Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Isaac Watts: Người Đặt Nền Tảng Cho Thánh Ca Anh Quốc


Isaac Watts (1674 – 1748) là một nhà thần học, một triết gia, và là một tác giả thánh ca người Anh.  Trong khi ít người biết Isaac Watts là một nhà thần học và là một triết gia, rất nhiều người biết Isaac Watts là một người viết thánh ca nổi tiếng.
Isaac Watts được xem là người sáng lập nền Thánh Ca tại Anh quốc.  Isaac Watts là người đã kêu gọi và khởi xướng phong trào viết thánh ca mới để đáp ứng với nhu cầu tâm linh của tín hữu trong xã hội hiện tại. Isaac Watts viết rất nhiều thánh ca; trong đó có khoảng 750 bài được in và phổ biến trong suốt gần ba trăm năm qua.  Rất nhiều thánh ca của Isaac Watts đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau.  Trong cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam phát hành vào năm 1950 có 10 bài thánh ca của Isaac Watts.

Gia Thế
Isaac Watts sinh ngày 17/7/1674 tại Southampton, Anh.  Cha của ông cũng có tên là Isaac Watts.  Lúc Isaac Watts chào đời, cha của ông đang bị tù vì tham gia nhóm Tin Lành độc lập không chịu  theo khuôn khổ và tín lý của Anh quốc giáo.  Một thời gian sau, cha của Isaac Watts được trả tự do.  Isaac Watts được trưởng dưỡng trong một gia đình theo niềm tin Tin Lành không theo Anh quốc giáo.
Ngay từ thời còn nhỏ,  Isaac Watts đã được biết đến với tài xuất khẩu thành thơ.  Có lần khi bị cha mẹ hỏi, tại sao cậu bé đã mở mắt trong khi cầu nguyện.  Isaac Watts đã trả lời:
“A little mouse for want of stairs
Ran up a rope to say its prayers.”

Có lần khác, bị cha đánh đòn vì cứ đối đáp với người khác bằng thơ, cậu bé khóc và nói:
“O father, father, pity take
And I will no more verses make.”


Học Vấn
Isaac Watts thông minh và có tài về ngoại ngữ.   Cậu bé học tiếng Latin lúc 4 tuổi, tiếng Hy Lạp lúc 9 tuổi, tự học tiếng Pháp khi nói chuyện với người hàng xóm lúc 11 tuổi, và Hebrew lúc 13 tuổi.  Đến tuổi thiếu niên, Isaac Watts theo học tại King Edward VI School, một trường dành cho trẻ em nghèo tại Southampton.
Vì gia đình theo nhóm Tin Lành độc lập cho nên Isaac Watts không được học tại đại học Oxford hay Cambridge.   Hai trường đại học này lúc đó chỉ nhận sinh viên là những người theo Anh quốc giáo.  Có những tín hữu quen biết, thấy tiềm năng của Isaac Watts, muốn giúp chàng theo học tại Oxford hoặc Cambridge để sau này có thể ra hầu việc Chúa với Anh quốc giáo. Họ bằng lòng trả học phí và bảo lãnh cho chàng nhưng Isaac Watts từ chối vì không muốn từ bỏ truyền thống đức tin của mình. Do đó, năm 1690, khi được 16 tuổi, Isaac Watts theo học trường Dissenting Academy, một trường của những người Tin Lành ly khai, tại làng Stoke Newington. Hiện nay, làng Stoke Newington đã được sáp nhập vào nội ô của London.  Phần lớn cuộc đời của Isaac Watts quanh quẩn tại ngôi làng đó.

Hầu Việc Chúa
Tốt nghiệp đại học, năm 1702, Isaac Watts được mời làm mục sư cho một Hội Thánh Tin Lành độc lập Mark Lane Independent Chapel tại London.  Đây là một trong những nhà thờ Tin Lành độc lập có ảnh hưởng mạnh nhất tại London vào lúc đó.
Tại Mark Lane Independent Chapel, Isaac Watts giúp đào tạo những nhà truyền đạo.  Khác với những tín hữu Tin Lành ly khai – không chấp nhận Anh quốc giáo nhưng vẫn muốn có một tổ chức riêng của mình – Isaac Watts chủ trương một cộng đồng Hội Thánh Tin Lành phi hệ phái.
Chức vụ quản nhiệm Hội Thánh của Mục sư Isaac Watts không kéo dài lâu.  Năm 1703, chỉ một năm sau khi đến nhận chức vụ tại Mark Lane Independent Chapel, Isaac Watts bị một chứng bệnh tâm lý rất nặng, và chứng bệnh đó đã ảnh hưởng suốt cả cuộc đời còn lại của ông.  Isaac Watts phải trao phần lớn công việc trong Hội Thánh cho những người phụ tá làm; và cuối cùng đến năm 1712 thì ông từ chức mục sư quản nhiệm Hội Thánh.

