Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Frances R. Havergal


Frances Ridley Havergal (1836-1879) là một nhà văn, nhà thơ người Anh nổi tiếng trong thế kỷ 19. Bà cũng là một người viết thánh ca nổi tiếng.

Gia Thế

Frances Ridley Havergal sinh ngày 14 tháng 12 năm 1836 tại Astley, Worcestershire, Anh quốc; là con của Mục sư William Henry Havergal và bà Jane Head Havergal. Mục sư William Henry Havergal, cha của Frances Ridley Havergal là một nhà văn, một nhạc sĩ, và là người biên soạn thánh ca nổi tiếng trong thế hệ của ông.
Frances Ridley Havergal là em út trong một gia đình có sáu anh chị em. Trước khi Frances chào đời, ông bà Mục sư William Henry Havergal đã có năm người con là Miriam (19 tuổi), Henry (16 tuổi), Maria (15 tuổi), Ellen (13 tuổi), và Frank (7 tuổi). Là con út trong gia đình, do các anh chị đã lớn nên Frances Ridley Havergal được cha mẹ và các anh chị đặc biệt yêu thương; một phần vì cô nhỏ nhất trong gia đình, xinh đẹp, rất thông minh; phần khác vì tình trạng sức khỏe của Frances Ridley Havergal rất yếu. Frances Ridley Havergal mắc bệnh đau nhức kinh niên từ thời thơ ấu.

Năng Khiếu

Từ lúc còn nhỏ Frances Ridley Havergal đã có trí nhớ và bộc lộ sự thông minh đặc biệt. Cô bé biết đọc lúc 3 tuổi. Maria, chị của Frances, cho biết trong những năm sau đó Frances thuộc lòng tất cả các sách trong Thánh Kinh Tân Ước, trừ sách Công Vụ; còn Thánh Kinh Cựu Ước, Frances thuộc tất cả các Thi Thiên, sách Ê-sai và các sách Tiểu Tiên Tri.
Lớn lên trong một gia đình tin kính Chúa, mỗi ngày gia đình đều có giờ cầu nguyện, học Kinh Thánh, vì thế Frances Ridley Havergal hiểu Kinh Thánh, biết Chúa và yêu mến Chúa. Năm Frances Ridley Havergal được 7 tuổi, các chị cô đều lập gia đình. Năm Frances 11 tuổi (1848), mẹ cô về với Chúa; sự ra đi của những người thân yêu để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn cô bé.

Học Vấn

Là một người nhạy cảm, sống một mình với cha trong một căn nhà rất lớn, Frances Ridley Havergal đã dành nhiều thì giờ đọc sách. Sách trong thư viện của Mục sư William Henry Havergal, cha cô, đã giúp cho Frances Ridley Havergal không những chỉ hiểu Kinh Thánh thật sâu sắc, nhưng được học biết thêm về âm nhạc, thi ca, khoa học, triết học, thần học và cổ ngữ. Kiến thức Kinh Thánh sâu sắc, cộng thêm sự hiểu biết về khoa học, ngôn ngữ, triết học, thần học và văn học, đã giúp Frances Ridley Havergal trở thành một nhà văn và nhà thơ nổi tiếng về sau.
Bên cạnh thú vui đọc sách, Frances Ridley Havergal rất yêu thích thiên nhiên. Cô thường ra vườn tìm hiểu cây cỏ, côn trùng, rồi đối chiếu với những điều mình đọc trong sách. Lòng yêu mến thiên nhiên khiến Frances Ridley Havergal cảm nhận những vẻ đẹp và giá trị của các tạo vật mà Chúa đã dựng nên; và từ đó giúp cô càng yêu mến Chúa.
Một thời gian sau, Mục sư William Henry Havergal đã gởi Frances Ridley Havergal đến London để học nội trú, tạo cho cô dịp tiện được giao thiệp với bạn bè cùng lứa tuổi. Là con của mục sư, biết Chúa và yêu Chúa, nhưng đến năm 14 tuổi Frances Ridley Havergal mới thật sự tiếp nhận Chúa (1850). Người đã hướng dẫn Frances Ridley Havergal tin Chúa là cô giáo Caroline Ann Cooke, là người sau đó, đã trở thành mẹ kế của Frances Ridley Havergal (1851).

Tài Năng

Lúc Frances Ridley Havergal 17 tuổi, theo chương trình huấn luyện của trường, cô được gởi sang Đức học một năm (1852-1853) tại Louisenschule, một trường dành cho nữ sinh ở Dusseldoff. Tại đây, năng khiếu của Frances Ridley Havergal được xác nhận. Frances Ridley Havergal nói tiếng Đức, tiếng Pháp lưu loát, và có thể nói tiếng Ý gần hoàn hảo. Một giáo viên dạy sinh ngữ cho Frances Ridley Havergal - là một mục sư người Thụy Sĩ - cho biết Frances đọc Kinh Thánh trong nguyên văn Hebrew và Greek trôi chảy, và cô hiểu sâu sắc các tác phẩm thần học do những nhà cải chánh trong thế kỷ 16 viết trong tiếng Đức hoặc Latin.

