Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

CHUYỆN TÌNH CỦA TIÊN TRI Ô-SÊ



Ô-sê là sách tiên tri đầu tiên trong số 12 “tiểu tiên tri” của Cựu Ước, từ Ô-sê đến Ma-la-chi. Chúng được gọi là tiểu không phải vì sứ điệp của các tiên tri này không quan trọng, mà là do độ dài của chúng. Tôi tránh phân biệt theo cách gọi sách đại tiên tri và sách tiểu tiên tri bởi lẽ tôi không muốn kéo dài ý niệm sai lầm rằng mười hai quyển sách ngắn ngủi nhưng đầy quyền năng này ít quan trọng hơn và ít gần gũi hơn những sách còn lại của Kinh Thánh. Mỗi sách đều có một sứ điệp biến đổi cuộc đời một cách đầy quyền năng trong nhịp sống hối hả của chúng ta.
Ô-sê là một diễn giả trẻ trong đất nước Y-sơ-ra-ên, vương quốc phía bắc. Ông là một người cùng thời với tiên tri Ê-sai và A-mốt, và ông viết quyển sách này vào khoảng từ năm 755 đến năm 715 T.C.N. Như câu đầu cho chúng ta biết, Ô-sê sống trong các triều đại của Ô-xia, Giô-tham, A-cha, và Ê-xê-chia – các vua Giu-đa, vương quốc phía nam, và trong triều đại của Giê-rô-bô-am, con trai Giô-ách ,vua Y-sơ- ra- ên.

Giê-rô-bô-am là một trong những vị vua xấu xa nhất của Y-sơ-ra-ên và đất nước đang trải qua một giai đoạn khó khăn khi Ô-sê truyền giảng. Dân chúng quá bận rộn sinh sống và hưởng thụ những lạc thú của cuộc đời đến nỗi không hề dành chút thời gian hay tư tưởng nào cho Chúa. Tất nhiên, bản thân họ không cho rằng mình như vậy. Thay vào đó, họ chắc sẽ nói điều mà hầu hết chúng ta điều nói: “Cuộc sống của tôi bận rộn quá! Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho những buổi cầu nguyện và cho công tác phục vụ cũng như thông công với các tín hữu và học Kinh Thánh – nhưng hiện tại cuộc sống của tôi quay cuồng và bận rộn. Tâm thần thì muốn nhưng xác thịt thì chuẩn bị nghỉ cuối tuần.”
Đây là quan điểm xã hội mà tiên tri Ô-sê đối diện, vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ông bị ngã lòng như chúng ta thấy trong đoạn đầu của sách tiên tri này. Trong tâm trạng ngã lòng, ông đến với Chúa – và Chúa ban cho ông một sự chỉ dẫn rất lạ lùng. Nó giống như thế này: “Ô-sê, Ta muốn ngươi kết hôn”. Tôi nghĩ là Ô-sê, một chàng trai độc thân, chắc đã vui vẻ hơn một chút khi nghe như thế.
Sau đó Chúa phán: “Ta đã chọn một người nữ cho ngươi rồi.” Khi Ngài đề cập đến người nữ đó, Ô-sê chắc cảm thấy một sự phấn khích trào dâng bởi lẽ người nữ mà Chúa bảo ông phải kết hôn chính là Gô-me, người nữ xinh đẹp nhất trong Y-sơ-ra-ên. Ô-sê chắc hẳn đã rất thích thú.
Nhưng có một mặt trái, một vấn đề trong cuộc sống hôn nhân này. Đức Chúa Trời phán cùng Ô-sê: “con cần phải biết mọi chuyện về người nữ này. Sau khi cưới nàng, nàng sẽ phản bội con. Nhưng Ta vẫn muốn con cưới nàng”. Ô-sê hẳn đã phải rất bối rối trước mạng lệnh kỳ lạ của Chúa, cũng như Áp-ra-ham đã bối rối trước mạng lệnh của Chúa bảo đưa con trai ông ra ngoài và giết chết nó. Đôi khi Đức Chúa Trời làm những điều kỳ lạ, những điều chúng ta không hiểu được, những điều không phù hợp với những hoạch định mà bản thân chúng ta đưa ra. Hết lần này đến lần khác, chúng ta khám phá ra rằng đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta.