Căn bệnh tâm lý không chỉ ảnh hưởng trên tinh thần nhưng trên cả thể chất.   Isaac Watts vốn nhỏ con, bây giờ càng ốm yếu hơn.  Vì quá ốm yếu nên Isaac Watts đã bị người yêu là cô Elizabeth Singer từ hôn.  Người viết tiểu sử của Isaac Watts đã ví von khi so sánh giá trị tinh thần với thân thể gầy ốm của ông, và ghi lại chuyện từ hôn đó như sau: “Mặc dầu cô ấy yêu những châu ngọc bên trong nhưng cô không ngưỡng mộ cái hòm chứa những điều đó.”
Rời chức vụ mục sư, Isaac Watts trở thành giáo viên dạy kèm.  Ông dạy học cho những gia đình quyền quý tại Stoke Newington. Isaac Watts đã dùng cơ hội này để cổ động cho việc giáo dục thế hệ kế tiếp trong Hội Thánh ly khai và xin học bổng cho những sinh viên nghèo.
Trong một lần được mời đến thăm gia đình của Lord Thomas Abney, thị trưởng của thành phố London thuộc thủ đô London.  Một trong những dinh thự của Lord Thomas Abney ở tại Theobalds thuộc làng Stoke Newington, lúc đầu Isaac Watts được mời đến thăm gia đình này chỉ một tuần, nhưng kết cuộc Lord Thomas Abney, và vợ của ông là Lady Mary, đã mời Isaac Watts ở luôn tại dinh thự của họ.
Lady Mary đã thừa hưởng từ người anh một dinh thự khác tại Abney Park.  Nhận biết Isaac Watts là người có tài năng đặc biệt, Lady Mary đã cho làm thêm hai lối đi trong vườn để Isaac Watts đi dạo để có ý tưởng làm thơ.  Bà cho ông toàn quyền dùng tháp cao nhất của tòa nhà để nghiên cứu thiên văn, và dùng văn phòng chính của tòa nhà để làm nơi nghiên cứu và viết sách.  Isaac Watts là khách danh dự đã ở với gia đình Abney trong suốt 36 năm cho tới khi ông về với Chúa.

Thánh Ca
Trong khi các tín hữu Tin Lành Lutheran đã hát thánh ca gần 200 năm, các tín hữu Tin Lành tại Anh, đến thời của Isaac Watts sống, do chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của John Calvin, chỉ hát Thánh Thi để thờ phượng Chúa mà thôi.  Isaac Watts, như những thanh niên vào thời đó, cảm thấy chán nản, mong muốn có những thánh ca mới để thờ phượng Chúa.  Khi nghe con trai phàn nàn tại sao Hội Thánh chỉ hát Thánh Thi mà thôi, cha của Isaac Watts đã nói: “Sao con không viết thánh ca mới đi?”  Một tuần sau, Isaac Watts trao cho cha bài Behold the Glories of the Lamb.   Bài thánh ca được hội thánh đón nhận; và sự nghiệp sáng tác thánh ca của người viết thánh ca có ảnh hưởng nhất nước Anh đã khởi đầu từ đó.
Isaac Watts không bác bỏ việc dùng Thánh Thi để hát ngợi khen Chúa; tuy nhiên dựa trên lời Kinh Thánh trong Thi Thiên 96:1 và 98:1 Hãy hát một bài ca mới cho Đức Giê-hô-va,”  Isaac Watts tin rằng Chúa muốn Hội Thánh có thêm những thánh ca mới để tôn ngợi Ngài.  Vì các tác giả Thi Thiên đã sáng tác trong bối cảnh của Thánh Kinh Cựu Ước, Isaac Watts lý luận rằng cái mới trong thánh ca hiện đại cần có là lời thánh ca phải đặt nền tảng trên đức tin nơi Đức Chúa Jesus, trong ánh sáng của Thánh Kinh Tân Ước, trình bày trong ngôn ngữ hiện đại, phản ảnh tấm lòng và kinh nghiệm theo Chúa của thế hệ tin Chúa hiện nay. Trong tác phẩm Psalms of David Imitated in the Language of the New Testament (1719), Isaac Watts nói rằng những Thi Thiên của Đa-vít cần được dịch lại để chúng ta có thể nghĩ rằng Đa-vít đang sống và viết Thi Thiên đó cho thế hệ hiện nay.

