lúc bấy giờ có gởi biếu Phan Khôi, khi báo ra số đầu tiên), Phan Khôi có viết bài “Giới thiệu và phê bình Thánh Kinh báo", trong đó có đoạn: “Sau hết, tôi xin có lời cám ơn ông bà mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo này cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925)".
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân viết: "Từ năm 1919, sau khi dịch bốn sách trong Tân Ước, vợ chồng W. C. Cadman được sự giúp đỡ của văn sĩ Phan Khôi (1887-1960) dịch Cựu Ước ra quốc ngữ và đến năm 1925 thì họ hoàn tất". 
 
Như vậy để có được bản Kinh Thánh tiếng Việt bao gồm cả Cựu Ước và Tân Ước cho những tín hữu Tin Lành đọc như ngày hôm nay, dịch giả Phan Khôi đã mất hơn 5 năm dài. Thật là cả một công trình đáng trân trọng.
Mục sư Lê Hoàng Phu cho biết: "Gia đình Cadman tiếp tục công tác dịch Kinh Thánh năm 1919, lần này với sự cộng tác của ông Phan Khôi, một học giả và văn sĩ lỗi lạc, đã làm việc với họ trong 10 năm. Họ hoàn tất Cựu Ước năm 1925, sau khi đã duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả Olsen, toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Hà Nội năm 1926. Vừa khi cuốn Kinh Thánh Việt Nam được in xong, ông Phan Khôi nhận chức chủ nhiệm một tờ báo quan trọng “với giá lương gấp bội hơn lương có thể trả cho ông để dịch Kinh Thánh". Chẳng bao lâu họ Phan khởi xướng "phong trào Thơ mới đã làm rung chuyển cả những truyền thống văn học từ bao thế kỷ ở trong xứ và cũng đưa ông lên địa vị lãnh đạo các đoàn thể văn học. Giá trị công việc của ông đối với bản dịch Kinh Thánh năm 1926 vẫn còn được các độc giả Việt Nam ưa thích".
 
Về giá trị của bản dịch Kinh Thánh năm 1926, nhà báo Vu Gia viết: “Nhìn chung đây là bản dịch tốt nhưng nói như vậy chẳng khác nào khen phò mã tốt áo bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi".
Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Kinh Thánh cả Tân Ước, Cựu Ước của hội đạo Tin Lành, người ta bảo ông (Phan Khôi) dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã Ca lời rất thơ". Trong tác phẩm Người Quảng Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc viết về việc Phan Khôi dịch Kinh Thánh như sau: "Giai đoạn này, ông đã làm một việc khó ai ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh Thánh cho Hội Tin Lành. Bản dịch của ông câu cú gãy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm". Nhà báo Vu Gia có viết: “Là kẻ ngoại đạo, song khi đọc xong, tôi cũng tin bản dịch tôi đang có (cuốn Kinh Thánh do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1998) là bản dịch của Phan Khôi, hoặc ít ra 80% - 90% là của Phan Khôi. Vì khi đọc, tôi dễ dàng nhận ra chất giọng đặc sệt Quảng Nam trong bản dịch." Rồi Vu Gia dành ba trang (từ trang 382-384) để trích dẫn các câu Kinh Thánh mang đậm chất giọng Quảng Nam từ sách Sáng-thế Ký cho đến sách Công-vụ Các Sứ-đồ. Xin được trích một vài câu trong rất nhiều câu mà Vu Gia đã dẫn trong sách của mình như sau (chỉ trích những trang đậm chất giọng Quảng Nam mà thôi): hột (Sáng-thế Ký 1:11), mà chi! (Sáng-thế Ký 3:1), hè! (Sáng-thế Ký 11:1), ngộ (Sáng-thế Ký 18:30), lấy chi (Lu-ca 14:34), giữ lấy y như (I Cô-rinh-tô 15:2)... Ngoài ra, ông còn dành đến gần sáu trang trong sách của mình (từ trang 385 - 390) để trích những câu Kinh Thánh trong các sách văn thơ từ Gióp cho đến Nhã-ca mà nhiều người cho là Phan Khôi dịch hay nghe như... thơ. 
 
Những đóng góp của Phan Khôi cho nền văn chương nước ta quả là không nhỏ, trong đó bản dịch Kinh Thánh (Tin Lành) của ông là một đóng góp xuất sắc.
(Sưu tầm)
(Trích Kiến Thức Ngày Nay -Ngày 20/2/2011- TG. Nguyễn Đình Bùi Thị)
HẠT MUỐI SỐ 9/2011