“Vợ của con sẽ trở thành gái đứng đường tầm thường”, Chúa tiếp tục phán, “nhưng nàng sẽ sinh cho con ba đứa con – hai trai và một gái. Khi chúng được sinh ra thì Ta muốn thay con đặt tên cho chúng”. Lúc đó Ô-sê bắt đầu hiểu được đôi chút về việc Chúa đang làm. Ông biết rằng việc dùng biểu tượng để dạy dỗ là điều quen thuộc trong Y-sơ-ra-ên - Đức Chúa Trời thường dùng phương pháp này để hướng dẫn con dân Ngài – và ông hiểu rằng đặt tên là việc rất quan trọng. Đức Chúa Trời thường dùng ý nghĩa của cái tên để dạy cho Y-sơ-ra-ên lẽ thật nào đó. Và giờ đây Chúa đang dự kiến dùng vị tiên tri này cùng gia đình của ông làm một bài học thực tế cho dân Ngài.
Vào khoảng thời gian đó, bạn của Ô-sê là Ê-sai, ở vương quốc Giu-đa phía nam, đang phải trải qua một kinh nghiệm tương tự. Ê-sai cũng có hai con trai được đặt tên rất ý nghĩa. Đứa con lớn tên là  Ma-he-Sa-la-Hát-Bát. Ma-he-Sa-la-Hát-Bát nghĩa là “sự cướp mau lên” hoặc “của cướp kíp đến”, và đó là cách tiên tri của Đức Chúa Trời để phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng họ đang gặp phải rắc rối lớn. Tên của đứa con trai nhỏ là Sê-a Gia-súp, nghĩa là «dân sót lại sẽ trở lại». Đó là lời hứa của Đức Chúa Trời cho Y-sơ-ra-ên rằng mặc dù đất nước bị đưa vào cảnh phu tù, nhưng một đoàn dân sót lại sẽ trở về. Thông qua tên của hai con trai Ê-sai, Chúa ban cho Y-sơ-ra-ên cả một lời cảnh báo về tai họa lẫn một lời hứa đầy yên ủi rằng một đoàn dân sót lại sẽ trở về. Cũng một thể ấy, tên của các con trai Ô-sê cũng sẽ có ý nghĩa.
Vâng theo những điều Chúa đã phán với mình, Ô-sê đi tỏ tình. Chắc chắn rằng, Giô-me đã bị hấp dẫn bởi chàng trai trẻ này và nhận lời lấy chàng. Ban đầu, cuộc hôn nhân của họ là thiên đường trên đất. Ô-sê yêu người nữ này. Bạn không thể đọc sách tiên tri mà không nhận thấy điều đó. Họ hẳn đã hạnh phúc mỹ mãn cùng nhau, và rồi họ có với nhau đứa con đầu lòng. Đó là một cậu con trai, như Đức Chúa Trời đã phán. Lòng của Ô-sê vỡ òa, và ông đến với Chúa để đặt tên cho đứa trẻ. Đức Chúa Trời khiến Ô-sê bị sốc khi phán với ông rằng tên đứa bé trai sẽ là Gít-rê-ên, nhĩa là “bị ruồng bỏ” – một cái tên đáng xấu hổ trong Y-sơ-ra-ên.
Nếu bạn quay lại với II Các Vua 9:30-37, bạn sẽ tìm thấy câu chuyện về hoàng hậu Giê-sa-bên độc ác, người đã bị Đức Chúa Trời đoán phạt, bị ném qua cửa sổ, chết trong một cái ruộng và bị lũ chó ăn thịt; tên của cái ruộng từ đó trở thành Gít-rê-ên, một cái tên chỉ sự sỉ nhục, và cũng là tên con trai đầu lòng của Ô-sê. Cái tên Gít-rê-ên là một lời cảnh báo cho dân chúng phải quay khỏi sự dại dột, tội lỗi, sự thờ hình tượng, và những tục lệ đáng kinh tởm, nếu không họ sẽ chịu sỉ nhục và “bị ruồng bỏ”. Họ sẽ không còn là Y-sơ-ra-ên nữa; mà họ sẽ là Gít-rê-ên.