Isaac Watts nói và ông đã làm. Tác phẩm Psalms of David Imitated in the Language of the New Testament gồm hơn hai trăm bài thơ do Isaac Watts sáng tác.  Những bài thơ này diễn đạt các Thi Thiên theo ngôn ngữ của Thánh Kinh Tân Ước.  Dựa trên Thi Thiên 98, Isaac Watts đã sáng tác Joy to the World (Thánh ca Phước Cho Nhân Loại – Bài số 54), và dùng Thi Thiên 90 để viết Our God, Our Help in Ages Past  (Thánh ca Đấng Xưa Giúp Chúng Tôi – Bài số 44).  Ít người để ý là hai bài thánh ca này của Isaac Watts là cách diễn đạt mới trong Anh văn của hai Thi Thiên nói trên.
Như đa số những người đề xướng những cải cách phải đối diện, Isaac Watts đã gặp nhiều chống đối.  Có người đả kích ông bằng những dòng chữ sau: “Các Hội Thánh Cơ Đốc!  Hãy bỏ những Thi Thiên được cảm hứng thiên thượng và đón nhận những thánh ca lãng mạn của Isaac Watts.”
Khi nghe những đề nghị của Isaac Watts, một số Hội Thánh chia rẻ, mục sư bị chỉ trích, tín hữu xào xáo, nhưng cuối cùng khải tượng mà Chúa hướng dẫn Isaac Watts thực hiện đã được chấp nhận.  Samuel Johnson, một nhà ngữ học cùng thời với Isaac Watts, đã nhận xét: “Isaac Watts là người đầu tiên đã dạy cho các tín hữu Tin Lành ly khai rằng họ có thể viết và nói như những giới khác, bằng cách chỉ cho họ rằng sự tao nhã và niềm tin nhiệt thành phù hợp với nhau.”

Cống Hiến
Isaac Watts không chỉ là một nhà thơ và là người viết thánh ca.  Trong những năm cuối đời, Isaac Watts đã viết hơn 30 luận đề về thần học; những bài nghiên cứu về tâm lý học, thiên văn học, triết học; ba tuyển tập những bài giảng; một tuyển tập thánh ca cho thiếu nhi.  Cuốn sách dạy về logic của Isaac Watts mang tựa đề Logic, or The Right Use of Reason in the Enquiry After Truth With a Variety of Rules to Guard Against Error in the Affairs of Religion and Human Life, as well as in the Sciences, là sách giáo khoa được dùng tại các đại học Oxford, Cambridge, Harvard, và Yale.  Tại Oxford, cuốn sách này đã được dùng hơn 100 năm và được tái bản 24 lần. Những nguyên tắc logic trong cuốn sách này đã được dùng để dạy nhiều thế hệ sinh viên sau đó, và ảnh hưởng đến những phát minh về điện toán trong những thế kỷ sau.
Tuy nhiên, di sản lớn lao nhất mà Isaac Watts đã để lại là những bài thơ ông viết để làm lời thánh ca.  Cotton Mather – một khoa  học gia, một mục sư, và là một nhà lãnh đạo tôn giáo uy tín tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 18, là người đã xuất bản 450 cuốn sách – thường xuyên trao đổi thư từ với  Isaac Watts.  Benjamin Franklin – một trong bảy nhân vật đã lãnh đạo đấu tranh giành độc lập cho Hoa Kỳ, và cũng là một khoa học gia – đã cho in những thánh ca của Isaac Watts.  John Wesley – người sáng lập Hội Thánh Tin Lành Giám Lý – đã gọi Isaac Watts là một con người xuất chúng.  Dầu vậy, Isaac Watts vẫn khiêm tốn nói rằng Charles Wesley – người đã noi gương ông viết thánh ca – mới chính là người cống  hiến nhiều nhất cho nền thánh ca của nước Anh.  Isaac Watts nói rằng chỉ một bài thánh ca Wrestling Jacob của Charles Wesley đã giá trị bằng tất cả những thánh ca mà ông đã viết.
Isaac Watts về với Chúa ngày ngày 25/11/1748 tại Stoke Newington. Ông được an táng tại nghĩa trang Bunhill Fields, tại London.
Châu Thanh
Tháng 10/2015

Thư Viện Tin Lành