Cống Hiến

Một trong những năng khiếu khác của Frances Ridley Havergal là âm nhạc. Cô giỏi âm nhạc, đàn piano xuất sắc và có giọng hát tuyệt hay. Rất nhiều lần Frances Ridley Havergal được mời trình diễn âm nhạc cho công chúng nhưng cô từ chối và quyết định chỉ dùng tài năng âm nhạc cho Chúa. Trong suốt cuộc đời của Frances Ridley Havergal, cô đã sáng tác vài trăm thánh ca. Một số bài đã được dịch sang tiếng Việt như Ta Hy Sinh Vì Con (#92), Khúc Kim Cầm (#113), Nguyện Cung Hiến Chúa Trọn Đời Tôi (#231), Tôi Luôn Thuộc Về Chúa Giê-xu (#232), Nguyện Đời Tôi Dâng Chúa (#236), Con Sông Thái An (#275), Lạy Chúa! Hãy Phán Với Tôi (#321), Trung, Thành, Tín, Nghĩa (#378). Những bài thánh ca Frances Ridley Havergal đã sáng tác diễn tả một tình cảm sâu đậm, nồng nàn giữa một cá nhân với Chúa.

Bên cạnh việc sáng tác thánh ca, Frances Ridley Havergal đã dùng việc dạy nhạc như là một phương tiện truyền giáo nhằm giúp các thiếu nữ thời đó hiểu biết Lời Chúa. Trong một bức thư viết cho John Curven, Frances Ridley Havergal mô tả lại việc cô dạy Tonic Sol-fa mà cô đang thực hiện để giúp các thiếu nữ hiểu Kinh Thánh. Frances Ridley Havergal kết thúc bức thư với những dòng chữ nói lên mục đích công việc của cô: “… để đem họ đến nghe những lời yêu thương và từ ái của Đấng mà danh ngọt ngào hơn bất kỳ loại âm nhạc nào.”
Bên cạnh việc sáng tác thi ca và thánh ca, Frances Ridley Havergal đã viết rất nhiều sách. Sau khi cô qua đời, tác phẩm của cô được sưu tập và xuất bản, gồm 5 tuyển tập dày hơn 8000 trang, bao gồm Behold Your King (thơ), Whose I Am and Whom I Serve (văn xuôi), Loving Messages for the Little Ones (sách và truyện cho thiếu nhi), Love for Love (thư từ, nhật ký, bút ký, hồi ký, tiểu sử), và Song of Truth and Love (nhạc và thánh ca).

Nhận Định

Một số nhà nghiên cứu cho rằng về phương diện văn học, văn thơ của Frances Ridley Havergal giống như nhạc của Bach, Beethoven, …, tranh của Rembrandt, Monet, …, thi ca của Shakespeare, Goethe, …, có những nét độc đáo, không nên sửa hay hiệu đính. Mục sư Charles Spurgeon, một nhà truyền giảng nổi tiếng tại Anh vào thế kỷ 19, đã đọc và khen ngợi những tác phẩm của Frances Ridley Havergal.
Frances Ridley Havergal là người có đức tin nơi Chúa rất mạnh và có tinh thần lạc quan, nhưng phần lớn những năm tháng trong cuộc đời, cô phải đối diện với bệnh tật. Nhiều lần bác sĩ nói với cô rằng cô phải chọn giữa sáng tác và sự sống, vì sức khỏe của cô không cho phép làm cả hai. Năm 1860, Frances Ridley Havergal đã nghe lời bác sĩ, giảm sáng tác một thời gian. Tuy nhiên đến năm 1869, khi tác phẩm Ministry of Song được xuất bản, Frances Ridley Havergal viết rằng cô lấy làm tiếc vì đã bỏ qua 9 năm không hầu việc Chúa tối đa như lòng cô mong muốn.

Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời mình, Frances Ridley Havergal tích cực sáng tác. Cô chấp nhận mất sức khỏe - và có thể cả mạng sống - để được ca ngợi Chúa, hơn là sống mạnh khỏe mà không hầu việc Ngài. Sau nhiều tháng nằm trên giường bệnh, Frances Ridley Havergal về với Chúa vào ngày 3/6/1879, hưởng thọ 42 tuổi. Trước khi về với Chúa, cô vẫn cố gắng hoàn tất việc hiệu đính cuốn Kept for the Master’s Use.
Frances Ridley Havergal được an táng tại Astley, nơi cô đã chào đời. Frances Ridley Havergal được ghi nhận là một trong những nhà văn Cơ Đốc xuất sắc tại Anh vào cuối thế kỷ thứ 19. Trong số những tác phẩm của cô, hai bài thánh ca Take My Life and Let It Be (Nguyện Đời Tôi Dâng Chúa Thủy Chung) và I Gave My Life for Thee (Ta Hy Sinh Vì Con) được hàng chục triệu người tin Chúa khắp thế giới yêu thích. Tên của cô được đặt cho Havergal College, một trường dành cho nữ sinh tại Canada.

Thánh Ca Lời Việt

Dưới đây là danh sách một số tác phẩm của Frances Ridley Havergal đã được dịch sang tiếng Việt.


Tài Liệu