Cuối cùng, một đứa con nữa được sinh ra cho Ô-sê và Gô-me – một con gái được Chúa đặt tên là Lô-Ru-ha-ma. Cái tên này có nghĩa là “không được yêu thương”. Hãy tưởng tượng việc đặt tên cho con gái nhỏ của bạn là “không được yêu thương” mà xem. Nó có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ không còn sự thương xót và dành tình yêu thương cho dân Ngài nữa, nếu như họ tiếp tục sự dấy nghịch bướng bỉnh của mình. Sự kiên nhẫn của Ngài đang mất dần. Sau hàng trăm năm cố gắng thu phục dân cứng cổ này, giờ đây Ngài cảnh báo họ rằng họ đang ở gần cuối sự kiên nhẫn của Ngài. Một thời kỳ sẽ đến khi Ngài không còn ban ra sự thương xót cho họ nữa mà sẽ phó họ cho quân xâm lược.
Khi bé gái này thôi bú, Gô-me lại mang thai và sinh đứa thứ ba, được Chúa đặt tên là Lô-Am-mi, hay “không phải dân ta”. Chúa đang cảnh báo: “Các ngươi không phải dân Ta và Ta không phải Đức Chúa Trời các ngươi”. Chúa đã phán rằng Ngài sẽ đặt tên những đứa trẻ này làm dấu hiệu cho Ngài, nhưng sẽ có một ngày phục hưng hầu đến:
Đoạn ta sẽ gieo nó cho ta trong đất, và sẽ làm sự thương xót cho kẻ chưa được thương xót. Ta sẽ nói cùng những kẻ chưa làm dân ta rằng: Ngươi là dân ta, và nó sẽ trả lời rằng: Ngài là Đức Chúa Trời tôi (2:23).
Ngay cả lúc Chúa tuyên bố sự đoán phạt, Ngài vẫn tạo cơ hội và vẫn chứng minh tình yêu thương cùng ân điển của Ngài.
Sau sự kiện này không còn đứa con nào được sinh ra trong gia đình Ô-sê nữa. Gô-me bắt đầu làm ứng nghiệm lời tiên báo đáng buồn mà Chúa đã phán khi Ngài bảo Ô-sê cưới nàng. Thật là một nỗi đau xé lòng xảy đến cho diễn giả trẻ tuổi này khi ông nghe được những lời bàn tán về vợ mình bắt đầu lan truyền và những hành vi của nàng khi ông đang trên những hành trình truyền giáo xa xôi. Có lẽ các con của ông đã kể về những người đàn ông đến nhà khi cha đi vắng. Những đứa con sớm bị bơ vơ trong khi Gô-me lãng phí tất cả thời gian của nàng để chạy theo những gã đàn ông khác.
Một ngày nọ, Ô-sê về nhà và tìm thấy một lá thư từ Gô-me: Nàng sẽ rời bỏ ông và các con để đến với người đàn ông mà nàng yêu thực sự. Bạn cũng biết những dòng thư này thế nào rồi: “Anh Ô sê thân yêu…”.
Vào khoảng thời gian này, sự giảng đạo của Ô-sê mang một sắc thái mới. Ông vẫn cảnh báo về sự đoán phạt hầu đến và thực tế rằng Đức Chúa Trời sẽ gửi quân A-si-ri tràn sang xứ - nhưng ông không còn loan báo điều đó với giọng nói sấm truềng nữa. Ông nói với họ bằng nước mắt. và ông bắt đầu nói về một ngày khi tình yêu rồi sẽ chiến thắng, khi dân Y-sơ-ra-ên sẽ phải học bài học cay đắng, và dân tộc sẽ quay lại với Đức Chúa Trời yêu thương của họ.
Người vợ phản bội của Ô-sê trở thành một bài học thực tế sống động, gây sửng sốt về điều sắp sửa xảy đến trong Y-sơ-ra-ên. Nó mở ra cái gì đó đại khái như thế này: Khi Gô-me chuyển từ người đàn ông này sang người khác, cuối cùng nàng rơi vào tay một gã không có khả năng chi trả cho lương thực và quần áo của nàng. Người tình đầu tiên của nàng đã cho nàng một chiếc khăn choàng da chồn, nhưng gã này bắt nàng phải mặc đồ mua từ một cửa hiệu đồ cũ – hoặc từ đống giẻ rách đằng sau cửa hiệu đồ cũ, là thứ tả tơi đến nỗi không thể nào bán được.
Tin tức về tình cảnh khốn khổ của nàng đến tai tiên tri Ô-sê và ông đã tìm gã đàn ông mà nàng đang sống cùng. Ông biết tìm gã ta ở đâu, tại quán rượu trong làng, và khi ông gặp được người này, ông hỏi: “Ông có phải là người đang ở với Gô-me, con gái của Đíp-la-im?” Gã đó hẳn đã nói rằng: “Nếu can hệ gì đến ông, thì tôi đây”.
“À, tôi là Ô-sê”, vị tiên tri nói, “chồng của nàng”. Một phút đầy căng thẳng theo sau đó. Rồi gã đàn ông đáp rằng mình không làm gì sai và không muốn có rắc rối nào. Ô-sê đáp lại: “Nghe này, tôi chẳng thích rắc rối. Nhưng tôi biết ông cầm số tiền này mua cho Gô-me vài bộ quần áo và mua cho nàng đầy đủ thức ăn. Nếu ông cần thứ gì nữa thì tôi sẽ cho ông”. Gã đàn ông chắc đã nghĩ rằng: Già mà còn dại. Nếu tên ngu này muốn giúp ta thanh toán tiền tiêu xài của cô ấy, với ta không thành vấn đề! Vậy là gã cầm tiền và mua cho Gô-me một số tạp phẩm rổi trở về nhà.
Có lẽ (cùng với gã đàn ông tại quán rượu) bạn nói rằng: “Thật là một việc làm ngu ngốc!” Nhưng ai có thể giải thích được động lực của tình yêu? Tình yêu không hành động dựa trên lý trí; tình yêu có những lý lẽ của riêng của nó mà bản thân lý trí không thể hiểu được. Vì vậy Ô-sê đã hành động trên cơ sở của tình yêu. Chắc hẳn từ xa ông đã dõi theo hòng thấy được bóng dáng người phụ nữ ông yêu khi nàng vội mở cửa ra để đón nhận những tạp phẩm từ đôi tay của gã đàn ông này và cám ơn gã ta về những thứ mà gã đã mang về cho nàng – những món quà mà tình yêu chân thực đã cưng ứng, nhưng lại được một tên hèn hạ  trao cho, và được tiếp nhận một cách nực cười.
Chúng ta không biết hoàn cảnh này kéo dài bao lâu. Nhưng cuối cùng, lời đồn đến tai Ô-sê rằng người phụ nữ ông yêu đã bị bán ở chợ nô lệ. Gã đàn ông nàng chung sống đã chán ngán nàng và quyết định đổi nàng để lấy tiền. Vị tiên tri đau lòng đến khóc than với Chúa, và Chúa phán rằng: “Ô-sê, ngươi có yêu người nữ này bất chấp mọi điều nàng đã làm cho ngươi không? Vậy thì hãy đi chứng tỏ tình yêu của ngươi dành cho nàng theo cách mà Ta yêu dân Y-sơ-ra-ên”.
Vậy là Ô-sê đi đến chợ và ông thấy Gô-me bị đem tới và đặt trên trên bến tàu. Nàng bị lột hết quần áo và bị sỉ nhục trong sự lõa lồ của mình trước đám đông ngờ nghệch. Phiên trả giá bắt đầu. Ai đó trả ba miếng bạc và Ô-sê nâng giá lên năm miếng. Ai đó nâng giá lên tám và Ô-sê trả mười. Ai đó trả mười một, ông trả mười hai. Cuối cùng, Ô-sê ra giá mười lăm miếng bạc cùng một giạ lúa mạch. Búa của người điều khiển phiên đấu giá nện xuống và Ô-sê chuộc lại được vợ mình.
Ông đến cùng nàng, mặc quần áo cho nàng, và âu yếm đưa nàng về nhà. Tiếp theo sau là một trong những câu văn dịu dàng nhất và hay nhất trong cả Kinh Thánh:
Rồi ta bảo nó rằng: Ngươi khá chờ đợi ta lâu ngày; đừng làm sự gian dâm và chớ làm vợ cho người nam nào, thì ta đối với ngươi cũng sẽ làm như vậy (3:3).
Ông đã hứa nguyện bắt đầu tình yêu lại từ đầu. và đó là tất cả những gì mà người phụ nữ khốn khổ này có được. Nàng đã rơi vào vùng bùn lấm của sự tủi nhục, hổ thẹn, và bần cùng – nhưng tình yêu kiên định, vô điều kiện của Ô-sê đã làm tan vỡ tấm lòng ương bướng của nàng và nâng nàng lên một lần nữa. Từ đó trở đi, Gô-me chung thủy với Ô-sê. Trong phần cuối của sách, Ô-sê tiếp tục nói về tác động của câu chuyện này trên đất nước Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời phán cùng dân chúng: “Làm sao Ta có thể bỏ ngươi được?” Ông nhắc nhở họ về tình yêu của Ngài dành cho họ trong suốt những năm đó, mặc dù họ đã quay lung lại với Ngài. Đó là một câu chuyện về tình yêu cứu chuộc của Chúa cho một dân đã tự bán mình vào cảnh nô lệ, bần cùng, và tủi nhục. Nó cũng chính là câu chuyện được nhắc lại trong Tân Ước khi Chúa giê-xu đến và trả giá để cứu chuộc chúng ta, hầu cho Ngài có thể mang cô dâu của Ngài, là hội thánh, ra khỏi cảnh nô lệ và khôi phục lại một địa vị cao trọng và thủy chung.
Chúng ta thấy một số lời tiên báo đáng chú ý trong sách Ô-sê. Một trong số đó xuất hiện ở cuối đoạn 3. Cũng theo dòng kể câu chuyện đời tư của Ô-sê và cô dâu phản bội, Đức Chúa Trời phán về dân Y-sơ-ra-ên:
Vì con cái Y-sơ-ra-ên sẽ trải qua nhiều ngày, không vua, không quan trưởng, không của lễ, không trụ tượng, không ê-phót, và không thê-ra-phim (O6s 3:4).
Lời tiên tri đó ngày nay đang được ứng nghiệm. Con cháu Y-sơ-ra-ên đã sống nhiều năm không có vua. Suốt từ cuộc hủy diệt Giê-ru-sa-lem vào năm 70 S.C. bởi tay hoàng đế Titus của La Mã, Y-sơ-ra-ên đã không có một vị vua hay quan trưởng nào, không ai có đủ quyền hành để cai trị Y-sơ-ra-ên.
Y-sơ-ra-ên cũng sống mà không có của lễ. Khi dân Do Thái trên thế giới kỷ niệm tiệc Lễ Vượt Qua, họ nhớ lại bữa tối đầu tiên tại Ai Cập khi Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi tay Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời đã bảo Y-sơ-ra-ên rằng mỗi khi dự Lễ Vượt Qua thì họ phải giết một con chiên. Nhưng trong suốt hai ngàn năm dân Do Thái chẳng hề giết con chiên nào. Tại sao vậy? Tại sao họ lại dâng một khúc xương, một khúc xương cháy làm của lễ? Chúa phán rằng họ sẽ trả qua nhiều ngày không có của lễ, và kể từ khi đền thờ bị phá hủy thì không có của lễ nào trong Y-sơ-ra-ên, cũng không có ê-phót hay thê-ra phim nào nữa. Họ sống mà không thờ thần tượng nào.